àng trẻ, người ta càng có nhu cầu được học hỏi, được đi xa, được tiếp cận với những nền văn hóa phong phú và nhất là được giao du với bạn bè không cùng ngôn ngữ lẫn màu da. Sau mỗi chuyến đi, có người đem về những bức hình tuyệt đẹp, những món quà lưu niệm và những mối quan hệ lý thú. Riêng tôi, được viết truyện lấy bối cảnh ở nước ngoài với những nhân vật ngộ nghĩnh và những mối tình nhẹ nhàng, là một “cơn nghiện”. Các cuốn sách Bồ câu chung mái vòm, Hành trình của những người trẻ, Oxford thương yêu, Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình là những gì tôi “thu hoạch” được. Tuy nhiên có những điều tôi không thể chia sẻ với mọi người chỉ thông qua những nhân vật tưởng tượng và những cuộc tình “tiểu thuyết”. Những con người tuyệt vời tôi đã gặp, những danh lam thắng cảnh tôi đã qua, giây phút xúc động “xa quê hương ngộ cố tri”…, tất cả sẽ được tôi đưa vào tập sách này. Đó là những chi tiết thật, là cuộc đời thật, là những gì độc giả không thể lắc đầu chê tôi khéo tưởng tượng. Thông qua cuốn sách, tôi mong được truyền cho các bạn trẻ niềm đam mê học hỏi, tính xốc vác, thú chu du. Đây không phải là “cẩm nang du lịch”, càng không phải là sách du khảo-du ký. Bạn chỉ có thể gọi đó là “những ghi chép ngoại truyện” của tôi. Bạn cũng có thể sẽ hiểu vì sao tôi viết Đổ thừa Venise, Tú cầu vùng Bretagne, Con gà nói tiếng Đức, Diên vĩ đồng Provence và nhất là Oxford thương yêu. Và nếu sau khi đọc tập sách này, bạn được thôi thúc để tìm đến “Paris với những vườn văn thơ”, “Brest sấm sét”, “Bruxelles hóm hỉnh”, “Lisbon hiền hòa”, “Sững sờ Florence”, “Eau de Cologne”… hãy cho tôi cùng chia sẻ những giờ phút tuyệt vời nhất: được dấn thân! Ba lần thi để được xuất ngoại Cuốn sách cũng là để kỷ niệm 10 năm tôi được xuất ngoại. Tôi xin được chia sẻ những nỗ lực để có được chuyến đi đầu tiên này. Học tiếng Pháp từ nhỏ, ước mơ được một lần đặt chân đến kinh thành ánh sáng luôn thôi thúc tôi. Cuộc thi “Concours IDECAF” tìm hiểu về nước Pháp (do lãnh sự quán Pháp tổ chức kết hợp với Viện trao đổi văn hóa Pháp-IDECAF) với phần thưởng dành cho người đứng nhất là một chuyến du lịch sang Pháp trong vòng một tháng thật hấp dẫn. Đây chính là con đường khả dĩ nhất nếu tôi muốn xuất ngoại. Tôi đã cố gắng tìm gặp những người khách du lịch để thực tập tiếng. Ở đâu có người nói tiếng Pháp là có tôi lân la. Tôi kết bạn với rất nhiều cặp vợ chồng sang Việt Nam xin con nuôi. Tôi xông xáo chở họ đi đây đó, làm “hướng dẫn viên” giúp họ thăm thú thành phố, cùng đến các cô nhi viện tìm trẻ bị bỏ rơi và mời họ về nhà dùng cơm thân mật. Và tôi trở thành mẹ đỡ đầu cho một em bé Việt Nam được một gia đình Pháp nhận nuôi. Do tiếp xúc nhiều, tôi tiến bộ rõ rệt trong cách phát âm, có nhiều từ lóng, tốc độ nói nhanh hơn. Những người bạn nước ngoài khi đã về nước luôn gởi sách báo giúp tôi trao đổi thêm ngôn ngữ Khi đã là sinh viên năm nhất khoa Pháp trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, tôi mạnh dạn đăng ký dự thi “Concours IDECAF” và ….thất bại. Có quá nhiều người giỏi nên tôi phải nỗ lực hơn nữa. Tôi tham gia làm việc bán thời gian, phiên dịch cho những thương gia sang Việt Nam tìm thị trường. Rồi tôi trở thành đại diện cho một công ty nhỏ, lãnh lương cố định hẳn hoi. Tôi đã kinh ngạc hỏi ông giám đốc vì sao lại chọn một sinh viên không chút kinh nghiệm thương trường, chỉ biết có mỗi ngoại ngữ làm đại diện văn phòng. Ông trả lời “Kinh nghiệm rồi sẽ đến theo năm tháng, còn sự nhiệt tình, tính ham học hỏi và lòng trung thực không phải ai cũng có!” Được khích lệ bởi câu nói này, tôi tiếp tục dự thi “Concours IDECAF” và đến lần thứ ba, cuối cùng tôi đã đạt ước nguyện. Chuyến xuất ngoại đầu tiên Vậy là lần đầu xuất ngoại tôi được hai mươi hai tuổi, đang là sinh viên Cao học của CFVG (Trung tâm Pháp-Việt đào tạo MBA). Đó cũng là lần đầu tôi biết thế nào là máy bay. Sau mười mấy tiếng đồng hồ vật vã vì bệnh say xe, tôi…lảo đảo bước xuống phi trường Charles De Gaulles. Mùa hè năm đó, nước Pháp đang sục sôi vì vô địch World Cup France 98, khắp nơi cờ phướn rợp trời. Lóng ngóng còn hơn “Tư Ếch đi Sài Gòn”, tôi đã “mò mẫm” đi xe bus của hãng Air France vào Paris. Đến văn phòng cấp học bổng thì lại bị báo phải quay lại phi trường để đi tiếp xuống tỉnh Brest. Bị đẩy ra đường, tôi run lập cập vừa đi vừa hỏi, cuối cùng cũng quay lại được phi trường sau mấy tiếng đồng hồ chu du bằng xe điện ngầm và xe bus. Khi về đến Brest với những cái bao nilon bốc mùi trên tay (vì liên tục bị say xe), tôi…khóc lóc thảm thiết, lòng oán hận bị “đem con bỏ chợ” và thề độc sẽ không bao giờ…đi nước ngoài nữa. Nhưng chỉ sang ngày hôm sau, khi đã hồi phục phần nào sức khỏe, tôi hăm hở sục sạo khắp nơi. Tôi làm quen với những ông bà già, trẻ con và những…người thất nghiệp ngoài đường phố. Tôi “sống gấp”, di chuyển liên tục từ tỉnh này sang tỉnh khác theo lời mời của những gia đình xin con nuôi và những người khách du lịch ngày trước từng quen biết với mình. Đi đến đâu tôi cũng được mọi người nồng nhiệt đón tiếp như muốn “trả ơn” ngày trước tôi nhiệt tình giúp họ ở Việt Nam. Họ chở tôi đi thăm thú khắp nơi, tôi say sưa chiêm ngưỡng kiến trúc, phong cảnh và ẩm thực Pháp. Trong vòng một tháng ngắn ngủi, tôi đi thăm hầu hết những tỉnh đặc trưng của Pháp. Sau đó tôi sang Thụy Sĩ và ở một tháng với đất nước thần tiên này. Sau chuyến xuất ngoại đầu tiên đó, tôi “dằn túi” những trải nghiệm ngọt ngào và cả những kinh nghiệm “xương máu” về cách mua vé tàu xe, cách vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, những ngày làm phục vụ bàn ở Pháp, hái nho ở Thụy Sĩ, cách tiếp xúc với người địa phương… Những truyện ngắn Tú cầu vùng Bretagne, Đồi nho xanh, Hội người xa xứ… ra đời như nhu cầu được chia sẻ. Những chuyến đi bụi Hai năm sau chuyến xuất ngoại đầu tiên đó, tôi được sang Pháp tu nghiệp về nghề báo và cách quản lý một tòa báo tại Ouest France, tờ nhật báo có số phát hành cao nhất nước Pháp. Ba tháng trôi qua với biết bao kiến thức nhận được nhưng cũng lắm khó khăn làm “nản lòng chiến sĩ”. Mỗi sáng tôi vác dù đi bộ dưới làn mưa thu cả nửa tiếng đồng hồ vì muốn… tiết kiệm tiền xe bus. Có những ngày mưa lớn quá, tôi đành bấm bụng mua vé xe, nhưng xui xẻo lại rơi vào lúc liên đoàn xe bus đình công. Đi được vài trạm đã bị đuổi xuống. Những ngày cuối tuần tôi nằm chèo queo trong căn phòng nhỏ xíu như hộp quẹt, không bạn bè, không truyền hình, không sách báo. Phố xá vắng tanh, cửa hàng đóng hết. Truyện Một mùa thu ở Rennes là một kỷ niệm cho những ngày “thu cô đơn” này. Hết thời gian tu nghiệp, tôi vác balo đi bụi khắp các nước châu Âu. Những chuyến đi gần như đơn độc, tôi ngồi xe đò và xe lửa đêm xuyên biên giới. Trên chuyến tàu sang Đức, tôi bị một thằng nhóc mười tám tuổi năn nỉ xin…hôn một cái. Ở Bỉ tôi lạc vào một con phố vắng và bắt gặp một người đàn ông đang… khỏa thân phần dưới, báo hại tôi vắt giò lên cổ chạy trối chết. Ở Hà Lan tôi bị chủ nhà trọ vô tình xếp ngủ cùng phòng với hai sinh viên nam (do tên Việt Nam không phân biệt được là nam hay nữ). Ở Tây Ban Nha tôi suýt bị “làm thịt”, may sao vào phút tám chín có quý nhân can thiệp kịp. Ba tháng tôi lang bạt kỳ hồ ở Châu Âu với những phòng trọ rẻ tiền ở cùng người lạ, những chuyến xe giảm năm mươi phần trăm vé vì đi vào những thời điểm không thuận lợi, những bữa ăn vô cùng đạm bạc chỉ gồm bánh mì và nước lọc mua trong siêu thị, thỉnh thoảng mới dám “hùng dũng” chui vào Mc Donald. Những truyện ngắn Con gà nói tiếng Đức, Đổ thừa Venise, Mùa hè ở Barcelone… được độc giả cho là lãng mạn, chỉ có tôi mới biết tình hình thực tế “thê thảm” thế nào. Du học và những chuyến công tác Càng đi, càng tiếp xúc, càng trải nghiệm ở xứ người, tôi càng… say máu xuất ngoại. Tôi lên kế hoạch tìm được học bổng du học. Suốt một năm ròng tôi miệt mài viết thư cho các Đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ, các trường Đại học. Chiến dịch kết thúc với vài lời đề nghị nhưng tôi chọn suất học bổng toàn phần của chính phủ Bỉ. Tôi xúc động nhận ra một điều: nếu biết làm việc một cách chuyên nghiệp và nhiệt tình. Trời sẽ không phụ lòng! Tôi “cụ bị” đồ đạc, hăm hở lên đường sang Bỉ học Cao học Quản trị Kinh doanh tại Đại học Liège, một trường thuộc loại cổ xưa của Châu Âu. Những vui buồn đời du học sinh với những áp lực trong học tập, những ánh mắt kỳ thị của dân bản xứ, tình bạn tha thiết với những cô nàng da đen, những anh chàng mũi lõ, tình thầy trò nồng ấm với giáo sư đỡ đầu… được tôi truyền tải vào các truyện ngắn Bồ câu chung mái vòm, Đồng môn xứ lạ, Đừng giận tình si… Đặc biệt, đời du học sinh trong một năm ngắn ngủi nhưng đầy ắp xúc cảm là chất liệu sống để tôi hoàn thành truyện dài Oxford thương yêu. Tôi có thể ăn uống kham khổ, ngủ bờ ngủ bụi, chi tiêu bủn xỉn vì muốn để dành tiền đi đây đó. Càng “lăn lóc” bao nhiêu tôi càng có nhiều trải nghiệm quý giá bấy nhiêu. Và sau những chuyến phiêu lưu ấy, tôi ấm lòng nhận ra thế giới này người tốt luôn nhiều hơn kẻ xấu. Giờ tuy bận rộn công việc và gia đình, những lúc đi công tác ra nước ngoài tôi đều tranh thủ ở lại để thăm thú thêm nơi mình đến. Lisbon thân thiện đã cho tôi quyết định sẽ xây dựng một nhân vật nam người Bồ Đào Nha thật lý tưởng. Đó chính là Fernando trong Oxford thương yêu. Chuyến tu nghiệp ở Anh một tháng và vài ngày ở Oxford đủ khiến tôi “cả gan” chọn nơi đây làm bối cảnh chính cho truyện dài đầu tiên của mình. Giờ tôi đã chẳng còn bệnh say xe do đã đi quá nhiều. Với tôi, những chuyến đi sẽ không bao giờ ngơi. Hãy cùng tôi đi khắp châu Âu trong suốt mười năm vừa qua nhé!