Bệnh viện hướng mặt tiền ra con đường lớn dẫn vào thành phố. Đường tàu và đường bộ chạy song song tựa hồ như hai mạch máu lớn của một cánh tay. Cổng vào có một trạm chắn tàu hỏa. Mỗi khi không có tàu qua, hàng rào chắn được kéo vào sát tường rào, nhường chỗ cho người xe đi lại. Trước cổng, hàng nước, hàng quà, hàng tạp phẩm, xích lô, xe ôm, nhộn nhạo như một cái chợ nhỏ đủ thượng vàng hạ cám để thỏa mãn mọi nhu cầu cho cả ngàn người bệnh. Bên kia đường, cửa tiệm, hàng ăn mọc lên san sát. Xe cộ vào ra thành phố như hai con suối lớn chảy ngược chiều nhau, huyên náo c ngày lẫn đêm. Khoa cấp cứu hồi sức là dãy nhà hai tầng xây từ thời Pháp, kiến trúc liên hoàn gồm nhiều phòng khác nhau cho các loại bệnh. Bên cạnh phòng hành chính là phòng của giáo sư chủ nhiệm, phòng cho bác sĩ, phòng giao ban khoa. Tất cả đều được quét vôi trắng, hòa quyện vào màu trắng của những tà áo blouse của y tá, sinh viên, bác sĩ. Ởcác phòng bệnh, đi ngoài hành lang đã ngửi thấy mùi nồng nặc của thuốc sát trùng sàn nhà, mùi nhè nhẹ của Ether, mùi cồn, mùi thm của các loại thuốc. Cũng trên hành lang chật hẹp đó, người nhà bệnh nhân đứng ngồi lố nhố, có người ngồi bệt xuống cả bục lên xuống, mệt mỏi chờ mỗi ngày trôi qua. Giáo sư Vũ Thịnh cất chiếc xe đạp Mifa đã cũ vào nhà xe, bước vội vàng vào phòng chủ nhiệm. Ông cởi áo khoác ngoài, mặc chiếc blouse trắng hơi rộng so với khổ người, sang phòng giao ban. Gần trước cửa phòng làm việc của ông, một phụ nữ còn trẻ, khuôn mặt xanh, đôi mắt buồn, đứng tựa lưng vào tường. Ông không để ý. Mãi khi cánh cửa phòng ông vừa hé mở, người phụ nữ bước lại, ông ngạc nhiên thốt lên: - Kìa Thảo, sao lại đứng đây. Đêm qua anh Bút có chuyện gì không? Người phụ nữ tên Thảo rầu rĩ đáp: - Nhà cháu khỏe, đêm qua ngủ được. Có điều... Giọng cô trở nên ấp úng. Ông Thịnh tươi cười, vỗ nhẹ vào vai Thảo: - Chờ bác một chút, bác đi giao ban cái đã. Nói xong, ông bước vội vào phòng giao ban. Chiếc bàn phủ drap trắng đang chờ ông. Bên cạnh, người bác sĩ trẻ trực đêm cặp mắt lờ đờ trước một quyển sổ lớn mở rộng, chi chít chữ. Phía dưới những hàng ghế đã kín chỗ ngồi với những thứ bậc nhất định: bác sĩ, y tá rồi sinh viên ngồi sau cùng. Giáo sư Vũ Thịnh ngồi nghiêm trang vào chiếc ghế dành cho ông, chủ trì cuộc giao ban. Cả phòng im phăng phắc. Tiếng người bác sĩ trực cất lên lanh lảnh: - Báo cáo trực ngày 16 tháng 12: Bệnh nhân tử vong: Hồ Ngọc Đại, ba mươi tuổi, chẩn đoán của khoa phòng: dị ứng chậm Ampicillin. Bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt được chuyển từ khoa nội lên. Khám, toàn trạng tỉnh táo, da niêm mạc nhợt nhạt. Bệnh nhân có dấu hiệu phù do vô niệu đã ba ngày nay. Tiếng tim rõ, yếu, huyết áp 80/40 milimet thủy ngân. Khi đến khoa hồi sức cấp cứu, huyết áp có nguy cơ tụt, bệnh nhân tiên lượng rất xấu. Xử trí: glucoza 20% hai chai, huyết thanh ngọt 5% một chai, huyết thanh mặn 9% một chai, kèm theo thuốc nâng huyết áp và thuốc lợi tiểu. Lúc 24 giờ ngày 16/12, bệnh nhân hôn mê sâu, mạch không bắt được, xử trí cho thêm một chai glucoza 20% truyền tĩnh mạch. Tình trạng sau đó vẫn xấu, bệnh nhân tử vong lúc 3 giờ ngày 17/12 có mặt tại giường đầy đủ kíp trực. Bệnh nhân vào viện... Người bác sĩ trực giọng vẫn đều đều, không nhìn thấy khuôn mặt của giáo sư Vũ Thịnh bỗng biến đổi, hai chân mày châu vào nhau, trán nhăn lại, tỏ vẻ khó chịu. Ông gõ gõ đầu bút bi vào bàn liên tục, chờ người bác sĩ đọc xong, nghiêm giọng: - Tôi xin lưu ý trường hợp tử vong. Bệnh nhân bao nhiêu tuổi? - Dạ, ba mươi tuổi. - Bệnh nhân vô niệu đã ba ngày? - Dạ khoa nội chuyển lên, hồ sơ đây ạ. - Tại sao anh không cho chạy thận nhân tạo khi biết chắc là urê máu cao, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm độc? - Dạ, khi bệnh nhân đến khoa, cả khoa có ba máy thì hai máy đang bận dùng cho hai bệnh nhân, còn một máy bị trục trặc ạ. - Không thể thế được. Đó là cách giải thích, cách giải thích sai. Trường hợp tử vong của anh Đại là lỗi của chúng ta. Giải quyết vấn đề vô niệu không triệt để. Lại cho dung dịch glucoz truyền tĩnh mạch quá nhiều khi thận không làm việc được! Nhiều tiếng xầm xì phía dưới. Có những cánh tay đưa lên xin phát biểu. Giáo sư Vũ Thịnh xua tay: - Ta để vấn đề này lại xem xét kỹ vào một buổi khác. Người bác sĩ trẻ cúi đầu như một người có lỗi. Phía sau những dãy ghế của sinh viên, hai nữ sinh viên nháy nhau: - Thì xưa nay người ta chả nói hồi sức cấp cứu là “hết sức chờ chết” là gì. Ông mãnh Nhuận ấy là chủ quan lắm. Biết bệnh nhân nặng tại sao không gọi điện thoại cho thầy Thịnh. Tiếng cô bạn bên cạnh: - Thì thế mới có chuyện để nói. Nghe nói ông Nhuận ấy chỉ lo phòng mạch ở nhà, thỉnh thoảng lại tìm cách câu bệnh nhân về chữa trị. - Ồ, ông nào chả vậy, ông nào chả cần tiền, còn bao em út, bao bồ bao bịch nữa chứ! - Thế mày đã có ông nào bao chưa? Cô gái đấm vào lưng bạn: - Có mày ấy. Giáo sư Vũ Thịnh nới lỏng chiếc cà vạt thắt trên cổ áo sơ mi màu trắng của mình, khẽ thở dài, cúi xuống ghi ghi trên một cuốn sổ nhỏ. Đầu ông khẽ lắc rồi đứng dậy giải tán cuộc giao ban. Người bác sĩ trực đêm qua tay ôm quyển sổ trực, đi vội vã sau lưng giáo sư: - Thưa thầy, trường hợp này không ngờ lại tử vong nhanh thế ạ. - Cái này ta sẽ phân tích kỹ trong buổi kiểm thảo tử vong. - Dạ, vâng ạ. Nói xong, anh bước vội vã, lẫn vào dòng người đang đi lại trong hành lang. Giáo sư Thịnh ngạc nhiên khi cùng chờ trước cửa phòng chủ nhiệm, đứng bên cạnh Thảo là chị hộ lý già tên Tấm mà sinh viên thường gọi đùa là u già. Tấm đã bước sang tuổi năm mươi, người thấp đậm, tóc đã nhiều sợi bạc. Mấy cô sinh viên đi qua, thấy chị Tấm đứng tỉ tê điều gì với Thảo, níu áo đùa: - U i, đêm nay u có trực không. Có mì tôm cho chúng con một gói, đêm trực đói lắm u ạ. Chị Tấm mắng yêu: - Cha chúng mày, tôm với chả cá. Chị mắng vậy chứ bọn sinh viên coi chị như mẹ. Đêm trực chị hay tìm cách bồi dưỡng cho sinh viên. Lúc gói mì, lúc cái bánh giò nóng, lúc trái cam. Hễ chị trực là có cái ăn. Lương của chị ít nhưng con cái đã lớn cả rồi, chị đã đến tuổi nghỉ hưu. Chị công tác ở đây hơn ba mươi năm, từ khi còn là cô gái mười tám tuổi ở dưới quê lên. Chị vẫn tự hào, trong khoa có hai thâm niên lâu nhất, chị và giáo sư Thịnh... “Tao à, tao còn về đây trước thầy Thịnh chúng mày cơ!” Hai cô sinh viên khúc khích cười bỏ đi. Vừa thấy bóng chị Tấm đứng với Thảo trước cửa phòng, giáo sư Thịnh chợt nghĩ chắc có điều gì đây. Người hộ lý già tốt bụng ấy chỉ gặp ông, chỉ xin ông những sự giúp đỡ khi thật cần thiết. Từ đằng xa, giáo sư Thịnh đã lên tiếng: - Nào bà chị, chắc có chuyện gì rồi phải không? Tấm xởi lởi: - Em gặp anh là có chuyện. Chị cười hô hố, để lộ hàm răng đã bị sâu làm rụng đi một vài chiếc. Chị nắm lấy áo giáo sư: Báo cáo anh, con Thảo cứ nằng nặc đòi đưa chồng nó về. Ông Thịnh so vai, vẻ ngạc nhiên: - Sao, cháu Thảo, sao lại có chuyện ấy? Thảo cúi xuống, đưa tay vê đi vê lại chiếc gấu áo len màu nâu nhạt đã ng sang màu nâu sẫm. Hai môi cô mím chặt, đôi mắt từ từ nhắm nghiền lại. Cô gục đầu vào vai chị Tấm, nước mắt trào ra: - Thì có gì cứ vào phòng cái đã. Giáo sư Thịnh mở cửa mời hai người vào phòng. - Báo cáo anh, nó hết tiền từ ngày hôm kia, em biết tin đã đưa nó năm chục. Hôm nay lại hết, không có gì bồi dưỡng thêm cho thằng chồng. Tội nghiệp, thằng chồng lại đang ăn giả bữa. Giáo sư Thịnh châm một điếu thuốc. Thường những lúc cần nghĩ ngợi hay lúng túng trước việc gì, ông thường nhờ sự giúp đỡ của điếu thuốc. Ông bỏ kính lên bàn, chậm rãi nói: - Trường hợp của chồng cháu, tiến triển thế là tốt. Siêu âm cho thấy, khối u có xu hướng nhỏ đi. - Ông lắc đầu. - Chưa về được đâu, tối thiểu là vài tuần nữa. - Thưa bác - Thảo thút thít - cháu cũng muốn cho nhà cháu khỏi bệnh. Khổ nỗi, dưới quê còn hai đứa nhỏ. Cả nhà chỉ trông vào đồng lưng dạy học của cháu. Lên đây đã nửa tháng rồi... Thảo lại khóc. Chị Tấm vẻ sốt ruột, mắng át: - Ơ cái con này buồn cười chưa. Để từ từ tao tính, làm rối cả lên! Căn phòng nhỏ trở nên nặng nề. Vẫn tiếng chị Tấm: - Em không mấy khi phiền anh, cả những lúc người nhà em có người đau yếu. Trường hợp con Thảo, trường hợp đặc biệt, em xin anh... - Có nhanh cũng phải mười ngày nữa. Đó là đợt đầu. Về sau còn phải thêm một vài đợt nữa. ông ngừng lại rít thêm một hơi thuốc. Thôi thế này, trường hợp này tôi sẽ liên hệ với hội “Tấm lòng vàng” nhờ họ giúp đỡ. Trước mắt sẽ có cách. Ông mở tủ, lục ở ngăn cuối cùng, lấy ra một chiếc phong bì nhỏ. Ông bước tới trước mặt Thảo, giọng trầm hẳn xuống: - Đây là số tiền hôm trước bác được thưởng của một công trình nghiên cứu. Cháu cầm lấy bồi dưỡng cho chồng cháu. Tho mếu máo: - Cháu biết bác tận tình với cháu. Nhưng tiền thì cháu xin bác không nhận. Giáo sư Thịnh cầm phong bì đặt vào tay Thảo: - Thôi, cứ cầm lấy, coi như bác cho mượn. Bác đang bận đi giảng bài đây. Chị Tấm đế thêm vào: - Thì mày cứ cầm đi. Con này lạ thật. Em cảm ơn anh, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Hì... hì... Ông Vũ Thịnh xách cặp, vẻ vội vã bước đi. Thảo vẫn nép bên người chị Tấm, đôi mắt ngấn nước, nhìn theo bóng giáo sư Vũ Thịnh đến khi ông khuất ở cuối hành lang.