Chương 5

Đi giáp một vòng thăm bệnh, cô y tá quay lại rút cái nhiệt lượng kế từ miệng thằng nhỏ, đưa lên ánh sáng.
"Nhiệt độ trung bình. Sao ông bảo bị sốt?" Cô trừng mắt nhìn tôi.
Tôi nói: "Hồi hôm, nó sốt. Bây giờ, hạ rồi."
"Hứ! Đừng có báo cáo ẩu nghen."
Tôi vớt vát: "Thật mà. Hồi hôm, nó sốt."
"Nói lung tung, làm rối điên cái đầu. Ai biết đường nào trị cho con ông? Nó có thế nào, lỗi cũng tại ông đấy!" Cô ngoe nguẩy bước ra khỏi phòng.
Trời ơi! Nếu không vì sự an nguy của đứa con, chắc tôi bóp cổ chết con y tá này.
Cho đến một ngày, tính mệnh thằng con tôi, hắt hiu như ngọn đèn trước gió. Dù không yêu cầu, nhưng bác sĩ cũng cho một cái toa riêng mua thuốc ngoại. Lúc này, trước mặt ông, tôi không dám vọng ngoại, nhưng ông lại bày vẽ cho tôi thực hiện tinh thần vọng ngoại. Ông bảo phải mua thuốc ngoại ở hiệu thuốc này..., địa chỉ này..., để tránh mua lầm thuốc giả. Chao ôi! Thuốc trị bệnh mà cũng có kẻ dám làm giả mạo. Tội này, tương đương với tội sát nhân. Tôi cầm cái toa hớt hãi chạy ra đường. Nhiều con buôn thuốc dạo, chận lại thăm hỏi mời chào. Chẳng biết tôi còn tỉnh hay điên? Sao nhìn mặt người nào, tôi cũng thấy phảng phất cái vẻ tàn ác của quân bất lương cướp của giết người.
Con tôi được đưa vào phòng cấp cứu, có máy điều hoà không khí. Có lẽ vì muốn chứng tỏ đây là căn phòng đặc biệt, nên người ta điều chỉnh nhiệt độ Ở mức khá thấp. Vào phòng, tôi có cảm tưởng vào một mùa đông lạnh giá.
Tôi nói: "Lạnh quá. Làm sao con nít chịu nổi?"
Cô y tá, chứng tỏ là người thành thị, từng quen sử dụng những tiện nghi tân tiến: "Điều hoà không khí là phải như vậy. Nếu không lạnh, thì gắn máy lạnh làm gì? Hứ!"
Hình như, khi muốn tỏ thái độ khinh bỉ chê bai, người đàn bà nào cũng dùng tiếng "hứ". Và tôi thấy tôi hiện nguyên hình một gã nhà quê chậm tiến.
Tóc trên đầu thằng con tôi, bị cạo một mảng, để đâm cây kim truyền nước biển. Lỗ mũi nó, thọt vào một cái ống tiếp dưỡng khí. Miệng nó, cũng thọt vào một cái ống để cho sửa và thuốc vô bao tử. Nhìn những trang bị trên người nó, tôi liên tưởng đến một đứa bé từ hành tinh khác lạc xuống địa cầu, phải ăn và thở bằng những dụng cụ đặc biệt, trong một phim dành cho nhi đồng. Trong phòng cấp cứu, đã có sẵn ba đứa khác, đang chờ giờ hiễn linh về nước Chúa, hoặc theo Phật về chốn tiêu diêu miền Cực Lạc.
Tôi đuối sức, sau những ngày thay phiên cùng vợ, thức theo dõi thằng con. Tôi ra ngoài hành lang, nằm ngủ. Nhưng vừa chợp mắt lại thấy ác mộng. Tôi vùng ngồi dậy, lúc lắc cái đầu cho tỉnh.
Vợ bảo: "Ngủ đị"
Tôi nói: "Ở đây, vất vưởng nhiều oan hồn con trẻ. Nó phá tôi."
Vợ chắp tay: "Nam Mô A Di Đà Phật. Anh đừng nói những điều ghê khiếp."
"Thật đấy. Tôi nghe tiếng con trẻ cười đùa."
"Anh ơi. Anh ơi. Anh sắp điên rồi."
"Không đâu!"
Đầu tôi váng vất lùng bùng. Tôi thấy chung quanh toàn những gút mắc chông gai. ác cảm nặng với bác sĩ y tá, vi vu ý tưởng giết người.
Vợ nói: "Trông anh như người bệnh. Mắt lờ đờ nhướng hết lên. Ráng ngủ lấy sức. Anh ngã bệnh lúc này, mình em làm sao lo nổi cho chồng, cho con?"
Buổi chiều. Phòng cấp cứu nhận thêm thằng bé mười hai tuổi, tên Cu Đen. Nghe hai tiếng Cu Đen, tự dưng tôi thấy êm đềm gần gũi. Tôi như sống lại một quãng đời tuổi nhỏ làng quê, với bạn bè có những cái tên hết sức thân yêu, Cu Nồi, Cu Lọ, Cu Đẹt, Cu Đực, Cu Tèo, Cu Tý... Lòng tôi dịu lại. Dựa lưng vào bức tường hành lang, tôi mơ màng quay về những mương rạch, bờ ao, con trâu, cái cày... thuở trước. Thiếp đi lúc nào không haỵ Khi bừng dậy, tôi nghe tiếng khóc.
Thằng Cu Đen còn rất tỉnh táo, nhưng sau những thử nghiệm và chẩn đoán, bác sĩ cho biết nó sẽ chết trong vài ngày tới. Má nó gục đầu lên đứa con, nức nở. Nó ôm đầu má, kêu thảm thiết: "Má ơi, đem con về. Con muốn ở với má. Đừng bỏ con, má ơi."
Đang rầu vì con, nhìn qua giường bên, lại thấy cảnh mũi lòng, vợ tôi cũng khóc rống theo.
Y tá nạt: "Bà này lạ chưa? Mắc mớ gì đến bà mà khóc? Làm như đưa đám ma không bằng. Tôi yêu cầu, bà đi ra ngoài kia mà khóc, để yên cho tôi làm việc."
Má Cu Đen kể trong nước mắt. Rằng vợ chồng chị đi làm làm ngoài đồng xạ Cu Đen ở nhà giữ em. Vô ý để em té xuống ao. Người láng giềng vớt em nó lên, doạ: "Mày ham chơi, bỏ em té ao. Ba má mày về đánh chết." Nó sợ đòn, vào buồng lấy chai thuốc rầy, uống. Người láng giềng biềt được, chạy ra đồng gọi vợ chồng chị về. Khi đưa nó vào bệnh viện, thì đã muộn.
Người ta nói "còn nước còn tát", cái câu châm ngôn ấy không áp dụng ở đây. Không ai bỏ công cứu chữa cho một sinh vật, mà người ta nghĩ rằng phí công vô ích. Cu Đen chỉ được truyền nước biển, như một biểu thị nó còn được sự tận tâm chiếu cố của người thầy thuốc. Nó đâu biết, người ta đã dành sẵn cho nó một mảnh giấy khai tử rồi, chỉ còn chờ giờ điền tên vào, là xong.
Thằng bé thao thức, khóc cả đêm. Nó nói nhớ em, và năn nĩ má nó đưa về nhà. Người mẹ cũng biết, ngoài cái chai nước biển, con chị không còn thêm được một ân huệ nào khác nữa. Mà cái chai nước biển, có tác dụng gì với thằng bé uống thuốc rầy? Sáng hôm sau, người mẹ xin cho con xuất viện.
Thương Cu Đen quá, tôi cầm tay nó: "Thôi, Cu Đen về nhà với em nhé."
Nó nói: "Dạ. Mai mốt em bé của chú khỏi bệnh, chú ẳm xuống nhà con chơi."
Nó còn nói được một câu như thế, mà sắp chết thật sao? Nó đâu có hiện tượng của kẻ sắp lìa đời? Tôi đưa Cu Đen ra sân bệnh viện, nơi có chiếc xe Lam đang chờ sẵn. Má nó không còn khóc như lúc mới nghe tin dữ. Trong nỗi đau đớn đến cùng cực, lòng người sẽ trơ ra, mọi sự cảm xúc đều bị tắc nghẽn. Xe lam chuyển bánh. Tôi ngó theo. Vĩnh biệt Cu Đen.
Từ đó, cái tên thằng bé cứ ám ảnh tôi hoài. Hai tiếng Cu Đen êm đềm thân thiết biết bao, gợi cho tôi những ngày xưa cũ, cùng những kỷ niệm thời gian mất mát đớn đau. Tôi thầm nghĩ, nếu thằng Khang, con tôi tai qua nạn khỏi, tôi sẽ đặt cho nó một cái tên riêng, tên ngoài giấy tờ: Cu Đen.
Thằng con tôi lặng lẽ ra đi, rất êm. Từ lúc bác sĩ chấp nhận cái tinh thần vọng ngoại, chịu cho toa mua thuốc ngoại, và đưa nó vào phòng lạnh, tôi biết mọi sự thay đổi của bác sĩ đã trễ tràng. Vợ chồng tôi âm thầm nuốt nước mắt từ mấy ngày trước. Lúc nó ra đi, chúng tôi không còn nước mắt.