Năm mười ba tuổi Thiệu đỗ bằng Sơ Học bổ túc và phải lên tỉnh Bắc Ninh trọ học. Thường thường các anh em cùng làng chạc tuổi Thiệu giỏi lắm chỉ theo đuổi việc học đến Sơ Học bổ túc là phá ngang, trừ con trai và con gái hai họ: họ Lê - họ Yến, Lê thị Yến - và họ Hoàng. Hai họ này vẫn nức tiếng khắp vùng là được đất nên mới nhan nhản những ông thông, ông phán, đốc tờ, kỹ sư... như thế. Thiệu không ngờ việc mình được Thày cố công cho theo học đến nơi đến chốn có lý do thầm kín như sau: Ông Phổ - thầy Thiệu - hồi còn nhỏ, nhà nghèo thất học, kịp khi gia đình tương đối khá, tậu được mấy mẫu ruộng tốt thì tuổi đã cao không học được nữa. Một buổi chiều tháng Hai, làng vào đám, ông Hương Phổ - ( ông Phổ ngày đó đã mua hương, người làng thường gọi tắt là ông Hương) - có đi qua chiếu các vị chức sắc ở giữa đình, trên chiếu đó có ông Phán Mỹ con quan huyện họ Hoàng, ông Thông Miễn con quan phủ họ Lê, ông giáo Minh cũng họ Lê có anh là bác sĩ hiện mở bệnh viện riêng ở Hà Nội. Ông Phán, ông Thông và ông Giáo đương mạn đàm với nhau về thi ca đến chỗ vô cùng đắc ý. Khi ông Hương Phổ đi qua, cả ba người nhìn ông rồi lại quay về nhìn nhau tiếp tục câu chuyện thơ. Ông Hương Phổ cũng cở tuổi họ, nhưng rõ ràng họ liệt ông vào hạng vô học, không thèm chú ý tới; có lẽ vì vậy câu chuyện thơ của họ, khi trở lại, càng đượm tinh thần tri âm tri kỷ. Ông Hương Phổ không bao giờ quên được cái nhục hôm đó tuy là cái nhục rất kín đáo. Khi bà Hương sinh đứa con trai đầu lòng- cậu Tín -ông Hương quyết định sau này nhịn ăn, nhịn mặc cho con ăn học. Ông tin rằng khi một đứa con ông đã thành tài thì việc học sẽ thành nếp, rồi "con chị cõng con em" chẳng bao lâu chi họ Nguyễn của ông cũng nhan nhản những tú tài, cử nhân, thông phán, đốc tờ... như họ Lê, họ Hoàng. Đáng tiếc là Tín lớn lên vào đúng những năm giời ra tai, năm thì hạn hán, năm thì mưa nát đất thối cỏ rồi lụt lội, năm thì gặp nạn sâu ăn lúa, ăn đỗ, thành thử Tín cũng chỉ học đến Sơ Học bổ túc rồi phải ở nhà giúp cha mẹ. Hoa kém Tín hai tuổi còn kém nữa, chỉ học đến Sơ Học yếu lược là thôi. Thiệu ra đời vào năm bà Hương mở thêm một ngành hoạt động mới trong gia đình, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải. Giấc mộng cho con ăn học thành tài của ông Hương có cơ thành tựu vì nền kinh tế gia đình nhờ thêm nghề mới đỡ bấp bênh đi nhiều. Khi Thiệu đi học trường làng gần hết cấp Sơ Học bổ túc, ông Hương đã lên tỉnh Bắc Ninh tìm nơi trọ để Thiệu tiếp tục việc học. Năm lên tỉnh học đó, Thiệu vừa mười ba tuổi. Trưa, chiều, ngày chủ nhật và ngày lễ Thiệu thường cùng các bạn tổ chức những cuộc đi chơi chùa, chơi núi nghĩa là những nơi có tiếng là danh lam thắng cảnh quanh vùng Bắc Ninh. Tuy chưa đỗ như Thiệu, Yến cũng không còn ở làng, Yến theo bác xuôi Hà Nội để tiếp tục đâu ở trường Hàng Cót thì phải. Tết năm ấy Thiệu gặp Yến ở làng, Yến bây giờ đã là người Hà Nội. Thoạt tiên Thiệu cũng thấy hơi gờm gờm. kể ra phép đi đứng, ăn nói của Yến cũng có bạo dạn và kiểu cách hơn xưa, nhưng đối với Thiệu, Yến vẫn ngoan ngoãn không có vẻ gì là "làm bộ ta đây." Rồi những ngày lễ, rồi Tết năm sau, mỗi lần gặp lại Yến, Thiệu thấy Yến có lớn hơn nhưng vẫn thùy mị như ngày nào cùng cắp sách đến trường làng. Sang đến Tết năm sau nữa - năm đó Thiệu mười sáu - gặp Yến, Thiệu thấy không những Yến lớn hẳn, Thiệu còn khám phá được thêm một điều mà từ xưa Thiệu không để ý: Yến đẹp, đẹp lắm. Kế từ năm đó cả hai bắt đầu giữ ý. Nghĩ đến tuổi mười sáu của mình, Thiệu ví với tuổi trăng tròn. Tự nhiên Thiệu thấy kiêu hãnh với tuổi đó. Chiều mười sáu tháng Giêng khi vừa tan học, Thiệu không về nhà trọ mà đạp thẳng về làng nói dối với Thày Mẹ là tối nay bài vở không có gì nên về quê cho tĩnh. Sự thực Thiệu cốt về quê để ngắm trăng mười sáu, Thiệu ra ngồi bờ sông từ chập tối để đón trăng ngay từ lúc trăng mới lững lững từ chân trời nhô dần lên. Bóng tối thảnh thốt hoảng chạy, một lát sau cả dòng sông Đuống gợn sóng vàng. Dưới nắng, sông chảy phơi phới; nhưng dưới ánh trăng tiếng sông bát ngát hơn. Lòng Thiệu tuy triền miên mà cùng thảnh thơi vì thấy mình còn nguyên vẹn cả mười hai tuần trăng mười sáu. Rồi những ngày mười sáu tháng Hai, tháng ba, tháng Tư... hoặc gặp ngày chủ nhật hoặc không, Thiệu đều về làng để ra ngồi trên bờ đê ngắm "trăng của mình". Đáng tiếc là đêm mười sáu tháng Sáu thì mưa lớn và đêm mười sáu tháng Tám thì bão lớn nên Thiệu chịu mất trăng. Từ đêm mười sáu tháng Chín trở đi, Thiệu bắt đầu lo sợ, lo sợ tuổi đẹp như trăng tròn của mình sắp vĩnh viễn mất. Trăng mười Bảy đã bắt đầu méo rồi. Trăng mười tám, mười chín càng ngày càng méo xệch. " Hai mươi giấc tốt, hăm mốt nửa đêm," nghĩ đến cái năm Thiệu hai mươi mốt tuổi phải chờ đến nửa đêm mới thấy trăng của mình thì thực là buồn, buồn và lạnh và ủ rũ như trăng hai mươi mốt vậy. Đến khi trăng hạ tuần từ hai mươi hai trở đi thì còn thảm đạm biết mấy. màu trăng thảm đạm võ vàng nhuộm sầu cả vạn vật như câu ca dao cổ:Chờ em biết đến bao giờ?Vạc kêu sườn núi trăng mờ đầu non. Nhưng xét kỹ: cho đến tuổi hăm chín, trăng héo úa mà còn có trăng. Thê thảm thay cho kiếp người (theo sự suy nghĩ của Thiệu lúc đó) là kể từ tuổi ba mươi trở đi - "ba mươi, mùng một ai tìm thấy trăng." Từ tuổi ba mươi trở đi là đời người bắt đầu đi vào quãng đường tăm tối, vĩnh viễn không trăng. Trời không trăng, đường trăng, tuổi không trăng. Thà chết quách! Và ý nghĩ đó càng làm Thiệu quý ba vừng trăng mười sáu còn lại. Đến vừng trăng cuối cùng - trăng mười sáu tháng Chạp - Thiệu quyết định thức suốt đêm. Buổi chiều tan học, Thiệu mua năm hào lạc rang ở bến ô tô rồi đạp ngược gió về làng. Chập tối Thiệu rót trộm một chút rượu của Thày rồi ra bờ đê để âu yếm nhìn vầng trăng vừa lên. Thiệu dự định tợp từng giọt rượu để tưởng như tợp từng giọt trăng: rượu, trăng và lạc. Nhưng rượu đắng quá, Thiệu không dám tợp đến lần thứ ba, đành ăn lạc thôi vậy. Trời tháng Chạp lạnh lắm, Thiệu chỉ thức và ngủ giữa tiếng dệt cửi của Mẹ; do thói quen, Thiệu hầu như loại hẳn được thứ tiếngđều đều đó ra ngoài vòng ý thức của mình. Nhưng tối nay ở bờ sông về, nghe tiếng khung cửi lên xuống, tiếng thoi đưa đều đều, Thiệu thấy âm thanh đó sao mà sầu thảm u uất. Thiệu khêu nhỏ ngọn đèn trong buồng và suốt đêm hôm đó, Thiệu ngủ phấp phỏng, thỉnh thoảng lại tung chăn vùng dậy ra hiên nhìn trăng và - không hiểu vì một liên tưởng gì - nhớ tới Yến, nhớ đến nghẹn ngào. Khoảng nửa đêm tiếng khung cửi đã ngừng, mẹ và chị Hoa vừa đi ngủ, Thiệu rón rén ra sân ngẩng nhìn trời và nhận thấy chòm sao Orion xế đỉnh đầu vì ở sát ngay vừng trăng nên ba ngôi sao xếp thành hàng thẳng hình thắt lưng ở giữa bị mờ đi (Một ông cha ở Bắc Ninh đã dạy Thiệu tìm mấy chòm sao chính, trong đó có chòm sao này). Mấy lần sực dậy sau, Thiệu thấy lúc thì trăng tỏ, lúc thì trăng lẩn quất sau những đám mây khói vần vụ, lúc thì một vài sợi mây quấn lơi lả quanh trăng như chiếc khăn quàng mỏng, khiến Thiệu nhớ đến bài sử đời Trần Anh Tông vừa học tuần qua và liên tưởng tới khuôn mặt ủ ê của Huyền Trân Công Chúa khi rời đất Việt sang Chiêm Quốc qua đèo Hải Vân thốt ra lời bất hủ:Chiều chiều ra đứng Hải VânChim kêu ghềnh đá ngẫm thân em buồn. Thiệu cho rằng Yến sau này không lấy Thiệu mà lại đi lấy người khác thì cũng chẳng khác gì Huyền Trân Công Chúa phải lấy Chế Mân. Thiệu bèn lấy giấy bút viết một bức thư tỏ tình cùng Yến. Lần cuối cùng khi Thiệu sực dậy ra sân ngắm trăng thì chòm sao Orion đã lặn, khoảng xế đỉnh đầu giờ đây là chòm Đại Hùng Tinh. Sớm hôm sau người Thiệu mệt lã phải nghỉ học. Hăm bảy Tết năm đó Yến mới ở Hà Nội về quê và Thiệu mới có dịp trao bức thơ tình đầu tiên, trong đó những câu lâm ly nhất Thiệu đã kín đáo gạch bút chì đỏ ở dưới. Không biết Yến có chú ý đọc cả bức thư nói chung và những dòng gạch đỏ bên dưới nói riêng không, chỉ biết ngay chiều hôm đó khi Thiệu bất chợt gặp Yến ở bên nhà, Yến chỉ vội vã nói với Thiệu một câu:- "Đừng anh Thiệu ạ." Rồi đi về thẳng. Thiệu không bực mình và cũng không thất vọng vì câu đó Yến nói bằng một giọng bối rối chứ không phải là giọng hắc hủi. Nhưng Thiệu cũng chịu không hiểu sao Yến lại bảo: "Đừng anh Thiệu ạ." Thiệu lên đê nhìn khúc quành của con sông ở khoảng làng Thái Lung Thượng, nghĩ lại hồi hai đứa còn nhò, Thiệu có lần cùng Yến đứng đây và kể chuyện Thạch Sanh cho Yến nghe. Ngày đó Thiệu nhìn dòng sông sao mà rộng, khúc quành sao mà cách Thiệu xa xôi. Ngày nay Thiệu đã lớn, dòng sông như nhỏ đi, khúc quánh cũng không còn tít mù tắt như xưa nữa. Con sông cũ hình như chuyển vào hồn Thiệu thấy lòng nhìn mênh mông dạt dào. Mãi đến chiều mừng một Tết, Thiệu mới gặp Yến. Yến theo mẹ sang bên nhà Thiệu lễ Tết. Hầu như cả hai cùng cố quên, hay cố làm như quên, chuyện cũ. Có một đều Thiệu không thể nào quên được là: vốn xưa Yến đã đẹp, nhân dịp Tết này, Yến trang điểm trông càng lộng lẫy, Yến đẹp đến nỗi Thiệu tự nhiên rầu rĩ cả người. Rầu rĩ vì Thiệu thấy Yến đẹp như một vì sao. Mà sao với người thì thường cách biệt! Thiệu linh cảm thấy khó lòng Thiệu lấy được Yến làm vợ sau này. Sớm ngày mùng ba, Yến đã đi Hà Nội, Thiệu tưởng như mất Yến từ đấy. Chín giờ đêm hôm đó, Thiệu không sao nhắm mắt ngủ được, bèn lén mở cửa ra sông. Trăng thượng tuần đã lặn, trời tối đen như những đêm hạ tuần. Tiếng pháo đã lặn, trời tối đen như những đêm hạ tuần. Tiếng pháo đã ngớt ngay từ trưa. Ở các làng xa chỉ còn thấp thoáng bóng đèn như những bóng ma chơi. Thoảng mùi hương trầm, Thiệu biết rằng mùi trầm Tết đó đã quyện vào áo mình tự nhà, chứ ở đây thì còn ai đốt trầm? Đêm không trăng Thiệu chỉ còn nghe tiếng sóng sông dạt dào khi xa khi gần. Con sông dài như tương tư, như thao thức và đương lần đường đi tìm ánh trăng mười sáu