Chúng tôi bắt đầu dịch tập kịch Lôi Vũ của Tào Ngu từ năm 1943. Bản dịch đầu tiên, căn cứ vào bản in chữ Hán, do nhà Văn hoá sinh hoạt xuất bản xã (Thượng Hải) phát hành vào khoảng 1936, đã được liên tục đăng trên tạp chí Thanh Nghị (1943 - 44) từ số 77 đến số 99. Năm 1945 chúng tôi đã chỉnh lý lại bản dịch đó, và cho in thành sách với một bài giới thiệu sơ lược. (Nhà in Đại Chúng Hà Nội xuất bản, in lần thứ nhất tháng 6 năm 1946). Mấy tuần lễ trước ngày Toàn quốc Kháng chiến, ban kịch Hoa Lan đã đem bản dịch này, trừ hai màn tự mạc(1)(màn tựa) và vĩ thanh (màn kèm đằng sau) dựng lên sân khấu Nhà hát Thành phố. ấy là chính giữa lúc đội quân viễn chinh Pháp bắt đầu ra mặt khiêu khích ngay cả ở Hà Nội. Tình hình chính trị hết sức găng. Tuy vậy, trong mấy đêm liền, công chúng Thủ đô vẫn chen chúc tới xem, hoan nghênh sự cố gắng của ban kịch như một thành công vẻ vang trong công trình giới thiệu kịch nói Trung Quốc lên sân khấu Việt Nam. Nghệ thuật viết kịch của Tào Ngu đã chuốc được sự đồng tình rộng rãi và sâu sắc trong các giới yêu kịch ở Việt Nam. Chính vì vậy mà trong thời gian kháng chiến, sau khi đã tiếp tục dịch xong bản dịch lớn thứ hai của Tào Ngu, tập Nhật xuất (Mặt trời mọc), chúng tôi vẫn ao ước có dịp đọc lại và sửa chữa một lần nữa bản dịch Lôi Vũ trước đây, để trình bày thêm cùng bạn đọc nước ta một ít nhận xét về lối viết của nhà kịch sĩ nổi tiếng ở nước bạn Trung Quốc hiện nay. Sau ngày hoà bình lập lại, chúng tôi lại có dịp may mắn tham gia vào Đoàn nhà văn nhà báo Việt Nam qua thăm Trung Quốc vào khoảng cuối năm 1955. Trong mấy tuần lễ ở Bắc Kinh, chúng tôi đã được gặp đồng chí Tào Ngu trong nhiều buổi toạ đàm. Chúng tôi đã ghi lại một vài ký ức về cuộc gặp gỡ lần ấy(2). Đồng chí Tào Ngu lại có nhã ý tặng chúng tôi một bản Tào Ngu kịch bản tuyển trong đó có ba bản kịch Lôi Vũ, Nhật xuất và Bắc Kinh nhân vừa chữa lại sau ngày Chiến tranh giải phóngthành công và do Nhân dân văn học xuất bản xã phát hành (in lần thứ nhất, tại Bắc Kinh, tháng 6 năm 1954). Bản dịch Lôi Vũ in lại lần này là căn cứ theo bản kịch trong tuyển tập trên để sửa chữa lại.
°
Trong bài giới thiệu bản dịch in lần thứ nhất trước đây, - viết ngày tháng 6 năm 1945, - chúng tôi đã có dịp nói đến quan niệm của chúng tôi về vấn đề dịch kịch ngoại quốc ra Việt văn, và mấy nhận định sơ bộ về bối cảnh xã hội của Lôi Vũ cùng với một vài ý nghĩ về kết cấu của bản kịch. Dưới đây, chúng tôi sẽ không nhắc lại những điều đã viết ra hồi đó, tuy chúng tôi vẫn cảm thấy rằng bấy nhiêu ý kiến, - đặc biệt là vấn đề nghệ thuật viết kịch của Tào Ngu - đáng lý ra cũng nên được trình bày lại cho kỹ lưỡng, sâu sắc hơn. Chúng tôi sẽ chỉ nêu rõ ý nghĩa hiện thực của tập kịch trong hình thái hiện nay của tác phẩm vừa được chỉnh lý lại. Cũng là một dịp để đính chính cùng bạn đọc, cùng các bạn thích nghiên cứu kịch, thích diễn kịch, một số quan niệm không chính xác trong khi nhận định về tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Điều mà mọi người đều thấy là kịch Lôi Vũ sau lúc chữa lại lần này đã ngắn hơn mấy bản in lần trước rất nhiều. Lần này tác giả đã cắt hẳn hai màn tự mạc và vĩ thanh, không cho in vào trong tập kịch nữa. Ngoài ra trong bốn màn chính còn giữ lại, Tào Ngu không hề viết thêm, mà chỉ ra công tỉa bớt, không những một vài chữ, hai ba câu, mà có khi cả một đoạn đối thoại dài đến hàng trang giấy. Nếu như những đoạn cắt xén đó hoàn toàn chỉ là những lời rườm rà, thừa thãi mà trước đây, trong nguyên bản, tác giả vì thiếu thì giờ, nên đã theo cảm hứng mà dốc nó xuống nơi mặt giấy, thì chúng ta cũng không cần suy nghĩ gì nhiều về việc "cắt dứt tình yêu" - cát ái - của tác giả với văn chương ngày trước của mình. Nhưng sự thực không phải thế. Tào Ngu là một người luôn luôn làm chủ ngòi bút của mình. Đọc lại bản in lần thứ nhất, ta thấy sáng tác của Tào Ngu đã là một công trình cân nhắc kỹ lưỡng từ sự lựa chọn đề tài, bố trí cảnh vật, cho đến công phu xây dựng nhân cách, lời nói, động tác từng màn, từng cảnh, từng đoạn lạc. Cho nên trong lúc so sánh kịch bản hiện nay với bản nguyên văn xuất bản cách đây đã hơn hai mươi năm, chúng tôi tưởng cũng nên nêu lên đây những lý do đã quyết định hướng sửa chữa của tác giả. Trong kịch nói Trung Quốc mấy mươi lăm năm gần đây, kể từ ngày Ngũ Tứ vận động, Lôi Vũ là một thành công vẻ vang. Nếu ta nhớ rằng Tào Ngu viết xong bản kịch này vào lúc mới hai mươi ba tuổi, thì ta thấy ngay rằng: một người thanh niên nếu không có thiên tài thì nhất định không thể sản xuất được một tác phẩm có một nội dung sinh động và một nghệ thuật chắc chắn như vậy. Tuy vậy, tác phẩm đầu lòng của nhà kịch sĩ cũng không phải là tuyệt không có một tì vết nào. Một điều mà người ta vẫn phàn nàn là tập kịch thiệt tình quá dài. Chính tác giả, trong bài tựa đề đầu bản in lần thứ nhất cũng đã nói: "Vở kịch Lôi Vũ quả tình đòi hỏi quá nhiều thì giờ. Bỏ bớt đầu và đuôi đi rồi, cũng vẫn phải diễn đến hơn bốn tiếng đồng hồ!". Rằng khuyết điểm thì đấy cũng là một khuyết điểm khá lớn. Một bản kịch viết ra trước hết là để đem trình bày trên sân khấu, không phải để cho người ta ngồi trên chiếc ghế dựa mà đọc và suy nghĩ trên từng câu từng chữ. Đối với công chúng khán giả,ngày nay một bản kịch diễn đến ba giờ đồng hồ cũng đã là dài lắm rồi. Bởi vậy, một tác dụng rõ rệt của công tác chỉnh lý lần này là, tỉa xén bớt đi như vậy, tác giả đã có thể cung cấp cho sân khấu một bản kịch ngắn hơn, gọn hơn, dễ trình bày lên sân khấu hơn. Đó là một lý do. Nhưng không phải là lý do duy nhất và cũng chưa phải là lý do chính.°
Lý do chính là với công trình sửa chữa lần này đồng chí Tào Ngu đã cố gắng làm cho tập Lôi Vũ có một khí sắc mới, một ý nghĩa mới. Tào Ngu đã kiên quyết sa thải mọi phương tiện biểu hiện cầu kỳ những lối kỹ xảo chỉ phát huy những cạnh khía tiêu cực của đề tài. Tác giả đã hết sức làm cho nghệ thuật đạt được mục đích hiện thực của nó là biểu hiện thực tế xã hội Trung Hoa, bối cảnh lịch sử của tập kịch với những nét bút rõ ràng, sắc sảo, khoẻ khoắn hơn. Cũng như khá nhiều tác phẩm có một nội dung phong phú, phức tạp, và một nghệ thuật điêu luyện, bóng bẩy, giảng giải theo nhiều phương hướng. Hướng sai lầm trong sự nhận định về nội dung của bikịch Lôi Vũ lâu nay không phải là không có. Lối hiểu sai lầm khá phổ biến và khá lớn là chỉ đi tìm lý thú bản kịch trong những tình tiết ly kỳ của cốt truyện, những tâm trạng bất thường của nhân vật. Có người cho rằng kịch tính trong Lôi Vũ trước hết là xây dựng trên quan hệ không bình thường giữa nam tính và nữ tính, giữa Phồn Y với Phác Viên, với Chu Bình, giữa Phượng với Chu Bình, với Chu Xung, và ngay cả giữa Phác Viên với Thị Bình, ba mươi năm về trước. Đặt bi kịch trên cơ sở đó, người ta chỉ có thể giải thích Lôi Vũ như một pho tiểu thuyết tình có những câu chuyện bất ngờ để hấp dẫn tính hiếu kỳ của độc giả. Người ta vui lòng thưởng thức những nét kỹ xảo biểu hiện nỗi lòng hoang mang, bực dọc, đau khổ của những con người bị đay nghiến, vì hối hận với mình, vì cay đắng với cảnh ngộ. Để củng cố cho sự hiểu lệch về ý nghĩa chân thật của bản kịch, tư tưởng duy tâm sẽ hướng dẫn hứng thú thưởng thức đi vào con đường huyền bí. Lôi Vũ biến thành một tấn bi kịch của hiện tượng loạn luân, trong đó tất cả mọi người đều biến thành con mồi khốn khổ của vận mạng; và thái độ "hợp lý" của người xem kịch chỉ có thể là cúi đầu xuống mà cầu kinh, và khóc lóc, thương hại cho cái khổ vĩnh viễn, cái khổ không bờ bến của con người, của "con người thiên cổ", con người siêu giai cấp, con người trừu tượng! Tình yêu là một mối khổ. Kể cả mối tìnhyêu ngây thơ của Thị Bình thuở trước, của Phồn Y, của Chu Bình, của Phượng, của Chu Xung ngày nay. Tâm trạng của Chu Bình là bi kịch vì hối hận. Chu Phác Viên khổ sở nhưng không có gì là đáng ghét, vì đang bị đay nghiến trong lương tâm, trong những mâu thuẫn hoàn toàn bế tắc, không có lối thoát, vì đang đau đớn xám hối! Còn "cas" Phồn Y? "Cas" Phồn Y thì đã có bác sĩ Xic-mông Phơ-rớt (Sigmund Freud) giảng giải bằng học thuyết "phân tích tâm lý" với một phương pháp "tinh vi" lắm rồi. Đây chỉ là một vấn đề "bản năng tình dục" - libido - bị kìm hãm quá gay gắt cho nên mới phát tiết thành một bi kịch tâm lý đó thôi! Theo đà huyền bí của học thuyết phản động ấy, người ta nhìn nhận libido như một định mệnh, như một quy luật duy nhất của đời sống tâm lý. Phồn Y chỉ là một "cas" bệnh hoạn - một tâm trạng hystérique - khổ sở điên cuồng vì không được thoả mãn trong nhu cầu của sinh lý mà thôi! Nói tóm lại, một hướng sai lầm lớn trong sự nhận định nội dung tư tưởng của Lôi Vũ là khuynh hướng duy tâm cố ý đào sâu vào con đường nghiệp chướng, oan gia, quả báo, định mệnh, đầy màu sắc tôn giáo, hay là theo học thuyết tình dục quyết định của Freud. Cho rằng Lôi Vũ là tấn bi kịch của vận mạng, là bi kịch của một cuộc loạn luân, tìm hứng thú củabản kịch trong màu sắc huyền bí của chủ nghĩa tiền định thiệt chỉ là một lối nhận thức nông nổi và sai lầm. Đối với công chúng ngày nay, sự hiểu lầm đó chỉ có thể đưa đến chỗ làm cho chủ đề tư tưởng của tập kịch yếu hẳn đi. Nhưng xét cho cùng thì sở dĩ sự hiểu lầm đó có thể thành hình và lưu truyền khá lâu trong nhận thức của người đọc, của nhiều người đạo diễn và của các diễn viên nữa, là cũng chính vì rằng trong nguyên bản vẫn có một ít nhiều tình tiết, có những động tác, những tư thế, những lời nói chưa được đúng mức, tóm lại là có những yếu tố tiêu cực - do sự nhận thức bị hạn chế của tác giả về nhân sinh quan hồi đó gây nên - đã chuẩn bị cơ sở cho lối giải thích lệch lạc đó. Về phương diện này, hai màn Tự mạc và Vĩ thanh quả có một tác dụng nguy hiểm: nó đã gây nên một bầu không khí sặc sụa những khói hương mê tín của tôn giáo làm cho người ta phải mập mờ trong nhận thức về thực tế. Thế rồi, từ màn hai trở đi, trong miệng Thị Bình và Phượng, chữ "trời" chữ "vận mạng" lại thành hẳn một thế lực siêu đẳng, phủ kín lên trên cuộc sống con người như một đạo luật chí thượng không dung thứ một cố gắng của con người muốn chống lại bản án như gang, như thép ấy. Ngoài ra, trong các lời đối thoại giữa các nhân vật, có những nét kỹ xảo - khá chu đáo trong sự tìm tòinhưng lại có phần quá khéo léo trong khi cố gắng biểu hiện những tình tiết ly kỳ về tâm lý, về tình dục, về tình yêu. Chính vì vậy mà nó đã hé cửa cho sự hiểu lầm về tâm lý của mấy nhân vật như Xung, như Phồn Y, theo tinh thần học thuyết Freud. Cho nên vấn đề chính là cần phải nhận định lại ý nghĩa hiện thực của bản kịch, qua tính cách các nhân vật trên bối cảnh lịch sử của cốt truyện. Công trình chỉnh lý tập kịch của đồng chí Tào Ngu lần này đã có thể giúp chúng ta trong công tác nhận định lại chủ đề tư tưởng của tập kịch cho chính xác hơn.°
Bối cảnh lịch sử của bản kịch Lôi Vũ là thế nào? Tính cách của các vai chính của bản kịch là thế nào? Câu chuyện kịch xảy ra vào khoảng trước sau Ngũ tạp vận động (1925). Trong thời kỳ này, giai cấp tư sản mại bản và thế lực phong kiến đã kết hợp chặt chẽ với nhau để bôi bác vai trò lịch sử của chúng, để thoả hợp, đầu hàng với tư bản ngoại quốc và để bóc lột giai cấp vô sản trong nước. Trong lúc đó thì giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày càng lớn mạnh và đã bắt đầu đấu tranh kịch liệt để giải phóng cho bản thân mình và đồng thời cũng để giải phóng cho dân tộc. Kịch Lôi Vũ cố nhiên chưa phải là một tác phẩm phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp của thời đại. Nó chưa nhìn thấy rõ bước đường đi tới và thắng lợi lịch sử tất nhiên của giai cấp công nhân. Vả lại đó không phải là mục đích sáng tác của tác giả. Tác giả, trong bản kịch này, chỉ nhằm mục đích phản ánh một cạnh khía trong thực tế xã hội hồi bấy giờ: tấn bi kịch trong đời sống đầy tội ác của một gia đình đại biểu cho thế lực phong kiến liên kết với thế lực tư sản mại bản. Đó là chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cũng nên nhắc lại lần nữa rằng: trong phạm vi yêu cầu khá hạn chế của đề tài này, tác giả vẫn còn chưa nắm vững cái nhân tố xã hội chân chính đã tạo ra nguyên nhân căn bản của tấn "bi kịch Lôi Vũ". Nhưng điều chắc chắn là công phu chỉnh lý lần này, đã có thể làm cho tính chất hiện thực nổi bật hơn. Do đó mà sự nhận thức về tội lỗi của giai cấp áp bức, về sự tủi hổ của những con người lương thiện bị dày xéo cũng sẽ tránh khỏi những hướng lắt léo, sai lầm.
ĐẶNG THÁI MAI