Chương 4
Xa Cách

Dạy học ở Hà Nội, Thiệu thấy mình còn là ‘‘trẻ con’’, nhưng vào đến Huế, từ trên bục cao nhìn bốn mươi học sinh ngồi nghiêm trang phía trước bên dưới. Thiệu cảm thấy quả mình đã quá khôn lớn, đã đứng đắn rồi.
Thế này - Thiệu nghĩ thầm – cũng đúng là một kiều  "tha phương cầu thực" đây. Như vậy không đứng đắn sao được và không khôn lớn sao làm nổi ?
Khi mới ra đi Thiệu dịnh chỉ ở Huế chừng hai ba năm là cùng, không ngờ chàng đã phải ở đó tới mười năm. Hai năm đầu chàng dạy học như thường, nhưng tình hình chính trị trong nước đã khác. Thiệu có bí mật gia nhập Mặt Trận Cứu Quốc, đi quyên tiền mua khí giới chuyển từ mặt Lào sang.
Trước ngày 19 tháng 8 năm 1945, Thiệu bỏ kinh thành vào chiến khu. Chiến khu khi đó là làng La Chữ cách Huế chừng mười hai cây số về phía núi ! Ba ngày trước cuộc tổng khởi nghĩa, nhân dân đã tự động nổi lên chiếm Bao Vinh, một địa điểm ngoại ô Huế. Cờ, truyền đơn được thể tung ra như bươm bướm. Dân trong thành phố bắt đầu đi cà khịa và ẩu đả với lính Nhật ở ngoài đường. Chập tối ngày 19 tháng 8, một cuộc biểu tình đông hàng ngàn người, dẫn đầu là hai lá cờ đỏ sao vàng, từ Bao Vinh tiến qua Hàng Bè, vào đường Gia Long, lên đường Trần Hưng Đạo.Trong số những người đi đầu này có Thiệu !
Khi đoàn biểu tình đến cầu Tràng Tiền, lính Nhật bên kia cầu chặn lại. Đoàn người hò hét hô khẩu hiệu. Một lát sau lính Nhật rút lui. Lúc đó vào mười giờ khuya.
Sau ngày khởi nghĩa, kinh thành Huế được chính thức đổi tên là thành Nguyễn Tri Phương. tại khắp khu phố, đồng bào các giới thành lập đoàn thể cứu quốc. Thiệu mê mải điều khiển các an hem trong đoàn Tuyên-Truyền Xung Phong, đi khắp các chợ, đi khắp các bến để tác động tinh thần. Sau đó Thiệu phụ trách một đoàn kịch lưu động hoạt động dọc theo đường xe lửa Bình Trị Thiên.
Rồi đoàn quân của Lư Hán tới giải giới quân đội Nhật. Họ vào tận Đà Nẵng.
Rồi sau Hiệp Định Sơ bộ mùng 6 tháng 3, quân đội Pháp đến thay thế quân Lư Hán, chúng được quyền đóng ở ba địa điểm : trường Thiên Hựu, trường Khải Định và đồn Săng Đá ngay sát bên kia cầu Tràng Tiền.
Lính Pháp tích cực khiêu khích, tình hình ngày một gay go khẩn cấp. Trước ngày khởi hấn (19-2-1946 ) chừng nửa tháng, dân quân đã đào hầm cùng đắp chướng ngại vật tại khắp các ngả đường. Ba giờ đêm 19 rạng 20 tháng 10, Thiệu cùng một số bạn phụ trách đặt mìn phá cầu Tràng Tiền đồng thời với tiếng nổ ở khắp nơi đó là cầu An Cựu, Bến Ngự, Kho Rèn V..V…
Ngoài vị trí cũ, quân Pháp xuất hiện đột nhiên ở trường Pellerin và chiếm thêm nhà hàng Morin.
Tuy quân nhà có mua được một số súng chuyển lậu từ Lào sang nhưng ít quá chẳng thấm vào đâu. Có những đoán quân đành dùng chiến thuật đánh kiếm : họ phải hành động nhanh chóng lắm hoặc là quân địch một loáng bị tiêu diệt trọn vẹn, hoặc là họ bị ngã gục trước làn liên thanh : kiếm không thể gạt được đường đạn!
Dân chúng lũ lượt tản cư ra các làng hậu phương. Dân quân địa phương tự động tổ chức phòng vệ làng. Máy bay Pháp ngày ngày nối đuôi nhau đi bắn phá lồng lộn.
Đói rách !
Tang tóc !
Đâu đâu cũng chỉ thấy có những người dân tự động lần hồi nuôi nhau, tự động chống giặc. hầu hết các cán bộ Đảng ‘‘ chính cống’’ hình như đã chuồn ra Thanh Nghệ, Tĩnh từ lâu rồi. Điều này mãi về sau Thiệu mới biết, còn chính lúc đó thì ‘‘ thanh niên cứu quốc’’ đương mê mải làm công tác trong đoàn trinh sát tình báo. Trụ sở của đoàn ở dưới Hầm Một, trong tòa Khâm.
Tình trạng cầm cự đó kéo dài được một năm thì mặt trận khắp nơi hoàn toàn vỡ.
Dân chúng quá kiệt quệ vì đói rét đành phải hồi cư. Từ 1947 đến 1050, hoạt động của Đảng hầu như không có gì. Trong khoản thời gian này Thiệu trở lại với hội họa.
Đã sống qua một thời gian sóng gió, tâm hồn THiệu ngày nay phong phú hơn nhiều. Chàng đã có thể làm chủ được các đường nét ở mọi trường hợp. Tuy nhiên về cách xử dụng màu ; chàng còn phải dùng trực giác nhiều hơn là trí xét đoán vững chắc, mặc dầu chàng đã nghiên cứu đi nghiên cứu lại rất kỹ những sách chàng gửi mua từ Pháp về.
Đầu năm 1951, Thiệu được tin Đảng đã lập lại chiến khu tại La Chữ. Lòng nao nức hoạt động, Thiệu bắt ngay được liên lạc với ‘‘ ngoài đó’’ để tiếp tục công tác bí mật nội thành. Các an hem văn nghệ sĩ khác tìm cách ra chiến khu. Nhưng sao họ lẻ tẻ trở lại? Và kẻ nào trở lại cũng có thái độ công phẫn. Thiệu dò hỏi một người trong bọn được biết Đảng lãnh đạo tỏ thái độ rất khinh khi tụi ‘‘nghệ sĩ tiểu tư sản’’. Thiệu cho đó chẳng qua là một sự hiểu lầm giữa đôi bên.
Cuối năm 1953, Thiệu định đích thân ra Khu nhưng rủi ro bị ốm liệt giường, mãi đến tháng 4 năm sau (1954) chàng mới thực hiện được ý đó. Ra Khu chàng được sung làm nhân viên ban Nghiên Cứu Tình Hình Địch. Thiệu giữ thái độ vô cùng bình tĩnh để quan sát.
Thái độ các đảng viên vô sản đối với thành phần tiểu tư sản quả như lời những người đã chán Khu trở về thành nội trùm chăn. Thiệu không quên một cuộc cãi nhau điển hình thời đó.
Pasteur là một tên phản động.
Thiệu giật mình nghĩ : Quái đêm khuya thế này mà tiểu ban nghiên cứu kinh tế địch ở gian bên vẫn chưa kiểm thảo xong. Lời nói vừa rồi, Thiệu nhận ngay ra lời của ‘‘đồng chí’’ dằn mạnh hơn :
Xin đồng chí nhớ cho : Pasteur là một tên phản động !
Một giọng nói dẽ dàng hỏi lại mà Thiệu nhận ngay là giọng của anh cựu sinh viên năm thứ hai trường thuốc- nhân viên trong ban :
Đồng chí cho biết tại sao mà Pasteur là một tên phản động kia chứ và như thế cả Koch cũng là một tên phản động sao ?
Phải cả Pasteur và Koch đều phản động !
Vì sao vậy ?
Vì tài của họ là do tư bản đế quốc nâng đỡ huấn luyện, vì họ đã đem tài đó ra để phục vụ tư bản đế quốc Pasteur và Koch đều có tội với nhân dân.
Thưa đồng chí tôi chỉ thấy rằng Pasteur có tội với vi trùng nói chung và Koch có tội với vi trùng lao nói riêng, vì họ đã phát minh ra cách diệt chúng để tất cả chúng ta ngày nay đều được hưởng kết quả đó.
Đồng chí nên nhớ Pasteur và Koch là người của tư bản đế quốc !
Nhưng lúc bấy giờ chưa có Đảng đễ lãnh đạo Pasteur và Koch thì lỗi đâu ở Pasteur và Koch ?
Đồng chí không bao giờ được phép quên rằng : Pasteur và Koch là người của tư bản đế quốc.
Thiệu trở mình quay mặt vào tường nghĩ thầm : Anh ‘‘đồng chí’’ này còn biết Pasteur là người Pháp, và Koch là ai, lại không lý luận rằng : ‘‘Pasteur là người Pháp vậy đồng chí bên Pasteur là bênh giặc Pháp’’ kể cũng còn khá lắm.
Thiệu đã quen quá rồi với những cảnh thảo luận đó, với những đề tài thào luận đó. Lần nào nghe người của Đảng thảo luận như vậy Thiệu lại nghĩ đến truyện ‘‘Thế giới người mù’’ của Herbert Georges Wells, hoặc sỗ sàng hơn chàng nghĩ rằng mình đang sống trong một thế giới những trâu, bò, ngựa, lừa, la, chó săn … con nào con nấy đều được che hai bên mắt. Cuộc đời hai bên chúng không biết, cuộc đời phía sau chúng không hay, chúng chỉ biết chăm chăm nhìn về phía trước mà tiến theo đường roi. Trái đất thì tròn, chủ chúng có giỏi lắm cũng chỉ đến dẫn chúng đi trọn một vòng mà trở về điểm cũ, nhưng chúng ca hát – trâu, bò, ngựa, la chó săn … cũng biết ca hát chứ sao- chúng ca hát rằng chủ chúng đương đưa chúng đến Thiên đường.
Phải có một tâm hồn nghệ sĩ coi tình cảm là một cái gì tối thiêng liêng, yêu và hoạt động say mê với cả tấm lòng chân thành trọn vẹn để rồi đích thân tai nghe mắt thấy sự thực ta mới thông cảm nổi hết cảnh chua xót đục thấu xương tủy, lạnh lẽo tràn ngập tâm hồn Thiệu lúc đó.
Vắt tay lên trán Thiệu nghĩ chua chát hơn rằng : có thể trong một trường hợp nào vì ngu mà can đảm, nhưng trong trường hợp đó kẻ cầm đầu vẫn là cưỡi trên lưng con vật mù, một khi con vật kiệt quệ không còn sức chiến đấu nữa thì cả vật lẫn người cùng chết. Có thể đảng cố huấn luyện cho đảng viên và nhân dân ngu để kích thích thú tính mà dùng chiến thuật biển người trong các trận xung kích lớn, nhưng ở thời ký chiến tranh nguyên tử này chiến thuật biển người mất hiệu lực rồi. Phải tỉnh táo và sáng suốt ! Chỉ có dạy nhau, tỉnh táo và sáng suốt, nhân loại mới ra khỏi thế cờ bí do chính nhân loại nầy.
Tin Điện Biên Phủ ngoài Bắc thất thủ. Hiệp định Genève.
Các ‘‘đồng chí ‘’ để tùy Thiệu lựa chọn : hoặc theo tập kết ra bắc, hoặc ở lại lĩnh công tác ‘‘nằm vùng.’’ Cái hèn hạ, cái phản trắc đáng ghê tởm là Đảng trở mặt lại ve vuốt tiểu tư sản, đề cao tiểu tư sản và khuyến khích các phần tử tiểu tư sản lĩnh công tác ‘‘nằm vùng ;’’
Chẳng còn ai mắc mưu. Khi đã một lần mắc đậu mùa, một lần mắc dịch tả … thì suốt đời người ta không mắc những chứng bệnh đó lần thứ hai nữa. Đây cũng là một cách ‘‘miễn dịch tâm hồn.’’
Thiệu lẳng lặng trở về thành. Sau hai tháng đụng chạm với sự thật, trở lại căn phòng cũ, nhìn những nét Croquis phác dở, nhìn những khung vải nhện giăng gián nhấm, Thiệu cảm thấy tâm hồn mình cũng ê chề cũng xiêu vẹo như vậy. Chàng tự nguyền rủa mình đã tình phụ, đã phản bội nghệ thuật, mặc dầu trong thâm tâm chàng vẫn biết mình không thể hành động khác thế ;
Sau cùng chàng tự an ủi:
Đau khổ tự nó vô trách nhiệm, vấn đề phải đặt là: người đã học được những gì trong đau khổ của mình và của đời?
Và cũng kể từ đấy Thiệu hay suy tư về ý nghĩa cuộc đời.
Ai mà chẳng yêu Tổ Quốc, yêu nhân loại vô điều kiện? Nghệ thuật chân chính mặc nhiên phải vô tư, chính trị chân chính mặc nhiên phải vươn tới chỗ vô tư. Nghệ thuận không xa chính trị vì nghệ thuật bắt nguồn ở cuộc sống. Chính trị không xa nghệ thuật vì chính trị gia chính là người nghệ sĩ phụng sự cái đẹp trong hành động. Nếu đừng quá căn cứ vào góc cạnh của tiếng nói nhân loại, thì Thiệu có thể cả quyết rằng: Chân, Thiện, Mỹ là một! Người dân là những nghệ sĩ hồn nhiên, các nhà hiền triết là những nghệ sĩ điêu luyện, rồi các chính trị gia, rồi các văn nghệ sĩ … mỗi người ở địa vị là một khía cạnh của một chân lý toàn diện: đó là lòng hướng về Chân, Thiện, Mỹ; đó là những nỗ lực thường xuyên của con người để nâng cao mức sống tinh thần của con người.
Đau khổ, lầm lắm không đáng kể, điều cốt yếu; hãy lớn mạnh!