Đi tìm độc giả

Dịch giả: Phạm Hải Hồ
Đêm thánh vô cùng -1-

    
rong họ hàng chúng tôi, những hiện tượng suy đồi đã hiện rõ nhưng theo một thỏa thuận ngầm, người ta cô làm ngơ một thời gian dài, cho đến bây giờ mới quyết định nhìn thẳng vào mối nguy trước mắt. Tôi chưa dám dùng chữ sụp đổ nhưng nhiều sự kiện đáng lo ngại tích tụ tới mức nguy hiểm, buộc tôi phải thuật những điều tuy lạ tai với người đồng thời, nhưng lại là sự thật không thể chối cãi. Nấm mốc hủy hoại đã ăn sâu dưới lớp vỏ vừa dầy vừa cứng, những tập đoàn ký sinh báo hiệu sự tổn thất của cả một dòng họ. Ngày nay, chúng tôi tiếc đã bỏ ngoài tai ý kiến của người anh em họ tên Franz, người sớm cảnh báo chúng tôi trước sự kiện “tự nó” không có gì hại. Sự kiện ấy tuy thật nhỏ nhặt nhưng hậu quả lớn lao của nó khiến chúng tôi giờ đây phải hoảng sợ. Franz đã báo nguy ngay từ đầu. Tiếc rằng anh ta ít có uy tín. Anh ta chọn một nghề xưa nay chưa ai trong họ từng làm, và lẽ ra cũng không ai được phép làm nữa: Franz trở thành võ sĩ quyền Anh. Ngay từ nhỏ, anh ta đã hay suy tư và sùng đạo đến nỗi bị coi như “đồ mê tín”, lại sớm theo những xu hướng khiến người cha cũng tên Franz - một người có tấm lòng vàng - phải lo buồn. Franz hay trốn tránh bổn phận học hành tới mức độ không thể gọi là bình thường được nữa. Anh ta gặp gỡ bạn bè không rõ tốt xấu trong các công viên vắng vẻ hay những bụi rậm thường thấy ở ngoại ô thành phố. Ở những nơi đó, họ tập các quy tắc cứng rắn của thuật đấu quyền, không chút bận tâm tới truyền thống nhân văn đang bị xao lãng. Mấy đứa ấy sớm biểu lộ tính xấu của thế hệ chúng nó, thế hệ đã tỏ ra vô tích sự. Bao cuộc đấu tranh tư tưởng sôi động ở nhiều thế kỷ trước đây, chúng chẳng thấy hay ho gì, chúng quá bận rộn với những xáo trộn đáng ngờ trong thế kỷ của chúng. Mới đầu, tôi có cảm tưởng lòng sùng đạo của Franz mâu thuẫn với những bài quyền tân thủ hung bạo mà anh ta siêng năng luyện tập. Bây giờ, tôi mới bắt đầu đoán hiểu được phần nào. Rồi tôi sẽ trở lại chuyện này.
Vậy Franz là người sớm lên tiếng báo động, người đã tránh tham dự một số buổi lễ và gọi tất cả là kiểu cách, tệ hại; về sau, anh ta chủ yếu từ chối tham gia những biện pháp cần thiết để duy trì cái anh ta gọi là tệ hại đó. Thế nhưng - như đã nói - Franz quá ít uy tín để được họ hàng nghe theo.
Bây giờ, sự việc đã như lửa gặp gió, chúng tôi lúng túng, chẳng biết chống đỡ đường nào.
Franz trở thành võ sĩ quyền Anh nổi tiếng tự bao giờ nhưng anh ta thản nhiên từ khước lời khen ngợi, cũng như trước đây đã thản nhiên gạt bỏ mọi phê phán của gia đình.
Còn Johannes, em của Franz - tức cũng anh em họ hàng với tôi - người mà tôi dám bảo đảm là hiền như củ khoai ấy, một luật sư thành đạt, đứa con trai cưng của cậu tôi, người ta đồn Johannes tới gần đảng cộng sản, một lời đồn tôi không tin chút nào. Và Lucie, chị họ của tôi trước đây là một phụ nữ bình thường, người ta bảo giờ chị hay đi với người chồng tới những quán có tiếng xấu, suốt đêm nhảy những điệu không thể nào gọi khác hơn là hiện sinh. Riêng phần cậu Franz, người có tấm lòng vàng ấy, cũng nghe đâu có lần cậu bảo mình chán sống, trong khi cả họ xem cậu là mẫu người đầy sinh khí, tâm gương của cái mà người lớn dạy chúng tôi là nhà buôn Thiên Chúa giáo.
Hóa đơn khám bệnh ngày càng nhiều, các bác sĩ tâm thần, các nhà thử nghiệm tâm hồn được triệu đến. Có điều mợ Milla của tôi, người phải được xem là tác nhân của tất cả những hiện tượng ấy, vẫn dồi dào sức khỏe, vẫn tươi cười, vui sống như bình thường, vẻ tươi tắn, linh lợi của mợ khiến chúng tôi bắt đầu khó chịu, sau khi hết lòng lo cho mợ một thời gian dài. Bởi vì một khủng hoảng trong đời mợ có cơ trở thành nguy kịch. Chuyện này tôi phải kể rõ hơn.

II
Đi ngược về quá khư, thật dễ tìm ra điểm xuất phát của một quá trình đáng lo ngại - và lạ thay, đến bây giờ, khi xem xét sự việc một cách tỉnh táo, tôi mới thấy những điều xảy ra trong họ hàng nhà tôi gần hai năm nay là khác thường.
Lẽ ra chúng tôi phải sớm nhận biết là có cái gì đó không bình thường, nhưng phải chăng từ trước tới giờ có cái gì là bình thường? - tôi ngờ vực điều ấy - nhiều việc xảy ra ở đây khiến tôi kinh hoàng. Đã từ lâu, cả gia đình đều biết mợ Milla đặc biệt thích trang trí cây Nô-en, một nhược điểm cá nhân vô hại, khá phổ biến ở tổ quốc chúng ta. Nhược điểm của mợ, ai cũng chỉ thấy buồn cười, trong khi việc Franz ngay từ nhỏ đã công khai phê bình cái “trò” đó luôn luôn là đối tượng của cơn thịnh nộ dữ dội nhất, huống chi anh ta đã là một hiện tượng quấy rối. Mợ tôi hết lấy làm lạ khi Franz xa lánh những lần chuẩn bị trong mùa vọng [1], xa lánh cả buổi lễ thật sự nữa và chỉ xuất hiện vào bữa ăn thôi. Người ta còn chẳng đề cập đến việc ấy nữa là.
Dù có cơ làm mất lòng người khác, tôi phải nhắc tới một sự thật mà để bảo vệ nó, tôi chỉ có thể nói là nó đúng như thế. Vào những năm 1939 đến 1945, chúng ta có chiến tranh. Trong chiến tranh, người ta ca hát, bắn nhau, nói chuyện, chiến đấu, đói và chết - và cả ném bom nữa chớ - toàn những điều không vui, tôi không muốn nhắc tới để người đồng thời phải chán. Tôi chỉ nhắc tới những điều ấy vì chiến tranh có ảnh hưởng tới câu chuyện tôi muốn kể. Vì chiến tranh chỉ được mợ tôi ghi nhận như một quyền lực bắt đầu đe dọa cây Nô-en của mợ từ Giáng Sinh 1939. Tuy nhiên, phải nói là cây Nô-en ấy có tính nhạy cảm đặc biệt.
Cái hấp dẫn chính ở cây Nô-en của mợ tôi là những thằng lùn thủy tinh tay giơ cao cây búa bằng tấc, chân đeo những cái đe hình chuông. Dưới gót bọn lùn có gắn nến, và khi đạt tới một độ nóng nào đó, bộ máy ẩn bên trong bắt đầu chuyển động, một sự bồn chồn sôi nổi được truyền tới tay bọn lùn, khiến chúng đập búa bấc như điên, phát ra hàng chục tiếng leng keng, êm êm như bài hợp ca của các nữ thần trong truyện huyền thoại Bắc Âu. Và trên ngọn cây, một thiên thần má đỏ hồng, quần áo lóng lánh bạc, cứ đều đặn mở môi gọi thì thầm “hòa bình, hòa bình”. Cái bí mật cơ học của thiên thần này được giữ kín, cho đến mãi về sau tôi mới biết, mặc dù lúc đó gần như mỗi tuần tôi đều có dịp nhìn ngắm nó. Ngoài ra, trên cây thông của mợ tôi dĩ nhiên cũng có kẹo vòng, bánh ngọt, “tóc thiên thần” [2], bánh hạnh nhân và - không thể thiếu - những lọn dây kim tuyến. Tôi còn nhớ, việc trang trí đúng cách thức với nhiều vật linh tinh như vậy rất mệt nhọc, đòi hỏi sự tham gia của mọi người. Và trong đêm Nô-en, cả gia đình quá căng thẳng nên không buồn ăn, ngoại trừ Franz, người anh em họ của tôi chẳng tham gia chuẩn bị gì cả, một mình ăn đồ rán, váng sữa và kem một cách ngon lành. Khi gia đình chúng tôi đến thăm cậu Franz vào ngày Nô-en thứ hai và dám phỏng đoán cái bí mật của thiên thần biết nói nằm ở bộ máy cũng khiến cho nhiều búp bê nói được tiếng “má” hay “ba”, chúng tôi chỉ nhận được giọng cười chế nhạo. Chắc người ta có thể hình dung được những quả bom rơi gần nhà đã đe dọa cái cây nhạy cảm ấy như thế nào. Nhiều tấn kịch khủng khiếp xảy ra khi mấy thằng lùn từ trên cây rơi xuống, có lần cả thiên thần nữa cũng lộn nhào. Mợ tôi thật đau buồn. Sau mỗi trận bom, mợ gắng sức sửa chữa cái cây để ít ra còn giữ nó được trong mấy ngày Nô-en. Nhưng ngay năm 1940 cũng đã khó nghĩ đến việc ấy. Dù lại có cơ làm mất lòng người khác, tôi phải nhắc đến chuyện thành phố chúng tôi bị dội bom rất nhiều lần, đó là chưa kể đến mức độ khủng khiếp của những lần dội bom ấy. Dù sao đi nữa, cây Nô-en của mợ tôi cũng trở thành nạn nhân - để luồng tư tưởng khỏi gián đoạn, tôi tránh nói tới những nạn nhân khác - của đường lối chiến tranh hiện đại. Chuyên viên đạn đạo nước ngoài đã tạm thời xóa bỏ sự tồn tại của nó.
Chúng tôi ai cũng thương hại người mợ tuyệt vời, đáng yêu. Chúng tôi đau lòng khi sau những lần đấu tranh mãnh liệt, mợ phải chịu từ bỏ cái cây trong suốt thời gian chiến tranh.
Thật may mắn - hay thật không may mới đúng? - Đó là cảm nhận duy nhất của mợ về chiến tranh. Hầm bê-tông do cậu tôi xây không bom đạn nào phá nổi, hơn nữa, luôn luôn có xe trực sẵn để đưa mợ tôi tới những vùng không trực tiếp chịu ảnh hưởng của chiến tranh; người ta làm đủ mọi điều để mợ khỏi thấy cảnh tàn phá khủng khiếp. Hai anh em họ của tôi cũng có cái may là không phải trải qua cuộc chiến đấu gian khổ. Johannes mau mắn vào hãng cậu tôi làm, hãng đóng vai trò quyết định trong việc cung cấp rau cải cho thành phố. Huống chi anh ta còn đau túi mật nữa. Ngược lại, Franz tuy đi lính nhưng chỉ được giao việc canh giữ tù binh và lại có cơ hội làm mất lòng cấp trên bằng cách đối xử nhân đạo với các tù binh Nga và Ba Lan. Chị Lucie lúc ấy chưa có chồng nên lo phụ giúp việc làm ăn. Mỗi tuần, chị bỏ một buổi chiều làm công tác tự nguyện ở một cơ sở thêu chữ thập Đức Quốc Xã. Nhưng ở đây, tôi không muốn kê khai tội lỗi chính trị của họ hàng mình.
Nói chung, họ không hề hụt tiền mà cũng chẳng thiếu ăn hay thiếu bất kỳ một bảo đảm cần thiết nào, và mợ tôi chỉ cảm thấy đắng cay vì phải từ bỏ cái cây của mợ. Suốt thời gian gần năm mươi năm, cậu Franz, người có tấm lòng vàng ấy, có công lớn trong việc mua cam quít từ các nước nhiệt đới và bán nhiệt đới rồi để lại các nhà buôn khác với số tiền phụ trội tương ứng. Trong chiến tranh, cậu mở rộng phạm vi làm ăn tới các thứ rau trái ít có giá trị hơn. Nhưng sau chiến tranh, thứ trái cây được cậu quan tâm nhất là cam quít thịnh hành trở lại và trở thành sản phẩm được mọi hạng khách hàng ưa chuộng. Như vậy, một lần nữa cậu Franz lại có thể nhập cuộc với tính quyết định, đem lại cho dân chúng món sinh tố bổ đưỡng và cho chính mình món tiền to tát.
Nhưng giờ cậu đã gần bảy mươi, cậu muốn về nghỉ hưu và giao việc làm ăn cho đứa con rể. Lúc ấy xảy ra sự kiện mà hồi trước chúng tôi chỉ thấy buồn cười, bây giờ lại có vẻ là nguyên nhân của cả một quá trình bi thảm.
Mợ Milla lại bắt đầu chuyện cây Nô-en. Việc đó tự nó vô hại; ngay cả việc mợ bền bỉ đòi tất cả “phải giống như trước” [3] cũng chỉ khiến chúng tôi mỉm cười. Lúc đầu, thật không có lý do gì để xem việc đó là quan trọng. Đành rằng có nhiều hậu quả chiến tranh cần được khắc phục, nhưng - chúng tôi tự nhủ - sao không thể trả lại niềm vui bé nhỏ cho một bà cụ đẹp lão?
Ai cũng biết hồi đó khó kiếm bơ với mỡ như thế nào. Vào năm 1945, chính cậu Franz là người có những quan hệ tốt nhất cũng không tìm đâu ra bánh hạnh nhân, kẹo vòng, sô-cô-la và nến. Phải tới 1946 mới có sẵn mọi thứ để dùng. May thay, cả bộ người lùn, đe búa và thiên thần đều còn nguyên vẹn.
Tôi còn nhớ ngầy chúng tôi tới nhà cậu Franz. Lúc ấy vào tháng giêng 1947, trời thật lạnh. Nhưng nhà cậu tôi ấm áp, lại không thiếu đồ ăn. Và khi thắp nến, tắt đèn, khi bọn lùn bắt đầu đập đe, thiên thần thì thầm gọi “hòa bình, hòa bình”, tôi thật sự cảm thấy mình được đưa về cái thời tưởng chừng như đã qua.
Dù vậy, sự kiện ấy tuy bất ngờ nhưng không phải khác thường. Có khác thường chăng là việc tôi chứng kiến ba tháng sau đó. Lúc ấy đã giữa tháng ba, mẹ tôi sai tôi sang cậu Franz hỏi thử xem cậu “có giúp được gì không”. Mẹ tôi muốn nói trái cây. Tôi lững thững qua khu phố láng giềng - không khí êm dịu, trời xâm xẩm tôi. Hồn nhiên, tôi bước qua những đống gạch vụn và các công viên bỏ hoang, mở cổng vườn cậu tôi thì bất chợt, tôi kinh ngạc dừng lại. Giữa cái tĩnh mịch ban chiều, rõ ràng có tiếng hát từ phòng khách vọng ra. Ca hát là tục lệ tốt của người Đức, và chúng ta có nhiều bài hát về mùa xuân - vậy mà tôi nghe rõ ràng:
Đêm nay, Chúa con thần thánh tôn thờ... [4]
Thú thật, tôi đã bối rối. Tôi chầm chậm tới gần, đợi dứt bài hát. Màn cửa kéo kín, tôi cúi xuống nhìn qua lỗ khóa. Trong giây phút ấy, tiếng chuông leng keng vang lên, và tôi nghe rõ tiếng thì thầm của thiên thần. Sợ phiền, tôi không dám vào, lặng lẽ bước về nhà. Trong gia đình, lời thuật chuyện của tôi khiến mọi người cười rộ. Nhưng khi Franz xuất hiện và kể tường tận hơn, chúng tôi mới biết việc gì đã xảy ra:
Khoảng lễ rước nến Đức Mẹ, tửc là lúc chúng ta bắt đầu tước sạch đồ trang hoàng rồi ném cây Nô-en vào đống rác, nơi bọn trẻ vô tích sự chụp lấy nó, kéo lê qua tro bẩn và rác rưởi để dùng vào những trò chơi khác nhau, khoảng lễ rước nến đó, việc khủng khiếp đã xảy ra. Tới ngày lễ rước nến, sau khi cây Nô-en được thấp sáng lần cuối, Johannes vừa mở kẹp lấy mấy thằng lùn ra thì mợ tôi - người mợ lúc nào cũng dịu dàng của tôi - bắt đầu thét lên một cách thảm thiết. Tiếng thét dữ dội và bất ngờ đến nỗi Johannes phải giật mình, để ngã cái cây đang lắc lư, và rồi việc phải đến đã đến: cùng với tiếng rổn rảng leng keng, cả bọn lùn chuông, đe và thiên thần trên đỉnh đều đổ xuống, còn mợ tôi thì thét mãi không ngừng.
Mợ tôi thét gần suốt một tuần, bác sĩ khoa thần kinh được đánh điện mời đến, bác sĩ chữa bệnh tâm thần đi tắc xi vùn vụt tới nhà - nhưng mọi thầy thuốc, kể cả những người có tài đều nhún vai ra về với vẻ sờ sợ. Không ai có thể chấm dứt bản hợp ca lanh lảnh khó chịu đó. Chỉ nhưng loại thuốc cực mạnh mới đem lại vài giờ yên tĩnh, thế nhưng lượng thuốc an thần có thể cho một bà già sáu mươi tuổi uống hàng ngày mà không nguy hại tới tính mạng, lượng ấy tiếc là quá ít ỏi. Trong nhà có một bà thét đinh tai nhức óc như thế quả là một cực hình: mới đến ngày thứ hai, cả gia đình đã rã rời. Ngay cả lời khuyên của tu sĩ thường tham dự buổi lễ gia đình đêm giáng sinh cũng vô ích: mợ tôi vẫn thét không ngừng.
Franz bị mọi người ghét khi anh ta đề nghị dùng phép trừ tà thật sự. Linh mục mắng anh ta, còn cả nhà thì kinh ngạc trước cái khái niệm thời trung cổ ấy, suốt mấy tuần lễ, Franz mang tiếng tàn bạo, nặng nề hơn cả tiếng xấu của người đấu quyền.
Trong khi đó, người ta thử mọi cách để giải thoát mợ tôi. Mợ không chịu ăn, không nói, không ngú; người ta dùng nước lạnh, nước nóng ngâm chân mợ, áp dụng phương pháp tắm khi nóng khi lạnh, các bác sĩ lật từ điển kiếm tên hội chứng ấy nhưng không thấy có.
Và mợ tôi vẫn cứ thét. Mợ thét mãi cho tới khi cậu Franz - người thật sự có tấm lòng vàng ấy - có sáng kiến dựng cây Nô-en mới.

III
Sáng kiến ấy thật tuyệt nhưng việc thực hiện tỏ ra vô cùng khó khăn. Lúc ấy gần giữa tháng hai, kiếm được một cây thông thích hợp là việc tương đối khó. Cả giới thương nghiệp - cần nói thêm là với tốc độ đáng mừng - đã chuyển sang các thứ khác tự bao giờ. Ngày hội hóa trang đã gần kề: mặt nạ và súng ngắn. Nón cao bồi và khăn mũ ngộ nghĩnh của các bà hoàng Hung-ga-ri để đầy tủ kính bày hàng, nơi cách đây không lâu, người ta có thể ngắm nghía các thiên thần và “tóc thiên thần”, nến và hang đá Nô-en. Các tiệm bánh kẹo đã dẹp đồ Nô-en vào kho từ lâu, trong khi pháo được bày ra tủ kính. Dù sao đi nữa, lúc này cũng không có cây Nô-en trên thị trường chính thức.
Cuối cùng, một đoàn thám hiểm gồm mấy đứa cháu gan lì được cấp tiền túi và cái rìu bén: chúng chạy tốc vào khu rừng công cộng và hồ hởi về nhà với một cây thông quý. Nhưng trong khi đó, người ta nhận thấy bốn thằng lùn, hai cái đe và thiên thần trên đính đã hư hỏng hoàn toàn. Bánh hạnh nhân và bánh ngọt thì đã thành vật hy sinh cho lũ cháu ham ăn. Cả cái thế hệ đang lớn lên đó đều vô tích sự, và nếu như từ trước tới nay có thế hệ nào hữu ích đi nữa - tôi ngờ vực điều ấy - thời tôi nhận định rằng đó phải là thế hệ cha mẹ của chúng ta.
Mặc dù không thiếu tiền mặt cũng như những quan hệ cần thiết, nhưng cũng phải mất bốn ngày mới đủ đồ trang trí. Trong thời gian ấy, mợ tôi vẫn thét không ngừng. Điện tín được phóng qua bầu khí quyển tới những trung tâm đồ chơi đang xây dựng ở Đức, những cú điện thoại chớp nhoáng, những kiện hàng gởi cấp tốc được người đưa thư giận dữ mang đến nhà lúc nửa đêm, nhờ có hối lộ, giấy phép nhập khẩu từ Tiệp Khắc được xét duyệt nhanh chóng.
Những ngày ấy, sổ biên niên của gia đình tôi ghi là những ngày đặc biệt tốn nhiều cà phê, thuốc lá và thần kinh. Trong lúc đó, mợ tôi kiệt sức: gương mặt đầy đặn của mợ trở nên xương xẩu, vẻ dịu dàng nhường chỗ cho sự cứng rắn không khoan nhượng. Mợ không ăn, không uống, cứ thét mãi. Mợ được hai nữ y tá canh giữ, và lượng thuốc an thần cứ phải tăng thêm hàng ngày.
Franz kể cho chúng tôi nghe là cả gia đình đã lâm vào trạng thái căng thẳng bệnh hoạn, khi cuối cùng vào ngày 12 tháng hai lại có đủ đồ để trang trí cây Nô-en. Người ta thắp nến, kéo màn, đem mợ tôi từ phòng bệnh sang, và từ những người đang tập họp nơi đó chỉ nghe có tiếng khóc nức nở và giọng cười khúc khích. Vẻ mặt mợ tôĩ dịu đi trong ánh nến, và khi lửa đạt tới độ nóng để các thằng lùn thủy tinh điên cuồng đập chuông, khi đến phiên thiên thần cũng thì thầm nói “hòa bình, hỏa bình”, một nụ cười tuyệt đẹp xuất hiện trên mặt mợ tôi, rồi một lúc sau, cả nhà bắt giọng hát bài Hỡi cây thông xanh. Để hoàn toàn giống buổi lễ thật sự, người ta mời linh mục vẫn thường ở nhà cậu tôi đêm giáng sinh đến dự; chính linh mục cũng thấy nhẹ nhõm và cùng hát với mọi người.
Điều mà không cuộc thử nghiệm nào, không bản phân tích tâm lý hay biệt tài tìm chấn thương tâm thần nào có thể làm được: trái tim thương cảm của cậu tôi đã tìm ra cái đúng. Cách điều trị bằng cây thông của người có tấm lòng vàng ấy đã cứu vãn tình thế.
Mợ tôi lại yên tĩnh như trước và - lúc ấy, người ta hy vọng như thế - gần như lành bệnh. Sau khi hát vài bài, vét sạch vài dĩa bánh ngọt, người ta mệt mỏi lui về phòng thì xem kìa: mợ tôi ngủ mà không cần thuốc an thần chi cả. Hai nữ y tá phải thôi việc, các bác sĩ nhún vai, mọi sự đều có vẻ bình thường. Mợ tôi lại ăn uống, lại dễ thương và dịu dàng như xưa. Nhưng chiều hôm sau, lúc gần hoàng hôn, cậu tôi đang ngồi đọc báo bên cạnh mợ, bỗng mợ rờ nhẹ tay cậu, bảo:
- Giờ ta gọi mấy đứa nhỏ tới làm lễ đi, em nghĩ đã tới lúc rồi.
Sau này, cậu thú thật với chúng tôi là đã giật mình nhưng cũng đứng dậy, vội vã gọi con cháu lại và cho người đi mời linh mục. Linh mục hối hả đến, tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng rồi người ta thắp nến, bọn lùn đập đe, mọi người hát, ăn bánh ngọt - và mọi việc đệu có vẻ bình thường.

IV
Cả thế giới thực vật phải chịu một số quy luật sinh học, và ai cũng biết thông nhổ ra khỏi đất đều có khuynh hướng tai hại là rụng lá, nhất là khi chúng ở trong phòng ấm, mà nhà cậu tôi lại rất ấm áp. Thông quý sống lâu hơn thông thường, như tác phẩm nổi tiếng Abies vulgarisAbies nobilis [5] của tiến sĩ Hergenring đã nêu rõ. Nhưng thông quý cũng sống có hạn. Mới gần ngày hội hóa trang mà đã có dấu hiệu cho thấy cần phải thử thách mợ tôi lần nữa: cây thông rụng lá nhanh chóng, và trong buổi hát ban tối, trên trán mợ gợn vài nếp nhăn. Theo lời khuyên của một nhà tâm lý học xuất sắc, người ta nên nói với mợ bằng giọng trò chuyện nhẹ nhàng rằng có lẽ sắp hết mùa Nô-en. Huống chi bây giờ cây đã bắt đầu đâm chồi, một biểu hiện của mùa xuân sắp đến, trong khi ở vĩ tuyến của chúng ta, chữ Nô-en nhất thiết phải gắn liền với những ý tưởng về mùa đông. Một tối nọ, người cậu thật khôn khéo của tôi đề nghị hát hai bài Chim đã về đông đủXuân ơi, đến nhanh lên nào, nhưng mới vừa hát câu đầu bài thứ nhất, mợ tôi đã sầm mặt lại nên mọi người phải dứt ngang bài hát và chuyển sang bài Hỡi cây thông xanh. Ba ngày sau, Johannes được giao công tác dẹp đồ trang hoàng cây Nô-en một cách nhẹ nhàng, nhưng anh ta vừa giơ tay lấy chiếc búa bấc của một tên lùn, mợ tôi đã thét dữ dội đến nỗi người ta phải trả ngay chiếc búa cho tên lùn rồi thắp nến, vội vã hát to bài Đêm thánh vô cùng.
Nhưng còn gì là đêm thánh nữa; những đám nhậu thiếu niên ca hát, kèn trống inh ỏi, giấy phóng dài và giấy hoa phủ đầy. Ban ngày, trẻ con đeo mặt nạ chiếm lĩnh đường phố, chúng bắn súng, la hét, có đứa còn ca hát nữa, và theo một thống kê tư, thành phố chúng tôi có ít nhất sáu chục ngàn cao bồi và bốn chục ngàn bà hoàng Hung-ga-ri: tóm lại, đó là ngày hội hóa trang, người nước ta quen ăn mừng lớn như lễ Nô-en hay hơn thế nữa. Nhưng mợ tôi có vẻ như không nghe thấy gì cả: mợ chê những đồ mặc hóa trang giờ đây không thể thiếu trong các tủ quần áo; mợ buồn bã than phiền về sự suy đồi đạo đức, vì cả những ngày Nô-en, người ta cũng không từ bỏ hành động vô luân ấy. Và khi mợ tìm thấy ở phòng ngủ chị họ tôi một cái bong bóng tuy đã xẹp nhưng vẫn còn rõ hình chiếc mũ hề trắng, mợ òa lên khóc, yêu cầu cậu tôi ngăn chận những điều lộn xộn xấu xa ấy.
Người ta hoảng sợ khi nhận thấy mợ tôi điên dại thật sự, mợ cứ tưởng bây giờ là đêm Giáng Sinh. Dù sao đi nữa, cậu tôi đã triệu tập buổi họp gia đình, yêu cầu mọi người giữ gìn sức khỏe cho mợ tôi, để ý đến trạng thái tâm thần lạ kỳ của mợ. Rồi cậu lại trang bị một đoàn thám hiểm để ít ra có thể yên chí là buổi lễ ban chiều sẽ được hoàn hảo.
Trong khi mợ tôi ngủ, người ta tháo đồ trang trí ở cây thông cũ đem qua cây mới, và tình trạng của mợ tôi vẫn tốt đẹp như thường.

V
Nhưng rồi ngày hội hóa trang cũng qua đi, mùa xuân đã đến thật sự. Thay vì “xuân ơi, hãy đến”, bây giờ người ta có thể hát “xuân thân yêu nay đã đến”. Tháng sáu rồi nhưng không ai trong các bác sĩ mới dọn tới vùng này có thể tạo hy vọng là mợ tôi sẽ hết bệnh. Mợ vẫn không thay đổi chút nào. Ngay cả bác sĩ Bless có tiếng là một tài năng quốc tế cũng nhún vai lui về phòng nghiên cứu, sau khi lấy thù lao tới 1.365 mác, chứng tỏ thêm lần nữa sự xa rời thực tế của ông ta. Mấy lần người ta cố ý định đình chỉ hay bãi bỏ buổi lễ, nhưng mợ tôi trả lời bằng tiếng thét khiến họ phải từ bỏ ngay những việc phạm thánh như thế.
Điều đáng sợ là mợ tôi nhất định đòi mọi người thân phải có mặt, kể cả linh mục và mấy đứa cháu của mợ. Ngay như các thành viên trong gia đình, cũng phải hết sức nghiêm khắc họ mới tới đúng giờ, còn với linh mục thì thật khó xử. Mấy tuần đầu, vì nể bà cụ hay xưng tội với mình, ông chịu đựng không chút phàn nàn, nhưng rồi ông tằng hắng, ngượng nghịu tìm cách giải thích cho cậu tôi hiểu là không thể cứ tiếp tục như vậy. Buổi lễ chính tuy ngắn - chừng khoảng ba mươi tám phút - nhưng về lâu về dài, cả cái nghi lễ ngắn ấy người ta cũng hết chịu được nữa, linh mục quả quyết như thế. Ông còn nhiều nhiệm vụ khác, những buổi họp tối với các sư huynh, công tác lo phần hồn, đó là chưa kể đến việc xưng tội mỗi thứ bảy. Dù vậy, trong vài tuần lễ ông cũng chịu dời đổi những cuộc hẹn, nhưng vào khoảng tháng Sáu, ông nhất quyết đòi được miễn tham dự buổi lễ. Trong gia đình, Franz la lối ầm ĩ, tìm đồng lõa để thực hiện ý định đưa mẹ anh ta vào viện điều dưỡng, nhưng mọi người đều cự tuyệt.
Dù sao đi nữa: các khó khăn đã quá rõ ràng. Một tối nọ, linh mục vắng mặt, không sao lùng ra ông được, dù có điện thoại hay cho người tới nhà tìm cũng vô ích. Cậu tôi chửi rủa thậm tệ và nhân đó gọi các tôi tớ Chúa bằng những từ mà tôi không dám lặp lại. Trong hoàn cảnh khốn khó tột cùng ấy, một thầy trợ tế [6] xuất thân từ giới bình dân được mời đến giúp. Ông ta đồng ý nhưng lại có hành động tồi tệ đến nỗi gần xảy ra một thảm họa. Tuy nhiên, nên nhớ rằng lúc đó đã tháng Sáu, trời rất nóng, vậy mà người ta lại kéo kín màn cửa để giả vẻ u ám mùa đông, ngoài ra còn thắp nến nữa chớ. Rồi buổi lễ bắt đầu: thầy trợ tế tuy có nghe đến việc ấy nhưng chưa hình dung rõ ràng. Người ta run rẩy giới thiệu với mợ tôi thầy trợ tế là người thay thế linh mục. Không ngờ mợ tôi lại chấp nhận sự thay đổi nhân vật ấy. Vậy thì: bọn lùn nện búa, thiên thần nói thì thầm, mọi người hát bản Hỡi cây thông xanh, ăn bánh ngọt, hát bản ấy lần nữa, và bỗng nhiên thầy trợ tế cười sặc sụa. Về sau, ông ta thú nhận không thể nín cười khi nghe câu “thông xanh cả mùa đông tuyết rơi”. Ông ta xổ ra những lời đùa nhảm nhí của giới tăng lữ rồi rời căn phòng đi biệt luôn. Mọi người nhìn mợ tôi chăm chăm, nhưng mợ chỉ chán nản nói gì đó về “tên vô lại đội lớp thầy tu” rồi cho một miếng bánh hạnh nhân vào miệng. Hồi trước, chúng tôi lấy làm tiếc khi nghe chuyện ấy - nhưng bây giờ tôi có khuynh hướng xem đó như cơn bộc phát của lòng vui vẻ tự nhiên.
Ở đây - nếu tôn trọng sự thật - tôi phải nói thêm là cậu tôi đã lợi dụng quan hệ với cấp cao nhất của giáo hội để khiếu nại về linh mục cũng như thầy phụ tế. Người ta rất quan tâm tới việc ấy và tiến hành vụ án xét xử việc xao lãng trách nhiệm lo phần hồn; ở cấp sơ thẩm hai tu sĩ thắng kiện, cấp phúc thẩm chưa ngã ngũ.
May thay, người ta tìm được một giám mục về hưu sống gần nhà. Bằng cách thức tự nhiên đáng mến, ông cụ đẹp lão ấy tỏ ý muốn giúp và sẵn sàng bổ sung cho buổi lễ ban tối. Nhưng tôi đã đề cập việc ấy quá sớm.
Cậu Franz đủ tỉnh táo để thấy rõ là không thuốc men nào đạt được hiệu quả mong muốn, đồng thời cương quyết bác bỏ việc thử phép trừ tà; cậu cũng thừa óc kinh doanh để tính chuyện lâu dài và thật kinh tế. Trước hết, cậu bãi bỏ những cuộc thám hiểm của mấy đứa cháu vì chúng tỏ ra quá đắt. Nhờ quan hệ tốt với giới thương nghiệp, Johannes tìm ra dịch vụ cung cấp cây tươi của hãng Sơderbaum, một xí nghiệp hoạt động tốt và có công lớn với hệ thần kinh của họ hàng tôi trong gần hai năm nay. Mới hơn nửa năm mà thay vì bán lẻ, hãng Sơderbaum đã chịu cung cấp cây theo định kỳ với giá rất hạ và tuyên bố sẵn sàng cho tiến sĩ Alfast, nhà chuyên môn về họ thông, tính chính xác thời hạn ba ngày trước khi cây thông cũ không dùng nữa được để kịp thời cung cấp cây mới cho bà con tôi trang hoàng. Ngoài ra, họ còn trữ kho hai chục tên lùn và ba thiên thần trên đỉnh.
Một yếu điểm chưa giải quyết được là bánh kẹo. Chúng có khuynh hướng tai hại là dễ chảy nhỏ giọt, nhanh chóng và dứt khoát hơn cả sáp nóng. Nhất là trong những tháng hè. Mọi hệ thống làm lạnh khéo che đậy đều không thể giữ chúng ở thể đặc, cũng thế là hàng loạt thí nghiệm tìm phương pháp giữ cây lâu dài. Dù vậy, gia đình cậu tôi luôn luôn biết ơn và sẵn sàng tiếp nhận mọi sáng kiến giúp giảm chi phí cho cái lễ liên tục ấy.

VI
Trong khi ấy, buổi lễ ban tối ở nhà cậu tôi gần như có tính cứng nhắc chuyên nghiệp: người ta tụ họp dưới cái cây hoặc chung quanh nó, mợ tôi vào, nến thắp sáng, mấy thằng lùn nện búa, thiên thần nói thì thầm “hòa bình, hòa bình”, rồi mọi người hát vài bài, gặm bánh, tán dóc một chút và ngáp dài lui về phòng sau khi chúc nhau “một buổi lễ vui vẻ”. Bọn trẻ bắt đầu tìm đến những thú vui khác nhau tùy theo mùa, trong khi người cậu có tấm lòng vàng của tôi cùng mợ tôi đi ngủ. Trong phòng còn vương lại mùi nến, mùi dìu dịu từ những nhánh thông nung nóng, hương thơm của bánh kẹo. Bọn lùn phát lân mờ mờ, giữ điệu bộ cứng nhắc, giơ tay lên dọa, và thiên thần mặc quần áo cũng phát lân, màu trắng bạc.
Có lẽ không cần phải nói rõ là niềm vui Nô-en thật sự đã suy giảm nhiều trong cả họ: nếu muốn, lúc nào chúng tôi cũng có thể nhìn ngắm một cây Nô-en cổ điển ở nhà cậu tôi - và mùa hạ, có khi chúng tôi đang ngồi nghỉ trên sân thượng sau một ngày mệt nhọc và nốc rượu thơm của cậu tôi thì từ dưới nhà vọng lên tiếng chuông nhè nhẹ, và người ta có thể thấy giữa ánh chiều tà mấy thằng lùn vung búa tứ tung như một bầy quỷ nhỏ, trong khi thiên thần thì thầm gọi “hòa binh hòa bình”. Và chúng tôi vẫn còn thấy lạ khi nghe tiếng cậu tôi gọi lớn giữa mùa hè:
- Thắp sáng cái cây đi các con, má sắp đến rồi.
Rồi thường là đúng giờ, vị giám mục bước vào, một ông cụ hiền lành, chúng tôi ai cũng yêu mến. Cụ đóng vai trò của mình thật hoàn hảo, nếu giả như cụ biết mình đang đóng một vai trò nào đó. Nhưng dù thế nào đi nữa, cụ cũng giữ một vai trò với mái tóc bạc, nụ cười trên môi, và đường viền tím dưới cổ áo càng tôn thêm vẻ quý phái trên dáng người cụ. Cũng là sự khác thường khi giữa đêm hè ấm áp có tiếng gọi ríu rít:
- Cái chụp nến, mau lên! Cái chụp nến đâu rồi?
Một lần giông tố dữ dội, mấy thằng lùn cảm thấy như bị thôi thúc, tuy không nung nóng nhưng vẫn giơ tay vung vẩy loạn xạ, đồng thời chơi một bản hợp tấu đặc biệt; sự kiện ấy được giải thích khá đơn thuần bằng từ điện khí khô khan.
Một khía cạnh không kém phần quan trọng của vở kịch đó là vấn đề tài chính. Đành rằng nói chung, gia đình tôi không thiếu tiền bạc, nhưng các chi phí bất thường ấy làm đảo lộn mọi tính toán. Vì dù hết sức cẩn thận, mấy thằng lùn và đe búa cũng hao mòn, còn bộ máy phát âm của thiên thần thì rất dễ hư, thỉnh thoảng lại phải thay thế. Rốt cuộc tôi khám phá ra cái bí mật ấy: thiên thần được nối dây cáp với một mi-crô ở phòng bên, trước mõm mi-crô có một dĩa hát quay liên tục và phát tiếng thì thầm sau những khoảng thời gian nhất định: “hòa bình, hòa bình”. Tất cả những cái đó càng tốn kém hơn, vì chúng chỉ để dùng vài ngày trong năm nhưng lại bị lạm dụng suốt cả năm. Tôi ngạc nhiên khi nghe cậu tôi nói cứ ba tháng phải thay bọn lùn một lần, cả bọn không rẻ hơn 128 mác. Cậu tôi nhờ một người bạn làm kỹ sư tăng độ bền của chúng bằng một lớp cao su không ảnh hưởng xấu tới âm thanh. Cuộc thử nghiệm này thất bại. Theo lời cậu tôi, chi phí nến, bánh gia vị, bánh hạnh nhân, tiền mua cây dài hạn, thù lao bác sĩ, quà tặng hàng quý cho vị giám mục, cộng lại tất cả mỗi ngày tốn của cậu mười một mác. Đó là chưa kể đến sự hao tổn thần kinh và những xáo trộn sức khỏe khác đã bắt đầu hiện rõ. Nhưng lúc bấy giờ đã vào thu nên người ta cho là những xáo trộn ấy do một sự nhạy cảm nào đó thường thấy ở mùa thu gây ra.