Chương thứ tư, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười
Quí-phi tu hành làm kẻ nữ đạo sĩ

     hi trong cung Thọ-vương ăn bữa cơm tối vừa xong, Quí-phi với Thọ-vương sánh vai cùng ngồi, thổi sáo tử ngọc, tấu khúc vân môn, để cùng làm vui. Bọn thị nữ trong cung kẻ nào kẻ ấy đều cầm đồ nhạc khí để họa lại.
Đương lúc thưởng nhạc vui tai, chợt có kẻ giữ cửa chạy vào báo rằng có thánh chỉ triệu Vương-phi, vả lại người mang tờ chiếu là Cao tướng quân, chửa biết rằng có duyên sự gì nên mau chóng đội mũ mặc áo ra nghênh tiếp. 
Thọ-vương lấy làm đại kinh, bảo với Quí-phi rằng: «Đấng phụ hoàng có ý gì, nay triệu phi mà chẳng triệu ta, ta đi hỏi Cao tướng quân, xem quả là sự gì đó vậy!» Lúc ấy đàn sáo nhất tề im lặng, trong cung Thọ-vương tỏ ra cái cảnh tượng bàng hoàng rối loạn. 
Duy Quí-phi trong tâm biết được cái cớ vua triệu mình, vừa mừng vừa sợ, nhân nghĩ thầm rằng sau khi vào chầu vua, may mà đắc sủng, thì có thể quyền lớn ở tay, muốn làm gì thì làm. Không thế thì chẳng khác gì cái quạt mùa thu đến thời kỳ xếp xó, há chẳng sờn lòng ru!
Quí-phi đương nghĩ ngợi lo toan, thì Thọ-vương đã vội vàng bước vào, cầm lấy tay Quí-phi cả khóc. Quí-phi cố ý làm ra thái trạng chẳng hiểu, nắm lấy áo Thọ-vương mà hỏi rằng: «Cao Lực-Sĩ lại đây, tóm lại là vì việc gì thế? Điện hạ cớ sao làm ra thái trạng ấy? Xin mau mau bảo cho thiếp biết.» Thọ-vương thổn thức nói rằng: «Mới đây Lực-Sĩ bảo ta đấng phụ hoàng nghe ái khanh tuyệt diễm khuynh thành, kịp muốn một trông thấy ngọc dung. Ta nghĩ bụng rằng ái khanh phen này đi, không bao giờ có cái thời kỳ trở lại nữa. Ta với ái khanh phi chốn suối vàng, chẳng thể thấy được nhau, chàng cũng đau đớn thay!»
Quí-phi nghe Thọ-vương nói cũng nghĩ đến cái ân tình cũ mà lấy tay che mặt khóc than. Lúc ấy nghe tiếng khóc ở trong cung Thọ-vương vang động cả ra ngoài cửa.
Bọn Cao Lực-Sĩ đứng chờ đã lâu, mới vào tận trong cung khuyên rằng: «Vương phi sau khi vào bái yết thánh thượng, hoặc giả lại tức khắc được phóng hồi vương cung cũng chửa biết đâu. Thánh thượng đương ở trong cung đứng đợi, nếu trễ biến thành chỉ, xúc động thành nộ, thì họa phúc chửa biết thế nào mà liệu trước được, xin vương phi mau chóng ra đi».
Quí-phi mới cùng với Thọ-vương và các người trong cung nhất nhất nắm tay từ biệt.
Thọ-vương khi ấy đã khóc ngất đi mà lăn ra đất. Kẻ cung nữ phù trì Quí-phi ra cửa, bọn Cao Lực-Sĩ phù vệ Quí-phi lên xe, giờ bay điện chạy, ruổi vào trong cung. Phút chốc xe Quí-phi đã đến chỗ nội cung, vua Minh-hoàng ở trong bóng đèn trông thấy kẻ mĩ nhân tuyệt thế ấy, kinh dị lấy làm người trời. Quí-phi làm lễ triệu kiến xong, được mông ân chỗ ngồi ghế bên cạnh. Vua Minh-hoàng khi ấy như si như ngốc, dường như có ý trầm ngâm ngẫm nghĩ chẳng quyết về bề nào. Cao Lực-Sĩ mới tiến lại gần mà mật tấu rằng: «Xin hãng khiến Quí-phi làm tờ biểu tình nguyện vào làm kẻ nữ đạo sĩ, nhất diện vì Thọ-vương tuyển trạch cho người vợ khác, kế ấy là kế vạn toàn, không còn kế gì hơn kế ấy». Vua Minh-hoàng cả mừng khen phải, tức khắc sai Lực-Sĩ truyền bảo Quí-phi y như kế mà hành sự.
Từ đấy Quí-phi hàng ngày ở liền trong cung, niệm đạo tu hành, đội mặc mũ áo nữ đạo sĩ.

 

Chương thứ năm

Vua Minh-hoàng đến chơi Giao-hoa cung

Năm Thiên-bảo thứ tư, mùa thu tháng bảy, sách phong họ Vi làm vợ Thọ-vương. Thế là Thọ-vương với Quí-phi từ đấy chẳng khác gì Chức-nữ với Ngưu-lang, mà sông Ngân vĩnh viễn không bắt cầu nữa vậy.
Quí-phi tự sau khi vào cung làm nữ đạo sĩ, thì ở tại cung Giao-hoa. Cung ấy vốn là chỗ để cho những người cung nữ tuổi đã lão, ở đấy mà hưu nhàn tu đạo tinh dưỡng. Vua Minh-hoàng mới giả danh là đi bàn kinh hỏi đạo, hàng ngày đến cung Giao-hoa, cùng với Quí-phi tiếp kiến. Quí-phi lại là kẻ giảo hiệt khôn ngoan, thả ra cái thủ đoạn làm mê hoặc người, khi thì làm ra bộ cười, thẹn thò như kẻ sử nữ; khi thì làm ra bộ giận, sáng lãng như vị thiên tiên. Vua Minh-hoàng đến khi ấy hoảng hoảng hốt hốt, tỉnh tỉnh mê mê. Mỗi khi tiếp mặt Quí-phi, ban thưởng vô số. Nào là những vật kim ngân châu báu, trân ngọc dị kỳ, cái vật gì có thể mua chuộc được lòng vui của Quí-phi không gì là chẳng tìm tòi mà đem đến.
Một hôm, sau khi lui buổi chầu, vua Minh-hoàng tức khắc đi đến Giao-hoa cung ngay, cùng với Quí-phi uống rượu làm vui. Quí-phi đứng dậy tâu rằng: «Thiếp tôi thuở nhỏ ở nhà, hơi biết nghề âm nhạc, nay đội ơn bệ hạ nhủ yêu, không biết lấy gì báo đáp được đôi chút, xin tấu ống ngọc địch, để gọi là khuyên giúp chén vua».
Vua Minh-hoàng nghe lời tấu cả đẹp lòng, kịp sai đi lấy ống ngọc địch của nước Vu-quich dâng ngày xưa đem lại. Phút chốc kẻ nội thị đem ống sáo đến, thì sắc nhuận mà có bóng sáng, lấy tay soa vào thì có khí âm phát ra, vì ống sáo ấy chế bằng chất noãn ngọc, mùa đông thổi lên thì cả nhà đều ấm, thực là của báu vô giá.
Quí-phi tiếp ống ngọc địch, nhẹ nhàng thổi lên một khúc, tiếng sáo véo von, vang tận mây xanh. Vua Minh-hoàng cả mừng, uống hết chén ấy lại rót chén khác, rượu rót không biết thế nào mà kể.
Sau khi bãi tiệc thì vua đã quá say, không thể cử bộ được nữa, mới truyền chỉ dụ đêm nay ngủ liền ở cung Giao-hoa mà sai Quí-phi thị tẩm. Vua Minh-hoàng mộ cái sắc của Quí-phi đã lâu, khi ấy thì dẫu chàng Lưu, Nguyễn vào cảnh Thiên thai, chẳng qua như vậy. 

 

Chương thứ sáu

Quí-phi tỏ bộ ghen tuông

Quí-phi biết rằng cách đế vương hành sự khác với người thường. Nếu chẳng đương lúc ân ái, lấy thuật kết buộc lòng vua, thì nhất đán sắc suy, không khỏi quạt thu bị bỏ. Mới giữa khi vua Minh-hoàng lần thứ nhất đến thăm chơi, ân ái đương nồng nàn, bèn sì sụt khóc lóc mà tâu rằng: «Thiếp tôi là chất liễu bại hoa tàn, được đội ơn thánh thượng đoái yêu, dẫu chết cũng chẳng quên. Nhưng xin một cái vật gì để làm tin, hoặc ngày khác sắc kém mà phải xa vua, cũng còn giữ được cái vật ấy làm cái dư ân, xin thánh thượng thương mà hứa cho».
Vua Minh-hoàng nghe nói, khôn xiết ngùi thương, kịp đem một cái hộp và một cái thoa bằng vàng, bẻ đôi ra, chia cho Quí-phi một nửa, rồi lấy khăn lau nước mắt cho Quí-phi mà yên ủi rằng: «Trẫm được ái khanh, trẫm coi bọn son phấn trong sâu cung kia cũng đã đều như hòn đất, hận rằng gặp ái khanh thế là khi muộn. Có lẽ đâu quạt thu xếp bỏ, ái khanh thiết thiết đừng quá lo». 
Quí-phi mới nuốt nước mắt mà tạ rằng: «Nay được bệ hạ chung tình như vậy, thiếp tôi thiên thu vạn tuế đội đức không cùng».
Vua Minh-hoàng từ đấy lưu liền ở trong cung Giao-hoa, chẳng ra khỏi cửa cũng đã ba ngày. Đến ngày thứ tư, vua Minh-hoàng bất đắc dĩ ra coi chầu, chẳng qua là chiếu theo lệ cũ, lại định về cung ngay. Ngờ đâu sự ở ngoài ý, chợt cõi biên thùy phía tây bắc có việc quân tình khẩn cấp, tướng ngoài sai sứ liền về triều, thỉnh hỏi cơ quan. Sứ ngoài biên đến kinh đợi chờ đã hai ngày, ngày nay không thể tri diện được nữa. Vua Minh-hoàng nghe tin, họp bách quan ở trong điện, cùng bàn cái kế sách chiến thủ.
Các quan nghị luận phân vân mãi chẳng quyết, đến quá nửa ngày lâu. Vua Minh-hoàng nổi giận tan chầu, chỉ lưu lại một Lý Lâm-Phủ, khiến Lý thảo tờ chiếu, sai An Lộc-Sơn kiêm lĩnh chức Tiết-độ-sứ ba trấn ngoài biên, để chống giữ giặc Khiết-đan.
Lộc-Sơn nguyên là đứa Hồ-nhi, không học thức mà khác loài giống, Lâm-Phủ lợi dụng rằng không bao giờ Lộc-Sơn lập đại công mà tranh được ngôi tể tướng của mình. Cho Lộc-Sơn kiêm lĩnh ba trấn, cũng là mưu của Lâm-Phủ. Lâm-Phủ thảo tờ chiếu xong thì ngày đã sắp sửa hoàng hôn, vua Minh-hoàng nhàn ở nơi tiện điện truyền tiến thực, cùng ăn cơm với Lâm-Phủ.
Ngày hôm ấy Quí-phi ở trong cung Giao-hoa, trang sức nùng diễm, ngồi tinh đốt hương, suốt ngày trông tả trông hữu, chẳng thấy xe vua đến, nhân hỏi những người lão cung nhân hầu hạ ở trong phòng rằng: «Sau khi Vũ Huệ-phi đã mất, thì thánh thượng rất sủng yêu người nào?» - Người lão cung nhân đáp rằng: «Thánh thượng đối với Huệ-phi, chẳng những là yêu, mà lại là sợ. Huệ-phi mất rồi thì gần đây thánh thượng rất yêu quí chỉ có một người là Mai-phi. Duy Mai-phi thiên tính cô coi cao thanh khiết, không thích giảng cứu những sự chăn gối. Thánh thượng những khi ngẫu nhiên đến cung Mai-phi, chỉ là uống rượu làm thơ, đánh cờ gõ phách, làm những sự tiêu khiển thanh nhã mà thôi. Thánh thượng nhân gọi Mai-chi là vị nữ tài tử». Quí-phi lại hỏi diện mạo Mai-phi thế nào. Người lão cung nhân đáp rằng: «Cái mĩ lệ của Mai-phi, không thể ngôn ngữ mà hình dung ra được, đại khái cùng với hiền phi phảng phất. Duy hiền phi đẹp về bề phong diễm, mà Mai-phi đẹp về bề thanh tú, xuân lan thu cuc, đều cực vẻ đẹp, khó phần được hơn kém».
Quí-phi nghe người lão cung nhân nói, ngậm ngùi nín lặng chẳng nói gì, nhân ám tưởng rằng trong cung đã có người tuyệt thế mĩ nhân ấy, thì cái sự mình ứng triệu vào cung ngày nay, chỉ là thêm ra một sự đấy thôi. Chứ sau này cái chí chuyên quyền đoạt sủng của mình, thôi hết thẩy ném về bể đông. Hôm nay xe vua chẳng tới, chắc là đã đến cung Mai-phi, vui vẻ tình cũ, mà mình thì danh phận chửa định, khác nào cái vật lâm thời ngoạn lộng ở trong cung, chưa biết rồi sau này kết cục ra sao!
Quí-phi nhân nghĩ như thế, mối sầu tự nhiên ở trong lòng tuôn ra, nằm gục xuống giường thổn thức khóc lóc.
Bọn cung nữ hầu hạ chẳng biết cớ sao, xúm lại trước giường khuyên hỏi yên ủi. Quí-phi chỉ ngảnh mặt đi chẳng ứng đáp lại.
Kịp bữa cơm tối bưng lên, Quí-phi cũng chẳng chịu ăn. Bọn cung nữ đều lấy làm kinh hãi, không biết làm thế nào.
Chợt báo xe vua đến, mọi kẻ cung nữ vội vàng ra nghênh tiếp. Vua Minh-hoàng vào cung Giao-hoa, thấy trạng thái Quí-phi như vậy, vội hỏi Quí-phi có sự gì mà đau đớn. Quí-phi chẳng đáp, hỏi đến hai ba lần, Quí-phi mới thổn thức nói rằng: «Bệ hạ đã có kẻ ý trung nhân, hà tất phải trang sức cái ý giả ấy, mà đối với thiếp tôi nữa. Vua biết ý rằng vì cớ tại mình đến cung quá chậm, khiến Quí-phi nhân lòng ngờ mà sinh ý ghen. Bèn cầm lấy tay Quí-phi mà nói rằng: «Thề rằng đời trẫm tự giờ trở đi chẳng lại chung tình với người khác nữa, ái khanh thiết chớ đa nghi, mà thương hại đến ngọc thể. Vua Minh-hoàng hết lời yên ủi khuyên giải, Quí-phi mới hơi mỉm cười ngồi dậy chỉnh sức xiêm áo, đặt tiệc cùng vua uống rượu làm vui.

Chương thứ bảy

Quí-phi bị truất về nhà họ Dương

Vua Minh-hoàng tự sau khi gặp được Quí-phi, coi người cũ trong cung nhất thiết như bùn đất. Mà trong hàng phi tần có nàng Mai-phi vốn là người rất yêu quí của vua Minh-hoàng, tự trước đến sau vãng lai rất là thân mật, Mai-phi ở cung Tây-cung, vua Minh-hoàng chửa có khi nào quá ba ngày xe kiệu chẳng đến thăm, mà hiện nay đã nửa tháng rồi, vua chưa cùng với Mai-phi tiếp mặt. Mai-phi tuy vốn là người thanh cao nhã đạm, không có tính ghen tuông, nhưng ganh sự đẹp, cướp sự yêu, cũng là thói thường tình của bọn cung nữ. Mai-phi lâu ngày chẳng thấy xe kiệu vua đến, liền xét hỏi bọn thị nữ trong cung rằng: «Xe kiệu của vạn tuế lâu ngày chẳng lại cung ta là vì cớ gì?» Kẻ thị nữ trong cung tức khắc đem sự Quí-phi kể hết đầu đuôi bẩm cho Mai-phi biết. Mai-phi sực nhớ đến ngày tết nguyên đán năm ngoái, vợ các quan vào cung mừng tuổi mình, ai nấy đều khen vợ Thọ-vương là kẻ diễm lệ, chẳng khác nào người tiên, mà đấng thánh thượng vốn có tính phong lưu, nay ả Dương Ngọc-Hoàn là kẻ tân tiến, làm mê hoặc được thánh thượng ba ngày chẳng ra khỏi cung Giao-hoa, chắc cái thủ đoạn làm say mê người của nó, cùng với loài kỹ nữ không khác gì. Ta thể nào cũng thân hành đến cung Giao-hoa, xem nó là người thế nào và đẹp thế nào, mà nó sai khiến được một ông vua rất thông minh như đấng thánh thượng, mà lại cam chịu cái tiếng cướp vợ của con là cái tiếng rất xấu ở đời. Mai-phi nghĩ ngợi xong, liền đem bức minh kinh ra soi hình ảnh mình, mà ngậm ngùi tự than rằng: «Giang Mai-phi này ôi! Giang Mai-phi này ôi! Xem dung quang ngươi cũng chẳng kém gì ngày trước, chỉ sợ rằng gió thu chửa đến mà quạt lượt này đã quên, khó trốn khỏi cái lệ thường bậc mệnh của khách hồng nhan!» Mai-phi than xong cảm khái một hồi lâu rồi dẫn hai người cung nữ hầu kèm, đi thẳng đến cung Giao-hoa.
Kịp khi Mai-phi đến cung Giao-hoa, biết rõ rằng vua Minh-hoàng quả nhiên ở đấy, liền dảo bước tới trước mặt vua làm lễ triều bái, nhân cười cười nói nói, tỏ bộ ngọt ngào mà rằng: «Thiếp tôi chẳng biết thánh giá ở đây, thực e có ngại cho bề thanh hứng của bệ hạ. Trộm nghe bệ hạ mới được một kẻ mĩ nhân, thiếp tôi bấy lâu nấn ná chửa đến mừng, xin bệ hạ tha tội».
Khi ấy vua Minh-hoàng trong tâm khôn xiết hổ thẹn nhân chữa thẹn mà đáp rằng: «Trẫm vì chinh sự nhiền nhũng, cho nên mấy ngày đây chửa đến cung hiền phi tiếp kiến được, hiền phi chớ hiềm rằng tịch mịch mà lấy làm nghi ngại. Đến như kẻ tân mĩ nhân đây vốn là kẻ nữ đạo sĩ trong cung đấy thôi, chứ không phải là mĩ nhân của trẫm. Trẫm sẽ gọi người nữ đạo sĩ ấy lại đây để bái kiến hiền phi». 
Vua Minh-hoàng nói xong ngảnh đầu lại thì đã chẳng thấy Quí-phi đâu nữa, bèn sai kẻ nội thị truyền mệnh gọi Quí-phi ra.
Nguyên Quí-phi khi nghe có Mai-phi vào cung, thì trước đã tránh mình vào trong phòng. Vua Minh-hoàng truyền mệnh cho Quí-phi phải làm lễ bái kiến Mai-phi. Trong tâm Quí-phi đối với Mai-phi vốn đã để lòng ghen ngược, nay cái lễ khấu đầu khuất tất, thực đã mười phần chẳng cam chịu được một phần. Vua Minh-hoàng tuyên chỉ dụ đến ba thứ mà Quí-phi chỉ trơ trơ bất động. Mai-phi lại tỏ bộ ngọt ngào cười nói rằng: «Chúng ta đều là đội ân sủng của chúa thượng, hà tất câu nệ lễ thường, xin chúa thượng cho thiếp tôi cùng với hiền đạo sĩ dùng cái lễ hàng chị em để tiếp kiến nhau là đủ». Quí-phi nghe Mai-phi nói, rồi mới chịu đi lên cùng Mai-phi làm lễ tiếp kiến.
Vua Minh-hoàng vốn là người anh minh, thấy Quí-phi là kẻ cứng cổ, rất lấy làm tức giận. Vả chăng đối với Mai-phi cũng lấy làm ngại mặt, sợ Mai-phi sau này chê cười, bèn lên tiếng quát rằng: «Ả Ngọc-Hoàn, sao ngươi dám chẳng tuân mệnh trẫm, chẳng lấy lễ tiếp kiến hoàng phi. Trong cung là chốn lễ phép, há dung cho đứa ti tử được kiêu dông như vậy ư!».
Ý vua Minh-hoàng khi ấy chẳng qua là hư trương thanh thế, trách qua vài lời, muốn khiến cho Quí-phi tạ tội thì thôi, chẳng ngờ Quí-phi lại cậy bề sủng ái với vua, đã chẳng tạ tội lại đến nói ra những lời xô xát, vua Minh-hoàng đùng đùng nổi giận, liền truyền chỉ dụ cho Cao Lực-Sĩ tức khắc tống ả Ngọc-Hoàn đuổi về nhà họ Dương. Rồi vua tự mình cùng Mai-phi, song song dắt tay hướng nẻo tây cung mà đi.
Quí-phi khi ấy chẳng ngờ vua Minh-hoàng lại cả phát lôi đình, thành ra cái thế quyết liệt, hối lại cũng biết rằng dại, nhưng không có phương pháp gì vãn hồi, chỉ ngậm nước mắt trở về đất Tây thục mà thôi. 

Chương thứ tám

Quí-phi cắt tóc

Những hàng anh em chị em với Quí-phi trong họ Dương, từ sau khi Quí-phi vào cung, vẫn lấy là môn mi họ ta có thể trỏ được ngày mà đợi vẻ quang đại, chẳng ai là chẳng vỗ tay reo mừng, vui vẻ khôn xiết. Chợt thấy tướng quân Cao Lực-Sĩ cùng với mấy viên tiểu nội thị ngự chiếc xe tống Quí-phi về nhà, thì ai nấy đều cả thất kinh, chẳng khác nào đương buổi tinh minh chợt nghe một tiếng sấm sét vậy.
Họ Dương sau khi cùng Quí-phi tiếp kiến, cả một nhà kẻ trên người dưới ai nấy đều bưng đầu than khóc. Bọn anh Quí-phi là lũ Dương Điềm, Dương Kỳ, Dương Chiêu lại càng kinh hãi luống cuống, sợ rằng thánh thượng còn có mệnh lệnh sau cùng, sự tai vạ chắc chửa biết thế nào mà kể. Các người trách Quí-phi sao chẳng biết cẩn thận để xúc phạm thánh nộ, cho đến nỗi có sự biến này, thì Quí-phi chỉ nuốt khóc mà thôi, chẳng nói ra một lời nào cả.
Anh em họ Dương chẳng biết làm thế nào, nhân xúm lại vây quanh Cao Lực-Sĩ mà hỏi rằng: «Em tôi chửa học tập lễ nghi trong cung, chẳng biết ngưỡng phụng thánh ân, đến nỗi mang cái tội xúc phạm bề trên, dẫu muôn lần chết cũng chẳng chuộc lại được. Duy tóm lại là vì sự gì, đức ông chắc là biết rõ. Chẳng hay còn có thể vãn cứu được không? Nếu đức ông để lòng chu toàn cho, khiến em tôi còn có ngày lại được trông thấy bóng mặt trời, thì một cửa họ Dương tôi được đội ơn vô cùng, hết thảy đều kết cở ngậm vành báo đáp lại».
Lực-Sĩ trong bụng đã biết rõ rằng vua Minh-hoàng ruồng đuổi Quí-phi, chẳng qua là nhân sự giận dữ một chốc đấy thôi, chẳng bao lâu tất lại triệu về, mới đem sự tình Quí-phi với Mai-phi tranh khí nhau, kể kỉ càng cho nhà họ Dương biết, và bảo lũ Dương Điềm rằng: «Đấng vạn tuế vốn là thói đa tình, ngày nọ sủng ái Quí-phi, thực là ân ái gồm đủ. Quí-phi nếu biết đón ý lựa chí đấng vạn tuế thì lo gì danh vị chẳng bằng Mai-phi. Duy chẳng nên cùng với đấng vạn tuế thổ lộ khí khái, để đấng vạn tuế có quan ngại về nhan diện, mới làm ra có sự đạp đổ hương án này. Làm phương kế cho nhà ngươi ngày nay, chẳng gì bằng lũ nhà ngươi cứ khuyên Quí-phi bình tâm tĩnh khí, sau này chớ quá làm ra những thái trạng cứng cỏi như vậy, để đợi khi ta dòm lúc nào đấng vạn tuế có ý băn khoăn hối lại, ta sẽ khuyên đấng vạn tuệ lại triệu Quí-phi vào cung. Còn bây giờ Quí-phi ở nhà chỉ cốt khéo tự mình bài giải, chớ có ưu uất mà thành bệnh. Thiết thiết dặn dò, thiết thiết dặn dò, lũ ngươi nhớ lấy». Anh em họ Dương dạ dạ lĩnh mệnh.
Cao Lực-Sĩ về cung, lựa vua Minh-hoàng sau lúc thoái triều, tiến lên trước mặt phúc tấu. Vua Minh-hoàng kịp hỏi Quí-phi có lời oán thán gì không. Lực-Sĩ tâu rằng: «Quí-phi về nhà chỉ có oán mình trách mình, hận rằng tự mình nhất thời ngu dại mang tội với thánh thượng, ví bằng một chết đi cũng chẳng đủ báo lại cái ân tình của bệ hạ đối với mình về phần muôn một. Họ Dương thì cả nhà đàn ông đàn bà chẳng ai là chẳng cảm khích thánh ân, tuyệt không nửa lời nói nào oán đến thánh thượng, tiểu thần này chẳng dám chẳng đem sự thực tấu đối».
Vua Minh-hoàng nghe Cao Lực-Sĩ nói, ngẫm nghĩ một chốc, rồi truyền mệnh cho Cao Lực-Sĩ đem những đồ quả phẩm tươi mới đựng đầy một cái mâm vàng, sai đi ban tứ cho Quí-phi, để xem tình hình Quí-phi đối với ân lễ thế nào, sẽ lại về phúc tấu. Cao Lực-Sĩ vâng mệnh, tức khắc lại đi đến nhà họ Dương, tuyên cáo Quí-phi ra tiếp nhận thánh chỉ. Quí-phi phủ phục xuống đất tâu rằng: «Thiếp tôi ngu dại chết chẳng đủ tiếc, được đội ơn thánh thượng đuổi về mà chẳng giết, thực là cái ơn trời cao đất rộng tự thánh thượng gia cho, nay lại chẳng bỏ kẻ có tội, đem đồ quả phẩm châu qui ban cho, khiến thiếp tôi càng đội ơn sâu, càng biết tội mình là nặng, mong ông vì tôi thay lời tấu đạt». Rồi Quí-phi đứng dậy bảo Cao Lực-Sĩ rằng: «Phiền ông đợi lại một chút, kẻ tiện thiếp này có một cái vật gửi đấng thánh thượng, dám xin ông vì tôi mang thay cho». Cao Lực-Sĩ vâng lời.
Quí-phi quay vào trong khuê phòng ít lâu rồi yểu điệu đi ra, dùng cái khăn lượt trắng bọc một cái vật phong gói kỹ càng giao cho Cao Lực-Sĩ.
Lực-Sĩ từ tạ ra đi. Khi về cung, đợi phúc tấu xong, mới đem cái bọc lượt trắng dâng lên.
Vua Minh-hoàng khi ấy truy niệm tinh trước, khôn xiết cảm thương, cầm lấy cái khăn mở ra xem, thì trong chứa một mớ tóc xanh tốt như mây, là tóc của Quí-phi cắt ra, mùi hương hãy còn ngào ngạt xông lên làn mũi. Vua Minh-hoàng lúc ấy như người túy, như người suy, cầm lấy mớ tóc tra vào trong tay áo, liền đi thẳng vào nơi tẩm cung, lên giường giả cách nằm nghỉ. Đem mớ tóc của Quí-phi ra ngoạn lộng đi ngoạn lộng lại đến ba bốn lần, hai hàng tình lệ theo kẽ mắt từ từ tuôn xuống. Nhân nghĩ ngợi rằng những kẻ tuyệt thế giai nhân, xưa nay vốn khó phần tái đắc, ngày nay nước đã chảy xuôi, khôn bề ngược lại, hối ngộ sao cho kịp, ân hận vô cùng. Vua trằn trọc nghĩ ngợi, suốt đêm không ngủ.
Đến sáng ngày mai lại nhân mỏi mệt chẳng ra coi triều. Ở trong cung những kẻ biết sự ấy, chẳng ai chẳng bảo rằng cái bệnh của hoàng đế là vì Quí-phi mà gây nên.
Rồi thì cái sự lại triệu Quí-phi vào cung, đã âm ngầm có động cơ vậy. 

 

Chương thứ chín

Quí-phi lại được triệu vào cung

Quí-phi ra khỏi cung, chẳng qua độ mươi ngày, mà vua Minh-hoàng đã tương tư thành bệnh, hỉ nộ thất thường, tựa như người có bệnh điên vậy. Ban đêm nội các cung phi tần chẳng đi đến đâu nữa, thậm chí như cung Mai-phi cũng tuyệt tích tự đấy. Cứ đến buổi hoàng hồn tĩnh vắng, lại đem mớ tóc của Quí-phi ra, sẽ gọi tên Quí-phi vài tiếng, rồi lại để mớ tóc ấy vào trong bụng mà đi nằm. Đến như đối với nhà họ Dương, thì cung nhân trước sau phải phụng chỉ, khi thì ban cho đồ ăn, khi thì ban cho xiêm áo, khi thì ban cho đồ châu báu, đi lại liền liền, chẳng lúc nào dứt.
Quí-phi mỗi khi tiếp đối sứ giả, thời thường nhiều cái giọng oán mình, chứ tuyệt không cái lời tranh khí. Mà người nhà họ Dương lại dùng nhiều của hối lộ của bọn cung nhân, cho nên bọn cung nhân sau khi về cung tấu đối, thường vì Quí-phi thêm ra nhiều lời dua nịnh, chẳng nói rằng Quí-phi nét mặt hao gầy, thì nói rằng Quí-phi khóc lóc chẳng thôi, lời ấy lời khác, khiến cho vua Minh-hoàng động tâm.
Vua Minh-hoàng khi ấy ngồi đứng chẳng yên, uống ăn ít tiến. Hễ gặp việc thì hay mắng đánh kẻ hoạn quan và kẻ cung nhân, nhờ để tiêu tan cái khí uất nộ ở trong lòng. Cao Lực-Sĩ ở bên cạnh để mắt dòm kĩ, đã biết rõ rằng cái thời cơ tiến ngôn đã đến, nhân khi thừa nhàn mới tâu rằng: «Quí-phi dù có trái thánh chỉ chăng nữa, bệ hạ tiếc gì chỗ đất lọt một chiếc chiếu ở trong cung mà lại đuổi Quí-phi về nhà, khiến người ngoài đều chê bệ hạ là kẻ bạc tình. Vả lại tiểu thần này trộm thấy thánh thượng tự sau khi Quí-phi ra khỏi cung, nằm chẳng yên, ăn chẳng no, thánh dung phần kém nhiều tiêu giảm, sao chẳng lại triệu Quí-phi vào cung khiến cho phụng sự bên tả hữu. Tiểu thần trộm chắc rằng Quí-phi đã trải qua một phen tỏa chiết ấy rồi, thì tự nhiên chẳng dám lại có những sự cử động khắt khe vô lễ nữa, xin bệ hạ nghe lời tiểu thần, chớ khiến cho Quí-phi ở nhà lâu ngày, hoặc đến ưu tư mà thành tật bệnh».
Vua Minh-hoàng nghe lời Lực-Sĩ tâu, trù trừ ít lâu, rồi đặc sai Lực-Sĩ phụng chỉ đến nhà họ Dương, nửa đêm dùng ngọn đuốc kim liên, dẫn Quí-phi tự cửa tây môn đi vào, cho tiếp kiến thánh giá ở nơi tiện điện. Quí-phi làm lễ triều kiến vua Minh-hoàng chỉ một bề khóc lóc tạ lỗi, không một lời nào nói đến việc trước kia cả. Vua Minh-hoàng lại tự mình lấy làm hổ thẹn, nhiều lời khuyên giải yên ủi mà nhận là lỗi mình, và bảo kẻ thị thần mau chóng đem rượu lại, để vì Quí-phi làm lễ tẩy trần.
Khi ấy, tiệc giải chiếu đai mại, rượu tiến men bồ đào, về phần vua Minh-hoàng thì lấy làm trước kia xử trí quá nghiêm, có ý hối lỗi mà chuộc vui; về phần Quí-phi thì lấy làm ơn vua sâu nặng mong đời kiếp báo đền. Nhưng cái thói kiêu căng phóng túng của Quí-phi, từ đấy về sau một ngày một quá thậm, thường hiếp bách vua Minh-hoàng chẳng theo cũng chẳng được, đến nỗi nước mất nhà tan, mà vua Minh-hoàng cũng không đoái tiếc gì cả. Cho mới biết ghê thay là giống nữ sắc nó làm lầm người ta vậy. 

 

Chương thứ mười

Quí-phi chuyên sủng

Từ đấy vua Minh-hoàng chìm đắm về tình sắc, trong một tháng thường có khi hơn mười ngày chẳng ra coi chầu. Viên Tể tướng là Lý Lâm-Phủ nguyên cùng với họ Dương cùng quan hệ với nhau về đường thịnh suy, nay thấy Quí-phi đã được chuyên phần sủng ái, thì cái mục đích vững bền ngôi phú quí của Lý Lâm-Phủ có thể đạt tới được. Vả lại Lý Lâm-Phủ lợi dụng nàng Quí-phi để mê hoặc đấng quân chủ, khiến đấng quân chủ chẳng thường ra coi chầu, thì mình có thể độc chuyên quyền chính.
Duy Lý Lâm-Phủ lại nghĩ bụng rằng Quí-phi tuy nhiên đã được chuyên sủng, nhưng chửa được chính danh hiệu ở trong cung là gì, ta đã muốn kết người ấy làm kẻ viện trợ ở trong, thì ta chẳng nên chẳng vì người ấy đặt ra phương pháp.
Một hôm Lý Lâm-Phủ nhân có quân sự vào triều tiến kiến, khi thương nghị việc quân đã xong, Lâm-Phủ hốt nhiên đứng dậy, tới lại gần trước mặt vua chừng độ một bước, quì xuống tâu rằng: «Kẻ ngoại thần này được nghe bệ hạ mới được người tuyệt thế giai nhân, chửa biết bệ hạ đã từng gia cho vị giai nhân ấy tên hiệu là gì chửa?» Vua Minh-hoàng ngẫm nghĩ một hồi lâu, bảo Lâm-Phủ đứng dậy, rồi cười mà đáp rằng: «Sự ấy thực có, trẫm cũng muốn gia phong cho làm hoàng phi, nhưng khốn thay về đường thực sự cũng có trở ngại một chút, cho nên vẫn cứ nấn ná còn chửa cử hành. Nhà ngươi đã biết rõ sự ấy đầu đuôi, nay phiền nhà ngươi vì trẫm một lần quyết định cho xong». Lý Lâm-Phủ tỏ ra ý cương nghị nói rằng: «Việc ấy là việc nhà của bệ hạ, kẻ hạ thần sao dám dự nghe. Song bệ hạ đã vấn, ngu thần này chẳng dám chẳng đáp, bệ hạ chừng lấy làm ả Dương-thị-nữ là vợ Thọ-vương, cho nên có ý hiềm kị đấy phải không? Nay Thọ-vương đã được sách phong ả Vi-thị là vương-phi rồi. Dương-thị-nữ cũng đã ra làm vị nữ đạo sĩ đã lâu, có phải là vợ Thọ-vương nữa đâu, người ngoài ai nấy đều đã quên đi cả rồi. Bệ hạ sao lại phải nghi kị gì, mà làm ra sự sợ kia sợ nọ như vậy ru!»
Rồi thì ý vua Minh-hoàng mới quyết, tức khắc ngày hôm ấy hạ chiếu gia phong cho Dương Ngọc-Hoàn làm hoàng phi.
Quí-phi đã chính vị ở trong cung, nhất thiết nghi vệ đều như hoàng hậu, cưỡi xe loan dư, che quạt phượng vĩ, đi yết tổ cáo miếu, kẻ quần thần phải dâng tờ biểu chúc mừng. Danh vị phẩm vọng của Quí-phi khi ấy, thực đã lấn áp Mai-phi mà ở trên vậy.
Vua Minh-hoàng lại vì cớ Quí-phi đã tôn hiển, nhân gia ân cho bọn tộc thuộc, truy tặng người bố là Dương Nguyên-Đàm làm chức Binh bộ thượng thư, gia cho hai người anh là Dương-Điềm làm chức Điện-trung thiếu giám, Dương-Kỳ làm chức Điện-tiền đô- uý, hai người chị đều được phong chức phu nhân, một người là Tần-quốc phu nhân, một người là Quắc-quốc phu nhân. Hàng anh em chị em mỗi người đều ân tứ một tòa nhà đẹp ở chốn kinh sư. Thanh thế họ Dương lừng lẫy hách dịch, quí hiển trong một thời, chẳng ai dám ví cùng. Quí-phi lại có một người anh con nhà bác là Dương-Chiêu, sau đổi là Dương Quốc-Trung. Quốc-Trung nguyên là kẻ bất học mà vô hạnh, từ đất Thục lại chốn kinh sư, nhờ có các em dẫn vào yết kiến vua Minh-hoàng, vua Minh-hoàng cho được xuất nhập trong cung cấm, trao cho chức Kim ngô binh tào tham quân là chức điển cấm binh. Sau này vua Minh-hoàng phải sợ Quí-phi, bảo sao phải nghe vậy, là vì trong tay họ Dương đã có binh quyền. Quí-phi từ đấy càng thêm kiêu phòng không sợ hãi gì cả, lấy kế thuật kiềm chế vua Minh-hoàng, các phi tần trong hậu cung ba nghìn người, không cho một người nào được vào tiến ngự. Sau Quí-phi biết rằng cái danh vị của mình đều là do tự công của Lý Lâm-Phủ, cảm ơn Lý Lâm-Phủ, thường ở trước mặt vua Minh-hoàng, tán khen Lý Lâm-Phủ là người công trung yêu nước, có thể uỷ cho chính quyền. Cho nên vua Minh-hoàng lại càng tin lắm, hay đâu Lý Lâm-Phủ chính là người đánh thuốc độc vua Minh-hoàng mà đốt cháy nền xã tắc nhà Đường vậy. 
Quyền thế Quí-phi khi ấy khuynh đảo cả trong ngoài, người đời bấy giờ đã có câu rằng:
Sinh trai chớ hoan hỉ,
Sinh gái chớ thương bi;
Họ Dương sinh con gái,
Quang đại cả môn mi.