(TRÍCH)
CHỮA KHOÁN HẾT CÁC BỆNH

Trên tòa nhà hai tầng sừng sững đứng trước đám cây xanh  mát, một lá cờ vải lớn bằng cánh buồm thuyền thoi phất phơ phô  cái dấu hiệu đặc biệt với khách qua đường. Rồi, một tấm biển đứng  hình chữ "nhật" chắn ngang trên mái ngói, rồi một tấm biển gập  hình chữ "nhân" úp đứng trên mái hiên, rồi một bức màn trắng  kín những chữ căng ngang trước cửa như một bức nghi môn. Trước  cửa, hai cái tủ kính bày những hình ảnh kỳ dị, khiến cho ai đã qua  đó, đều phải dừng lại mà nhìn. Phía trong, trên cái giá sơn son,  một bộ lộ bộ ngăn cách đường ra lối vào, sắc đồng sáng choang của  những thứ gươm, chùy, mâu, kích như muốn khoe vẻ quý phái của  chủ nhà.
Chạy theo bức tường dài, hai lớp tủ đứng bóng lộn mùi quang dầu. ạ thuốc, hộp thuốc, lọ thuốc, chai thuốc, mỗi thứ có  hàng mấy trăm cái. Bấy nhiêu sự góp lại thành một hiệu thuốc,  xin tạm gọi là "Hiệu thuốc ông Trăng", một cửa hàng thuốc đã tốn  công làm quảng cáo nhất ở Hà thành. Ngoài những việc quảng cáo  trên báo, trong sách, hàng ngày lại có một người ôm đống quảng  cáo bằng cái bồ, chăm chỉ rút từng tờ mà ấn vào tay, hoặc quẳng  vào xe những người qua lại. ông chủ hiệu ấy, đố ai đoán được là  hạng người gì. Quần Tây, đôi kính trắng gọng vàng quanh năm  làm diềm cho bộ mặt gồ ghề và cái nước da đen xạm. Trên bàn  giấy, luôn luôn thấy cái điếu ống vắt vẻo cây tre rễ trúc chừng hai  thước tây. Khi đi, khi đứng, khi ngồi, nếu là tiết mùa hè, không  khi nào không có hai đứa đầy tớ vác đôi quạt lông chạy theo mà  phẩy phẩy cho ông chủ nhà của họ thành ra một người quý phái.  Trông những sự trang hoàng trong cửa hàng và ngắm cái cách cư xử của chủ hiệu, người ta có thể đồ chừng sự ăn tiêu của nhà ấy  mỗi tháng không dưới ba trăm đồng. ấy là chưa kể cái vốn để chế  hoặc mua thuốc. Ba trăm đồng một tháng, sự ăn tiêu ấy phải là  một nhà cự phú mới có thể đương nổi. Mà cự phú thật, hắn mới cự  phú trong vài năm nay. Những người đã hơi biết hắn, đều phải  ngạc nhiên cho sự phát đạt lạ lùng của hắn. Phải. Trước đây khoảng 10 năm, chủ nhân hiệu thuốc “ông Trăng" còn là một kẻ  lang thang và dốt nát. Ngoài chữ quốc ngữ là thứ chữ mà trẻ con  cũng đều đọc được, vị chủ nhân hiệu ấy không biết thứ chữ gì  khác. Một người tư cách như vậy, ai ngờ có ngày trở nên một thầy  thuốc, xin tạm gọi là thầy thuốc, chủ trương một cửa hàng thuốc  rất to. Thoạt kỳ thủy, hắn chỉ là kẻ buôn thuốc, không phải là  buôn thuốc cái như những người gánh bồ, nghĩa là hắn mua vài  thứ thuốc ghẻ, thuốc lở ở nhà quê, đem ra Hà Nội gửi bán tại các  cửa hàng sách. Gặp dịp may mắn, cuộc thương mại ấy đã làm cho  hắn đủ tiền thuê chỗ kê cái ghế vải mà nằm ở đất phồn hoa.
Tình cờ tại một phố kia, có viên quan lớn vì đi làm quan,  muốn tìm một người cẩn thận, cho ở nhà trong để trông nom và  lau quét dùm những căn nhà ngoài. Nhờ được người quen giới  thiệu, ông chủ cái ghế vải đã thành người coi nhà cho ông quan to.  Lợi dụng cơ hội, hắn mới đăng luôn lên báo mấy dòng, rao rằng:
"Cần người đại lý bán thuốc, ai muốn điều đình xin đến nhà  ấy nhà nọ mà hỏi".
Bấy giờ thiên hạ hãy còn nhiều người khờ hớ hơn bây giờ,  cho nên quảng cáo đăng được vài ngày thì đã có người ở tỉnh khác  đến xin làm đại lý. Chủ nhân tiếp khách ở nhà ngoài của viên quan kia, và đòi án quỹ một số là hai trăm đồng. Trông thấy ghế,  sập, lư, đỉnh và các đồ bài trí trong nhà, khách tin chủ là người  phú quý. Với cái cửa nhà lộng lẫy, số tiền 200 đồng, nếu đem án  quỹ, chưa thấm vào đâu, chắc không bao giờ sứt mẻ một đồng nào  được. Nghĩ vậy, khách nhận lời chủ, cách vài ngày thì đệ số bạc  kia đến. Trong lưng đã sẵn đồng tiền, một mặt hắn đi mua thuốc ở  hiệu khách mà thay chai, thay hộp, dán lá nhãn của mình vào, rồi  gửi đi cho đại lý, một mặt thuê nhà, đóng tủ mở một cửa hàng  thuốc con con lấy thương tiêu là hiệu “ông Trăng". Thế là ông "lang thang" đã nhảy lên địa vị ông "lang băm". Ngôi tuy đổi mà tư  cách vẫn còn nguyên như cũ, ông chủ hiệu thuốc ấy vẫn không biết  mặt biết tên một vị thuốc nào. Nghề làm thuốc của hắn chỉ cốt ở  sự thay hình đổi dạng. Nghĩa là mua thuốc của các hiệu khách đem về, thuốc viên thì tán thành bột, thuốc bột thì nặn thành viên, hoặc là viên lớn xẻ thành viên nhỏ, viên nhỏ hợp làm viên  lớn, rồi nhồi vào hộp vào chai mà bán. Đồng thời việc quảng cáo  trên báo, hắn vẫn hết sức tiến hành, vừa nói khoác bạt mạng cho  các thuốc ở cửa hàng mình, vừa quáến rũ lấy đại lý bán thuốc ở  các tỉnh nhỏ. Nhờ về sự quảng cáo "không biết thẹn" đó mà thuốc,  tuy không chữa khỏi bệnh vẫn bán được, người các tỉnh xin làm  đại lý vẫn mỗi ngày một thêm.
Cái cửa hàng con con vụt trở thành một cửa hiệu nguy nga,  rực rỡ. "Mỗi người phải lừa một lần là tôi giàu rồi". ấy là lời cố  cùng mà cũng là câu xưng tội của chủ nhân nhà thuốc “ông Trăng"  đã đáp lại câu hỏi hiểm hóc của mấy người quen biết. Có thế thực,  một người đến mua thuốc là có một món tiền lời, một người xin  làm đại lý là có một số tiền ký quỹ, 25 triệu con rồng cháu tiên  chưa phải ai cũng khôn ngoan, người mua thuốc, người làm đại lý  chưa bao giờ hết. Lừa bằng cách ấy chưa đủ, ông chủ hiệu ấy lại  phải nghĩ thêm cách khác. Trong lúc xã hội "thầy lang" hãy còn  lộn xộn, những người có bệnh phần nhiều không biết lấy thuốc của  ông thầy nào, người ta sợ rằng "tật mang mà tiền vẫn mất". Đoán  thấy chỗ yếu của số đông người, chủ hiệu “ông Trăng" mới lập cái  kế "chữa khoán". Phong, lao, cổ, lại, bốn chứng đó, các sách Tàu  đều cho là bệnh bất trị, cho đến các nhà y học âu tây cũng chưa  tìm được cách chữa chắc chắn. Vậy mà chủ hiệu “ông Trăng" dám  nhận chữa khoán hết thảy. "Chữa khoán bệnh lao" "Chữa khoán  bệnh hủi"... bức màn trắng treo trên cửa hiệu, luôn luôn nêu mấy  dòng thật lớn như thế, và nói rõ rằng "nếu không khỏi không lấy  tiền", bệnh nào cũng vậy. Tưởng là thực, kẻ có bệnh theo nhau mà  đến, nhiều nhất là người mắc bệnh lao. Lúc này tư cách chủ hiệu  đã tiến hơn trước, nghĩa là hắn đã đọc qua vài cuốn sách thuốc  quốc ngữ, nhớ được ít tên thuốc và tên mạch để làm sáo mà tiếp  con bệnh. Cũng hỏi chứng, cũng xem mạch, cũng giở sách thuốc  nói quàng nói xiên, rồi tùy từng mặt mà nặn tiền, có thể nặn được  đến đâu thì hắn nặn đến đấy. Nhưng vô luận bệnh gì, hắn đều bắt  đặt một nửa tiền, tính theo cái giá đã khoán. Ngó những lộ bộ,  quạt lông, điếu ống xe dài thườn thượt, kẻ có bệnh cố nhiên không  ai dám trả rẻ tiền. Nhưng trong khi đặt một nửa tiền, người ta  cũng đành bắt ông chủ viết cho cái giấy. Bạn đọc thử nghĩ giấy ấy  viết ra sao? "Một bên là ông X chủ hiệu “ông Trăng", một bên là  ông Y, người có bệnh lao ở Phố P đã bằng lòng với nhau những  điều sau này:
“Ông Y xin thuê khoán cho ông X chữa bệnh lao của mình, và  thuận trả ông X một số là 100 đồng. Nay đã đặt trước 50 đồng, khi  nào khỏi bệnh sẽ trả nốt 50 đồng nữa. ông X nhận của ông Y 50  đồng, phải chữa cho ông Y thật khỏi. Nếu không khỏi thì ông X  phải trả lại cho ông Y số tiền đặt trước ấy. Nếu ông Y nửa chừng  bỏ dở thì số tiền đặt trước ấy, ông X không phải trả lại". Giấy là  vậy, còn thuốc thế nào? Thiên môn, mạch môn, khoản đông, tử  uyển, một mớ vị thuốc nhuận phế đó, hắn luyện thành viên, hắn  nấu thành cao, đưa mãi cho người ta uống. Thuốc như vậy, đời nào  mà chữa cho được bệnh lao! Bệnh không khỏi, kẻ ốm đem giấy đến  hiệu, đòi lại số tiền đã đặt. Chủ hiệu chỉ phải đáp lại một câu:
- Trong giấy đã nói "nếu uống thuốc nửa chừng bỏ dở" thì "tôi  không phải trả lại số tiền đặt ấy" kia mà. Bây giờ tôi còn đương  chữa mà ông đã thôi, ấy là ông bỏ dở, không thể đòi tiền tôi được.
Thì ra trong giấy không nói cái "hạn chữa khỏi" là bao nhiêu  ngày, giả như theo thuốc đến mấy chục năm, khi thôi, cũng vẫn là  người bỏ dở. Ấy đó, hắn gạt người ta cốt ở chỗ đó! Song điều đó chỉ  gạt được người nhà quê, chớ Hà Nội thì ít kẻ mắc. Nhưng các thầy  "lang băm" đều là thánh sư nghề lừa gạt, họ đã có nhiều cách khác  để gạt người Hà Nội.