Nhạc trở nên hỗn loạn, rất lớn, rất mạnh, làm rung các lồng ngực. Các tia laser chiếu khắp nơi, gặp nhau, rời nhau, thành các hình ảnh bất ngờ. Các cặp nhẩy tưng bừng. Trong bóng tối, tôi không nhìn thấy cái áo đen của ve sầu, mà chỉ thấy các vòng vàng chói, làm nổi bật thân thể tròn trĩnh, khuôn mặt trái xoan với đôi mắt đen xanh (như đôi mắt của một con ve), tròn, to, đôi môi nhấp nhánh hút điếu thuốc lá, khói thuốc bay lẫn vào các tia laser như sương mù trong thung lũng mùa đông. Tôi định ôm cô gái thì cô ta sát người vào người tôi y như tôi mong muốn, y như sự mong muốn trong một giấc mơ, và hai đầu chúng tôi chạm vào nhau. Tiện thể chúng tôi nhẩy, má cọ má, lắng nghe nhạc du dương.
- Em bao nhiêu tuổi? Tôi hỏi khẽ cô gái.
- Anh nói nhẹ như gió mùa thu.
- Ủa? Em có nghe thấy anh nói không?
- Tiếng của anh đã bị nhạc mang đi mất rồi.
- Em bao nhiêu tuổi?
Cô gái lùi lại một bước nhìn tôi. Chúng tôi mỉm cười. Tôi không hiểu tại sao tôi lại hỏi tuổi cô gái, làm như tôi buột miệng mà hỏi chứ không phải tôi muốn. Cô gái lấy ngón tay để nhẹ lên mí mắt tôi.
- Em mới 18 tuổi. Em đang khát nước!
Ly của ve sầu đã cạn, tôi cầm lấy ly của tôi đưa cho cô gái. Cô ngửa đầu uống một hơi hết. Tôi nói:
- Tôi tên là Đởm. Một thứ tên quê mùa, như cái lòng quê của tôi.
Tôi muốn hỏi cô gái địa chỉ và số dây nói. Cô ta trả lời với một nụ cười:
- Tên em là Ve… Ve Sầu!
- Tên nghe cũng là lạ!
- Có gì mà lạ! Em tên là Ve, tiện thể người ta gọi em là Ve Sầu. Ve thì vui, ve có bao giờ sầu! Sầu là buồn bã sầu muộn. Thực là trước ngược.
- Vậy em tên thật là gì?
- Sao mà anh tò mò thế! Nàng trả lời và ngả đầu lên vai tôi. Tóc nàng làm buồn buồn trên cổ tôi, nhưng tôi không nhúc nhích mà cũng không hỏi thêm gì nữa. Tôi chỉ ôm cái lưng nhẹ bỗng, nhẹ đến nỗi có thể bay bổng lên được. Vẫy cánh vài cái là cô gái sẽ từ từ bay lên không, giữa trần nhà, cạnh cái quả bóng tròn làm bằng hàng trăm mảnh kiến nhỏ.
Tôi ngắm khuôn mặt nàng trong bóng tối, khuôn mặt thanh và đẹp, như tất cả các cô gái thời này, như là vừa mới ra từ một tạp chí thẩm mỹ. Tự nhiên tôi thấy nhẹ nhõm cả tâm hồn, vì không bao giờ tôi sẽ mất nàng, vì còn bao nhiêu cô gái gần hoàn toàn giống nàng trên trái đất này. Tôi thoát khỏi sự độc nhất của bản thể để tìm thấy sự biến dạng và đa dạng của mọi vật, không những qua đời trước đời sau mà ngay cả lúc này.
- Người ta gọi em là Ve Sầu vì em lúc nào chẳng vô tư lự, hay hát, thích nhẩy.
Sau khi giải thích, cô gái dơ ngón tay trỏ đánh nhịp theo âm nhạc, đầu hơi lắc lư, mắt lạc vào hư vô. Rồi thân thể nàng bắt đầu theo nhịp, như bị thúc giục bởi một nhu cầu cần thiết. Cô ca sĩ nổi tiếng, Vân Vân, sát đôi môi đỏ như máu vào mi-crô. Nàng không hát mà chỉ thì thầm bài hát làm người ta nghe thấy hơi thở lẫn tiếng lưỡi đập của nàng. Tiếng nàng hát lớn dần dần, càng ngày càng mạnh, trong và trầm như hát trong nhà thờ. Và ban nhạc phụ hoạ, nâng đỡ, trìu mến, như một đối thoại yêu thương, đầy thề thốt.
- Anh muốn nhẩy không? Ve Sầu hỏi tôi. Tôi đứng dậy, cầm tay nàng, dẫn nàng đi len lỏi qua các bàn ghế. Trong khi đi, tôi đụng chân vào một cái va ly – Ai lại đến chỗ khiêu vũ này với một cái valy? – Đặt dưới một cái bàn? Một người đàn ông hình dáng tầm thường xin lỗi tôi. Nhưng tôi đâu có để ý tới ông ta,tôi chỉ chú ý đến cô gái Ve Sầu đang nắm nhẹ tay tôi nhiều lần như muốn truyền cho tôi một điều gì bí mật.
Tôi nhìn kỹ cô gái, đôi mắt xanh đậm phần như đen, đôi môi đỏ chói, cái thân thể nõn nà trong các vòng băng tròn mầu vàng, và dò hỏi cô ta muốn nói gì. Đó là một sự mời mọc, một cái gì thân mật, giản dị như một bông hoa đang nở, vô ích như một vì sao lạc.
Trông nàng nõn nà và tin cẩn làm tôi tưởng tôi là một con rắn cắp đớp một con nhái béo ngậy, dễ dàng, ngon lành.
Nhạc trổ rafgac, rồi đánh bossa-nova, tango, blues, rock, disco, soul, tecno, thực đủ loại. Theo nhạc, cô gái uyển chuyển người, đôi mông tròn, đôi chân lê trên sàn theo điệu nhẩy 1950 của Jane Powell hay Debbie Reynold. Nàng quay quanh tôi, trong cái áo đen vàng, khi chạm vào tôi, khi chạy ra xa. Nàng khe khẽ hát bài hát của Vân Vân, nàng ôm tôi vào đôi tay mảnh mai, quay lưng đi, quay mặt lại, chân tay mềm mại, vung tóc đập vào mặt tôi. Nàng thực là một con ve chỉ biết hát và nhẩy.
Khi gần tôi, nàng ghé vào tai tôi hỏi:
- Anh có để ý anh chàng có cái valy?
- Có, có chứ…
Tôi chưa nói xong thì nàng đã đi lẫn vào đám người đang nhẩy. Khi nàng quay lại thì nàng lại nói nhỏ:
- Anh chàng hoàn toàn lạc lõng ở nơi này, anh ta ăn mặc như một người bán hàng dạo.
Rồi nàng lại biến đi, bụng rung chuyển múa như một cô vũ nữ chuyên môn múa bụng. Rồi nàng quay thành những hình tròn, như thế đủ biết nàng khéo léo múa làm sao. Nàng nháy tôi:
- Anh chàng có thể là thám tử theo dõi cặp nhân tình ngồi cạnh cái cột đá, nàng mặc hoàn toàn trắng, chàng cũng mặc đồ trắng, đầu đội cái mũ rơm. Chắc nàng rất giầu, anh chàng chắc chả kém. Anh có để ý thấy hòn kim cương to tướng mà nàng đeo ở ngón tay?
Như để trả lời tôi, hòn kim cương rọi vào mắt tôi một tia sáng mầu lam rực rỡ làm tôi bàng hoàng. Anh chàng có lẽ là một kỹ nghệ gia đi du lịch, tóc phần trắng xoá, mắt sáng nhìn thẳng vào mắt người ta, da sám nắng, thân thể mạnh mẽ như một nhà thể thao. Còn cô gái thì giống Oanh quá, đến nỗi tôi muốn chạy lại hỏi xem nàng có phải là Oanh không. Đã nhiều lần tôi gặp những người giống nhau như hai giọt nước. Chính tôi cũng giống y hệt một nhạc trưởng nổi danh, đến nỗi một bà bạn cũ đã cắt hình ông ta trong báo để gửi cho tôi. Vậy cô gái ngồi kia có thể là hay không là Oanh. Tôi tạm gọi nàng là Oanh cho tiện kể tiếp.
Anh Kỹ nghệ gia – hay khách du lịch – nâng cốc sâm banh, Oanh cũng nâng cốc. Hai người uống, mắt nhìn mắt, tay quàng tay. Mắt cô gái – hay là mắt Oanh? – Nhìn tôi trong hai giây như dò hỏi, rồi nhìn đám người đang khiêu vũ, cô Ve Sầu cạnh tôi, anh kỹ nghệ gia, anh này trả lời cái nhìn bằng một nụ cười sáng loáng như trăng lưỡi liềm, vì răng anh rất trắng, rất đều. Ngay lúc đó, có lẽ một ảo tưởng, tôi nhìn thấy một hình người cao bằng ngón tay trỏ đang múa trong cốc sâm banh của Oanh. Sau khi múa vài cử động, hình người đó biến mất, sung sướng như khi đã hiện ra, chứng nhận rằng đù là ảo ảnh hắn cũng đã sống. Tôi không dám thổ lộ gì cho Ve Sầu, sợ nàng cho tôi là lập dị.
Khi Ve Sầu và tôi trở về bàn của chúng tôi, tôi cố ý đi sát vào bàn của Oanh và anh kỹ nghệ gia. Cái nhẫn kim cương thực là đẹp, luôn luôn ném những tia sáng đủ mầu đi mọi hướng. Và tôi thấy rõ rằng trong ly sâm banh của Oanh không có một hình nộm nào cả.
Ve Sầu thúc khuỷu tay vào tôi:
- Anh chàng có cái valy đã đi rồi.
- Chắc anh ta đã chán cảnh nhẩy nhót.
- Không, anh ta đi vì anh ta yêu cái cô áo trắng đeo nhẫn kim cương. Em khát nước. Anh kêu một ly Gin-tonic cho em đi!
Chúng tôi ngồi sát vào nhau, nàng để tay vào tay tôi, cử chỉ này làm tôi cảm động vì đã nhắc đi nhắc lại hàng nghìn năm rồi. Đôi môi nàng mấp máy hát buồn buồn cạnh tai tôi, thu gọn chúng tôi vào một thứ tình yêu cô độc chỉ có hai người, tiếng hát gần gụi, rõ rệt đến nỗi tôi có thể sờ nó, hôn nó được. Tôi thoảng thấy mùi thơm say say của nhãn, vải quả chín, như mùi rượu. Tự nhiên tôi muốn tâm sự, và thú thực:
- Tôi chỉ là một hình nộm bé nhỏ, tôi ngạc nhiên nói.
- Ai giật dây anh? Phải có người giật dây thì hình nộm mới sống được. Hình nộm chỉ sống cho một người nào, vì một người nào.
- Anh chàng có cái valy cũng là tôi!
Cô Ve Sầu cười, thích thú. Đởm tìm cách giải thích cho cô gái:
- Thực vậy! Dù rằng rất khó tin. Ve nhìn kỹ tôi mà xem!
Nàng ngồi thẳng lên nhìn Đởm mà như không thấy Đởm. Các tia laser, sau khi phản chiếu vào hàng trăm tấm kính của quả cầu, làm Đởm giống thứ hình nhấp nhánh không thực của một cuốn phim đen trắng cũ.
- Còn cô gái áo trắng tên là Oanh.
- Anh biết nhiều điều nhỉ, cô Ve Sầu ghẹo Đởm.
Và nàng lôi tôi ra khỏi sàn nhẩy.
Ánh sáng, âm nhạc, trộn lẫn nhau, trả lời nhau. Đôi chân không của Ve Sầu lướt trên sàn gỗ hầu như không chạm. Người ta có cảm tưởng là nàng biết bay. Thực vậy, nàng nhẹ nhàng, lượn đi lượn lại, đôi khi kéo cái váy lên lộ đôi chân dài, thon thon. Tại sao mà nàng thèm khát sống như vậy? Làm sao mà nàng sống đam mê mãnh liệt như vậy? Tôi chạy theo Se Sầu, ngửi các mùi quả chín trong từng nếp áo và tôi hát lớn hơn mọi khi.
*
Một buổi sáng bình thản, một ngày lễ, mây trắng bàng bạc khắp trời, không trung bâng khuâng êm ả như bông gòn, tôi ra cửa sổ nhìn xuống đường rồi trở lại cạnh Oanh đang ngồi viết truyện. Nàng ngước mắt nhìn tôi, hỏi:
- Anh cần gì?
- Muốn chúng ta lại gặp nhau. Nghĩa sống lại sự gặp gỡ giữa chúng ta. Có khó gì đâu, chỉ việc tới chỗ cũ, nhắc lại từng cử chỉ, từng lời nói.
- Anh còn nhớ hết không?
Tôi nhớ, nhớ rõ ràng lắm. Đó là một chiều đông lạnh ở Hòn Gai, gần mỏ than. Tỉnh lỵ nhỏ, đầy sương mù và mưa phùn không dứt, thấm qua quần áo, lạnh tới xương tủy. Chúng tôi là một nhóm sinh viên đi thăm viếng các tỉnh miền Bắc, tình cờ lạc tới quán cà phê này để sưởi ấm một chút. Quán cà phê cao hơn mặt đường, phải leo lên vài bực đá mới tới cửa. Lan can bằng sắt đen nhẵn. Bóng đèn trơ trụi, ném một ánh sáng vàng vàng ấm cúng. Tự dưng tôi thấy lạc lõng, thấm vào một nỗi buồn không tên, khi tôi đang theo mấy người bạn bước vào quán cà phê. Tôi mệt mỏi, sau nhiều ngày đi thăm viếng vì tối nay, tôi chỉ muốn nghỉ chân một chút.
Trong quán cà phê mọi người nhìn chúng tôi. Phần lớn họ là thợ mỏ. Sương mù và lạnh lùa theo chúng tôi vào quán ồn ào, đầy khói thuốc lá. Chúng tôi đứng sững lại, ngần ngừ, rồi mới bước vào. Tình cờ tôi dừng lại ngay cạnh Oanh. Nàng ngồi cùng bàn với ba người thợ, đầu đội khăn mỏ quạ đen, áo bông xù. Bỗng nàng kéo tay tôi:
- Lại đây anh!
Khi bàn tay nàng xiết bàn tay tôi làm tôi xúc động.
- Anh ở dâu tới đây?
Tôi thẹn đỏ mặt, đứng sát vào người nàng. Tôi lúng túng trả lời:
- Tôi không biết!
Ba người thợ và Oanh phá ra cười:
- Anh ta không biết từ đâu tới!
Tôi muốn chui xuống đất, muốn biến thành một nhân vật tưởng tượng, vì tôi quá ngượng. Oanh xiết chặt tay tôi hơn, như vuốt ve tôi:
- Lại đây, làm gì mà thẹn thò như con gái!
Tôi không cưỡng lại được sự quyến rũ của Oanh. Nàng quàng tay quanh người tôi, kéo tôi sát vào người nàng. Tôi đứng, nàng ngồi. Các bạn tôi thì uống cà phê và bia hoặc ở quầy, hoặc ở bàn phía trong. Tôi còn nhớ rằng quán cà phê rất giản dị, nghèo nàn, bàn ghế bằng gỗ mộc, đèn điện không có chụp, ly, chén có khi hơi sứt mẻ. Oanh vuốt ve tôi trìu mến hơn, nàng biết là tôi rất xáo động:
- Anh tưởng là chúng tôi không biết sao? Tay anh run trong tay tôi. Anh cũng là da, là thịt, chứ có phải là sắt đá? Mọi người cười. Oanh coi tôi như một cậu bé con. Cái khăn mỏ quạ đen, cái áo bông xù, làm nàng có vẻ lớn tuổi hơn tôi nhiều, như một người chị.
Đây mới là sự gặp gỡ thực, giữa nàng và tôi, không thơ mộng, không tiểu thuyết, một sự gặp gỡ tầm thường của một anh sinh viên và một cô gái quê.
*
Buổi trưa mới bắt đầu. Tôi ăn cơm trong một quán nhỏ, bàn ghế mộc mạc, gần rặng hoa râm bụt chạy dọc theo một con đường nhỏ lát gạch. Vài con chuồn chuồn, đỏ, xanh, đen, bay lên nhẹ như tờ giấy, rồi lại đậu xuống những lá xanh sẫm. Tôi muốn ăn thật nhiều, uống cho say sưa. Đậu rán vàng nóng hôi hổi, rau muống xào tỏi, canh mùng tơi, cà pháo dầm tương Cự Đà thơm ngát, cơm gạo tám ngọt và dẻo, rượu đế dễ uống, tôi mềm môi nốc luôn mấy chén, tráng miệng bằng bánh mật trong như hổ phách bọc lá chuối! Cà phê phin rỏ từng giọt trong cái chén sành. Cô gái hầu có đôi mắt bồ câu đưa tôi một đĩa đường phèn, đôi môi cắn chỉ mỉm cười lộ hàm răng ngọc. Tôi khoan khoái duỗi chân, uống từng hụm nhỏ, nhìn mơ hồ một buổi trưa dài như không bao giờ hết!
Tôi ra đường. Trời nắng to làm tôi chói mắt. Tôi kéo vành mũ xuống và đi về phía Oanh làm việc.
Tôi nấp sau một gốc cây, nhìn qua công viên, về nơi Oanh làm việc, một công ty du lịch của Nhà nước. Nàng về đây đã hơn một tháng, chắc chắn không biết là tôi đã tìm thấy dấu vết nàng, và cũng không thể ngờ là tôi đã trở thành một người vóc độ bình thường. Có lẽ nàng tưởng tôi đã mất tích hay đã chết nơi nào rồi. Có lẽ nàng đã tìm cách quên tôi và đã lập một cuộc đời khác.
Tôi yên tâm, thấy nàng làm việc như thường, dáng điệu thong thả, duyên dáng. Tôi biết dưới cái bề ngoài này, nàng dáng liều lĩnh sống, khác hẳn tôi, vì vậy tôi theo nàng, như một anh thư ký muốn đi du lịch nước lạ. Theo dõi Oanh cũng là một du hành nhiều bất ngờ. Tay tôi cầm cái valy, tôi nhìn từng cử chỉ của Oanh, từng nếp tà áo mềm mại theo cử động của nàng. Nàng còn nhớ tôi chăng? Còn nhớ anh lính cổ xưa? Nhớ phong cảnh đầy ve sầu và nhãn, vải? Tôi cảm động, muốn đi băng qua công viên, ôm lấy nàng để nói rằng tôi yêu nàng. Nhưng tôi không dám và không muốn, sợ rằng cuộc đời tôi, cũng như cuốn tiểu thuyết của Oanh, sẽ hoàn toàn khác, chỉ vì một cử chỉ nhỏ: đi qua công việc, ôm Oanh, nói là chúng tôi lại gặp nhau.
Tôi nín thở: anh kỹ nghệ gia, hay anh khách du lịch, đẩy cửa vào. Oanh ngước mắt, mỉm cười:
- Chào ông!
- Chào cô, tôi muốn biết vùng này có thắng cảnh gì hay?
- Ông ở đây bao lâu? Tôi có thể lập một chương trình cho ông.
Anh ta nghĩ ngợi và nhìn Oanh đăm đăm. Nàng vừa tắm nước mưa, quần áo còn đượm mùi nước và xà phòng. Đôi môi vẫn bình thản, hồng tươi, hé một nụ cười trong suốt. Anh khách du lịch, đẹp trai, cao mảnh khảnh, đầu đôi mũ rơm, có duyên, làm Oanh xiêu lòng. Anh ta nhìn qua cửa kính, về phía công viên đầy ánh nắng và bóng râm của các cây bàng, có hoa râm bụt đỏ thắm, có chuồn chuồn bay nhẹ, và có tôi đang nấp sau gốc cây cùng cái valy.
Oanh đưa tài liệu du lịch, giảng giải cho anh kỹ nghệ gia. Anh ta nói:
- Tôi muốn thăm các đền đài cổ kính.
Và anh ta đọc thơ Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Vô tình tôi cũng ngâm câu thơ đó trong khi tôi đẩy cửa bước vào.
- Ông có xe hơi không? Nàng hỏi anh khách du lịch mà không nhìn tôi.
- Không, tôi đến đây bằng xe đò. Tôi tìm một khách sạn.
- Tôi có nhiều cuộc thăm viếng, có cả người chỉ dẫn đi theo.
Ba giờ trưa nay có một chuyến đi thăm thành Cổ Loa.
Oanh nhìn tôi kỹ hơn, nhưng không nhận ra tôi. Vì tôi chỉ là một nhân vật, chứ không phải là người thực, thay đổi hình dáng tuỳ theo ý của tác giả, mà tác giả lại là Oanh. Nàng mỉm cười, giống như cái mỉm cười nàng cho tôi khi chúng tôi ngủ trưa, trên cái giường lớn chìm trong bóng râm của căn phòng cửa sổ đóng, chúng tôi tìm nhau không nói, mỗi người chờ đợi sự khoái lạc sẽ tràn ngập thân thể mình. Tôi muốn nói tôi là Đởm, đang đi tìm nàng, nhưng lại thôi, tò mò xem nàng sẽ làm gì. Các khách du lịch tới đông, ồn ào. Một cô gái tới làm phụ Oanh. Tôi ra khỏi cơ sở, tay cầm cái valy. Tôi bắt gặp Oanh nhìn theo tôi trong khi tôi đi về phía bến xe đò.
*
Anh kỹ nghệ gia – về sau tôi biết tên anh là Khanh – đầu đội mũ rơm, áo quần trắng tinh, ngừng cái xe không mui trước cửa nhà Oanh, trước cửa đền Hàng Trống, Hà Nội, khi khói hương bay tản mát khắp phố, các bà xì sụp khấn lễ, xin thẻ, xin lộc, đầy ra tận hè đường.
Oanh và Khanh đã đi du lịch khắp mọi nơi, tôi đã đi theo họ, tay cầm cái valy, từ tỉnh này qua tỉnh khác, khi mất dấu vết họ, khi lại tìm thấy, kín đáo như một gián điệp có một sứ mệnh quan trọng. Hành trình của họ, đối với tôi, không có lý, làm tôi rối loạn không biết nghĩ sao. Tôi không ưa sự ham mê làm mình lầm lỡ, sự quá khích làm mù quáng, sự quá tin tưởng làm ta không nhìn xa. Lúc nào tôi cũng cố giữ đầu óc sáng suốt. Nhưng trí nhớ tôi không trung thành, làm tôi lẫn lộn thực tế với tưởng tượng, đến nỗi tôi không còn là tôi nữa. Tôi là ai? Tôi đợi tới ngày nào tôi mới biết được? Bây giờ tôi chỉ biết đi theo dò Oanh Khanh. Có thể họ sẽ là câu trả lời. Có thể… làm sao mà biết được? Vả lại thực ra tôi có muốn đặt câu hỏi không?
Mãi cũng quen, Khanh không để ý đến sự có mặt hơi lạ nhưng kín đáo của tôi. Trong máy bay cô chiêu đãi viên đặt khay thức ăn, có cả rượu sâm banh, cho Oanh và Khanh. Oanh uống một hụm lớn. Khanh hỏi:
- Oanh!
- Dạ!
Oanh ngừng ly rượu trong không, cạnh cái cửa sổ nhỏ đầy ánh phản chiếu của mây trắng. Chúng tôi bay ở độ cao 10.000 thước. Nhiệt độ ở ngoài, dưới 12 độ. Khanh hỏi:
- Cái anh chàng ngồi ở phía sau có vẻ theo dõi mình từ lâu. Em có điều bí mật gì không?
- Không! Oanh trả lời, lơ lửng.
Oanh nâng ly rượu lên đôi môi hồng nhạt, nghiêng đầu trên vai trái, má đụng vào cái khăn lụa mầu nâu đỏ buông lỏng trên cái áo sa tanh trắng. Nàng nhắm một mắt, nhìn tôi qua cái ly thủy tinh, qua mầu vàng trong của sâm banh. Tôi có cảm tưởng quấn theo các viên bọt lăn tăn bốc từ đáy ly lên mặt rượu, vỡ tan thành từng giọt nhỏ xíu trên má Oanh, thành hàng trăm cái hôn trá hình của một tình yêu không dám thú thực. Muốn yêu Oanh, tôi cần anh khách du lịch, cần cái valy, cần ngồi đây, kín đáo trong một góc máy bay, nghĩa là cần trá hình, cần đóng kịch. Oanh vẫn nhìn tôi, qua hàng mi dài tựa bức mành tre, đôi mắt hơi nhắm hơi mở, và nàng khẽ nhún vai nói:
- Hình như Oanh đã gặp anh ta ở khu thành Cổ Loa, như trở lại một khung cảnh cổ tích, quen thuộc, mà thời gian đã quên từ lâu. Có nhiều khuôn mặt kỳ như vậy, cũ kỹ và đầy bụi của quá khứ. Mặt của anh ta không có những nét đặc biệt, có thể là bất cứ ai, và toàn thể anh ta, cách ăn mặc, các cử chỉ tầm thường, làm người ta có cảm tưởng anh ta không phải là một sinh vật, mà chỉ là một cái bóng qua cửa sổ, chỉ qua thôi chứ không muốn tham dự thời cuộc.
Anh khách du lịch âu yếm nắm cánh tay Oanh, cảm thấy sự êm dịu của lụa sa tanh, sự hoàn toàn đàn bà của Oanh, như là một hiện diện điển hình của một ước vọng thầm kín. Anh ta đốt một điếu thuốc, hút một hơi dài, thả khói vòng tròn từ từ bị hút vào một lỗ thông hơi.
Trời mùa thu xanh vào cao ngắt. Mùi trầm hương ngào ngạt từ đền Hàng Trống bay toả khắp nơi. Anh khách nhẩy phứt ra khỏi xe, tới ngay trước cửa nhà Oanh, nhẹ nhàng như một con báo, mạnh mẽ như một cái lò xo bằng thép. Anh cười, phô hàm răng trắng đều như một mảnh trăng lưỡi liềm, nắm chặt bàn tay. Chỉ đấm một cái, anh nghĩ vậy, là cái cửa gỗ đồ sộ của nhà Oanh sẽ thủng một lỗ lớn. Cô ở gái mặc áo đen, tóc búi gọn trên đầu, đã từ từ mở rộng hai cánh, đứng thụt lùi về sau để đón tiếp Khanh.
- Mời ông vào, cô Oanh đang đợi ông tại nhà trong.
Cô gái đóng cửa, thế giới bên ngoài biến mất, mùa thu thì thào đuổi vài chiếc lá khô xào xạc trên mặt sân khô ráo, gió thu lành lạnh làm rung nhẹ những luống hoa, tất cả chỉ là yên tĩnh, chờ đợi. Cô gái bỗng ngâm câu thơ của Tản Đà làm anh khách du lịch ngẩn người lắng nghe:
Trộn gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm hồ hết
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng.
Tại sao cô ở gái lại ngâm thơ? Vì cô có tài và có giọng? Hay là Oanh đã dặn cô ngâm thơ Tản Đà để đón anh khách du lịch, và có lẽ đón cả tôi? Có thể Oanh đoán là tôi đã trở về? [Tôi đi theo cô gái qua cái sân hiu quạnh chân vướng vào cái đám lá khô, lá vàng, tim lắng nghe gió thu se sắt, mắt nhìn con gà trống, lông trơ trụi, bới đất kiếm sâu trong đám cỏ lơ thơ.]
Oanh đứng trên cầu thang đá, nhìn xuống tôi. Nàng mặc áo xanh da trời, quần lụa trắng, tóc xoã xuống vai, đứng thẳng như một bức tượng, tay cầm một cái đèn con thỏ đớp cầu. Nàng giang tay đón tôi, tôi cũng giang tay đón nàng. Nhà không thắp đèn, mà chỉ thắp nến. ánh lửa lung linh sao động trong mắt Oanh và tôi thấy hình ảnh tôi in vào hai mắt nàng như in vào hai tấm gương tròn.
- Oanh còn nhớ anh khách du lịch thành Cổ Loa? Tôi hỏi.
- Khách du lịch nào?
- Anh chàng mà tôi theo dõi hoài.
- Oanh có bao giờ đi du lịch với ai! Vì lúc nào anh cũng đi bên cạnh Oanh.
- À! Cái anh chàng bán rong, lúc nào cũng khư khư sách một cái valy đầy mẫu hàng. Anh ta bán những hình nhân. Anh có mua cho em một hình nhân nhỉ xíu.
Nàng mở tủ, lấy ra một tượng anh thuyền chài tay cầm cái xào dài, đứng trên một cái thuyền gỗ nhỏ. Nàng đặt anh thuyền chài vào cái bể nước và nhạc bỗng nổi lên. Oanh từ từ nhắm mắt lại như tưởng nhớ.
*
Oanh nhớ dần dần, khuôn mặt lẫn vào những bóng tối mập mờ, những ánh nến chập chùng, đôi mắt nhìn vào khoảng không vô tận, qua các khung cửa sổ mở trên nền trời đầy sao, tay buông mềm mại, tóc xoã trên vai, đầu nghiêng lắng nghe tiếng hát từ xa vẳng lại theo chiều gió, từng đợt xa gần. Đó là tiếng hát của anh thuyền chài. Tôi lắng nghe, đứng xững như bức tượng đá, cũng như nàng đã thành tượng rồi trên đầu cầu thang. Anh thuyền chài nhỏ bằng ngón tay trỏ, nhịp nhàng chống sào đẩy cái thuyền gỗ không to hơn cái lá tre, trong bể nước suối lóc lách, nhờ có máy móc và động cơ tinh vi anh có vẻ giống như Trương Chi trong chuyện cổ tích. Tạo hóa trớ trêu đã xui gặp gỡ hai nhân vật trái ngược, hoàn toàn khác nhau, và ràng buộc họ vào một tình yêu không thể có được. Họ vừa nói một tiếng, giơ một bàn tay, thì đã xa nhau, như các nhân vật bằng mây trên trời tan vào gió, chỉ còn giữ trong tim hình ảnh một nụ cười, một khoé mắt, một hương thơm, một lời nói, rồi tất cả tan dần với thời gian. Có phải thực là tôi đang đứng cạnh Oanh? Tay nàng tìm tôi. Chúng tôi cùng lắng nghe anh đánh cá hát. Nàng mỉm cười:
- Yêu ai, yêu cả một đời, có phải không? Tối nay chúng ta mừng ngày chúng ta gặp nhau, như mọi năm vậy, chúng ta quen nhau đã…
Tôi vội để ngón tay lên môi Oanh không cho nàng nói tiếp. Tôi không muốn đo thời gian. Nàng gật đầu đồng ý, ngậm đầu ngón tay giữa hai hàng răng ngọc, vì tối nay là tiệc mừng. Nhạc và tiếng hát ngừng trên không và đường phố bắt đầu nhộn nhịp đầy ánh sáng, xe cộ, mầu sắc, tiếng cười, tiếng nói, thì ra mùa hè đã tới.
Bóng chiều bao phủ dần trên cái vườn mà chúng tôi thường xuyên ngồi uống trà. Chúng tôi đi thong thả từng bước vì tin rằng sẽ gần nhau mãi, vì chiều nay êm đềm quá, đầy hương thơm của hoa lá. Oanh chợt hỏi:
- Anh có muốn chúng ta yêu nhau không?
- Có chứ, tiệc này đầy mọi vẻ tân, như một tân hôn vậy!
Rượu phải nồng.
- Và má phải hồng, môi phải nóng?
Oanh cúi đầu. Tôi quàng tay lên cái eo mảnh khảnh, kéo nàng sát vào tôi, từ từ hôn nhẹ nàng. Bỗng nàng cắn mạnh môi tôi, làm tôi phải kêu lên, tuy tôi rất can đảm chịu đau.
- Anh thấy không, giây phút này không phải là giấc mơ mà là sự thực. Và cũng không phải là một cuốn tiểu thuyết, mà là đời sống của đôi ta được chuyển thành truyện.
Nàng quay tròn, tà áo tung bay như một bông hoa:
- Anh yêu em nhiều lắm?
- Truyện chỉ nói về em.
- Không phải. Em có mặt trong truyện, dưới nhiều hình thức, nhưng lúc nào em cũng là em. Còn anh thì luôn luôn biến đổi.
Một cái khay bằng thủy tinh đầy mứt, mứt gừng, quất, cam, bí, dưa hấu, dưa leo, dưa gang. Cái chai rượu đỏ và rượu mùi, cũng bằng thủy tinh, đứng lẫn vào các ly, chén, đĩa. Tất cả sáng loáng dưới ánh sáng đèn và nến.
Oanh ngồi xuống ghế, vắt chéo chân, nhìn tôi, vui vẻ. Chúng tôi nâng chén:
- Mừng thêm một lần nữa ngày gặp gỡ.
Tôi ngần ngừ:
- Anh có điều thắc mắc!
Chúng tôi cạn ly. Oanh chép lưỡi:
- Anh muốn em cắn một lần nữa không? Cắn đến chảy máu! [Tôi chìa cổ cho Oanh. Nàng từ từ đặt đôi môi lên, từ từ đến nỗi tâm hồn tôi căng thẳng, như khi xem một phim trinh thám hồi hộp giữa lúc kẻ giết người sắp sửa chém nạn nhân.]