3 giờ chiều ngày 5/6, trung sĩ John Mellalieu bồn chồn không yên. Từ trên con tàu thuộc hải đội ở Plymouth, anh có thể thấy eo biển Anh phình ra, nước đang lên, thời tiết ngày càng xấu đi, và anh chỉ muốn lên đường. “Biển rất xấu”, cựu binh Mellelieu giờ đã 80 tuổi, nhớ lại. “Nhưng cái đó cũng chả là gì bởi chúng tôi hiểu tàu không thể chìm được”. 5 phút sau, có lệnh xuất phát. 9 giờ đồng hồ trước khi 150.000 quân nhân thực hiện cuộc đổ bộ lớn nhất trong lịch sử quân sự, một hải đội gồm 6 con tàu, dưới quyền chỉ huy của trung tá Smith bắt đầu hành trình trên eo biển Anh. Nhiệm vụ của họ là tối mật. Đúng nửa đêm, những phi cơ chở hàng nghìn binh sĩ thuộc sư đoàn 82 và sư đoàn không vận 101 của Mỹ sẽ tiếp cận vùng Cherbourg. Hải đội 68 nhận trọng trách dẫn đường. “Điều đầu tiên tôi nhận thấy là không gian vô cùng yên ắng, bởi chúng tôi là những người đầu tiên vượt eo biển”. Tại ngôi nhà ở Edinbourgh, nơi ông đã sống kể từ sau chiến tranh, Mellelieu vẫn hào hứng nói về đặc vụ ngày hôm đó. Ông không tới Normandy dự lễ kỷ niệm, bởi đã đến đó cách đây 10 năm. Vị cựu binh quyết định ở nhà xem truyền hình. “Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không chắc có thể nói rõ ra được nhiệm vụ của mình hay không. Nó tối mật, đến mức chúng tôi nhận lệnh trực tiếp từ đô đốc. Thậm chí không ai biết là chúng tôi ở Plymouth”. Đồng minh lập kế hoạch cho các tàu lượn, được kéo bởi máy bay Dakota, bay phía trên bầu trời của mũi bán đảo Cherbourg và hạ cánh ở các ngôi làng gần thành phố cảng. 11 giờ đêm, hải đội vào vị trí ở ngoài khơi phía bắc bán đảo Cherbourg. “Thật khó mà biết chúng tôi cách đất liền bao xa. Các con tàu trong hải đội đi thành một hàng dọc, chiếc nọ nối tiếp chiếc kia”. Trên boong tàu đặt những ngọn đèn mà chỉ người trên không trung mới nhìn thấy. 3 giờ 10 phút sáng 6/6, những đợt Dakota và theo sau chúng là tàu lượn chở quân nhân đã nhảy dù xong. Mellalieu được thông báo qua vô tuyến điện rằng có một tàu lượn nhào xuống biển ở phía bắc eo Manche. Ông và đồng đội mở cuộc tìm kiếm rồi trở về Plymouth mà không tìm thấy ai sống sót. “Chúng tôi đến chỗ tàu lượn đâm xuống biển, nhưng sau 10 giờ lùng sục tìm kiếm mà không thấy người nào, chúng tôi về căn cứ. Nhưng có một điều mà chúng tôi không biết, là thị trưởng cùng với BBC và các báo đã đồng loạt kêu người dân tập trung ở cảng để chào đón quân nhân người đầu tiên trở về từ cuộc đổ bộ. "Chúng tôi về tay không và rất rầu lòng. Nhưng sáng hôm sau thì biết được tin hải đội đã tìm nhầm chỗ. Thực tế thì các binh sĩ không quân đó được cứu ở cách chỗ chúng tôi vài hải lý, về phía nam”. Hải đội chúng tôi vẫn tiếp tục di chuyển từ bãi biển này sang bãi biển khác. Lính Anh chiến đấu rất cừ và các chiến xa có thể tiến. Tuy nhiên, ở khu vực các binh sĩ Mỹ ở bãi Omaha, tình trạng thật khủng khiếp, y như trong địa ngục vậy. Khi chúng tôi tới, bãi biển đầy xác chết và cảnh đó kéo dài tới 24 giờ, trước khi đồng minh Mỹ điều lực lượng tới mang những người đã ngã xuống đi.