Ngày trước, nhà nội tôi thuộc vào hạng thương gia có của ăn của để ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Ông bà chỉ có hai người con trai: Bác Lữ và bố tôi. Cuộc sống của họ khá bình yên và sung túc. Ăn rồi chỉ lo học, không phải làm lụng bất cứ việc gì. Việc nhà từ trong ra ngoài, nặng nhẹ đều có bọn con ở lo hết.
Từ khi bác Lữ ra đời, đã có mặt vú Mên. Vú bỏ quê Thái Bình lên Hà thành làm con ở cho ông bà từ năm mười lăm tuổi. Bà bảo vú là người mát tay, đảm đang và trung thành nhất trong nhóm người giúp việc nhà. Cũng phải, ngoài trách nhiệm của con ở ra, vú còn là kẻ hàm ơn ông nội rất lớn. Tôi nghe kể lại, ngày ấy, trong một chuyến buôn vật liệu về Thái Bình, ông đã gặp cô bé Mên trong cảnh thảm thương. Nạn đói năm 1945, gia đình của bé Mên đã lần lượt ra đi. Cô bé mười lăm tuổi chơ vơ bên bố mẹ - hai tử thi không một manh chiếu chôn cất mà khóc vật vã, khóc đến cạn nước mắt. Trong cái cảnh đời tối tăm u ám ấy, bàn tay của một thương gia giàu có đã nâng đỡ cô bé Mên đứng dậy. Đó là ông nội tôi. Ông bỏ tiền ra mua ván thiên, lo chôn cất hai cái tử thi đã tới ngày dậy mùi và đưa cô bé Mên lên Hà Nội cho giúp việc trong nhà mình.
Từ đó, vú Mên bám theo chân ông lớn lên.

*

Trong nhà nội, vú Mên thương bố tôi hơn bác Lữ, vì bố hiền lành và biết chuyện hơn. Ngược lại, bác Lữ là người bẳn tính, hay la rầy đám con ở trong nhà và đôi lúc còn cãi lại ông bà nội. Phận làm con ở cam chịu và lặng lẽ đã làm cho vú quên khuấy tuổi xuân của mình đến và đi tự bao giờ... Vú không biết mình có thời con gái, lòng vú không có chỗ cho khát khao mơ ước thiếu nữ trỗi dậy. Chưa bao giờ vú dám nghĩ đến chuyện lập gia đình riêng với ai đó. Vú lo sợ. Nỗi ám ảnh quá khứ như một vết thương cứ nhói đau, day dứt khi lòng người lắng dịu. Công việc lặt vặt làm cho vú quên đi nhiều điều đáng quên và nhiều điều lẽ ra không có quyền được quên. Tuổi xuân lặng lẽ trôi đi... Cứ nhìn vú lúc già thì biết ngày trẻ cũng không đến nỗi nào. Vú có cái duyên hương đồng gió nội nào thua chị kém em ở cái đất Hà thành phồn hoa này. Nhưng vú thiết chi gương lược. Ngày đêm cứ cung cúc làm lụng như một chiếc bóng. ẹt nói và hiền hậu. Cam chịu và nhẫn nại. Có lần ông nội định gả vú cho chú Hậu - người kề cận ông trong những chuyến đi lấy hàng xa. Nghe nói, dạo ấy chú Hậu mê vú lắm. Nhưng ông bà vừa nhắc đến chuyện ấy vú đã oà khóc:
- Con chỉ còn ông bà làm nơi nương tựa. Thời buổi này ông bà gả con đi, con sợ lắm. Ông bà thương tình cho con ở đây hầu hạ được ngày nào hay ngày đó. Con có lỗi gì ông bà cứ đánh, cứ đập như con trâu con chó chứ đừng gả con đi. Cho con ở đây trả hết cái ơn, cái đức ông bà dành cho bố mẹ con...
Ông bà nghẹn ngào xót thương cho phận đời bé mọn và cơ cực của vú. Từ đó về sau, cái thiện chí mai mối lấy chồng cho vú không được ông bà nhắc lại nữa vì nghĩ đến một lúc nào đó vú sẽ tìm được người để gắn bó suốt đời, biết đâu lại chẳng nôn nóng trốn nhà mà đi...
Cuộc sống của vú Mên là một chuỗi ngày dài không nỗi buồn cũng chẳng niềm vui. Cho đến khi việc làm ăn của ông nội ngày càng thua kém, đám con ở lần lượt ra đi thì chỉ mình vú Mên neo lại. Sự ở lại của vú Mên khiến cho bác Lữ nghĩ chẳng khác gì cảnh huống một con chim đã quen lồng nên sợ hãi và nhút nhát trước vòm trời rộng. Bác Lữ càng khinh miệt vú ra mặt. Vú chỉ lặng lẽ, không nói. Cũng chẳng ai thấy vú khóc. Sự tồn tại của vú trong nhà nội bây giờ chỉ là chiếc bóng. Một chiếc bóng vật vờ...
Từ lúc làm con ở cho nhà nội cho đến mãi sau này, trong túi vú Mên không bén chút hơi đồng. Vú không biết xài tiền hay mua sắm gì cho riêng mình. Một năm có hai bộ đồ bà nội cắt may cho, vú không đòi hỏi gì thêm. Sự giản dị lắm lúc làm cho con người ta dễ dàng bằng lòng và cam chịu. Bản thân vú ở Hà Nội mười mấy năm rồi thế mà mấy gã lái buôn bạn ông nội cứ loóc léc như mèo trông thấy mỡ: "Con bé nhà quê ấy tìm đâu khéo thế...". Gã khác lại xuýt xoa: "Cho nó về nhà tôi đi, tôi sống độc thân, dễ tính...". Ông nội tảng lờ sang chuyện khác. Nhưng nghe thấy, vú buồn lắm. Thể nào cũng lo lắng đến vài đêm mất ngủ... Bà nội cứ chê vú khờ. Vú không nói gì. Có ai đời tiền đi chợ, thừa một xu cũng đưa về trình bà. Đổi lại cái đám con ở trong nhà dạo trước, cứ mua bớt mua xén dồn làm của riêng. Được cái thật thà đến khờ dại. Vì thế bà thương vú như con.
Bác Lữ lấy vợ tận Sài Gòn - Gia Định rồi theo gia đình vợ vào tận trong ấy. Gia đình nội lại vắng. Bà đau yếu luôn. Ông cũng có tuổi, không đủ sức rong ruổi theo những chuyến hàng xa dài ngày. Cơ nghiệp chỉ trông chờ vào của ăn của để tích trữ từ trước. Gia đình cũng không đến nỗi túng bấn ngặt nghèo. Nhưng đến bây giờ ông bà nội vẫn còn day dứt một điều đó là chưa tìm được nơi nương tựa cho vú Mên. Phụ nữ vẫn là phụ nữ. Cái quyền được làm vợ, làm mẹ người đàn bà nào chẳng được ông trời kia ban phát, dù ít dù nhiều. Nhất là khi ở vào độ tuổi "hồi xuân", sự cần thiết phải có một gia đình đối với người phụ nữ là thực sự quan trọng. Dù đối với vú, mùa xuân nào có đến để ra đi hay trở lại!...
Ngày bố tôi lấy mẹ tôi. Bà nội đút vào tay vú Mên năm khoanh vàng, nghẹn lời...
- Vú cầm số vàng này về quê tìm người thân thích tựa nương. Dù sao, máu mủ vẫn hơn. Vợ chồng tôi ơn vú nhiều. Giờ già cả, con cái đứa nào cũng có chỗ có nơi... Chúng tôi sống sao cũng được, chỉ lo cho vú chôn chân ở đây cả đời, khổ sở...
Vú Mên nuốt nước mắt:
- Bà đuổi con thì con đi, nhưng ngần này con biết đi đâu, về đâu hả ông bà... con chỉ còn nơi này là nhà cửa...
- Thì tôi bảo thế - ông trầm ngâm - vú đi về tìm bà con xem có ai. Nếu không phiền thì cứ quay lại đây rau cháo qua bữa với vợ chồng già chúng tôi...
Năm ấy, vú Mên cầm năm khâu vàng ra khỏi nhà nội. Nhìn dáng vú lẻ loi nhỏ bé khuất giữa dòng người bề bộn, bà tôi chỉ biết đổ vào vai ông mà khóc.
... Nhưng rồi không lâu... chừng một tuần sau, vú Mên mệt mỏi xách nón tìm về nhà nội. Cái khuôn mặt hốc hác ấy khóc tức tưởi:
- Bà ơi, bà thương con, cho con ở lại, con không còn ai thân thích cả. Cũng không nhận ra xóm làng nhà cửa mình ở đâu nữa. Không ai còn nhớ con cả bà ơi. May mà còn tìm thấy mộ bố mẹ, thắp cho các ngài thẻ nhang... Con chỉ còn ông bà thân thích. Con không biết về đâu nữa rồi bà ơi...
Bà nội nước mắt lưng tròng:
- Thế tiền tàu xe tôi gửi vú có đủ không?
- Dạ,... dạ, con nào dám xài... Còn cả đấy bà ạ! Con giả bà, bà thương cho con ở lại giúp việc nhà... - Nói rồi vú móc túi áo nâu lấy ra đúng năm khoanh vàng được gói kỹ lưỡng đưa lại cho bà - con không mua gì cả. Con sợ phí của ông bà. Hôm nọ ông cho con mười hào về tàu lửa con trót xài hết... bà đừng giận con...
Tôi được nghe kể lại mẹ tôi sinh khó, bà qua đời sau tiếng khóc đầu tiên tôi cất lên. Bố tôi lả đi trong nỗi đau mất vợ...Õ thế rồi từ đấy tôi lớn lên trong tình thương của vú Mên. Năm 5 tuổi, tôi mới gọi vú là vú. Trước đó mọi người dạy tôi gọi vú là mẹ. Đối với một đứa bé, ngày nó nhận ra sự mất mát ấy là ngày tuổi thơ khủng khiếp nhất. Đối với tôi, đó cũng là ngày tuổi thơ ra đi.
Đến năm bố dẫn tôi vào Nam lập nghiệp và tục huyền tôi lại mất thêm một người mẹ trong cuộc đời này.... Tôi sẽ có người khác chăm sóc thay vú Mên đó là dì tôi.Õ Nhưng tôi đã đủ khôn để biết mình đã bỏ lại những ngày ấu thơ ở phố Khâm Thiên, nơi tôi có người mẹ đã khuất và một người vú mỏi mòn già nua. Ngày đi, tôi hỏi bố:
- Bố ơi, sao không dẫn mẹ Mên đi cùng...
Bố tôi ngửa mặt lên trời, câm lặng...
Đó là mùa thu. Hương cốm dần lan trong gió vỉa hè. Đường phố dài xao xác lá vàng. Gió mịn màng thổi không đủ làm khô giọt nước mắt trên gò má hanh hao nham nhở những vết nhăn của mẹ Mên.
- Ta không phải là mẹ con. Ta già nua, xấu xí. Ta là vú nuôi con thôi...
Cả vòm trời đang sầm sập gió và lất phất mưa, Những hạt mưa thu bay chéo, lạnh buốt...Từ dạo bố tôi vào Nam đâm làm ăn thua lỗ, ông thất chí, rượu chè say xỉn luôn. Kể ra, hồi mới vào đây, của nả còn khấm khá, cách đối xử giữa dì và bố khác. Còn bây giờ, bao nhiêu giận dữ, bao nhiêu hẹp hòi ích kỷ dì trút cả vào tôi. Bởi vì tôi là món nợ của dì. Dì không cho bố đứa con nào. Bố là người đàn ông khổ sở và đáng thương sống bên dì khác nào trong nấm mồ. Dì cũng có nỗi khổ của dì. Tôi nào trách gì được. Tôi không muốn nghĩ đến câu "Mẹ gà con vịt chít chiu...". Bởi dì không phải là dạng dì ghẻ gắt gỏng quá đáng. Tôi mang ơn dì, một sự hàm ơn không kính phục... Tôi xin dì:
- Dì ơi, còn muốn về Hà Nội...
- Bố con anh đòi hỏi tôi hơi nhiều đấy. Nhìn ông bố anh thấy phát chán kìa. Anh bảo tôi còn trả cái nợ đời này đến bao giờ.
- Nhưng con xin về với bác Lữ...
- Mặc xác anh! Kéo cả ông bố anh về càng tốt. Anh có ăn học cũng biết phụ nữ thời buổi này không chấp nhận loại đàn ông vô tích sự...
- Dì không được nói xấu bố con!
- Chứ ổng có gì tốt nào? Thất nghiệp, nằm vểnh râu, trắng da dài tóc, cái nhà này một tay tôi lo. Thế đấy! Dì ném cái bĩu môi dài thườn thượt rồi ngoảy đi.

*

Cho đến năm kia, khi trở lại đất Hà thành này, tôi chẳng còn ai thân thích nữa. Tôi quỳ trước bốn nấm đất xanh cỏ giữa nghĩa trang, thổn thức. Suốt mấy ngày liền về đây, bố tôi không nói năng gì. Ông lặng câm, lầm lì. Nhưng hôm nay, quỳ trước mộ mẹ, ông bà và vú Mên, bố đã oà khóc. Tiếng khóc thoát lên từ bao nỗi âm u. Tôi nhìn bố run run cắm nhang lên từng nấm đất, miệng lấm rấm nguyện cầu, chợt nghe lòng chua xót.
Trên mộ phần của vú Mên, những cụm hoa kèn nở rộ, tím ngát như màu trời chiều nghĩa trang. Những cụm hoa ấy đổ bóng sang chỗ nằm của ông bà tôi.
Lặng lẽ...
 

Xem Tiếp: ----