- Anh có định ăn sáng không? Em đi sửa soạn bữa sáng cho anh nhé? - Kệ nó đi! Lát nữa chúng mình xuống phòng ăn luôn thể. Em đừng quên em là cô dâu mới ba ngày chưa phải xuống bếp đó nghe! Tôi phụng phịu: - Anh chê em nữa em sẽ nghỉ nói chuyện với anh luôn! Chàng mỉm cười, vòng tay vẫn không rời vuốt ve phiến lưng mềm, chàng thì thầm: - Phương Kỳ! Em có biết không, em là người vợ tuyệt trần. Tôi lí nhí: - Anh không cười em chứ? - Không đời nào! Anh biết em làm như vậy để xóa tan mặc cảm trong lòng anh, em đã khiến anh quên tất cả! Bây giờ anh chỉ cần em không ghê tởm anh là đủ rồi, còn mặc cho cả thế giới muốn nhìn anh ra sao thì nhìn. - Vậy mà trước đây anh luôn luôn xua đuổi em, có lúc lại còn dữ tợn với em nữa! - Tại vì anh không muốn em biết về cơn bệnh đáng sợ của anh! - Em chưa thấy ai ngu như anh, vừa ngu lại vừa ác! - Em có oán anh không? - Em yêu anh...! - Em! Môi chàng vờn nhẹ lên mắt mũi tôi. Mọi ý niệm về thời gian không còn nữa, như chắp cánh bay, biến thành một chiếc bong bóng phiêu du trên mây xanh, chàng nâng bàn tay tôi lên hôn từng ngón. - Lúc trước anh đã hành hạ em đủ điều! Nhưng em nên biết dày vò em là anh tự đày đọa chính mình. Anh chỉ mong em bỏ đi nhưng em lại là người con gái lạnh lùng, bề ngoài có vẻ nhu mì nhưng lòng dạ lại hết sức gan góc làm anh cũng phải đầu hàng. Đêm đó nhìn em ngủ gục anh thương em không tả nổi, đáng buồn là anh không tự mang em vào phòng được đành gọi bà Lâm. Anh ngồi ngắm em đến sáng em biết không Kỳ? Tôi cười lắc lắc mái tóc, chàng hạ giọng: - Em cám dỗ anh như một khối nam châm. Anh phải ráng sức chống lại mình để khỏi sa ngã. Khi đã cưới em, không phải anh muốn tỏ ra quân tử khác người nhưng anh thấy cuộc hôn nhân của chúng ta như một trò lừa gạt, em hoàn toàn không biết gì về căn bệnh của anh, anh sợ rằng khi hiểu ra em sẽ ăn năn hối hận. Đồng thời Hạo Bình lại khiến anh suy nghĩ rất nhiều. Anh đang chờ đợi những thẩm định y khoa, nếu trong một thời gian nữa ung thư không xuất hiện anh mới xóa bỏ hết mặc cảm của ám ảnh để yên tâm sống với em. Anh bảo em chờ đợi là vì lẽ đó em đã hiểu chưa? Mọi ngộ nhận đã được giải bày, tôi cười ngọt ngào: - Nếu không nhờ Hạo Bình thúc đẩy không biết đến bao giờ em mới được anh đối xử như thế này? - Chúng ta hãy tạ ơn Hạo Bình em nhé! Tôi xoa nhẹ bàn tay trên ngực chàng ôn nhu: - Khiết Anh, chúng ta bỏ phí quá nhiều thời gian rồi, anh hãy vì em mà quên bệnh tật đi, sống trọn vẹn cho nhau được lúc nào hay lúc đó. Anh đừng cau có cáu kỉnh nữa, anh sẽ chẳng bao giờ xa em được đâu! Thượng đế chắc cũng còn lòng nhân ái phải không anh? - Vâng! Làm sao anh chết được khi em yêu anh như thế này? Ai đành đoạn dứt rời đôi tim đã hòa chung nhịp đập, hai linh hồn vấn vít nhau nồng say? Xin cho tôi quên người tôi ôm đang mang chứng ung thư! Mọi người tiếp đón hạnh phúc mới của tôi bằng niềm hân hoan bát ngát: Mẹ chàng cảm động rơi lệ: - Phương Kỳ, nửa năm nay mẹ mới thấy Khiết Anh vui tươi trở lại, mẹ cảm ơn con. Dạ Tú sửa soạn bày biện mừng ngày thành hôn như lời cô bé nói. Hạo Bình cũng đến nhìn chúng tôi chân thành nói: - Phương Kỳ, câu trả lời của Kỳ đã làm tôi tỉnh mộng. Tôi thấy còn quấy rầy hai người nữa là trọng tội, tôi xin hai người bỏ qua những lỗi lầm của tôi và mong rằng tôi sẽ trở thành người bạn thân thiết của Phương Kỳ và Khiết Anh. - Hạo Bình là con người biết phục thiện, em mong sao Hạo Bình sớm trở thành em rể của chúng ta! Chàng cú khẽ lên đầu tôi: - Để em khỏi áy náy chứ gì? Ngày tháng trôi qua trong hương lửa đượm nồng, nếu không có bóng đêm của chứng bệnh ghê tởm kia lảng vảng thì cuộc sống của chúng tôi thật tuyệt vời, không còn gì để mơ ước thêm... Những buổi tối trong phòng khách, những người thân yêu của chúng tôi lại quây quần sum họp, chàng lại đàn lại hát, bây giờ tiếng đàn của chàng không còn đem bán ra gian hàng nữa, nó đã thuộc về riêng tôi. Mẹ chàng nhìn cảnh hạnh phúc với nụ cười thỏa nguyện. Bà không còn là loại đá cẩm thạch cứng mà là một con chim mẹ hiền từ xòe cánh ấp ủ bầy con. Khiết Anh thường đến một viện ung thư để theo dõi bệnh tình của chàng. Tất cả đều bình thường không có triệu chứng nào cho thấy chứng ung thư quái ác kia trở lại. Phải chăng một bàn tay nhiệm màu đã tội nghiệp chúng tôi nên ngăn cản cái chết không cho đến với chàng! Tôi sống với nỗi vui bao la và niềm lạc quan chan chứa. Mùa thu đến, Bội Tần hạ sinh một đứa bé trai kháu khỉnh. Giang Triết được lên chứ bố có vẻ gọn gàng đàng hoàng dễ mến hơn. Chúng tôi thường đến nhà Bội Tần chơi, giúp Tần săn sóc cậu nhỏ. Dưỡng nhi là một nghệ thuật tinh vi, nhiều khi thấy tôi nghờ nghệch trong việc bồng ẵm con nít, Bội Tần cười ranh mãnh: - Làm mẹ khó lắm đấy. Mày nên tập trước đi là vừa! Làm mẹ? Tôi ngượng nghịu trong lúc Khiết Anh nheo mắt cười, lúc ra về chàng trịnh trọng hỏi: - Em định đến bao giờ? Tôi ngây thơ: - Định cái gì anh? Chàng tỉnh bơ: - Có con. Cái đó làm sao tôi biết được. Tôi hơi đỏ mặt một chút: - Anh cũng thích trẻ con sao? - Anh có ghét con nít hồi nào đâu? - Ánh Tuyết bảo anh không thích con cái. Chàng chau mày: - Đối với Ánh Tuyết con cái chỉ là tai họa, nàng chẳng bao giờ hỏi anh về việc này cả! Giờ này Ánh Tuyết hiện diện nơi nào? Câu trả lời chỉ là những hạt phong bay cao. Tôi chụp lấy một hạt phong bay qua trước mặt, Khiết Anh cười lắc đầu: - Nhiều lúc em chẳng khác con nít! Hạt phong này đã chở mộng về đâu? Cất mảnh hạt phong vào túi áo, sau ba năm tôi mới thực sự giữ được giấc mộng của mình, liệu rồi nó có bay mất nữa không? Chúng tôi lại cùng nhau về thăm Nhã Trúc Trang. Vẫn hoang sơ tĩnh mịch. Nắng thu vàng óng trên ngõ trúc quanh co. Những bụi hoa dã cúc trắng ngà lay lay trong gió, bến nước với sương chiều giăng giăng, khóm lan lao xao ven bờ cùng tiếng trúc buồn tiêu sơ. Khung cảnh đìu hiu bị khuấy động bởi niềm vui rộn ràng của chúng tôi. Buổi ăn trưa được bày biện trên cỏ, ăn xong tôi lăn ra nằm khểnh, Khiết Anh ngồi cạnh, chàng bóc vỏ đậu phọng bỏ từng hạt vào chiếc miệng lười biếng của tôi. Hạo Bình và Dạ Tú dắt tay nhau thơ thẩn dưới những gốc cây già nua, tiếng lá vàng bị dẫm lên xào xạc nghe êm êm. Giang Triết với chiếc máy hình, Bội Tần cầm bình sữa lúi húi với chú lỏi tí đang ngoác miệng ra khóc. Mùa này quít đang chín ửng, những trái quít chi chít trên cành chín tròn vo, thật tình như nỗi hạnh phúc của chúng tôi. Tôi lênh đênh trong tình yêu ngập trời đến nhiều khi quên hẳn chứng bệnh ma quái kia.. Nhưng tử thần không bị ru ngủ, nó vẫn rình mò và đến lúc phải ra tay. Một ngày mùa thu, Ông Cát - một tài xế mới của gia đình lái xe đưa chúng tôi về Nhã Trúc Trang. Mang theo một chiếc cần trúc, một giỏ thức ăn ra bờ sông câu cá, chẳng có chú cá ngu nào tham ăn cắn câu cả! Cuối cùng chúng tôi dẹp cần câu sang một bên, lấy bánh dẻo ra ăn. Khiết Anh lộ vẻ ưu tư khác lạ. Chàng ngồi trên nệm cỏ khô, dùng cây nho khều cho đám hoa trinh nữ e thẹn cúp hết cánh lại, chàng nhìn tôi bằng ánh mắt hoài cảm, một lát sau chàng bâng quơ nói: - Phương Kỳ! Anh đang nghĩ đến định mệnh! Định mệnh nhiều khi tàn ác nhưng có lúc cũng rất dễ thương, nhất là đã khiến xui cho anh gặp em. Tại sao lúc đó em lại vào quán nghe nhạc? - Vì nhà em không có máy hát, mà em lại thích giọng hát của anh. - Thế sao em lại chọn anh làm người trong mộng lúc em chưa hề biết mặt mũi anh ra sao? - Em cũng không biết nữa, có lẽ chúng ta yêu nhau từ kiếp trước nên kiếp này em vẫn nhớ tới anh! Chàng vuốt nhẹ mái tóc xõa dài trên lưng tôi: - Kỳ ơi! Mình yêu nhau từ kiếp trước, kiếp này và cả kiếp sau nữa nghe em. Nếu anh chết trước thì anh sẽ đợi em để chúng ta nối tiếp mối tình dang dở! - Khiết Anh! Anh đừng nhắc đến chuyện chết chóc, em không thích nghe đâu! - Xin lỗi em. Anh đã hứa với em rồi mà quên mất, đừng buồn anh nghe, nhắm mắt lại đi, anh bỗng nhiên muốn hôn em ghê! Chàng nhẹ êm ái tìm cánh môi nhẹ êm nồng thơm, hai đôi môi ngát hương đang quyện vào nhau say giấc mộng tình. Chợt một tiếng cười rúc rích vang lên làm chúng tôi giật mình ngẩng lên. Tiếng cười con nít trong trẻo non nớt dễ yêu lại cất lên sau một gốc cây to, một đôi mắt tròn như hai hòn bi linh hoạt đang giương to nhìn chúng tôi, cái đầu nho nhỏ núp ló kia thụt vào. Tiếng chân chạy trên nền lá ẩm ướt rồi một cô bé khoảng 7 - 8 tuổi vừa chạy vừa gọi: - Anh Bảo ra xem người ta làm cái gì này, ngộ lắm! Từ một lùm cây thấp, một cậu bé nhô lên tay cầm một chiếc giỏ tre, cậu ta trả lời mắt vẫn nhìn vào giỏ: - Họ đang bắt chước hai con kiến lửa cụng đầu vào nhau truyền tin đấy mà. Trân Trân coi này, anh mới bắt được chú dế con tướng quân, thích chưa? Nó đang gáy điếc tai, có nghe không? Chúng tôi không nhịn được cười, hai đứa bé dễ thương thật, cậu bé tên Bảo với mái tóc kiểu móng lừa mặc áo màu da bò với nét mặt lanh lợi. Trân Trân mặc cái váy nỉ xám ngắn cũn cỡn để lộ đôi chân trần mũm mĩm, tay cô bé cầm một trái vũ cầu bằng lông gà nhuộm tím. Bảo liếc mắt nhìn chúng tôi, nó chùi tay lấm đất vào mông quần rồi xăm xăm bước đi. - Về nhà đi Trân Trân! Về nhà cho dế ăn cơm! Có lẽ chúng là con của một gia đình lân cận; Trân Trân vừa nhẩy nhót thẩy thẩy trái cầu, tiếng hát líu lo của nó như tiếng chim chích chòe. Đá cầu này! Ta đá cho mi bay lên Bay lên thật cao qua khỏi tổ chim cú vọ. Đá cầu này! Ta đá cho mi bay lên nữa. Qua khỏi ngọn cây lên tận trời xanh Cho mi không biết đường rơi xuống đất. Hai đứa trẻ đã khuất, Khiết Anh vẫn ngẩn ngơ nhìn theo, chàng huýt sáo khẽ: - Chúng đáng yêu quá! Quay nhìn tôi chàng nói: - Trẻ con giống như mùa xuân, nó làm chúng ta quên hết mọi ưu phiền, em có thấy không? Tôi đồng ý với chàng... Khiết Anh vít đầu tôi vào ngực chàng, tha thiết hỏi nhỏ: - Bao giờ em mới chịu cho anh một đứa con dễ thương hả Kỳ? - Sao anh nôn nóng quá vậy? - Anh sợ mình không còn thời gian chờ đợi nữa rồi! - Khiết Anh! - Đừng hoảng lên Phương Kỳ! Anh đang định cho em hay. Chàng cười thật buồn: - Gần hai tuần lễ nay anh không ăn được đồng thời lại thấy đau nhiều! Tôi vùng dậy run sợ: - Không! Không đời nào có chuyện đó. Anh phải sống mãi bên em! Chàng trấn tĩnh: - Em đã biết trước điều này sao lại mất bình tĩnh? Ngày mai anh sẽ đến bệnh viện ung thư xin khám. Câu hỏi sắp có xác định, chúng ta quả là bé nhỏ không thể nào chạy thoát được định mệnh phải không em? Định mệnh đã không tha cho hai kẻ trốn chạy. Thần chết đã chơi trò mèo vờn chuột với chúng ta? Tàn nhẫn! Thật là tàn nhẫn, ánh mắt như khói mây quây quanh, nụ cười buồn thảm của chàng lung lay vỡ nhòa: - Chúng ta còn được bao nhiêu ngày tháng nữa Kỳ? Bao nhiêu giây phút nữa? Trước đây anh không thích sống với cuộc đời tàn tật. Nhưng bây giờ, giữa lúc anh đang khao khát được sống nhất, anh thèm một cuộc sống bình thường thì cái chết hiện đến! Ung thư! Em thấy người chết vì ung thư bao giờ chưa? Anh sẽ chết như một con chó ghẻ vì đau đớn, xác thân này đang bị đục khoét hết dần sinh lực. Anh có ngờ cuộc đời lại kết thúc bi đát như thế này đâu? Còn bao nhiêu thì giờ nữa để anh và em hưởng nốt chút hạnh phúc cuối cùng? Nước mắt như cuồng lửa tuôn dòng trên má, Khiết Anh chợt tỉnh ôm lấy tôi vỗ về: - Nín đi! Anh không nói nữa đâu! Anh vẫn còn đây, vẫn còn bên em đây mà! Đôi mắt ướt với đôi mắt tròn, dài trữ tình mang nhà thơ mộng, chàng cười nhè nhẹ đỡ lấy cằm tôi: - Sao em mau khóc quá vậy Kỳ? Tội em quá, Kỳ ơi! Nước mắt em êm đẹp như hạt ngọc trai dễ vỡ, anh soi thấy cả bóng mình trong đó nữa. Thôi đừng khóc nữa! Em mau khóc và chẳng bao giờ có sẵn khăn tay để lau nước mắt cả, anh lau dùm em nhé! Chàng nghiêng xuống, nước mắt tôi tan ra ngấm vào môi chàng, Khiết Anh liếm môi: - Giọt lệ của em có hương vị thật ngọt! Làm sao anh uống cạn được hết bể sầu để em khỏi phải khóc bây giờ? Người đàn ông nồng nhiệt này sắp sửa từ giã cõi đời? Trái tim mê đắm kia không cứu vãn nổi một bao tử đang chết dần mòn thảm thương. Ôm cứng Khiết Anh như sợ chàng biến thành làn khói bay khỏi tay tôi, tôi thổn thức: - Khiết Anh! - Phương Kỳ! Mắt trong mắt nhìn nhau, tình yêu chợt kết thảm đưa hồn bay lên cao. Hạnh phúc phải chăng là loài chim luôn tìm cách để thoát khỏi tầm tay quá ngắn! Những y chứng đã đưa ra một sự thật rùng rợn, chứng ung thư ác nghiệt đã tái phát, Khiết Anh còn hy vọng sống sót hết mùa đông này. Mẹ chàng hay tin bằng gương mặt thật buồn, bà ngồi im lặng hàng giờ trước dương cầm, thật lâu bà khẽ nói: - Ngày xưa mẹ đã tiếp nhận nỗi đau khổ này khi cha con qua đời, không ngờ mẹ phải khóc thêm một lần nữa. Những giọt lệ nhỏ xuống phím dương cầm lạnh tanh, tiếng đàn không vang lên nhưng tận đáy lòng bà đã nghe thấy những âm thanh thê lương nhất. Bước tới khung cửa vừa hé cánh, gió mùa bấc đã về rồi, chỉ còn một mùa đông này nữa là hết. Tôi định chờ một vị thánh tóc bạc hay một vị tiên nữ giáng trần cứu vớt tôi chăng? Thần tiên đều đã đi vắng, chỉ còn tiếng thì thầm của Dạ Tú và Hạo Bình ngoài vườn, tôi nở nụ cười ảm đạm, họ vẫn chưa hay rằng tình yêu chỉ là khói tạo thành bởi hơi của những giọt nước mắt. - Phương Kỳ! Chàng đã đứng bên tự khi nào, ngọn gió lọt qua khe song sắt lạnh, sương mù đã phủ mờ tầm mắt, ngoài trời mịt mùng không còn nhìn thấy ánh chiều dương. - Mẹ bảo anh vào bệnh viện nhưng anh không muốn xa em, khi chưa chết còn giờ phút nào chúng ta tận hưởng phút đó nghe em! Làm thế nào để níu kéo thời gian để chàng ở bên tôi? Từng tiếng nạng nặng nhọc gõ trên hành lang sâu hun hút, Khiết Anh câm nín cho đến khi vào phòng bật chiếc đèn ngủ, chàng đặt chiếc gối dài vào tay tôi. - Từ bây giờ trở đi em nên giữ gìn sức khỏe cho em! Chàng mệt mỏi đến ngồi nơi ghế lục tìm điếu thuốc lá đốt lên làm ấm đôi môi khô. Trời lập đông hiu hắt lạnh, làn khói vương vấn trong đôi mắt buồn của chàng. Đêm bơ vơ dần đến, Khiết Anh hút đến điếu thứ ba tôi vẫn nằm yên mở mắt đăm đăm nhìn chàng. Dập tắt đám lửa tàn, chàng vắt tay lên thành ghế lắc lắc đầu: - Em còn chờ gì nữa mà chưa chịu ngủ? - Em chưa buồn ngủ! Chàng hừ một tiếng: - Em nên ngủ đi! Em phải biết nghe lời anh chứ! - Em chờ anh! Chàng bật cười: - Chờ anh làm gì? Tôi đặt ngón tay vào môi, chàng chầm chậm bước đến bên giường: - Em sao hư gì đâu. Tôi dịu dàng tựa má vào tay chàng: - Khiết Anh! Ba tháng thật là ngắn ngủi. Em chỉ còn nhìn anh được trong ba tháng nữa thôi. Đừng mắng em, em muốn nhìn anh cho thỏa, em không buồn ngủ đâu, cho em nhìn anh một chút thôi! - Phương Kỳ...! Chàng không chịu được cắn lấy vành môi đau khổ: - Em vừa điên dại vừa dễ thương. Mỗi một ngày qua là sự sống vơi cạn đi. Như đôi chim hải yến tơi bời trong bão biển, tôi và chàng quay cuồng với mối tình tuyệt vọng. Tôi không dám đi bất cứ nơi đâu, đêm ngủ luôn luôn giật mình, lát lát lại chồm dậy hoảng sợ nhìn xem chàng còn hiện diện đó không. Trong đầu chỉ còn ám ảnh một lời nguyền kinh khủng: “Khiết Anh sắp chết! Chàng sắp chết và xa mi!” Rồi lại run bắn lên, rồi lại níu cứng cánh tay chàng, gục đầu vào tay chàng lắc lắc đầu: - Không! Không! Em không cho anh chết mà, chúng mình chưa có con với nhau mà! Khiết Anh cơ hồ rơi lệ, ôm lấy tôi: - Anh không thể bỏ em lại một mình, em vẫn sợ cô đơn từ trước đến giờ, khi em khóc ai sẽ dỗ em? Trời ơi! Tôi chưa muốn chết mà! Tôi đã bị mất một chân rồi, thế chưa đủ sao? Xin cứ trừng phạt xác thân tôi bằng mọi cách nhưng xin hãy để cho tôi sống vì nàng vẫn cần có tôi. Tạo hóa vốn coi thường những lời van xin ủy mị. Định mệnh vẫn điềm nhiên tiến bước trên quỹ đạo của nó. Khiết Anh suy nhược dần, những cơn đau mỗi ngày một đều đặn và nhiều hơn. Mỗi lần đau chàng lại vật vã trong tiếng thét thấu tim: - Đi ra đi Phương Kỳ! Anh không muốn em nhìn thấy cảnh này! Cơn bệnh của chàng cũng kéo theo sự suy sụp của tôi. Tôi hay mệt nhọc, dễ choáng váng, cơm nước gì cũng đều trôi ra theo nước mắt. Chẳng bao lâu mà người đã xanh mướt và yếu như tơ liễu. Ngày đêm chỉ còn một ý nghĩ xoáy sâu trong óc: Khiết Anh sẽ chết trong nay mai! Không ai cứu được chàng cả, định mệnh thật là cay nghiệt. Một buổi chiều rét mướt, gió đông đã rụng xuống những chiếc lá cuối cùng của giàn hoa Quỳnh Anh. Khiết Anh nằm ngủ, tôi ngồi ở đầu giường lùa những ngón tay vào mái tóc chàng chải nhẹ. Chàng gầy sút đi, gò má nhô cao hốc hác, mắt sũng sâu, nét mặt phờ phạc, mái tóc dài bít gáy. Ngồi nhìn khuôn mặt mòn mỏi đó, hình ảnh gã thanh niên hoạt bát ngày nào lại hiện ra với nụ cười cuốn hút: - Cô là con đại hử ôm chiếc túi rỗng! Chiếc túi rỗng của tôi bây giờ đựng toàn hình ảnh của chàng. Tình yêu của tôi bắt đầu từ một giấc mơ và chấm dứt bằng một cơn ác mộng. Phải chăng cuộc đời của tôi chỉ là một giấc mộng dài? Ý nghĩ xoay chuyển, tôi nhớ đến Giang Triết và Bội Tần, hôm qua họ mới bồng con đến thăm chúng tôi, chú nhỏ sổ sữa bụ bẫm, tay chân nó tròn lẳn cứ co vào rồi duỗi ra như võ sĩ quyền anh, vẻ hăm hở rất ngộ nghĩnh. Tôi không khỏi nhói lòng, tôi sẽ chẳng bao giờ được nghe một đứa bé thỏ thẻ gọi mình bằng mẹ cả. Ánh mắt Khiết Anh đã ngừng trên người tôi, thật lâu rồi chàng hỏi nhỏ: - Em đã thấy gì chưa Phương Kỳ? Tôi buồn bã lắc đầu, chàng quay đi dấu tiếng thở dài. Tôi đã làm chàng thất vọng, biết làm sao hơn? Bước lại bên cửa sổ buông chiếc rèm thưa che khuất mọi vật bên ngoài. Phải chi trên đời này chỉ có mùa đông để cuộc sống của chàng dài lâu thêm chút nữa. Khiết Anh đã thức dậy, tôi nghe tiếng chàng gọi sau lưng: - Phương Kỳ! Chàng đã ngồi lên đưa mắt nhìn ra ngoài: - Mùa đông cũng gần đến rồi! Đời anh cũng sắp tàn phải không em? Tôi ôm má chàng trong đôi tay hiền dịu: - Anh sẽ sống qua mùa đông năm sau. Chàng hôn nhẹ tay tôi: - Anh biết mình chết đến nơi rồi, thật ra chết cũng chẳng có gì đáng sợ, chỉ tội cho người ở lại... Phương Kỳ! Chàng vỗ trán: - Lấy dùm anh cây đàn ghi-ta!! Lâu rồi anh không hát cho em nghe phải không? Thổi nhẹ lớp bụi trên thân gỗ, buồn tủi tôi trao đàn cho chàng. Khiết Anh dựa lưng vào thành giường, chàng so dây rồi bắt đầu đánh đàn, tiếng đàn reo rắt như chất chứa trăm thương ngàn nhớ, man mác nuối tiếc vời vợi, giọng chàng lắng chìm bài ca: “Cánh chim trời” Bay về phương nào? Ôi biết bay về đâu? Hỡi loài chim buồn cô độc Bay đi tìm thiên đường Mỏi cánh vẫn không nơi ngơi nghỉ Một đời lang thang Bay theo mây, trôi theo năm tháng vằng vặc buồn vui Không biết nơi đâu là cuối trời Chim ơi! Chim bé bỏng ơi! Tôi muốn hỏi vì sao chim đau khổ? Ngày tháng chóng qua người rồi cũng xa Còn yêu đương một chiều phai nhòa Ngỡ ngàng tìm bóng chim xưa Dập dìu bạt gió chiều mưa Tìm đâu bóng chim, tìm đâu bóng chim!? Khiết Anh bấm mạnh phím, đột nhiên một dây đàn đứt phựt khiến chúng tôi chấn động. Khiết Anh cúi nhìn tay mình, khuôn mặt chàng nhợt đi: - Anh vụng về quá! Chưa bao giờ anh gặp tình trạng này cả. Đây là điềm tử biệt phải không Phương Kỳ? Mắt chàng rực lên nhìn cây đàn lẩm bẩm: - Tôi đã học đàn từ hơn mười năm nay, tại sao hôm nay lại làm đứt dây đàn nửa chừng. Hai năm qua có ai còn nhớ đến Uông Khiết Anh? Ai biết Uông Khiết Anh bệnh hoạn sắp chết? Đời cũng thăng bằng như nốt nhạc. Ung thư! Ung thư đang cướp dần sự sống của tôi. Nét mặt chàng thật kỳ lạ: - Tây Ban Cầm! Những thanh niên Tây Ban Nha tối tối ôm đàn này gởi bản “Sénenade” cho nàng thiếu nữ bên cửa sổ lầu cao. “Ghi-ta”! Tôi đã yêu quý nhạc cụ này như tình yêu của chính mình nhưng hôm nay thì không còn gì nữa, tôi không muốn nối lại sợi dây đàn đã đứt, thôi đành hủy diệt tất cả cho xong! Chàng lạnh lẽo nắm những sợ dây đàn còn lại giật mạnh, dây đàn đứt tung đồng thời bàn tay Khiết Anh cũng bị cứa rách toạc, máu nhỏ xuống nền giường đỏ tươi, tôi nhũn cả người hét to: - Khiết Anh! Anh làm gì vậy?...Ái da! Khiết Anh không tỏ vẻ biết đau, bàn tay đẫm máu chộp lấy cây đàn đập mạnh vào tường. Rắc... Rắc! Thùng đàn bằng gỗ đã bể ra từng mảnh đồng thời máu ở tay chàng cũng nhiễu ướt áo. Máu có làm tôi lợm giọng, chỉ chực nôn ra, cố trấn tĩnh lấy thuốc cầm máu và băng lại cho chàng. Khiết Anh như người mất hết cảm giác, chàng đờ đẫn nhìn tôi khô khan như biển chết. - Phương Kỳ! Làm sao anh đập vỡ em được như nó? Em có phải bằng gỗ không? Anh muốn em bể tan như vậy? Thần kinh chàng lúc này đã thác loạn rồi, tôi sa vào lòng chàng cùng tiếng khóc òa. - Đập vỡ em đi Khiết Anh! - Em có muốn cùng hủy diệt với anh để khỏi chia rẽ cách xa không Kỳ! Vâng! Điều đó quá đơn giản mà tôi chẳng nghĩ ra cứ tự dằn vặt mình mãi. Cái chết không làm chúng ta xa được nhau, tôi ngông cuồng gật đầu: - Vâng! Vâng! Em sẽ chết theo anh! Khiết Anh phủ lên mũi tôi một cái hôn dài say sưa bất tận: - Chết với anh nghe Kỳ! Cái chết bỗng chẳng có gì đáng sợ, tôi có thể cười với nó một cách thân ái, linh hồn chúng tôi sẽ dắt tay nhau đi chơi giữa các vì sao. Chết chỉ là một giấc mộng vĩnh cửu mà thôi! Đang thả hồn trong mây bỗng Khiết Anh xô tôi ra, chàng gập mình xuống quằn quại, mặt chàng xanh mét, đôi mắt dại thần mở đến cực độ, thái dương nổi gân. Chàng nghiến cứng hàm để khỏi gào lên, cơn đau ung thư khủng khiếp! Tôi hãi hùng lao đến bên máy điện thoại gọi lớn: - Mẹ ơi! Mẹ! Bác sĩ Cơ là người chữa trị tại nhà cho Khiết Anh, giọng ông thật nặng ở bên kia máy: - Phải mang nó tới bệnh viện ngay mới được! Tôi chưa thấy cơn đau nào rùng rợn bằng cơn đau Khiết Anh đang phải chịu. Khuôn mặt chàng tái xanh ngắt, mồ hôi tuôn ướt mặt, chàng nghiến mãi môi đến bật máu, bàn tay nắm chặt thành giường đến nỗi các khớp xương trắng bệch, thân hình co quắp, máu rỉ dài trên miệng Khiết Anh, chàng rên lên: - Kỳ ơi! Tim tôi nhói buốt, gỡ tay chàng ra đặt vào tay mình, bàn tay lạnh toát của Khiết Anh bóp chặt tay tôi như muốn bẻ vụn ra từng mảnh nhỏ, tôi đau đớn nhưng vẫn để mặc chàng điên cuồng dày vò, da thịt bầm dập nhưng tôi có cảm giác chia sẻ nỗi đau đớn với Khiết Anh. Ông Cát đã lên, Khiết Anh được đưa vào bệnh viện. Từ đây sau khi khám nghiệm người ta cho biết chứng ung thư đột ngột bộc phát đã ăn loét nửa bao tử của Khiết Anh. Cuộc giải phẫu cắt bỏ nửa bao tử mang bệnh của Khiết Anh đã được tiến hành. Mười ngày sau tôi mới gặp được Khiết Anh. Trong chốc lát nhìn chàng mà tôi muốn ngất xỉu, chàng tiều tụy đến phát sợ, một chai xirama treo ở đầu giường, chiếc khăn trắng đắp ngang người không che hết chiếc ống nhỏ trong suốt, người ta đã giúp chàng sống bằng chiếc ống dẫn đó. Chưa bao giờ tôi lại thấy thân xác con người lại bèo bọt mong manh như vậy. Khiết Anh ra hiệu: - Đừng lại gần anh. Coi chừng lây đó! Tôi gần khóc: - Em cứ tới, đừng dọa em, chẳng cần phòng ngừa chi hết, em sẽ chết theo anh mà! - Điên vừa thôi em! Nụ cười của chàng xanh mướt: - Đêm trước anh cũng điên nên rủ em chết chung nhưng hôm nay thì hoàn toàn bình tĩnh! Em phải sống! - Em biết sống với ai bây giờ? Không đâu! Chàng dịu dàng đan những ngón tay vào tay tôi: - Nghe anh nói đây Phương Kỳ! Mấy ngày nay nằm một mình anh đã suy nghĩ nhiều, cả cuộc đời như diễn ra trước mắt: thuở niên thiếu vô tư, đi học, thời ca sĩ, tình yêu, lập gia đình rồi đau khổ... anh nhận ra suốt đời mình, anh chưa làm được việc gì cho người khác. Em không thể chết theo anh một cách vô lý như vậy được. Mặc dù anh yêu em và không muốn chúng ta phải chia lìa. Hãy ở lại cuộc đời này và làm dùm anh những bổn phận mà anh còn thiếu sót, an ủi mẹ giúp anh, mẹ cũng đang đau khổ không kém gì em đâu? - Anh muốn như vậy sao? - Em có chiều ý anh không? Đừng làm anh buồn lòng nghe Kỳ! Tôi im lặng, chàng cười thanh thản: - Có gần chết mới thấy được sự kỳ diệu, anh đã bình yên trong ý nghĩ mình sắp qua đời! Phương Kỳ! Em có nhớ hai đứa bé mình gặp ở Nhã Trúc không? Những đứa bé dễ thương như vậy sẽ giúp em khuây khỏa nỗi thiếu vắng ban đầu. Ngày xưa chúng ta đã nuôi dưỡng đôi chim bạt gió tại sao bây giờ không để tâm thương những trẻ mồ côi bất hạnh thiếu hẳn tình cảm của gia đình? Hiện giờ anh có một ước mơ lý tưởng trong đầu, anh muốn Nhã Trúc Tranh thành một khu vườn đầy tiếng cười trẻ thơ, em có bằng lòng giúp anh điều đó không? Tôi chợt thấy trong lòng phẳng lặng, cơn quay cuồng trong tuyệt vọng đã tan, tôi đã vượt khỏi điểm đau khổ nhất. Từng luồng cát thổi xuyên qua hồn hoang vu, tôi nhỏ nhẹ: - Vâng! Anh muốn gì em cũng làm theo ý anh cả! - Cưng của anh ngoan lắm! - Chàng cười vỗ nhẹ tay tôi - Kỳ yêu! Đừng sợ cô đơn hiu quạnh, tuy chết nhưng hồn anh mãi mãi bên em! - Khiết Anh! Bao giờ em cũng tin tưởng những gì anh nói. Em sẽ cố gắng hết sức mình để khỏi khiếp nhược trước cuộc đời còn lại. Chàng nói thật ngọt dịu: - Phương Kỳ! Anh yêu em muôn đời! Tôi cúi hôn chàng: - Em yêu anh và sẽ chung thủy với anh! Nhìn nhau vời vợi, đôi mắt bây giờ là dòng sông buồn bao la không đáy, tình yêu như phù sa chơi vơi theo sóng vỗ. Phải chăng Thượng Đế chính là định mệnh? Hay Thượng Đế là một quyền lực tối cao? Mọi quyền lực linh thiêng nên chẳng hề biết tới tình người. Ngài chưa biết yêu thương nên đành tâm chia rẽ khi chưa kịp ban cho tôi và chàng một điều nguyện cuối cùng là một đứa bé kết tinh tình thương yêu thắm thiết. Mưa rơi ướt hết mái tóc, trên đường về tôi ngửa tay hứng mưa, nước chảy qua các khe ngón, tôi cố giữ lại mà không được. Nơi nào trên thế giới này đang có mưa? Hương Cảng hoa lệ hay Nam Dương ngàn xa? Ánh Tuyết hiện giờ ra sao? Cha tôi hiện giờ nơi nào? Ước gì tôi biết được những gì tôi muốn biết qua những giọt mưa trống vắng như quả cầu thần thông trong chuyện cổ tích. Thế rồi tất cả kết thúc khi hai hôm sau bệnh viện báo tin..... UÔNG KHIẾT ANH đã vĩnh viễn ra đi sau một cơn đau dữ dội. Chàng đã chết rồi....!!