Đã ba ngày, từ ngày Khoa xuống Sài gòn trở về. Ba ngày mưa gió liên miên kín trùm. Pleiku không có mặt trời, không có nắng ấm. Chẳng phải ba ngày mà quanh năm hình như là thế. Không có mặt trời suốt mười hai tháng. Chẳng có nắng ấm từ tháng giêng tới tháng chạp. Với Pleiku đoan ngọ cũng mưa phùn. Nguyên đán đầy sương mù, và trung thu không trăng sáng. Tôi đã sống quen với bóng tối, mưa đổ và trời thấp đến cái độ ngờ vực Pleiku cũng có những buổi đẹp trời. Dã Thụy nói, Pleiku những ngày mùa hè những ngọn đồi quanh tỉnh đỏ rực bụi hồng mịt mùng, những triền núi xa xanh thẫm cắt vạch lên nền trời chói lọi, và Pleiku những ngày đó có một vẻ đẹp riêng, dữ dội và choáng váng. Những ngày đó, tôi vác giá vẽ ra khỏi tỉnh, Dã Thụy nói. Vào những cánh rừng chung quanh. Leo lên những đỉnh đồi trọc. Dùng toàn một thứ bột đỏ bột nâu, bột vàng để ghi lên mặt vải một Pleiku chan hoà lửa nắng. Nhạc thì kể lại cái đẹp bích ngọc óng ánh của những ngày mùa xuân Pleiku. Trời tháng giêng trong vắt. Biển Hồ là một tảng ngọc thạch và hoa rừng nở đầy đặc trong những bờ bụi, khoác cho Pleiku vào xuân một tấm áo nhiều màu. Cái rực rỡ, cái tươi sáng ấy, tôi đã nhìn thấy trong một vài bức họa của Dã Thụy. Và những lời nói của Nhạc không phải là tưởng tượng. Chỉ là riêng tôi, tôi không thấy, không nhớ. Chỉ thấy Pleiku xám và tối. Chỉ thấy Pleiku mưa và mù. Như buổi sáng hôm nay. Đêm qua Huyền bị lạnh. Con nhỏ mập mạp nước da đỏ thắm. Vậy mà nó không chịu được lạnh. Năm nào, trở mùa gió nó cũng đau. Tôi phải thức dậy nhiều lần. Lấy dầu thoa cho Huyền. Đắp thêm chăn cho nó. Buổi sáng tôi giữ nó ở trong giường, không cho ra cửa hàng. Nhà không có ai ngoài hai chị em từ ngày anh Kiện mất. Tôi dậy sớm rửa mặt bằng nước lạnh rồi ra mở cửa hàng. Sương mù vào tràn đầy. Những thân cây, những bụi cỏ không nhìn thấy rõ. Quay trở vào tôi đã bật đủ sáu ngọn đèn mà quán Nhớ vẫn tối hù. Quán Nhớ tối thật. Sáng tối, chiều tối. Pleiku không chỉ có một quán Nhớ. Thị xã nhỏ, dân nghiền cà phê chỉ có một số nhất định, mà Pleiku có đến hàng trăm quán cà phê. Quán nào cũng tối như quán Nhớ. Pleiku tối thật. Và tối hơn mọi chỗ là cái tối thui kỳ lạ của những quán cà phê. Tôi đốt lửa, đun nước, chế nước sôi vào những bình thủy. Chọn sẵn một số băng nhạc đang dành được sự yêu thích của mọi người. Tôi làm việc, đi lại bình tĩnh trong một số động tác quen thuộc. Tất cả vừa xong thì Nhạc đến. Nhạc lò dò bước vào quán, tôi nghĩ đến Nhạc qua một ý nghĩ ngộ nghĩnh. Khoa là khách hàng thường xuyên nhất, nhưng đến quán sớm nhất phải là Nhạc. Tôi đón Nhạc bằng một câu nói đùa: - Anh đứng chờ ngoài đường lâu chưa? Nhạc ngơ ngác: - Chờ hồi nào? Tôi bật cười: - Chậm hiểu quá. Nói đùa đấy. Thấy anh đến sớm thì hỏi thế. Anh ngủ sớm lắm sao? Nhạc thản nhiên ngồi xuống trước một trong bốn bức tranh lập thể của Dã THụy: - Cả đêm qua không ngủ. - Sao vậy? Nhạc nhún vai: - Chẳng sao cả. Không ngủ được thế thôi. Tôi cau mày: - Anh phải quên đi. Ngày Ngân đi Nhạc không đến quán hai tuần. Mất tăm vào vùng hư vô xanh đặc của Pleiku. Hôm trở lại quán, tóc Nhạc dài kín tai, râu ria xồm xoàm và Nhạc già đi hàng chục tuổi. Bạn bè an ủi, chỉ nín thinh hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Tôi yêu lắm cái thái độ khổ đau âm thầm đó. Giam nhốt sự đau khổ quằn quại trong cái nhà ngục bít bưng tức thở của câm nín không tỏ lộ thành lời. Nhạc cất riêng mối tình thành một khối riêng tư, kiêu hãnh với sự khổ đau của mình, đẩy mình đi thật xa, đến gần như mất hút trong sự cách biệt đó. Những giọt lệ chắc đã nhỏ xuống. Trong đêm. Một mình. Sự che dấu không tỏ lộ không than van cũng là kết tinh của một nghị lực hiếm có. Thứ nghị lực tìm thấy trong tuyệt vọng. Nhưng Nhạc dấu mà chẳng dấu được gì. Trái tim Nhạc không nằm trong lồng ngực. Mà ở ngoài. Một trái tim tan nát treo lửng ngoài lồng ngực, ai cũng nhìn thấy. Tôi là người nhìn thấy rõ nhất. Nhạc biết vậy. sự nín thinh của Nhạc với riêng tôi là một tỏ lộ. Một tỏ lộ thân mật và cảm động. Ngân có những lý do riêng của Ngân để đi về một phương trời khác. Đã đành. Chẳng thể trách Ngân vào đâu được. Ai sống cũng có những lý do riêng nhưng mỗi lần, nhìn thấy trái tim Nhạc chảy máu trước lồng ngực Nhạc, tôi ghét Ngân vô tả. Thế nào thì cũng là có tội với nhau. Cái tội đã là nguyên nhân sự đau đớn của kẻ khác. Tôi lớn hơn nữa, vì Ngân đang thảnh thơi sung sướng và Nhạc thì không phải như thế. Tôi đinh ninh như mọi lần là sự nín thinh của Nhạc sẽ kéo dài. Cho tới khi Nhạc uống xong ly cà phê, bỏ ra với mù sương bên ngoài, hay chúng tôi nói lảng sang chuyện khác. Lần này không. Nhạc nói nhỏ: - Quên, điều đó dễ dàng lắm sao? Tôi giật mình. Tôi cũng đang muốn quên, muốn sống như cỏ cây, không trí nhớ. Tôi trả lời, biết câu trả lời công thức, không đúng: - Nếu anh muốn. Nhạc gật: - Có thể. Nhưng phải ở một nơi khác. - Anh nói thế nào? Nhạc bất chợt thốt lên một tiếng cười ngắn: - Ngọc hiểu rồi. Đừng bắt tôi trả lời. Tôi hiểu thật, không bắt Nhạc trả lời. Pleiku là một cái ngăn trí nhớ đầy ắp. Pleiku không phải là một vùng quên lãng. Những tình cảm đọng lại giữa bốn hướng rừng vây. Những kỷ niệm không bao giờ tan biến được. Một chút gì để nhớ, một chút gì để quên. Đó là một câu trong cái bài hát buồn ấy về Pleiku. Không, không phải, Pleiku chẳng có một chút gì để quên. Mà Pleiku có muôn vàn những cái, những sự để nuôi nấng một nhớ thương dài hạn. Như những nén hương oan khiên cháy đỏ nuôi mãi một hồn ma không cho siêu thoát. Những buổi chiều gợi nhớ. Bằng mưa phùn, bằng gió lọt. Những ban đêm làm nhớ. Bằng thứ im lặng khác thường của núi rừng. Phố Pleiku thấp. Những phố thấp làm trầm niềm nhớ. Phố Pleiku cao. Những phố cao đẩy niềm nhớ lên cao. Mỗi ngọn cỏ đường, mỗi phiến lá Pleiku đều là một tấm gương soi. Gương chi chít cùng khắp. Ngoảnh mặt tới phía nào cũng trong những gương kia, nỗi nhớ hiện hình. Tôi đặt tên cho cái quán hàng là quán Nhớ là vì vậy. Quán Nhớ cũng có hàng ngàn tấm gương soi, nơi những giọt cà phê thả xuống một đáy ly. Nơi những ngọn đèn tù mù làm rõ thêm những góc tối. Nơi tiếng gió tiếng mưa trên mái. Nơi những băng nhạc lăn chậm từng vòng. Nơi sự trầm ngâm kéo dài, mái đầu cúi xuống, buổi chiều giăng lưới. Và chẳng phải riêng Nhạc nhớ. Chính tôi còn chưa quên. Pleiku cuối cùng là hình ảnh một lò trầm gây mùi nhớ thương. Một lần tới quán, Thập đọc cho tôi nghe mấy câu thơ này: Tết đến, người đi lễ rộn đường Sao anh không đốt chút trầm hương Trầm hương vẫn sẵn nhưng không đốt vì sợ trầm gây mùi nhớ thương Nhạc đang đốt cho Nhạc một lò trầm. Hương trầm bay tới Suối mơ hay tới Biển Hồ. Càng muốn quên càng nhớ mãi. Người ta không sống mà nhớ. Pleiku chính là một quán Nhớ giữa rừng, mọi ngọn suối của kỷ niệm đều đổ dồn về đó. Nhìn Nhạc, nghĩ người bạn gái đã từ ly với Pleiku không bao giờ trở lại, tôi chợt nhớ là tuần rồi Ngân có gửi cho tôi một lá thư. Hỏi thăm tôi và Huyền. Hỏi thăm quán Nhớ. Trong thư Ngân nói đã mang thai sắp có con đầu lòng. Ngân kể chuyện Sài gòn cho tôi nghe. Nói về thời trang của đàn bà thành phố bây giờ là quần ống rộng, gót giầy mười lăm phân và áo dài ngắn trên đầu gối. Lá thư dài năm trang. Nhẩy cóc từ chuyện này sang chuyện khác. Ngân khoe mới mua được một vòng ngọc tuyệt đẹp, sắp có một lô áo dài từ ngoại quốc gởi về. - Đã không ngủ được lại dậy sớm. Coi chừng anh lại như Dã Thụy. Sự bận tâm dù là rất thành thực của tôi về sức khỏe của Nhạc, xem chừng làm cho Nhạc bực mình hơn là cảm động. Nhạc vẫn thế. Tôi quên mất điều đó. Tôi không thể vơ đũa cả nắm để nói chung cho tất cả đám người trẻ tuổi của Pleiku. Rằng họ gầy và đau. Rằng họ buồn và bệnh. Như thế sẽ không đúng. Khoa khỏe mạnh, chủ tiệm bào chế nhưng quanh năm không phải uống một viên thuốc cảm. Vận lực lưỡng, nước da rám nắng hàm răng trắng muốt, tâm hồn và thân thể là cái trái ngược hoàn toàn với bệnh. Nhưng Khoa là một trường hợp đặc biệt. Vận là trường hợp đặc biệt khác. Phần lớn những người khách hàng trẻ tuổi của quán Nhớ đều như Nhạc, như Thập. Họ gầy. Họ xanh. Họ trầm lặng. họ ít nói. Họ có một cuộc sống bên trong u uất. Họ ho khan và họ đau tim. Tôi nói chữa: - Những người như anh mà đau thì quán Nhớ phải đóng cửa. Nhạc, giọng cay đắng: - Chưa thì cũng sắp rồi còn gì? Tôi ngạc nhiên: - Về cái chuyện quán Nhớ đóng cửa? - Chứ sao. Lấy chồng, tất nhiên phải đóng cửa quán. Tôi chợt hiểu. Đã ba ngày trôi qua nhưng Nhạc vẫn còn hờn giận về cái chuyện tôi ra phi trường đón Khoa không tự tay pha cà phê cho Nhạc. Đau tim. Thất tình. Nhạc như thế. Chưa đủ. Còn hay hờn giận vì những cái bất bình nhỏ nhặt. Tôi bật cười: - Cả hai chuyện đều chưa. - Lấy chồng và đóng cửa hàng? Tôi gật: - Phải. Cả hai chuyện đó. Còn lâu. Anh cứ đến quán. Cứ uống cà phê. Quán Nhớ còn mãi. - Đến bao giờ? - Mãi. - Làm sao như thế được. Tôi thấy Nhạc nói đúng. Làm sao có thể như thế được, mãi mãi. Rồi một ngày cuộc đời tôi cũng phải đối diện với một đổi thay. Chấp nhận sự đổi thay đó. Ngày đó, đám bạn bè lãng mạn và buồn đau của tôi sẽ không còn con Ngọc nữa. Sẽ hết quán Nhớ. Sẽ chẳng còn ai pha một ly cà phê cho thật đúng với cái ý thích khó khăn của Nhạc. Tôi nói: - Cho là không thể. Đó là chuyện sau này. Hãy biết hôm nay. Hôm nay, tôi sẽ pha cho anh một ly cà phê đặc biệt. Nhạc không nói gì. Nhưng nét mặt u uất chừng như có vui hơn. Tôi múc cà phê cho vào phin. Chèn chặt cái nắp lọc. Chế một chút nước sôi vào phin. Chờ cho nước ngấm làm nở cà phê, tôi chế tiếp nước sôi gần sát miệng phin, đậy nắp phin lại. Người của quán Nhớ không biết xấu tốt như thế nào. Nhưng cà phê của quán Nhớ là thứ cà phê hảo hạng. Tôi đặt mua ở tận Ban Mê Thuộc, mua thẳng ở một đồn điền dưới đó. Cà phê chưa thả giọt mùi thơm đã cùng khắp. Tôi hỏi Nhạc: - Nghe nhạc không? Nhạc lắc: - Không. Tôi cười: - Tên Nhạc mà anh không thích Nhạc? - Chẳng phải. Nhưng lúc này, nghe nhạc còn sớm quá. - Nghe nhạc cũng phải có giờ? - Chứ sao. - Anh thích nghe nhạc vào lúc nào? - Đêm, một mình. Vặn thật nhỏ. Nghe trong bóng tối. - Có ai chia xẻ cái thích này với anh không? Nhạc gật, ánh mắt mơ màng: - Ngân. Vô tình, tôi đã lại chạm tới vết thương kín thầm của Nhạc. Một vết thương nung nấu không bao giờ lành. Như cái mưa dầm dề không dứt của một mùa mưa Pleiku liên miên. Tôi nghĩ đến Ngân. Nó đang bắt đầu một ngày với cái nắng chói lọi của Sài gòn. Và hẳn là đã lãng quên từ lâu những trận mưa núi và người tình cũ. Cà phê thả xuống từng giọt. Tôi bưng cái phin tới đặt trước mặt Nhạc. Tôi ngồi xuống bên cạnh Nhạc, Nhạc cúi đầu tránh cái nhìn của tôi. Nhạc lại đang nhớ tới Ngân. Nhớ đắm đuối. Nhớ tuyệt vọng. Nhớ bằng sự im lặng bất chợt. Bằng nhìn những giọt cà phê đều đều thả xuống. Tôi ôn tồn: - Quên đi anh Nhạc. Nhạc nhấc cái phin ra khỏi ly. Cho đường. Khuấy đường bằng những vòng khuấy chậm, suy nghĩ. Những ngón tay Nhạc gầy. Những đường gân xanh yếu. Nét mặt Nhạc khép kín. Ngân than bị chồng đưa đến hết cuộc tiếp tân này đến dạ hội khác, trưa nào cũng phải đến tiệm làm đầu, chiều nào cũng phải ngồi trước bàn phấn. Ngân cho tôi địa chỉ dặn chừng nào về Sài gòn phải ghé tới chơi. Hỏi thăm hết người này đến người kia. Khoa ra sao, Vận đang làm gì. Nhưng Ngân không dành một dòng chữ để hỏi thăm Nhạc. Ngân quên hay muốn tránh? Đằng nào cũng là tàn nhẫn. Tôi nói với Nhạc: - Ngân vừa viết thư cho tôi. Nhạc chớp mắt: - Thật sao? Tôi bịa đặt: - Nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm anh. Sự nghi hoặc hằn đọng nơi cái nhếch mép đầy cay đắng. Hơn tôi, hơn bất cứ ai, Nhạc biết Ngân đã quên. Quên hẳn. Ngân đã xa. Xa hẳn. Hơn tôi, hơn bất cứ ai, Nhạc biết Nhạc đã mất Ngân. Mất rồi. Mất hẳn. Con suối đã bỏ cánh rừng. Nhành hoa đã rời triền núi. Trên bãi đậu ướt loáng và hiu quạnh của phi trường Cù Hanh, chiếc máy bay đã cất cánh không bao giờ trở lại. Đối tượng của đợi chờ chỉ còn là hư ảnh. Nhưng người ta bám víu lấy một cái gì để sống. Sự bám víu ấy ở Nhạc muôn đời cũ kỹ. Bám víu lấy cái không còn. Cái không còn ấy mang một cái tên rất đẹp và cũng rất đánh lừa người là kỷ niệm. Tuy vậy, Nhạc vẫn hỏi: - Ngọc đã trả lời chưa? Tôi nói dối thêm: - Chưa. Anh muốn nhắn gì không? - Cho tôi gởi lời hỏi thăm Ngân. Tôi chợt nhớ tới một câu, chẳng hiểu đọc thấy ở đâu, hay chỉ là tôi tưởng tượng ra cũng không chừng. Câu đó, như thế này: "Một tình yêu đích thực là tình yêu không đổi thay dù ta khám phá thấy sự thay đổi ở người ta yêu". Có lẽ tình yêu đích thực là như thế thật. Có lẽ Nhạc đã yêu Ngân như thế. Cho tới khi trái tim đau ngừng đập. Tôi không có can đảm kéo dài sự nói dối thêm nữa. Hỏi Nhạc: - Còn ngồi chơi lâu chứ? Nhạc gật: - Đến trưa. Đến lúc xuống Qui Nhơn. - Với ai? - Dã Thụy. Tôi ngạc nhiên: - Dã Thụy về Qui Nhơn? A, lạ lùng đấy nhé! Tôi lại tưởng anh Thụy không bao giờ chị trở về gia đình. - Em gái nó đau. Nhà đánh điện lên. Nó về một vài ngày rồi lại trở lên đây. Đứa em gái của Thụy đau khiến tôi nhớ đến Huyền sáng nay phải nghỉ bán hàng. Tôi bỏ Nhạc ngồi một mình vào phòng ngủ. Huyền vẫn nằm trong chăn, nhưng thân thể nó không còn run rẩy lạnh như hồi sớm nữa. Tôi ngồi xuống thành giường. Hai chị em không còn ai. Cuộc đời đè nặng lên bốn bờ vai mảnh dẻ. Tôi đã tính trước nếu có lấy Khoa tôi cũng đưa Huyền cùng đi. Để hai chị em gần nhau, ít nhất cũng cho tới khi Huyền lấy chồng. Trong cái đám người trẻ tuổi hàng ngày lui tới quán Nhớ, tôi vẫn đang tìm kiếm cho Huyền một người chồng tương lai. Một người cũng đơn giản, cũng vững vàng như Khoa. Tìm mãi không thấy ai ngoài Vận Đến quán, Vận vẫn trò chuyện vô cùng thân mật với Huyền. Một vài lần đi xa về, không quên mua cho Huyền một quà tặng. Nhưng sự thân mật ở Vận chỉ mới là thế. Hồn nhiên. Đùa nghịch. Lại còn những "nàng tiên nhỏ" ở khắp nơi của Vận nữa. Lại còn cô chiêu đãi nhí nhảnh Vận gặp hôm nào ở phi trường. Đứa em gái không nhan sắc của tôi có hy vọng gì không? Câu trả lời là có một hy vọng nhỏ, thật nhỏ. Tôi dịu dàng: - Đỡ chưa? - Đã. Đông khách chưa chị? - Mới có anh Nhạc. Huyền chống tay toan ngồi lên, tôi hỏi nó: - Định dậy làm gì vậy? Giọng Huyền mệt nhọc, sau một đêm không ngủ: - Ra cửa hàng. Tôi gắt, đẩy nó nằm xuống: - Đang đau, ra ngoài làm gì. Cứ nằm đó đến trưa đến chiều cũng chẳng sao. Chẳng mở quán thì đừng, đóng luôn cũng được vậy. Huyền không giám cưỡng lời tôi. Nó quý tôi như chị còn sợ tôi như mẹ. Từ ngày anh Kiện mất đi, tôi nghiễm nhiên trở thành điểm nương tựa vững chắc nhất của Huyền. Cũng là điểm nương tựa cuối cùng và duy nhất. Hai chị em đôi khi cũng có những lúc gây nhau. Thường thường, lỗi ở tôi. Đó là những lúc tâm thức tôi bất chợt xao xuyến, sự cô đơn đè nặng làm tôi mất bình tĩnh, tôi không biết gây gỗ với ai, nên trút hết sự bực dọc vô lý xuống đầu Huyền. Được cái sự to tiếng chỉ chốc lát. Làm lành rất mau chóng. Chừng như Huyền cũng hiểu. Là trong tôi có những lúc bất bình thường và những lúc đó, nó nên hiểu, nên chịu đựng. Nó chép miệng. - Nằm hoài, buồn chết. Im lặng một lát, nó nói tiếp: - Chị Ngọc này? - Gì? - Em chẳng hiểu nếu không bán hàng chị em mình làm gì cho hết ngày. Đúng như thế thật. Quán Nhớ không phải là một nguồn lợi vật chất. Đám khách hàng trẻ tuổi của chúng tôi đều nghèo xác. Nhiều người biên bông đến cuối tháng vẫn không thanh toán được, nợ lưu trữ từ tháng này sang tháng khác. Như Thập. Như Nhạc. Nhiều người khác, có tiền thì trả, không có cũng thôi. Như Dã Thụy. Chúng tôi vẫn mở cửa quán Nhớ đúng như Huyền vừa nói, vì nếu đóng cửa quán thực tình hai chị em không biết làm gì cho hết ngày. Tôi đã thử một vài lần xem sao. Chúng tôi hẹn trước với Khoa hay với Vận. Hai chị em nghỉ một buổi chờ họ tới đón. Trên chiếc xe dípcủa Vận chúng tôi đi nhiều vòng trên tất cả những con đường dài, ngắn của Pleiku. Lên phố cao. Xuống phố thấp. Đi về hướng Khôngntum. Ra khỏi thị xã. Đưa theo đồ ăn tới ăn trưa ở Suối Mơ. Mang theo máy hình. Chụp hàng chục tấm ở Biển Hồ. Chụp ở đầu lối đi lên. Biển Hồ hiện ra xanh đặc ở xa xa. Chụp ở cuối lối đi xuống. Biển Hồ sâu trũng thành một vũng nước thăm thẳm. Đi lang thang cùng khắp. Ngừng xe thật nhiều lần. Những cuộc đi chơi đã là kéo dài. Thời gian Pleiku vẫn cứ dài hơn, thừa thãi lê thê, vô tận. Sau mấy lần đi chơi đó, chúng tôi không nghĩ đến chuyện đóng cửa quán nữa, dù chỉ một buổi. - Em thấy đỡ thật chưa? Huyền hiểu ý tôi. Nó vui mừng: - Đỡ thật rồi mà! - Muốn dậy thì dậy. Nhưng phải mặc áo ấm vào. Cô đau nặng là khổ tôi đó. Huyền ngồi ngay lên: - Chị khỏi phải dặn. Huyền mặc áo len vào người. Tôi ra mở cửa sổ. Ánh sáng lùa vào, màn sương dần dần tan loãng báo hiệu một buổi trưa ấm áp. Tôi tới xé tờ lịch trên cuốn lịch treo ở đầu giường. Huyền ra khỏi giường. Chiếc áo len làm cho thân hình nó to sù. Nó nhìn cuốn lịch: - Ngày mai rồi đó chị. Tôi ngơ ngác: - Ngày mai là ngày gì? - Giỗ anh Kiện. Tôi giật mình: - Ờ nhì? Em nhắc chị mới nhớ đó. Tới ngày mai, Kiện mất được đúng một năm. Ngày mai là giỗ đầu Kiện. Cái chết anh Kiện nhắc tôi nhớ lại những ngày tháng buồn thảm và đen tối nhất. Năm ngoái. Tháng này. Tuần lễ này. Cũng những trận mưa phùn. Những buổi sớm sương mù như thế này. Làm sao tôi có thể quên được. Vậy mà nếu Huyền không nhắc, tôi đã quên. Trí nhớ tê liệt có những lỗ thủng kỳ quặc như thế đó. Hay là tôi phải quên để sống, phải sống để quên? Hay là trong cuộc sống đầy bất trắc này, cái hình ảnh thân yêu nhất rồi một ngày cũng tan biến sau một màn sương dầy đặc? Tôi đang nhớ lại đây. Nhớ đến cái đã quên. Đến anh Kiện của hai chị em tôi. Tới ngày tử trận, Kiện ở trong quân ngũ được sáu năm. Đi hết chiến trường này đến chiến trường khác. Đổi hết đơn vị này đến đơn vị khác. Những tiền đồn heo hút. Những địa danh xa lạ. Gần như quanh năm. Tết anh cũng chẳng được nghỉ phép về nhà. Họa hoằn, Kiện mới gửi cho chúng tôi một lá thư. Lá thư cuối cùng báo một tin vui. Kiện được thiên chuyển về một đơn vị gần nhà. Thư tới rồi người về. Anh em gặp nhau mừng chảy nước mắt. Kiện được về gần chúng tôi thật. Đơn vị anh đóng quân trên một ngọn núi cách ngọn đồi Chu chừng năm cây số. Chị em tôi vẫn hy vọng Kiện được đổi về Pleiku. Nhưng thôi, Khôngntum cũng được, chỉ cách Pleiku mấy chục cây số đường bộ. Từ ngày được đổi về đơn vị mới, mỗi cuối tuần Kiện về nhà được một lần. Về tối thứ bảy. Sáng thứ hai đi sớm. Nhập ngũ với chiếc nón sắt trên mái tóc ngắn và bộ đồ trận trên cái thân hình nhỏ nhắn. Kiện vẫn hiền lành ít nói như cũ. Khuôn mặt anh rám nắng. Nhưng ánh mắt vẫn trẻ thơ. Tay chân anh cứng cáp. Nhưng điệu dáng vẫn học trò. Về tới quán Nhớ anh không ra khỏi nhà cho tới phút lên đường trở về đơn vị. Anh nằm dài đọc sách. Giúp chị em tôi trong những công việc vặt. Chừng như Kiện đã yêu. Đâu như người yêu của anh là một cô giáo trẻ ở Khôngntum. Ấy là tôi nghe đồn thôi. Chứ Kiện tuyệt nhiên không nói. Một lần tôi hỏi: - Bao giờ anh Kịên lấy vợ? Anh nhíu mày: - Câu hỏi gì lạ vậy? Tôi cười: - Nghe đồn anh có người yêu ở Khôngntum. Anh chớp mắt, hơi mỉm cười: - Lời đồn ít khi đúng với sự thật. Tôi làm bộ hờn giận: - Anh em mà chuyện gì anh cũng dấu em. Anh nghiêm trang: - Chẳng phải dấu. Chỉ là chưa có chuyện gì rõ rệt hết. Tôi gặng: - Anh định lấy vợ chưa? - Chờ cô lấy chồng đã. Cái lối lảng chuyện của anh Kiện như thế. Tôi sẽ lấy vợ. Nhưng chờ cô lấy chồng đã. Tôi biết lời đồn có thật. Biết anh Kiện đã yêu. Bởi chỉ có tình yêu mới đem lại cho anh những thay đổi như tôi nhìn thấy. Anh ít nói hơn, cách biệt hơn. Trong mắt đôi khi có những bất chợt xa xôi mơ mộng. Đầu óc quần áo cũng chải chuốt hơn trước. Tới một chủ nhật nữa. Anh về, ngập ngừng mãi rồi mới nói: - Nhờ Ngọc một việc. - Việc gì anh? - Mua hộ anh một hàng áo. Tôi cười: - Tặng ai? Anh nhăn mặt ngượng ngập: - Cấm hỏi lôi thôi. Anh đưa tiền. Sau đó tôi đi mua hàng áo cho anh. Mất gần một buổi sáng, tôi mới chọn được một hàng áo vừa sáng vừa trang nhã. Anh Kiện bằng lòng lắm. Khen tôi biết chọn mầu, nói đùa tôi là bạn thân của Dã Thụy là đúng lắm. Rồi sáng thứ hai anh đi. Rồi tin dữ đến với chị em tôi hai ngày sau đó. Anh tử trận trên con đường liên tỉnh Pleiku- Khôngntum, ngang khúc Chu Pao, bấy giờ trên mặt trận Khôngntum vừa khởi diễn, ác liệt rùng rợn. Tôi đi đón xác anh Kiện về. Chết, máu anh ướt loang ngực áo, nhưng khuôn mặt anh vẫn hiền lành như khi còn sống. Tôi không khóc. Nghiến răng lại. Lo đám tang cho anh, đưa anh tới nơi yên nghỉ cuối cùng. Bây giờ thì anh Kiện của chúng tôi đã nằm yên dưới một thước đất Pleiku. Chúng tôi mong anh đừng xa nhà mãi. Được về Pleiku sống gần chúng tôi. Mong ước cuối cùng của chị em tôi về một người anh phiêu dạt đã được thực hiện. Bằng cái chết nơi chân đồi Chu Pao của anh Kiện. Tôi cúi đầu ngẫm nghĩ. Nghĩ đến cái nón sắt. Nghĩ đến bộ đồ trận. Đến hàng áo lụa tôi mua cho người anh ruột, chẳng hiểu cái áo đó, anh đã kịp tặng người yêu của anh chưa. Tôi chợt hiểu, với tôi tại sao Pleiku mỗi ngày một buồn hơn, tại sao buổi chiều nào của Pleiku cũng là một buổi chiều lộng gió. Tôi bỗng cảm thấy mỏi mệt và chán nản lạ thường. Như không còn muốn thấy ai. Như không thiết mó tay vào một việc gì nữa. Đầu óc đang tỉnh táo bất chợt ngây ngất, choáng váng. Tôi đặt mình nằm xuống giường, Huyền lo lắng: - Chị sao thế? - Tự nhiên thấy mệt. Em trông hàng một mình được không? - Được. - Ra đi. Cho chị nằm nghỉ một lát. Huyền ra, khép cửa lại. Tôi thở ra một hơi dài buông suôi tay chân, nhắm mắt lại. Đầu óc tối đen trong khoảng khắc. Những tiếng động từ phòng ngoài vọng vào như tới từ một nơi nào thật xa. Bên kia những triền núi. Bên kia những thung lũng. Chập chờn trong đầu tôi là hình ảnh một ngọn đồi. Cỏ cây ở đó đã bị thiêu rụi. Ngọn đồi hiện rõ giữa một vùng rừng núi xanh đặc, như một vết thương lở lói rùng mình. Những thân cây cụt đầu. Những tảng đá lăn lóc không còn một ngọn cỏ, một sinh vật nào còn sống trên ngọn đồi trần trụi đó. Tất cả đã tan tành. Tất cả đều hủy diệt. Anh Kiện đã tới ngọn đồi đó. Đã bỏ mình nơi chân đồi. Ngày mai tôi sẽ bảo Vận đưa xe cho tôi lên cái khúc đường ngang qua ngọn đồi Chu Pao. Xuống xe, dừng chân ở đúng cái chỗ anh Kiện ngã xuống. Phải, ngày mai tôi sẽ tới đó. Nhìn lên những thân cây cụt đầu. Nhìn lên những gốc cây cháy xém. Trong cái ý nghĩ này tôi ngủ thiếp đi. Sài Gòn. Ban đêm. Những đường phố dài thẳm. Những ánh đèn lạnh buốt. Một im lặng lung linh, ma quái. Nền trời cao vút, không một giải mây nhưng cũng không có một vì sao nào. Tôi bước một mình. Cái bóng dài thênh, đổ về trước mặt. Tiếng chân tôi vang vang, như con phố là một dội đập của trí nhớ, nhân gấp đến nghìn lần. Chung quanh mọi cửa tiệm đều đóng kín. Từng ngôi nhà là từng khối đen tối. Thành phố mênh mông. Thành phố đã ngủ yên. Chỉ còn mình tôi thức với những bước chân lang thang giữa một im lặng lớn và đầy. Tôi đi từ đâu chẳng rõ. Về đâu không hay. Chỉ biết tôi đã bước liên miên đều đều mà lại như là tôi vẫn dậm chân một chỗ. Mãi mãi, cảnh trí hai bên đường mới đổi khác. Mặt nhựa dài thẳm, những ánh đèn xanh lạnh không nhìn thấy nữa. Tầm mắt thì tối sầm lại. Tôi đã lạc vào một ngõ hẻm. Cái ngõ hẻm lại là một ngõ cụt. Tôi tới cuối ngõ để thấy mình đứng lại dưới một chân tường cao. Nhìn lên, người lạ mặt đứng chênh vênh trên thành tường. Y vẫy tôi lên. Tôi gật đầu, tỏ ý sẽ làm theo điều y muốn. Toàn thân tôi thình lình nhẹ hẫng. Chỉ còn như một tà áo, một vệt khói mỏng. Rất từ từ, tôi cất mình khỏi mặt đất, bay lên. Tôi bay mãi. Qua mây, qua sương mù, bay lên tới đâu vì tường cao dần tới đó. Người lạ mặt vẫn đứng trên thành tường. Y không vẫy gọi nữa, mà đứng lặng, chờ đợi. Cuối cùng tôi bay tới nơi. Người lạ mặt chờ cho tôi tới gần y, thật gần, rồi giơ chân đạp mạnh. Tôi kêu lên một tiếng thất thanh và rớt xuống. Tiếng cười vang động của người đàn ông đuổi theo. Tôi rớt, lộn đầu xuống mặt đất. Mặt đất đẩy tôi dội lên nhiều lần. Tôi nghĩ, mình chết rồi, chết rồi, trong khi tiếng cười của người đàn ông lạ mặt vẫn còn vang động. - Chị Ngọc, chị Ngọc! Tôi mở choàng mắt. Huyền cúi xuống vừa lay vai tôi vừa gọi lớn. Tôi đẩy tay nó ra nằm thẳng lại. Tôi vừa ra khỏi một cơn mộng dữ. Trong giấc mộng, tôi lại gặp người đàn ông đó, người đàn ông xách áo tơi mưa đứng một mình ngoài phi trường Cù Hanh. Vẻ bàng hoàng của tôi làm Huyền kinh ngạc. Nó hỏi: - Chị làm sao thế? Tôi thở dài: - Vừa nằm mơ. - Mơ thấy gì mà chị dẫy dụa ú ớ quá vậy. Tôi nói, hình ảnh người đàn ông lạ mặt còn rõ ràng trong đầu: - Lăng nhăng. Toàn những chuyện không đầu không đuôi. Huyền dục: - Dậy đi, anh Khoa tới. Tôi gắt chẳng muốn gặp Khoa hay bất cứ ai lúc này. - Mặc anh ấy ngồi chơi ngoài đó. - Anh Khoa bảo vào mời chị ra. Tôi gắt lớn hơn: - Tao không ra. Huyền tần ngần: - Anh Khoa tới cùng với cô Thư. Tôi ngẩn người: - Sao không nói ngay. Ra mời anh Khoa ngồi chơi, nói chị ra ngay. Huyền ra. Tôi ngồi lên, nghĩ đến người em gái Khoa lần đầu theo anh tới quán. Thư thua Khoa năm tuổi, kém tôi hai tuổi. Xinh đẹp. Đài các. Kiêu hãnh. Học hết tiểu học Thư được gia đình cho về học ở Sài Gòn, mõi năm chỉ trở về Pleiku vào dịp hè hay trong những ngày Nguyên Đán. Năm ngoái, lần tôi tạm lánh về Sài Gòn, Khoa đề nghị hai chị em tôi đến ở nhà Thư, nhưng tôi từ chối không chịu. Tôi không có ác cảm nào với Thư, nhưng Huyền ghét Thư ra mặt. Thư hợm hĩnh, lên mặt nhà giầu. Thư vừa trở về Pleiku sau khi đã đậu xong bằng dược sĩ. Mấy lần tôi đến thăm Khoa ở cửa tiệm bào chế, Thư lánh mặt ở nhà trong không ra. Tôi bảo Khoa đưa Thư đến quán Nhớ. Khoa nói Thư nhút nhát không chịu đi đâu, nhưng tôi biết một quán cà phê là nơi chốn Thư không bao giờ chịu tới. Bây giờ Thư tới đó là một chuyện lạ. Thế này thì cuộc hôn nhân của mình với Khoa được coi như chính thức rồi đây, tôi nghĩ thầm. Không chính thức hẳn nhưng quả là nó đã đi tới một cách khiến tôi khó lòng lùi lại. Ý nghĩ khiến tôi bồn chồn. Tôi đã nhìn thấy cuộc hôn nhân với Khoa. Nhưng mới chỉ muốn nhìn thấy nó ở xa xa. Chưa muốn nó tới gần như Khoa muốn. Thư ngồi ở cái bàn giữa nhà trên cái ghế có nhiều ánh sáng nhất. Thư mặc áo nhung đỏ thẫm, quần lụa trắng muốt, một cái sắc tay kim tuyến đặt ngay ngắn trên mặt bàn. Trong khi tôi ngủ, Nhạc không bỏ đi, Thập cũng đã tới. Thêm một vài khách hàng quen thuộc nữa. Tất cả đều nhìn Thư. Mọi người chờ tôi ra. Nhìn Thư và nhìn nét mặt nghiêm trang tò mò của mọi người, tôi có ngay với tôi một cảm giác khó chịu. Khoa đưa em gái tới đã phá tan cái không khí thân mật, đơn giản hàng ngày của quán Nhớ. Tôi phát một nụ cười tươi tắn, tiến lại: - Anh vừa tới? Khoa chỉ Thư, hỏi tôi: - Ngạc nhiên không? Tôi gật: - Cũng khá ngạc nhiên. Nói tiếp, không dấu được giọng giễu cợt: - Rồng đến nhà tôm. Khoa kéo ghế cho tôi ngồi đối diện với Thư. - Ngọc đừng nói thế. Người thân cả rồi mà. Câu nói nào của Khoa cũng có một ngụ ý. Như câu vừa nói. Một ngụ ý vơ vào. Chỗ đứng của Khoa trong tâm hồn tôi còn chập chờn, chưa rõ rệt. Lúc nó ở trong trái tim. Lúc nó ở ngoài. Hình ảnh Khoa chưa khắc sâu. Lúc quên, lúc nhớ. Nhất là, nó chưa xóa mờ được những hình ảnh khác. Khoa thì đã nhìn thấy tôi, thấy hẳn. Như một người vợ. Chuyện chưa tới, với Khoa đã tới lúc Khoa muốn mọi người cùng nhìn thấy như vậy. Đưa Thư đến quán Nhớ chào tôi, rõ ràng là Khoa đã muốn bắt em gái phải nhìn nhận tôi, ngay từ giờ phút này, như một người chị dâu tương lai. Tôi biết mình không phải với Khoa. Làm thế nào được. Trái tim có những lý do, những lẽ phải riêng của nó. Tôi hy vọng tình nghĩa giữa tôi và Khoa mỗi ngày một sâu nặng. Cho đến khi trở thành tình yêu, một tình yêu đích thực. Tôi muốn làm mọi chuyện cho KHoa vừa lòng. Thế nhưng, cái thái độ kiêu kỳ của Thư vẫn làm tôi khó chịu. - Cô dùng gì? - Tôi hỏi. Khoa nhanh miệng: - Thư uống cà phê nhé. Và quảng cáo không công cho quán Nhớ: - Cà phê quán Nhớ đứng đầu Pleiku. Không uống không được. Thư nhìn tôi, lững lờ: - Quán Nhớ còn đứng đầu những gì nữa? Câu hỏi móc máy đầy ác ý. Thư đã có thành kiến không tốt đẹp về chị em tôi, về tất cả những người con gái sống một mình bán quán cà phê. Tôi không gây ra một tai tiếng nào ở cái thành phố yên tĩnh này. Chưa từng. Nhưng nếp sống tự nhiên của tôi làm cho rất nhiều cặp mắt thù ghét. Những lúc ra đường, đi chợ gặp Nhạc, gặp Thập, tôi đi với họ một đoạn đường, cười nói với họ tự nhiên, như một người bạn trai. Đôi khi họ mời tôi vào một quán phở. Tôi vào. Đi coi chiếu bóng, coi cải lương với họ nữa. Chẳng bao giờ Nhạc có tiền. Tôi phải mua vé. Tôi thích được giao du với đám bạn trai trên liên hệ này. Tự nhiên. Bình đẳng. Không đóng kịch, không giả đạo đức. Sự tự nhiên của tôi đã gây hiểu lầm và ngộ nhận, với những người đầu óc không phóng khoáng như Thư. Thư đã ở Sài Gòn bao nhiêu năm, học tới cao học. Đầu óc Thư chật hẹp. Đó là điều ở Thư, tôi khó hiểu và thất vọng. Tôi ung dung: - Nhiều. Thư làm bộ ngạc nhiên: - Thế ạ? Thế mà em không biết đấy! Thư dùng tiếng em một cách thật miễn cưỡng. Không ngờ, chỉ cái việc xưng hô, Thư đã phải cố gắng đến thế. Tôi cười: - Mà toàn là những cái đứng đầu không tốt đẹp. - Chị nói rõ hơn đi. Tôi chỉ Khoa: - Cô Thư muốn biết, cứ hỏi anh Khoa. Anh Khoa tường tận về cái quán Nhớ này hơn ai hết. Mọi người cùng cười. Nhưng tiếng cười thiếu chân thật. Giữa tôi và Thư, cái biên giới ngăn cách vẫn nguyên vẹn. Lại thêm một hình ảnh nữa của Pleiku. Một phố thấp. Một phố cao. Hai con đường như không bắt gặp. Tôi được nghe kể nhiều chuyện về Thư. Rằng dưới cửa phòng người con gái đài các này, rất nhiều trái tim đang mở ngỏ, đang chờ đợi. Rằng Thư treo giá ngọc, khép kín phòng the, mặc cho mùa xuân tới, tường đông ong bướm đi về mặc ai. Thư ác cảm với tôi vì một lý do khác nữa. Đó là Thư kiêu hãnh, tôi cũng đáp lại bằng sự kiêu hãnh của mình. Cái việc tôi về Sài gòn hồi năm ngoái, từ chối không chịu đến ở cùng với Thư, Thư cho đó là một khiêu khích. Tự ái Thư bị thương tổn nặng nề. Một người con gái nghèo hèn bán quán, không có quyền kiêu hãnh với một người con gái nhà giàu, xinh đẹp, có học. Hẳn là Thư đã nghĩ như thế. Huyền bưng khay cà phê tới. Một im lặng nặng nề kéo dài. Thư chợt hỏi: - Hồi này chị có hay về Sài gòn? Tôi giật mình: - Không. Tôi chỉ về một lần, năm ngoái. Như Thư đã biết. Tôi cười: - Về nữa thì nguy. Thư nhìn thẳng vào mắt tôi: - Sao vậy? - Chỉ khi nào Pleiku không yên, tôi mới chịu rời khỏi Pleiku. - Hồi đó về Sài gòn, chị Ở đâu nhỉ? Chuyện đã cũ. Đã năm ngoái. Đã quá khứ. Chuyến đi trong những tiếng súng đạn làm nát nhầu một vùng rừng núi yên tĩnh, giữa đám người chạy giặc và tôi đã muốn quên đi. Nó chẳng ăn nhằm đến ai. Càng không liên quan gì đến Thư. Câu hỏi của Thư thật khó hiểu. Tôi đáp, thận trọng: - Tôi và Huyền đến một khách sạn. - Khách sạn nào? Tôi cười, càng thấy phải thận trọng hơn: - Lâu quá rồi, làm sao còn nhớ được. Thư đủng đỉnh: - Em biết. Chị Ở một khách sạn ở đường Trần Hưng Đạo. Tôi giật mình một lần nữa. Tôi dấu chưa từng kể cho Khoa nghe một lần nào, một chi tiết nhỏ nào về hai tuần lễ tôi ở Sài gòn. Gặp ai, đi đâu, làm những gì trong khoảng thời gian ấy, tôi giữ cho riêng tôi. Như một bí mật tuyệt đối không bao giờ tỏ lộ. Hay là Thư đã thấy tôi mà tôi không hay. Người con gái này kiêu hãnh còn nguy hiểm, tôi nghĩ thầm. Mình phải đề phòng cẩn thận lắm mới được, tôi nghĩ thầm. Hỏi Thư: - Sao Thư biết? Thư gật gù: - Em biết, thế thôi. Sàigòn có thật nhiều thú vui, thật nhiều chuyện lạ, chị đồng ý? Tôi lắc đầu: - Chịu. Không trả lời được. Suốt hai tuần ở dưới ấy, hai chị em tôi gần như đóng cửa nằm trong phòng cả ngày. Tôi không biết Thư nói đến những thú vui là những thú vui nào. Tôi muốn chuyển hướng câu chuyện. Khoa cũng muốn như vậy. Nhưng Thư thì không. Hai tuần lễ ở Sàigòn của chị được nhắc nhở tiếp: - Chị có đi chơi. Con nhỏ này quái ác thật. Nó không phải là em gái Khoa, tôi đã rời bàn đứng lên hoặc tìm lời đuổi khéo nó ra khỏi quán Nhớ. Khoa nhìn tôi bằng cái nhìn yêu mê. Hơn. Bằng cặp mắt tôn thờ. Với Khoa hình ảnh tôi thường hằng có một vùng hào quang chói lọi vây bọc. Với Khoa cái tầm thường của tôi cũng là cái khác thường, cái xấu cũng biến thành cái tốt. Thư trái ngược hẳn với anh. Cái nhìn riễu cợt và đầy ngờ vực của Thư cho tôi biết rõ như vậy. Thư đang muốn chứng minh cho anh ruột thấy tôi không cao quý, không tốt đẹp, không hoàn toàn như Khoa tưởng. Tôi không cần. Sống không phải là một hành động chứng minh. Tôi như mọi người. Cũng có cái xấu cũng có cái tốt. Còn thấy mình xấu nhiều hơn tốt là đằng khác. Nhưng Thư muốn chứng minh gì đây. Đó là điều tôi cần biết rõ. Đến lượt tôi nhìn thẳng vào mắt Thư: - Thư thấy tôi? - Vâng. Thấy một buổi tối. Khoa ngạc nhiên; - Sao thấy không kêu/ - Không tiện. Ngừng một giây rồi Thư nhếch mép cười: - Vì lúc đó... em đi với một người khác. Chuyện không ăn nhằm gì đến Khoa, xem chừng đã làm cho Khoa bực mình thật sự. Khoa quay lại, hỏi tôi: - Sáng nay Ngọc bận lắm không? Tôi lắc: - Thường. Như mọi ngày. - Mình Huyền coi quán được không? Tôi cười: - Anh hỏi nó. Khoa vẫy: - Huyền, lại đây anh hỏi. Huyền lững thững đi tới. Nó còn trẻ hơn tôi. Nên hồn nhiên, bồng bột hơn. Vui buồn ở Huyền tỏ lộ rõ ràng trên nét mặt. Nó đến đứng trước mặt Thư, nhưng không thèm nhìn Thư, coi Thư có đó cũng như không. Huyền đủng đỉnh: - Anh hỏi gì? Khoa tươi cười: - Cô Huyền hôm nay nghiêm dữ. Huyền nhún vai: - Lúc nào em cũng vậy. Anh nhiều tưởng tượng quá. - Tôi và Thư muốn mời Ngọc đi chơi sáng này. Huyền trông quán một mình nhé. Huyền ghét Thư nên trêu Khoa: - Sáng nay chị Ngọc không đi đâu được hết. Khoa nhăn nhó: - Sao vậy? Huyền thản nhiên; - Em đang đau. Chị Ngọc phải ở nhà với em. Khoa nhìn tôi: - Huyền đau thật không? Tôi gật, không muốn đi với Thư chút nào. - Thật. Khoa bối rối: - Làm thế nào bây giờ? Tôi và Huyền đưa mắt nhìn nhau. Cuộc đùa nghịch chấm dứt được rồi. Ghét Thư nhưng cả hai chị em tôi đều không muốn làm Khoa thất vọng, Huyền vênh mặt: - Anh muốn chị Ngọc đi với anh? Khoa vội vã: - Đã đành là muốn. - Anh phải nói khó với em. Khoa ngẩn người: - Hôm nay Huyền có quyền lắm nhỉ? Huyền gật: - Lúc nào chẳng có quyền. Anh muốn gì chị Ngọc, phải có sự bằng lòng của em mới được. - Nghĩa là phải xin phép Huyền. Huyền lại gật, dõng dạc: - Đúng như vậy. Tới đây cả Huyền và tôi cùng bật cười. Biết chúng tôi đùa, Khoa mừng rỡ, cũng lớn tiếng cười theo. Sự vui vẻ của ba chúng tôi không được Thư hưởng ứng. Cặp môi mím chặt cái nhìn tức tối Thư ngồi yên, ngó chúng tôi trừng trừng. Thư chỉ hợp với những nơi chốn khác. Quán Nhớ không phải là nơi lui tới của Thư. Quán chẳng đón chào người. Người tới quán, lạc lõng. Vẫn là một phố cao. Vẫn một phố thấp. Hai con đường không bao giờ gặp nhau. Trời bên ngoài sáng hơn. Tôi không nghe thấy tiếng mưa nữa. Có lẽ trận mưa đã ngớt. Đúng lên nói với Khoa: - Anh chờ em một lát. Khoa theo tôi đi vào nhà trong, Khoa ôm lấy tôi. Tôi để cho Khoa hôn, rồi đẩy nhẹ Khoa ra: - Coi chừng. Khoa hỏi: - Coi chừng gì? - Cẩn thận kẻo em gái anh nhìn thấy. - Mặc cho nó thấy. Tôi cười, sua tay: - Đâu có được. Em phải đứng đắn. Cô em gái anh xem chừng đã coi thường cái quán Nhớ này lắm rồi đó. Liền với câu nói, một sự tức giận bất chợt xâm chiếm. Đầu óc tôi nóng bừng. Tôi quắc mắt, dằn mạnh từng tiếng: - Bận sau, anh đừng đưa cô em gái đài các của anh tới quán hàng này nữa. Khoa nắm vội lấy tay tôi: - Nó còn trẻ, chưa hiểu gì. Thái độ bề ngoài đó thôi, chứ nó cũng không đến nỗi xấu xa độc ác lắm đâu. Rồi Ngọc sẽ thấy. Tôi cười nhạt: - Để coi. Khoa xoay người tôi cho đối diện với Khoa. Cho hai chúng tôi phải nhìn nhau, giọng Khoa bất chợt thay đổi, nghiêm trọng: - Anh yêu Ngọc. Yêu chân thành. Như thế chưa đủ sao? Tôi lắc đầu: - Chúng mình vẫn còn phải sống với những người khác. - Ai chẳng hạn. - Thư, Huyền. Đó anh coi, em gái anh đã bằng lòng em đâu. - Rồi nó phải bằng lòng. Khoa khẩn khoản: - Em cũng nên nhẫn nại với nó một chút. Vì anh. Tôi chải qua mái tóc. Khoác cái áo len mặc hàng ngày lên người, sửa soạn đi ra. Tôi kéo tay Khoa: - Đi anh. Khoa ngập ngừng một giây rồi hỏi: - Em không đeo chuỗi ngọc? Qùa tặng Giáng sinh Khoa mua về từ Sàigòn cho tôi đó. Một chuỗi ngọc ba mươi sáu hạt. Nước ngọc thật đẹp. Mịn màng. Trong suốt. Nhưng, như mọi đồ tặng của Khoa, tôi nhận chuỗi ngọc, nói cám ơn rồi cất đi. Người ta nói một trăm người đàn bà mê nữ trang cả một trăm người. Mê đến bán thân. Mê đến mất ngủ. Tôi là con đàn bà một trăm lẻ một. Con đàn bà quái gở này rửng rưng với ngọc, coi thường kim cương. Chỉ thấy những thứ quý giá và làm đẹp ấy là những cồng kềnh, vướng bận. Qùa tặng thật gần là chuỗi ngọc, tôi đã quên hẳn nó. Nó nằm đâu đó, trong căn phòng này, trong một ngăn kéo tối thẳm. Tôi cười: - Không. Khoa gặng: - Sao vậy? Tôi nói chữa: - Để một dịp khác, long trọng hơn. Chúng mình chỉ đi chơi loanh quanh rồi về thôi mà. Khoa lắc đầu: - Không phải là đi chơi loanh quanh. Hôm nay, anh muốn giới thiệu em với một vài người trong gia đình anh. À, Khoa đang đốt cháy giai đoạn. Khoa đang muốn kéo tôi đi tới. Chiều Khoa là đám cưới được tổ chức vào tháng tới không chừng Điều tôi ghét thậm tệ là bị xô đẩy. Dù trong cả những sự việc mình yêu thích và muốn thực hiện. Tôi nghiêm mặt: - Giới thiệu với ai/ Khoa cười: - Lát nữa sẽ biết. Tôi quắt mắt: - Anh không nghĩ anh phải nói cho em biết trước, hỏi em có bằng lòng không đã? Khoa ngẩn người: - Tức là em không bằng lòng? Tôi gật, thong thả từng tiếng một: - Đúng. Khi nào bằng lòng em sẽ nói. Khoa thở dài, không dám nhắc đến chuỗi ngọc, không dám nói đến chuyện giới thiệu tôi với gia đình Khoa nữa. Lần đầu tiên, tôi tỏ rõ cho Khoa biết về sự bướng bỉnh và cái tinh thần độc lập của mình. Thế là làm Khoa buồn. Nhưng thế là hơn. Sau này, khi đã chung sống với nhau, Khoa sẽ còn nhiều dịp phải chịu đựng. Chịu đựng ngay từ bây giờ cho quen dần đi là vừa. Chúng tôi đi ra. Khoa đưa xe hơi tới, nhưng chiếc xe được để lại trước cửa quán Nhớ. Tôi ở giữa, hai anh em Khoa hai bên, chúng tôi lững thững đi bộ ra ngoài đường lớn. Sương đã tan hẳn. Những đám mây trắng sốp kéo nhanh trên nền trời. Giữa những đám mây, da trời hiện ra từng phiến xanh biếc. Chưa có nắng. Nhưng chỉ một lát nữa thôi, sẽ có nắng. Sau mấy ngày mưa phùn liên miên, Pleiku trong một đẹp trời bất chợt, tự nó như đã tỏa ra một thứ nắng riêng, làm cho cảnh tượng sáng bừng lên. Hai bên đường, những cửa tiệm đã mở cửa. Pleiku ấm dần. Đông dần. Vui dần. Tôi nghe thoáng thấy một tiếng máy bay, phía phi trường Cù Hanh. Phi cơ lên từ Sàigòn đã tới. Đang sửa soạn đáp xuống. Tiếng máy bay mất đi. Chúng tôi đã ra tới đường Hoàng Diệu. Tôi bước từng bước bình tĩnh và quay sang, tôi mỉm cười với Khoa. Sau mấy phút căng thẳng, tôi đã tìm lại được với Khoa bầu không khí chúng tôi vẫn tạo được cho nhau. Bầu không khí đó đem lại cho tôi một cảm giác yên tâm và thư thái. Tới một ngã tư. Mọi người ngừng lại. Khoa hỏi: - Đi đâu bây giờ? Tôi quay nhìn Thư, hỏi ý kiến. Thư mím môi, nín thinh. Từ lúc rời khỏi quán Nhớ, đã đi chung với tôi một đoạn đường khá dài, Thư vẫn giữ mãi một thái độ cách biệt. Thư nhìn thẳng, toàn thân cứng nhắc, lạnh lùng như một tảng băng. - Anh Khoa hỏi chúng mình. Thư đành trả lời, vẫn nhìn thẳng: - Tùy. Đi đâu cũng được. Khoa bấm nhẹ vào cánh tay tôi: - Ngọc, có ý kiến gì không? Tôi chợt nhớ tới Dã Thụy. Tới túp lều nhỏ trong căn vườn hoang, với những bức họa lăn lóc trong một căn phòng trống trải. Mấy hôm nay, Thụy không tới quán. Chẳng hiểu Thụy có về Qui Nhơn như Nhạc nói hay không. Tôi nghĩ Thụy chỉ nói vậy thôi, chứ chẳng đi đâu hết, vẫn ở túp lều nhỏ. Đến thăm bất ngờ, chắc Thụy mừng lắm. - Em muốn đến thăm anh Thụy. Khoa hỏi em gái: - Thư gặp anh Thụy lần nào chưa nhỉ? - Chưa. Khoa gật gù: - Nên gặp lắm. Ít nhất cũng một lần. Đồng ý với Ngọc là chúng mình đến Dã Thụy. Nhưng đường hơi xa đấy nhé. Hai người ở đây đi, tôi về quán Nhớ lấy xe rồi quay trở lại. Khoa lên một chiếc xe lam, trở lại quán Nhớ. Tôi và Thư đứng ngỡ ngàng một phút trên hè đường. Bỗng có tiếng gọi lớn: - Ngọc, đi đâu đấy? Người gọi tôi là Lan. Như tôi, Lan cũng mở một quán cà phê. Khác với quán Nhớ, quán cà phê của Lan khai trương, đóng cửa rồi mở lại không biết bao nhiêu lần. Ngày khai trương Lan gởi giấy mời, tôi và Huyền có tới. Quán của Lan tên là quán Thu Vàng. Một căn phòng khá rộng. Trang hoàng cầu kỳ, mỹ thuật. Hôm khai trương, Lan mời một ban kích động nhạc từ Sàigòn lên. Có mở champagne và khiêu vũ nữa. Nhưng quán Thu Vàng không có khách. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao. Mãi sau này, Thập và Nhạc mới cho tôi biết tại sao quán cà phê của Lan phải đóng cửa nhiều lần. Đó là tại vì Lan vắng mặt ở quán thường, phó mặc quán cho mấy chú nhỏ người làm lười biếng. Lan có một người tình ở Sàigòn. Thường bỏ quán về Sàigòn là vì vậy. Tôi trả lời: - Đứng đây chờ anh Khoa. Lan cười: - Thấy anh chị từ đằng xa rồi. Du dương và đẹp đôi lắm. Kia là cô em gái anh Khoa phải không? Chờ anh Khoa thì vào đây một lát đã. Lúc tôi kéo tay Thư theo Lan vào quán cũng là lúc tôi nhìn thấy người đàn ông.