UỔI TỐI TỈNH LỴ BUỒN TẺ. Nhưng tôi yêu sự buồn tẻ của tỉnh lỵ. Đời sống ở đây ít bon chen và an phận. Có lẽ, tại tôi sinh trưởng tại tỉnh lỵ. Bố tôi hồi còn sống đã mong muốn nếu tôi được học trong khu Đại học nghiêm trang, tĩnh mịch, rộng lớn của thủ đô Hà Nội, tôi sẽ học thuốc để trở thành Bác sĩ. Tôi không muốn giấu diếm ai những điều hèn mọn của gia đình mình. Ông Nội tôi chết năm tôi 7 tuổi. Tôi chỉ biết về Ông Nội tôi qua những câu chuyện mà Bố tôi kể cho nghe với nhiều chớp mắt. Đôi khi, hai giọt lệ ứa ra, không chịu chảy xuống má. Ông Nội tôi là một nhà nho ít may mắn, kể cả cái may mắn lều chõng đi thi. Thay vì nghe lời Ông Trần Tế Xương quẳng bút lông đi, viết bút chì, Ông Nội tôi đã miệt mài với bút lông, cốt thu nhặt ít chữ nghĩa của Thầy Khổng, Thầy Mạnh của thời mạt nho, của giai cấp thông ngôn đã nắm quyền cai trị. Ông tôi học xong thì làm Thầy Đồ nho. Tôi cố hình dung Ông Nội tôi qua mấy câu phú của Trần Tế Xương: Thầy đồ thầy đạc, dạy học dạy hành. Vài quyển sách nát. Ba thằng trẻ ranh. Và câu đối của Cao Bá Quát: Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái; Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.Bố tôi kể rằng Ông tôi đã sống hết đời với nỗi nghèo khổ. Thấy khóa tương tư lương ăn cơm nhà người ta dạy con cái người ta học thêm chữ nho. Cái tráp của Ông tôi luôn luôn đựng trứng gà luộc. Mỗi bữa cơm, Ông tôi đều nhớ mở nắp tráp, lấy quả trứng bày lên chiếc đĩa trong mâm cơm thường là rau muống, rau khoai hay cà, dưa chấm nước mắm cáy chấm tương. Để hễ khách tới bất chợt, khách biết thầy đồ được ăn cơm sang trọng. Có trứng luộc. Áo rách giữ lề đó. Chả khi nào Ông tôi dám ăn trái trứng. Tội nghiệp Ông tôi.Một hôm, nhà học trò có giỗ, Ông tôi về đưa Bố tôi tới vì thương con, vì muốn con ăn được vài miếng thịt. Làng mạc miền Bắc không xa nhau mấy. Ông tôi về buổi sáng dẫn Bố tôi đến nhà Ông tôi “ngồi dạy”. Buổi trưa, đúng lúc cỗ bàn đã bày sẵn. Chủ nhà Ông tôi “ngồi dạy” nói một câu tàn nhẫn: “Thầy ăn chưa đủ sao còn đem cả con Thầy sang ăn nữa”! Dù năm ấy mới 10 tuổi, Bố tôi đã biết tủi thân và bỏ về. Câu chuyện tới đây, Bố tôi thở dài: ‘Con thấy chưa, đời Ông Nội con đấy.”! Ông tôi dạy học khắp các huyện trong tỉnh. Khi Ông tôi chết, học trò lo chôn cất và dựng một ngôi nhà cột gỗ bằng lim, tường xây bằng gạch làm nơi thờ phụng. Giỗ Tết, học trò về đông đủ bái Thầy. Tôi không quên ngôi nhà ấy, không quên những người học trò của thời đại Tây học đã tận diệt Nho học.Bố tôi được Ông tôi kềm cặp, sau này, làm Ông Lang. Và tôi hiểu được nỗi ước mơ của Bố tôi. Nhưng Bố tôi chết trước khi tôi lên trung học đệ nhất cấp. Tôi bơ vơ làm lấy đời tôi. Tôi chọn nghề dạy học vì thương Ông tôi. Tôi hứa, bao giờ cưới vợ, có con, tôi sẽ bắt con tôi học thuốc để làm vừa lòng Bố tôi dưới lòng đất lạnh.Tỉnh lỵ buồn tẻ đâu bằng sự buồn tẻ, quạnh hiu của một ngôi làng nào đó, nơi Ông đã đi hết đời mình. Ông tôi phải thương học trò lắm nên học trò mới nhớ ơn dạy dỗ của Ông tôi. Tôi thích tỉnh lỵ miền Đông/ NHững mái nhà ngói xanh rêu dù nắng rực rỡ sau những trận mưa xối nước khiến tôi tưởng tới những nhà lợp rạ khói bốc lên quyện lấy sương chiều và học trò của tôi hiền lành, ngoan ngoãn. Tỉnh lỵ miền Tây, nơi tôi đang gặp những ưu phiền, giàu sang gấp bội tỉnh lỵ miền Đông. Nhà hai ba tầng. Mái ngói đỏ tươi. Kiến trúc mới mẻ. Máy móc ồn ào. Trên mỗi nóc nhà là một cây ăng-ten. Ở đây, tôi không được nghe biển động. Tôi đã trải qua một ngày căng thẳng. Những con ngựa chứng lớp Đệ Nhị A2, vừa lồng lộn. Nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi của tôi đã bỏ cuộc rodéo giáo dục. Nhưng tôi có Nguyễn văn Lành và trò Lành-cái tên thật dễ thương- khuyên tôi: “Thầy phải đề phòng bọn thằng Phong. Tụi nó giao du với những tên du đãng.”Du đãng đã đáp xe đò xuống lục tỉnh. Bằng cách nào? Phải chăng bằng những phim chém giết, đấm đá Django? Phải chăng bằng những phim chưởng Trung Hoa mà ân oán giải quyết bởi kiếm chặt đứt đầu, bởi đao chém ngang thây? Phải chăng bằng những điều mà người ta gọi là tuổi trẻ phản kháng, tuổi trẻ mệt mỏi trong văn chương thời thượng nhập cảng do những cây bút vô trách nhiệm? Tôi không tin như thế. Vì, 4 lớp Đệ Nhị của tôi, ngoài đám ngựa chứng Đệ Nhị A2, học trò các lớp khác chỉ có vẻ không phục tôi, không kính trọng tôi, có vẻ dửng dưng với người dạy dỗ họ. Tôi ngạc nhiên khi trống trường điểm hết giờ, tôi yêu cầu lớp Đệ Nhị B1 ở lại nghe tôi nói chuyện mươi, mười lăm phút, họ đứng dậy, thu xếp sách vở vài nói:- Thưa Thầy, bài giảng Thầy đã hết, các Thầy khác cho nghỉ sớm hơn…..Tôi hỏi:- Nghỉ sớm hơn làm gì?Một cậu học trò đáp:- Để nghe các Thầy nói chuyện ăn chơi ở Sài Gòn.Tôi thành khẩn:- Tôi không nói chuyện ăn chơi.Cậu học trò nhún vai:- Vậy chán chết. Thầy có báo Playboy không? Coi hình đã lắm. Các Thầy trẻ như Thầy đều cho coi.Thằng Phong (mai tôi dở sổ coi họ và tiếng lót của nó và sẽ xem hồ sơ của nó) đã mỉa mai tôi rằng sẽ biết tên nó khi đến nhà đánh phé. Những Ông giáo sư trẻ đến tỉnh lỵ này đã làm học trò mất niềm tin. Tôi cũng ngạc nhiên nhận thấy một số học trò gọi giáo sư một cách hờ hững và xưng tên tôi một cách thản nhiên. Khác hẳn với miền Đông. Miền Tây văn minh hơn miền Đông. Văn minh đến, đạo đức suy đồi. Tôi muốn nói tới những nền văn minh không được đãi lọc tinh hoa. Tỉnh lỵ miền Tây, nơi tôi vừa đến, sẽ mang một nỗi buồn tẻ tự trái tim của nó. Tôi đứng trên hành lang khách sạn nhìn xuống. Con đường thật sạch, chỉ có vài cọng rác. Tôi muốn làm người phu quét đường tỉnh lỵ. Phải giữ gìn tỉnh lỵ của chúng ta. Phải giữ gìn tuổi trẻ của tỉnh lỵ.Hôm sau, tôi gặp lại học trò Nhị A2 trước. Cả lớp đứng dậy chào tôi. Tôi vẫy tay nói cám ơn họ. Thiếu 4 con ngựa chứng. Nguyễn văn Lành dán băng keo ở trán và một bên mắt nó tím bầm. Tôi dở sổ gọi tên.- Nguyễn văn Phong!- …..- Lê quang Luyện!- ……- Trần chí Thiện!- …….- Tôn thất Du!- …….Đó là tên 4 con ngựa chứng. Chúng nó vắng mặt. Không ai dám hô “Vắng mặt” dùm chúng nó. Gấp sổ gọi tên lại, tôi bước khỏi bục. xuống bàn Nguyễn văn Lành.- Anh Lành.Nguyễn văn Lành đứng dậy, lễ phép:- Thưa Thầy…..Nó chớp mắt nhìn tôi ái ngại:- Thưa Giáo sư, thưa…..Và nó khóc oà. Lành ngồi đầu bàn. Tôi rút khăn đưa cho nó thấm nước mắt.- Anh ngồi xuống. Học trò sắp trở thành cậu tú đơn, khóc lóc kỳ quá. Ngày xưa, bằng tuổi anh, mỗi ngày đi học tôi đều bị một trận đòn bắt nạt. Tôi không khóc, tôi nghiến răng chịu đựng. Sau đó, tôi nên người. Muốn làm một người có tâm hồn, ta phải trả giá thật đắt. Anh là một học trò có tâm hồn cao thượng.Nguyễn văn Lành trả lại tôi chiếc khăn đẫm nước mắt của nó. Và nó ngồi xuống. gục mặt trên bàn. Tôi biết nó đã bị bọn thằng Phong cảnh cáo về tội phá đám chúng nó trong giờ học đầu, chúng nó muốn đánh phủ đầu tôi. Chắc thằng Phong đã rạch lưỡi dao cạo lên trán Lành và đấm Lành sưng vù mặt.- Thưa….Tôi quay nhìn cậu học trò vừa lên tiếng:- Anh muốn tôi giảng bài?Cậu học trò lắc đầu:- ‘Tôi, giáo sư, Thầy, em…..tôi….phải xoay bảng.Tôi hỏi:- Anh được lệnh?Cậu học trò ấp úng:- Dạ, không…, tôi…em muốn xoay bảng giúp Giáo sư.Nó dời chỗ, lên xoay bảng. Dòng chữ viết: “thằng giáo sư Định cút khỏi đây gấp. Lệnh của chúa đảng Sọ Người.” Cậu học trò xanh mặt ngó tôi. Tôi dịu dàng bảo nó:- Cám ơn anh đã xoay bảng giúp.Tôi tới bảng tìm giẻ lau không có. Ngựa chứng đã liệng nơi nào. Tôi lấy khăn mà Lành vừa thấm nứơc mắt, xóa đi rồi dùng phấn viết dòng chữ: Tôi nhất định ở đây dạy hết niên học. Lệnh của lương tâm và lòng tự ái của tôi. Tôi xoay bảng và lên bục Thầy giáo hành nghề. Nửa tiếng sau, bọn thằng Phong đến. Chúng vào lớp như rạp chiếu bóng. Ngựa chứng đầu đàn nhe răng cười, hất đầu trêu tôi:- Đêm qua có rút không?Nó giả đò:- Chút quên, đểm qua giáo sư ở phòng ngủ. Mê ly hả?Tôi nói:- Anh nên vào chỗ nếu anh muốn học. Con đường anh hy vọng đi tới còn xa lắm. Thế nào chúng ta cũng co lần gặp nhau và giúp đỡ lẫn nhau.Nó vất mẩu thuốc lá, dùng đế giầy dẫm nát:- Tôi sẽ nhập ngũ, ra trận. Ông đựơc biệt phái làm Thầy thiên hạ, gặp nhau thế quái nào nhỉ?Tôi nói:- Tôi không trốn lính. Tôi không hèn nhát. Anh Phong, Nguyễn văn Phong, anh nhớ gìum tôi điều đó. Tôi chưa bao giờ can đảm nhưng sẽ không thể hèn nhát.Nó bĩu môi:- Ngon dữ!Tôi nói:- Tôi chỉ có một mình, không vợ con để phải có trách nhiệm, không Bố Mẹ để phải phụng dưỡng. Tôi cần gì chạy chọt, xin xỏ trốn lính. Tôi đã là lính. anh Phong không biết chuyện một giáo sư tình nguyện không về phép suốt chín tuần thụ huấn quân sự à?Ngựa chứng đầu đàn móc túi rút điếu thuốc đầu lọc. Nó cắn chặt cái đầu lọc và cười khẩy:- Cuối cùng, các anh vẫn được biệt phái làm thầy. Các anh trình diễn khéo lắm. Thôi, giảng bài đi cha nội! À khoan đã...Nó bước nhanh lên bảng, xoay mạnh. Phong nhích lại. Nó ngó tôi:- Thằng Lành hôm qua bị té xe.Rồi về chỗ. Khi tôi giảng bài, ngựa chứng ngồi hút thuốc. Hút thuốc chán, nó lôi cái máy thu thanh bỏ túi đặt trên mặt bàn, mở nhạc. Tôi kiên nhẫn chịu đựng. Gần hế t giờ, ngựa chứng bỏ ra ngoài. Chúng nó ra như chúng nó vào. Tôi hỏi học trò:- Các anh có hiểu những lời tôi giảng không?Im lặng....Tôi nói:- Đừng sợ bị phá. Mỗi chúa nhật, tôi sẽ dạy các anh để các anh khỏi bị trượt oan uổng. Vài hôm nữa, tôi xin một căn phòng ở trường. Tôi sẽ ăn ở luôn trong trường.Anh nào kém bất cứ một môn gì, tới tôi, tôi kèm giúp.Nguyễn văn Lành đứng lên:- Thưa Thầy, Thầy không dạy ở trường tư sao?Tôi đáp:- Không.Nó nói tiếp:- Chúa nhật, Thầy cần nghỉ ngơi, giải trí chứ?Tôi nói:Tôi giải trí với các anh. Các anh sẽ đậu hết, sẽ được hõan dịch theo đuổi sự học tới bậc Đại học. Mà Lành....- Dạ.- Coi chứng kẻo bị té xe.- Em không sợ té xe, thưa Thầy.- Một người không muốn giống những người khác, chắc chắn, người ấy chỉ gặp những hoàn oan và thù hận.Tôi vẫy tay:- Lành ngồi xuống.Đôi mắt trò Lành ngầu đỏ. Nó nhìn tôi không chớp. Và, bất thần, nó đưa tay lên trán lột miếng băng keo. Vết thương còn non, ứa máu ra, Lành nói:- Thưa Thầy, em biết chuyện Ông Carnot.Bây giờ, nó mới chịu ngồi xuống, dùng ống tay áo sơ mi trắng thấm máu đỏ đang bắt dòng từ từ chảy trên má nó. Tôi muốn khóc, quả thật, tôi muốn khóc. Con đường tỉnh lỵ miền Tây chỉ có vài cọng rác. Và tàu ngựa của chúng ta chỉ có vài con ngựa chứng. Tôi nói thật nhỏ nhưng cả lớp đều nghe rõ:- Các anh cho tôi một vinh dự quá lớn. Chằng biết tôi có bảo vệ nổi cái vinh dự đó.Một cậu học trò đứng dậy:- Thầy không giống các gíao sư trẻ dạy trường này.Tôi nói:- Các anh chưa thức khuya làm sao biết đêm dài.Cậu học trò khoanh tay:- Em sẽ thức khuya với Thầy.Giờ dạy của tôi chấm dứt. Tôi không muốn dời khỏi lớp. Tôi muốn ở lại đây, gặp hoài học trò của tôi, nói với họ những gì tôi biết, tôi nghĩ về cuộc đời. Tôi muốn họ là học trò lớp 3. Và tôi là ông Thầy tiểu học. Tôi muốn có ngọn roi máng trên từơng. Tôi muốn có câu "Tiên học lễ, hậu học văn" treo cạnh ngọn roi mây. Tôi muốn được đập thước kẻ kêu giòn đầy quyền uy xuống mặt bàn Thầy giáo. Không có những thứ đó ở các lớp trung học. Nhất là các lớp trung học Đệ Nhị cấp. Ông thầy khi đã được gọi la giáo sư để phân biệt với giáo viên và học trò thích nhận mình là học sinh để chứng tỏ mình đã hết thời tiểu học thì cả Thầy lẫn trò đều xa nhau. Họ nghĩ rằng, qua cửa ải tú tài, học vài năm đại học là bằng Thầy. Vậy có gì để nói với nhau hơn là bài giảng đã ghi sẵn trong chương trình của Bộ Giáo Dục. Ông Thầy quên mất rằng học trò của mình đang là tuổi trẻ, và học trò quên mất rằng Ông Thầy còn là người hướng đạo cho họ, một mai, họ bước xuống cuộc đời. Những con ngựa chứng sẽ dẫn dắt bầy ngựa ngoan dời bỏ tầu ngựa nếu người chủ tầu ngựa buông xuôi trách nhiệm. Tôi hiểu chỉ có tâm hồn một Ông Thầy tiểu học già mới cảm hóa nổi những con ngựa chứng trong sân trường. Bằng kiên nhẫn. Bằng độ lượng. Bằng đức độ và cuộc sống đạm bạc. Tôi nhớ Ông Nội tôi, Ông Đồ nghèo khổ hành nghề giữa một hoàng hôn Nho học, giữa thời buổi mười người đi học, chín người thôi. Thế mà Ông tôi đã can đảm đi hết cuộc đời một Thầy Đồ. Tại sao tôi lại hèn nhát? Không, nhất định tôi dạy hết niên học ở đây.Vì trò Nguyễn văn Lành đã thương tôi đến nỗi phải đổ máu và nước mắt. Nó biết chuyện Ông Carnot. Tôi cũng biết chuyện Thầy Hoàng Cơ Nghị.