Chương 6
CHUYỂN ĐỘNG BROWN

Bao nhiêu tình yêu trôi qua trong thời học sinh phổ thông của tôi, đứa con gái luôn bé nhất giỏi nhất và già nhất lớp?
Dĩ nhiên, dối tượng gửi gắm là các thầy, những vĩ nhân trong con mắt học trò. Không phải tất cả, chỉ những thày hay đưa mắt nhìn tôi trong giờ giảng. Thầy giáo nào chẳng tìm kiếm ánh mắt của học trò xuất sắc, nếu không, làm sao các thày đủ tự tin để tiếp tục thuyết trình về những điều phần lớn thiếu cơ sở. Tôi đã biến những ánh mắt của khoa học giáo dục thành biểu hiện rung động của chủ nghĩa lãng mạn. Làm sao khác được? Tôi đã chờ đợi, đã khao khát từ quá lâu, ánh mắt nào tìm kiếm tôi cũng là ánh mắt tình yêu, không phân biệt, không đắn đo, không viễn cảnh. Lên lớp mới, học thầy khác, tôi quên ngay mắt cũ, đắm mình trong mắt mới, những chuyển động Brown, tán loại, ngẫu nhiên và vô định, đan đặc 1 dĩ vãng mà tôi không quên, cũng không nhớ, thái độ phổ biến đối với dĩ vãng ở nhiều người. Cái dĩ vãng ấy không chết, cũng không hoạt động, nằm im ở đâu đó, những núi lửa tạm ngưng. Và đó là điều nguy hiểm nhất.
Suốt 10 năm trời, 2 chị em tôi ngồi cùng bàn, chung sách vở, chung bài kiểm tra, chung luôn cả những ánh mắt.
Chị Hằng càng lớn càng đẹp. Sau khi lập kỉ lục môn cử tạ năm 14 tuổi, quần áo chị phải liên tục phá ra may lại. Có một ngọn lửa nhảy nhót trong mắt chị, trên tóc chị, trên da thịt chị, khiến người xung quanh sững sờ. Đêm đêm, tôi vẫn cởi cúc áo chị, hồi hộp theo dõi bộ ngực non đang vươn mình cựa quậy sốt ruột thành bầu ngực thiếu nữ mơn mởn tròn đầy. Thỉnh thoảng, mở cặp sách dùng chung, tôi bắt gặp những mẩu thư vò nát, chữ con trai mới lớn vụng về, đầy mặc cảm. Không lẽ những cậu bé ngây ngô cùng lứa đã biến đổi cả tâm tính lẫn cơ thể chị tôi? “Vớ vẩn! Ong non ngứa nọc!” Chị học đâu những thành ngữ dạn dĩ ấy? Năm lớp 10, chị Hằng thành hoa khôi toàn trường. Chị lớn trước tuổi, buồn trước tuổi.
Một bữa, vẫn thày giáo mà tôi say mê bước lên bục giảng, nhưng ánh mắt thày không dừng lại chỗ tôi như hôm nào cũng thế, mà lướt qua, thoáng buồn, rồi hững hờ dừng lại 1 điểm nào đó trong lớp, mặc tôi chờ đợi. Tôi ngồi, run lên, toàn thân căng thẳng, đăm đăm dõi theo bàn tay, dáng đứng, gương mặt thày, gương mặt quá đỗi thân thuộc với tôi. Tiết học trôi đi như 1 giờ hành hình. Không 1 lần thày đưa mắt về phía cửa sổ nơi tôi hóa đá. Không còn giọng giảng văn sôi nổi, chứa chan tình cảm và gửi gắm, tưởng dành riêng tôi nữa. Trống dứt, thầy hấp tấp bước ra, quên đáp lại đám học trò vừa nhất loạt đứng lên chào vừa nhìn nhau ngơ ngác. Cả lớp ra chơi, tôi vẫn còn chôn chân đứng, chiều cao 1m25 bất biến cô bé bị bỏ quên, cô bé bị phản bội. Đúng lúc ấy, tôi chợt hiểu: bên cạnh tôi là 1 chỗ trống, chị Hằng ốm, chị Hằng vắng mặt.
Từng ấy năm trời sao tôi không nhận ra những ánh mắt tìm kiếm ấy dành cho ai trong 2 chị em tôi? Khát khao, thành ảo tưởng. Ưu thế của kẻ ra đời trước 1 phút thật tàn nhẫn. Chị lớn bổng lên bằng sự còi cọc của tôi, đứa em sinh đôi; tôi lĩnh trọn phần đen đủi xấu xí, để chị hồn nhiên nhận mọi vẻ đẹp xinh quyến rũ về mình. Tùạo hoá, trong cơn cao hứng trước tác phẩm tuyệt vời là chị, đã tiện tay nhặt nhạnh những mảnh đầu thừa đuôi thẹo đắp điếm nên tôi. Không có câu chuyện cổ về 2 chị em sinh đôi giống nhau như 2 giọt nước. Càng không có chuyện Thúy Kiều Thúy Vân. Lỗi đâu ở tạo hóa. Lỗi ở chính tôi.
Tôi lại bật khóc như cách đó 5 năm, vào 1 ngày thiên khốc, mưa rơirơi bàn học. lần này, không ai cầm taytôi dẫn về, dẫu để phàn nàn về hệ thần kinh không bình thường của cô bé Hoài. Tôi bỏ buổi học, lang thang khắp các phố, 11 giờ đêm trở về với bộ mặt của kẻ vừa từ bỏ ý đnh tực sát.
Đến bây giờ tôi vẫn không dám biết, chị Hằng có tham dự tất cả những chuyển động Brown trong 10 năm ngồi ghế nhà trường của tôi không. Tôi không nỡ phủ nhận chúng, dẫu chúng hỗn loạn và vô định. Hôm sau, chiï lại đến lớp, cạnh tôi, và ánh mắt cháy bỏng của thầy giáo trẻ ấy lại dồn dập hướng tới cửa sổ nơi chúng tôi ngồi, thiêu đốt cặp má như lên cơn sốt của chị. Nhưng tôi đã thành tảng băng khổng lồ, lầm lì và giá lạnh. Tôi không muốn sưởi nhờ ánh mắt dành cho kẻ khác. Những chuyển động Brown của tôi kết thúc đột ngột ở đó. Quanh tôi, tất cả bỗng im lìm, bất động, không hồn.
Mấy tháng sau 2 chị em tôi cùng tốt nghiệp. Chị Hằng thi tiếp vào trường ngoại ngữ, khoa tiếng Pháp, theo gợi ý của thày giáo trẻ say mê V. Hugo nọ. Bố mẹ, sau rất nhiều cãi vã, lần đầu tiên đi đến kết luận thống nhất về tình trạng bệnh tật trầm trọng của tôi: hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, đặc biệt hệ thần kinh quá suy nhược của cô bé Hoài không cho phép bố mẹ, những bậc phụ huynh đầy ý thức trách nhiện, khuyến khích tôi tiếp tục leo cao lên bậc thang học vấn và địa vị xã hội. Tảng băng khổng lồ trong tôi không chịu tan, thời ngẫu hứng tán loạn đã chấm dứt, cả 1 khoảng trống vắng, tĩnh lặng mở ra, dằng dặc giữa 400 ô vuông nâu và 1 khuôn chữ nhật biến ảo, xoay như xoay rubic. Tôi đáp: “Vâng! Chẳng còn chuyển động Brown nữa. Con muốn ở nhà.” Đó là những lời cuối cùng, trước khi tôi trở thành 1 Autodidakt, bởi thất học, 1 Outsider, bởi không đặt chân ra ngoài cửa sổ. Bố mẹ nhìn nhau lo lắng. Tôi còn chưa kịp phát biểu rằng tôi khước từ các loại bậc thang, nhất là những bậc thanh dẫn qua hệ thống các trường đại học và kim tự tháp các địa vị xã hội.
Không rõ bạn bè cùng kứa tôi chuyển động kiểu gì.
Từ hồi lớp 5, mặc cảm bị tẩy chay không chịu buông tha tôi. Tôi trốn tránh những cặp mắt hoặc tò mò, hoặc chế nhạo của họ, ngày càng lầm lì, ngày càng chiếm điểm tuyệt đối trong mọi môn học, ngày càng khao khát cảm thông. Tốt nghiệp phổ thông, với 4 điểm 10 tròn trĩnh, để khỏi bật khóc lần nữa trước con mắt những người xa lạ trong vòng 5 năm tiếp theo, tôi ôm riết lấy bậu cửa sổ mở thẳng vào tim con đường dẫn đến cổng nhà máy rượu bia Hà Nội.