Chương 6

Chiếc xe hơi mầu trắng bỏ mui ngừng trong sân rộng của một khu diễn trường điện ảnh. Trời đẹp vào cao, xanh đậm như một hòn bi bằng thủy tinh. Vài con diều hâu lượn vòng, đều đặn thành vài chấm đen. Một mùi hương, như một ngày lễ, thoảng trong không khí man mát. Anh Chuân, một đạo diễn và tài tử có tiếng, bước xuống xe, nhìn làn bụi trắng đang rơi xuống mặt đất, ngay cạnh bánh xe, mỉm cười hài lòng, một cách vô cớ, hay có lẽ vì đã ăn một bữa sáng đầy đủ: bánh mì nóng, trứng gà với bacon chiên, cà phê sữa, nước cam vắt, rau sà-lát trộn dầu olive và hạt dẻ.
Anh tài xế đầu đội mũ, tay đeo găng trắng, quần áo chỉnh tề, đóng cửa xe cẩn thận sau khi Chuân bước xuống xe, rồi đứng thẳng cạnh xe như tượng gỗ. Chuân nhìn anh tài xế, anh ta không nhìn lại, không cử động, không nói gì. Chuân búng hai ngón tay thành một tiếng "clắc" khô khan. Sáng còn sớm quá, chưa có ai tới trừ cô ký sự viên và vài anh thợ máy đang ngồi hút thuốc trên đống gỗ để ngổn ngang. Chuân đưa mắt thấy sâu trong hậu trường, Oanh đang ngồi hý hoáy viết trên tập bản thảo dầy. Chuân lại nhếch một bên mép mỉm cười – Anh thưởng thức những nét đều và giản dị của khuôn mặt Oanh, hoàn toàn như một phương trình toán học, có mặt mà không đòi hỏi gì cả, duyên dáng và nhẹ như một sợi cỏ may. Nàng cũng không thèm ngửng đầu lên khi Chuân bước tới. Nhăn mặt cười, cái râu kiểu Hitler nhích lên, hàm răng trắng đều, nụ cười này đã làm bao nhiêu người cười và anh một phần nổi danh vì nó. Chuân hỏi:
- Sao, sáng nay có hứng không cô?
Oanh ngửng mặt lên, nhìn Chuân như nhìn qua một miếng kính:
- Chào ông!
Chuân nhấc mũ chào lại, quay tít cái gậy nhỏ, đi chân chữ bát, mở cửa vào cái phòng riêng của anh.
Oanh hơi khó chịu, nàng không thích người ta dính vào sự viết lách của nàng. Nàng cầm bút viết, lẩm bẩm: "Ông ta cứ đòi nhiều ý khôi hài, nhưng mình có giỏi về khôi hài đâu, truyện của mình chỉ lãng mạn thôi".
Chuân ngồi trước một cái gương lớn chung quanh có bóng đèn điện. Anh lấy bút chì than vẽ đôi lông mày thực to. Vẽ đi vẽ lại sáu lần, vì anh có tính hoàn hảo. Mặt anh có phần trắng xoá, vì anh là hề, trắng kỳ ảo như mặt trăng rầm lung linh, nhưng lại khôi hài. Anh làm chuyển động cái râu của anh, chạy lên, chạy xuống, sang phải, sang trái, y như một con sâu róm đang bò.
- Cô Oanh! Chuân nói, bỏ viết cuốn truyện đó đi, truyện gì mà lại không giống truyện, không là tiểu thuyết mà cũng không là ký sự.
Anh chỉ một cái ghế cho Oanh:
- Ngồi đây, cô, và ngồi chéo chân để tôi ngắm các đường cong của chúng. À! Vài chục năm nữa thì chúng sẽ đầy gân xanh.
Oanh giơ tay tát mạnh Chuân nhưng anh ta lanh lẹ tránh kịp làm Oanh mất đà ngã vào lòng Chuân. Anh nhăn mặt cười:
- Tôi không ác với cô đâu. Tôi lại còn đỡ cô khỏi ngã vào các lọ nước hoa, các lọ kem.
- Tôi không cần anh khuyên bảo.
- Tiểu thuyết của cô không có sức mạnh của sự điên khùng.
- Tôi không điên. Tôi hoàn toàn kiểm soát phương trình sáng tác của tôi. Tôi rất sáng suốt.
- Cô dùng phản ảnh của các tấm gương để làm lạc đường câu chuyện, cả độc giả lẫn nhân vật, họ không biết họ là ai, họ vào trong truyện, họ là nhân vật và họ ra khỏi truyện, họ trở thành người thực. Có lẽ cô đang viết ký sự? Nhật ký? Phóng sự? Còn tôi, tài tử đạo diễn Chuân, cô cho tôi vai gì trong đó?
- Ông là một chàng lang thang, thiên tài! Ông nghe nhé…
Oanh ngồi vào ghế, cạnh Chuân, từ từ đọc:
- Đó là chuyện một anh cầu bơ cầu bất, nghèo, mê một cô gái bán hoa rất đẹp nhưng mù. Anh gắng kiếm thực nhiều tiền để chữa mắt cho cô gái và khi cô ta nhìn được thì ảo tưởng, ảo vọng biến mất cho cả đôi. Đó cũng là chuyện anh Trương Chi. Đó cũng là chuyện một chàng hề câm muốn tỏ tình yêu cho một công chúa rất đẹp nhưng mà lại câm điếc. Có lẽ tôi yêu anh Đởm trong truyện, và khi tôi gặp anh trong đời thực tôi sẽ không bao giờ yêu anh ta được. Tôi sẽ bỏ đi mất, để hình ảnh tôi còn mãi mãi trong tim anh ta, vì tôi sẽ không chịu đựng được sự thất vọng của anh ta mà cũng không làm sao yêu anh ta được, chỉ còn cách bỏ đi và quên.
Oanh suy nghĩ, rồi nói:
- Mỗi lần tôi xem phim của ông, tôi cười ra nước mắt và tôi khóc ra nước mắt. Vì vậy tôi thương ông.
- Hơn cả thương Đởm?
- Tôi yêu Đởm hơn cả ái tình – Tôi yêu anh ta như một người yêu da thịt của mình, một sinh vật của mình, như một tác giả yêu tác phẩm của mình, như đạo diễn yêu phim ảnh của mình. Tôi biết rằng khi anh Đởm mua cái chạp phô, sống cạnh Mây, thì anh ta sẽ không cần tôi nữa. Anh trở thành một người thường, yêu vợ, yêu con, rồi một ngày nằm xuống đất, muôn thuở, biến thành đất bùn.
Mọi người đã sẵn sàng quay phim. Chuân ở một phố đông, xe cộ bị kẹt. Anh mở cửa một cái xe dài, mầu trắng, cái xe mà đã đưa anh tới đây, vào trong xe, rồi mở cái cửa thứ hai, ra khỏi xe. Anh đứng sững trước một cô gái bán hoa rất đẹp, cô ta giơ cho anh một cái hoa hồng. Anh tưởng cô ta đưa cho ai sau lưng anh, nhưng chẳng có ai, anh nhếch miệng cười.
Cảnh này dài 70 giây, mà Chuân phải quay nó trong 5 ngày.

*

Nhạc nổi vang lên khi Oanh bước xuống cái cầu thang lộng lẫy của Athletic Club, nàng mặc áo đen dán vào người làm nổi bật tất cả đường cong uyển chuyển khi nàng cử động, nhất là áo có lấm chấm những hạt gương nhỏ trong lóng lánh như kim cương.
Tất cả mọi người đều quay mặt nhìn nàng, trừ Chuân và anh khách du lịch, Khanh, đang bận châm xì gà của nhau.
Oanh đi xuống từng bực, từng bước, từng cử chỉ, thong thả, như một minh tinh, mắt sáng như sao, môi khẽ mỉm cười.
Nàng đi về phía bàn của Chuân, kéo theo sau tất cả các cái nhìn, như một sao chổi kéo theo sau cái đuôi dài ánh sáng. Khanh và Chuân đều đứng dậy cùng một lúc, cùng kéo ghế mời Oanh ngồi. Nàng cho mỗi người một nụ cười, một khoé mắt, lưỡng lự. Thì Chuân đã giơ tay ảo thuật làm biến mất cái ghế Khanh đang cầm, làm cử toạ ngạc nhiên vỗ tay một loạt. Oanh ngồi xuống, giữa Chuân và Khanh, nói:
- Tôi không yêu cầu anh Chuân biểu diễn bài múa "Hai cái bánh mì", bằng hai cái dĩa cắm vào hai cái bánh, vì anh đã được hoan nghênh nhiều tối nay rồi.
Chuân nhướng lông mày, nhún vai, làm bộ nhũn nhặn, hổ thẹn. Rồi Chuân vắt cái khăn bàn lên vai, giả đò làm anh hầu bàn, rót một ly rượu sâm banh dâng cho Oanh. Khi nàng nâng ly thì Chuân búng một ngón tay, mấy làn bọt lăn tăn nổi từ đáy ly lên vỡ thành mưa phùn, và cái ly biến thành con bồ câu trắng nằm gọn trong tay Oanh. Nàng cười vui vẻ hôn nhẹ lên đầu con chim. Khanh cũng cười, hàm răng lưỡi liềm trắng xoá lơ lửng như treo trên cành cây:
- Tôi đề nghị một giao kèo với Oanh và Chuân làm một cuốn phim.
Chuân hút điếu xì gà một hơi dài rồi thở ra khói tròn:
- Cám ơn ông. Ông là một đại tỷ phú phải không?
- Vâng.
- Có tiền mua tiên cũng được.
- Mua tiên là một cái thú vị.
- Và mua được cả tình yêu.
- Cố nhiên!
Khanh nhìn Chuân, mỉm cười. Chàng cao hơn Chuân một đầu, đẹp trai và mạnh mẽ. Bỗng Khanh giơ cánh tay chém xuống cái bàn, cắt cái bàn làm hai mảnh:
- Cái bàn này bằng gỗ thông, tôi đã kiểm soát rồi, nếu không thì bàn tay tôi đã vỡ nát.
Các anh hầu bàn vội vã lấy chổi quét sạch các mảnh gỗ và ly.

*

Ai ngồi trước mặt tôi trong cái toa xe điện cũ kỹ xộc xệch này? Một cô gái môi đỏ chót như một quả nhót, người dài lòng thòng như một ngày không có cơm, mắt to và tối sầm như một cái giếng không đáy. Trong xe điện sáng hôm đó tôi đang đọc một cuốn truyện "Nếu một đêm đông, một người du hành", văn giản dị, trong sáng, kể sự việc nhỏ nhặt, đầy chi tiết thường ngày, chậm rãi, thong thả như đếm từng giây, từng phút đang trôi. Xe điện đông, cô gái đứng ngay cạnh tôi nhưng tôi chỉ nhìn thấy cái váy đen dài dán lên đôi đùi nẩy nở. Đến trạm chợ Đồng Xuân, một số lớn hành khách xuống xe, để trống một chỗ ngay trước mặt tôi và hai chỗ phía bên kia lối đi. Tôi hơi thất vọng vì cô gái bị đám đông đã dồn cạnh hai chỗ đó. Nhưng mọi sự lại sẽ xẩy ra đúng hệt ý của tôi, một cách kỳ lạ, như trong một giấc mộng mà tôi có quyền thực hiện tất cả mong muốn của tôi.
Nàng đi vòng một người đàn ông thấp, lực lưỡng, cục cằn, đang đọc một cuốn truyện trinh thám, để ngồi xuống cái ghế trước mặt tôi, mà tôi cũng không ngước mắt lên nhìn nàng.
Đến bờ hồ Hoàn Kiếm, trên đường vòng, bánh xe sắt nhiến vang như thuở nào tôi còn bé, như ngày nào tôi ngồi cạnh mẹ tôi với con ve sầu kêu âm ỉ. Tất cả dĩ vãng trở lại rõ rệt như chưa bao giờ đã qua, hiện tại trong vài giây bàng hoàng.
Tôi chú ý đọc cuốn truyện "Nếu một đêm đông một người du hành" của tác giả ý Italo Calvino. Nhân vật chính lại là người đọc, người này đọc và thấy mình đang sống y như tác giả đang kể trong truyện. Tôi xin trích một vài đoạn:
"Anh độc giả, sắp đọc cuốn truyện mới ra "Nếu một đêm, một người du hành" của Italo Calvino. Anh hãy thả lỏng người, chú ý, đuổi hết các ý nghĩ khác, để cho thế giới quanh anh tan vào hư vô. Đóng cửa lại. Nếu có máy TV đang mở thì anh phải nói ngay: "Không, tôi không muốn coi TV" và anh sẽ nói to nếu họ không nghe thấy anh: "Tôi muốn đọc sách! Tôi muốn yên thân mà đọc sách!"
Rồi chính độc giả lại gặp các nhân vật của truyện, ngay trong truyện, và trở thành một nhân vật giữa các nhân vật. Tình cảnh của tôi cũng tương tự như vậy, nên tôi đọc chăm chú, tuy vẫn nhìn mơ hồ qua các trang giấy, biết rằng thân thể cô gái rất dài, cái đầu hơi nhỏ, đôi mắt to, tóc xõa trên vai. Vì chân dài nên đầu gối nàng chỉ cách đầu gối tôi chừng bốn phân. Đúng như kiểu đầu gối mà tôi thích: tròn trĩnh trong cái collant màu đen. Nàng dựa đầu vào thành cửa sổ, nhắm mắt lại. Tôi nhủ thầm: "Đọc đi! Gắng đọc truyện đi!" nhưng tôi không khỏi thầm ước ao xe điện rung chuyển sẽ làm đầu gối nàng chạm đầu gối tôi. Bây giờ tôi nhìn rõ ràng là nàng mặc collant đen có vài điểm nâu nhỏ làm thêm tròn đôi chân dài của nàng. Có lẽ nàng đang ngủ hay đang mơ màng theo nhịp xe chạy. Rồi đúng như tôi muốn, khi xe điện thắng chậm lại, người nàng ngả thêm trên ghế gỗ, nhưng vẫn còn cách tôi một phân, cái viền váy vuốt nhẹ buồn buồn trên đầu gối tôi. Mắt nàng vẫn nhắm, tôi biết vì đã liếc mắt ngắm nàng, yêu khuôn mặt trắng tinh, đôi môi mọng đỏ, tóc mây bồng bềnh.
Xe điện từ từ ngừng, nàng mở mắt nhìn xe mình đang ở đâu, rồi lại ngả đầu vào thành cửa sổ nhắm mắt lại. Tôi nghĩ: "Muốn gặp gỡ, phải tạo cơ hội!" Hoặc được, hoặc không, còn hơn sẽ chia rẽ mãi mãi chỉ vì một khoảng cách chừng 2 ly". Tuy vậy tôi vẫn không động đậy, làm bộ đang mê mải đọc sách.
Có những giấc mơ đẹp, hay giấc ác mộng, có những chuyện nên thơ, hay là đầy hãi hùng, tất cả đều có thể biến thành sự thực và nhiều khi sự thực còn vượt nhiều tưởng tượng dù là tưởng tượng không bờ bến. Sáng nay tôi chỉ có một mong muốn nhỏ, như đứa trẻ đợi vài viên kẹo bột, mà cũng không được. Một nỗi oán hận nổi nhẹ trong tôi, làm tôi khẽ thở dài, buông cuốn truyện xuống nhìn ra cửa sổ. Bao giờ tôi sẽ được Oanh cầm tay nói yêu tôi, nhìn tôi mỉm cười vì tôi ngồi cạnh nàng, tin tưởng dâng thân thể cho tôi vì thương tôi? Đó là lời tôi khấn thầm đúng lúc xe điện rẽ vòng làm đầu gối cô gái chạm hẳn vào đầu gối tôi, như một sự trả lời. Đầu gối phải của cô gái ép lên đầu gối trái của tôi, êm dịu, nhịp nhàng theo sự lắc lư của xe điện, đều đều, thầm kín. Cô gái vẫn nhắm mắt ngủ, nhưng cô ta không thể không biết là có sự đụng chạm của hai người không quen thuộc. Nàng làm bộ không biết vì đang ngủ, tôi vì mải đọc sách, nhưng cả hai đều thăm dò sự gần gũi, tôi chắc vậy tìm đợi những xúc động của cơ thể riêng biệt, không cần biết ai là ai. Đầu gối chạm đầu gối là một cử chỉ thân mật của hai thân thể, làm tôi nhìn kỹ cô gái hơn, trong khi cô còn nhắm mắt, tự do thèm muốn khuôn mặt trẻ măng, làn da trắng mịn, đôi môi mọng đỏ. Tôi thầm để nhẹ ngón tay trỏ lên đó và cô ta hé miệng cắn se sẽ ngón tay tôi. Đôi môi vẫn khép kín trên một ý nghĩ vẩn vơ, đôi vai tròn tựa dựa vào thành gỗ, và đôi vú căng thẳng kiêu hãnh dưới làn vải mềm. Nhất là đôi đùi song song hơi dạng ra làm tôi nghĩ tới một lời mời mọc, một khởi đầu của một cặp tình nhân. Tuy vậy tôi vẫn cố ngồi yên, thực yên, đợi một dấu hiệu nào của cô gái, rồi mới dám trả lời, để khỏi đường đột, vô lễ, mà mất cơ hội hiếm có. Xe điện cũ kỹ, chạy nghiêng ngả, làm chúng tôi khi ép mạnh, khi động hờ, khi cọ sát, khi xoa dịu, như giúp chúng tôi làm những cử động muốn mà không dám làm.
Vô tình hay cố ý, cô gái nghiêng người nhìn qua cửa kính, làm đầu gối tôi không đụng thẳng vào đầu gối cô ta mà lại trật ra, lọt vào giữa hai đầu gối cô ta, và tôi như đang kẹp cô ta giữa hai chân tôi, tuy vậy cô lại gối đầu lên cánh tay nhắm mắt lại. Hồi hộp, tôi cố đọc, cố hiểu, nhưng sợ hãi bỗng trở lại, tôi nhớ tới cái hầm tối, con ngựa gỗ mất một chân, ngọn đèn điện trần trụi vàng vọt. Tất cả đều chậm quá rồi, tôi ngồi đây mà tuổi trẻ đã bị người ta cướp mất rồi, bao nhiêu năm, khi tôi trở lại cuộc đời bình thường thì không thể nào có tâm trạng bình thường để sống với mọi người khác. Tôi chắc chắn cô gái không thể nào cảm thông tôi được, cô còn đang tận hưởng giây phút hiện tại, buổi sáng đẹp trời, đẹp đẽ trong bộ quần áo xinh xắn, khoan khoái trong cơ thể trọn vẹn nở nang. Tôi có nên kể cho cô chuyện cái kẹo mà tôi để dành chỉ thỉnh thoảng mút một cái? Chuyện con nhện đã lạc vào hầm sống hơn hai tuần lễ, khi nó chết tôi để nó vào một cái quan tài bằng giấy có chữ thập và có hàng chữ đề tang: "Vĩnh biệt người bạn với tất cả nỗi thương tiếc", và dòng nước mắt uất ức khi người cai ngục tàn nhẫn vò nát cái quan tài rồi vất ra cửa sổ như vất tình bạn sâu xa của con nhện và tôi? Tôi không giận anh cai ngục, anh chỉ là một người thừa hành mệnh lệnh một quyền thế lực tối cao, có lẽ mù quáng, nhưng chắc chắn là bất nhân, vì thừa hưởng ngôi cao, vì tranh giành thế lực, vì nghĩ rằng phải hy sinh nhiều mới tạo được hạnh phúc, giống như Vua Chúa khi chết bắt chôn sống hàng trăm kẻ hầu, gái đẹp, để phục dịch họ ở thế giới người chết.
Cô gái có đôi lông mày rậm, đen, mũi cao và thẳng băng, mặt quá đều đặn, môi tham lam như trái dâu đỏ mọng chất ngọt. Tôi quyết định không xuống xe tới chỗ làm việc, mà đi theo cô gái tới cùng, dọc con đường xe điện, các biển quảng cáo, các dẫy phố đầy người, các trạm xe hành khách ngơ ngác, kiên nhẫn đợi.
Tôi kể lại việc này cho Oanh. Nàng cười:
- Oanh sẽ viết chuyện của anh và cô ta.
Quả nhiên, một hôm trời đẹp, cô gọi dây nói cho tôi hẹn gặp nhau:
- Chào ông! Tôi muốn nói chuyện với ông Đởm.
- Tôi là Đởm, chào cô!
- Tôi muốn gặp ông, xin ông cho tôi địa chỉ.
- Nhưng… chúng ta có quen nhau không?
- Tôi đã đọc cuốn truyện trong đó có tả sự gặp gỡ trong chuyến xe điện. Ông cho xin địa chỉ?
- Cô có cây viết? 44 phố Hàng Tre. Cô phải đi qua căn nhà đầu, một sân trong, qua căn nhà thứ hai, tới một cái sân trong nữa, có cây bàng cao ngất thì cô lên cái cầu thang ở bên tay trái, lên tới từng thứ nhất thì cô lên cầu thang gỗ, là tới phòng tôi ở.
Lần đầu tiên tôi được nghe tiếng cô gái, tôi lắng nghe, giọng vội vã, đậm đà như vị một trái sấu chín, vừa chua vừa ngọt. Cô hỏi:
- Hàng Tre nằm ở khu nào nhỉ?
- Cô sẽ đi từ đâu?
- Khu Quảng Bá, nhà tôi nằm trên bờ hồ Tây.
- Xa quá! Cô sẽ đi dọc đường Yên Phụ, qua gầm cầu sông Hồng, lấy đường Trần Nhật Duật, khi tới cái cột đồng hồ thì đường chia ra làm ba nhánh, phía tay trái là đường Trần Quang Khải…
- Ông nói từ từ cho tôi biên!
- Phía tay phải là phố Nguyễn Hữu Huân, cái phố chính giữa là phố Hàng Tre.
- Tôi biết rồi, cái phố có toà án sơn vàng! Một giờ nữa tôi sẽ tới gặp ông.
Tuy căn phòng đã sạch sẽ ngăn nắp rồi, tôi cũng dọn cho đẹp mắt luôn. Tôi pha trà, cho chanh và đường, để nguội rồi cho vào tủ lạnh, cùng vài chai bia. Tôi bầy trên bàn vài khúc bánh mật, bánh đa vừng, bánh khê có mật đen nâu, và cuốn truyện "Lời nói ngập ngừng".
Hai mươi phút trước giờ hẹn, tôi đã xuống đường, đứng trước cửa đợi. Tôi thơ thẩn nhìn cây Hoàng Lan, nhìn cái toà án bí ẩn, nhìn phố Hàng Tre quen thuộc, luôn luôn nhìn đồng hồ tay: "Có thể cô ta muốn ghẹo tôi, và sẽ không đến!".
Ở đầu phố, từ đằng xa, một cô gái hiện ra, tôi biết ngay đó là cô gái. Cô đi uyển chuyển, cái sắc đong đưa theo nhịp đi, đôi chân dài bước thong thả. Cô mặc áo xanh lam, cổ viền trắng, giầy mầu trắng. Tôi không rời mắt nhìn cô gái, cho tới khi cô ta tới gần, nói:
- Tôi đây!
Chúng tôi vào nhà, tới cái sân trước có cái bể nước mưa. Cô gái ngừng lại, nhìn vào bể nước, dưới cái vòm bằng bê tông, ngắm lũ nòng nọc đang bơi trong nước lạnh.
Cô nói:
- Tôi tên là Đoan. Đoan Trang!
Cô quay đầu nhìn tôi:
- Hay nhỉ! Nói trong bể nước vang dội như nói trong động đá.
- Vậy cô đã đọc cuốn truyện đó?
Đoan thò tay vào trong nước mưa:
- Vâng! Tôi chạm đầu gối vào đầu gối ông trong khi ông đọc "Một đêm, một khách du hành" của Italo Calvino. Tiếc rằng ông ta đã mất từ lâu. Tôi ngần ngại mãi mới gọi ông, vì phải tìm kiếm nhiều ngày mới có số dây nói của ông.
- Tại sao cô gọi tôi?
- Để gặp ông! Cố nhiên rồi! Để gợi lại cái đụng chạm tuy nhè nhẹ mà tình cảm mạnh mẽ cho ông, và có lẽ cho tôi nữa.
Chúng tôi leo vào phòng tôi. Cô nhìn quanh, rồi nhìn qua cửa sổ:
- Ở đây kín đáo quá, có thể làm nơi ở ẩn!
Đoan cười, trong trẻo, làm vui tai người nghe.
- Mời cô ngồi chơi, tôi mời.
Nàng ngồi để chéo chân, lộ bắp vế đều, tròn, mịn màng, thò tay với lấy cuốn truyện, mở đoạn nàng và tôi gặp nhau. Tôi hỏi:
- Tôi có trà đá và bia.
- Ông cho xin một ly trà và một chai bia. Trời nóng quá, đi bộ khát nước.
Nàng bóc một cái bánh mật, ăn một miếng, rồi cầm cái bánh khê ăn một miếng nữa:
- Thực là mùi vị đồng quê ngọt ngào! Trông ông vẫn vậy, không thay đổi.
Và nàng uống trà, từng ngụm nhỏ:
- Tôi người gốc ở Lạng Sơn, rồi rời về Hà Nội hai đời rồi. Còn ông?
Tôi nói đùa, để khỏi nói thật dài dòng:
- Tôi không từ đâu ra cả! Tôi không có gốc, có rễ.
Đoan xoay xoay cốc bia nhìn nghiêng tôi:
- Ông không muốn nói thì thôi!
- Nhà cô xa quá nhỉ! Tôi nói lảng.
- Vâng, tôi phải đi taxi, qua cả tỉnh Hà Nội.
Tôi đưa nàng cuốn truyện. Nàng nói:
- Tôi có đọc rồi. Thực vậy, tôi đi vòng qua nhiều hành khách khác để ngồi ngay trước mặt ông, tôi không hiểu tại sao. Lúc đó tôi buồn ngủ, tôi thích cái góc đó, để dựa đầu dễ dàng. Tôi thích cái xe điện cũ từ thời Pháp thuộc, thân mật, giản dị. Tôi cần một sự hiện diện vô hại, tức là ông, xin lỗi, đâu có ngờ hôm nay lại gặp nhau.
Đoan uống một hơi hết cốc bia, ngồi xoài người trong cái ghế mây, như khi nàng xoài người trong xe điện:
- Chính tôi chạm vào đầu gối ông, muốn xem sự việc sẽ xẩy ra sao. Một người đàn ông khác thì đã tìm cách làm quen tôi rồi. Còn ông, ông làm bộ đọc sách, rồi đi xuống xe cùng tôi, không nói một lời hay một cử chỉ vô vị như một người giấy, xin lỗi ông!
Tôi mỉm cười. Căn phòng rạng rỡ hẳn lên vì lần đầu có sự hiện diện của một cô gái đẹp. Lòng tôi như mở cờ. Nhưng làm sao và bao giờ tôi mới chiếm được trái tim một cô gái đẹp như Đoan? Tôi trả lời:
- Tôi không biết câu "Nhân chi sơ, tính bản thiện" có đúng không. Tôi hiền như cục bột.
Nàng ngâm thơ, trệu ghẹo:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bẩy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Rồi thì thầm vào tai tôi:
- Cô Oanh, tác giả cuốn truyện là ai? Tại sao truyện lại nói ngập ngừng?