- 21 -
Rồng Thiêng Khi Ðã Sa Cơ

Sau chiến thắng ngoạn mục tại Trân châu cảng và đánh bại hải quân Anh tại Tân Gia Ba, hải quân Nhật thực sự đã làm chủ Thái Bình Dương một thời gian, cho mãi tới các thất bại tại quần đảo Midway và cuộc rút lui tại Guadacanal. Tuy nhiên hai thất bại này không làm suy giảm niềm tin của hải quân Nhật và dân chúng Nhật vào sự lãnh đạo của Yamamoto. Các chiến dịch và kế hoạch hành quân của đô đốc Yamamoto là những kế hoạch của một thiên tài quân sự, nhưng khi thi hành đều không đem lại kết quả như ý muốn, chính là vì hải quân Mỹ đã đọc được mật mã của hải quân Nhật, biết trước mọi đường đi nước bước của hải quân Nhật. Sự thất bại của của hải quân Nhật là điều không thể tránh khỏi.
Sau những thất bại kể trên, Yamamoto biết rằng dù hải quân vẫn rất trung thành với mình, nhưng binh sĩ của ông đã không còn tự tin như trước nữa. Các mẫu hạm bị đánh chìm trong trận Midway và cuộc rút lui tại Guadacanal là những đòn quá mạnh giáng vào tinh thần chiến đấu của hải quân Nhật, và hải quân Nhật không còn nghĩ rằng họ là một quân đội bất bại nữa. Yamamoto thấy cần phải làm một loạt thăm viếng các tiền đồn hải quân xa nhất, để gây lại niềm tin và tinh thần chiến đấu của những binh sĩ chưa hết bàng hoàng về những thất trận quan trọng vừa qua. Yamamoto vẫn giữ được hình ảnh một anh hùng quốc gia, và được hải quân tôn thờ như đô đốc Togo trước kia vậy.
Yamamoto nghĩ rằng sự hiện diện của mình cùng những bài diễn văn khích lệ có thể biến đổi sự ngã lòng của binh sĩ thành một niềm tin vào chiến thắng cuối cùng nhất định đạt được. Thế là Yamamoto lên đường làm những cuộc viếng thăm tại khắp vùng nam Thái Bình Dương, và đã gặt hái được nhiều kết quả mong đợi. Tại bất cứ đâu, trong cái hơi nóng ẩm thấp của miền nhiệt đới, người anh hùng quốc gia Yamamoto, lúc nào cũng nghiêm chỉnh trong bộ binh phục mầu trắng rất thẳng nếp, đã thành công truyền cái bầu nhiệt huyết của ông vào từng sĩ quan và binh sĩ dưới quyền. Tại đâu ông cũng nhấn mạnh với họ rằng sẽ còn nhiều trận hải chiến dữ dội nữa và chiến thắng hay chiến bại của Nhật đều tùy thuộc vào sự chiến đấu của hải quân Nhật.
Yamamoto rất muốn thảo luận với tướng Hyakutake, người đã chỉ huy quân đoàn 17 của Nhật trong trận đánh Guadacanal. Yamamoto dự định ngày 18-4 sẽ bay tới Rabaul để gặp Hyakutake, và sau đó bay tới Buin để thanh tra các căn cứ hải quân tiền tuyến. Ðêm 17-4, Yamamoto sẽ nghỉ tại Rabaul và ngày hôm sau sẽ bay từ Buin tới căn cứ hải quân tại Truk, tại đây soái hạm Musashi của ông đang bỏ neo.
Phạm vi thanh tra của Yamamoto nằm trong tầm hoạt động của phi cơ Mỹ, vì thế chương trình viếng thăm của ông được giữ cực kỳ bí mật. Các cố vấn của ông lần đầu tiên phải khuyên ông không nên mặc bộ binh phục mầu trắng thường lệ của ông nữa, để tránh sự khám phá của các phi công Mỹ. Yamamoto đồng ý và mặc một bộ binh phục ka-ki mầu xám thay thế.
Yamamoto sẽ rời Rabaul vào lúc 6 giờ sáng ngày 18-4 trên chiếc oanh tạc cơ loại Mitsubishi Betty. Ði theo ông trong một chiếc oanh tạc cơ thứ hai là đô đốc Ukagi, tham mưu trưởng của ông. Yamamoto chủ trương tư lệnh và tham mưu trưởng phải di chuyển trong hai phi cơ khác nhau, để nếu người này gặp nạn thì còn lại người kia. Hai phi cơ này được một đoàn sáu chiến đấu cơ loại Zekes hộ tống. Những tín hiệu về cuộc viếng thăm của ông đã được đánh đi trước tới các căn cứ ông sẽ thăm viếng.
Căn cứ truyền tin gần nhất của Mỹ có nhiệm vụ bắt tín hiệu của Nhật nằm an toàn trong một hang núi trong quần đảo Aleutians. Ngay bên trên bờ đá nhô ra biển là một cột truyền tin cao 100 thước. Ðúng lúc 6:36 sáng ngày 17-4, căn cứ truyền tin Mỹ nhận được tín hiệu về cuộc viếng thăm của Yamamoto. Tín hiệu này được chuyển ngay về Hoa Thịnh Ðốn để giải mật mã. Một toán chuyên viên mật mã nghiên cứu tín hiệu, và trong khoảng 5 tiếng đồng hồ, họ đã biết được tín hiệu nói gì. Ðây là một bản tin thường lệ báo các cho các tư lệnh Nhật trong vùng biết được thời gian và địa điểm của cuộc viếng thăm sắp tới của Yamamoto. Khi bản tin này được chuyển tới bộ trưởng hải quân Frank Knox, ông ta đọc sơ qua rồi bỏ đi ăn trưa.
Trong lúc ăn trưa, Frank Knox chợt nhớ lại ngày xưa chiến tranh thắng hay bại thường chỉ là kết quả của cuộc giao đấu giữa hai viên tướng đối địch nhau. Lúc đó địch thủ đáng ghét nhất của Mỹ là đô đốc Yamamoto. Knox bắt đầu suy tính. Vì biết đích xác ngày mai tại một địa điểm và thời giờ đã biết trước, phi công Mỹ có thể bắn hạ phi cơ chở Yamamoto một cách dễ dàng. Yamamoto chính là người đặt kế hoạch tấn công Trân châu cảng, trong đó hai ngàn binh sĩ Mỹ thiệt mạng, chưa kể một phần lớn của hạm đội Thái Bình Dương đã bị tiêu diệt. Và còn biết bao binh sĩ Mỹ khác đã bỏ xác dưới đáy biển trong các trận đánh đẫm máu kế tiếp, cũng do chính Yamamoto điều khiển, như trận đánh Biển San Hô, trận đánh tại quần đảo Midway và gần đây nhất là trận đánh Guadacanal. Vậy thì đây là một cuộc trả thù xứng đáng nhất.
Ngay sau khi ăn trưa xong, Knox trở về văn phòng và cho gọi tướng Arnold, tư lệnh không quân Mỹ. Arnold cũng rất hứng khởi với hy vọng bắn hạ được Yamamoto, và suy nghĩ cách thực hiện vụ ám sát này. Arnold và Knox nghiên cứu bản đồ và nhận thấy địa điểm tốt nhất để chặn phi cơ của Yamamoto là ngay khi phi cơ của Yamamoto tới gần đảo Bougainville. Ðây sẽ là một cuộc tấn công khá xa cho phi cơ Mỹ. Phi cơ Mỹ sẽ phải cất cánh tại phi trường Henderson tại Guadacanal, cách xa Bougainville khoảng 500 dặm. Không một phi cơ P.38 nào có thể bay tới một nơi xa như thế mà có thể quay trở lại được căn cứ, vì không đủ nhiên liệu.
Nhưng cơ hội ám sát hãn hữu này không thể bỏ qua được. Arnold cho mời Charles Lindberg, một người đã từng bay qua Ðại Tây Dương một mình, và hiện là cố vấn cho những chuyến bay đường trường. Arnold cũng mời thêm Frank Meyer của hãng chế tạo phi cơ Lockheeds là hãng chế tạo phi cơ P.38. Tất cả ba người chăm chú nghiên cứu bản đồ và thảo luận về việc cho phi cơ mang thêm các thùng xăng trừ bị. Cả Lindberg và Meyer đều đồng ý rằng đây là một chuyến bay quá dài, nhưng không phải là không thực hiện được.
Sau hai giờ bàn thảo chi tiết, tất cả đều đồng ý mở Chiến Dịch Trả Thù, một kế hoạch ám sát Yamamoto để trả thù cho trận Trân châu cảng. Knox gửi một tín hiệu cho tướng Kenney, tư lệnh Không lực Tây nam Thái Bình Dương tại Úc Ðại Lợi, yêu cầu Kenny khẩn cấp cung cấp các thùng xăng bay đường trường. Các tín hiệu lại tới tấp truyền đi giữa bộ tư lệnh của Kenney và bộ tư lệnh tại New Guinea. Ba giờ sau đó, bốn phi cơ loại Liberators cất cánh từ vịnh Milne, mang theo 18 thùng xăng, mỗi thùng chứa được 165 gallon, và 18 thùng xăng khác mỗi thùng chứa được 310 gallon. Phi cơ có thể liệng bỏ thùng xăng thứ hai sau khi đã dùng hết xăng.
Knox gửi một tín hiệu thứ hai tới Guadacanal cho thiếu tá John Mitchell, chỉ huy phi đội 339, ra lệnh cho Mitchell và hai sĩ quan chỉ huy phi đội nữa là Besby Holmes và Thomas Lanphier phải tới trình diện ngay tại bộ tư lệnh. Lúc đó là 5 giờ chiều và chiếc xe díp chở ba sĩ quan này phóng như bay qua mưa và bùn lầy tới bộ tư lệnh đang tạm đóng trong một túp lều. Mitchell được trao cho một bức điện tín sau đây:
"Hoa Thịnh Ðốn Tối Mật. Bộ trưởng hải quân gửi sĩ quan chỉ huy tại phi trường Henderson. Ðô đốc Yamamoto cùng với đô đốc tham mưu và bảy tướng Nhật khác đã rời Truk sáng nay để thanh tra căn cứ Bougainville. Yamamoto và phái đoàn di chuyển trong hai chiếc Betty và có 6 chiếc Zekes hộ tống. Có thể có thêm phi cơ hộ tống theo nghi lễ danh dự từ Kahili. Yamamoto tới Rabaul vào lúc 16:00 và nghỉ đêm tại đó. Sáng sớm sẽ rời đi Kahili và tới nơi khoảng 9:45. Sau đó Yamamoto sẽ lên chiếc tiềm thủy đỉnh để thanh tra các đơn vị hải quân của đô đốc Tanaka."
"Sáng ngày 18-4, phi đội 339 có các phi cơ P.38 phải bay tới và tiêu diệt Yamamoto và đoàn tùy tùng bằng mọi giá. Các thùng xăng trừ bị sẽ từ Port Morseby tới nơi vào chiều ngày 17. Tin tình báo cho biết Yamamoto cực kỳ đúng giờ. Tổng thống coi cuộc hành quân này cực kỳ quan trọng. Thông báo kết quả ngay tức khắc về Hoa Thịnh Ðốn.
Frank Knox bộ trưởng hải quân.
Tài liệu tối mật này không được sao chép lại và cũng không được lưu giữ; mà phải tiêu hủy ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ."
Mitchell gật đầu đồng ý, rồi cả ba sĩ quan được giao phó trọng trách này ngồi xuống, bàn thảo cách thi hành cuộc hành quân. Họ phải đương đầu với một số khó khăn. Họ dự định mở cuộc tấn công tại một điểm cách 30 dặm về phía đông phi trường Kahili. Nhưng nếu Yamamoto đúng giờ như thói thường của ông thì phi cơ tấn công Mỹ phải có mặt tại địa điểm đúng 9:35. Họ không biết tầm cao của phi cơ chở Yamamoto. Ðiều này rất quan trọng nếu muốn giữ được yếu tố bất ngờ. Họ lý luận rằng hai chiếc phi cơ Betty chở Yamamoto và đoàn tùy tùng không bay cao quá 10 ngàn bộ, bởi vì nếu bay cao quá thì Yamamoto và đoàn tùy tùng sẽ phải bắt buộc xử dụng mặt nạ dưỡng khí.
Mitchell quyết định sẽ dẫn đầu một toán 12 chiếc P.38 bay ở độ cao 20 ngàn bộ, để bảo vệ phía bên trên cho các phi cơ khác bay bên dưới, ở độ cao 11 ngàn bộ. Toán phi cơ bay bên dưới có nhiệm vụ ngăn chặn hai chiếc phi cơ chở Yamamoto và đoàn tùy tùng. Tất cả hai toán sẽ phải cất cánh đúng 7:20 sáng để bảo đảm họ sẽ tới gần phi trường Kahili đúng hai giờ và 15 phút sau đó. Ðến 9 giờ tối hôm đó thì bốn chiếc Liberators đem tới những thùng xăng dự trữ đặc biệt, dùng cho phi vụ xa xôi đó.
Mãi sáng sớm hôm sau, việc gắn các thùng xăng đặc biệt vào các phi cơ mới hoàn tất. Sau bữa điểm tâm sơ sài, Mitchell dẫn các phi đội ra trước 18 chiếc P.38 đã sẵn sàng trên phi đạo, hai bên cánh mỗi chiếc P.38 đều mang theo những thùng xăng dự trữ đặc biệt. Ðúng 7:20, chiếc P.38 đầu tiên cất cánh, phóng lên một bầu trời xanh biếc sau một đêm giông bão. Hai chiếc P.38 bị trục trặc kỹ thuật phải bỏ lại, và cuối cùng chỉ có 16 phi cơ P.38 bay được về hướng đảo Bougainville.
Ngày 17-4 có bão tố tại đảo Rabaul, nơi Yamamoto chủ tọa một cuộc họp quân sự, để dự thảo các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến đấu với hải quân Mỹ. Cuộc họp này rất quan trọng, bởi vì theo Yamamoto thì quân đội Nhật đã rút lui khỏi Guadacanal được hai tháng rồi và chắc chắn quân Mỹ đã có đủ thì giờ tập trung lực lượng để mở một cuộc tấn công mới. Người Mỹ hầu như đã sẵn sàng kế hoạch nhảy chiếm dần từng đảo một. Yamamoto cho rằng Nhật phải sẵn sàng đương đầu với bất cứ sự tiến quân nào của Mỹ, bất cứ từ phía nào.
Cuộc họp còn bàn từng chi tiết của kế hoạch đương đầu với quân Mỹ. Nhưng càng họp các đô đốc Nhật càng chỉ trích đổ lỗi cho nhau trong các thất bại vừa qua của Nhật. Trước tình cảnh đó, Yamamoto rất lo ngại. Chính vì để tránh sự buộc tội lẫn nhau của các cấp chỉ huy Nhật mà Yamamoto quyết định phải đích thân đi thăm các căn cứ và binh sĩ Nhật, mặc dù ông biết chuyến đi của ông rất nguy hiểm. Cuối cùng Yamamoto cũng làm cho các tư lệnh Nhật gấu ó nhau phải im lặng, nhưng ông cảm thấy cực kỳ lo ngại trước thái độ của họ.
Ðêm đó Yamamoto ngồi chơi cờ GO với đại tá Watanabe, sĩ quan tham mưu của ông và cũng sẽ bay theo ông ngày hôm sau tới Bougainville. Nhưng chợt Yamamoto bảo Watanabe, "Ngày mai đại tá không cần phải đi theo tôi nữa, mà phải ở lại đây để hoàn tất các chi tiết của kế hoạch đương đầu với quân Mỹ, và giải quyết êm đẹp cuộc tranh chấp của các sĩ quan tư lệnh tại đây."
Sáng hôm sau, đúng 6 giờ sáng, Yamamoto khởi hành tiếp cuộc thanh tra từ đảo Rabaul trên chiếc oanh tạc cơ sơn sọc mầu xanh lá cây để ngụy trang. Cùng trên chiếc oanh tạc cơ đó có thêm thiếu tá Ishizaki thư ký riêng của Yamamoto, đô đốc quân y Takata và sĩ quan tham mưu Tobana. Trong chiếc oanh tạc cơ thứ hai sơn mầu ka-ki là tham mưu trưởng của Yamamoto, đô đốc Ugaki, cùng với đề đốc Kitamura và sĩ quan viễn thông là thiếu tá Muroi. Cả hai đô đốc Yamamoto và Ukagi đều ngồi vào chỗ của phi công chính, và việc lái do phi công phụ đảm trách.
Hai chiếc oanh tạc cơ bay trên một bầu trời xanh lơ, ngay bên trên các miệng núi lửa trong vịnh Rabaul, và bay đi Bougainville về hướng đông nam. Hai phi cơ bay rất sát nhau và sáu chiến đấu cơ Zekes bay theo hộ vệ tỏa ra bay chung quanh. Bốn chiếc Zekes bay bảo vệ hai bên tả hữu trong khi hai chiếc Zekes bay bên trên và hơi lùi lại phía sau. Khi trông thấy những bìa rừng của đảo Bougainville thì tất cả phi đội đều bay thấp xuống ở độ cao hai ngàn bộ để đề phòng bất trắc. Hai chiếc oanh tạc cơ chở Yamamoto và Ukagi dường như lẫn với mầu rừng tại Bougainville. Lúc đó là đúng 9:30 và đoàn phi cơ của Yamamoto bay là là trên rừng cây và sắp tới phi trường Kahili, tại đó binh sĩ Nhật đang sẵn sàng chờ đón Yamamoto vào đúng 9:45.
Trong khi đó đoàn phi cơ tấn công của Mitchell cũng vừa tới nơi. Khi Mitchell bốc phi cơ vọt lên cao độ 20 ngàn bộ thì các phi công trong đoàn của Yamamoto không để ý thấy chiếc P.38 này. Bốn phi công tấn công Mỹ là Lanphier, Barber, Holmes và Hine bắt đầu liệng bỏ những thùng xăng dự trữ đã dùng hết xuống biển. Rồi tất cả bốn chiếc chúc đầu xuống, phóng nhanh như những con diều hâu lao xuống bắt mồi. Khi các phi công hộ tống trông thấy các phi cơ P.38 thì họ ở cách phi cơ của Yamamoto khoảng một dặm.
Ngay lập tức hai chiếc phi cơ chở Yamamoto và Ukagi lao xuống sát rừng già để tìm sự an toàn trong khi các phi cơ Zekes hộ tống bay vọt lên chặn phi cơ Mỹ. Thoạt đầu Yamamoto và Ukagi không hiểu chuyện gì cả. Yamamoto và đoàn tùy tùng lo ngại quan sát khắp bầu trời, trong khi hai phi cơ bay quanh co như để tránh đạn và hạ thấp hẳn xuống đầu các bụi dừa, cách mặt đất khoảng 200 bộ và phi hành đoàn sửa soạn súng máy để nghênh địch.
Ðúng 9:33, khi bốn chiếc P.38 lao xuống tấn công hai phi cơ địch và trông thấy dấu hiệu mặt trời trên cánh và cạnh phi cơ, Lanphier cho rằng chiếc Betty thứ hai sơn sọc mầu xanh lá cây phải là chiếc chở Yamamoto. Lanphier liền phóng tới nhưng ba chiếc Zekes vội liệng bỏ các thùng xăng cho nhẹ và nhào xuống chiếc P.38 của Lanphier.
Thoạt đầu Lanphier mất dấu chiếc phi cơ chở Yamamoto, nhưng Lanphier quay lại tấn công ba chiếc Zekes đang phóng tới. Lanphier quạt ra một tràng súng máy và hai chiếc Zekes mầu vàng và mầu xanh lá cây trúng đạn và rơi ngay xuống trước mắt Lanphier. Rồi ngay lúc ấy Lanphier trông thấy chiếc Betty sọc xanh lá cây đang hạ thấp xuống rừng già. Lanphier lao xuống với tốc độ 400 dặm một giờ đuổi theo. Khi chiếc P.38 bay ngang tầm ngọn cây thì chiếc phi cơ sọc xanh lá cây quay ngang, đưa mình vào đúng họng súng của Lanphier. Không chậm trễ một giây, Lanphier bấm nút khẩu đại pháo 22 và khẩu súng máy 13 ly. Một làn khói đen bốc lên từ đầu máy của chiếc phi cơ sọc xanh lá cây và lửa bắt đầu bùng lên. Ngay sau đó khói đen bốc lên khi cánh phi cơ bốc cháy. Chiếc phi cơ sọc xanh lá cây chở Yamamoto mất tốc độ và bay chập choạng. Lanphier bay trờ tới và nhả thêm một loạt đạn nữa.
Chiếc phi cơ chở Yamamoto rùng mình, và lảo đảo trên các ngọn cây. Chiếc cánh không cháy đụng phải một cành cây và gẫy gục. Rồi chiếc phi cơ đang cháy đó chúi xuống đất, rồi chồm lên một lần nữa trước khi nổ tung.
Ðô đốc Ukagi ngồi trên chiếc phi cơ thứ hai và đã chứng kiến từ đầu đến cuối giây phút cuối cùng của danh tướng Yamamoto, và đã viết lại trong nhật ký như sau:
"Bỗng nhiên không thấy báo động mà máy phi cơ gầm lên rồi phi cơ lao xuống rừng già, ở độ cao khoảng 200 bộ. Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra cả. Rồi phi cơ của tôi bay là ngay bên trên cánh rừng già và chúng tôi trông thấy các chiến đấu cơ hộ tống bay vọt lên ngăn chặn các phi cơ tấn công của địch, mang dấu hiệu Lockheed Lightnings. Phi cơ địch đông hơn gấp ba lần phi cơ Nhật và phá vỡ được vòng phòng thủ của các phi cơ Zekes và tiến lại phía phi cơ chở chúng tôi. Hai phi cơ của chúng tôi vội quay hướng bay khoảng 90 độ để tránh phi cơ địch, một chiếc rẽ sang hướng phải và một chiếc quay sang trái."
"Vài phút sau tôi không nhìn thấy phi cơ chở đô đốc Yamamoto nữa, nhưng cuối cùng tôi xác định được vị trí của nó cách xa về bên tay phải. Tôi kinh hoàng trông thấy phi cơ đó bay rất chậm ngay trên ngọn cây và những ngọn lửa màu cam mau lẹ tràn ra bao trùm hai cánh và thân máy bay. Rồi phi cơ tuôn ra những làn khói đen dầy đặc, và hạ thấp xuống mãi, chỉ cách chúng tôi khoảng bốn dậm. Khi phi cơ của tôi vượt bay lên, tôi có dịp quan sát toàn thể khu rừng. Chiếc Betty chở Yamamoto hoàn toàn mất dạng trong khi khói đen dầy đặc tuôn lên từ cánh rừng già. Tất cả chỉ xảy ra trong khoảng chừng hai mươi giây và tôi biết rằng thế là hết rồi!"
Ngay sau đó, Ukagi không còn dịp quan sát hơn nữa, vì trung úy Rex Barber bắt đầu phóng tới tấn công phi cơ chở Ukagi. Phi công của Ukagi vội phóng chạy trốn nhưng Barber đã kịp khai hỏa và một phần đuôi của chiếc Betty chở Ukagi bị vỡ tung, mặc dù Barber đang bị một số chiến đấu cơ Zekes đuổi theo sát. Chiếc Betty thứ hai rơi nhào xuống biển. Hai đô đốc Ukagi và Kitamura và các sĩ quan khác trên chiếc Betty thứ hai đều bị thương nặng, nhưng được các tầu tuần tiễu của Nhật phóng lại cứu cấp và đem được ra ngoài chiếc phi cơ Betty bị phá hủy.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bắn hạ hai chiếc oanh tạc cơ Betty, các trung úy Lanphier và Barber phải bay là là sát trên rừng già để tránh bị các chiến đấu cơ Zekes đuổi theo trả thù. Cả hai Lanphier và Barber may mắn thoát nạn nhưng chiếc P.38 của trung úy Ray Hine bị trúng đạn rơi xuống biển. Trong trận không chiến đó, ba chiếc Zekes của Nhật cũng bị bắn rơi.
Ngay khi các phi cơ P.38 bay ngược trở về Guadacanal thì hàng loạt phi cơ Zekes bốc lên từ phi trường Kahili để đuổi theo. Tuy nhiên tất cả 15 chiếc P.38 còn lại đều chạy thoát, mặc dầu tất cả đều trúng rất nhiều đạn của các chiến đấu cơ Zekes. Chiếc P.38 bị tổn hại ít nhất là chiếc của trung úy Lanphier, trên thân chiếc P.38 này người ta chỉ đếm được hai lỗ đạn.
Tin đô đốc Yamamoto bị bắn hạ đã là một tin chấn động làm tan nát lòng người Nhật. Người đầu tiên được nghe tin này là đô đốc Kakuda, chỉ huy mẫu hạm trong chiến dịch tại Aleutians. Kakuda vừa trở lại soái hạm của mình là chiếc mẫu hạm Hiyo, sau khi tham dự cuộc hội họp bàn thảo chi tiết trong kế hoạch ngăn chặn sức tiến công của quân Mỹ, do chính Yamamoto ra lệnh. Kakuda tái mét mặt khi đọc xong bản tin không may này, mặc dù ông là một sĩ quan nổi tiếng lòng dạ cứng rắn như sắt thép. Phản ứng đầu tiên của Kakuda là rời bỏ phòng chỉ huy trên mẫu hạm, trở về phòng riêng và khóa trái cửa nằm trong đó suốt một ngày, nhất định không tiếp chuyện bất cứ một người nào. Trong vòng vài phút sau khi phi cơ của Yamamoto bị bắn hạ, từng nhóm sĩ quan Nhật, nét đau đớn hiện hẳn lên mặt, đứng nghiêm trên những chiến hạm tại Truk, chào lá cờ của Yamamoto được từ từ hạ xuống trên soái hạm Musashi.
Ðó là phản ứng đầu tiên về phía Nhật. Trong khi đó dĩ nhiên là người Mỹ cực kỳ vui sướng. Ðô đốc Halsey lập tức gửi một tín hiệu tới phi trường Henderson: "Ngợi khen Thiếu Tá Mitchell và các Thiện Xạ của ông ta. Một trong những con vịt bắn được của họ thực sự là một con công."
Người Mỹ rất căm thù Yamamoto vì những chiến công của ông suốt từ Trân châu cảng cho mãi tới Guadacanal. Bởi vậy khi tin ông bị bắn hạ được thông báo trong buổi họp của đô đốc Halsey thì các sĩ quan Mỹ nhẩy lên reo hò sung sướng. Nhưng đô đốc Halsey nói một cách chua chát: "Chuyện này có gì đáng vui đâu? Ta đã hy vọng bắt sống được tên khốn kiếp này, xích hắn lại và dẫn đi diễn hành trên đại lộ Pennsylvania, trong khi các ngươi tha hồ đấm đá thì mới thực là thích thú."
Ðại lộ Pennsylvania là một đại lộ quan trọng nhất tại Hoa Thịnh Ðốn vì tòa Bạch ốc nằm ngay trên đại lộ này. Nhưng giấc mộng của Halsey muốn bắt sống được Yamamoto, trói lại rồi bắt đi diễn hành làm nhục trên đại lộ Pennsylvania có quá ngông cuồng không? Trong trận Mỹ Nhật chiến tranh, biết bao tướng lãnh, đô đốc Nhật đã tự tử bằng nhiều cách để tránh cái nhục phải đầu hàng. Một quân nhân can trường thấm nhuần tinh thần võ sĩ đạo như Yamamoto dĩ nhiên không phải là một người sợ hãi cái chết, và tất nhiên ông không bao giờ để bị địch quân bắt sống trong trường hợp bại trận.
°

*

Phòng Thu Từ Nay Khép Cửa
Hải quân Nhật tại Bougainville vẫn nuôi hy vọng Yamamoto không chết. Ðại tá Watanabe, người may mắn thoát chết nhờ Yamamoto ra lệnh cho được ở lại Rabaul, vội vã lấy một phi cơ bay lượn tại chỗ máy bay của Yamamoto cháy. Watanabe viết một hàng chữ "Hãy vẫy khăn mặt nếu vẫn còn sống" vào một mảnh giấy và quấn quanh những trái banh tennis và ném xuống. Watanabe cho máy bay bay lượn quanh chiếc phi cơ lâm nạn hàng giờ mà chẳng có ai vẫy khăn cả.
Ðến chiều tối, một chiếc tầu hộ tống chở một trăm thủy thủ Nhật chạy ngược con sông từ Buin. Tới 11 giờ đêm họ tới được một địa điểm gần chiếc phi cơ lâm nạn. Tất cả lên bờ và phân làm hai toán, dùng mọi phương tiện phá rừng để tiến lại chỗ phi cơ, nhưng khu rừng ở đây rất rậm rạp và họ tiến rất chậm. Cho đến sáng ngày hôm sau, họ chỉ tiến lên được vài trăm thước. Rồi một phi cơ bay lượn bên trên ra lệnh cho họ phải quay về, vì người ta đã tìm được xác của Yamamoto rồi.
Ðó là công của trung úy Hamasuna. Trong một chuyến đi tuần phòng thường lệ, Hamasuna được thổ dân biết đường dẫn vào nơi máy bay bị nạn. Hanasuna tìm thấy được xác của Yamamoto văng ra ngoài và đã cháy đen rồi. Tất cả đều bị cháy đen ngoại trừ xác của đô đốc Takata là còn nhận diện được. Thổ dân làm những chiếc cáng bằng tre và đặt xác của Yamamoto và đoàn tùy tùng lên, và khiêng tới cửa sông tại Buin. Một bác sĩ khám nghiệm và xác nhận Yamamoto bị trúng đạn vào đầu và vai, và có thể chết trước khi phi cơ đâm xuống rừng già.
Chiếc tầu hộ tống chở xác chết về Bougainville, tại đó các thủy thủ đã khiêng xác Yamamoto và đoàn tùy tùng làm một cuộc diễn hành tang lễ rất buồn, lên đỉnh một ngọn núi gần đó. Ngay tại đỉnh ngọn núi này, xác của Yamamoto được đặt vào một huyệt mộ đào vội vàng. Các xác khác cũng được đặt bên cạnh xác của Yamamoto. Người ta lấy lá dừa và các cành cây khác phủ lên xác chết, rồi tưới dầu xăng lên để hỏa thiêu. Tất cả thủy thủ đứng nghiêm chỉnh chào trong khi ngọn khói bốc tỏa lên bầu trời trong xanh của Thái Bình Dương. Trong khoảng nửa giờ, tất cả các xác chết trở thành tro hết.
Ðại tá Watanabe xúc cốt tro của Yamamoto vào trong một chiếc hộp gỗ thông. Một tảng đá thô sơ được ghi khắc tên và ngày giờ chết của Yamamoto và được dựng lên ngay tại chỗ thiêu xác. Một nhóm sĩ quan trồng một cây đa bên cạnh để tưởng niệm và cũng để biểu tượng cho sự vĩ đại của Yamamoto. Watanabe ôm hộp cốt tro của Yamamoto bay về Truk, tại đó cũng có một nghi lễ long trọng nữa trước khi cốt tro được tiếp tục đem về Ðông Kinh.
Mặc dầu cái chết của Yamamoto là nỗi đau buồn lớn lao cho người Nhật và cũng là niềm đại hân hoan cho người Mỹ, nhưng các chi tiết về cái chết của Yamamoto vẫn được dấu kín trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn. Trung úy Lanphier, người có công bắn hạ phi cơ chở Yamamoto, được thăng chức đại úy, và được thưởng huy chương hải quân. Ngoài ra Lanphier còn nhận được điện văn khen ngợi của chính tổng thống Roosevelt.
Các tin tức về chiến công của Lanphier tạm thời được dấu kín vì hai lý do. Trước hết, người Mỹ sợ rằng nếu công bố chi tiết về việc ám sát được Yamamoto thì người Nhật sẽ đoán biết người Mỹ đã đọc được mật mã của hải quân Nhật, và sẽ thay đổi mật mã khác thì bất lợi cho Mỹ. Chính đô đốc Halsey lo ngại đến nỗi ra lệnh cho các phóng viên phải im lặng và thuyên chuyển tất cả các phi công trong vụ phục kích Yamamoto ra khỏi Thái Bình Dương. Lý do thứ hai là ngay sau đó em trai của Lanphier, cũng là một phi công, đã bị bắn rơi tại phi trường Kahili và bị Nhật bắt làm tù binh. Người Mỹ sợ rằng người Nhật sẽ trả thù Lanphier bằng cách hành hạ hoặc giết em trai của Lanphier.
Về phía Nhật thì mãi hơn một tháng sau khi Watanabe đem tro cốt của Yamamoto về Ðông kinh, ngày 21-5 đài phát thanh Nhật Bản mới công bố về cái chết của Yamamoto. Bản tin đầu tiên nghe thấy trên đài phát thanh Ðông Kinh như sau: "Ðô đốc Yamamoto trong khi chỉ huy chiến thuật tại tiền tuyến vào tháng Tư năm nay, đã giao chiến với địch quân và oanh liệt đền nợ cho tổ quốc bằng một cái chết anh dũng." Bản tin có thể dài hơn nữa, nhưng khi đọc đến đó, xướng ngôn viên nghẹn ngào và òa khóc.
Ngày hôm sau, đài phát thanh loan tin tiếp, "Khi Thiên Hoàng nhận được tin tức về cố đô đốc Yamamoto ngày 20-4, Thiên Hoàng đã phong cho Yamamoto từ tước hiệu Tư Lệnh Các Hạm Ðội lên tước hiệu Ðại Ðô Ðốc." Ðài phát thanh còn loan báo tang lễ của đại đô đốc Yamamoto sẽ được cử hành theo nghi lễ Quốc Táng. Ðó là lễ quốc táng thứ 12 trong suốt lịch sử của Nhật Bản. Chỉ một đô đốc khác của Nhật được hưởng quốc táng là đô đốc Togo, người anh hùng đánh bại hải quân Nga tại eo biển Ðối Mã.
Sau thông cáo của đài phát thanh Ðông Kinh, tại Hoa kỳ người ta đã phỏng đoán rất nhiều về con người Yamamoto và cái chết của ông. Tờ Nữu Ước Thời Báo căn cứ vào tin của đài Ðông Kinh đã kết luận rằng Yamamoto không chết ngay trong cuộc phục kích, mà về sau mới chết vì các vết thương. Cái chết của Yamamoto càng trở nên bí ẩn vì người ta biết rằng trong suốt tháng Tư không có một trận đánh lớn nào tại miền nam Thái Bình Dương. Nhiều người cho rằng Yamamoto chết vì máy bay gặp tai nạn, người khác cho rằng ông chết bằng cách mổ bụng tự sát.
Tại Nhật Bản, cốt tro của Yamamoto được tách ra làm hai phần để được tổ chức hai đại tang lễ. Chưa bao giờ có quang cảnh cả nước để tang như vậy, kể từ ngày đô đốc Nelson của Anh quốc tử trận tại trận Trafalgar khoảng hai trăm năm trước. Vào một ngày tháng sáu quang đãng, hầu như toàn thể dân chúng Ðông Kinh ra đường tham dự tang lễ của Yamamoto. Riêng Nhật Hoàng không tham dự. Nhật Hoàng không tham dự tang lễ của bất cứ ai, vì thân phận Nhật Hoàng được đặt cao hơn sự sống chết của người đời. Nhưng tất cả mọi nhân vật quan trọng trong chính phủ và ngoài chính phủ đều tập trung tại Công viên Hibiya tại trung tâm Ðông Kinh, và đi lặng lẽ tới nghĩa trang Tamabuchi, tại đó Yamamoto được nằm yên nghỉ bên cạnh ngôi mộ của đô đốc Togo.
Trong cái đám đông cả triệu khách chịu tang ấy, không ai để ý tới một nàng ca kỹ khóc âm thầm đi theo dòng người vào nghĩa trang. Người đó là Kikuji, người tình yêu dấu của Yamamoto kể từ khi hai người gặp nhau lần đầu từ trên mười năm trước. Kể từ đó Kikuji đã là một phần đời không thể thiếu được của Yamamoto. Yamamoto tuy yêu Kikuji rất mực, nhưng đã giữ được quân bình giữa tình yêu và nhiệm vụ. Ông không bao giờ vì quá yêu Kikuji mà quên bổn phận, trái lại mối tình ấy đã giúp ông thêm nghị lực trong cuộc phấn đấu với quá nhiều khó khăn trong nhiệm vụ vĩ đại của ông.
Từ xưa anh hùng và giai nhân đã là một hình ảnh rất đẹp. Nhưng mối tình Yamamoto-Kikuji còn là một tình sử hiếm hoi. Kikuji không bao giờ ảnh hưởng vào việc quốc gia đại sự, cái gánh nặng đang đè nặng lên vai người tình của mình. Nàng đã biết tự xóa mình, để chỉ là một cái bóng mờ bên cạnh người anh hùng dân tộc, kín đáo hầu hạ Yamamoto mà không đòi hỏi gì cả, kể cả tiền bạc và quyền làm vợ. Khi được tin sét đánh Yamamoto đền nợ nước, Kikuji bàng hoàng như một người bỗng hẫng chân, không còn một điểm tựa nào để sống nữa. Quả thực cuộc đời này không còn gì lưu luyến nàng nữa, khi người yêu của nàng, một bậc đại anh hùng đã sống và đã chết cho tổ quốc. Có thể Kikuji đã muốn chết theo Yamamoto, nhưng nàng chọn một quyết định can đảm hơn: phải tiếp tục sống để mà đau đớn và tưởng nhớ người yêu. Sau tang lễ của Yamamoto, Kikuji lui về ở ẩn, khép cửa phòng thu không tiếp, không gặp bất cứ một người nào nữa. Nàng sợ rằng nếu nàng cũng chết đi thì trên đời này không còn ai tưởng nhớ đến chàng nữa. Kikuji đã sống một cuộc đời lặng lẽ một mình như thế, để tang Yamamoto cho đến hết cuộc đời.
Một tang lễ thứ hai cho Yamamoto được cử hành một cách trang trọng và cảm động hơn nữa tại Nagaoka, quê hương của Yamamoto. Tang lễ này cử hành sau lễ quốc táng tại Ðông Kinh một ngày. Bộ quân phục và thanh kiếm của Yamamoto được đặt trên một cây cột cùng với cái bình đựng một phần cốt tro của ông. Trong suốt một tuần lễ, 650 ngàn người, mặt đầm đìa nước mắt, lặng lẽ cúi đầu đi qua cây cột. Rồi ông được chôn bên cạnh mộ phần của thân phụ trong khuôn viên một ngôi đền Phật giáo, bên ngoài một thị trấn nhỏ mà trước kia thân phụ ông là một giáo viên.
Nghĩa trang này cũng không xa những cánh đồng trồng lúa và những vườn dâu, một khung cảnh quen thuộc của miền quê Nhật Bản. Chính tại đây Yamamoto đã dạo chơi trong tuổi thơ ấu và ông đã từng ao ước được chôn tại đây. Trên ngôi mộ của ông là một bia mộ rất đơn giản theo đúng như ông muốn. Bia mộ này ngắn hơn bia mộ của thân phụ ông hai phân, theo lời căn dặn trước của ông.
Ðến tháng 12-1943, người ta tạc một bức tượng ông to bằng người thật và dựng lên tại trường phi hành Kasumigaura, nơi ông đã từng làm chỉ huy trưởng. Năm 1945 sau khi Nhật Bản đầu hàng, tướng MacArthur ra lệnh triệt hạ tất cả mọi tượng tướng lãnh Nhật tại khắp Nhật Bản. Các sĩ quan hải quân liền cưa tượng của Yamamoto làm hai khúc và thả xuống một cái hồ gần đó, và cẩn thận đánh dấu chỗ giấu tượng. Mười năm sau người ta vớt tượng của ông lên. Một số bạn thân của ông mua bức tượng đó và đem đặt vào trong một đền thờ phật giáo. Năm 1956, một trong các đô đốc dưới quyền của ông đã bỏ tiền di chuyển tượng của ông về quê hương Nagaoka của ông. Hiện nay bức tượng này đứng trong một công viên do dân chúng tự động quyên tiền thành lập làm nơi kỷ niêm cho ông. Bên cạnh tượng của ông là mẫu hình ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, nơi ông chào đời. Căn nhà nguyên thủy của gia đình ông đã bị phi cơ Mỹ oanh tạc thiêu hủy năm 1945.
Ngày nay ít người còn nhớ tới đài tưởng niệm khác của ông bên cạnh ngôi mộ của đô đốc Togo tại Ðông Kinh. Tuy nhiên hàng tuần vẫn có một người trên đường đi làm, ghé vào và thận trọng rút khăn tay bằng lụa ra lau chùi bia mộ của ông. Người đó chính là cựu đại tá Watanabe, người đã đem tro cốt của ông về Nhật, và hiện đang làm việc cho một công ty xuất cảng của Mỹ. Watanabe là một trong một số ít người còn lưu tâm tới nơi yên nghỉ cuối cùng của Yamamoto.
Trong nước Nhật Bản tân tiến và bận rộn ngày nay, huyền thoại về danh tướng Yamamoto dường như đã bị quên lãng. Giới trẻ ngày nay không nghe biết gì về người anh hùng mà thế hệ cha chú của họ từng sùng kính. Yamamoto là một đô đốc vĩ đại, vượt lên hơn hẳn các đô đốc khác đồng thời của ông. Ông là một chiến lược gia can đảm và xuất chúng. Những tiên đoán của ông về trận Trân châu cảng rất chính xác. Ðấy là cơ hội duy nhất của ông để có thể đánh bại hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Tư tưởng quân sự của ông đi trước thời đại của ông, và trước các chiến lược gia khác, cả Nhật và Mỹ. Ông đã mở một cuộc chiến không theo các quy ước cổ điển.
Biết rõ nhược điểm của hải quân Nhật như ông, nên ông cho rằng cơ hội chiến thắng duy nhất của Nhật là đánh một trận thần tốc bất ngờ. Ðó là một kế hoạch tuyệt luân và may mắn khi thi hành, không bị phát giác trong lúc bên địch không thể tưởng một cuộc tấn công như thế có thể xảy ra được. Ðiều không may duy nhất là các mẫu hạm Mỹ không có mặt tại Trân châu cảng để ông tiêu diệt. Chính vì thế Yamamoto mắc phải một yếu điểm mà chính Nã Phá Luân cũng mắc phải. Mỗi khi định chọn bổ nhiệm một cấp tư lệnh nào, ông không quan tâm tới kinh nghiêm chiến đấu hoặc khả năng của người đó. Trái lại ông chỉ hỏi "Ông ta có may mắn không?" Bởi vì Yamamoto và Nã Phá Luân đều hiểu rất rõ rằng trong những trận đánh lớn, khi mà hai địch thủ tương đương với nhau về sức mạnh thì bên nào may mắn sẽ chiến thắng.
Trong những trận đánh sau này, Yamamoto không gặp may nữa. Ðiều không may quan trọng nhất là người Mỹ đã khám phá được mật mã của Nhật, và người Nhật không hề nghi ngờ gì về điểm này. Ngay cả khi được tin người Mỹ đọc được tín hiệu của Nhật, đô đốc Ukagi cũng không chịu tin như thế. Một điều không may thứ hai là Yamamoto đã giao cho đô đốc Nagumo chỉ huy trực tiếp các mẫu hạm trong trận đánh tại Midway. Nagumo đã thất bại trong trận đánh này và một số mẫu hạm của Nhật bị đánh chìm. Trận Midway đã thay đổi hẳn cục diện chiến tranh tại Thái Bình Dương, đưa tới việc bại trận của Nhật.
Giả dụ người Mỹ không khám phá được mật mã của Nhật và do đó không chiến thắng tại Midway thì Yamamoto có thể đánh bại hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, và Hawaii đã bị Nhật chiếm và hải quân Nhật sẽ tới tận bờ biển phía tây của Mỹ, và Mỹ sẽ không thể trợ giúp Âu Châu được khi hải quân Nhật còn là mối lo ngay tại cửa ngõ của Mỹ. Ít nhất Yamamoto cũng có thể đạt được một thỏa hiệp hòa bình với Mỹ, như ông vẫn ước vọng.
Trận Midway là một trận thủy chiến lớn đầu tiên và cuối cùng trong đó sự thắng bại tùy thuộc vào mẫu hạm. Yamamoto đã mở một trang sử mới về chiến tranh hải quân, nhưng là một trang sử rất ngắn, vừa mở ra đã khép lại ngay, với cái chết của ông. Dù sau các thất bại tại Midway và Guadacanal, nếu Yamamoto không chết trong trận phục kích tại Bougainville thì cục diện Thái Bình Dương cũng khác đi. Yamamoto có thể chuyển bại thành thắng, và tinh thần chiến đấu của hải quân Nhật sẽ cao hơn nếu Yamamoto còn sống và vẫn là tư lệnh của họ. Chính đô đốc Nimitz của Mỹ cũng phải kiêng nể Yamamoto và thường công nhận Yamamoto là kẻ thù đáng sợ nhất trong đời ông.
Yamamoto quả thật là một thiên tài về hải chiến và ông đã đi trước người đồng thời của ông. Ông đã làm chủ Thái Bình Dương trong suốt một năm rưỡi, và trong trận đánh Guadacanal trước khi ông chết, Yamamoto đã tỏ tài quân sự quán thế của ông trong công cuộc triệt thoái được 13 ngàn quân Nhật ra khỏi Guadacanal mà chỉ bị những thiệt hại rất nhỏ. Ðây là một kỳ công của Yamamoto, vì rút quân khó hơn là tiến quân. Giống như những nhà lãnh đạo quân sự đại tài khác, Yamamoto bao giờ cũng tự mình làm gương cho người khác, và bao giờ cũng nắm vững mọi chi tiết, dù lớn hay nhỏ. Ông đòi hỏi mọi cấp binh sĩ phải tập luyện để có đủ khả năng thực hiện được nhiệm vụ của mỗi người.
Người Nhật thương tiếc cái chết của ông, nhưng thực ra cái chết của ông phản ảnh đúng sự tiên đoán của ông. Yamamoto vẫn thường tin rằng ông không sống sót trận chiến tranh tại Thái Bình Dương, một trận chiến mà ông bất đắc dĩ phải thi hành, và lúc nào ông cũng muốn làm bạn với người Mỹ. Tuy nhiên cái chết bất thình lình của ông có thể giúp ông tránh cái nhục phải trông thấy nước Nhật bại trận. Ðiều đó đối với ông có lẽ còn đau đớn hơn cái chết nữa.
Cuộc đời binh nghiệp của Yamamoto thật là hoàn hảo, hoàn hảo theo quan niệm của một võ sĩ đạo. Ông đã đạt tới tột đỉnh của binh nghiệp khi được phong làm Ðô đốc Tư lệnh Liên Hạm đội Nhật, và chinh phục được niềm tin và kính nể của toàn thể quân dân Nhật Bản. Cái chết của ông là một cái chết vinh dự cho một bậc anh hùng: được tử trận ngoài chiến trường thay vì chết già trên giường bệnh. Ðược chết trong lúc đang thi hành phận sự một quân nhân là điều ông thường mong mỏi, như ông đã từng viết trong một bài thơ cuối cùng của ông:
Ta vẫn là một thanh kiếm
Của Thiên Hoàng
Ta sẽ không cắm vào vỏ kiếm
Cho đến khi ta chết.
Cuộc đời Yamamoto chỉ có một mục đích: phục vụ tổ quốc và Nhật Hoàng. Ông đã đạt được mọi ý nguyện, kể cả trong cái chết của ông.

Hết

Xem Tiếp: ----