Phần thứ nhất
Phỏng Sự Ngắn
Muốn Ăn Trứng Nhạn

Không biết mỗi bữa trưa hè oi ả, trời nắng nung người, có ai nghe người đàn bà Bạc Liêu đưa võng kẽo cà kẽo kẹt ru con:
Tháng ba cơm gói ra hòn,
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang Mai...
Mà ngao ngán nỗi gì không?
Riêng tôi, có một dạo, đang thất thểu trên đường từ Vĩnh Châu ra Biền, nghe được câu hát này, tôi thấy thích thích, đoán chừng rằng Hang Mai có lẽ là ở miền nào xa lắm. Tôi định có ngày đến viếng cho thoả lòng.
Bây giờ tôi đứng trước Hang Mai!
Cho hay nếu mình chịu bước chânđi thì còn lạ gì với những cái tên mà mình cứ tưởng tượng nó ở đầu trời cuối biển nào!
Hang Mai là gì?
Các bạn giàu tưởng tượng đừng cho rằng Hang Mai là một chổ mà vào mùa đông lạnh, hoa mai vươn cánh khoe vàng!
Không, “Mai” đây chỉ có nghĩa là quê mùa cổ lỗ ở chốn đồng quê là... là... Khỉ!
Vậy, Hang Mai tức là hang của loài khỉ.
Kinh Hang Mai ở làng Khánh Lâm (Cà Mau) bắt đầu từ Kinh Biện Nhỉ, phía dưới công sở trổ ra Tiều dừa.
Kêu là “kinh” cho nó oai một chút chớ nó quanh co như “cửu khúc trường xa!” Nó có không biết bao nhiêu ngách và không biết bao nhiêu trấp cản đường.
Ở hai bên bờ, người ta có thể gặp những con trúc, rái, kỳ đà, chồn, ong mật và vô số cá.
Tôi được một lần đi suốt con kinh Hang Mai, và đi một cách “đàng hoàng” vinh diệu.
Ông Xã trong làng gả con gái.
Ông Xã mà gả con gái thì phải biết, cái đám ấy nó long trọng đến bực nào?
Muốn có “cái gì” thêm long trọng hơn nữa, lúc đưa con về nhà chồng, ông lại tìm ngay chúng tôi:
- Thằng Sáu mầy có tài ăn nói, thằng Năm mầy có ngón đàn hay, vậy bây vui lòng theo tao qua bên “đàng trai” cho “rôm” và để bên ấy biết rằng làng mình cũng có lắm “nhân tài”!
Tôi ngồi và vò ngón tóc:
- Từ đây qua rạch “Bà Già Sốc” xa quá cậu à! Vả lại tôi có tật ngủ sớm, hể thức khuya một chút là muốn nằm liệt ra rồi!
- Không sao, xuống ghe tha hồ ngủ, hại gì mậy!
- Úy, thần rừng quỉ bụi đất Khánh Lâm nầy ơi, nhè ở đây mà cậu bảo ngủ dưới ghe cho muỗi mỏng nó tha đi!
- Cái thằng! Không mấy thuở cậu mượn mà lại làm bộ làm tịch!...
Thằng Năm xen vào:
- Ði mầy, ra miệt biển chơi, xuống ghe tao đàn cho mầy nghe, buồn ngủ thế nào được!
Rồi nó láy tôi ra ngoài:
- Mầy ngu lắm, tội tình gì mà để “chúng nó” đi riêng một mình!
- Chúng nào?
- Con Tư ông Chủ, con gái Bộ Liếm, con Tám, chớ còn chúng nào nữa! Tụi nó sẽ đi chung với mình một ghe, gục chung với mình một lượt, chẳng là “sung sướng” lắm à?

°

*

Ðường về rạch Bà già Sốc dài trên ba chục cây số, phải đi suốt con kinh Hang Mai dọc ra mé biển.
Ðàng trai lại rước dâu vào lúc mười giờ tối. Lễ xong, chúng tôi cùng nhau xuống ghe lườn. Ðàng trai đi hai ghe, đàng gái theo hai ghe, một ghe ông già bà cả, một ghe thanh niên. Ai trông thấy cũng thì thào khen ngợi, không hỗ danh ông Xã chút nào.
Tôi mắc lo theo đuổi lũ con gái, quên coi thằng Năm nó vác cây đờn kìm thế nào mà lâu lâu cái thùng đờn khua leng keng leng keng in như tiếng chuông của thằng Chệc bán bông cỏ.
Vào một đêm không trăng. Sao đầy trời. Bóng đêm bao phủ nhu bức màn mờ.
Gặp mùa gió bấc, ngồi trong mui chẹt nghe hơi sương xuống, cũng đủ lạnh lùng.
Thỉnh thoảng ngọn gió đồng hiu hắt lùa vào khoang gần tắt phụp ngọn đèn dầu.
Bên ngoài, các anh chèo vừa nhịp mái ăn rập vừa “hò khoan” vang dậy.
Bên trong, ngồi đối diện với mấy cô áo máu xanh đỏ, thằng Năm cảm hứng lên dây Tố lan đờn một bản Vọng cổ rặt “mùi”.
Tôi bị con ma buồn ngủ kéo hai mí mắt gần sụp, nhưng sợ gục lên gục xuống, “con Tám” nó cười, nên rán dềm vững cái cần cổ. Tuy vậy chút chút cái đầu cũng gặc qua được một cái như để nhịp “song lang” giùm cho thằng Năm.
Các cô ngồi thủ thỉ, lâu lâu chăm chú dòm thằng Năm đang “hỉnh mũi” cho mấy ngón tay nhấn vuốt hai sợi dây đờn.
Hố hò khoan
Con gái ông Bang
Che dù che lọng,
Con gái bà bóng
Thổi lửa tắt đèn...
Cà rùm tùm beng.
Hố hò khoan
Con đỉa đeo bà,
Con gà cục tác,
Mỏ nhát cầm chèo,
Con mèo cầm lái,
Con rái chạy buồm,
Con tôm tát nước...
Là cái hố hò khoan...
- Ghe ai đó ngừng lại!
Bên ngoài, bỗng có tiếng hét vang lên.
Tiếng hò khoan dứt ngang.
Thằng Năm nhè nhẹ để cây đờn xuống.
Các cô xanh mặt dòm giáo giác.
Tôi đang gục lia cũng hoảng hồn nhảy ra ngoài.
Ba ghe trước đều buông chèo. Ðàng xa hơn, mấy ngọn đuốc sáng lòa từ trên xuồng nhỏ nhô ra.
Dưới ánh sáng, mấy anh chàng lực lưỡng, mình trần trùi trụi, đang phò anh chúa đoàn, bơi ào lại.
- Ăn cướp mầy Năm ơi!
Thằng Năm “mẹ thỏ” vừa nghe tôi kêu cướp đã tuôn ra ngoài phóng đùng xuống kinh lội vô bờ lủi mất.
Các cô run lên cầm cập sa sầm áp níu lấy tôi. Bụng tôi đã thấy điếng mà bị “con Tám” ôm ngang cần cổ lại càng điếng hơn nữa.
- Mấy ghe kia lập tức ngừng lại, thằng Sàng[1]ở đây!
Giọng hét sang sảng như Trương Phi hét Tào Tháo ở cầu Tràng Bản.
Mấy anh chèo bên ghe tôi khiếp đảm cũng nhảy đùng đùng xuống nước.
Tôi vội thổi tắt đèn, xô mấy cô nằm rạp dưới khoang ghe, rồi ngóc đầu lên dòm.
Bọn cướp lục ghe dâu rầm rầm.
Nghe tiếng khóc xen lẫn tiếng hăm doạ, tôi rợn người toan chỗi dậy nhảy đi, nhưng mấy cánh tay các cô bấu chặt như sam, không tài nào gỡ nổi.
Thôi thì, hoạ mang, mang lấy cho cùng, tôi chết sững đợi đến số phận mình.
Nhưng... bọn cướp đã hô “buồm” và mấy chiếc xuồng rẽ nước bắn đi...
Hú vía! Thì ra họ đã “no hàng” ở ghe đàng trai, không cần đến chúng tôi nữa.
Tôi lồm cồm ngồi dậy, đỡ mấy cô áo màu lên. Áo màu không còn là màu nữa. Bùn nước trong khoang ghe đã nhuộm thành rằn ri mất rồi, mà mấy cô chỉ là những tàu lá đang run.
Không kịp lên tiếng hú coi thằng Năm núp ở đâu, và đến coi ghe đàng trước lành dữ thế nào, tôi ngẫm nghĩ bậc cười nhớ đến câu hát trên đường Vĩnh Châu:
Tháng ba cơm gói ra hòn,
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn Hang Mai...