Cứ theo lời ngài Xarô quý mến, đảng viên đảng cấp tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, thì ngài là người cha hiền của dân bản xứ, ngài rất quý mến người An Nam và được người An Nam quý mến lại.
Để nhồi nhét văn minh "Đại Pháp" cho người An Nam, ngài Xarô, người trùm của sự nghiệp đó đã không từ một thủ đoạn nào, kể cả những thủ đoạn bỉ ổi nhất và những tội ác. Đây, một chứng cớ: đó là bức thư mà ngài đã gửi cho những người thuộc quyền ngài, với tư cách là toàn quyền Đông Dương và nhằm vơ vét cho đầy túi tham của bọn kẻ cướp thực dân và cả của ngài nữa:
"Kính gửi ông công sứ, "Tôi trân trọng yêu cầu ông vui lòng giúp đỡ những cố gắng của nha thương chính trong việc đặt thêm đại lý bán lẻ thuốc phiện và rượu, theo chỉ thị của ông tổng giám đốc nha thương chính Đông Dương. "Để tiến hành việc đó, tôi xin gửi ông một bản danh sách những đại lý cần đặt trong các xã đã kê tên; phần lớn các xã này, tới nay, vẫn hoàn toàn chưa có rượu và thuốc phiện. "Qua các tỉnh trưởng và các xã trưởng Cao Miên, ông có thể dùng ảnh hưởng to tát của ông để làm cho một số tiểu thương người bản xứ thấy rằng buôn thêm rượu và thuốc phiện là rất có lợi. "Về phần chúng tôi, thì những viên chức lưu động trong khi đi kinh lý sẽ tìm cách đặt đại lý, trừ phi ông muốn họ đợi ông tranh thủ được sự giúp đỡ của các quan chức địa phương trước đã. Trong trường hợp này, tôi đề nghị ông vui lòng báo cáo cho tôi biết. "Chúng ta chỉ có thể đạt kết quả mỹ mãn, nếu chúng ta hợp đồng với nhau chặt chẽ và liên tục, vì lợi ích tối cao của ngân khố". "Ký tên: Anbe Xarô" Lúc ấy, cứ một nghìn làng thì có đến một nghìn năm trăm đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện. Nhưng cũng trong số một nghìn làng đó lại chỉ có vẻn vẹn mười trường học.
Trước khi có bức thư quý hoá trên, hằng năm người ta cũng đã tọng từ 23 đến 24 triệu lít rượu cho 12 triệu người bản xứ, kể cả đàn bà và trẻ con.
°
*
"Nói đến các món độc quyền, người ta có thể hình dung Đông Dương như một con nai béo mập bị trói chặt và đương hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no".
Trong số người có cổ phần trong công ty độc quyền rượu, có các nhân vật cao quý nhất ở Đông Dương và tất cả các ngành cai trị đều có đại diện tai to mặt lớn trong ấy. Phần đông các quan lớn này đều rất có ích cho công ty, không ai chối cãi được:
Ngành tư pháp, có ích để giải quyết những vụ lôi thôi với những kẻ mà người ta muốn cưỡng bức, có:
2 chưởng lý;
1 biện lý;
1 lục sự - chưởng khế.
Ngành quân đội, có ích để đàn áp một cuộc nổi loạn mà người ta tính là có thể xảy ra do chỉ riêng cái việc thi hành chế độ độc quyền béo bở, có:
1 thiếu tướng;
1 trung tá;
2 quân y sĩ cao cấp;
1 thiếu tá;
2 đại uý.
Ngành hành chính mà sự ân cần vô tư là điều đảm bảo nhất cho việc kinh doanh thành công, thì có:
1 công sứ;
1 giám đốc tài chính;
1 tổng giám đốc ngân khố;
1 thanh tra bưu chính;
1 giám đốc trước bạ;
1 quan cai trị;
2 giáo sư, v.v..
Và cuối cùng là: ngài Clêmăngten đáng kính, nghị viên hạt Puyđơ - Đôm.
°
*
Trong hội chợ triển lãm thuộc địa ở Mácxây, ông Xarô lớn tiếng ba hoa: "Nước Pháp hãy nhìn vào đây và lấy đó làm tự hào!". Mà quả thế thật. Những anh lạc đà Tuynidi thản nhiên đứng ngáp bên cạnh mấy chú cá sấu oai vệ của Tây Phi và những anh chàng cá sấu[1] đáng yêu của Mađagátxca chuyện trò thân mật với các ả bò cái mỹ miều của Đông Dương. Chưa bao giờ lại có một sự hoà hợp tuyệt diệu đến thế, và trước sự xâm nhập hoà bình của các loài thú thuộc địa, chị cá trích trong huyền thoại của Hải cảng cũ nở nụ cười duyên dáng của một bà chủ nhà mến khách.
Người đi xem nhìn một cách rất thích thú chiếc trường kỷ lịch sử của một vị toàn quyền nọ, thanh gươm của viên công sứ Đáclơ từng dùng để đâm vào đùi tù nhân Bắc Kỳ và cây đuốc mà viên quan cai trị Bruye đã dùng để thui sống hơn 200 thổ dân Huátxa[2]
Gian hàng Camơrun được đặc biệt chú ý. Ở đấy có tấm bảng đề mấy dòng chữ yêu nước sau đây:
"Trước kia người Đức nhập vào xứ Camơrun rất nhiều rượu.
"Ngày nay người Pháp lại cấm rượu".
Nhưng, một bàn tay ranh mãnh nào đó đã dán ngay vào dưới tấm bảng bức thư của ngài Xarô chỉ thị cho người thuộc quyền ngài tăng số đại lý bán lẻ rượu và thuốc phiện ở các làng An Nam, kèm theo lời phê:
"Thế mà người An Nam lại đã có: những 10 trường học, những 1.500 đại lý rượu và thuốc phiện cho 1.000 làng kia đấy!".
Đây là một sự kiện đầy ý nghĩa của một viên chức đứng đầu tỉnh Sơn Tây, một tỉnh ở Bắc Kỳ.
Số dân tỉnh này ước tính chỉ độ 200.000 người. Nhưng để nâng số lượng rượu phải tiêu thụ lên, số dân ấy bỗng nhiên tăng vọt nhanh như chớp tới 230.000 người. Nhưng vì 230.000 dân này uống quá ít, viên công sứ Sơn Tây đã ra công một năm đẩy số lượng rượu tiêu thụ lên 560.000 lít.
Ngay lập tức, viên công sứ được thăng cấp và được khen.
Ông đờ C... khẳng định rằng một viên công sứ khác đã đưa ông xem một bức thư của cấp trên, trong đó có đoạn viết: "Số rượu tiêu thụ trong phủ X, đã tụt xuống dưới con số Z, cho mỗi dân đinh. Vậy ông có nghĩ rằng cần phải có biện pháp làm gương không?". Viên công sứ bị cảnh cáo gián tiếp như thế bèn đòi tổng lý trong phủ ấy đến hiểu thị rằng sở dĩ họ tiêu thụ ít rượu đến như thế là vì họ nấu rượu lậu. Để được yên chuyện, các làng liền mua ngay số rượu quy định chiểu theo dân số mà sự tính toán của các phòng giấy bắt họ phải chịu.
Rõ ràng là người ta đã ấn định trên thực tế - nếu không phải bằng cách hợp pháp - mức rượu mà mỗi người bản xứ buộc phải uống hằng năm. Và khi nói mỗi người bản xứ thì cũng đừng tưởng đó chỉ là người đứng tuổi mà là toàn bộ dân số, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em, cả đến đứa còn bú mẹ. Như thế là buộc thân nhân của họ phải uống thay, không phải chỉ một lít mà hai, ba lít.
Dân một làng Bắc Kỳ, buộc phải uống rượu, thấy trước nguy cơ đe doạ ấy, đã kêu với viên quan người Pháp "của họ" rằng:
"Ngay đến cái ăn, chúng tôi cũng không có gì cả". Quan đáp: "Chúng mày quen ngày ba bữa, bây giờ bớt đi một bữa, hay nếu cần thì bớt đi một bữa rưỡi để có thể mua rượu của nhà nước".
Trước đây, người bản xứ quen mua rượu từng ít một; họ mang chai lọ thế nào cho vừa thì thôi. Nay thì người ta đóng rượu vào chai sẵn. Rượu chỉ bán trong chai nửa lít hay một lít. Người An Nam quen dùng rượu từ 20 đến 22 độ; ngày nay người ta bắt họ dùng rượu từ 40 đến 45 độ. Họ quen dùng loại rượu có mùi vị thơm dịu do chất lượng của những nguyên liệu mà họ vẫn dùng; trong số nguyên liệu này có thứ gạo thuộc vào loại ngon nhất. Còn thứ rượu mà nay người ta buộc họ phải uống lại cất bằng thứ gạo rẻ tiền, pha thêm chất hoá học, có mùi vị nồng nặc khó chịu.
Bọn chủ độc quyền còn ra thông tư bắt nhân viên của chúng pha thêm nước lã vào rượu đem bán; cứ mỗi héctôlít rượu pha thêm 8 lít nước lã.
Như thế, tính trên toàn cõi Đông Dương mỗi ngày cứ bán 500 héctôlít rượu thì có 4.000 lít nước lã pha thêm vào; 4.000 lít, mỗi lít giá ba hào, thành 1.200 đồng một ngày, 36.000 đồng một tháng. Như thế chỉ cần mở vòi nước lã không thôi, mỗi năm công ty cũng thu được một món lãi nho nhỏ 432.000 đồng, hay 4 triệu phrăng.
Xem thế, đủ biết thứ rượu mà bọn độc quyền cất và đem bán ở Đông Dương là không hợp với khẩu vị của người bản xứ về độ cũng như về mùi vị, cho nên người ta phải cưỡng bức họ mua.
Vì bắt buộc phải trả những khoản chi tiêu thường xuyên, phải trang trải những món kinh phí ngày càng tăng của phủ toàn quyền, của những trái khoản lớn, của những công trình kiến thiết quân sự và phải đặt ra - nếu không phải là những chức vụ thực sự- thì ít ra cũng là những khoản lương cho một đám đông công chức từ Pari gán sang, cho nên Chính phủ đã tìm mọi cách thúc đẩy các viên chức, từ công sứ đến nhân viên hạng bét, phải làm tăng mức tiêu thụ rượu lên.
Chú thích 1) Tác giả dùng chữ crocodile, caiman, chúng tôi tạm dịch là cá sấu cả. 2) Houassas. Tên một bộ tộc ở châu Phi.