Thấm thoát lại đến mùa đông. Mưa phùn giăng một màn mưa mỏng suốt mấy ngày liền. Lá vàng rải đầy đường. Cây bàng đầu hẻm lưa thưa vài chiếc lá đỏ ối trên cành, phơi thân già nua và những nhành cây trơ trụi trong giá rét. Vũ Hải kéo phermeture chiếc áo khoác ngoài, so mình ngồi trong phòng khách. Trời vẫn rả rích mưa, nước mưa tí tách gõ đều đều trên mái ngói xuống những viên sỏi trắng quanh nhà. Trong cảnh yên ắng đến nao lòng của một ngày chủ nhật mưa lạnh, Vũ Hải chán nản không muốn bước ra khỏi nhà, ngồi ngắm mưa ri và ngắm những giọt cà phê chậm rãi rơi xuống cốc. Cô em họ đã đi chợ về, một tay xách giỏ, một tay cầm chiếc dù màu sắc sặc sỡ. Bước theo sau là một người mặc áo mưa, đẩy chiếc xe gắn máy vào khỏi cổng, dựng xe bên một gốc cây, đi bộ vào nhà. Người đó bước lên thềm cởi bỏ chiếc áo mưa. Khuôn mặt cô đượm buồn, tóc trên trán lòa xòa dính nước mưa. Vũ Hải ngước mặt, tươi cười bước ra đỡ chiếc áo mưa từ tay cô gái, vắt lên móc áo. Cô im lặng, bước từng bước nặng nề, mệt mỏi ngồi xuống ghế. - Anh chờ em mãi. Sao em đến muộn vậy? - Em mệt. Cô gái uể oải đáp. Hải lăng xăng lấy một chiếc ly, rót cà phê trong ly nước trước mặt mình trao cho cô gái: - Em uống cà phê. - Không! Những phút im lặng kéo dài. Vũ Hải nhìn cô đăm đắm và khi uống xong ly cà phê, anh bước lại ngồi bên thành ghế, đưa tay choàng lên vai cô. Cô gái vẫn im lặng, không tỏ vẻ đồng tình hay phản đối. Vũ Hải hôn lên má cô, giọng rất nhỏ: - Ta xuống phòng anh. Cô gái hất tay Vũ Hải, đột ngột đứng dậy, lùi lại: - Anh Hải, hôm nay là ngày thứ tư rồi, anh hứa hôm nay... Vũ Hải vò đầu, như nhớ ra điều gì: - Ừ nhỉ, anh chưa nói với em, anh chưa mượn được dụng cụ. Hẹn em ngày mai. Hay là, hay là em xuống bệnh viện? Cô gái vẫn lạnh lùng: - Anh nói hay nhỉ. Hôm đầu anh bảo hôm sau. Hôm sau anh lần lữa bảo hôm sau nữa. Sao anh cứ nói quanh như vậy? Vũ Hải cười gượng: - Em yên tâm, trước sau gì anh cũng giúp em. Thôi, sáng mai em xuống bệnh viện. Mặt cô gái sầm lại và tiếng nấc đột ngột bật ra, giọng cô thều thào, ngắt quãng: - Xuống bệnh viện... thì em... đến đây... làm quái gì. Em đưa tiền... anh không nhận... anh cần cái quý giá của người con gái... em cũng cho luôn... vậy anh nói cho em biết... anh cần cái gì nữa? Vũ Hải bối rối, tìm mãi mới được một câu thích hợp: - Em, em đừng giận, đừng trách anh, anh muốn kéo dài thời gian bên em, bởi vì... bởi vì... anh yêu em! Cô gái tát mạnh vào mặt Hải, rít lên: - Đồ đểu. Anh đã diễn vở kịch này với bao nhiêu cô gái? Giờ anh lại diễn cả với tôi. Thà rằng anh cứ nói thẳng từ đầu để tôi đi chỗ khác. Anh đã coi tôi như con điếm không mất tiền. Mấy ngày rồi, anh nói đi! Cô gái túm áo ngực của Hải, kéo qua kéo lại. Vũ Hải mặt vẫn câng câng: - Em đừng to tiếng. Anh cũng không muốn làm vậy. Nhưng em rất đẹp và anh lại yêu em thật sự! Cô gái đổ nhào xuống ghế, tay ôm ngực, thút thít khóc. Cánh cửa buồng khách thông với buồng ông Vũ Thịnh hé mở. Ông hiện ra trước cửa với chiếc biarê đội đầu và chiếc khăn quàng cổ nửa vắt trước ngực, nửa vắt sau lưng. Ông bước ra phòng khách, nghiêm giọng: - Hải, có chuyện gì? Hải lúng túng: - Dạ, chuyện riêng của con bố ạ. Ông đứng lặng, ng ngác nhìn cô gái, tay run run đỡ cô gái đứng dậy. Nhưng cô một mực từ chối, lắc qua lắc lại, mái đầu rũ rượi. Ông nhìn Hải bằng cặp mắt giận dữ nhưng ông cố trấn tĩnh, lặng lẽ bước vào phòng mình, khép cửa lại. Cô gái thất vọng, bước đi không để ý đến lời hứa như đinh đống cột của Vũ Hải “Chiều mai em lại đây. Anh thề danh dự!” Cô bước từng bước nặng nề không chú ý Vũ Hải cúi mặt sau lưng. Hải quay vào, ông Vũ Thịnh đã hiện ra trước khung cửa. Mặt ông sạm lại, tay run run chỉ vào chiếc ghế salon, bảo Vũ Hải: - Con ngồi xuống. Bố muốn nói chuyện với con! Hải miễn cưỡng ngồi xuống, không dám nhìn bố. Ông Thịnh giọng lặp bặp run run vì giận dữ: - Con nói... cho bố biết... cô gái... lúc nãy... là ai? Vũ Hải không trả lời, hai tay vò tóc. Ông Thịnh quát lên: - Là ai...? - Là bạn gái con! Ông đập tay mạnh lên bàn: - Nói dối. Anh tưởng anh làm gì trong ngôi nhà này mà tôi không biết! Vũ Hải nhếch mép cười khểnh. Ông Thịnh nhìn bộ mặt nhâng nháo của thằng con mà ông hết sức cưng chiều, giọng lạc đi: - Mày là một thằng vô liêm sỉ. Mày có còn là một thầy thuốc nữa không? Có còn là con người nữa không? Vũ Hải mắt ngầu đỏ, lừ đừ tiến đến trước mặt ông, khẽ lắc đầu, giọng mỉa mai: - Thưa bố, bố đừng làm ầm lên như vậy. Trước lúc bố mắng con, bố hãy sờ lại gáy mình, bố đã thật trong sạch để răn dạy những kẻ d bẩn như con chưa? Hay bố cũng như con! Hải bước đến bên tượng Hippocrate, mắt ngầu lên, đột ngột cầm bức tượng trên tay: - Và cả cái ông này nữa. Tại sao bố cứ khư khư giữ lời thề với hắn...? Hải ném bức tượng xuống nền nhà. Bức tượng bằng thạch cao vỡ thành nhiều mảnh. Ông Vũ Thịnh điếng người, không tin ở tai mắt mình. Hai chân ông muốn quỵ xuống. Ông lê bước đến trước mặt con mình, dồn bực tức vào bàn tay còm nhom, gân guốc, tát mạnh vào mặt Hải: - Sao mày dám xúc phạm đến ông tổ của y học? Mày nói ai nhơ bẩn hả thằng mất dạy? - Con nói bố! Vũ Hải xô ghế băng vào phòng bên, nơi đặt bàn thờ bà Vũ Thịnh, thắp một nén nhang, giàn dụa nước mắt: - Mẹ ơi, mẹ mất đi, mẹ có biết rằng có một ngày bố đưa đĩ về nhà, đưa cái đứa không bằng tuổi con mình về ăn ngủ trên giường ngày xưa của mẹ không...? Ông Vũ Thịnh đã hiểu ra toàn bộ câu chuyện, rùng mình nghẹt thở. Người ông lạnh toát, gai ốc nổi đầy mình. Mắt ông tối sầm, ngực ông đau nhói, ông lê bước vào phòng làm việc của mình. Cháu gái đã chuẩn bị xong bữa tối từ lâu mà không ai xuống ăn. Chuông đồng hồ trên tường điểm bảy tiếng, cô vội bước lên nhà trên, ghé vào cửa sổ gọi với: - Con mời bác xuống ăn cơm. Nguội hết cả rồi! - Con ăn đi, bác hơi mệt. Anh Hải đâu? - Anh Hải ở ngoài quán rượu. Tối đó ông Vũ Thịnh bỏ cơm. Trong phòng đọc sách của ông, đèn bật sáng. Những quyển giá trên giá xếp ngay ngắn, thứ tự, gáy sách màu nâu, chữ mạ vàng, ông quen thuộc chúng đến mức có thể nhắm mắt rút bất cứ quyển nào ông muốn. Trên bàn làm việc, quyển Pathologie Medical mở tung với hòn sỏi bằng nắm tay đè giữa trang sách. Ngọn đèn gù soi xuống bàn một vùng ánh sáng màu vàng. Hộp bút bi đủ màu vẫn xếp cạnh chiếc gạt tàn thuốc từ lâu không có mẩu thuốc nào. Tất cả với ông đều rất quen thuộc. Đêm nay, sau một cơn đau đớn về tinh thần chưa từng gặp trong đời, ông dửng dưng trong căn phòng làm việc của mình như lạc vào một nơi xa lạ. Ông bước sang phòng ngủ. Chiếc giường kiểu cũ với những chiếc lò xo đã rão, tấm đệm cũ, chiếc giường băng giá gần mười năm nay từ khi bà Thịnh qua đời. Ông nhìn lên tấm ảnh đen trắng của ông và bà thời còn trẻ lồng trong khung kính. Tấm nh nhiều chỗ ố vàng, nhiều chỗ đã bong thuốc. Ông ôm tấm ảnh vào lòng hồi lâu rồi đặt lại trên bàn và nhìn ngắm không chán mắt. Trong căn phòng này, ông bà đã gắn bó, vui buồn có nhau. Ông trở lại phòng làm việc của mình, dừng lại trước bức tượng Hippocrate đã vỡ, nằm ngổn ngang trên nền nhà. Một mảnh to nhất còn lại con mắt của ông tổ y học. Ông Thịnh cầm lên. Con mắt ấy nghiêm nghị nhìn ông. Bên tai ông vang lên lời thề và những cánh tay nhất loạt đưa lên đồng thanh “Xin thề!”. Mấy chục năm hành nghề, ông Vũ Thịnh coi lời thề ấy là một phép đối nhân xử thế của mình trong nghề nghiệp. Có thể có những người phản bội điều mình đã hứa, riêng ông, đến giờ phút này ông vẫn giữ trọn. Ông không ân hận với y nghiệp của mình suốt mấy chục năm qua. Gió lạnh lùa qua cửa sổ. Bên ngoài, một màu đen của cây cỏ chìm trong mưa lạnh. Tiếng mưa rả rích rơi trên cành lá. Ông Vũ Thịnh mở ngăn tủ, lấy ra một chai rượu ông đã uống quá nửa. Chai rượu của một người học trò tặng, ông chỉ nhấm nháp vào những lúc buồn. Đêm nay, ông lại tìm đến nó. Cuộc xung đột giữa bố con ông, ông lường trước, sẽ xảy ra. Đáng lẽ, ông đã ngăn chặn những hành vi trái với y đức từ khi con ông phạm những sai lầm nhỏ nhất. Ông cứ trù trừ, bản tính cả nể vốn có - cả nể ngay cả với con mình - đã làm cho lỗi lầm của con ông ngày một lớn dần, đến khi ông đưa ra quyết định ngăn chặn thì đã muộn. Ông không trách con ông. Ông tự trách mình quá nuông chiều, quá nhu nhược. Vị rượu thấm vào ông, chạy khắp người, ông cảm thấy muốn nói, nói điều gì đó với mình. Ông lẩm nhẩm. Cuối cùng, ông nhẩm đọc lời thề Hippocrate. Ông sửa lại cổ áo, đứng ngay ngắn trước những mảnh vỡ của bức tượng, uống thêm một ly rượu, dõng dạc đọc “Trước anh linh của vị thủy tổ y học, người đã suốt đời tận tụy vì người bệnh, tôi xin thề: “Săn sóc miễn phí cho người nghèo và không bao giờ đòi hỏi một thù lao quá đáng với việc mình làm... xin thề... xin thề... xin thề...!” Tiếng ông Vũ Thịnh vang lên, rồi tắt dần trong tiếng mưa. Ông uống thêm ly nữa, ly nữa đến hết cả chai rượu. Ông lảo đảo bước đến bên cửa sổ. Mặt ông nóng bừng. Gió ngoài cửa sổ thổi vào làm ông rùng mình. Ông đóng chặt cửa, chuếnh choáng bước đi rồi lại loạng choạng gục ngã ngay bên mảnh vỡ của tượng Hippocrate. Sáng đã lâu rồi. Trong phòng ăn, Vũ Hải đã ăn xong bữa sáng đang ngồi uống cà phê. Thường ngày, ông Thịnh dậy sớm, chạy ra hồ tập dưỡng sinh với các cụ già. Gần đây, ông mệt mỏi không chạy nữa nhưng vẫn giữ thói quen dậy sớm của người già. Co em họ đang rót nước sôi vào phích, nói vọng sang phía Vũ Hải: - Anh Hải ạ. Thật oan cho bác quá. Hôm qua em đã nghe hết câu chuyện giữa anh và bác. Thật oan cho bác quá! Vũ Hải đặt ly cà phê xuống bàn, lắng tai nghe, linh cảm một điều gì đó không lành. Cô em họ nói tiếp: - Đêm hôm trước chị Thảo dưới tỉnh lên nuôi chồng nằm viện bị bọn xấu nó hại chạy tới đây nhờ bác giúp đỡ. Đêm hôm đó chị Thảo ngủ lại với em. Thế mà anh nỡ nặng lời với bác! Vũ Hải biến sắc, xô ghế đứng dậy. Anh bước lên phòng ngủ của bố mình. Cánh cửa buồng ngủ hé mở, không có ông Thịnh trong đó. Vũ Hải hốt hoảng, gọi to: - Bố ơi! Bố ơi! Không có tiếng trả lời. Vũ Hải chạy lên phòng khách. Vẫn không thấy ông Vũ Thịnh. Cánh cửa phòng làm việc của ông khóa kín. Vũ Hải đập tay lên cửa, thất thanh: - Bố ơi...! Bố đâu rồi...! Cô em họ cũng hốt hoảng chạy lên. Vũ Hải khuỵu hai chân trước cửa phòng làm việc của bố, gào lên như một đứa trẻ. Khi cô em họ cạy được cửa, ông Vũ Thịnh đã lạnh cóng, co quắp dưới mảnh vụn của tượng Hippocrate.