Tôi xin được cái radio cũ, ngày ngày cho nó nghe đờn ca vọng cổ. Lâm Khang được hai tháng tuổi, bi tướt. Mỗi ngày, năm ba lần chảy té re chất nước lợn cợn màu vàng nhạt. Mấy bà già láng giềng bảo nó bị đẹn ỉa, phải lể đẹn mới xong. Thằng nhỏ bị căng họng, kéo lưỡi, lể bằng kim maỵ Nó giãy giụa, khóc gần đứt hơi tím mặt. Tôi nóng ruột, không cho điều trị theo phương pháp cổ truyền nữa. Hai tháng rưởi. Nó tiếp tục lên cân, nhưng vẫn còn tướt. Tôi quyết định đem con đi khám ở bệnh viện Nhi Đồng Ị Sau khi nghe tôi nói nó bị ỉa, bác sĩ cho nhập viện ngay, khỏi cần khám.Chẳng biết khoa con tôi nằm, là khoa gì. Khi nói chuyện với nhau, mọi người gọi là Khoa Ỉa. Cũng có lý. Đã có Xưởng Đẻ, thì có Khoa Ỉa là chuyện bình thường. Vào đây, tôi mới thấy hết được cái tính "khó khăn khắc phục" của nền y khoa xứ mình. Phòng lớn, chứa hai mươi giường. Mỗi giường, có hai em bé nằm thoi thóp. Một đứa nằm đầu trên, một đứa nằm đầu dưới. Chưa kể một số khác, trải những manh chiếu nhỏ, nằm dưới sàn. Con tôi may mắn, được nằm trên giường, chỗ của một bé gái vừa "đi đứt". Mặt giường trải nylon, để các em tiểu tiện không bị thấm xuống nệm. Cái ghê tởm là đứa này ỉa, chảy tràn ướt lưng đứa kia. Khiếp! Sau hai ngày, tôi đem con xuống nằm dưới sàn. Nhường chỗ trên giường cho một người vừa mới ẳm con đến. Người ấy cám ơn tôi. Trong một nơi chốn, người ta bon chen tranh giành từng chút, chịu nhường nhau một tiện nghi nào đó, lòng tốt ắt phải có lý do.Mỗi buổi sáng. Mọi người phải ẳm con ngồi sắp hàng trước phòng bác sĩ, chờ khám theo thứ tự. Bác sĩ Khoa Ỉa, không bao giờ bước chân vào phòng bệnh nhân. Dụng cụ hành nghề của bác sĩ, võn vẹn một quyển sổ ghi toa thuốc, và một cái ống nghe. Mang ống nghe như một dấu hiệu biểu trưng cho cương vị bác sĩ, chứ không phải để sử dụng. Vì thế, đi vào phòng ăn, hoặc vào quán tạp hoá trong khu vực bệnh viện, bác sĩ cũng đeo ống nghe, để phân biệt với người thường. Và một điều đáng nễ khác, khi khám bệnh, bác sĩ không hề đụng tay vào người các em bị ỉa. Có lẽ, am tường môn vi trùng học, nên tuyệt đối giữ vệ sinh. Ông chỉ liếc sơ qua cái mặt đờ đẫn, là biết được bệnh trạng ra sao. Tay viết lia lịa lên mảnh giấy, rồi xé cái rẹt, trao cho thân nhân người bệnh. Đây là cái toa thuốc, nhưng tôi không đọc được chữ gì cả. Giống những ký hiệu về âm nhạc. Nếu gộp chung nhiều cái toa, trao cho một nhạc sĩ, có thể đàn được bản nhạc hay.Mọi người kháo với nhau: "ông này là bác sĩ ngụy của mình hồi trước, được cách mạng lưu dụng.""Sao biết?""Nhìn cách viết thì biết ngaỵ Bác sĩ cách mạng, viết chậm như rùa. Bác sĩ mình, viết nhanh như gió."Tôi tin tưởng "bác sĩ mình". Cầm toa thuốc lên Phòng Y Dược. Chắc cô phát thuốc cũng là "dược sĩ mình" đã quen đọc ký hiệu, nên liếc qua cái toa, biết ngay thuốc gì. Cô mở lọ này, trút chai kia, trao tôi một bụm thuốc.Thằng con tôi mới hai tháng rưởi, làm sao nuốt nổi một bụm thuốc thế này? Hình như thuốc nội hoá cần lượng hơn phẩm. Một số người xấu miệng nói, đôi khi chỉ là bột mì, tinh chế thành viên. Dù mỉa mai chế độ, nhưng không phải không có lý. Câu nói hàm chỉ được một phương cách trị bệnh bằng tinh thần. Từ lâu rồi, ngành y khoa đã thừa nhận rằng, kết hợp yếu tố tinh thần, trong việc điều trị bằng thuốc men, cũng đem lại kết quả rất khả quan. Người xưa còn biết, cái tâm ảnh hưởng rất lớn đến cái thân, nên chủ trương lấy tâm làm gốc. Thân tâm không lìa nhau. Hễ tâm bệnh thì thân bệnh.Tâm vừa máy động, họa phúc liền sinhĐiềm đạm hư vô, bệnh nào phát khởi.Quỷ vương lộng hành thời mạt pháp. Trật tự xã hội xô bồ rối loạn. Người người lao đao, cái tâm vọng động không yên, nên sinh lắm bệnh tật. Ra đường, thấy thiên hạ tất tả ngược xuôi, mặt mày lo âu hoảng hốt. Những khuôn mặt ấy, trước sau gì cũng vào bệnh viện. Và vào đây, mới biết thế nào là ý nghĩa của những viên thuốc trị về tâm.Tôi nhớ lúc còn trong tù, mọi thứ bệnh: nóng lạnh, nhức đầu, đau bụng, ỉa chảy, yếu tim, nám phổi, ho hen..., tất cả đều được cấp phát cùng một loại thuốc Xuyên Tâm Liên. Vậy, Xuyên Tâm Liên là thuốc về tâm, trị bá bệnh. Ai chịu, thì tiếp tục sống. Ai không chịu, thì chết. Chết vì tâm bệnh, chứ đâu phải vì thuốc? Hiện nay, chưa có một nước văn minh hiện đại nào trên thế giới, chế được loại thuốc trị bá bệnh, như Xuyên Tâm Liên của nước Việt Nam ta. Đã nói đến tài ứng biến, và sáng tạo thần sầu của cách mạng, phải nói cho hết, Trong thời gian đi tù, có lần tôi bị chứng bệnh kỳ lạ. Đầu gối sưng nhức, và đái gắt. Dùng Xuyên Tâm Liên cả tháng trời không khỏi. Có lẽ, tâm bệnh quá trầm trọng. Tôi năn nỉ y tá của trại, cho tôi lên nằm bệnh xá để điều trị. Y tá nói: "Muốn chuyển lên bệnh xá, phải ghi rõ bệnh gì? Nhưng anh khai lung tung, tôi không đoán ra, làm sao chuyển?"Tôi cố nài: "Xin cứ ghi bừa vào một chứng gì cũng được, lên đó rồi tính sau."Suy nghĩ một lúc, y tá hỏi: "Khi còn làm lính ngụy, anh có bị bệnh xã hội không?""Bệnh xã hội là bệnh gì?""Chẳng hạn như tiêm la, lậu mủ, giang mai, mồng gà... ""Có bị vài lần." Tôi nói.Y tá gục gật đầu: "Anh đái gắt. Tôi ghi là bệnh tiêm la tái phát nhé?""Nhưng phải cho tôi biết tiêm la có hiện tượng ra sao, để tôi khai với bệnh xá.""Cái bệnh này gây đau nhức dương vật, nếu không điều trị kịp thời, con vi trùng sẽ ăn mất cụ"Tôi cầm mảnh giấy lên nộp cho bệnh xá. Rồi sắp hàng, ngồi cùng với những anh em các trại khác quy tụ về đây. Chờ kêu tên. Bác sĩ xướng danh từng người, kèm theo chứng bệnh.Tới phiên tôi, bác sĩ gọi: "Nâm Chương. Bệnh tiêm nạ"Tôi đứng lên. Bao nhiêu con mắt kinh ngạc mở lớn, đổ dồn về phía tôi như dò hỏi. Vào tù cả năm rồi, làm sao thằng này chui ra ngoài được, chơi đĩ đến nỗi mắc bệnh "tiêm na"? Tôi nóng ran cả người vì ngượng.Bác sĩ hỏi: "Có đau nhiều không?"Tôi nói: "Chỉ đái gắt, và đầu gối sưng nhức.""Bậy! Từ dương vật, sao lại chạy xuống đầu gối?" ông đưa ngón tay chỉ: "Vào phòng tiêm thuốc cho khoẻ."Đúng là lương y như từ mẫu. Ông không hạch hỏi lôi thôi, cũng không hề tỏ ra khó chịu vì căn bệnh xã hội của tôi. Ông chỉ lo cho sức khoẻ bệnh nhân.Vào phòng tiêm. Tôi thấy nhiều chai nước ngọt hiệu con cọp, và xá xị hiệu con nai, sắp đầy trên những ngăn kệ. Có chai chứa nước màu xanh, có chai chứa nước màu đỏ. Miệng chai được bịt kín bằng miếng nhựa nylon, có quấn dây thun.Anh y tá hoà hai thứ nước xanh đỏ vào chung trong một cái lỵ Đưa cây kim vô ly, bơm đầy ống tiêm. Mỗi người bệnh, được tiêm một ống như thế. Không biết chất gì, khi tiêm vào da thịt, nghe đau thấu trời.Tôi hỏi: "Thuốc này trị bệnh gì?"Y tá đáp gọn: "Bê một, Bê Mười Hai. Tăng cường sinh lực."Buổi sáng nào, chúng tôi cũng được tiêm một ống B1, B12. Có điểm danh từng người, trốn tiêm cũng không khỏi. Đặc biệt những người bệnh nặng, còn được truyền nước biển. Y tá túc trực cả ngày, săn sóc và theo dõi bệnh trạng. Lương tâm nghề nghiệp có thừa, nhưng tôi e rằng phần lớn thuốc men ở đây, chỉ có giá trị về mặt tinh thần.