Phần 2

 
II.Mai Sơn Tự Và Mai Khâu Tự
Mai sơn va Mai Khâu. Mai Sơn và Mai Khâu đều có nghĩa là gò cây Mai (hay gò Mai), nên nhiều người hoặc đã lầm tưởng hai gò này là một, hoặc đã lầm gò này với một gò kia. Thật ra, đó là hai gò khác nhau, và cả trên hai gò này đều có chùa, đó là Mai Sơn tự và Mai Khâu tự.
Mai Sơn Tự
Mai Sơn là tên một gò đất cao ở Phú Lâm, góc đường Hùng Vương (đường lục tỉnh cũ) và Nguyển Thị Nhỏ,Quận 11, Tp HCM. Xưa kia trên gò có trồng nhiều cây mai nên gọi như thế.
 
 Ở Mai Sơn trước đây có một ngôi chùa rất nổi tiếng, tên chữ là Mai Sơn Tự, cũng gọi là Mai Tự, tên nôm là chùa Cây Mai. Trên bản đồ tỉnh gia định (1815) của Trần Văn Học, chùa này được ghi bằng một cái tên nửa chữ nửa nôm là “Cây Mai Tự.” Trong bài Gia Định phú, một bài phú Nôm tập trung gần như đầy đủ các tên đất ở Gia Định, được làm trước khi quân Pháp xâm lăng, chùa Cây Mai cũng được nói tới:
Thanh tao thay hình Hoà Thượng Chùa Cây Mai. (câu 26)
Mai Sơn là một vị trí chiến lược.
 
Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Nghĩa quân từ Định Tường, Vĩnh Long tăng viện để chống lại Pháp, quân triều đình tập trung ở chùa Cây Mai và vùng quanh đó. Quân Pháp tiến đánh, nghĩa quân thua, rút về Định Tường, quân Pháp chiếm chùa Cây Mai và một số chùa khác lập thành hệ thống đồn bót. Từ đó, chùa Cây Mai trở thành nơi đóng quân của Pháp. Cảnh đẹp gò mai và thanh tịnh của chùa không còn, mà thay vào đó là cảnh huyên náo của binh lính…
 
Năm 1860, Nguyễn Tri Phương từng cầm cự với quân Pháp ở đấy trước khi rút về cố thủ đại đồn Kỳ Hòa (Phú Thọ). Và năm 1895, sau khi thành Gia Định thất thủ, quân triều đình từ Vĩnh Long và Định Tường tới đóng gần ở Mai Sơn, mưu chiếm lại thành nhưng bị quân Pháp tấn công đành phải rút lui về Vĩnh Long.
Ngày nay người ta quen gọi đồn Mai Sơn là đồn cây Mai.Và hiện thời đồn này là doanh trại quân đội. 
 
Mai Sơn là một thắng cảnh:
Năm 1847, Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản lúc còn làm Kinh lược sứ Gia Định (Nam Kỳ), vì ngưỡng mộ chùa Bạch Mai đã dựng nhà thủy tạ “Phương Đình” để thưởng thức bạch mai và ngâm vịnh mỗi năm vào dịp Tết.
Vẻ đẹp của chùa Cây Mai đã làm gợi hứng cho biết bao nhà thơ; quyển ”Đại Nam nhất thống chí” - Lục tỉnh Việt Nam - nói về chùa Cây Mai đã ghi lại bài thơ của một thi sĩ khuyết danh khi viếng thăm chùa đã vịnh cây mai:
Cửa thiền tìm viếng mai hoa,
Đường xa nghỉ ngựa, Thích Già luận chơi,
Bình trà hương ngát quyện hơi,
Bao nhiêu trần lụy, nửa đời tiêu ma.
Mùa Xuân năm Đinh Mão (1867), trước khi ba tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, Tam Nguyên Trần Bích San, một trí thức yêu nước, nhớ đến Gia Định bị giăc chiếm đóng, nhà thơ ngậm ngùi tự hỏi không biết cảnh xuân ở vùng Gia Định đã bị thất thủ, qua biểu tượng Sơn Mai, vào sáng mồng một Tết như thế nào?
Đinh Mão Thí Bút
Điểu đề hoa tiếu bán song hư,
Đế lý phong quang lạc hữu dư.
Cử mục Mai Sơn thiên lý viễn,
Kim triêu xuân sắc cánh hà như?
(Mai Nham thi thảo)
Dịch thơ:
Khai Bút Năm Đinh Mão
Hoa cười chim hót cạnh song thưa
Vui vẻ kinh vua cạnh có thừa.
Ngước mắt, Mai Sơn ngàn dặm cách,
Sáng nay xuân sắc dễ như xưa?
(Nguyễn Khuê dịch)
 
Sau khi cả sáu tỉnh Nam Kỳ mất, thì Phan Rang, Phan Thiết và Phan Rí trở thành tiền tuyến tiếp giáp với vùng đất bị giặc Pháp chiếm. Nguyễn Xuân Ôn, một sĩ phu anh hùng từng hưởng ứng hịch Cần Vương khởi nghĩa chống quân Pháp ở Nghệ Tĩnh, trong bài “Tiễn Tuần Phủ Hồ Đăng Phong chi Bình Phú Tổng đốc” (Tiễn Tuần Phủ Hồ Đăng phong đi nhậm chức Tổng đốc Bình Thuận Phú yên) đã viết về phần đất bị mất với tất cả tấm lòng ưu ái, và đã nói tới Mai Sơn như một biểu tượng của Gia Định:
 
Cần Hải, Mai Sơn cấu vị thanh,
Tam Phan tùng thử kiến bang bình.
 
Dịch nghĩa:
Biển Cần Giờ, gò Cây Mai bụi bặm chưa quét sạch,
Ba đất Phan từ nay trở thành bức bình phong của nước nhà.
Nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông cũng đã bày tỏ lòng tình thâm sâu dành cho nơi ấy:
Nhìn suốt trời Nam trận máu tanh
Mười năm đầu ngựa ngóng Mai đình.
 
Khi quân Pháp xây đồn lính ở Mai Sơn, chùa Cây Mai bị triệt hạ, dần dần chẳng còn dấu vết gì nữa ngoài một cây Bạch Mai sống sót. Tôn Thọ Tường, mà có sách cho rằng chính ông đã thành lập Thi xã Bạch Mai chính vì nơi này, về sau trở thành tay sai của Pháp, cũng không khỏi sót xa trước cảnh đổi thay:
Thơ Vịnh Chùa Cây Mai
Đau đớn cho mai cách dưới đèo,
Mười phần trong sạch phận cheo leo.
Sương in tuyết đóng, nhành thưa thớt,
Xuân đến Thu về lá quạnh hiu.
Lặng lẽ chuông quen cơn bóng xế,
Tò le kèn lạ mặt trời chiều.
Những tay rượu Thánh thi thần cũ
Trông cảnh bao nhiêu tiếc bấy nhiêu.
 
Bài thơ này đã trở thành nguyên xướng cho nhiều bài hoạ của các nhà thơ đương thời khác.
Nói thêm, chùa Cây Mai này có một ngộ nhận cần phải đính chánh. Trong Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển viết:
“Theo Trịnh Hoài Đức, Chùa Cây Mai tên chữ là “Thứu Lãnh Tự” và “Chùa Cây Mai chữ khi gọi là Mai Sơn tự khi gọi Thứu Lĩnh Tự”
…Cũng vậy, trong Gia Định xưa và nay, Huỳnh Minh viết:
 “Bên trên là một gò đất cao, là địa điểm Chùa cây Mai, mang tên là Thứu Lãnh tự.”
Sự thật thì cả 2 ông đã nhầm lẫn vì chùa Cây Mai không có tên
“Thứu Lãnh Tự”, và Trịnh Hoài Đức, trong các tác phẩm Gia Định thành thông chí cũng không dùng những câu này để mô tả nơi đây, mà chính là để nói về Mai Khâu Tự. 
 
Ảnh minh họa: hoa mù u có dáng dấp giống hoa mai vì cùng họ