Chúng ta hãy chuyển sang những châm ngôn mà "Người Phổ", giống như thánh phán, đã nói về công nhân Đức. "Dân nghèo Đức", - ông ta nói một cách hóm hỉnh, - " cũng không thông minh gì hơn những người Đức nghèo, nghĩa là họ không thấy gì xa hơn cái tổ ấm của họ, cái nhà máy của họ, cái khu vực của họ; hồn chính trị sáng suốt cho đến nay vẫn chưa động tới toàn bộ vấn đề này". Để có thể đối chiếu tình trạng chung của công nhân Đức với tình trạng chung của công nhân Anh và Pháp, "Người Phổ" ắt sẽ phải so sánh hình thức đầu tiên của phong trào công nhân Anh và Pháp, so sánh bước đầu của nó, với phong trào chỉ vừa mới khởi đầu ở Đức. ông ta không làm thế. Và bởi vậy, lập luận của ông ta quy lại thành những điều tầm thường đại loại như công nghiệp ở Đức chưa được phát triển như ở Anh, hoặc là phong trào ở giai đoạn phát triển đầu tiên của nó không giống như những giai đoạn sau của nó. ông ta muốn nói đến những đặc điểm của phong trào công nhân Đức, thế nhưng ông ta lại chẳng hề đả động đến đề tài đó. Nhưng cứ cho rằng "Người Phổ" đứng trên quan điểm đúng đắn: lúc đó ông ta sẽ thấy rằng, không một cuộc nổi dậy nào của công nhân Anh và Pháp lại có được tính cách lý luận và giác ngộ như cuộc nổi dậy của thợ dệt Xi-lê-di. Trước hết, xin hãy nhớ tới bài ca của những người thợ dệt 109, tiếng hô chiến đấu dũng cảm ấy, trong đó không hề nhắc tới tổ ấm nhà máy, khu vực, nhưng trong đó giai cấp vô sản lớn tiếng tuyên bố ngay lập tức, với một sự dứt khoát lạ lùng, một cách gay gắt, không nể nang và mạnh mẽ rằng nó đối lập với xã hội tư hữu. Cuộc nổi dậy ở Xi-lê-di bắt đầu đúng bằng cái mà những cuộc nổi dậy của công nhân Pháp và Anh kết thúc, - cụ thể là bằng việc nó ý thức được bản chất của giai cấp vô sản. Bản thân tiến trình cuộc nổi dậy cũng mang những nét của sự ưu việt này. Không những máy móc - tức là những đối thủ của công nhân - bị hủy hoại, mà cả những sổ sách thương mại, những văn kiện về quyền sở hữu cũng bị hủy hoại. Trong khi mọi phong trào khác đều chỉ nhằm chống lại trước hết là bọn chủ các xí nghiệp công nghiệp, chống kẻ thù rõ mặt, thì phong trào này lại đồng thời chống cả bọn chủ ngân hàng, chống kẻ thù giấu mặt. Cuối cùng, không một cuộc nổi dậy nào của công nhân Anh lại được tiến hành với một tinh thần dũng cảm, với sự suy nghĩ chín chắn và với ý chí kiên cường đến như vậy. Còn về trình độ văn hóa của công nhân Đức nói chung, hoặc về khả năng tiếp thu văn hóa của họ, thì tôi xin nhắc tới những tác phẩm thiên tài của Vai-tlinh mà về mặt lý luận thường còn vượt xa hơn cả Pru-đông, dầu có thua kém ông này về phương pháp trình bày như thế nào chăng nữa. Với những triết gia, những học giả của nó, giai cấp tư sản tìm đâu ra được một tác phẩm viết về giải phóng giai cấp tư sản - về giải phóng chính trị, - ngõ hầu sánh nổi cuốn sách "Những bảo đảm cho sự hài hòa và tự do" của Vai-tlinh? Chỉ cần so sánh tính cách tầm thường vô vị và hèn nhát của sách báo chính trị Đức với tác phẩm văn học đầu tay vô song và xuất sắc này của công nhân Đức, chỉ cần so sánh đôi giày trẻ con khổng lồ này của giai cấp vô sản với đôi giày chính trị tí hon đã vẹt gót của giai cấp tư sản Đức để báo trước cho cô lọ lem Đức cái hình dáng của chàng lực sĩ trong tương lai. Phải thừa nhận rằng giai cấp vô sản Đức là nhà lý luận của giai cấp vô sản châu âu, cũng giống như giai cấp vô sản Anh là nhà kinh tế học của nó, còn giai cấp vô sản Pháp là nhà chính trị của nó. Cần phải thừa nhận rằng nước Đức có cái sứ mệnh cổ điển đối với cách mạng xã hội theo đúng cái mức độ mà nó không có khả năng đối với cách mạng chính trị. Bởi vì, giống như sự bất lực của giai cấp tư sản Đức là sự bất lực chính trị của nước Đức, năng lực của giai cấp vô sản Đức - thậm chí không lệ thuộc vào lý luận Đức - là năng lực xã hội của nước Đức. Tình trạng không phù hợp giữa sự phát triển triết học với sự phát triển chính trị của nước Đức không phải là hiện tượng bất thường nào đó. Đây là sự không phù hợp tất yếu. Dân tộc triết học chỉ có thể tìm được cái thực tiễn phù hợp với nó trong chủ nghĩa xã hội; do đó, chỉ trong giai cấp vô sản nó mới tìm được yếu tố hoạt động cho sự giải phóng mình. Vả lại, giờ đây tôi không có thì giờ, cũng không có ý muốn giảng giải cho "Người Phổ" về thái độ của "xã hội Đức" đối với cách mạng xã hội, và về những cái toát ra từ đó: một mặt là sự phản ứng yếu ớt của giai cấp tư sản Đức chống lại chủ nghĩa xã hội, và mặt khác những mầm mống ưu việt hiện có ở giai cấp vô sản Đức đối với chủ nghĩa xã hội. Những cơ sở đầu tiên để hiểu hiện tượng này, ông ta sẽ tìm thấy trong "Lời nói đầu" cuốn "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen" ("Deutsch - Franzosische Jahrbucher") của tôi. Như vậy, lý tính của dân nghèo Đức tỷ lệ nghịch với lý tính của người Đức nghèo. Song những người mà bất kỳ đối tượng nào cũng là cái cớ để họ viết những bài tập về tu từ học và đem trình công chúng, - những người ấy xuyên tạc bản thân nội dung của đối tượng do cách nhìn hình thức đó, còn nội dung bị xuyên tạc, về phía nó, lại đặt dấu ấn của sự tầm thường lên hình thức. Ví dụ, ý đồ của "Người Phổ" muốn trình bày những lập luận của mình về những cuộc nổi dậy của công nhân Xi-lê-di trong hình thức phản đề, đã dẫn ông ta đến phản đề hết sức lớn chống lại chân lý. Đối với một người biết suy nghĩ và yêu chân lý, đứng trước sự bùng nổ đầu tiên của cuộc nổi dậy của công nhân Xi-lê-di thì nhiệm vụ không phải là đóng vai trò ông thầy lên lớp đối với sự kiện đó, mà ngược lại, phải nghiên cứu tính cách độc đáo của nó. Muốn làm như vậy, đương nhiên là cần phải có một sự sáng suốt khoa học nào đó và lòng nhân ái nào đó, còn để làm ông thầy lên lớp thì chỉ cần biết những thành ngữ ít nhiều khéo léo, đầy lòng ích kỷ rỗng tuếch là đủ lắm rồi. Tại sao "Người Phổ" lại nhận xét về công nhân Đức một cách miệt thị như vậy? Vì ông ta thấy rằng "hồn chính trị sáng suốt cho đến nay vẫn chưa động tới" "toàn bộ vấn đề này", cụ thể là vấn đề nghèo đói của công nhân. ông biểu thị một cách chi tiết hơn tình yêu thanh cao của mình đối với hồn chính trị bằng những lời lẽ như sau: "Tất cả những cuộc nổi dậy nổ ra trong những điều kiện của sự cô lập bất hạnh này giữa con người với cộng đồng, và giữa những tư tưởng của họ với những nguyên tắc xã hội, sẽ bị bóp chết trong máu và trong hành động liều lĩnh; nhưng khi mà sự đói nghèo sản sinh ra lý tính, còn lý tính chính trị của người Đức lại phát hiện ra gốc rễ của sự đói nghèo xã hội, thì bấy giờ cả ở Đức những sự kiện này cũng sẽ được xem là những triệu chứng của một cuộc cách mạng vĩ đại nào đó". Trước hết "Người Phổ" hãy cho phép chúng tôi có một nhận xét có tính cách tu từ học. Phản đề của ông ta chưa hoàn chỉnh. Nửa đầu nói: "khi mà sự đói nghèo sản sinh ra lý tính", còn nửa thứ hai: "còn lý tính chính trị lại phát hiện ra gốc rễ của sự đói nghèo xã hội". Lý tính đơn giản của nửa thứ nhất trong phản đề trở thành lý tính chính trị trong nửa thứ hai của phản đề, cũng như sự đói nghèo giản đơn trong nửa đầu của phản đề trở thành sự đói nghèo xã hội ở nửa cuối của phản đề. Vì sao bậc thầy về văn phong của chúng ta lại xây dựng hai nửa trong phản đề của mình một cách không cân đối như vậy? Tôi không nghĩ là ông ta đã hiểu rõ điều đó. Tôi muốn giải thích cho ông ta hiểu cái mà bản năng đúng đắn của ông đã gợi cho ông ta. Nếu như "Người Phổ" viết: "Khi mà sự đói nghèo xã hội sản sinh ra lý tính chính trị, còn lý tính chính trị lại phát hiện ra gốc rễ của sự đói nghèo xã hội ", - thì bất kỳ độc giả vô tư nào cũng sẽ thấy tính chất phi lý của phản đề này. Độc giả trước hết sẽ tự hỏi: tại sao tác giả vô danh lại không đối chiếu lý tính xã hội với sự đói nghèo xã hội, không đối chiếu lý tính chính trị với sự đói nghèo chính trị, như phép lô-gích giản đơn nhất đòi hỏi? Và bây giờ thì xin sang thực chất của vấn đề! ý kiến cho rằng sự đói nghèo xã hội sản sinh ra lý tính chính trị sai đến mức là lời khẳng định ngược lại thì đúng: hạnh phúc xã hội sản sinh ra lý tính chính trị. Lý tính chính trị là nhà duy linh, và nó đến với kẻ nào đã có một chút gì đấy, kẻ nào sống không tồi lắm ở trên đời này. Mời "Người Phổ" của chúng ta hãy nghe lời một nhà kinh tế Pháp - ông Mi-xen Sơ-va-li-ê - nói về vấn đề này: "Vào năm 1789, khi giai cấp tư sản vùng dậy, thì đối với nó, chỉ thiếu có sự tham gia vào việc quản lý đất nước để được tự do. Đối với nó, giải phóng bao hàm ở chỗ là làm sao giành giật được quyền lãnh đạo những công việc xã hội, những chức vụ tối cao về dân sự, quân sự, và tôn giáo từ những bàn tay đặc quyền độc chiếm những chức vụ này. Giàu có và có văn hóa, có khả năng tồn tại hoàn toàn độc lập và tự quản lý công việc của mình, giai cấp tư sản muốn thoát khỏi chế độ độc đoán". Chúng tôi đã chỉ cho "Người Phổ" thấy rằng lý tính chính trị không thể phát hiện ra nguồn gốc của sự đói nghèo xã hội như thế nào. Chỉ còn nói thêm một lời nữa về quan điểm của ông ta đối với vấn đề này. Lý tính chính trị ở một dân tộc nào đó càng phát triển và mở rộng thì giai cấp vô sản càng lãng phí sức lực mình vào những cuộc nổi dậy liều lĩnh, vô ích và bị bóp nghẹt trong máu - ít ra cũng ở giai đoạn đầu của phong trào. Suy nghĩ trong khuôn khổ chính trị, giai cấp vô sản coi ý chí và mọi thủ đoạn giúp cho công việc - tức là coi bạo lực là việc lật đổ một hình thức nhà nước nhất định này hay một hình thức nhà nước khác - là nguyên nhân của mọi tai họa. Chứng cớ: những cuộc nổi dậy đầu tiên của giai cấp vô sản Pháp. Công nhân Ly-ông đã cho rằng, họ chỉ theo đuổi những mục đích chính trị, rằng họ chỉ là những chiến sĩ của nền cộng hòa, thế nhưng thực ra thì họ đã là những chiến sĩ của chủ nghĩa xã hội. Lý tính chính trị của họ làm cho họ không thấy rõ gốc rễ của sự đói nghèo xã hội, làm cho họ hiểu lệch lạc về những mục đích thực sự của mình, thì lý tính chính trị của họ cũng lừa dối bản năng xã hội của họ. Nhưng nếu "Người Phổ" chờ cho sự đói nghèo sản sinh ra lý tính, thế thì tại sao ông ta lại nhập cục "sự bóp chết trong máu" với "sự bóp nghẹt trong hành động liều lĩnh" lại làm một? Nếu những đau khổ do nghèo đói gây nên nói chung là phương tiện để sinh ra lý tính, thì những đau khổ đẫm máu thậm chí lại là phương tiện rất sắc bén cho cái đó. Do đó, "Người Phổ" ắt phải nói rằng: sự bóp chết trong máu sẽ bóp chết hành động liều lĩnh và đảm bảo cho lý tính một luồng không khí thích đáng. Với cái vẻ một nhà tiên tri, "Người Phổ" báo trước rằng những cuộc nổi dậy "nổ ra trong những điều kiện của sự cô lập bất hạnh giữa con người với cộng đồng và sự tách rời giữa tư tưởng của họ với những nguyên tắc xã hội", sẽ bị bóp chết. Chúng tôi đã chỉ ra rằng cuộc nổi dậy ở Xi-lê-di đã diễn ra tuyệt nhiên không phải trong hoàn cảnh tách rời giữa tư tưởng với những nguyên tắc xã hội. Còn phải xét đến "sự cô lập bất hạnh giữa con người với cộng đồng". Cộng đồng ở đây được hiểu là cộng đồng chính trị, là nhà nước. Đây là khúc ca cũ về nước Đức phi chính trị. Tuy nhiên, phải chăng mọi cuộc nổi dậy, - tất cả, chứ không trừ một ngoại lệ nào - đều bùng ra trong những điều kiện của sự cô lập bất hạnh giữa con người với cộng đồng? Phải chăng sự cô lập này là tiền đề tất yếu của bất kỳ cuộc nổi dậy nào? Phải chăng cuộc cách mạng năm 1789 sẽ có thể diễn ra không có sự cô lập bất hạnh này giữa công dân Pháp với cộng đồng? Nhiệm vụ của nó chính là phải thủ tiêu sự cô lập ấy. Nhưng cái cộng đồng mà công nhân bị cô lập khỏi, là một cộng đồng có một hiện thực hoàn toàn thuộc một loại khác và có một quy mô hoàn toàn khác so với cộng đồng chính trị. Cái cộng đồng mà lao động của bản thân công nhân tách người công nhân ra khỏi, là bản thân cuộc sống, cuộc sống thể xác và tinh thần, là đạo lý con người, là hoạt động của con người, là lạc thú của con người, là bản chất của con người. Bản chất con người chính là cộng đồng chân chính của con người. Sự cô lập bất hạnh với bản chất này mới vô cùng toàn diện, vô cùng không chịu nổi, vô cùng khủng khiếp, vô cùng mâu thuẫn hơn so với sự cô lập khỏi cộng đồng chính trị; phù hợp với điều đó, việc thủ tiêu sự cô lập này và thậm chí việc phản ứng cục bộ, sự nổi dậy chống lại nó, càng vô hạn hơn bao nhiêu thì con người càng vô hạn hơn bấy nhiêu so với công dân nhà nước và cuộc sống của con người càng vô hạn hơn bấy nhiêu so với cuộc sống chính trị. Bởi vậy, dầu cuộc nổi dậy của công nhân công nghiệp có cục bộ đến đâu, nhưng nó vẫn mang trong mình nó một linh hồn phổ biến, trong lúc đó thì ngay cả một cuộc nổi dậy chính trị phổ biến nhất, dưới hình thức lớn lao nhất, cũng vẫn che giấu một tinh thần hạn chế vị kỷ nào đó. "Người Phổ" kết thúc bài báo của ông ta một cách xứng đáng bằng câu sau đây: " Cách mạng xã hội mà không có linh hồn chính trị (nghĩa là thiếu một tư tưởng tổ chức người ta lại, tư tưởng xuất phát từ quan điểm chỉnh thể) thì không thể được". Chúng ta đã thấy rằng chính vì vậy mà cách mạng xã hội đứng trên quan điểm chỉnh thể, rằng nó - thậm chí cả trong trường hợp nó chỉ diễn ra trong một khu công nghiệp thôi - là sự phản kháng của con người chống lại cuộc sống mất nhân tính; rằng nó xuất phát từ quan điểm của từng cá nhân hiện thực riêng rẽ ; rằng cái cộng đồng mà sự tách rời giữa nó với cá nhân gây ra sự chống đối của cá nhân đó, là một cộng đồng chân chính của con người, là bản chất con người. Ngược lại, linh hồn chính trị của cách mạng là nguyện vọng của các giai cấp không có ảnh hưởng chính trị muốn thủ tiêu sự cô lập của mình với nhà nước và với quyền thống trị. Quan điểm của cách mạng là quan điểm của nhà nước, của cái chỉnh thể trừu tượng chỉ tồn tại do sự tách rời khỏi đời sống hiện thực và là vô nghĩa nếu không có sự đối lập có tổ chức giữa tư tưởng phổ biến của con người và sự tồn tại cá thể của nó. Chính vì vậy mà cách mạng có linh hồn chính trị, theo bản tính hạn chế và phân đôi của linh hồn này, đang tổ chức ra tầng lớp thống trị trong xã hội bằng cách làm thiệt cho chính ngay xã hội. Chúng tôi xin bí mật báo cho "Người Phổ" biết "cách mạng xã hội có linh hồn chính trị" là cái gì; do đó chúng tôi tiện thể tiết lộ với ông ta một điều bí mật là, chính ông, ngay cả trên lời nói, cũng không thể vượt lên khỏi cái quan điểm chính trị hạn chế. Cách mạng "xã hội" có linh hồn chính trị - đó hoặc là một tập hợp từ vô nghĩa nếu "Người Phổ" hiểu cách mạng "xã hội" là cách mạng "xã hội" đối lập với cách mạng chính trị, thế nhưng lại phú cho cách mạng xã hội một linh hồn chính trị chứ không phải một linh hồn xã hội; hoặc giả "cách mạng xã hội có linh hồn chính trị" chỉ là một kiểu nói khác đi của cái mà trước kia người ta gọi là "cách mạng chính trị", hoặc gọi "giản đơn là cách mạng". Mỗi một cuộc cách mạng đều phá hủy xã hội cũ, và vì thế nó mang tính chất xã hội. Mỗi cuộc cách mạng đều lật đổ chính quyền cũ, và bởi vậy nó có tính cách chính trị. Hãy để "Người Phổ" chọn giữa kiểu nói khác đi và một điều vô nghĩa! Nhưng nếu cách mạng xã hội có linh hồn chính trị là một kiểu nói khác đi hoặc là một điều vô nghĩa, thì cách mạng chính trị có linh hồn xã hội lại có ý nghĩa đúng đắn. Cách mạng nói chung - lật đổ chính quyền hiện có và phá hủy những quan hệ cũ - là một hành vi chính trị. Nhưng chủ nghĩa xã hội không thể được thực hiện mà không có cách mạng. Chủ nghĩa xã hội cần đến hành vi chính trị này bởi lẽ nó cần tiêu diệt và phá hủy cái cũ. Nhưng ở nơi nào hoạt động tổ chức của nó bắt đầu, nơi nào mục đích tự thân của nó, linh hồn của nó đứng lên phía trước, - thì nơi đó chủ nghĩa xã hội vứt bỏ cái vỏ ngoài chính trị. Thế là đã cần đến biết bao nhiêu lập luận rườm rà để gỡ tung cái mớ sai lầm ẩn giấu trong một cột báo. Không phải mọi độc giả đều có đủ học vấn và thời gian cần thiết để hiểu được tường tận sự bịp bợm văn chương như vậy. Bởi thế, "Người Phổ" vô danh phải chăng nên vì lợi ích công chúng độc giả mà tạm thời gác bút về những vấn đề chính trị và xã hội, cũng như từ bỏ cái việc ngâm nga về tình trạng nước Đức và bắt đầu từ chỗ thực lòng tự làm cho mình sáng tỏ về tình trạng của mình? Pa-ri, ngày 31 tháng Bảy 1844 ---------------------Tác giả: Các Mác Xuất bản: Đã đăng trên báo "Vorwarts!" (Paris) các số 63 và 64; ngày 7 và 10 tháng Tám 1844 - In theo bài đăng trên báo Nguyên văn là tiếng Đức Ký tên: Các Mác