Xét từ hội Dần sinh ra loài người, tất có người xuất chúng để làm chúa tể. Từ vua Nhân Hoàng đến vua Thần Nông là đời thứ chín trong số mười chín đời, gọi là Thiền Thông(1). Còn muôn năm trước đó, há đều là mờ mịt cả sao? Mãi đến đời cháu bốn đời vua Thần Nông, bắt đầu của mười kỷ Sơ Hất mới có đế vương ra đời sao? Văn hiến khôNg đủ để xét, truyện ký không truyền lại, biết căn cứ vào đâu mà khảo cứu? Nay hãy nhân đó mà truyền thuật lại, chép lên đầu ngoại kỷ. KINH DƯƠNG VƯƠNG Nước Việt ta thuở trước, tương truyền vua đầu tiên là Kinh Dương Vương. Cháu ba đời vua Viêm Đế là Đế Minh đi tuần thú miền Nam, gặp Vụ Tiên nữ lấy làm vợ, sinh con là Lộc Tục. Lộc Tục là người đoan chính. Vua yêu quý lạ thường, muốn lập làm kế tự. Nhưng Lộc Tục nhường địa vị đó cho anh là Nghi, vua bèn phong cho Lộc Tục làm vua tại miền Nam đất Việt, đó là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân, sinh ra Lạc Long Quân (theo sách sử cũ có chép, Lạc Long Quân lên ngôi năm Nhâm Tuất, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ, nay bỏ bớt việc đó đi). Xét nước Việt ta lập quốc, tuy ở sau đời vua Hy và Hiệt nước Tàu, mà văn tự chưa có, ký tá còn thiếu, về phần thế thứ niên kỷ, chính trị phong tục đáng nghi hay đáng tin đều không có gì đủ làm chứng cứ. Ông Chu Tử nói rằng: "Đọc sách không nên để sử quan dối được mình"; cho nên chữ Quách Công, Hạ Ngũ trong sách Xuân Thu cũng còn có sự nghi ngờ. Ông Mạnh Tử ở Thiên Vũ Thành chỉ trích lấy hai ba đoạn mà thôi, nếu dẫn dùng lời nói mà không xét đến lẽ phải, tác giả dối ta, ta lại tin vào đó để dối người sau, có nên không?. Sử cũ chép: Vua Lạc Long làm vua từ năm Nhâm Tuất, vậy nhà chép sử đã căn cứ vào đâu mà tính khởi đầu từ năm Giáp Tý cho đến năm Nhâm Tuất được? Sử ghi các đời vua Lạc Long, tại sao đến đời Hùng Vương lại chép sơ lược? Xích Quỷ là gì mà lấy làm tên kiến quốc? Một loại hoang đản như thế nên tước hết đi, là vì sử cũ sưu tìm truyện cổ, thêu dệt thành văn, cốt cho đủ số đời vua. Những chuyện lấy ở sách Trích quái, U linh, cũng như Bắc sử lấy sách ở Nam hoa hồng liệt(2). Nếu nhất khái cho là dã sử không đủ tin, thì theo đâu để biết đủ việc chế tác lớn lao được? Cho nên điều gì gần lẽ phải thì để lại, điều gì không khảo cứu được thì bớt đi. Sử chép Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Kinh Dương, cùng với sử nhà Nguyên Ngụy chép: Tục ngữ nói Cật Phân Hoàng đế không có vợ, hai điều này cũng giống như nhau. Đại đế các bậc thánh thần là khí thiêng chung đúc, có khác người thường, hoặc là có lý. Đến như việc Kinh Dương lấy con gái Động Đình, Lạc Long lấy nàng Âu Cơ, loài ở nước, loài ở cạn lấy nhau, thần với người ở lẫn, lời đó tựa hồ không hợp lẽ thường. Tôi trộm nghĩ: giời đất mở mang dần dần, nước ta nhân văn ở sau Trung Quốc, nước lụt đời vau Nghiêu chưa bình, cái vạc xưa vua Vũ chưa đúc, mênh mang biển Quế Hải vẫn là tổ rồng rắn ma quỷ tụ họp,những chuyện kỳ quái sao lại không có? Chuyện đời Chu nước dãi con rồng tụ lại mà sinh ra người con gái còn được, huống chi về đời Kinh Dương Lạc Long? Việc tựa hồ lạ mà không phải lạ và cũng không nên tự cho là hẹp hòi như con hạ trùng thì mới phải. Lạc Long Quân Con vua Kinh Dương là Sùng Lãm lên làm vua gọi là vua Lạc Long, lấy bà Âu Cơ, có thai đủ ngày tháng, sinh ra 100 con, Lạc Long thường bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, nước với lửa khác nhau, khó ở chung được", bèn chia nhau, 50 người con theo cha về miền biển; 50 người con theo mẹ về miền núi, suy cử người con trưởng nối ngôi là vua Hùng Vương. Xét trong truyện chép thời bấy giờ vua Lạc Long về ở trong động nước. Dân có việc gì thì kêu to lên rằng: "Bố ở đâu? Lại đây với ta" thì Long Quân lại ngay. Bấy giờ Đế Lai ( là con Đế Nghi) đi tuần đến chơi, xem phong cảnh núi sông. Nàng Âu Cơ một mình ở hành cung. Người trong nước khổ về người phương Bắc quấy nhiễu, lại gọi Long Quân ra, Long Quân trông thấy nàng Cơ đẹp mà bằng lòng lấy, đưa về cho ở trong biển. Sử kiêng không nói việc ấy ra, chỉ nói là lấy con gái Đế Lai, là vì xấu hổ viêc chim chuột trai gái không khác gì cầm thú, đều là việc không nên nói ra, không bằng bỏ đi thì hơn. Trong truyện lại chép: Lạc Long cùng với Âu Cơ chia con ra mỗi bên một nữa, theo cha mẹ lên núi và xuống bể, có việc gì cũng cho nhau biết. Âu Cơ đưa 50 con đến ở Phong Châu, tôn người con trưởng, đời đời gọi là Hùng Vương. Nhà làm sử muốn lấy người theo cha làm chính thống, nên đổi lời văn mà nói rằng: 50 con theo cha ở phía Nam, mà lấy Hùng Vương để đời sau, khiến cho việc mất sự thật, người đọc sách không thể không nghi được, nếu Long Quân không phải là giống Động Đình sinh ra thì không cần biện luận làm gì. Long Quân mà quả là giống Động Đình, thì loài ở dưới nước tất nhiên không thể ở trên bộ được. Những người con theo mẹ ai cũng phải lệ thuộc Long Quân, há có lẽ tất những người theo cha mới có thể được làm vua chúa, mà những người theo mẹ chỉ có thể làm man mọi ư? Trong sử cũ Ngô Sĩ Liên nói rằng: Đời Hùng Vương dựng nước chia đất nước làm 15 bộ, ngoài 15 bộ đều có trưởng tá, lấy các con thứ chia trị từng nơi: lại bảo rằng 50 con theo mẹ về núi, thì mẹ làm Quân trưởng, mỗi con đều làm chủ một phương, mà lấy tên gọi là "nam phụ đạo", "nữ phụ đạo" của bọn man tù ngày nay làm chứng cớ, không biết thuyết ấy có tổ thuật đâu không? Hoặc có người hỏi đẻ ra một bọc trăm trứng, việc ấy có chăng? Xin trả lời rằng: con rồng sinh ra tự nhiên có cái khác phàm tục, thì việc đẻ trứng có gì là lạ, nhưng cũng là một thuyết không theo lẽ thường. HÙNG VƯƠNG Hùng Vương là con vua Lạc Long, dựng nước đặt tên là Văn Lang, đóng kinh đô ở Phong Châu (Phong Châu theo sử cũ: đông đến bể, tây đến Ba Thục, bắc đến Động Đình, nam tiếp giáp Hồ Tôn)(3) chia nước làm 15 bộ; chỗ vua ở gọi là Văn Lang, con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mỵ nương, tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng. Quan Hữu tư coi việc gọi là Bồ chính, thế tập truyền đời giữ chức gọi là Phụ đạo, 18 đời đều hiệu gọi là Hùng Vương (15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Toàn, Lục Hải, Vũ Dinh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức). Thời bấy giờ dân miền rừng núi, thấy sông ngòi khe lạch có tôm cá, rủ nhau đi bắt để làm đồ ăn, bị giống thuồng luồng làm hại, tâu rõ việc với vua, vua bảo rằng loài sơn man cùng với loài thủy tộc khác nhau: yêu cái gì giống mình, ghét cái gì lạ khác mình, nên có chuyện như thế; bèn sai lấy mực thích và vẽ các loài thủy quái vào mình, từ đấy thuồng luồng trông thấy không còn làm hại nữa, cái tục vẽ mình của Bách Việt bắt đầu từ đó. Nước Việt ta khi mới vào cống nhà Chu, tự xưng là họ Việt Thường, dâng con bạch trĩ, chín lần đổi trạm mới đến được, ông Chu Công úy lạo cho về, cho năm cỗ xe đặt kim chỉ nam để chỉ lối về. LẬP ĐỀN THỜ ĐỨC PHÙ ĐỔNG Xét sử cũ: Ở bộ Vũ Ninh(4) làng Phù Đổng(5), có người nhà giàu sinh con trai lên 3 tuổi, ăn uống béo nhớn, nhưng không biết nói cười. Gặp khi trong nước có hạn, vua sai người đi rao tìm có ai đánh lui được giặc, tiểu nhi ấy tự nhiên nói được, bảo mẹ đón mời sứ giả, nói rằng: "Xin một thanh kiếm, một con ngựa, thì vua sẽ không lo gì". Vua cho gươm và ngựa, tiểu nhi ấy nhảy lên mình ngựa, vung gươm đi trước, quan quân theo sau, đánh nhau với giặc ở chân núi Vũ Ninh, giặc quay giáo lại đánh lẫn nhau, còn dư đảng suy sụp lạy kêu lên là thiên tướng, cùng nhau đầu hàng. Tiểu nhi nhảy lên ngựa bay lên trên không đi mất. Vua sai lập đền thờ. Về sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung thiên Thần Vương. (Đền thờ ở làng Phù Đổng bên chùa Kiến Sơ). Lại xét trong khoảng núi huyện Quế Dương (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), hãy còn ngựa đá bị gãy làm hai đoạn, đầu ngựa và hai chân sau nằm ngả ở dưới núi, ở đỉnh núi, có nền nhà cũ, tục gọi là "Ân vương dài" bị Đổng Thiên Vương đánh phá vỡ, núi có tre sắc vàng lốm đốm, Thiên Vương cỡi ngựa sắt, nhổ tre đuổi đánh giặc, quân giặc thua chạy, đến núi Sóc Sơn huyện Kim Hoa (nay thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Thiên Vương bay lên không đi mất, cho nên có đền thờ ở thôn Thanh Tượng huyệnh Kim Hoa, nay ở đền cũng có ngựa đá. VUA NƯỚC THỤC SAI SỨ GIẢ ĐẾN CẦU HÔN, HÙNG VƯƠNG TỪ CHỐI Xét sử cũ: Về đời cuối Hùng Vương, vua có người con gái là Mỵ Nương, Vua nước Thục(6) nghe tiếng, sai sứ giả đến cầu hôn, Lạc hầu can ngăn nói rằng: "Họ mưu toan chiếm nước ta, mượn tiếng cầu hôn, không nên cho". Hốt nhiên thấy có hai người đều đến cầu hôn, Vua lấy làm lạ hỏi, thì một người xưng là Sơn Tinh, một người xưng là Thủy Tinh, vua bảo rằng: "Ta có một con gái, không thể gả cho hai người được, nay ta định ước, hễ ai đến rước trước thì gả cho". Sáng hôm sau, Sơn Tinh đến trước đem đủ sính nghi, vàng ngọc và chim rừng đủ thứ. Vua y hẹn gả cho Sơn Tinh, Sơn Tinh rước vợ về núi Tản Viên, ở trên ngọn núi cao. Thủy Tinh đến sau buồn bực, đem lòng thù hận, bèn dâng nước lụt to, đốc xuất loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng với Sơn Tinh chăng lưới sắt chặn ngang thượng lưu để giữ, nay dòng sông Thụy Hương thuộc huyện Từ Liêm còn có lưới sắt ở đấy; người ta thỉnh thoảng trông thấy Thủy Tinh theo đường sông khác, từ Phủ Lý Nhân(7) vào sơn cước huyện Quảng Oai(8), theo bờ sông Hát Giang(9) ra sông lớn vào sông Đà, đánh núi Tản Viên(10), đi đến đâu nước vào thành vực, đầm, chứa đầy nước, mưu đồ đánh úp; Sơn Tinh khéo thần thông biến hóa, sai người Mán kết tre làm phên ngăn nước, dùng nỏ bắn ra, các loại có vảy bị tên nỏ bắn đau chạy tán loạn, Thủy Tinh vẫn khônhg phạm được đến chỗ Sơn Tinh ở. Xét hai việc Thiên Vương phá giặc và Sơn Tinh tranh vợ, đều do sách Trích quái nhuận sắc thêm vào, nhưng không nói đến quân nhà Ân, không nói đến đúc ngựa sắt, không nói vươn mình ra thành người cao lớn, thì đã nghi việc quái đản rồi, đến như chuyện Sơn, Thủy tranh vợ cũng do kẻ hiếu sự lấy chuyện dâng nước lụt ngập núi làm chuyện Sơn, Thủy đánh nhau, tả ra một câu chuyện để chứng thật việc đó, chép làm thực lục. Còn việc thoát móng rùa về đời trước, thoát móng rồng ở đời sau, phù hợp với nhau, thậm chí thơ mộng, truyện ma, không việc gì là không biên chép, cho đến thuật chữa thai, ca dao về nghề thuốc, cũng đều chép cả. Nói việc mà không so với lẽ phải, bàn việv kỳ quái mà thành ra nói dối; có lý nào đem bộ sử tin thật của một nước, mà làm ra một bộ chép truyện kỳ quái được. Duy có núi Tản Viên là tổ sơn nước ta, Đổng Thiên Vương là vị danh thần. Vậy hãy cứ theo sử cũ mà chép để truyền nghi vậy. Trên đây đời Hồng Bàng tự vua Kinh Dương (đồng thời với Đế Nghi) đến đời Hùng Vương thứ 18 cộng hai nghìn sáu trăm hai mươi hai năm (2.622). Lời thông luận: Thường đọc sách ngoại kỷ tự đời Lạc Long đến Hùng Vương, ước chừng vào thời đại hiên, Hiệu Tân, Dương bên Tàu, những chuyện mất mát thì đã có lý, những chuyện mờ mịt thì tìm hỏi để biết, giống như thê giới Hữu Sào, Tọai Nhân trở về trước. Trung Quốc tự đời Đường, Ngu đến đời Chu, nhân văn đã thịnh lắm, nên đời nọ sang đời kia, đã có thay đổi, đời hậu hay đời bạc, đời thịnh hay đời suy. nước ta đương thời Lạc Hùng, vua thì mang cái đức hoà yên lặng vô vi, mà dạy bảo dân vẽ mình, uống nước bằng mũi, dân không có những sự phiền nhiễu về việc thôi đốc thuế má, không phải giam giữ. Vua và dân tương thân nhau trong cuộc đời đến vày nghìn năm, có thể gọi là đời chí đức, nưóc cực lạc. Tự nhà Tần đặt ra chức thái thú uý, họ Triệu mới khởi lên ở đất Nam Hải(11), Nhiên Hậu mới biết cách chép sử biên niên, có Bắc sử để cùng tham khảo dược. Đến như Kinh Dương tới An Dương Vương, hơn hai nghìn sáu trăm năm(2600) mấy triều đại, mấy thế, mấy niên, năm giáp Tý này thì lên, đến năm Giáp Tý sau thì không còn. Họ Hồng Bàng khởi từ năm Nhâm Tuất, đến hết năm Qúy Mão, Hùng Vương mất nước, An Dương nổi lên, đích xác thuộc thuộc về năm 57 đời vua Chu noãn. Lại lấy con toán mà kể xem từ khoảng đời Kinh, đời Hùng, 20 đời vua 2622 năm, nhiều ít trừ đi bù lại, mỗi vua được 120 tuổi. Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy lại càng không không thể hiểu được. Sử và truyện khổ về nỗi văn hiến không đủ, lấy vua khởi đầu là Kinh Dương, tất phải có vị vua nào là cuối, nhân tiện lấy số năm thừa, kể từ đồng thời với Đế Nghi đến năm nhà Tần đặt quân mà tính, mang số năm trở về trước cho vào đời Hùng Vương, trở về sau cho về đời An Duơng, cho đủ số hai kỷ. _________________________ 1) Thiền Thông và Sơ Hất cũng là đời Hồng Hoang. 2) Nam hoa hồng liệt là một tác phẩm của Trang Tử. 3) Phong Châu: Nay là vùng Thành phố Việt Trì (và phụ cận) tỉnh Phú Thọ Duyên cách nước ta thời Hùng Vương rộng hơn so với sau này, phía bắc rộng quá biên giới hiện tại thuộc một số huyện các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, (Trung Quốc). Ba Thục, này thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), Động Đình này là tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) và Hồ Tôn nay là vùng cực nam Trung Bộ (Việt Nam). 4) Bộ Vũ Ninh, vùng các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và phần Hà Nội ở phía bắc sông Hồng sông Đuống. 5) Nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. 6) Thục: Về nước Thục, đã có nhiều ý kiến khác nhau, song gần đây nhiều ý kiến cho rằng nước Thục của Thục Phán nằm trong lãnh thổ nước Văn Lang, thuộc vùng Yên Bái, Lào Cai hiện nay. 7) Phủ Lý Nhân, nay là tỉnh Hà Nam. 8) Quảng Oai, nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. 9) Hát Giang, là sông Hồng đoạn huyện Phúc Thọ, Hà Tây. 10) Tản Viên, tức núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Tây. 11) Nam Hải, nay thuộc tỉnh Quảng Đông (trung quốc).