ai vợ chồng nhận được tấm bưu thiếp vào đầu tháng tám. Chỉ viết vài hàng, hỏi thăm sức khỏe, nói về mùa hè đặc biệt oi nóng này và hy vọng sẽ sớm gặp lại nhau. Nhưng bưu thiếp được ký tên “Dì Margaret”. Mà cả Tom lẫn Helen đều không có dì Margaret nào cả. Không có địa chỉ. Chỉ có dấu bưu điện ghi Baltimore.- Phải trả lại cho anh đưa thư. - Tom nói.Nhưng Helen lại quên. Rồi vài tuần sau, Helen tìm thấy bưu thiếp trên bàn viết. Khi đó Helen nghĩ rằng trả trễ quá thì sẽ vô lý. Rồi vì một lý do mà chính mình cũng không hiểu, Helen cất tấm bưu thiếp.Hết mùa hè và bọn trẻ tựu trường. Một hôm, khi Helen có hẹn ra thành phố với Tom để cùng ăn trưa, thì tấm bưu thiếp thứ nhì lại đến. Helen quyết định mang nó theo cùng để cho Tom xem. Và khi hai vợ chồng đã gọi xong thức ăn, thì Helen đưa tấm bưu thiếp và nói bâng quơ.- Dì Margaret bị bệnh.Tom liếc qua tấm bưu thiếp rồi đọc lớn tiếng:“Cám ơn nhiều về bó hoa cúc sao. Các cháu thật dễ thương quá, vẫn nhớ rằng dì thích nhất là hoa cúc sao”.Nụ cười của Helen tươi không kém gì nụ cười Tom.- Em biết chắn anh sẽ thích lời khen này.- Chắc chắn bà ấy nhầm người.- Anh có thấy lạ rằng bà ấy không bao giờ chịu ghi địa chỉ không? - Helen đăm chiêu hỏi - Hay bà ấy nghĩ rằng không cần.Tom xếp cặp kính, đút vào túi áo vét.- Có lẽ tên Tom Warford đó vừa mới đến Silver Spring. Anh cứ tưởng trong danh bạ chỉ có mình anh tên vậy. Em cứ bỏ bưu thiếp này trở vào thùng thư. Để bưu điện tự xoay sở lấy.Nhưng Helen không làm thế. Helen cảm thấy hối tiếc khi phải bỏ mấy tấm bưu thiếp, mặc dù không hiểu tại sao. Helen thích tuồng chữ rõ ràng với chữ cái vẽ rất đẹp. Helen cho hai tấm bưu thiếp vào ngăn kéo trên cùng của bàn viết.Tom và Helen vừa mới đặt mua thêm vài củ hoa uất kim cương và cây thông để trồng ngoài vườn, thì nhận dược tấm bưu thiếp thứ ba. Hôm đó là thứ Bảy, cuối tháng Chín. Khi thấy Tom bước vào, Helen tắt máy hút bụi trong phòng khách. Tom có vẻ mặt lạ lùng.- Anh không biết phải làm gì với cái này - Tom nói và đưa bưu thiếp cho vợ - Emdọc đi.Nội dung bắt đầu như thường lệ:Các cháu yêu quý. Hy vọng sức khỏe các cháu vẫn tốt. Hiện dì vẫn khỏe, đội ơn trời. Cho Dì hôn Tim và Nancy. Nhưng có lẽ hai cháu bé không nhớ bà dì này. Nhất định phải sắp xếp gặp nhau sớm. Mến, Dì Margaret.Điều này quá bất ngờ đến nỗi thoạt đầu Helen không nói nên lời. Đôi mắt Tom có vẻ rất sậm khi Helen nhìn anh.Một hồi sau, Tim chạy ào vào. Thằng bé hét:- Con muốn ba hoặc mẹ đuổi dùm con bọn con gái kia đi chỗ khác! Tụi nó giẫm lên đồ con, Nancy làm ngã hũ keo rồi. Nó còn...Giọng của Tom vang lên dứt khoát.- Ba đã bảo con rằng thềm cửa không phải là chỗ để con xây cất. Con xuống tầng hầm đi hoặc lên phòng Mike.Khi quay mặt sang Helen, Tom thấy cô ngồi thẳng lưng trên mép divan, nhìn chằm chằm tấm bưu thiếp để trên bàn nhỏ. Tấm bưu thiếp này gây buồn nôn cho Helen, vậy mà cô không rời mắt khỏi nó nổi.Tom ngồi xuống cạnh vợ và bắt đầu nói, nhưng không tự tin lắm.- Rất có thể tay Tom Warford kia cũng có hai đứa con cùng tên với hai đứa con mình.- Anh thừa biết rằng không thể có chuyện đó nổi.Tom dùng tay vuốt cái cằm có râu bắt đầu mọc.- Đúng, chuyện này rất khó.- Em không hiểu gì cả - Helen nói tiếp - Trừ phi đây là cách để nói với gia đình ta rằng... nhưng anh có kiếm nhiều tiền lắm đâu mà người ta toan bắt cóc...- À! Không có đâu em yêu! Vô lý! Có thể có hàng ngàn lý do, nhưng không phải chuyện đó. - Tom nói thêm dịu dàng hơn rồi quàng tay qua vai vợ.Helen cố mỉm cười.- Có thể anh sẽ nghĩ em khùng rồi, nhưng em bắt đầu tưởng tượng được ra bà ấy. Một bà già rất dễ thương dễ mến, hơi gầy yếu... Anh tưởng tượng được không? - Helen nói tiếp rồi nhìn bức tường trước mặt. Theo anh, bà ấy muốn gì vậy?Tom nhún vai.- Làm sao em biết cái bà dì Margaret ấy có tồn tại thật hay không? Rất có thể là trò đùa của một thằng ranh con nào đó. Hay một tên khùng. Trừ phi là chuyện quảng cáo. (Tom có vẻ bực bội khi thấy vợ không nói gì về các giả thiết của anh). Làm sao mà biết được: bọn quảng cáo dám làm mọi thứ để lăng xê một vụ làm ăn nào đó. Kể cả một việc vô lý như thế này.Helen lại quay sang chồng.- Anh không định báo cảnh sát chứ?Tom phá lên cười.- Bộ em nghĩ có thể đến đồn cảnh sát với một tấm bưu thiếp ký tên dì Margaret à? Cảnh sát sẽ trả lời chúng mình bị điên.Khi đó Helen thản nhiên chỉnh:- Không phải một, mà là ba tấm bưu thiếp. Em không gửi trả lại mấy tấm trước.Rồi Helen đi lấy mấy tấm bưu thiếp trong bàn viết, đặt bên cạnh tâm mới nhận.Tom không quan tâm đến.- Được rồi. Ta có ba tấm bưu thiếp. Nhưng chúng có gì đặc biệt đâu. Không có lời đe dọa nào. Không có gì cả. Dù sao cho đến nay thì như thế... - Tom thận trọng vội nói thêm - Nhưng em muốn cảnh sát làm gì? Rắc bột tìm dấu vân tay à? Em yêu ơi, - Tom đứng dậy - không nên tưởng tượng những chuyện rùng rợn nữa. Suy nghĩ lo âu chẳng ích lợi gì. Mà có lẽ đây là tấm bưu thiếp cuối cùng mà ta nhận được thôi. (Tom dùng mũi giày đẩy nhẹ chân Helen). Hay em gọi con về ăn đi?Rồi Tom vào nhà tắm, Helen nghe tiếng anh lục tủ tìm dao cạo, rồi mở vòi nước nóng.Ít lâu sau, Tom trở ra tiền sảnh, một nửa mặt còn phủ lớp xà phòng dày.- Nghĩ lại, sao ta không dự kiến một cái gì đó thật vui? Em hiểu ý anh không?Đột nhiên, tình huống hóa ra như một tấn bi hài kịch màn ảnh nhỏ đối với Helen. Helen phá lên cười.- Ý kiến đầu tiên của anh hay hơn. Em thà quên đi.Nhưng nỗi lo âu nhanh chóng trở lại. Riết rồi mỗi buổi sáng Helen sợ ra mở thùng thư. Những tấm bưu thiếp đầu tiên không được gửi đến đều đặn. Giữa tấm thứ nhất và tấm thứ nhì, sáu tuần lễ trôi qua. Rồi sau đó là khoảng cách một tháng. Giả sử còn một tấm sẽ được gửi đến, thì nó có thể đến bất cứ lúc nào. Tuy nhiên tháng Mười trôi qua nhường chỗ cho tháng Mười một mà không có chuyện gì xảy ra. À có một chuyện may mắn chứ. Tom thành công một hợp đồng bảo hiểm rất lớn, và để ăn mừng, cả nhà đi xem hát.Vào một ngày cuối tháng mười một, Nancy đi học về, bước vào nhà gọi mẹ:- Mẹ thử đoán xem con có gì nào... tấm bưu thiếp của cái bà tự xưng là Dì Margaret của mẹ.Nancy bước vào nhà bếp, đầu trần, tóc tai bù xù.Helen đang chuẩn bị bữa ăn tối.- Con cởi áo bành tô, đi rửa tay đi.Nancy huơ tấm bưu thiếp trước mặt mẹ.- Mẹ không muốn đọc sao?- Con cứ để đó - Helen xẵng giọng nói - Không phải việc của con. Nào, con ra khỏi bếp đi.Cô bé vẫn không chịu thua và tiếp tục nói thêm:- Nhưng con đã nghe ba mẹ nói... nói rằng bà ấy có nói về con và Tim mà. Bà ấy không gửi gì cho sinh nhật con cả. Nhưng nếu là bà dì, thì bà ấy phải...Helen đóng rầm cửa tủ lạnh lại.- Thôi đi, Nancy. Con biết mấy giờ rồi không, con chưa ngồi vào bàn ăn nữa. (Helen cúi xuống, mạnh tay cởi áo bành tô Nancy) Con học lớp sáu rồi, mà không biết cài áo cho đàng hoàng nữa! Cái ruban thứ nhì đâu rồi? Nếu hai giây nữa mà con chưa sẵn sàng ngồi vào bàn thì... - Helen nói không để cho con gái kịp trả lời.Khi cô bé đã đi học trở lại, Helen ngồi xuống đọc tấm bưu thiếp, nét mặt thản nhiên.“Dì rất vui khi biết các cháu đã nghe theo lời khuyên của dì về cây thông. Dì ước gì Walter cũng biết kính quý dì y như các cháu. Walter lại bỏ dì thui thủi một mình, chỉ có mỗi Hattie làm bạn. Dì hôn hai cháu bé”.Và câu kết như mọi khi: “Mến, Dì Margaret”.Tối hôm đó, Helen nói chuyện với Tom.- Nhưng em chắc chắn không có ai đến xem nhà ta..- Làm sao em để ý thấy được...Helen nói lớn giọng hơn.- Chắc là bà ta điên. Viết thư cho người mà bà ta không hề quen biết gì. Vậy mà lại rơi nhằm gia đình mình! Không hiểu bà ta có mục đích gì nhỉ?- Khẽ kìa, em ơi. Con chưa ngủ đâu.Khi đó Helen nhớ lại những gì Nancy đã nói lúc trưa và hạ giọng.- Em biết anh sẽ nói lại gì. Rằng em không nên lo sợ. Rằng em chỉ việc quên đi chuyện này mà thôi, kể cả nếu như có kẻ đang theo dõi rình rập ta.Tom lắc đầu.- Em nghĩ sai rồi. Anh rất lo cho mẹ con em.Và để thuyết phục vợ cũng như thuyết phục chính mình, Tom nói thêm:- Anh nghĩ đến hai chuyện. Cả hai đều có thể sớm xảy ra. Thứ nhất, bà ấy phải nhận thức về tác dụng mấy tấm bưu thiếp đối với ta và biết rằng ta rất có thể đi thưa cảnh sát nếu bà ấy tiếp tục làm trò này. Vậy là bà ấy sẽ thôi không viết cho ta nữa.- Còn thứ nhì?Tom chỉ trả lời:- Có thể bà ấy có lý do để chọn ta.- Nhưng bà ấy có thể có lý do chính đáng nào?Helen bực mình khó chịu khi thấy Tom cứ đùa với mấy que diêm. Helen sẽ cảm thấy yên tâm hơn nếu được nghe một câu trả lời rõ ràng. Tom chỉ nói:- Anh không biết. Bây giờ thì chưa biết.Tom vứt que diêm xuống bàn, thọc hai tay vào túi áo, quay ra cửa sổ. Ngoài trời đang lạnh. Băng dá làm nặng trĩu cành cây thông, đèn đường vẽ vòng sáng hình trái xoan ngay bên chân cây trên bãi cỏ. Tom đột nhiên có cảm giác rằng những thứ xung quanh không còn phải là của nhà anh nữa.Có lẽ Helen vừa mới hỏi một điều gì đó bởi vì giọng cô chuyển sang ngữ điệu văn hỏi.- Anh trả lời đi. Anh nghĩ Walter là ai?- Em không biết, thì làm sao anh biết được.Thật lạ lùng rằng Tom đã quên mất đoạn này trong tấm bưu thiếp. Hóa ra Tom chỉ quan tâm đến những gì thật sự liên quan đến cả nhà. Nhưng Tom cảm thấy mệt mỏi quá, không thể suy nghĩ thêm nữa. Anh bật truyền hình, quên không đổi kênh mặc dù chương trình đang bắt thuộc những loại mà anh cho là dở ẹc và không bao giờ xem. Ánh mắt Helen theo dõi hình ảnh, nhưng không thấy gì, cũng y như Tom.Mười ngày sau, họ lại nhận thêm một tấm bưu thiếp nữa. Dì Margaret nói về một cuộc hẹn gặp với luật sư vào thứ Tư tuần sau để, theo như dì nói, có một mòn quà bất ngờ nhỏ cho hai cháu (tức Tom và Helen).Sáng hôm sau, Helen vừa mới tự rót một tách cà phê đen thứ nhì và đang bắt đầu chơi trò ô chữ trong báo, thì có tiếng gõ cửa. Helen nhớ ngay đến tiệm giặt ủi sắp giao hàng và không thèm chải đầu khi ra mở cửa. Nhưng khách là một người không quen biết. Một người đàn ông khá cao lớn, tóc thái dương muối tiêu, trạc tứ tuần, mặc bộ comlê xám tro kiểu Ý trang nhã may rất khéo và đeo cà vạt lụa đen. Mọi thứ trên người anh như được thực hiện đúng ni đúng tấc, kể cả khuôn mặt đều đặn rám nắng.- Có lẽ cô là Helen? Tôi là Walter đây.Helen nhìn nhưng không tài nào nhận ra anh.- Xin lỗi, nhưng tôi không...- Walter... cháu của Dì Margaret.Rồi anh chìa tay cho Helen.Khi đó Helen có cảm giác như cả cuộc sống quanh mình đọng lại và cô đột nhiên bị hóa thành tượng đá. Rồi Helen hoàn hồn lại.- A! Phải rồi, mời anh vào.Rồi Helen đứng sang một bên cửa.Ngay lập tức, Helen giận anh vì anh đến sớm như thế. Phòng khách bừa bộn. Giấy rải đầy trên divan. Áo mưa của Tom vứt trên ghế bành, đôi ủng dính đất bùn của Tom để trong một góc. Nhưng Helen quyết định không xin lỗi.- Tôi đang chuẩn bị uống tách cà phê - Helen nói - Anh có muốn...Walter cám ơn và từ chối, anh chọn cái ghế chất ít đồ đạc nhất, kéo nhẹ hai ống quần lên để giữ nguyên li quần, rồi ngồi xuống, hoàn toàn tự nhiên.Mặc dù không còn muốn uống, Helen vẫn cương quyết đi xuống bếp, rồi trở ra với một tách cà phê nguội. Helen ngồi xuống ghế bành đối diện Walter.- Tôi mới từ nhà anh chị Randolph về, tôi đi săn cả kỳ nghỉ cuối tuần này - Walter bắt đầu nói bằng một giọng thoải mái - Trước khi về, tôi quyết định dừng qua đây. Nhà cô rất... tiện nghi - Walter đánh giá trong khi ánh mắt nhìn khắp phòng với thái độ hơi khinh thường - Xét những gì tôi thấy...Helen mỉm cười lạnh lùng, không trả lời. Rõ ràng hắn xếp loại Helen và Tom vào giai cấp trung lưu, hoặc có thể thấp hơn nữa.Thì ra đây là Walter...- Hai đứa nhỏ thế nào... Tim và Nancy?- Tốt. Đang đi học.Hắn bĩu môi để chứng tỏ hối tiếc.- Tôi rất muốn gặp hai cháu. Thế nào Dì Margaret cũng sẽ hỏi về hai đứa bé.Đến giai đọan nói chuyện này, lẽ ra Helen phải hỏi thẳng xem thật ra hắn đến đây làm gì. Nhưng không hiểu tại sao, thái độ của hắn khiến Helen bực mình khó chịu và trong trạng thái phòng vệ. Ít nhất trong lúc này, Helen thà tiếp tục đóng vai trò mà hắn đã gán cho cô. Vai trò của một người bà con nghèo khó.Hắn tiếp tục:- Tom khỏe không?- Khỏe.- Vẫn giữ được chỗ làm tốt ở Công ty Bảo hiểm chứ?Chi tiết này cũng không thay đổi nổi tâm trạng của Helen. Trái lại, Walter càng lúc càng làm cho Helen thấy bực mình hơn. Vì đôi mắt xanh lạnh lùng của hắn, cái kiểu hắn giữ đầu không chạm vào lưng ghế. Helen chỉ trả lời:- Công việc anh ấy rất tốt vào thời điểm này trong năm.- Tom có hay gặp Bill Mayfield không? Tay này cũng làm trong công ty bảo hiểm đó. Giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị gì đó, tôi cũng không nhớ nữa. Bill là bạn tôi. Chúng tôi từng đi học chung với nhau. Lâu rồi tôi không gặp Bill.- Anh Tom chỉ là tư vấn môi giới bảo hiểm thôi, có lẽ hai người không quen nhau đâu.Helen uống hết phần cà phê còn lai. Hắn lấy hộp thuốc ra đưa cho cô. Nhưng Helen lắc đầu. Hắn chọn một điếu, rồi cất hộp trở vào áo vét. Động tác rất điệu nghệ. Trong khi tìm lấy bật quẹt lửa, hắn nói:- Tôi quên mất, cô có cái gì để tôi chuyển cho Dì Margaret không? Đột nhiên cô không thường xuyên viết thư cho dì lắm, - Hắn mỉm cười nói thêm - mà cũng không thường ghé thăm. Tôi không hề trách gì cô đâu. Không có gì chán chường bằng người già. Dĩ nhiên địa vị tôi tệ hơn cô nhiều. Bà ấy cứ trút hết mọi thứ lên đầu tôi.Lúc đó Helen không kiềm nổi và bộc phát thốt ra:- Trong tấm bưu thiếp mới nhất, có điều khiến tôi ngạc nhiên. Dì nói đến chuyện đi gặp luật sư. (Helen cảm thấy ngay thái độ của kẻ đối thoại sượng đi). Anh Tom và tôi cứ tự hỏi... Nhưng chắc không có gì quan trọng. Thế nào dì Margaret cũng sẽ giải thích rõ hơn.Hắn nhìn chằm chằm bàn tay đang cầm điếu thuốc.- Dì viết chuyện này cho cô khi nào?- Bưu thiếp của dì đến hôm thứ Bảy. Có lẽ dì bỏ bưu điện hôm trước.Hắn suy nghĩ.- Điều này đáng Jưu ý - Cuối cùng hắn nói - Từ trước đến giờ dì luôn giao thư từ gửi cho cô cho tôi đi gửi. Cô có thể cho tôi xem được không?Helen đi lấy tấm bưu thiếp mới nhất đã nhận được. Helen nhìn con tem.- Đúng rồi, hôm 26 tây. Vậy là thứ Sáu.Helen đưa tấm bưu thiếp, hắn chăm chú đọc, rồi trả lại. Hắn đưa điếu thuốc lên môi, đánh cái bật quẹt lửa. Nhưng quẹt lửa không chịu cháy, sau nhiều lần thử.- Để tôi đi lấy diêm cho anh. - Helen đề nghị.Hắn có động tác từ chối bực bội, rồi dập điếu thuốc vào gạt tàn.- Thôi, thôi. Không muốn phiền cô. Ở địa vị cô, - Hắn xẵng giọng nói - tôi sẽ không chú ý đến những gì dì Margaret viết. Dì già đi rất nhiều từ một năm nay. Và mặc dù không thích dùng từ này, nhưng tôi phải nói rằng càng lúc dì càng suy lão.- Anh nói gì lạ vậy - Helen thích nói trái ý hắn - Tôi hoàn toàn không thấy như thế. Tôi cho rằng dì vẫn còn rất minh mẫn.Helen vẫn không hiểu nổi tại sao cô cảm thấy mình có quyền nói về những chuyện thật ra hoàn toàn không liên quan gì đến mình, hơi giống như đây là vấn đề trung thành với người đàn bà không quen biết kia.Hắn nhìn cô và ánh mắt hắn lộ rõ hắn đánh giá đúng mức cái váy và áo len xanh lục, đôi giày xẹp cũ mềm, kiểu tóc tầm thường của cô. Và bằng giọng điệu quen thuộc khó chịu, hắn thừa nhận:- Có thái độ như vậy là quyền của cô thôi... hơn nữa điều này lại có thể có lời cho cô. Nhưng cô không lo sợ rằng ý đồ của cô hơi quá lộ liễu sao? Sau bao nhiêu năm, mà cô đi nối lại quan hệ với dì Margaret, khi tuổi dì cao như thế...- Đó là chuyện của chúng tôi. - Helen trả lời với một thái độ tự tin mà chính cô cũng ngạc nhiên.Hắn bước ra cửa.- Tôi về đây - Hắn vừa nói vừa búng đi một sợi chỉ trắng mắc trên áo vét - Tôi có thể nhắn gì cho dì Margaret thay cô không?Hắn thách thức cô cho đến cùng. Khi hắn mở cửa, Helen trả lời:- Nhờ anh cứ nói rằng chúng tôi rất thương yêu dì và rất mong được gặp lại dì.- Được rồi. - Hắn nói.Rồi hắn bỏ đi.Helen đi nhấc ống nghe điện thoại, gọi cho Tom.- Walter vừa mới ra khỏi nhà - Helen báo thẳng thừng cho chồng - Anh có biết...Nhưng trong văn phòng của Tom có tiếng đánh máy chữ và anh nghe không rõ.- Ai?Helen lập lại lớn hơn.- Anh Walter ấy... Anh nhớ không. Cháu của dì Margaret.- Hắn muốn gì?- Em cũng không biết.- Em yêu ơi, em gọi lại sau đi. Anh sắp đi gặp khách hàng. Anh sẽ về văn phòng khoảng ba giờ. Không. Để lát nữa.. Anh phải đi Arlington ngay.- Thôi - Helen nói - Để tối nay em kể cho anh.Helen rất thất vọng vì phải chờ Tom về. Helen cố gắng làm tiếp những việc trong ngày. Khi cô vẫn còn đang ủi đồ, thì hai đứa trẻ đi học về. Tim làm rách cái áo vét mới, còn Nancy thì không làm được bài kiểm tra chính tả. Helen cố giữ bình tĩnh chờ Tom về giải quyết mọi việc. Nhưng không may, đúng lúc Helen chuẩn bị cho khay thịt vào lò, thì Tom gọi điện thoại báo là sẽ không về ăn tối. Một lần nữa, Helen thầm cảm ơn máy truyền hình. Tối nay bọn trẻ sẽ có thể xem truyền hình cho đến giờ đi ngủ.Cuối cùng đến mười một giờ Tom mới về. Nét mặt mệt mỏi và giọng khàn khàn.- Anh sắp bệnh rồi - Helen tuyên bố và đặt tay lên trán chồng - Anh uống thuốc cảm và đi ngủ ngay đi. (Đây không phải là lúc nói với Tom về Walter). Sáng mai em sẽ gọi điện thoại đến công ty để báo anh không đi làm được. Như vậy anh sẽ tha hồ mà ngủ nướng.Tom không phản đối và Helen kết luận rằng anh bệnh thật sự rồi.Ngày hôm sau, Helen mang bữa ăn sáng đến giường cho anh. Và khi Helen ở lại trong phòng để dọn dẹp, Tom nói:- Em chưa nói cho anh Walter đến làm gì hôm qua.Helen ngồi xuống giường cạnh chồng. Khi Helen kể xong những gì xảy ra với Walter, Tom giận dữ tốc chăn ra, cằn nhằn:- Anh thấy em hành động rất ngu xuẩn, tự nhiên đi kể lại cho hắn những gì bà già kia viết cho ta. Đặc biệt là em không moi được thông tin gì từ tay đó. Sao em không hỏi thẳng hắn xem bà ấy định làm gì? - Cuối cùng Tom bình tĩnh lại và lấy thêm cái gối kê sau lưng.- Em biết, - Helen nói khẽ - rằng anh sẽ không hiểu. Mà chính em cũng không biết tại sao em đã hành động như thế. Em cảm thấy em phải chống lại hắn và... (Helen dùng tay xoa tấm drap như để cho bớt nhăn) Điều lạ lùng nhất là em cảm giác như có nghĩa vụ đối với bà ấy... đối với dì Margaret. Như thể dì mong đợi một điều gì đó từ em.Sau một hồi im lặng, Tom nói tiếp:- Theo anh hiểu, thì tên cháu kia đã tỏ ra hơi thân thiện quá. Dù gì, - Tom thở dài - em đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng để tìm hiểu xem chuyện này nghĩa là sao.Sáng hôm đó, trong mớ thư từ nhận được, hai vợ chồng tìm thấy một phong bì có tuồng chữ dì Margaret. Trong cơn nôn nóng đọc thư, Helen không thấy rằng một phần thư chứa trong phong bì rơi xuống sàn nhà. Thư đề ngày thứ hai.“Helen thân, Tom thân,Lúc đầu, tôi định giao cho luật sư gửi cái đính kèm trong thư này cho anh chị. Nhưng tôi thích tự mình gửi lấy, bởi vì tôi thật sự cảm thấy mến anh chị.Có lẽ anh chị đã lấy làm ngạc nhiên khi nhận được một loạt bưu thiếp từ một người xa lạ. Tôi chọn đại tên anh chị trong danh bạ. Tôi thích tên Tom, vì một người tổ tiên của tôi bên ngoại cũng mang họ Warford. Sau khi điều tra kín đáo, tôi hài lòng thấy anh chị thuộc loại gia đình mà tôi thích.Tôi xin cam đoan rằng tôi không hề có ỷ định quấy rối anh chị, và mặc dù đây là một hành động tuyệt vọng từ phía tôi, nhưng có lý do chính đáng. Nói ngắn gọn, tôi dùng anh chị để làm gương cho người cháu của tôi. Tôi tự trách mình có trách nhiệm về sự thiếu bản lĩnh của nó. Dù gì, sau khi nhận ra rằng nó yếu đuôi và tôi không có khả năng sửa nổi khuyết điểm này của nó, tôi đã nghĩ ra những người bà con - dù hoang tưởng - như anh chị sẽ là tấm gương tốt cho cháu tôi.Trong khi tôi buồn rầu vì phải dùng cách thức này, thì kết quả cuối cùng đã vượt quá sự mong đợi của tôi, đối với tôi cũng như đối với Walter. Rất gần đây, tôi đã giảm phần thừa kế của nó trong di chúc. Nhưng bây giờ tôi đã quyết định có những thay đổi mới có lợi cho Walter, để nó lại trở thành người thừa kế chính của tôi như trước đây.Như thế, mặc dù không hay biết, nhưng anh chị đã đóng góp một phần quan trọng trong cuộc đời của chính tôi và cháu tôi. Walter đã nói rất nhiều về lần ghé thăm anh chị mới đây và đã chứng tỏ anh chị đã gây ấn tượng đối với nó như thế nào. Từ đó, dường như Walter đã tốt lên hẳn.Trong thư này, tôi xin gửi anh chị một tờ ngân phiếu để tỏ lòng biết ơn. Số tiền này không thể hiện nổi lòng biết ơn và xin lỗi vì đã gây ra cho anh chị nỗi lo âu không đáng.Tôi xin dừng bút tại đây. Hattie, con mèo già cưng, đang đòi đi chơi để hóng gió. Tôi chúc anh chị và hai cháu bé một đêm Giáng Sinh hạnh phúc và năm mới tốt đẹp. Mến, Dì Margaret”.Helen lượm tờ ngân phiếu lên. Trên đó ghi năm ngàn đô-la và ký tên Margaret Dawes Comstock. Helen đa nghi đọc lại thư và phát hiện phần tái bút phía sau.“Tôi nhất định phải kể cho anh chị nghe một trong những cử chỉ chăm lo ân cần mà Walter dành cho tôi. Cháu Walter đi Philadelphie bằng chuyến tàu 10 giờ, và do tôi sẽ ở nhà một mình đến sáng mai, Walter đã đích thân đóng mọi cửa sổ lại. Walter dễ thương lắm, cháu lại đích thân kiểm tra lò sưởi chạy hơi trung tâm trước khi ra đi”.Cuối cùng Helen đưa thư và ngân phiếu cho Tom, nói rằng hy vọng anh sẽ không bực mình thêm về những tin mới này.- Trời! - Tom chưng hửng thốt lên - Anh từng nghe nhiều câu chuyện kỳ quặc, nhưng chuyện này là điên rồ nhất. Dì Margaret thật là có cá tính.Helen lắc đầu.- Không phải, - Helen xúc động nói - em không nghĩ là thế. Mà tự dì cũng trình bày rõ... Em rất cảm động khi thấy dì có mong muốn làm cho người cháu trở nên tốt hơn và đền bù với ta vì đã gây phiền phức cho ta.Tom càu nhàu:- Nhưng kiểu làm như vậy, dù sao cũng kỳ cục quá.- Nhưng ta sẽ không giữ số tiền này - Helen cương quyết nói - Walter sẽ quá hài lòng vì tưởng hắn nghĩ đúng khi cho rằng ta tham tiền. Em sẽ viết ngay cho dì Margaret, và dù anh có chịu hay không, em sẽ gửi trả tờ ngân phiếu này lại cho dì.Helen ngạc nhiên thấy Tom đồng tình với cô.- Giải quyết xong chuyện này càng sớm càng tốt. Nhưng em sẽ làm thế nào? Em đâu có địa chỉ.- Có chứ. Trên phong bì có ghi.Tom nằm lại xuống giường. Lúc Helen sắp ra khỏi phòng, Tom mỉm cười nói.- Em hãy viết với dì rằng điều làm ta kinh ngạc nhất là nghe tin tự Walter đi coi lò sưởi. Anh dám chắc hắn không biết lò sưởi hơi và máy giặt khác nhau như thế nào.Helen cười.- Em sẽ viết.