Phần II

    
ừ ngày yêu Bảo Loan, tôi chưa dám chắc chắn rằng một ngày kia thế nào chúng tôi cũng lấy nhau. Tôi thấy tôi chỉ lấy được nàng khi nào tôi có một địa vị rực rỡ giữa xã hội. Không phải rằng nàng tham danh vọng. Cũng không phải rằng ông bà Vũ, thầy mẹ nàng bắt buộc. Nàng thành thật yêu tôi và thường tỏ ý muốn cùng tôi sống giữa quê nhà. Nhưng tôi không thể không nghĩ đến tuổi trẻ của nàng. Nàng có thể sau này thấy các bạn bè sung sướng sang trọng mà thay dần ý nghĩ, như vậy rất có hại cho sự sống yên vui. Tôi không thể không nghĩ đến đại gia đình của nàng. Gia đình có nhiều cánh sang trọng, xa hoa, nếu tôi không sang trọng xa hoa bằng thì tôi làm sao chịu được? Mặc dù Bảo Loan yêu tôi và chỉ muốn lấy tôi, mặc dù thầy mẹ Bảo Loan đã xem tôi như con, tôi cảm thấy là phải có điều kiện mới lấy nàng được. Bảo Loan nói lấy nhau rồi về quê tôi mà ở, nhưng Bảo Loan, nàng liệu có thể ở được không? Nàng còn trẻ non thế kia, công việc ở quê nhà không thành thạo, tính không thể chịu khó, như vậy sống sao được giữa quê nhà. Nghĩ rằng nàng sẽ vụng về, nàng sẽ bỡ ngỡ, sẽ khó chịu với những công việc, với cái hoàn cảnh lạ mà nàng phải sống, tôi thấy tôi không thể lấy nàng được. Nàng quả khó mà tìm được hạnh phúc với tôi. Cuộc du học dự định đã chắc chắn là không thành, mối hy vọng về tương lai đã chắc chắn là không đạt được, giữa tôi và Bảo Loan đã có một hố xa cách. Hiện nay đường giao thông lại bị nghẽn, sự đi lại bất tiện, cuộc thế giới chiến tranh chưa biết đến bao giờ mới dứt. Tôi thấy tôi càng ngày càng xa dần Bảo Loan của tôi.
Trong khi ấy thì tôi càng ngày đi dần đến sự quyết định phải lập gia đình. Bấy lâu nay lấy cớ còn đi học, tôi đã đẩy lùi sự quyết định, nhưng nay thì không còn cớ gì nữa rồi. Tôi phải nghiêm chỉnh nghĩ đến việc lập thân, nghĩ đến một cách rất thiết thực, trong cái cảnh huống thất bại hiện tại của tôi. Tôi phải trở lại sống êm đềm, hiền hòa trong một nơi nào của quê nhà, với một người vợ hiền thảo, dịu dàng, coi sóc mươi mẫu ruộng, dăm sào vườn. Vui vẻ cùng vườn ruộng là cái kế cuối cùng của tôi. Tôi thoảng nhớ đến cuốn tiểu thuyết LA MAISON của Henry Bordeaux đến CON ĐƯỜNG SÁNG của Hoàng Đạo. Tôi nhớ đến tâm trạng của vai chính trong hai chuyện ấy, cái tâm trạng gần giống tâm trạng tôi hiện tại. Nhưng cô Thơ của tôi là ai? Tìm người bạn tri kỷ hiểu mình ở giữa quê nhà là điều khó. Người hiểu mình ấy phải gồm có cả dáng điệu thanh lịch và tính hạnh thuần mỹ, như vậy càng khó tìm hơn. Tôi tiên cảm một cách lo lắng rằng không bao giờ có cả.
Vụt nhiên, tôi gặp Vân. Tôi không bao giờ ngờ rằng có một người như thế giữa quê nhà khô khan, không thể ngờ rằng tôi gặp được nàng giữa lúc hoàn cảnh tôi đang cần một người như nàng. Vân thích ứng hoàn toàn với mọi điều sở vọng của tôi. Nhà nàng có nề nếp, nàng khéo léo và chăm chỉ, quán xuyến mọi việc trong nhà. Nàng có học, có thể hiểu những ý tôi nghĩ, những điều tôi làm. Nàng thanh lịch và dịu dàng, nàng là người độc nhất tôi có thể yêu, có thể cưới trong hoàn cảnh hiện tại. Nàng có thể đem lại cho tôi mối hạnh phúc đơn giản mà tôi còn có thể mong mỏi sau những đổ vỡ, thất bại. Chỉ có nàng, chỉ có thể là nàng, tôi đã xét rõ, đã nhận rõ như thế rồi.
Nhưng cưới Vân? Phải cưới nàng ngay? Phải quyết định một việc quan trọng cho suốt cả cuộc đời? Trong khi tôi chưa có thì giờ để quen nàng. Để hiểu nàng. Để yêu nàng. Không, tôi phải tìm hiểu nàng để quyết định một điều quan trọng. Tôi phải gặp nàng, phải hỏi ý kiến nàng. Nhưng lạ kìa, sao tôi càng thúc giục tôi đi đến sự quyết định chừng nào thì lòng tôi càng như muốn lưỡng lự chừng ấy. Tôi có tin chắc rằng hy vọng của tôi đến đây là cùng không? Tôi có nhất quyết rằng Bảo Loan đến đây là đã chia rẽ cùng tôi không? Tôi không muốn nghĩ vậy, tôi sợ cái ý nghĩ đau đớn ấy. Dù rằng tôi đã lo nghĩ và buồn phiền nhiều về việc chung thân của tôi và Bảo Loan, tôi cũng muốn bấu víu vào cái ý nghĩ êm đềm rằng chúng tôi chưa hẳn là tuyệt vọng. Nhưng tôi lại không thể không nghĩ đến Vân bởi đã đến lúc phải nhìn vào sự thật. Tôi chỉ có thể tìm ở nàng, người vợ thích hợp nhất trong hoàn cảnh hiện tại của tôi. Tôi phải gấp tìm hiểu nàng, chung chia ý kiến cùng nàng. Tôi phải gặp nàng và yêu nàng. Sợ lại phải cố gạt bỏ cái ý nghĩ ấy để không nỡ quên Bảo Loan, không muốn quên Bảo Loan, tôi đứng dậy đi ra ngoài trời. Tôi nhìn lên trời rộng và cao. Tôi nói thầm trong thâm tâm tôi:
“Cô Vân ơi! Cô vào Tuy An đi để tôi có dịp gặp cô và hiểu cô. Để cô yêu tôi và tôi yêu cô, để chúng ta kết thành một đôi vợ chồng xứng đôi, đẹp lứa”.
Vân không vào Tuy An bao giờ cả.
Nửa tháng sau, vụt nghe tin nàng đã đi lấy chồng. Mẹ Thái nói:
- Cả nhà không ai chịu cả, không ai nỡ ép. Chỉ một mình bà Tham quyết định. Hôm nay thì lễ cưới xong rồi.
Tôi bàng hoàng. Vân lấy chồng nhanh như vậy sao? Trong lòng tôi, tôi muốn nói một câu gì, muốn nói một điều gì, phải nói cho hả một ý nghĩ gì đang quay cuồng trong óc, đang vươn lên chặn lấy cổ họng. Tôi nói:
- Vân đi lấy chồng rồi. Ừ, Vân vậy mà đã lấy chồng rồi.
Nói xong, tôi không hiểu tại sao tôi lại nói chi vậy, nói vậy để làm gì, nói vậy có ý nghĩa gì. Câu nói rơi vào cái im lặng của ngoại cảnh, và cái trống không của lòng tôi. Vì lòng tôi lúc ấy tự nhiên bỗng trống không một cách tiêu điều lạ. Tôi thấy mình thiếu quá, trơ trọi quá, tôi không biết mình đang cần một sự đầm ấm gì và mình đã làm mất một cái gì. Có cái gì bỗng nhiên thiếu mất trong tôi.
Thấy tôi lặng im đột ngột, mẹ Thái nhìn tôi giây lâu rồi tiếp:
- Vân hay nói đến anh, làm bà Tham tưởng rằng hai người đã quen nhau lắm. Vân nói với người này người nọ về anh. Hình như anh có viết thư từ gì cho Vân?
Tôi trả lời ngay:
- Không có gì hết. Cháu chỉ gặp Vân một lần ở ngay nhà thím…
- Anh Nhã như cũng có biết việc này, việc Vân biết anh.
Tôi mỉm cười:
- Có biết hay không thì cũng… vô ích. Vì chẳng có gì hết.
Tôi đổi câu chuyện, không muốn nói về Vân nữa vì quả thật tôi không biết mình nói gì. Sau một hồi ba hoa về việc này, việc nọ, tôi cáo từ mẹ Thái ra về. Tôi để dành việc Vân cho riêng tôi, tôi phải một mình nghĩ ngợi về nàng.
Vân đi lấy chồng rồi.
Tôi gợi lên hình ảnh của nàng. Tôi thấy ngay màu áo hồng nhạt, đôi vai nhỏ và mái tóc cặp lửng lơ bỏ trễ bên vai. Tôi nhìn lên mặt nàng nhưng không thấy một nét rõ ràng nào cả. Tôi ái ngại nói trong lòng:
- Ta cùng nàng còn chưa rõ mặt.
Ý nghĩ này làm tôi thêm buồn. Tôi tưởng tượng hiện giờ nàng như thế nào. Tôi thấy nàng trong vô cùng hình ảnh lộn xộn, thấy nàng quay cuồng trong một hoàn cảnh gì rối loạn, buồn não, trong ấy có một ngôi nhà cổ cột to và nặng, có những bàn thờ đầy ắp vẻ nghiêm trang, có những người bằng lòng, vui vẻ hời hợt đến vô tư. Tôi bắt chợt gặp ngay hai chữ “Gia phong” và hả lòng thấy rằng, chữ ấy diễn tả đúng cái cảm giác lạnh và nặng mà tôi đang cảm về nàng, về cái hoàn cảnh của nàng.
Tôi không biết mình phải buồn như thế nào, không biết mình đang nghĩ gì và nghĩ như thế nào, mà chỉ thấy là tôi buồn một cách ngẩn ngơ. Nhưng tôi lại tự nhủ ngay: “Xong rồi, việc ấy đã xong rồi”
Tôi tìm cách tự khuyên mình. Tôi có chắc sẽ đi cưới Vân đâu? Tôi có điều kiện gì để đi cưới nàng? Tôi chưa làm một công việc gì để sống tự lập cả, tôi còn là một người học trò sống ghép theo gia đình. Như vậy thì tôi cưới nàng làm sao được? Cưới nàng thì tôi có cách gì để tạo hạnh phúc cho nàng? Tôi không có gì hết. Chồng Vân hơn tôi, đủ điều kiện hơn tôi. Anh ta làm ông lục sự, nghĩa là đã chắc chắn một cuộc sống đầy đủ trong một căn nhà riêng biệt thuê tại tỉnh. Hai người có thể hợp sức lại mà gây dựng, hai gia đình chung sức lại mà gầy dựng cho đôi vợ chồng son. Nhà Nhã giàu, nghe nói vậy. Bà Tham thì chiều chàng rể. Cái hạnh phúc phải có, nó đang chờ để ấp ủ hai tâm hồn đang rủ rỉ cạnh nhau. Hạnh phúc ấy đáng lẽ là của tôi. Nhưng tôi vội lắc đầu không muốn nghĩ tiếp. Tôi muốn tưởng tượng cho thấy Nhã dễ tưởng tượng thêm rằng hai bạn trẻ hiện đang làm gì. Tôi không thể tưởng tượng được. Vì tôi chưa hề biết Nhã. Tôi cảm thấy xa xôi rằng không biết mặt Nhã cũng đỡ nhiều cho sự đau đớn của tôi vì nó đã tránh được cho tôi những sự tưởng tượng tàn nhẫn.
Tôi nhớ đến lời nói của mẹ Thái:
- Vân buồn, khóc nhiều và nhiều lúc nói muốn chết!
Tôi thương cho nàng, nhưng lại tự nhủ ngay: “Rồi nàng lại quên đi những việc ấy. Đám cưới nào cũng có xảy ra những việc tâm tình cay đắng. Cuộc đời dàn xếp tất cả. Mối buồn có bao giờ vĩnh viễn đâu”.
Tôi lại bình tâm. Chợt tôi thấy lòng mình lành lạnh, nhàn nhạt: tôi thấy Vân không bao giờ là của tôi đã đành, tôi còn thấy rằng nàng sẽ vui vẻ sung sướng. Có khó chi? Nàng sẽ sinh con, sẽ làm một bà lục sự oai vệ để rồi làm một bà Tham tương lai, cũng tính toán, cũng thu xếp có nề nếp, khôn ngoan như mẹ nàng hiện tại. Tôi muốn quên nàng ngay. Muốn vậy, tôi nghĩ đến Bảo Loan. Bảo Loan hiện đang nghĩ đến tôi vào giờ này cũng nên. Bảo Loan cùng tôi còn có tương lai. Chúng tôi còn có thể yêu nhau mãi, lấy nhau được. Tại sao tôi lại thất vọng ngay? Không, tôi còn Bảo Loan của tôi. Chớ Vân… tôi lại nghĩ đến Vân, rồi lại trở về cái ý nghĩ êm đềm và chua xót. Tôi thấy tôi mất Vân, điều này vô lý vì nàng có phải của tôi đâu mà gọi rằng mất, nhưng sao, tôi cứ cảm chân thật rằng tôi đã mất nàng, đã mất một niềm hạnh phúc, một người vợ xứng đáng với hoàn cảnh và tâm trạng của tôi hiện tại. Tôi lo cho ngày mai hậu. Còn ai?
Chợt nghĩ rằng Vân đi lấy chồng là một việc dĩ vãng, một việc nhất định, rằng tôi có nghĩ đến nữa cũng không có ích gì, tôi lắc đầu, lắc đầu: “Quên đi”. Tôi nói trong óc tôi rằng: “Quên đi. Quên Vân đi”. Nhưng cùng trong lúc ấy, tôi cảm rằng còn nằm lại, nép chặt cái ý nghĩ man mác: “nhưng quên Vân… buồn lắm”.
Tôi khó mà quên Vân thật, nhất là trong lúc ấy tôi không phải bận bịu về một công việc gì cả. Thỉnh thoảng dì nàng lại nói chuyện nàng với tôi, và tôi cứ mê mải nghe chuyện nàng để thoang thoáng biết rằng nàng đã yêu tôi thật. Tôi muốn tìm gặp nàng một lần ở một nơi nào, nhưng không có dịp nào cả. Tôi muốn ra Sông Cầu để gặp mặt nàng, nhưng rồi tôi lại không đi. Đôi khi, tôi lại tự hỏi: “Thế tôi có chắc chắn rằng nàng đã yêu tôi thật không?”. Cứ như thế, tôi sống trong những ý nghĩ tương phản với một mục đích vô định kèm theo những bất an về chính trị, những dày vò về thân phận. Tôi không biết phải đợi một cái gì sẽ đến cho đời mình. Tôi để ý xét từng mảnh tâm trạng của tôi, tôi ghi những tâm trạng phức tạp đó dưới dạng những trang nhật ký. Tránh chữ “Nhật ký” quá nhàm tôi pha thêm một chút mơ mộng để gọi đó là tập NGÔI SAO NHỎ.
Sau ngày đảo chánh 9-3-45, tôi ra nhà thương Sông Cầu dưỡng bệnh. Bệnh không nặng, nhưng cứ đi. Thường chỉ vào giờ khám bệnh và tiêm thuốc, tôi mới ở nhà thương, còn ngoài ra, tôi đi chơi ở các nhà quen. Lâu lắm mới trở lại Sông Cầu thành ra yêu Sông Cầu quá! Yêu từ con đường nhỏ thanh tịnh có cây bàng xanh và hàng dãy cây keo cao tít. Yêu bãi bể Sông Cầu có những cây dừa cong cong, cây me đồ sộ, cây tra trái xanh vừa chát vừa chua. Sông Cầu đã ấp ủ ba năm ngây thơ của tôi, khi tôi còn là một cậu học trò bé nhỏ ngây thơ, học hai năm lớp Nhì và một năm lớp Nhất. Ở Sông Cầu, có những người tôi quen miệng gọi bằng cậu bằng mợ, bằng chú bác, bằng anh em.
Ngoài những buổi chiều ngồi ở bãi biển một mình, tôi thường ở chơi nhà Huyền Đáng, lúc đó độ mười bốn tuổi, tôi xem như cô em nhỏ. Nhà Huyền Đáng ở trước mặt chợ, tôi thường ra đứng ở hiên xem chợ đông. Ngày nhỏ tôi đã ở dãy nhà đối diện cũng nhìn ra chợ, cũng đứng xem chợ đông. Bây giờ xem chợ là như xem lại một kỷ niệm êm đềm của ngày còn thơ.
Trong những bóng áo tha thiết, tôi còn mong tìm thấy bóng áo của Vân. Nhưng bóng áo màu hồng, mình tìm mà không thấy. Nghĩ ra, mới biết là mình ngơ ngẩn thật. Một năm rồi có lẽ, bóng hồng còn đâu nữa mà tìm? Áo hồng đơn sơ ngày nào dễ thương nay đã rách rồi, đã quăng vào một xó nào trong tủ áo, trong rổ may. Vân đã thay bao nhiêu cái áo khác, màu đẹp hơn, hàng quý hơn, nàng đâu còn nhớ, còn giữ lại làm chi cái áo màu ngày xưa. Cũng như lòng nàng! Và cũng như tấm thân của nàng.
Tôi không tìm thấy màu áo cố hữu, vừa lại phải nghĩ đến sự thật chua chát kia, lòng buồn mấy ngày hơn.
Nhưng một buổi chiều, khi đi chợt đến góc đường nhà buôn Chấn Thạnh, bạn tôi chỉ một người mặc áo trắng đi từ ngã biển lên chợ, đi thoăn thoắt mà bảo khẽ tôi.
- Chị Vân kia.
Tôi thấy lạnh trong tim.
Vân mặc áo trắng. Không kịp nghĩ ngợi xa xôi, tôi lại nhà Huyền Đáng, nhìn ra chợ. Bóng người áo trắng là Vân đi lượn qua chợ mấy vòng rồi mất hút. Không biết nàng có thấy tôi không. Chắc có thấy.
Lúc lên đèn, tôi nói chuyện thân mật cùng Huyền Đáng:
- Ngày xưa, đã có một lần anh suýt cưới cô Vân đấy Huyền Đáng ạ. Nhưng chưa kịp thì anh Nhã cưới trước mất. Không biết bây giờ cô Vân, à không, chị Vân có sung sướng lắm không? Giá hôm nào chị ấy lại nhà Huyền Đáng chơi thì anh sẽ nói rằng anh chúc chị sống thật vui vẻ. Chị ấy có quen với em?
Huyền Đáng ngây thơ trả lời:
- Có. Có quen.
Nhưng Vân không đến nhà Huyền Đáng.
Tôi trở lại Sông Cầu sống những ý nghĩ êm đềm về ngày thơ ấu, nhưng lại phải sống thêm những ý nghĩ chua xót của ngày thành niên. Tôi tự hẹn hôm nào thật khỏe, sẽ lên nhà bà Tham thăm. Thăm Nhân - anh Vân - vì tôi quen Nhân hồi còn nhỏ ở Sông Cầu này và sau này khi Nhân đi Hà Nội. Nhưng cũng là một dịp để bà Tham biết tôi là ai, tôi, người đã làm bà giận, dễ thường là ghét trong những ngày bà ép Vân lấy chồng, và nghi nàng đã yêu “phải” tôi.
Tôi cũng muốn nhìn thấy mặt nàng nữa. Lạ thật! Biết rằng gặp cũng vô ích, việc đã xảy qua, ván đã ghép thành thuyền, thế mà cũng vẫn mong gặp!
Điều dự định nhỏ nhoi, hiền lành ấy vẫn lại không thành. Bệnh tôi chưa lành hẳn thì có tin tôi cần đi Đà Lạt. Tôi không muốn đi, quyết định ở Sông Cầu, nhưng thầy thuốc khuyên rằng bệnh tôi ở khí hậu nóng khó chữa. Nếu đổi khí hậu thì không chữa cũng khỏi, mà khí hậu tốt nhất thì không đâu bằng Đà Lạt. Nghe lời khuyên, tôi mới thuận đi.
Trước khi lên đường, tôi đến nhắn cùng Huyền Đáng:
- Hôm nào gặp, em nói với Vân rằng anh tiếc chưa có dịp để gặp Vân. Nhưng mong Vân sẽ luôn luôn vui vẻ để sống bên cạnh người chồng mà mẹ Vân đã chọn cho Vân.
Tôi căn dặn mãi để Huyền Đáng nhớ nhắc lại lời ấy cùng nàng.
Một buổi chiều tôi lên ô-tô đi, xe từ thành chầm chậm chạy trên đường sỏi xuống phố. Hai bên đường là ruộng lúa. Tôi nhìn sang bên tay mặt. Nhà Vân ở trong vườn dừa xanh kia. Sau cái cống bằng gỗ sáo, qua bờ dậu bằng keo xanh xén thẳng, tôi tự hỏi không biết nàng đang làm gì, không biết nàng có ngờ rằng tôi đang nghĩ đến nàng mà từ giã nàng chăng?
Những ngày ở Đà Lạt khiến tôi bớt nghĩ đến Vân. Tôi trở lại say mê với công việc và hứng thú của riêng mình. Cuộc sống đã theo một nhịp điệu khác.
Một buổi chiều cuối tháng Năm, mưa giông vừa tạnh. Mặt trời hé nắng vàng vàng, không khí nhẹ và trong, mát rười rượi, kích thích đến tim óc. Tôi mở cửa ra ban công nhìn sang rừng thông. Tôi để ý nhìn những thân cây thông cao, vỏ nứt nẻ, cành sần sùi, cong quẹo một cách mỹ thuật không ngờ. Dưới chân cây, cỏ dại mọc dày, cao, lá thon thon vươn lên quá đầu gối. Thân cây đứng song song nhau, cành chìa dọc ngang, lá đan dày um tùm. Tôi nhìn ra xa hơn. Hồ Đà Lạt nằm im, mặt nước xanh phản chiếu đồi núi và rừng thông xanh. Màu xanh và sự im lặng, cảnh bao la của núi rừng và không khí mát mẻ như kim châm vào da, tất cả đã nhẹ nhàng đưa óc tôi liên tưởng đến phong cảnh xứ Phần Lan tôi đã nhiều lần tưởng tượng thấy qua trang sách mở. Vấn vương trên phong cảnh, tôi còn nghe phảng phất giọng nhạc của Jean Sibélius, người nhạc sĩ đã như hô hấp được cái hương vị của rừng thông âm u liên tiếp, của hồ nước lặng màu ngọc bích, của cảnh sắc đặc biệt xứ Phần Lan.
Tôi đang mơ màng tưởng tượng thì chợt vang lên tiếng chim hoàng oanh hót. Tôi đưa mắt tìm xem chim đậu ở đâu. Mỗi lần nghe tiếng chim hoàng oanh là tôi phải nghĩ đến những cây bàng lá xanh mướt. Vòm trời xanh có mây trắng nhẹ như bông. Đà Lạt có chim hoàng oanh là điều tôi không bao giờ ngờ. Nhưng kìa, trên một cành thông gãy, có một chiếc hoàng oanh nhỏ đang mổ vỏ thông tìm mồi. Mổ nhanh nhanh một hồi rồi lại nhảy sang cành khác, hót véo von. Mình chim thon thon, lông mướt, màu vàng nghệ, thật hòa hợp với giọng hót ấm áp.
Óc tôi vụt nhiên thấy êm ả lạ lùng: tôi nhớ đến Huyền Đáng. Lúc ở Sông Cầu, mỗi lần nghe Huyền Đáng nói tiếng Nhật Bản - tiếng “Masu và Desu” mỗi lần nhìn đôi môi của Huyền Đáng nói lên tiếng ấy là tôi nghĩ ngay đến con chim hoàng oanh. Nhiều lần rồi, tôi nhắc lại cái cảm tưởng đó:
- Huyền Đáng ạ, đi đâu cho xa bao nhiêu… hễ nghe hoàng oanh hót là anh nhớ đến em liền.
Hôm nay nghe hoàng oanh hót, tôi nhớ ngay đến Huyền Đáng thật. Tôi vào mở ngăn kéo tìm một món quà gì để gởi cho em. Tôi lấy tập bưu ảnh, ghi vào lưng tờ đầu: “Gởi em Huyền Đáng. Con chim hoàng oanh của anh” rồi ký tên.
Từ nãy giờ nghĩ đến Huyền Đáng, nhưng trong lớp sâu thẳm của tâm tư, tôi có nghĩ đến Vân. Vì hoàng oanh nhắc Huyền Đáng, Huyền Đáng nhắc Sông Cầu và Sông Cầu nhắc tôi nhớ đến Vân. Huống chi, điều tôi nhờ Huyền Đáng nhắn thăm nàng hộ, biết Huyền Đáng đã nói chưa. Biết nàng đã rõ rằng tôi cũng yêu nàng như nàng đã yêu tôi chưa? Nhưng sợ lại phải trở lại những ý nghĩ tôi hằng nghĩ về nàng, tôi cầm bút lên viết thêm ở lưng tấm ảnh.
- Em nhớ nói lời thăm chị Vân khỏe mạnh và vui vẻ hộ anh.
Sự sống rộn rịp ở Đà Lạt quả đã xua tôi bớt nghĩ về Vân. Hơn nữa, tôi thấy có nghĩ cũng vô ích, nàng đã có chồng rồi. Lúc đầu nàng tỏ ra không thuận lấy Nhã, nhưng đã cưới nhau rồi, nghĩa là nàng đã thuận rồi. Huống chi, đã mấy tháng ăn ở cùng nhau, xấu hay tốt cũng đã thành quen, thành thuận. Thêm vào đó, sự rủi may không chừng đã tạo ra một đứa con. Nó trưởng thành để vài dăm tháng nó ra đời. Cây đã lỡ trồng xuống đất rồi thì càng ngày rễ càng đâm nhiều, càng bám chặt xuống đất. Tôi không nên, không có quyền nghĩ đến Vân nữa.
Thỉnh thoảng một tuần hay nữa tháng, hoặc có việc hoặc không, tôi đi Phan Rang hoặc Phan Thiết, Djiring, Sài Gòn. Cách sống luôn luôn thay đổi thành ra thú vị, không chán. Lần cuối cùng đi Sài Gòn, vào khoảng tháng bảy, tôi ghé lại nhà hàng Charner mua sắm một ít đồ đạc. Lúc ra về, đi qua dãy tủ kính hàng lụa, chợt thấy một xấp lụa Bom Bay (1 ) màu hồng nhạt. Tôi nhớ ngay màu áo của Vân mặc hôm gặp tôi lần đầu. Tần ngần một lúc, tôi lại bảo cắt ba thước rồi vội vã ra xe. Ngồi lên xe, tôi tự hỏi không biết nên dùng ba thước lụa hồng ấy để làm gì.
Ba thước lụa ấy, lúc về Đà Lạt, tôi xếp vào một góc va-ly. Khi Đà Lạt tản cư, tôi đi với chiếc va-ly ấy xuống Trạm Hành, Dran. Ngày Pháp tấn công, phá vỡ phòng tuyến, tràn ùa vào nội địa lâm viên thì tôi ở Cầu Đất đi thẳng Tháp Chàm, không đủ thì giờ dừng lại Dran trong năm phút để mang va-ly theo.
Chiếc va-ly mất. Ba thước lụa hồng không biết về tay ai. Thành ra dù có tìm hỏi suốt đời, tôi cũng không thể hiểu được tôi đã mua ba thước lụa ấy định để làm gì.
Tôi đã sống với lý trí. Tôi đã làm trọn cái bổn phận là không nghĩ đến Vân nữa. Trong tầm mắt nhìn, và tầm suy nghĩ của trí óc tôi lúc ấy, lẫn lộn quay cuồng nhiều hình bóng người, nhưng tuyệt nhiên không có hình bóng của Vân. Trang sách đã lật qua rồi. Bao nhiêu rạo rực đã lắng xuống. Tôi thong thả lật sang trang khác của đời tôi.
Tháng 4 năm 1946, sau ngót nửa năm lận đận trong vùng chiến địa Lâm Viên - Ninh Thuận, tôi đáp ghe về Phú Yên. Ngày 11 tháng 6 năm 1947, tôi cưới vợ, vợ tôi là người bạn thân của tôi, người có cùng những ý nghĩ cảm xúc giống tôi, người đã cùng tôi chia xẻ những đau khổ hiểm nguy trên bước đường tản cư lận đận. Chiến tranh như đã một ngọn lốc thổi, nàng phiêu lưu trong một cuộc hành trình không định hướng.
Mới như ngày hôm qua, phòng học sáng sủa của trường Couvent des Oiseaux còn vang tiếng gót giày của nàng. Cuộc đời êm đềm biết bao giữa những lời văn đẹp, những tưởng tượng uyên thâm của Descartes, Shakespeare hay César, giữa những đáp số của bài toán, những công thức của hóa học. Những giờ nhãn rỗi, nàng cho trôi theo điệu nhạc cổ điển, những bản thánh ca, trên chiếc dương cầm mà nàng âu yếm như một người em.
Thế rồi Nhật đảo chính, trường học đóng cửa.
Thế rồi cuộc Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, cuộc chiến tranh trường kỳ bắt đầu. Đà Lạt bị phong tỏa, Đà Lạt phải tản cư, gia đình nàng cũng bắt đầu phân tán, người già được ở lại, người trẻ phải ra đi. Ban đầu ra đi là cái thú, cái thú được nếm chút ít gian khổ, hiểm nguy, cái thú của người ngồi mãi trong ô-tô muốn được đi bộ, của người phải mang giày cả ngày được đi chân đất, thong thả, nhẹ nhõm trong mười phút đầu. Cũng y như thế, trong vài tháng đầu chiến tranh đã quyến rũ mọi người như một tình nhân mới. Quả thật, chiến tranh có đem lại cho người ta cái thú vị say sưa, người nhỏ thì thấy mình bỗng lớn hẳn lên, người lớn tuổi thấy mình trẻ lại. Những bộ quân phục gabardine màu phân ngựa, những đôi ghết đen quá rộng hoặc quá dài, những thanh gươm Nhật đẹp nhưng vô ích và hơi vướng, những khẩu súng lục lủng lẳng ngang sườn… đó là hình ảnh quen thuộc trong những ngày ấu trĩ của chiến tranh. Giữa màu xanh, giữa màu đen nghiêm nghị và đầy sát khí ấy, len lỏi màu trắng của những chiếc áo blouse (2 ) của những chiếc mũ vải trắng điểm tươi một chữ thập đỏ. Chàng chỉ huy mặt trận, nàng băng bó thương binh, thật còn sự hòa hợp nào bằng? Còn lý tưởng nào hơn nữa? Tình yêu cổ điển - vì còn gì cổ điển hơn sự sống và tình yêu - được tinh thần mạo hiểm và lòng hy sinh tô điểm thêm, đã như men rượu mạnh làm say mọi người. Với một số học sinh bấy lâu học hiểu văn minh Hy La kỹ hơn lịch sử cuộc Nam tiến, với một số lớn thanh niên, trung niên bấy lâu coi tình yêu và tiền bạc là mục đích của cuộc đời thì chiến tranh lần này đã mở những cánh cửa mới cho căn phòng tù hãm mà bấy lâu nay đôi mắt họ đã phải quen nhìn. Đối với một số khác, lòng yêu nước trở thành một món trang sức hợp thời và giá rẻ.
Tội nghiệp cho người bạn gái của tôi!
Chiến tranh càng kéo dài, nàng càng đi xa dần, xa dần thành phố Đà Lạt thân yêu của nàng. Hết hy vọng trở về cuộc sống êm đềm với gia đình, nàng phải phó thân cho số mệnh. Một mình bơ vơ giữa súng đạn, nàng vẫn cam chịu đựng, vừa tìm mọi lẽ để vui sống. Nhưng dù can đảm, vui sống, nàng cũng đau đớn lòng thấy rằng những mối hy vọng tương lai của mình đã bị chiến tranh tàn phá mất rồi.
Có khác chi tôi?
Sau mấy đêm trắng suy nghĩ cân nhắc, tôi quyết định cưới nàng.
Không phải trong những hồi trằn trọc, tôi không nghĩ đến Bảo Loan. Không, tôi đã nghĩ đến Bảo Loan nhiều lắm. Cho đến ngày chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, tôi còn viết thư được cho Bảo Loan. Những ngày ở Đà Lạt, cuộc đời tươi lại, tôi đã chuẩn bị một cuộc viễn du ra Hà Nội để xin thầy mẹ Bảo Loan cho cưới. Tôi giấu không cho Bảo Loan biết dự định ấy để dành cho nàng một sự bất ngờ êm đềm. Nhưng thời cuộc lại diễn biến tới tấp, bao nhiêu biến cố lại liên tiếp xảy ra. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, cuộc chiến tranh bộ phận kéo dài, cắt đứt con đường giao thông Nam Bắc. Thư từ không đến tay chúng tôi nữa. Cuộc sống bị xáo trộn nhiều hơn trước nữa. Những sự suy nghĩ, buồn phiền lại trở lại dày vò tôi.
Không! Tôi đã nghĩ đến Bảo Loan nhiều lắm!
Bảo Loan là đối tượng quan trọng trong sự cân nhắc cuối cùng của tôi. Trên bàn cờ giữa giờ chung cuộc, Bảo Loan là con xe, con pháo quyết định. Nhưng tôi phải đau đớn mà phụ lòng Bảo Loan thôi vì trong tình thế hiện tại tôi không thể nào tạo hạnh phúc cho Bảo Loan được, tạo thứ hạnh phúc mà Bảo Loan đang cần. Tôi đành phụ lòng Bảo Loan vậy!
Tâm hồn tôi đã yên ổn trong nếp sống hiền hòa. Cùng vợ tôi, tôi đã đóng hẹp lại cái khung hy vọng của đời chúng tôi. Chúng tôi đã xây lưng lại Dĩ Vãng.
Chừng nửa năm sau, khi đã chan hòa cuộc sống của mình vào nhịp sống chung của mọi người xung quanh, tôi lần lượt được nghe những tin tức về Vân. Tin do bạn gái hoặc bạn trai, người lạ hoặc người quen nói mà tin nào cũng không làm cho tôi vui lòng. Tin Vân và chồng không thuận nhau. Tin Nhã về Nha Trang. Tin Vân được người này yêu, người kia yêu. Tin Vân yêu người này, người nọ, người kia. Tôi không biết có nên tin hẳn những tin ấy không, nhưng dù không biết, tôi cũng cứ giận sao nàng lại có những hành vi như vậy. Tôi ghét nàng. Tôi không muốn nghĩ đến nàng nữa.
Có một buổi chiều ở trường Lục quân Trung học Ngân Sơn ra, tôi gặp Vân đi cùng hai bạn gái, gặp mà tôi không biết vì tôi không nhớ mặt nàng. Lúc về trường, bạn cũ của tôi, anh Đông nói cho tôi biết rằng người đi qua trường lúc nãy là Vân. Tôi nghe nói tên Vân, nhớ lại rằng mình vừa gặp, mà lòng buồn buồn. Tôi nhớ buổi gặp nàng, những điều dự định của tôi đối với nàng. Tôi nhớ lại ngày hôm nay tôi đã có vợ rồi, tôi với nàng thành ra ngày càng xa, xa xôi đến nỗi gặp nhau mà không hề nhớ mặt.
Cuối thu, có những ngày gió lạnh và trời xám. Tôi bỗng thấy bâng khuâng nhớ nhung. Tôi nhớ bài “Cảm tưởng thu” của Anatole France tôi đã học năm thứ hai, thứ ba, tôi còn nghe lại cả tiếng hạt mưa rơi đập vào cửa kính, còn thấy lại cả trận lá vàng rụng trên mình các ngôi tượng trắng. Tôi nhớ Anatole France, nhớ chuyện Clémentine ông viết về người yêu xưa bỏ ông để lấy một chủ nhà băng giàu có. Còn ông tóc bạc dính sát mái đầu, ngày ngày lục lọi xếp đặt sách vở trong thư viện lạnh lẽo, không vợ con. Một đêm tối trời, ông nhìn lên các ngôi sao nhớ nàng Clémentine và chúc cho nàng sung sướng bên chồng bên con. Tôi yêu câu chuyện này và muốn viết một truyện như vậy. Nhưng Clémentine của tôi là ai? Tôi soát lại xem mình có mối tình nào tương tự như thế không. Tôi đắn đo, e dè. Không có sách để xem lại, tôi moi óc cố nhớ, nhưng càng cố nhớ tôi lại càng lẫn lộn hơn. Tôi nói cùng vợ tôi:
- Em đã đọc Clémentine rồi?
- Rồi.
- Ý em thế nào?
- Chắc cũng như ý anh. Anh thích lối viết của Anatole France, em cũng vậy. Theo em, Anatole France là Chopin trong văn và Chopin là Anatole France trong nhạc.
Ngẫm nghĩ giây lâu, tôi tiếp:
- Mấy ngày nay, anh bỗng nhiên nhớ đến chuyện Clémentine quá. Anh phải viết ngay một chuyện tương tự. Nhưng nghĩ mãi chưa ra. Tuy chưa ra nhưng rồi cũng phải ra. Em giúp ý cho anh đi!
Vợ tôi mỉm cười. Một lát sau, nàng chậm rãi nói:
- Phải đấy, anh gắng viết đi. Viết được có lẽ anh sẽ vui…
Đến đây, nàng ngần ngừ một giây:
- Tính anh nhút nhát lắm, không dám nhìn thẳng vào thực tế của cuộc đời mà chỉ thích sống tưởng tượng. Anh xem, anh còn thua em xa… Nhưng thôi, chẳng sao, anh cứ viết đi. Có lẽ sống êm đềm với những nhân vật của anh, anh sẽ vui hơn.
Nàng nhìn lơ đãng ra sân rồi nghẹn ngào tiếp:
- Một năm nay, em thấy anh hơi buồn, hay cáu, dễ nóng giận. Hồi ở Đà Lạt, gặp em, anh đâu có như vậy. Anh vui vẻ pha trò với chúng em. Em nhớ, em yêu đôi bàn tay anh trắng, với những ngón thon… Bây giờ, bây giờ ngón tay nổi gân, trán hay nhăn lại… Em thương hại anh…
Nàng bỗng giật mạnh hai bàn tay tôi, úp mặt vào khóc thổn thức. Tôi vỗ vai nàng dỗ:
- Kìa! Em mới chính là người đáng thương hại, chính em mới là người bỗng dưng đến chia cái khổ của anh. Em có nhiều tương lai hơn anh, thế mà…
Nàng ngẩng mặt lên:
- Nói bậy! Anh nói bậy! Em đâu có khổ?
Và nàng lại mỉm cười, tròng đen long lanh sau màn nước mắt.
(1) Hàng tơ lụa mỏng thượng hạng, sản xuất tại Ấn Độ (2) Áo choàng trắng
Câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi bắt đầu bằng chuyện Clémentine ai ngờ đã kết thúc bằng một cuộc tự xét, tự vấn. Thật đúng như lời vợ tôi nói, tính tôi đã trở nên cau có, gắt gỏng lạ. Tôi sốt ruột thấy đời mình và đời của những người xung quanh mình diễn đi, lập lại trong cái nhịp đơn điệu, vô vị, bị đầu độc bởi những mưu mô tham lam, nhỏ nhen, độc ác.
Thấy tôi cựa quậy, bực dọc, vợ tôi đã hiểu, đã thương hại, đã tìm mọi cách xoa dịu những vết xây xát trong hồn tôi khi tôi va chạm với cuộc đời… Nàng hiểu tôi lắm. Khuyên tôi viết để quên bớt thực tại, coi thường thực tại, nàng đã hiểu tôi và quên mình mà giúp tôi một cách thông minh.
Trong khi ấy, mùa thu như a tùng theo mà đến ám ảnh tôi không thôi. Trời đông kéo dài. Gió cứ thổi hắt hiu hắt mà mặt trời cứ ủ dột khiến tôi lại cứ loay hoay với câu chuyện tình lý tưởng của Anatole France. Sau nhiều ngày suy nghĩ, một hôm tôi nói với vợ một cách trang trọng:
- Ngày hôm nay, em xếp lại bàn viết cho thật ngăn nắp, sẵn sàng. Để anh sẵn sàng viết những câu chuyện tình của anh.
Vợ tôi đã làm đúng theo như ý tôi muốn. Bàn viết rất tươm tất. Đèn lau sạch, tra tim mới, như đang mong một que diêm xòe ra là bật sáng lên ngay. Cán bút gác yên lên bình mực, nhưng tôi vẫn còn sục sạo trong tâm trí, cố tìm lại nàng Clémentine âu yếm của tôi.
Một ngày kia, tôi và anh Uyển, một bạn thân, đi Hòa Đa. Dọc đường, chúng tôi nói chuyện về nghệ thuật sống. Chúng tôi tán dương lối sống thoải mái, thú vị, không đặt chủ đích vào một hướng nào, một việc gì. Có lẽ tại vì chúng tôi suốt tháng ngày ứ với cái nhiệm vụ kháng chiến của mình nên trong một đôi giờ tự do cố nói cho hả, dự định cho hả. Dễ thường chỉ nói và dự định rồi thôi. Uyển dường như đang thắc mắc một điều gì. Mấy hôm nay anh cứ hẹn sẽ đưa cho tôi xem một quyển truyện của anh đã viết. Tôi hỏi truyện dài hay ngắn, tiểu thuyết hay ký sự… thì anh diễn ra lời một cách khó khăn lối viết của anh. Tôi thoáng hiểu. Chắc lại là một truyện mà anh đã sống, pha lẫn nghệ thuật cốt để giấu một phần sự thật. Sau một hồi im lặng đi cạnh nhau, chợt Uyển hỏi tôi:
- Diệp có biết chị Vân?
Tôi trả lời ngay:
- Biết. Vân ở Sông Cầu chớ gì?
- Ờ.
Thấy Uyển im bặt, tôi hỏi lại:
- Thế nào, có chuyện gì không?
Uyển im không nói. Tôi lại giục:
- Kìa, sao lại im đi?
Ngần ngừ giây lâu, Uyển chậm rãi:
- Có chuyện này, nói riêng cho Diệp nghe. Nhưng Diệp hứa là không nói lại với ai cả.
Tôi cười xòa.
- Lại phải dặn. Chuyện của chị Vân tức như chuyện của tôi, anh không phải lo. Nào, nói đi.
- Chuyện này do một người bạn gái tin mình lắm nói riêng cho mình nghe. Người bạn gái ấy là bạn thân của Vân. Vào khoảng cuối năm 1946, lúc mà đó đây người ta bàn tán về Vân, nhiều người tìm cách chiếm đoạt lòng Vân, thì Vân nói chuyện cùng người bạn gái mình rằng: Ngày xưa đã yêu một lần, tình yêu bị dở dang, hy vọng trót không thành, nên bây giờ mọi việc đều coi thường, không để tâm làm gì nữa. Bạn mình hỏi yêu ai thì Vân trả lời: Yêu anh Diệp, anh Diệp ở Tuy An.
Giọng nói của Uyển bình thản khách quan, nhưng tôi có cảm tưởng một tia chớp vừa lóe. Từ trước đến nay tôi biết những cảm tình của Vân qua các anh chị em quen, họ hàng, bà con. Nay tin tức đến từ một người hoàn toàn lạ, và Uyển là một nhân cách đứng đắn, cao hơn mức trung bình. Cô bạn của Uyển, dẫu anh không nói tên, tôi cũng đoán biết là ai, và cũng là một nhân cách cao hơn mức trung bình. Tôi xúc động bàng hoàng và khốn khổ không biết làm cách nào để thâm tạ tấm lòng của Vân.
Đêm ấy, chúng tôi đi xem kịch, nhưng từng hồi, từng hồi, tôi chợt quên kịch mà nghĩ đến Vân. Lúc ra về, trăng khuya sáng, lạnh. Thật phù hợp với tâm trạng tôi lúc bấy giờ đang mang mang nhớ đến nàng. Chân tôi bước nhanh nhanh, lòng tôi thấy êm êm nhè nhẹ và nơi tâm hồn tôi nhẹ nhàng hình thành câu chuyện Clémentine tha thiết của tôi.
Một hôm tôi êm đềm nói cùng vợ tôi.
- Em ơi, hình như anh đã tìm thấy nàng Clémentine rồi. Để thí nghiệm đôi ngày rồi anh sẽ bắt đầu viết.
Truyện chưa kịp bắt đầu thì tôi được tin Vân hay ghé nhà bà Thừa, cô nàng. Hôm gặp ông Sách - rể bà Thừa - tôi vui vẻ nói:
- Hôm nào chị Vân ở Sông Cầu vào, nhờ ông nói rằng tôi gởi lời thăm chị khỏe mạnh. Ông nhớ nghe?
Ông Sách gật đầu cười. Vài ngày sau, ông gặp tôi, nói riêng:
- Nghe ra mới biết rõ là cô Vân đã yêu ông thật. Vậy ông có muốn thì sang gặp.
Sợ ông Sách có ý nghi ngờ gì khi đề nghị tôi sang tìm gặp, tôi nghiêm trang đáp:
- Tôi có bổn phận phải gặp Vân. Nghe chị ấy hiện sống vô định lắm, người này yêu, người nọ, người kia yêu. Chị ấy thì, theo người ta nói, cũng lang mang vô cùng, không biết nên đặt lòng mình vào đâu, hy vọng vào đâu, cứ tự để cho ngoại cảnh muốn dắt mình đi đâu thì dắt. Người ta cho là chị ấy báo thù đời.
Ngẫm nghĩ một giây, tôi lại tiếp:
- Tôi có cảm tưởng xa xôi rằng chính tôi đã dự một phần vào việc gây ra nguyên nhân sự trạng này. Tôi có một phần trách nhiệm đối với cuộc đời hay, hay dở của Vân hiện tại và sau này. Tôi thấy tôi có bổn phận phải khuyên nhủ nàng. Ông nghĩ sao?
- Phải đấy. Cô ấy lại đang đưa đơn kiện ly dị chồng. Ông thử tìm cách khuyên bảo cô ấy xem.
Một sáng chủ nhật, tôi đến nhà bà Thừa. Ngồi trong nhà, nhìn ra sân, thấy có ai mặc áo cánh lụa màu nâu đang phơi áo ngoài dây. Tôi tin chắc là Vân. Mãi sau, nghe tiếng bà Thừa nói sang sảng:
- Con Vân đâu? Anh Diệp sang chơi kìa, lên nói chuyện cho vui. Anh chị em cả.
Giọng nói và cách nói của bà Thừa làm tôi tự nhiên thấy buồn thấm thía. Tôi có cảm tưởng như tôi và Vân đã cùng sống một dĩ vãng thân thiết dưới sự chở che âu yếm của mọi người trong họ, rồi bị một nghịch cảnh gì xui phải xa nhau, để hôm nay tình cờ gặp mặt lại nhau, gặp lại mà phải bỡ ngỡ, ngại ngùng, gặp dưới sự che chở âu yếm của họ hàng như ngày xưa.
Vân ở nhà sau đi lên. Tôi đưa mắt nhìn nàng, nhìn thẳng nàng giây lâu, lòng rào rạt một tình thương xót. Vân như thế đấy sao? Ra hôm nay tôi mới biết nàng là như thế. Tóc nàng cặp vén lên cao rồi bỏ trễ xuống. Vòng lông mày cong lên vươn dài, áp đôi mắt mở rộng, rất đen, sâu thẳm. Thấy tôi, nàng hỏi rất tự nhiên.
- Anh Diệp qua chơi.
Tôi chỉ ngẩng mắt nhìn mà cổ nghẹn không sao nói được. Nàng lại hỏi mau:
- Chị đã sinh chưa, anh?
Tôi trả lời:
- Chưa!
Hỏi lên câu ấy, tôi biết ngay là nàng đã hồi hộp cảm động lắm. Nàng ngồi xuống võng. Thấy sự im lặng nặng nề, tôi bắt đầu nói cùng nàng lời hỏi thăm thường lệ. Nàng trả lời tôi một cách thân ái, dịu dàng. Tôi chợt xoay hẳn câu chuyện:
- Tôi nghe ông Sách nói chị nhờ đưa đơn ra Tòa xin ly dị anh Nhã. Tôi thấy đó là một việc quan trọng. Có lẽ vì sự quan trọng ấy nên tôi tìm gặp chị sớm, ngay hôm nay. Tôi không biết là chị nghĩ kỹ chưa…
Nàng mỉm cười trả lời:
- Việc gì chớ việc ấy thì tôi nghĩ kỹ rồi.
Tôi ngắt ngay:
- Tôi rất nghi ở sự đã nghĩ kỹ của chị. Lúc bằng lòng lấy Nhã, chắc chắn là chị cũng đã nghĩ kỹ rồi. Chớ sao? Má chị ép, chị không bằng lòng nhưng có nghĩ sao, nghĩ rằng chị nên làm vui lòng má, hoặc nghĩ rằng anh Nhã không xấu đâu, hoặc vì gì… gì chẳng hạn, chắc chắn là đã có nghĩ kỹ rồi. Chị nhớ lại xem. Chị sẽ thấy rằng ngày xưa chị cũng đã từng nghĩ kỹ, nghĩ kỹ… để hôm nay đời chị dở dang. Chị có tin chắc rằng điều nghĩ kỹ của chị là đúng không?
Vân đăm đăm nhìn tôi giây lâu, không nói.
- Tôi lo sợ thấy chị đang làm một việc nó định đoạt cả một tương lai. Tôi tự biết tôi không thể hiểu rõ tâm trạng và hoàn cảnh của chị hơn chị được, hiểu mình thì còn ai hơn mình, cho nên tôi không dám cản ngăn. Có điều tôi xin chị dè dặt một chút đối với một việc nó quá quan trọng.
Nàng nói, chậm rãi và lạnh lùng:
- Anh chưa hiểu. Đơn ly dị tôi đã gởi Tòa ba tháng trước rồi. Tòa hỏi thêm hồ sơ, hỏi giấy trích lục và địa chỉ của Nhã. Hôm nay nhờ ông Sách đưa là đưa hai món đó.
- Tôi hiểu. Và tôi đã nói là tôi không sáng suốt hơn chị trong việc này để mà khuyên bảo chị. Có điều tôi cần nói rất thật cho chị nghe là hình như dư luận không được tốt đối với chị…
Nàng mỉm cười.
- Tôi biết. Nhưng …
Nàng bĩu môi, không nói tiếp.
- Người đàn bà quý nhất ở cái tư cách. Tôi rất buồn phải nghe những dư luận, vì thế tôi muốn biết chị kiện ly dị để định làm gì?
- Không định làm gì hết. Bây giờ thì cứ sống như thế này nuôi mẹ, nuôi em; nuôi mẹ cho đến ngày mẹ chết, nuôi em, gây dựng cho em. Khi nào bổn phận hoàn toàn rồi thì sung vào một nhà dục anh, một viện mồ côi…
Ngừng một giây, nàng nhè nhẹ tiếp:
- Có người tưởng tôi muốn ly dị để đi lấy chồng.
Thấy nàng lại im, tôi đáp:
- Ý của chị tốt quá. Vì tốt quá nên tôi sợ không thành. Chị nhớ chuyện xưa có những người vợ quá trẻ muốn thủ tiết để nuôi con, để tránh bướm ong qua lại, có nàng đã phải lấy dao rạch mặt mình trăm vết. Tôi xin lỗi nếu sự thật nói ra sẽ làm phật lòng chị, nhưng dù chị giận tôi, ghét tôi, bổn phận bắt tôi phải nói: Chị e rồi cũng phải dùng đến con dao của người xưa, nếu chị quả quyết làm theo ý định tốt đẹp của chị…
Tôi nói xong, nhìn sang nàng, xem nàng tỏ ý khó chịu như thế nào. Tôi thấy nàng ngẫm nghĩ giây lâu, ngẫm nghĩ lắm. Nhìn lên thấy tôi đang nhìn nàng, nàng nói:
- Ai cũng nói ra toàn những sự khó khăn cả.
- Thì khó, khó hẳn đi.
Thấy câu chuyện đã nhuộm một màu đen nặng nề, tôi im lặng giây lâu. Chợt nàng ngẩng lên hỏi tôi:
- Anh có gặp Huyền Đáng không?
- Chưa. Hôm đi Hà Trung, định ghé thăm Huyền Đáng, nhưng bận quá, ghé chưa được. Huyền Đáng bây giờ thế nào?
- Bây giờ lớn rồi.
Tôi ngẫm nghĩ, chắc Huyền Đáng đã có nói gì với nàng nên nàng nhắc đến Huyền Đáng. Tôi hỏi:
- Lúc tôi từ giã Sông Cầu, chắc Huyền Đáng có nói gì với chị?
Nàng đưa mắt nhìn xuống đất, vẻ bối rối không trả lời. Tôi hỏi tiếp:
- Nhờ trời Huyền Đáng chưa được biết đau khổ…
Nàng mỉm cười:
- Biết đâu!…
- Biết đâu nghĩa là đã. Tội nghiệp. Những cô em nhí nhảnh hiền lành của tôi ở Sông Cầu, sao ai nỡ nhuộm đau khổ vào làm chi cho tội nghiệp. Lộc vừa lấy chồng ở Sơn Hòa, tôi định tìm thăm nhưng chưa kịp.
- Lộc cũng đã là nạn nhân của đau khổ, cũng đã khóc, cũng đã phải đã quên.
Tôi nhún vai tỏ vẻ ngán ngẩm đối với một việc nó diễn đi diễn lại đã quá cũ rồi. Tôi hỏi tiếp:
- Còn Mộng Thúy, Mộng Thúy vừa lấy chồng ở gần đây. Đám này tôi không ngờ lại thành. Mộng Thúy nghe tân tiến dữ: kịch, nhạc, biểu diễn v.v… thế mà đánh đùng bằng lòng lấy một anh chồng chắc chắn là không tân tiến bằng mình, nếu không nỡ nói là quê hơn.
- Mộng Thúy có vậy mà thực tế.
- Có lẽ vì cô ta chưa nghĩ đến ai.
Nàng phì cười:
- Anh lầm to. Đã nghĩ rồi, đã yêu rồi, đã yêu như bất cứ ai.
- Yêu ai?
- Khanh.
- Khanh nào?
- Khanh ở Nha Trang.
Tôi dằn mạnh giọng:
- Nha Trang, sao lại Nha Trang?
Vân nhìn tôi mỉm cười chua chát:
- Thì Nha Trang chớ sao? Nha Trang thì cũng như Hà Nội, Đà Lạt có khác chi đâu?
Nhưng sao Nha Trang lại hay làm khổ, làm phiền Sông Cầu quá vậy?
Trầm ngâm một giây, nàng chậm rãi nói:
- Tháng Năm năm ngoái, nghe tin anh cưới vợ. Sau này, được nghe người ta nói chị học giỏi và hiền lành, tôi rất mừng cho anh.
Nghe Vân nhắc đến gia đình tôi, tôi suy nghĩ ngay đến hiện cảnh rất buồn của nàng. Suy nghĩ một giây, tôi chợt hỏi:
- Nếu độ ấy tôi cứ ở mãi Sông Cầu mà không đi Đà Lạt thì sự thể sẽ xảy ra như thế nào nhỉ? Có lẽ chúng ta đã không như bây giờ. Có lẽ cuộc đời đã khác. Có lẽ chúng ta đã…
Vân mở to mắt nhìn tôi, trách:
- Anh cứ nghĩ đến ngày xưa, nói đến ngày xưa làm gì. Cái gì nó đã qua, cho qua luôn.
- Như thế là tàn nhẫn, nhất là bây giờ, chị đang ở trong một cảnh buồn vô cùng. Tôi nghe tháng nào anh Nhã về Sông Cầu đem chị đi Nha Trang. Chị bằng lòng đi. Ghé vào Đa Ngư, chị viết thư cho má, vĩnh biệt má và cả gia đình, chị nói chị chắc một ra đi là gởi xương quê người không còn mong về nữa. Thư ấy Nhã biết. Nhã lại có dọa một khi đem chị vào được đến Nha Trang, Nhã sẽ hành hạ cho điêu đứng.
- Không phải chỉ lần này Nhã mới dọa, dọa cho người khác nghe. Nhã có lần nói trước mặt tôi.
Ngập ngừng một hồi, nàng tiếp:
- Cưới xong một ngày, tôi nói ngay với Nhã: “Anh cưới tôi, nhưng tôi không yêu anh”. Nhã ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?” Tôi trả lời: “Tại vì tôi đã yêu anh Diệp rồi”. Nhã lặng người, không ngờ tôi có thể nói vậy. Thấy tôi điềm nhiên, Nhã biết tôi nói thiệt. Anh giận dữ gằn giọng:
- Biết rồi. Biết rõ, nên quyết cưới cho được để đem về hành hạ cho biết tay.
- Thế là từ đó trở đi, liên tiếp toàn những hành hạ và hành hạ?
Vân im lặng không nói. Tôi lại hỏi:
- Thế tại sao biết đi theo vào Nha Trang là chết mà vẫn cứ đi?
- Vì muốn chết.
- Muốn chết thế sao khi ở Đa Ngư nghe Nhã dọa thì lại không chịu theo Nhã nữa mà lại để Nhã về Nha Trang một mình?
- Vì nghĩ lại, chết như vậy uổng nên không muốn chết nữa.
Giọng nói gọn, trầm trầm làm tôi biết Vân đã chán nản lắm.