Những ngày cuối thu mưa gió sụt sùi, thú đi bộ đã được bãi bỏ. Mỗi ngày hai buổi đi trên chiếc xe buýt phải đối phó với đám đàn ông luôn luôn đụng chạm để ngây ngất tâm tình, rồi đêm bị xáo trộn chẳng còn phút nào nghỉ ngơi. Mùa đông đã đến! Gió bấc bắt đầu đe dọa ngoài song cửa đưa vào nhà, nhà tôi vẫn đâu hoàn đó, trong khi cần phải sửa lại nóc nhà, dự trữ thêm củi để sưởi ấm, gió tha hồ thổi luồn qua cửa mỏng, mưa điềm nhiên rơi trên sàn nhà và cả nóc mùng của tôi. Tôi còn lo lắng tìm chỗ làm thêm. Cha từ sau đêm ấy bỗng dưng đổi khác, cả ngày ông ngồi ở góc nhà sầm mặt như một triết nhân đang suy nghĩ sự đời, tôi chẳng biết ông có tìm được một triết thuyết nào không? Nhưng rượu ông cũng không uống nhiều hơn và cũng hay nhìn tôi dò xét mỗi khi tôi ra khỏi nhà. Có lần ông bảo tôi: - Đi học mau về sớm! Tao không muốn mày cặp kè với bạn trai diễu phố! Thật ra tôi có bao giờ diễu phố với ai đâu? Ôm bằng cấp để tìm chỗ dạy kèm, người chủ nhà sau khi nghe tên tôi đã lạnh lùng từ chối: - Tôi không thể nhận cô vào dạy con tôi được. Cô cũng biết đấy, trẻ con dễ nhiễm thói hư tật xấu... Thật khổ, không kiếm được việc làm mà còn lãnh thêm mấy câu xỏ xiên. Tôi hết hy vọng trở thành nhà sư phạm, đành xoay sang ngành thương mại làm ở cửa hiệu bán hoa. Được hai buổi đã phải thôi việc, lý do những kẻ sàm sỡ quá nhiều trên cõi đời này. Tôi không biết tại sao người ta lại vô lễ với tôi như vậy? Có phải từ chỗ xuất thân của tôi mà ra? Hứa Kim vẫn năng lui tới. Dì Hoa nhờ hắn giúp vốn hùn hặp làm ăn nên mỗi lần lão tới đều bắt tôi ra ngoài tiếp chuyện. Tôi không muốn nôn oẹ khi thấy bộ mặt tà khí của lão nên thường viện cớ để vắng mặt. Dì Hoa giận mách cha là tôi đi chơi với trai. Cha lại quát tháo ầm ĩ: - Tao không muốn mày giao lưu với bọn thượng lưu giả nghĩa đó nghe chưa? Thượng lưu giả hiệu? Còn cha là hạ lưu chính hiệu! Đây là triết thuyết điên cuồng của cha. Tôi phải khinh lại kẻ khinh mình! Tôi bị cha mắng càng thêm ghét Hứa Kim. Lão càng lúc càng tỏ ra là con người bủn xỉn, thắt hầu bao rất chặt. Có lần dì Hoa nhờ mua cho bàn ghế mới vì bộ cũ quá lâu đời sắp hư, lão ngần ngại bảo: - Nhưng Phương Kỳ có thích không? Nếu đích thân yêu cầu tôi sẽ mua, còn không thì thôi. Dì Hoa nói lại với tôi. Tôi giận quá cười gằn: - Con không xin xỏ gì hết, cứ để nguyên bộ bàn ghế cũ đó, vái trời có ngày ghế gãy cho cái thân của hắn ngã ngửa cho biết thân! - Coi kìa Kỳ! Nói như trẻ nít không hà, con phải biết nhà đang cần tiền. - Nhưng con không phải là gái làm tiền! Lại la hét, chửi mắng. Tôi trốn khỏi nhà đi lang thang dưới trời mưa bay bay. So với cảnh nhà bây giờ ngoài trời còn thấy dễ chịu hơn nhiều. Bội Tần cũng không còn khắng khít với tôi nữa. Sau khi gặp Uông Khiết Anh, tôi thấy ánh mắt Ánh Tuyết như muốn tỏ ra cho cả thế giới biết rằng: - Uông Khiết Anh là của nàng, chỉ có nàng mới xứng đáng với chàng! Bội Tần lại không thấy được điều đó. Khiết Anh đã nhận lời dạy đàn cho nhóm con gái bạn của tôi. Đến nhà Bội Tần tôi gặp Bội Tần đang ôm đàn tập, khảy tiếng đàn khừng khừng chói tai chứng tỏ nó chả có tâm trí luyện tập mà chỉ mơ màng đến vị giáo sư khả ái. Tôi đứng nhìn Tần, có thể nó thích học nhạc hơn họa. - Giang Triết đang vẽ một bức tranh màu đen khiết. Bội Tần cười: - Tao quên Giang Triết rồi! Tao cam đoan với mày nếu mày gặp Uông Khiết Anh mày sẽ bị hớp hồn ngay. Tôi làm sao gặp Khiết Anh? Tôi có cùng giai cấp với chàng đâu? Mộng xưa đã tan theo mùa thu, những hạt phong không còn quay cuồng trong gió, chỉ có mưa lạnh trên đôi vai gầy và bùn lầy nhuốm bẩn đôi giầy cũ kỹ của tôi. Tôi dựa thân vào gốc cây thì thầm: - Mưa ơi! Sao tôi cô đơn quá!