I. Mở đầu 1. Ấn bản đầu tiên năm 1965. Ấn bản năm 1977 có thay đổi một số tình tiết, khiến " Hiệp Khách Hành " trở nên chặt chẽ và ý vị hơn. 2. Đoạn kết của bản tu chỉnh kết thúc từ cảnh Thạch Phá Thiên thành công trong công phu giải bí kíp Thái Huyền Kinh, trở về Khô Thảo Lĩnh, núi Hùng Nhĩ, gặp "má má " Mai Phương Cô để lại niềm băn khoăn về gốc gác của chính mình: " gia gia ta là ai? ", " má má ta là ai? ", " Ta là ai? ". Những câu hỏi, mà tập truyện là câu trả lời, làm dấy lên trong người đọc niềm thao thức khôn nguôi. 3. Bài cổ thi " Hiệp Khách Hành " của thi hào Lý Thái Bạch là bí kíp Thái huyền công cất giữ trên đảo Hiệp Khách. Nguyên văn bài cổ thi là: " Triệu khách mạn hồ anh ; Ngô câu sương tuyết minh ; Ngân yên chiếu bạch mã ; Tạp đạp như lưu tinh. Thập bộ sát nhất nhân ; Thiên lý bất lưu hành ; Sự liễu bất y khứ ; Thâm tàng thân dữ danh. Nhàn quá Tín Lăng ẩm ; Thoát kiếm tất tiền hoành ; Tương chích đạm Chu Hợi ; Trì khương khuyến Hầu Doanh. Tam bôi thổ nhiên nặc ; Ngũ nhạc đảo vi khinh ; Nhãn hoa nhĩ phục hậu ; Ý khí tố nghi sinh. Cứu Triệu huy kim trụy ; Hàm Đan tiên chấn kinh ; Thiên thu nhị tráng sĩ ; Huyền hách Đại Lương thành. Túng thử hiệp cốt hương ; Bất tàm thế thượng anh ; Thùy năng thư các hạ ; Bạch thủ Thái huyền kinh ". Dịch nghĩa: " Khách nước Triệu phất phơ giải mũ ; Kiếm ngô câu rực rỡ tuyết sương ; Ngân yên bạch mã huy hoàng ; Vó câu vun vút như ngàn sao bay. Cách mười bước giết người chẳng trật ; Nghìn dặm xa vùng vẫy mà chi ; Việc xong rũ áo ra đi ; Ẩn thân rừng núi kể gì tiếng tăm. Rảnh lại nhớ Tín Lăng tìm đến ; Gươm gác đùi chuốc chén đầy vơi ; Này nem, này rượu khuyên mời; Bên thời Châu Hợi, bên thời Hầu Doanh. Ba chén cạn thân mình sá kể; Năm núi cao xem nhẹ lông hồng ; Mắt hoa mặt đã nóng bừng ; Khí hùng bay bổng lên từng mây xanh. Chùy cứu Triệu vung tay khẳng khái; Thành Hàm Đan run rẩy kinh hoàng; Nghìn thu tráng sĩ hai chàng ;Tiếng tăm hiển hách rỡ ràng Đại Lương. Người dù chết xương còn thơm ngát ; Chẳng hổ ngươi đáng mặt anh hào; Kìa ai ẩn náu trên lầu ; Chép kinh đến thuở bạc đầu chưa xong ". 4. Nguyên bản năm 1965 thì không có lời hậu ký. Nguyên bản tu chỉnh năm 1977 thì có lời hậu ký rằng: "... Mọi cố gắng để chú thích và bình luận đều làm tổn hại đến bản ý của tác giả, lại còn tạo ra những trở ngại nghiêm trọng. Bộ Hiệp Khách Hành này viết 12 năm trước, đã diễn giải ý kiến này khá đầy đủ. Gần đây tôi đọc nhiều kinh Phật hơn, đối với ý nầy càng tâm đắc. Kinh Bát Nhã của Đại thừa, Trung Quán luận của Long Thọ đều cực lực bài bác những luận giải phiền phức cho rằng các loại kiến thức chú giải đều do hư vọng sinh ra, chỉ làm trở ngại cho việc thấy đạo của người tu học. Khi tôi viết Hiệp Khách Hành nầy, tuy không thể nói là hoàn toàn không biết kinh Phật, nhưng chỉ mới đọc hết Kinh Kim Cang vào tháng 11 năm ngoái, tôi còn đọc Bát Nhã và Trung Quán lại còn mới hơn, mới Xuân Hạ năm nay. Nhân duyên bên trong việc này, thật không thể nào giải thích được ". Tháng 7, 1977.Qua lời hậu ký của Kim Dung viết từ năm 1977, độc giả có thể hình dung ra một số điểm đáng lưu ý rằng: - Các giải thích, giải mã, bình luận của nhiều ý kiến đương thời đều rơi vào các định kiến, giữa khi ý của tác giả, trong truyện, thì phù hợp với giáo lý nhà Phật, phù hợp với vô ngã và vô chấp. - Lúc sáng tác Hiệp Khách Hành, 1965, Kim Dung nhìn nhận bấy giờ chưa đọc nhiều kinh điển Phật giáo, nhưng vốn tâm đắc giáo lý nhà Phật, có nghĩa là có cái nhìn nhân sinh và thế giới phù hợp với tinh thần Phật học. Lúc tu chỉnh, 1977, tác giả đã đọc kỷ Kinh Kim Cương, tạng Bát Nhã, Trung Quán Luận. Thực sự từ 1967, người viết " Bàn về Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung ", một tu sĩ Phật giáo, đã thấy rõ ảnh tượng Kinh Kim Cương khắp bốn tập truyện Hiệp Khách Hành, đã cùng các pháp hữu sôi nổi trao đổi cảm nhận ở ngoài hành lang của giảng đường Phật học Vạn Hạnh. Hẳn là có chút băn khoăn về phần kết của truyện. Nay thì phần ấy đã được tu chỉnh rất gọn. - Do vì Kim Dung tâm đắc với Phật giáo nên cái nhìn của tác giả, qua toàn truyện, toát ra nhiều hương sắc Phật giáo. Đây là phần khảo sát của người viết, không đi vào các hàm ý giá trị khác.