Chương 2
MƯA

Nước mưa sao mà nhiều mà mặn thế vào tháng 7 tháng 8. Bốn đại dương trên địa cầu hùa nhau ập xuống mái nhà bao giờ cũng dột của gia đình tôi. Nếu không, ắt có kẻ khóc thuê trên mái. Làm sao nước mưa mặn?
Tôi lớn lên và chưa từng biết mùi vị cái hôn của mẹ. Nước mưa mặn. Bát canh nhạt. Những bài giảng nhạt loãng, thầy ngắc ngứ, trò ngắc ngứ. Một vài kỉ niệm đậm chát.Những giấc mơ ngọt ngào nhất vào lúc nửa đêm, đôi khi đứt quãng bởi bố mẹ không có phòng ngủ riêng, mẹ vẫn đinh ninh là lũ trẻ chưa hiểu gì. Tôi là con út. Trong các chuyện cổ tích, đứa con út bao giờ cũng sớm già trước tuổi, để gánh chịu tất cả những gì bố mẹ và anh chị nó chưa kịp hiểu.
Mỗi lần mái khóc, mẹ lại rít qua kẽ răng: “Tại sao anh không xoay ra giấy dầu lợp nhà! Người ta xoay được cả, anh đáng là cái thá gì! Thiên hạ có ai như mình không, hử! Trời ơi cái thân tôi khốn khổ khốn nạn! Sao anh không thấy cái chân ghế sắp long rồi đây! Sao tôi lại lấy anh, hả trời!” Tôi đứa con út, thư ký tự nguyện và thầm lặng của pho sử gia đình, ngay từ thuở chưa biết đọc biết viết, đã xâu ghép những âm hưởng mưa luôn bắt đầu bằng “sao” và “tại sao” ấy thành từng chuỗi xoắn kép. Chúng quấn chặt lấy cổ tôi như tràng hoa sơ sinh, bóp nghẹt những giấc mơ ở tuổi chớm dậy thì về cảnh tượng 1 cặp vợ chồng ấm êm hòa thuận, người vợ dịu dàng, chẳng bao giờ hỏi “tại sao”, người chồng âu yếm, chẳng bao giờ phàn nàn, không thể sống như bố mẹ, một ngàn lần không.
Cuộc sống bị những mái lở và chân ghế long ấy xâu xé, choáng ngợp, không dành chỗ cho những cái hôn, thứ xa xỉ phẩm gia đình tôi không kham nổi.
Bố cũng rít qua kẽ răng: “Người ta khác, tôi khác! Tôi có uy tín của tôi, có danh dự của tôi! Này thì chân ghế! (Ầm!) Này thì giấy dầu! (Ầm!)”. Và sau hết là nức nở.
Lại những chuỗi xoắn kép âm hưởng mưa, lần này mang chủ đề uy tín danh dự. Nó trùm lên gia đình tôi, vững chắc hơn bất kỳ loại mái bê tông cốt sắt nào, chúng tôi nép dưới cái bóng kỳ diệu của nó, như được phép tàng hình, bởi nó chỉ lộ mặt với thiên hạ – thiên hạ: cấu trúc cụ thể từ hàng xóm, đồng nghiệp, họ hành và người quen – cái uy tín danh dự khắt khe, không cho phép bố xoay ra giấy dầu lợp mái nhà mau nước mắt, cái uy tín danh dự không bao giờ được phép tổn thương, thà giết chết tình yêu còn hơn mất nó, nó, điều duy nhất chứng minh sự có mặt trên đời của gia đình tôi là hợp lý.
Tôi lớn lên và khát khao âu yếm. Uy tín, danh dự, thảy điều quá trừu tượng. Dẫu toàn nhân loại 5 tỉ người có mở to mắt ngưỡng mộ tôi – tại sao không? – trái tim tôi yếu ớt không đủ cho 5 tỉ nhịp đập, môi tôi quá nhỏ không chứa nổi 5 tỉ cái hôn. Tôi chỉ khát khao âu yếm mà tôi đủ sức hình dung, đủ sức sờ nắm và đáp lại, điều duy nhất chứng minh tôi có mặt trên đời không đến mỗi vô lý. Uy tín, danh dự, thảy đều trừu tượng, thảy đều không hứa hẹn gì.
Homo-A và homo-Z, cửa sổ tôi chia đôi nhân loại, tôi bước trên 1 biển các phần thử hỗn độn, và chúng rẽ thành những sóng A sóng Z. Homo-A khát khao âu yếm, nhưng những nỗi khát khao thường không gặp nhau. Chúng lướt qua nhau như vô vàn mảnh thiên thể trong vũ trụ bí hiểm, thỉnh thoảng va vào nhau đầy run rủi và để lại những vết thương chẳng bao giờ lành, những vết sẹo như núi lửa tạm ngưng. Sự hợp nhất của chúng sao mà hiếm hoi, vài ba thế kỷ mới có một lần.
Toàn thân tôi mang cơn sốt núi lửa. Tôi sợ những va chạm gây thương tích. Tôi đặt tên vết thương là nỗi buồn. Kinh niên.
Mười tuổi, ở nơi sơ tán, tôi học lớp 5 trường làng. Thày giáo tên Kiên mổi lần kết thúc bài giảng lại lồm ngồm tìm dép ở 1 xó xỉnh nào đó trong lớp. Lúc nói, bọt trào ra trắng xóa 2 mép thầy, và 1 chiếc dép thế nào cũng tuột khỏi chân thày, chu du 1 vòng dưới các gầm bàn. Thày dạy: “Các em chưa biết, bơ là loại thịt người ta đóng vào cái ống bơ, đem ra chợ bán.” Một hôm, trời mưa vào lớp, mưa đúng bàn tôi, tôi bật khóc nức nở. Buổi học lỡ dở, thày Kiên dắt tay tôi về trao bố mẹ và phàn nàn: “Có lẽ đầu óc em Hoài không bình thường!”
Năm mươi mốt đứa bạn cùng lớp bắt đầu tẩy chay tôi.