Ông Hậu thức giấc khi tiếng vạc ăn đêm còn kêu lác đác ngoài bờ biển. Ngủ ngon giấc trong căn phòng không cần máy điều hòa trên tầng bốn của một khách sạn ven biển khiến ông khoan khoái. Ông đến bên cửa sổ. Ngoài kia, biển vẫn một màu xanh đặc sánh. Xa hơn, những ngọn đèn đánh cá như những vì sao rơi trên mặt nước lung linh.
Chuông nhà thờ thong thả điểm bốn tiếng. Con đường ven biển đã có người chạy thể dục. Ông Hậu dõi mắt hướng ra xa khơi. Vùng biển phía ấy như nhạt hơn. Màu xanh đặc sánh dần dần nhường chỗ cho màu trắng phơn phớt rồi sáng dần, rõ dần. Một lúc sau trên nền trắng hoa huệ ấy là màu hồng.
Ông Hậu mải ngắm bình minh, không để ý từ cổng khách sạn có một người phụ nữ đang dắt một đứa bé hướng ra phía biển, cho đến khi họ lẩn vào vừng hồng  trước mặt. Đã ở đây hơn một tuần lễ, đã có ngần ấy buổi chờ đợi khoảnh khắc đêm và ngày giao nhau, ông biết khách ngụ trong khách sạn này ít ai ra biển sớm như vậy. Người phụ nữ kia hẳn là người mới tới. Có lẽ đến từ tối hôm qua. À, mà có lẽ không đến từ tối. Bởi mỗi tối, ông vẫn thường ngồi ở quán bar cạnh phòng tiếp tân cho đến khuya. Ông tự nhiên và mạnh dạn bắt chuyện với những người khách trú cùng khách sạn. Khi uống cùng nhau vài ba ly bia, bắt tay nhau đôi ba lần thì sự khác biệt về xứ sở, về ngôn ngữ, về màu da... không có gì là đáng kể. Ông gần như quen mặt hầu hết khách trọ ở đây. Vậy mà không rõ vì sao ông lại ngỡ ngàng và sững lại trước bóng dáng một người đàn bà xa lạ...
Ông thay đồ tắm, khoác lên mình chiếc khăn dài rộng phủ gần kín tấm thân trắng trẻo, các bắp thịt đã bắt đầu nhẽo, dấu hiệu tuổi tác của người đàn ông ở tuổi sáu mươi. Thân thể ấy thường được giữ ấm bằng len dạ ở một xứ sở miền Bắc Âu  gần như lạnh quanh năm mà ông đang định cư. Với lương hưu vài ngàn đô la một tháng, những tưởng ông sẽ có một cuộc sống đầy đủ. Nhưng càng ngày ông càng thấm thía sự khốn khó của kẻ chỉ sống phủ phê trên phương diện vật chất. Nỗi cô độc như lũ gián chui rúc mọi ngõ ngách và không ngừng gặm nhấm. Thường, ông trốn chạy nó bằng những chuyến du lịch. Để xê dịch, để gặp gỡ. Và dường như cái chính là để ngắm nhìn. Ngắm nhìn với đôi mắt thờ ơ của một kẻ không còn mong đợi hay khao khát điều gì. Mùa hè năm nay, ông rời xứ sở lạnh lẽo ấy về thăm quê và đang lưu lại miền biển tràn nắng ấm này.
Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, ký ức bỗng như một cuộn len bị xổ ra đang lăn theo con đường nhọc nhằn của năm tháng. Nhiều lúc ông muốn chúng dừng ở đâu đó, thật lâu.
Ở đâu đó, một bến sông, một mái nhà... đôi khi ông thấy nôn nao, thấy thèm mùi bếp núc, thấy nhớ một giọng nói, một mái tóc, một làn da... và rõ hơn cả là khao khát sự dịu dàng.
Sự dịu dàng luôn hàm chứa thứ tình cảm trao dâng, nó khiến ông rưng rưng và làm ông thơ thẩn hàng giờ. Ông hết sức bối rối khi không ngăn được cái cảm xúc chợt ào đến như một cơn lốc khi thấy bóng dáng của người đàn bà lủi thủi dắt đứa bé đi về phía biển trong thời khắc nhập nhoạng giữa ánh sáng và bóng tối. Cảm xúc ấy không rời khỏi ông, khiến ông phải phá lệ uống cà phê trước lúc tắm biển, cố tìm cho ra tung tích người phụ nữ đó là ai...
Khi ông xuống đến bãi cát, người phụ nữ ấy đã bơi ra xa, về phía vầng sáng hình nan quạt ngày càng trải rộng, sáng hồng trước mặt. Cậu con trai đang nghịch cát một mình. Cho rằng đó là cơ hội tốt để hỏi về người mẹ, ông đến bên cậu bé:
- Cháu tên gì...?
Thằng bé như không nghe thấy tiếng ông, vẫn cúi xuống nghịch cát. Ông hỏi thêm lần nữa, giọng to hơn:
- Cháu tên gì...?
Thằng bé vẫn không ngước nhìn ông. Ông hơi phật lòng, định bỏ đi vì cái tội hỗn láo của nó thì bất ngờ thằng bé ngước lên. Không phải để nhìn ông. Một khuôn mặt khờ dại, vô hồn, mũi tẹt, đôi mắt ti hí như dính vào nhau. Và dù không hiểu biết nhiều về y học, ông Hậu cũng đoán ra được nó mắc bệnh Đao, một căn bệnh ngu đần ở nhiều trẻ nhỏ. Ông ái ngại nhìn thằng bé. Nhìn rất kỹ. Nó chừng bảy tuổi. Tóc vàng hoe. Da trắng bệch. Nó cứ moi tay xuống cát, không biết sẽ để làm gì. Nó như không hay biết sự có mặt của ông. Trong thoáng chốc, ông hình dung nỗi nhọc nhằn, vất vả và cả cay đắng của người mẹ. Một người mẹ bất hạnh và đáng thương. Nghĩ như vậy, ông quyết định ngồi với thằng bé cho đến khi người phụ nữ bơi vào.
Biển đã đông người. Mặt trời như một quả cầu lửa nhô lên khỏi đám mây màu trắng bạc phía chân trời. Giữa bao người đang bơi lội nô đùa, ông không nhận ra người phụ nữ ấy ở đâu. Nhưng không hề gì. Ông sẽ ngồi bên thằng bé. Và ông thầm trách một người mẹ vô tâm, để đứa con bệnh hoạn chơi một mình trên biển. Trong lúc chờ đợi, ông vốc cát đắp cho nó một tòa lâu đài nho nhỏ...
Trong khi ông say sưa đắp tòa lâu đài, người phụ nữ đã đứng sau lưng ông. Chị khoác lên người chiếc khăn rộng để che phần da thịt nõn nà trong bộ bikini hai mảnh. Linh cảm có người đang quan sát mình khiến ông ngoảnh lại và bắt gặp một đôi mắt to, sâu thẳm, mái tóc sũng ướt ôm lấy khuôn mặt trái xoan. Ông bối rối, gần như  giật mình trước sự xuất hiện của chị. Và như để thanh minh, ông lên tiếng trước:
-  Tôi tặng cậu bé tòa lâu đài này...!
Đến lượt chị bối rối. Ánh nắng buổi sáng soi rõ khuôn mặt đang hồng lên của chị. Chị cũng rơi vào tình trạng khó xử, không biết trả lời thế nào trước cử chỉ đẹp của người đàn ông mà chị chưa quen. Một tòa lâu đài, dù chỉ bằng cát nhưng được đắp bằng lòng mê say, bằng sự cảm thông dành cho một đứa trẻ bệnh tật và hoàn toàn xa lạ. Chị ứa nước mắt, đứng chôn chân một chỗ. Với chị, tòa lâu đài đó còn quý giá hơn cả tòa lâu đài bằng bạch kim và với sự vô giá của nó, chị không thể nói lời cảm ơn. Cuối cùng, chị chỉ ấp úng nói:
- Anh... anh... khéo tay quá...!
Ông Hậu cười. Nụ cười lịch lãm trước câu  nói "lấy lòng" của chị. Ông dần lấy lại vẻ tự nhiên. Lòng ông rộn lên khi chị - là ông nghĩ thế - tặng ông nụ cười của một phụ nữ còn rất duyên dáng ở độ tuổi trên bốn mươi và một lời ban tặng về bàn tay khéo léo của mình. Ông đưa mắt ra phía biển, tránh nhìn vào đôi chân trắng trẻo, tròn lẳn lấm tấm cát của chị. Nhận ra sự lúng túng của ông, chị cười nói:
- Hình như... anh chưa xuống biển...?
-Vâng...
Chị lại cười, như khuyến khích:
- Vậy thì ta cùng bơi đi...!
Ông nhìn thằng bé như muốn nói rằng, ông không muốn bỏ rơi nó.
- Không sao đâu - Chị nói - Nó sợ nước, chỉ thích nghịch cát trên bờ thôi hà...
Thoáng ái ngại nhưng rồi ông cũng cùng chị xuống biển.
Mặt trời bắt đầu chói chang làm cho nước biển trở nên ấm áp. Chị bơi trước ông, bơi về phía những tia nắng lấp lánh trước mặt. Trước mắt chị, những chấm nắng chấp chới như những vì sao tỏa sáng trên sóng. Chị bơi. Đôi mắt nhắm lại, thỉnh thoảng chớp chớp để no mắt những vì sao sáng trên biển. Khoảng cách giữa chị và ông ngày càng xa. Ông, với sức lực của tuổi tác đã không theo kịp chị. Khi ngoảnh lại, chị giật mình thấy ông đang giang tay nằm thở. Ông trôi lờ đờ. Những con sóng nâng ông trên mặt nước. Ông nhìn lên bầu trời màu ngọc bích và cảm giác chính màu xanh bao la của bầu trời đã nhuộm xanh biển cả.
Họ nằm tắm nắng. Chị đã bớt ngượng ngùng, bỏ tấm khăn che, để lộ thân hình chắc khỏe. Thân hình ấy như đối nghịch với các cơ bắp đã ít nhiều nhẽo ra ở ông. Nắng khoác lên tấm chăn mỏng màu vàng, như kéo hai người lại gần hơn. Chị bắt chuyện:
- Mẹ con em vừa tới đây xế qua. Em thích biển lắm...
Ông vội nhỏm vậy trước tiếng "em" bất ngờ từ chính miệng chị. Rồi ông nằm xuống, chậm rãi:
- Tôi ở đây được hơn tuần rồi. Tôi cũng rất thích biển...
Câu chuyện bâng quơ của ông Hậu và người đàn bà mới quen về sóng nước mây trời, về những miền đất vừa lạ vừa quen mãi đến khi nắng lên cao. Người tắm biển đã thưa dần. Ông muốn làm một cử chỉ gì đó để cảm ơn cuộc gặp gỡ ngoài sự mong đợi.
- Tôi mời mẹ con cô dùng bữa sáng!
Chị nhìn ông, đôi mắt ánh lên một niềm vui không giấu giếm:
- Em cảm ơn anh...! Anh cho mẹ con em mời anh...
Mắt ông vụt sáng, ông nhún vai:
- Thế cũng được... Nhưng chỉ lần này thôi nhé...
Chị mặc quần áo cho con, cùng ông trở lại khách sạn.
Những người khách ở trong cùng khách sạn coi nhau như người trong một nhà. Họ dễ dàng thân nhau qua những bữa cà phê sáng hay ly rượu khuya. Ông và chị là haingười được cả khách sạn đặc biệt chú ý. Cô tiếp tân, mỗi khi thấy ông trong bộ quần áo thể thao sáng sáng ra biển, nói đùa:
- Cháu thấy hình như bác trẻ ra...
Ông Hậu như cũng cảm thấy điều đó. Buổi sáng đầu tiên, ông khó nhọc mà vẫn không bơi theo kịp chị. Buổi sáng thứ hai, ông thuê một chiếc phao. Khi bơi ông đẩy chiếc phao đi trước. Đến lúc mệt, ông bám vào phao để nghỉ. Chị trên đường bơi vào cũng bám nhờ phao ông. Sang buổi sáng thứ ba, hai người níu vào phao bơi ra tít ngoài xa. Ông nói với chị bằng tất cả lòng chân thành:
- Tôi thương thằng bé lắm!
Chị lặng người. Thằng bé, nỗi đau đeo bám chị. Một vết thương chẳng bao giờ thành sẹo. Chị nói với ông, giọng trầm buồn:
- Cháu là đứa thứ hai của em. Đứa đầu sinh ra em không được thấy mặt vì lúc đó em kiệt sức, sau này em mới biết cháu không được lành lặn bình thường..
Như người sợ sóng, chị bám chặt vào phao, thở:
- Trước em sống trong vùng bị thả thuốc khai quang. Em còn may mắn hơn bà chị ruột kế em là em còn có bé Bi. Chị ấy hai lần sinh là hai lần không dám nhìn mặt con...
Chị buông phao, ngửa người, trôi lờ đờ như một cái xác. Ông lặng nhìn chị và đẩy chiếc phao hướng về phía chị. Ông đã nghe đã thấy điều khủng khiếp ấy qua phim ảnh qua báo chí còn đây là lần đầu ông được thấy nỗi đau từ mắt từ môi từ gương mặt từ thẳm sâu tâm hồn của một người đàn bà đẹp và bất hạnh. Cuộc chiến tranh đi qua đã gần ba mươi năm nhưng hậu quả của nó còn kéo dài không biết đến bao giờ. Nên, dù ông có an ủi chị bằng cách nào cũng không thể làm chị nguôi ngoai. Còn chị, hình như  không kìm nén được cái nhu cầu muốn được chia sẻ, chị đưa tay cho ông nắm rồi vòng tay vào chiếc phao thở một hồi rồi tiếp:
- Chồng em đã không chịu đựng những cú sốc liên tiếp và cũng không chịu được sự ngây dại của thằng bé, anh ấy muốn...
- chị dừng lại như nghẹn lời, hồi lâu mới nói tiếp - Em đã không thể chấp nhận nên đành phải chia tay, dù biết cái lỗi ở anh ấy chỉ là không đủ lòng yêu thương...
Những giọt nước mắt trên khuôn mặt chị được nắng sớm chiếu vào, long lanh như những hạt ngọc trên má. Như để trút đi nỗi cay đắng của mình, chị thả phao, bơi tiếp ra xa. Nước mắt hòa vào nước biển. Chị bơi về phía mặt trời đang ngày một lên cao. Ông cũng buông phao, bơi theo chị. Chiếc phao bồng bềnh trên sóng. Mãi khi chạm được vào người chị, ông nhô lên khỏi sóng, nói:
- Ta vào đi, em!

*

Khách sạn tổ chức cho khách thăm khu rừng nguyên sinh. Ông và chị dắt bé Bi đi cùng. Suốt gần hai tuần nay, ba người họ đi đâu cũng có nhau. Trong khoảng rừng lốm đốm những chấm nắng tròn, ông và chị ngả mình trên thảm cỏ. Trong tay chị là một chùm hoa dại ông hái ven đường. Trong không gian tĩnh lặng ấy, ông bộc bạch đời  mình với chị. Hơn hai mươi năm trước, vợ con ông đã bị vùi dưới đại dương trong một chuyến vượt biên. Ông cô đơn nơi đất khách quê người. Lần này về thăm quê, những người ruột thịt gần gũi ông, người chết già kẻ chết bệnh, số còn lại theo con theo cháu sinh sống tản mát nhiều nơi. Ông có gặp vài người bạn nhưng tình thân cũng không giữ ông được bao lâu. Ông sợ cái cảm giác làm người khách trong ngôi nhà lạ. Ở khách sạn ông cảm thấy thoải mái hơn, tuy niềm vui mà ông có được chỉ là cái tạm bợ, thoáng qua, niềm vui của kẻ không cần cho ai và cũng không mong chờ ai, yêu thương ai. Rồi bất ngờ ông gặp chị. Như kẻ bơi kiệt sức, chỉ còn biết phó mặc cho dòng trôi thì với được chiếc phao. Và ông cho đó là một cuộc gặp gỡ định mệnh. Chị cảm động đặt bàn tay đã có những chấm đồi mồi sẫm nâu của ông vào bàn tay nhỏ nhắn của mình:
-  Em cũng cảm thấy thế...
Ông ôm chị vào lòng, vuốt lên mái tóc đã có một vài sợi bạc của chị:
-  Đúng là Trời Phật cho anh gặp em...
Lần đầu tiên, hai người hôn nhau trước mặt thằng bé. Nó níu áo chị rồi ôm lấy chân ông. Chị buông ông ra, ngồi thụp xuống, ôm con vào lòng. Chị khóc. Ông cũng không cầm được nước mắt. Chỉ có thằng bé ngây ngô không biết gì cứ nhoài người vùng ra khỏi vòng tay của mẹ rồi ngồi bệt xuống đất, đưa tay chỉ trỏ những cánh bướm mong manh bay chấp chới trên ngọn cỏ.
Tình yêu làm ông Hậu trẻ lại. Sáng sáng, ông và chị dắt thằng bé ra biển từ lúc còn rất sớm. Ông và chị bơi ra xa, khi màu hoa huệ của bình minh còn chưa chuyển thành màu hồng. Họ là những người bơi xa nhất, chứng kiến sự chuyển đổi sắc màu kỳ diệu của đất trời. Với ông, dường như  càng bơi xa về phía mặt trời, ông càng thấy khỏe ra, và cũng chưa lúc nào ông khao khát mình được trẻ hơn, khỏe hơn như lúc này.
Khi quay lại, tràn trề niềm vui, ông moi bắt những con còng bỏ vào túi nhỏ mang theo, sửa sang bồi đắp tòa lâu dài bị sạt lở và kiên trì tập cho thằng bé quen nước, quen sóng. Cuối cùng sự kiên nhẫn của ông được đền bù. Thằng bé không còn sợ nước và bắt đầu đùa nghịch với những con sóng tràn lên bãi cát. Dần dần, nó dạn dĩ lên, biết đưa cả hai tay nắm lấy tay chị, tay ông và kéo cả hai người chạy ào xuống biển.
Ông Hậu đưa hai mẹ con người phụ nữ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình tận vùng cát cháy Điện Bàn. Ông bà họ mạc chỉ còn trong lờ mờ ký ức với những nấm mồ rải rác nằm dọc theo sườn đồi còi cọc cỏ cây và oi ả nắng. Rồi ông theo chị về miệt rừng đước U Minh, nơi chị sinh ra và lớn lên với biết bao kỷ niêm còn lưu giữ. Ký ức tuổi thơ nhọc nhằn của chị càng khiến ông yêu thương và muốn bù đắp thật nhiều cho chị. Chị còn đưa ông xuống tàu ra tận Hòn Khoai, một hòn đảo xanh tươi giữa mênh mông trời nước mà lần đầu ông đặt chân tới. Ông cúi xuống dòng suối trong ngần, đưa tay bụm một bụm nước ngọt mát rượi kề môi uống cạn. Ông bụm một bụm nước nữa, cho chị... Cả hai cứ lặng đi vì hạnh phúc, ngỡ như mình lạc vào xứ sở thần tiên với dòng suối, tiếng chim, bóng cây, mây trời và tiếng rì rầm của sóng.
Trước khi ông lên máy bay trở về nơi đang định cư, họ quay trở lại khách sạn ven bờ biển, nơi định mệnh cho hai người gặp nhau. Một tối, ông ngồi với chị khá lâu trong nhà ăn. Chị uống hơi nhiều và rất vui. Niềm vui lây sang ông. Lây sang cả những người bạn chung quanh.
Chị ghé sát tai ông, thì thầm một điều gì. Mắt ông sáng lên, hấp tấp hỏi lại:
- Chắc chớ em? Chắc chớ em...?
Chị gật đầu. Ông kéo chị vào lòng, ngồi lặng đi...
Trên chiếc giường êm, ông trằn trọc, không sao chợp mắt. Ông sẽ có con. Một đứa con an ủi tuổi già. Có mơ ông cũng không tưởng nổi có được hạnh phúc này. Ông kéo chị  sát vào mình và ôm thật chặt: "Anh biết ơn em! Em với con là tất cả...". Chị bịt miệng ông bằng những nụ hôn.
Khi buông nhau ra, chị chợt nghe tiếng ngáy đều đều của bé Bi bên cạnh. Chị nhìn sang con. Dưới ánh sáng hồng hồng của chiếc đèn ngủ, gương mặt ngây ngô của thằng bé trông thật đáng thương. Chị quay lại ông:
-Lỡ em lại sanh ra một đứa con giống như bé Bi...?
Không chút nghĩ ngợi, ông trả lời ngay:
Thì mình sẽ nuôi nó như nuôi anh của nó!
Nhưng như thế em lại đặt lên vai anh một gánh nặng...
Anh đủ sức gánh mà, em!
Buổi sáng, chị dắt con cùng ông ra biển. Ông và chị để bé Bi ngồi nghịch cát. Hai người bơi ra xa. Phía đông, vầng sáng màu hồng đã thay cho màu hoa huệ. Chị vẫn bơi cạnh ông. Khi dừng lại nghỉ lấy hơi, chị nói với ông:
- Lỡ em lại sanh một đứa con không lành lặn hay đần độn...
Ông lấy bàn tay vuốt tràn nước biển mặn lên gương mặt buồn thiu của chị:
- Thì mình cũng chăm sóc nó...
Nhưng nó sẽ khổ suốt đời...
Chị buông phao, lặng lẽ bơi đi, bơi trước ông. Mặt trời bắt đầu nhô cao. Trước mắt chị, những đốm nắng long lanh trên mặt sóng. Ông bơi theo, nhưng không theo kịp chị. Giữa hai người là một khoảng cách. Khoảng cách đó như mỗi lúc mỗi kéo dài ra. Và biển  mênh mông đang nối liền chân trời mờ mờ trước mặt. Ông vừa bơi vừa gọi:
Đừng ra xa nữa em, bơi vào đi...!
Chị như không nghe thấy, cứ tiếp tục bơi. Chỗ ông dừng lại cách bờ đã khá xa. Ông lo lắng khi thấy chị vẫn bơi. Ông gọi to:
- Em ơi, bơi vào đi...!
Chị vẫn sải tay bơi. Từ xa, ông cảm giác như chị sắp chạm phải mặt trời chói lòa trước mặt.
Trước mắt chị, biển chao nghiêng. Qua lớp sương mỏng được nắng chiếu vào, chiếc cầu vồng của quá khứ đột ngột hiện ra. Chiếc máy bay thả khói trắng lên Làng rừng, nơi gia đình chị và bà con Làng rừng sống xúm xít bên nhau. Chị, cô bé mười hai tuổi sấp ngửa chạy theo cha mẹ anh chị, chạy theo cả làng, chạy về phía cánh rừng bạt ngàn trước mặt, vừa chạy vừa ho, ho sặc sụa, ho sưng vù mặt mũi... Chị cứ chạy, cắm đầu cắm cổ chạy cho đến khi gặp đứa con mà chị chưa bao giờ thấy mặt, trầy trụa thiếu tay thiếu mũi đứng ngay trước mặt và mở miệng lắp bắp gọi mẹ. Rồi thằng bé Bi ngô nghê nhăn mũi cười thành tiếng và đứa trẻ mới sinh còn đỏ hỏn cũng mang vẻ mặt vừa dị thường vừa đần độn của hai thằng anh của nó. Ba núm ruột máu mủ, ba đứa con tật nguyền của chị ngăn trở chị và kéo chị xa, thật xa.
Ông hốt hoảng, gào lên:
-Cứu... cứu với...! Có người sắp chết đuối! Cứu...
Chị ngoi lên, ngụp xuống. Hình ảnh những đứa con trĩu nặng như những quả chì cứ kéo chị xuống...
Dồn hết sức lực và yêu thương, ông bơi về phía chị. Mặt trời chói lòa trước măt.

Xem Tiếp: ----