Họ đi từ Thanh Âm Các đến đền Vạn Niên. Vào tiết trời Thu, đền Vạn Niên có phong cảnh đẹp tuyệt trần, đã đến đây thì không thể không đi tham quan. Bốn người đàn ông và một người đàn bà cùng leo lên dốc dưới ánh nắng ban mai. Vẫn với tác phong quân nhân, phó giám đốc là người dẫn đầu, theo sau là Tiểu Yêu, tay cầm chai rượu. Lâm Hạnh Hoa cũng không chịu kém, cô bước đi băng băng. Hoàng Duy và Triệu Ngư tụt lại phía sau khoảng mười mét, Hoàng Duy tay cầm máy ảnh nói với Triệu Ngư: - Vừa rồi tôi chụp được mấy kiểu ảnh quý lắm. - Triệu Ngư cười vì đã biết những tấm ảnh quý mà Hoàng Duy chụp là cái gì rồi. Hoàng Duy nói: - Nếu tôi bán bức ảnh quý này cho cậu thì cậu trả tôi bao nhiêu tiền? Triệu Ngư không trả lời. Hoàng Duy hỏi tiếp: - Này, liệu cậu có thể trả tôi bao nhiêu? - Anh cứ ra giá đi, tôi còn mặc cả chứ. - Triệu Ngư cười bảo. - Hôm nay tớ phát tài to rồi, chỗ anh em, tớ chỉ lấy cậu mười vạn thôi... - Hoàng Duy ngửa mặt lên trời cười ha hả. Lâm Hạnh Hoa đi chậm lại, nhường đường cho Hoàng Duy đi lên trước, cô liếc nhìn và hỏi Triệu Ngư: - Vừa rồi các anh nói chuyện gì thế? - Chẳng có chuyện gì đâu. - Triệu Ngư nói. - Rõ ràng em nghe thấy anh Hoàng Duy nói cái gì mười vạn mà. - Anh ấy bảo anh mua phiến đá trên cầu Song Phi... - Triệu Ngư cười bảo. - Anh nói dối, không phải anh Hoàng Duy nói thế. - Lâm Hạnh Hoa lắc đầu. - Đúng là nói chuyện về phiến đá thật mà. - Triệu Ngư nói. - Có phải là phiến đá anh ấy chụp ảnh không? - Lâm Hạnh Hoa nói. Triệu Ngư ngó nhìn xung quanh: Quả nhiên phiến đá rất có ý nghĩa thật. Lâm Hạnh Hoa nói: - Anh mua tấm ảnh ấy được đấy, đem về để ở phòng làm việc, hàng ngày ngắm nhìn nó, biết đâu lại chẳng có tình cảm để viết một truyện ký về phiến đá ấy. - Có lẽ nên viết về Lâm Giáo Đầu ở thế kỷ hai mốt thì hay hơn. - Triệu Ngư nói. - Chỉ viết riêng về Lâm Giáo Đầu thôi ư? Còn một anh chàng ngốc nữa, không viết hay sao? - Lâm Hạnh Hoa cười bảo. Triệu Ngư chỉ cười, không trả lời. Thực ra chàng ngốc đâu có ngốc, anh biết điều đó, Lâm Hạnh Hoa cũng biết. Những điều muốn nói nhưng chưa nói được hãy chôn chặt trong lòng, hạ hồi phân giải. Trước mắt hãy cứ nhìn ông mặt trời đang lên, ông mặt trời vào lúc tám, chín giờ sáng... Hai đôi giày thể thao đi lộp cộp trên đá, vừa có giai điệu, vừa nghe như tiếng vĩ cầm. Vào khoảng giữa trưa họ đến đền Vạn Niên. Lâm Hạnh Hoa giới thiệu đền Vạn Niên có ba báu vật: răng Phật, bức tượng Bồ tát Phổ Hiền và bể trăng soi (ngắm trăng). Răng Phật nặng khoảng mười cân, thực ra đây chỉ là phiến đá giống hình thù cái răng, nó có mặt ở đây đã hai trăm nghìn năm rồi. Hoàng Duy cười bảo: - Có lẽ đây là một trong những cái răng của đức Phật tổ ngày xưa. - Khoa học là khoa học, không nên lẫn lộn giữa tôn giáo với khoa học. Tiểu Lâm, cháu thấy chú nói thế có đúng không? - Phó giám đốc nói. - Cháu không biết. - Lâm Hạnh Hoa lắc đầu. - Hôm qua cháu còn giải thích về địa chất học, về xuất xứ hình thành dãy núi, tại sao hôm nay lại bảo không biết? - Phó giám đốc cười bảo. - Khoa học cần phải được tôn trọng nhưng cháu vẫn tin vào câu nói: Phật pháp là vô cùng tận. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Tôi cũng nhất trí với ý của cô Lâm. - Hoàng Duy nói. - Triệu Ngư, cậu thấy thế nào? - Phó giám đốc quay sang Triệu Ngư. - Khoa học và tôn giáo là hai lĩnh vực khác nhau. - Triệu Ngư nói. Phó giám đốc nghe xong lắc đầu, Lâm Hạnh Hoa bưng miệng cười. Bức tượng đồng Phổ Hiền được đặt ở một vị trí trang trọng, trông rất uy nghi. Lâm Hạnh Hoa chắp tay quỳ trước tượng, miệng lẩm bẩm khấn, Hoàng Duy, Triệu Ngư cũng tỏ lòng thành kính, quỳ xuống bên cạnh Lâm Hạnh Hoa và cũng lẩm bẩm cầu nguyện. Bể trăng soi là một bể nước thiên nhiên, mùa Hè nước không cạn, mùa Đông cũng vẫn thế, ếch nhái trong bể kêu rất vui tai như tiếng đàn, người ta thường gọi là "dàn nhạc ếch". Ếch nhái chơi đàn như thế nào, còn người thì sao? Lâm Hạnh Hoa nói: - Năm đó, Lý Thái Bạch đã nghe hòa thượng Quảng Lăng gẩy đàn... - khách Sơn Đông đều chăm chú lắng nghe, còn Triệu Ngư thì lại lơ đãng. Gió Thu tràn về, nhưng lá đỏ của cây rừng vẫn rực rỡ. Dòng nước trắng dưới chân núi uốn lượn quanh co như một dải lụa trắng. Ngước mắt nhìn lên, trời cao, mây thẳm... Triệu Ngư lặng người trước cảnh đẹp thiên nhiên, anh đang xúc động. Anh đút hai tay vào túi quần, mắt đăm đăm nhìn về phía Lâm Hạnh Hoa, bất chợt bắt gặp nụ cười tươi trên môi cô khiến trái tim anh thổn thức... Lúc ăn cơm trưa, Lâm Hạnh Hoa nhận được điện thoại của lãnh đạo bảo rằng có xe của công ty đi Kim Đỉnh, cô thử hỏi xem khách có muốn đi tham quan Kim Đỉnh không. Lâm Hạnh Hoa hỏi Triệu Ngư, Triệu Ngư lại hỏi phó giám đốc. Phó giám đốc trưng cầu ý kiến của Hoàng Duy và Tiểu Yêu, rồi quyết định đi và ngủ qua đêm tại Kim Đỉnh. Mấy hôm nay ở Nga Mi Sơn có mưa liên tiếp, vào lúc chiều tà mới thấy trời quang mây tạnh. Xem ra thời tiết sáng mai có vẻ khá hơn. Cơm nước xong cả năm người ngồi trên cao uống trà, đợi xe đến. Đền Vạn Niên rất thoáng đãng, đẹp và sạch sẽ. Lâm Hạnh Hoa nói: - Tiếc quá không được ngủ qua đêm ở đây. - Sang năm các chú sẽ đến đây lần nữa, hy vọng cháu Tiểu Lâm sẽ lại làm hướng dẫn viên cho các chú. - Phó giám đốc nói. - Cô ấy là phó văn phòng, ít khi đi làm hướng dẫn viên du lịch lắm. - Hoàng Duy nói. - Chỗ quen biết có thể có ngoại lệ. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Bây giờ chúng ta đã có thể là bạn của nhau được chưa? - Phó giám đốc nói. - Đương nhiên rồi. - Lâm Hạnh Hoa nói. Tiểu Yêu lại nhắc đến chuyện bướm rừng, Lâm Hạnh Hoa nói: - Rất có thể mấy bụi rậm ở gần đây có loại bướm này. - Chúng ta đi xem một tí đi. - Tiểu Yêu đáp. - Xe sắp đến rồi. - Phó giám đốc nói. - Chúng cháu đi một lát rồi về ngay. - Tiểu Yêu nói. Thế là Lâm Hạnh Hoa dẫn đường, Hoàng Duy cũng đi theo. Hoàng Duy lấy chai rượu của Tiểu Yêu uống một hớp. Phó giám đốc dặn hai người: - Các cháu cứ đi xem bướm đi, tôi và Triệu Ngư ở nhà uống trà tán gẫu cũng được. Ba người xuống nhà, men theo đường rừng. Lâm Hạnh Hoa ngoảnh lại liếc nhìn Triệu Ngư, cười. Phó giám đốc nói đúng là một cô gái tốt bụng. Triệu Ngư gật đầu. Phó giám đốc cứ nghĩ là Lâm Hạnh Hoa cười hai người. Trà họ đang uống là loại trà ngon, trà tuyết trên đỉnh núi cao Nga Mi Sơn. - Liệu hết năm nay Lý Tiến có còn làm việc nữa không? - Phó giám đốc hỏi. - Khả năng này rất ít. - Triệu Ngư đáp. - Con người có sức khỏe và năng lực như Lý Tiến mà nghỉ thì tiếc quá. Một con người đã tạo dựng được một ê kíp làm việc tốt như vậy, nay về hưu thì thật tiếc quá... - Phó giám đốc thở dài nói còn Triệu Ngư lặng thinh. Phó giám đốc đột nhiên hỏi: - Tiểu Triệu, cậu và Lâm Hạnh Hoa quen nhau lâu chưa? - Mới chỉ quen vài tháng thôi. - Triệu Ngư đáp. - Tớ cứ tưởng cô cậu quen nhau mấy năm rồi. Có hay gọi điện thoại cho nhau không? - Phó giám đốc cười bảo. - Không. - Triệu Ngư đáp. - Không thế nào được? Tại sao tớ cứ có cảm giác... - Phó giám đốc nói. Phó giám đốc muốn nghe Triệu Ngư kể chuyện, nhưng anh chẳng có chuyện gì để kể cho ông nghe, anh quay mặt ra ngoài ngắm nhìn phong cảnh. Lâm Hạnh Hoa đã quay về, nhưng chân đi tập tễnh cô phải vịn tay vào vai Hoàng Duy. Cô bị trẹo khớp chân. Tiểu Yêu phát hiện thấy bướm trong bụi rậm, anh chàng mừng quá hét um lên, Lâm Hạnh Hoa vội chạy lại xem thì bị trẹo chân. Tuy cô đau đến vã cả mồ hôi, nhưng vẫn luôn miệng nói: Không việc gì, không việc gì. Hoàng Duy đỡ cô ngồi xuống, phó giám đốc vội chạy lại cởi giày cho cô, quả nhiên thấy khớp xương chân trái sưng vù. Phó giám đốc khẽ ấn nhẹ tay vào chỗ đau, Lâm Hạnh Hoa kêu ái một tiếng thật to. Phó giám đốc nghiêm sắc mặt. - Tại cháu. - Tiểu Yêu nói. Lâm Hạnh Hoa nói do cháu sơ ý, không phải tại Tiểu Yêu đâu. - Cậu hơi quá quắt đấy, đi tìm bướm làm gì. Chân Tiểu Lâm đau thế này, liệu cậu có cõng cô ấy lên Kim Đỉnh được không? - Phó giám đốc lườm Tiểu Yêu. - Cõng thì cõng chứ sao. - Tiểu Yêu ấp úng. Hoàng Duy cười bảo cả bốn người đàn ông chúng ta thay phiên nhau cõng cô ấy lên tận đỉnh núi. Lâm Hạnh Hoa lắc đầu, có lẽ cháu không đi Kim Đỉnh được đâu. xe chỉ có thể đưa chúng ta đến một ngôi đền gần đấy được thôi, phải đi bộ hơn chục dặm đấy. - Thôi, không đi nữa, tất cả ở nhà chăm sóc Tiểu Lâm. - Phó giám đốc nói. - Ấy chết, không cần phải thế đâu, hôm nay trời đẹp lắm, các chú cứ đi đi. - Lâm Hạnh Hoa nói. Phó giám đốc nói dù trời có đẹp đến đâu cũng không thể để cháu ở lại một mình được. Vả lại cháu không đi lấy ai thuyết minh, thế thì còn hứng thú gì nữa? - Kim Đỉnh và đỉnh Vạn Phật chủ yếu là phong cảnh thiên nhiên, cháu nói lung tung có khi còn mất cả hứng thú. Thôi, các chú cứ đi đi. - Lâm Hạnh Hoa nói. Hoàng Duy nói dù gì thì gì cũng phải cử một người ở lại chăm sóc cô. - Thôi, cũng được, ta chia binh làm hai ngả. Tiểu Lâm, cháu thấy thế nào? - Phó giám đốc nói. Lâm Hạnh Hoa khẽ gật đầu, mặt cúi xuống, tay khẽ xoa vào chỗ bị trật khớp. - Ai tình nguyện ở nhà nào? - Phó giám đốc hỏi. - Anh còn hỏi làm gì? - Hoàng Duy cười bảo. - Chắc không phải là mình rồi. - Phó giám đốc suy nghĩ. - Cháu có sai lầm, để cháu ở nhà chăm sóc cô ấy, lấy công chuộc tội. - Tiểu Yêu nói. - Ồ, té ra ai cũng muốn ở nhà. Tiểu Lâm, cháu đã thấy người Sơn Đông nhiệt tình chưa. Tiểu Lâm, cháu thử nói thật xem, cháu muốn ai ở nhà? - Phó giám đốc cười bảo. Lâm Hạnh Hoa không trả lời. Tiểu Yêu bưng miệng cười. - Một người cởi mở như cháu, tại sao lại xấu hổ? Nếu cháu không nói, chúng tôi sẽ phải bỏ phiếu bình chọn. - Phó giám đốc nói. Lâm Hạnh Hoa ngẩng đầu lên, môi mấp máy nhưng không nói lên lời. Cô lại đưa tay xoa vết đau. Đúng lúc đó, điện thoại của cô vang lên, bảo rằng xe đã đến. - Để tôi nói hộ vậy, có một người từ nãy đến giờ không phát biểu, để anh ta ở lại. - Hoàng Duy nói. - Triệu Ngư rồi. - Phó giám đốc cười khà khà. - Như vậy sẽ không tiện, tôi là người được cử đi tháp tùng các anh kia mà. - Triệu Ngư nói. - Họ là khách từ xa đến. - Lâm Hạnh Hoa nói. Phó giám đốc đặt tay lên vai Lâm Hạnh Hoa rồi quay sang nói với Triệu Ngư: - Khách sẽ đi tham quan Kim Đỉnh, còn chủ sẽ ở lại đền Vạn Niên chăm sóc cho đồng chí Tiểu Lâm của chúng tôi. Chỉ có một chuyện đơn giản thế thôi việc gì phải bàn đi tính lại mãi. Tiểu Triệu, tôi giao nhiệm vụ này cho cậu, hễ ngày mai trở về, chân Tiểu Lâm chưa khỏi, tôi sẽ phê bình cậu đấy. Triệu Ngư cười. Lâm Hạnh Hoa cúi gằm mặt xuống. Khách Sơn Đông đã đi rồi, phòng trà cũng không còn ai. Triệu Ngư thuê một căn phòng rồi dìu Lâm Hạnh Hoa vào ngồi trên đi văng. Anh cúi xuống nhìn kỹ chỗ bị thương, thấy khớp vẫn còn sưng nhưng không nghiêm trọng lắm. Triệu Ngư khẽ sờ tay vào, Lâm Hạnh Hoa chau mày nghiến răng: - Ôi, đau quá. - Phải xoa rượu thuốc vào chỗ đau mới được, để tôi chạy xuống dưới nhà xem có không. - Triệu Ngư nói. - Em có bạch dược của Vân Nam đây, anh lấy khăn mặt nóng đắp giúp em. - Lâm Hạnh Hoa nói. Triệu Ngư lấy trong túi của Lâm Hạnh Hoa một hộp thuốc bạch dược. Đây là loại biệt dược nổi tiếng của Vân Nam, chuyên trị các vết thương đau ngã, uống hoặc bôi bên ngoài đều được. Triệu Ngư rắc lên chỗ đau ở cổ chân Lâm Hạnh Hoa, rồi lấy khăn mặt nhúng vào nước nóng phủ lên trên, tay day đi day lại. Trước đó anh đã dùng thuốc sát trùng rửa chỗ đau cho Lâm Hạnh Hoa. Lâm Hạnh Hoa ngâm cả hai chân vào chậu nước nóng, chỗ trẹo khớp thấy dễ chịu dần. Triệu Ngư nói: Ngâm thế này máu sẽ lưu thông tốt hơn. Lâm Hạnh Hoa có cảm giác như lúc này mình đang là bệnh nhân của Triệu Ngư. Triệu Ngư rất tận tình chu đáo, luôn thay nước và bấm vào các huyệt từ gan bàn chân lên đến đùi non. Lâm Hạnh Hoa thấy buồn gan bàn chân quá, cố nén chịu nhưng rồi cũng phải bật cười. Triệu Ngư bảo không được cười, phải có sự phối hợp, nếu không tôi sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ bị phó giám đốc phê bình. Lâm Hạnh Hoa nói: - Trưa mai họ mới xuống núi kia mà. - Triệu Ngư nói trẹo khớp như thế này cứ phải một trăm ngày mới khỏi. Lâm Hạnh Hoa cười bảo: - Một trăm ngày ai mà chịu được. Đã dùng hết một phích nước nóng, Triệu Ngư lại đi lấy phích thứ hai. Nước trong chậu đã nguội, Triệu Ngư lại đổ nước mới vào. Anh ân cần chăm sóc Lâm Hạnh Hoa, quên cả mệt mỏi. Khi gặp Lâm Hạnh Hoa ở đền Hổ Phục đã là một chuyện tình cờ, nay ở đền Vạn Niên lại tình cờ được chăm sóc cô. - Anh nghỉ một lát đi, em thấy đỡ nhiều rồi. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Hình như vẫn còn hơi sưng một tí. - Triệu Ngư nói. - Anh dìu em vào giường, anh ngồi đây mà nghỉ. - Cô uống một chút bạch dược nhé. - Mùi thuốc khó ngửi lắm, em không uống nổi đâu. - Hay kẹp nó vào miếng táo vậy nhé. - Triệu Ngư nói. - Như thế lại càng khó nuốt. - Lâm Hạnh Hoa cười bảo. Lâm Hạnh Hoa nằm duỗi thẳng chân trên giường, Triệu Ngư ngồi cạnh thành giường. Căn phòng này tựa lưng vào vách núi, bên ngoài là một con dốc, xung quanh cây cối mọc um tùm. Có một năm tuyết phủ dày lắm, hồi đó Triệu Ngư ở đền Vạn Niên, tuyết phủ trắng xóa. Hồi đó anh mới mười bảy tuổi, vừa tốt nghiệp trung học xong, anh cùng các bạn nam nữ trong lớp đến đây tham quan. Thấm thoắt đã hai mươi năm trôi qua, anh vẫn nhớ như in hồi đó anh cũng ở trong căn phòng này, mọi trang thiết bị trong phòng vẫn như xưa, nay chỉ có thêm một chiếc ti vi. Họ chia nhau ăn một quả táo. Đây cũng là thói quen của Lâm Hạnh Hoa, mỗi ngày chị ăn một quả táo. Chị còn nhớ hồi tháng tư đi trên chuyến xe đường trường, chị cũng bổ táo mời bà lão ngồi bên cạnh ăn. Sau đó Triệu Ngư mời chị ăn lê, rồi tối hôm đó hai người ngủ chung một giường. Lâm Hạnh Hoa thử cử động cổ chân, quả nhiên đã thấy đỡ nhiều. - Em đã đi nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên em bị trẹo cổ chân. - Lâm Hạnh Hoa nói. Chị nhìn Triệu Ngư đang làm mát xa, nói tiếp: - Lần này em thấy lạ quá, lẽ ra công ty cử một hướng dẫn viên du lịch đi, nhưng em đã tự nguyện xin đi. Chánh văn phòng ngạc nhiên hỏi tại sao lại thế, em trả lời rằng hôm nay trời đẹp. Khi đến đền Hổ Phục em chẳng thấy anh đâu, thì ra anh đã vào trong đền. - Tôi đang quỳ và nhắm mắt khấn thì nghe thấy tiếng cô. - Anh chỉ mới nghe thoáng qua mà đã nhận ra ngay à? - Lâm Hạnh Hoa nói. Triệu Ngư gật đầu. Lâm Hạnh Hoa lại hỏi: - Cảm giác của anh lúc đó như thế nào? - Thấy vui vui. - Em cảm ơn anh. - Cô khách sáo gớm nhỉ. - Triệu Ngư cười bảo. - Vậy anh muốn em nói như thế nào? - Lâm Hạnh Hoa hỏi. - Tôi cũng chẳng biết nữa. - Lạ thật, trên đời này hiếm có một người như anh, không biết cả mình đã nghĩ gì. Anh Triệu Ngư, em hỏi thật anh nhé: Tại sao anh không nhận lời cảm ơn của em? - Cô đã đem lại niềm vui cho tôi, lẽ ra tôi phải cảm ơn cô mới đúng. - Triệu Ngư nói. - Anh nói thế là không đúng, nếu nói là vui thì phải nói em là người vui trước, vì được gặp anh, còn anh sau khi nghe tiếng nói của em, anh mới thấy vui kia mà. Theo logic của anh, em phải là người cảm ơn anh trước mới phải. - Lâm Hạnh Hoa cười bảo. - Tôi chịu thua cô rồi. - Triệu Ngư cười. - Chúng ta nói phải có lý mới được. Tục ngữ có câu: Trời cao đất rộng cũng không qua được lẽ phải. - Vậy cô nói có lý, còn tôi nói không có lý, như thế được chưa? Tôi tình nguyện làm người học trò nhỏ của cô, được chưa? - Cuộc chiến chưa bắt đầu đâu, anh Triệu Ngư, tại sao chưa khai chiến anh đã đầu hàng, thật đáng thương quá nhỉ. - Lâm Hạnh Hoa cười. - Cô Lâm Hạnh Hoa, hôm nay cô định tuyên chiến với tôi đấy à? - Đâu dám, đâu dám, em chỉ nói vài câu thôi. - Lâm Hạnh Hoa vừa xua tay liên tiếp vừa nói. - Không, cô nói nhiều lắm. - Em còn muốn nói cả trăm câu nữa kia. Anh Triệu Ngư đáng thương, đáng thương... - Tôi là một con sâu đáng thương. - Triệu Ngư làm điệu bộ khổ não. - Tại sao lại là con sâu đáng thương, anh là người đọc nhiều sách, chẳng lẽ lại không hiểu ý nghĩa đích thực của hai từ "đáng thương" hay sao? - Không hiểu thì học chứ có sao đâu. - Ý nghĩa của từ "đáng thương" là... À mà thôi, em không nói nữa đâu. - Ồ, té ra nghĩa của từ "đáng thương" là em không nói nữa đâu. - Anh đã ăn hạt sen bao giờ chưa? - Ăn rồi, hương vị rất thơm. Hạt sen... - Hạt sen chính là hạt đáng thương. - Hạt sen là hạt sen, là quả của hoa sen. - Hoa sen trông rất đẹp, hạt sen lại rất ngon. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Hạt sen thơm ngon tuyệt vời. Hai người liếc nhìn nhau rồi quay đi phía khác. Lâm Hạnh Hoa tựa lưng vào đầu giường, Triệu Ngư ngồi ở mép giường. Bên cạnh tay người đàn ông là chân người đàn bà. Hôm nay sẽ không có chuyện ngủ cùng giường. Không. Chắc chắn là không. Tối đến họ sẽ phải rời xa nhau. Chỉ có chuyện chị thương, anh yêu mà thôi. Hạt sen quả thật rất ngon, hương vị đậm đà. Nhưng có nhiều thứ ngon quá, bạn không thể tham lam thưởng thức một lúc tất cả. Thò tay ra thì dễ nhưng rụt tay lại thì khó. Vả lại, việc gì phải chìa tay ra? Cứ như hiện tại có phải tốt hơn không? Như vậy là rất tốt. Giữ một khoảng cách nhất định sẽ rất hay. Hay ở chỗ không nhiều lời, căn phòng sẽ trở nên yên tĩnh hơn. Có tiếng chân người đi ngoài hành lang, mấy chú chuột đang nhảy nhót trên cành cây. Các cây cổ thụ người ôm không xuể đan chen san sát bên nhau. Người không trò chuyện, cây không lên tiếng, phải chăng các sinh vật khác đang có cùng một suy nghĩ. Cành cây lơ lửng trên không luôn tỏ thái độ tôn trọng, còn rễ cây thì bám sâu trong lòng đất, đan xen vào nhau. - Em muốn đi vệ sinh. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Cô đi một mình được không? - Triệu Ngư hỏi. - Không được. Anh dìu em. Đưa cho em đôi giày. - Để tôi đi giày giúp cô. - Anh ngoan quá nhỉ. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Ai bảo cô là bệnh nhân. - Triệu Ngư nói. - Khi nào anh là bệnh nhân, em sẽ chăm sóc anh. - Tôi đi giày cho cô mà cô lại mong cho tôi ốm à? - Nếu anh không ốm thì em làm gì có dịp được đeo giày cho anh? Hôm nay em là bệnh nhân của anh, ngày mai, anh là bệnh nhân của em. - Lâm Hạnh Hoa cười bảo. - Cô càng nói càng lộn xộn, tuy nhiên tôi sẽ mong ngày mai tôi ốm. - Triệu Ngư nói. - Ngày mai anh ốm càng tốt, anh đỡ phải... Triệu Ngư đã đi giày cho Lâm Hạnh Hoa, anh ngẩng đầu lên hỏi: - Cô bảo tôi đã phải cái gì? Nói đi. - Thôi em không nói nữa. - Lại có thêm một câu em không nói nữa. - Triệu Ngư cười bảo. - Đã bảo không nói là không nói. Hạt sen chính là hạt đáng thương. - Tôi không hiểu ý cô định nói gì. Anh nghĩ: Hoa hồng chính là hoa hồng, chính là hoa hồng:.. chiếc áo nhung kẻ chính là chiếc áo gió cổ bẻ... - Nào, dìu em ra nhà vệ sinh một tí, sao lại cứ ngây người ra như thế? - Lâm Hạnh Hoa nói. Nhà vệ sinh ở phía bên ngoài, hai người chậm rãi dìu nhau đi trên hành lang, nắng chiều le lói chiếu. Dưới đền người người ra vào, ngoài sân, cúc vàng khoe màu cùng các loài hoa trắng. Triệu Ngư liếc nhìn quanh đền Vạn Niên chỉ thấy núi non xanh thẳm trùng trùng điệp điệp, lá cây rừng màu đỏ. "Ối, cảnh núi rừng thơ mộng quá, sao giống lòng người đến thế!". Triệu Ngư đứng ở hành lang chờ Lâm Hạnh Hoa đột nhiên thốt lên một câu như vậy. Câu nói phảng phất dáng dấp tình yêu. Nhớ lại năm nào Thương Nữ đến với anh dưới bóng cây ngô đồng, anh cũng đưa Thương Nữ đi vệ sinh, cũng đứng đợi dưới gốc cây ngô đồng. Tình và cảnh sao giống nhau đến thế... Lâm Hạnh Hoa đã ra, lê từng bước lên chiếc cầu nhỏ rồi vịn tay vào lan can chờ Triệu Ngư đến. Hôm nay cô là bệnh nhân của anh... Lâm Hạnh Hoa, cô gái hoạt bát đang chìm trong suy nghĩ... Hai người dìu nhau đến đầu hành lang, cảnh vật xung quanh đẹp như tranh vẽ. Triệu Ngư châm thuốc hút, mắt liếc nhìn phía sau Lâm Hạnh Hoa, hồi tháng Tư khi đi trên chuyến xe đường trường, anh cũng chỉ nhìn phía sau cô. Mái tóc cô rất giống mái tóc của Diệp Nghinh Xuân, người dẫn chương trình của đài truyền hình trung ương hoặc nói ngược lại, mái tóc Diệp Nghinh Xuân rất giống mái tóc của Lâm Hạnh Hoa cũng được. Hồi tháng Tư, Triệu Ngư đã ngắm mái tóc này, bây giờ lại được ngắm một lần nữa. Lâm Hạnh Hoa đứng đó phóng tầm mắt nhìn về phía xa. Còn về phía sau cô là gì, cô đã biết, không cần phải quay đầu lại. Mặt trời sắp lặn, Triệu Ngư lại châm thuốc hút. - Anh đừng hút nữa. - Lâm Hạnh Hoa quay đầu lại nói. - Đây là điếu cuối cùng. - Triệu Ngư chìa bao thuốc đã hết ra và nói. - Mỗi ngày anh có hút hết một bao không? - Ba ngày hết hai bao. - Ai mà tin anh được? - Tôi không bao giờ hút hết một điếu, đôi khi cầm điếu thuốc trên tay mà quên khuấy đi không hút. - Em thấy anh lúc nào cũng phân tán tư tưởng. Anh có biết mình thiếu tập trung tư tưởng không? Nói chuyện với anh mà anh cứ để tai ở nơi khác. - Triệu Yến đã từng gọi tôi là chuyên gia thiếu tập trung. Lâm Hạnh Hoa ngắm nhìn phong cảnh rồi quay lại nói với Triệu Ngư: - Đã có ai nói với anh rằng điệu bộ thiếu tập trung của anh trông rất đáng yêu chưa? - Vừa rồi cô nói trông tôi rất đáng thương, bây giờ lại nói rất đáng yêu là sao? - Triệu Ngư cười bảo. - Chẳng lẽ không đồng nghĩa hay sao? - Lâm Hạnh Hoa nói. Triệu Ngư hút thuốc, né tránh trả lời. - Anh Triệu Ngư này, - Lâm Hạnh Hoa nói, - em có một chuyện hơi băn khoăn, hình như bất cứ lúc nào anh cũng suy nghĩ. Anh có thể nghĩ xa, nghĩ gần, nhưng những cái gọi là xa ấy thực ra lại rất gần. Anh có thể cho em biết tại sao lại như thế được không? - Ở trên đời này làm gì có chuyện xa và gần. Nói theo cách khác xa và gần không phải do khoảng cách quyết định. - Triệu Ngư đáp. - Em hiểu ý anh rồi. Ví dụ người Mỹ chẳng hạn. - Lâm Hạnh Hoa gật đầu. - Khoảng cách giữa người Mỹ và chúng ta rất gần, những năm gần đây lại càng gần hơn. Chủ nghĩa kỹ thuật, chủ nghĩa vật chất cũng phù hợp với lợi ích của chúng ta hơn. - Đây là một đề tài lớn. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Đúng thế, rất lớn là đằng khác. Tôi đã nghĩ về đề tài này suốt mười mấy năm rồi. Đôi khi cũng đứng trên lập trường của họ để suy nghĩ về các vấn đề như dân chủ, pháp chế, lối sống, nguyên tắc thị trường. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại mãi vẫn cảm thấy vấn đề rất nghiêm trọng. - Nghiêm trọng đến mức độ nào? - Lâm Hạnh Hoa hỏi. - Nghiêm trọng đến mức rất nhiều người không coi đó là một vấn đề. - Và ngược lại, không chạy theo người Mỹ mới là một vấn đề. - Còn cô, cô nghĩ thế nào? - Triệu Ngư cười bảo. - Em cũng nhất trí với anh, em không thích người Mỹ tỏ ra mình là người giàu có, gặp ai cũng khua chân múa tay. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Cách suy nghĩ của người Mỹ về lối sống còn nhiều vấn đề phải bàn lắm. Cô đã đọc tác phẩm của Vương Tiểu Ba chưa? - Có đọc một số như Thời đại hoàng kim, Ngôi nhà tinh thần của tôi. - Vương Tiểu Ba là một trí thức tự do điển hình, ông đã từng sống ở Mỹ tám năm và rút ra được kết luận là: Kinh tế thương trường Mỹ sẽ mãi mãi là điểm nóng hàng nghìn độ. Ông không thích nước Mỹ. Người Mỹ đã mở rộng nguyên tắc thương mại sang nhiều lĩnh vực, thậm chí tràn lan ra khắp thế giới. Nguyên tắc thương mại của họ rốt cuộc đã trở thành luật rừng. - Chủ nghĩa đơn phương ngày càng rõ nét. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Hiện giờ tôi đang nghĩ không biết có phải chủ nghĩa đơn phương bắt nguồn từ chủ nghĩa kỹ thuật hay không? Chủ nghĩa kỹ thuật đã đem đến cho họ một thứ quyền bành trướng vô hạn, quyền giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Điều này rất nguy hiểm. Nó càng thô bạo hơn ở chỗ sự nguy hiểm ấy ngày càng đến gần chúng ta nhưng chưa ai gióng lên hồi chuông cảnh báo. - Triệu Ngư nói. - Dù hồi chuông cảnh báo đã gióng lên cũng chưa vị tất có người nghe thấy. - Dù sớm muộn gì mọi người cũng sẽ nghe thấy. Cứ tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo, ít ra cũng có một tiếng nói khác. - Anh suy nghĩ về những vấn đề này, có bao giờ cảm thấy bi quan không? - Lâm Hạnh Hoa nói. - Cô trông tôi có giống người bi quan không? - Triệu Ngư cười bảo. - Không giống. - Lâm Hạnh Hoa trả lời. - Tôi còn nhớ ai đó nói rằng chỉ có những người bi quan nhất mới lạc quan. Vì thế, tôi không phải là người bi quan. Bi quan và lạc quan không phải là nguồn gốc của sự vật. Tôi có cách nghĩ riêng về lối sống, chỉ đơn giản thế thôi. - Cách nghĩ riêng của anh như thế nào, anh có thể kể cho em nghe được không? - Lâm Hạnh Hoa hỏi. - Cô muốn nghe thật à? - Triệu Ngư vừa cười vừa hỏi lại. - Sao anh lạ thế, nếu không muốn nghe thì bảo anh nới làm gì. - Đền Vạn Niên đẹp thật. Lâm Hạnh Hoa dường như đang suy nghĩ. Cô tiến lại gần nói với Triệu Ngư ý kiến của anh giống hệt như những thuật ngữ của người theo đạo Phật. Anh đừng giải thích vội, để em suy nghĩ thêm xem sao. Triệu Ngư liếc nhìn cô. Anh muốn hút thuốc nhưng trong tay chỉ có cái vỏ bao không. Mặt trời đã xuống đến lưng chừng núi, phía Tây chỉ còn một màu hồng nhạt. Hương vị các món ăn từ dưới nhà bay lên, hình như một món thịt rán nào đó. Một món thịt, với một bình rượu... lát nữa anh và Lâm Hạnh Hoa sẽ cùng ăn, cùng uống. Ngồi với nhau suốt cả buổi tối vẫn chưa thể nói hết những lời muốn nói. Vẫn còn một buổi sáng mai nữa. Ồ, còn ngày hôm sau nữa chứ. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Cuộc đời có nhiều điều kỳ lạ, Lâm Hạnh Hoa trong chuyến đi Cầu Khê, Lâm Hạnh Hoa hôm nay, mối tình đồng chí thật đẹp đẽ. Triệu Ngư chưa uống rượu mà đã say khướt. Lâm Hạnh Hoa im lặng trong giây lát rồi ngẩng đầu lên nói với Triệu Ngư: - Em biết rồi. - Biết rồi, cô thử nói cho tôi nghe nào. - Triệu Ngư bảo. - Chúng ta về phòng thôi. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Nói ở đây không tiện à? - Triệu Ngư cười bảo. - Anh đã nói ra thuật ngữ đó, chẳng lẽ em lại không hiểu hay sao. Triệu Ngư nghĩ: Chúng ta về phòng thôi... Gọi là thuật ngữ của Triệu Ngư có nghĩa là sự cảm thụ trong từng giây, từng phút của anh, Lâm Hạnh Hoa đã dùng câu nói đó để đối đáp lại với anh là hợp lý. Lâm Hạnh Hoa vịn tay vào vai Triệu Ngư trở về phòng. Người phục vụ đem cơm lên, quả nhiên có món thịt rán. Theo thói quen ở Tứ Xuyên thịt rán phải nửa nạc, nửa mỡ, rán cháy cạnh ăn mới ngon, gia vị ngấm vào rồi bốc mùi thơm. Triệu Ngư vừa nếm một miếng đã khen ngon, ở nhà, anh thường vào bếp tự tay rán thịt. Thịt rán là món ăn hàng ngày đồng thời cũng là món ăn khoái khẩu của người Tứ Xuyên. Trên bàn chỉ có một đĩa thịt rán, còn các món khác đều là sản vật của rừng, không hề có đồ biển. Uống rượu nhắm thịt rán là nhất rồi còn gì. Lâm Hạnh Hoa bảo người phục vụ đưa lên hai chai rượu loại ngon nhất. Cô nói: Lúc đi vào rừng bắt bướm với Tiểu Yêu, cô cũng đã uống hai ngụm loại rượu này, Tiểu Yêu cũng uống, còn lại bao nhiêu, Hoàng Duy uống sạch. - Hoàng Duy là vua rượu đấy, uống vài chén chẳng nhằm nhò gì đâu - Triệu Ngư nói. Hai người chạm cốc rất mạnh. Có một người đàn ông đi qua cửa phòng nhìn vào, Lâm Hạnh Hoa cố lê chân ra đóng cửa. Đèn bật sáng, rọi chiếu trên khuôn mặt ửng hồng của cô. Bên ngoài, hoàng hôn đang dần buông, ánh triều dương giữa núi rừng trông thật mê li. Lâm Hạnh Hoa nói: - Lên núi, xuống dốc anh đều giúp đỡ em, là một hướng dẫn viên du lịch, em muốn làm tròn nhiệm vụ ở mức cao nhất, hà cớ gì lại bỏ qua cảnh đẹp nơi đây? Ăn cơm xong, chúng ta đi dạo một chút. - Nhưng chân cô... - Triệu Ngư nói. - Thì anh dìu em, có sao đâu. - Lâm Hạnh Hoa cắt lời. - Tiếc quá hôm nay không được đi Kim Đỉnh. Cám ơn anh đã ở nhà chăm sóc em. - Hàng trăm năm cô mới bị tai nạn một lần. - Triệu Ngư cười bảo. - Đây là lần đầu tiên em bị trẹo chân đấy. Nào, uống đi, hôm nay phải uống thật say mới được. - Đừng uống say. - Tại sao lại không uống say? Đến đây có phải dễ đâu. Mai anh đã về rồi, có lẽ vài tháng nữa cũng chưa gặp lại nhau được đâu. Triệu Ngư im lặng. Lâm Hạnh Hoa gọi điện thoại bảo người phục vụ đem thêm hai đĩa thịt rán và hai bình rượu nữa. Lần này Triệu Ngư uống rất nhanh, anh học cách uống của Hoàng Duy, tu một hơi hết nửa bình. Uống hết phần rượu của mình, anh lại lấy bình rượu của Lâm Hạnh Hoa uống. Lâm Hạnh Hoa nói: - Đừng trổ tài kiểu ấy, em say thì không sao nhưng nếu anh say thì cả hai chúng ta sẽ lăn quay xuống chân núi mất. - Cô lại xem thường Lâm Giáo Đầu tôi rồi, uống vài bình rượu đã bõ bèn gì. - Triệu Ngư cười còn Lâm Hạnh Hoa ngơ ngác: Lâm Giáo Đầu? - Triệu Ngư lại nói: - Hồi học ở trường trung học, mọi người gọi tôi là Lâm Sung Giáo Đầu đấy. - Em là Lâm Y Đầu, còn anh là Lâm Giáo Đầu, đúng là truyện Hồng lâu mộng gặp truyện Thủy Hử. - Lâm Hạnh Hoa cười bảo. - Cô là chiếc áo nhung cổ bẻ. - Triệu Ngư nhìn Lâm Hạnh Hoa nói. - Anh là... khó quên. - Lâm Hạnh Hoa nhìn Triệu Ngư nói. - Cô say rồi ư? Cứ mỗi người nói một câu, lải nhải mãi có mà loạn mất. Triệu Ngư định cúi xuống gắp một miếng thịt, rồi lại dừng tay. Anh ngơ ngác như người mất hồn. Người đàn ông được mệnh danh là khúc gỗ đã thay đổi hẳn, khúc gỗ đã chìm xuống nhường chỗ cho sự lãng mạn tình ái nổi lên. Cảnh thần thiên ở Nga Mi Sơn, đền Vạn Niên như trong giấc mộng đã gây xúc động trái tim anh? Thực tâm mà nói, anh si mê Lâm Hạnh Hoa quá đi rồi. - Sao anh chẳng nói năng gì, cứ ngây người ra như thế? - Lâm Hạnh Hoa nâng bình rượu lên cười bảo. - Hết rượu rồi. - Triệu Ngư nói. - Thương hại quá nhỉ, Lâm Giáo Đầu mà lại không có rượu uống. Bình rượu này em chia làm đôi, anh uống một nửa, em uống một nửa. - Lâm Hạnh Hoa nói. Lâm Hạnh Hoa tu một hơi, rồi đưa cho Triệu Ngư. Anh giữ luôn bình rượu, không trả cho Lâm Hạnh Hoa nữa. Lâm Hạnh Hoa nói: - Chơi như thế không đẹp, người ta tin thì mới đưa cho anh chứ. - Thế này vậy, tôi và cô đều không uống nữa. - Phải uống chứ. Em và anh oẳn tù tì xem. - Cô là chuyên gia về lĩnh vực này, tôi làm sao địch nổi. - Triệu Ngư nói. - Địch không nổi càng tốt chứ sao, chẳng phải anh đang muốn uống rượu là gì. - Lâm Hạnh Hoa nói. - Đừng đánh lừa tôi, tôi mà thua thì đời nào cô cho tôi uống. - Làm gì đến nỗi thế. - Lâm Hạnh Hoa cười bảo. Nhằm đúng lúc Lâm Hạnh Hoa sơ ý, Triệu Ngư đưa bình rượu lên miệng uống ừng ực, Lâm Hạnh Hoa vội giằng lấy bình rượu. Hai người kẻ giằng, người giữ. Lâm Hạnh Hoa cố giằng lấy bình rượu để tỏ rõ tính hiếu thắng của mình. Còn Triệu Ngư thì khăng khăng giữ chặt bình rượu. Chiếc bàn ăn đung đưa. Cả hai đều đã ngấm men, thử hỏi còn cái gì không đung đưa. Nếu cứ giằng co nhau mãi, rút cuộc bình rượu sẽ trở thành bức bình phong: Đêm nay sẽ ra sao đây? Ngủ cùng giường, cùng gối ở Nga Mi Sơn... Triệu Ngư buông tay ra, Lâm Hạnh Hoa giằng lấy chai rượu uống một hơi hết sạch. Họ xuống nhà ngắm cảnh hoàng hôn. Lâm Hạnh Hoa đi thử một mình, chân cô đi khập khễnh từng bước một, trông chẳng khác gì Thương Nữ đi vòng quanh đống lửa hồng hôm mồng bốn tháng Năm. Triệu Ngư nghĩ: Lâm Y Đầu... xem ra chỗ nào cũng toàn là hoa cúc, hoa quế tỏa hương thơm ngát... Có vài ba khách du lịch cũng đang đi dạo chơi, từng đám mây trên trời đang từ từ chuyển động. Trời sao vằng vặc. Cửa phòng chính của đền thờ đã đóng lại, các tăng ni đang cầu kinh. Lâm Hạnh Hoa kéo Triệu Ngư vòng về phía sau đi vào nơi làm lễ. Họ quỳ xuống trước điện chắp tay khấn vái. Phía trước là mấy hòa thượng đang đọc kinh Phật. Lâm Hạnh Hoa ghé sát vào tai Triệu Ngư khẽ nói: - Người ta tụng kinh theo tiếng Phạn ở Nga Mi Sơn đấy. Vào những ngày lễ quan trọng của đạo Phật còn có cả hòa tấu giữa các nhạc cụ như xinh tiền, trống, sáo, tiêu, mõ nữa đấy, - tiếng tụng kinh trầm bổng rất trang nghiêm. Triệu Ngư ngước mắt nhìn pho tượng đồng Phổ Hiền, lẩm bẩm nói những lời thành kính. Một hòa thượng liếc mắt nhìn Lâm Hạnh Hoa, tủm tỉm cười, bảo cô hãy gõ mõ tụng kinh đi. Vị hòa thượng già liếc nhìn vị hòa thượng trẻ. Vị hòa thượng trẻ lại tiếp tục nhắm mắt tụng kinh nhưng không gõ mõ. Khi ra khỏi nơi tụng kinh, trời đã tối, chỉ còn rất ít khách đi dạo. Ánh trăng rọi chiếu càng làm cho đền Vạn Niên trở nên tôn nghiêm hơn. Lâm Hạnh Hoa dừng lại nói: - Ngày mai chú phó giám đốc và mấy người kia về, vẫn phải đi bộ ra đền Hổ Phục, ăn cơm chiều ở đó rồi về Thành Đô cũng chưa muộn. - Triệu Ngư gật đầu. Anh biết khả năng ăn cơm chiều ở đền Hổ Phục khó xảy ra, vì Lý Tiến đã có kế hoạch mời cơm khách ở Thành Đô để hôm sau khách ra sân bay trở về Sơn Đông. Xuống khỏi thềm, Lâm Hạnh Hoa lại vịn tay vào vai Triệu Ngư. Trăng đã lên cao, bể nước đón trăng lung linh như một chiếc gương đồng. Tiếng ếch nhái lại hòa tấu văng vẳng bên tai. Lâm Hạnh Hoa định nói gì, xong lại thôi. Triệu Ngư ngẩng mặt lên trời ngắm trăng. Anh thầm nghĩ: Trời không lên tiếng thì người còn biết nói gì. Tâm tư đành gửi cho gió, tình cảm đành gửi lại trời. Cả hai người đều xúc động, tim đập như trống dồn. Xúc động lại gặp xúc động, cả hai đều bắt nguồn từ một ý nghĩ. Rõ ràng là hai con người, nhưng trong thực tế chỉ là một. Chiếc áo nhung cổ bẻ... thân thể vẫn là thân thể, chẳng có gì có thể che kín được. Triệu Ngư bỗng nhớ đến đêm ngủ cùng giường nhưng hai người vẫn không trở thành một. Sức mạnh của hai nhập thành một quá lớn. Giữa họ lẽ ra phải là hai vật có sức hút lẫn nhau, nhưng đêm đó định luật lực học đã không phát huy tác dụng, đồng thời lại phát sinh lực đẩy. Tuy chưa có bằng chứng để chứng minh trong vũ trụ có những điều kỳ diệu đến thế, nhưng có thể khẳng định các loại lực vừa đơn giản, vừa phức tạp. Quy luật âm dương đôi khi cũng trở nên khó hiểu. Triệu Ngư vốn là người nhạy bén trước mọi hiện tượng, nhưng giờ đây anh đang trở thành một chàng ngốc. - Chúng ta về thôi, - Lâm Hạnh Hoa nói. Trên đường về, họ không nói với nhau nửa lời. Một sự im lặng đáng sợ. Về thôi... hai từ này bỗng nhiên lại mang một nghĩa khác. Cùng đi, cùng về, luôn như hình với bóng bên nhau. Họ trở về với căn phòng, với sa lông, với chiếc giường... Hai từ "trở về" là khởi điểm của niềm vui lúc ẩn lúc hiện trong trái tim họ. Lúc này đây, chính là lúc tích tụ: trời, đất, người, thần. Hai tiếng "trở về" như một bức tranh của bao niềm vui sướng... Nếu trời có tình thì trời cũng sẽ phải già đi, con người thọ một trăm năm, còn tuổi thọ của trời là bao nhiêu? Phải hàng tỉ tỉ năm... Lâm Hạnh Hoa tự đi lên gác, Triệu Ngư đi phía sau và luôn có ý sẵn sàng dìu cô. Thấy chân Lâm Hạnh Hoa đã đỡ, tinh thần anh bớt căng thẳng hơn. Hai người về đến cửa phòng, Triệu Ngư lấy chìa khóa mở cửa. Khi vừa bước vào phòng, Triệu Ngư nói câu gì đó mà cô quên mất, nói đúng hơn, cô nghe không rõ nhưng không hỏi lại, cô chỉ nhìn Triệu Ngư cười, nụ cười gượng gạo. Bên ngoài, rừng cây tối om. Triệu Ngư bật ti vi xem. Ngồi đi văng hay ngồi trên giường? Đây là một vấn đề. Cả hai người cùng lưỡng lự. Lâm Hạnh Hoa ngồi dưới đèn, Triệu Ngư bước đến bên cửa sổ. Tiếng trong ti vi sao mà xa lạ với anh đến thế. Sự yên lặng chết tiệt này, anh thấy khó xử quá. Tình yêu bao giờ cũng vậy. Vào một đêm mưa mùa Đông mười hai năm về trước, trong vườn cây ngô đồng, tình yêu và do dự, nhịp đập của hai trái tim và những điều không dám nói ra. Thương Nữ... cái tên đáng yêu biết bao, tuy người chưa xuất hiện nhưng lòng đã mê say. Chỉ có một mình Lâm Hạnh Hoa ở trong phòng. Tại sao cô lại đứng mãi thế? Nhưng Triệu Ngư cũng nên tự hỏi mình như vậy. Sự im lặng đáng sợ. Quay người lại đã khó, hừ thở cũng khó. Tuy tim đập như trống dồn nhưng máu lại khó lưu thông đến tứ chi, thế là... Tay chân lạnh buốt. Triệu Ngư thấy người hơi run run. Suốt mười năm nay anh chưa gặp trường hợp nào như thế này. Dường như anh không còn là Triệu Ngư. Lâm Hạnh Hoa cúi xuống nhìn cái chân đau, không nhìn Triệu Ngư. Âm thanh ti vi ngày càng xa vời. Căn phòng chỉ rộng khoảng mười hai mét vuông kê một chiếc đi văng và một chiếc giường. Giường là cái gì? Giường... vấn đề này có thành vấn đề không? Ai sẽ ngầm hỏi như vậy? Triệu Ngư hay Lâm Hạnh Hoa? Triệu Ngư muốn hút thuốc nhưng thuốc đã hết. Lâm Hạnh Hoa ngồi như mọc rễ dưới đất. Nếu có ai đi qua ngoài cửa chắc chắn cũng sẽ ngạc nhiên: cặp tình nhân trong căn buồng này khiến người ta thật khó quên. Nếu chụp tấm ảnh thì chắc chắn tấm ảnh sẽ trở thành kỷ vật quý về tình yêu nhân loại, ngay cả người ngoài hành tinh cũng phải ngạc nhiên. Có một cái gì đó như một màn sương bao phủ trong căn phòng nhỏ, dày đặc trong rừng sâu, trên cành cây, ngọn cỏ. Triệu Ngư cũng ngồi bất động. Lâm Hạnh Hoa liếc nhìn anh. Nhưng mọi chuyện vẫn không xảy ra. Người đàn ông được mệnh danh là khúc gỗ dường như vẫn chỉ ngồi hóng gió, còn người đàn bà đẹp chỉ trố mắt nhìn. Người đàn ông kiên trì im lặng. Có lẽ chắc vài phút nữa cũng chẳng xảy ra chuyện gì. Đương nhiên Triệu Ngư là vô sự, nhưng với Lâm Hạnh Hoa ai dám bảo rằng cô cũng vô sự. Lúc này sức mạnh tình yêu đang bị một lực khác ngăn cản, hai bên mới chỉ xuất phát từ số không. Im lặng, bất động, lắng đọng. Chỉ có một thứ duy nhất là trong trạng thái lưu động: thời gian. Thời gian sẽ phá vỡ sự lắng đọng. Tuy người đàn ông và người đàn bà không nói gì với nhau, nhưng thời gian sẽ nói lên tất cả. Thời gian sẽ lặp đi lặp lại, sẽ thường xuyên xuất hiện chỉ với hai chữ: thay đổi. Triệu Ngư thở mạnh một hơi. Dường như anh đã trở lại trạng thái bình thường. Anh lẩm bẩm một câu gì đó, dường như là thuốc lá thì phải. Anh quay người lại, cố gắng giữ vẻ bình tĩnh nhìn Lâm Hạnh Hoa... Anh nói: Tôi xuống nhà mua bao thuốc. Triệu Ngư định đi qua chỗ Lâm Hạnh Hoa để thăm dò thái độ nhưng không thành công. Lâm Hạnh Hoa quay ngoắt người, khiến anh phải dừng lại, hai người mặt đối mặt. Triệu Ngư muốn qua loa cho xong chuyện, anh định nói vài câu nhưng chưa kịp nói đã thấy Lâm Hạnh Hoa rơm rớm nước mắt. Lâm Hạnh Hoa gục đầu vào người Triệu Ngư, nước mắt rơi lã chã. Hai khuôn mặt áp lại gần nhau, đôi môi mềm mại, hàm răng trắng muốt cũng xích lại gần nhau. Dường như lúc này trên trái đất chỉ có duy nhất đôi môi. Sự chuyển động của đôi môi chẳng khác gì sự di chuyển của các thiên thể, chúng dần dần áp sát vào nhau... hôn nhau, không còn từ nào để khắc họa sinh động hơn thế nữa. Thương Nữ ơi, Thương Nữ ơi, anh đang ở trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc... Triệu Ngư đón nhận nụ hôn của Lâm Hạnh Hoa, tiếp đó, anh ghì chặt Lâm Hạnh Hoa vào người, hai người chuyển động dưới ánh đèn. Thời gian dần trôi như một đặc công đã hoàn thành nhiệm vụ. Hai cái lưỡi luôn quấn quýt không rời nhau. Ôi, Thương Nữ... Lâm Hạnh Hoa thở dài một tiếng, rồi lại hôn lấy hôn để Triệu Ngư. Nước mắt cô lại tuôn trào. Đây là giờ phút cô cảm thấy hạnh phúc nhất. Nếu dùng từ say đắm để miêu tả, e rằng sẽ chưa đủ. Cuộc sống của con người là thế. Cái gì đến đã đến, hãy sẵn sàng tiếp nhận nó, không việc gì phải lảng tránh. Lâm Hạnh Hoa mắt nhắm nghiền, còn Triệu Ngư thì lại mở to đôi mắt, hết hôn môi, lại hôn lên cái mũi dọc dừa của Lâm Hạnh Hoa. Triệu Ngư có đôi chút hốt hoảng, nhưng chưa đến nỗi rối trí, anh còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ về các vấn đề khác. Anh biết rõ có một việc đã đi vào lịch trình, không thể nào thay đổi được. Hôn có nghĩa là động tác duy nhất, song đồng thời lại chỉ là một khâu trong hàng loạt các động tác, hôn mới chỉ là màn mở đầu. Thực ra, các động tác khác cũng đã diễn ra. Triệu Ngư hôn điềm tĩnh, đó là đặc điểm tính cách của anh. Nước bọt giống như dòng nước khoáng. Càng hôn càng mê say, anh biết mình đang làm gì. Khi hai tâm hồn đã hòa nhập thì nụ hôn là biểu hiện quý giá nhất. Hai đôi giày thể thao vẫn từ từ di chuyển dưới mặt đất, chưa vội vã lên giường. Trên màn hình ti vi đang xuất hiện những gì, anh không cần biết. Trong lúc say sưa ôm hôn Lâm Hạnh Hoa, Triệu Ngư lại nghĩ: Có lẽ đêm nay sẽ thức trắng mất. Trên màn hình ti vi xuất hiện cảnh một chiếc máy bay đâm vào tòa nhà chọc trời, tiếp theo lại một chiếc nữa đâm vào tòa nhà cao tầng bên cạnh. Triệu Ngư nghĩ có lẽ đây là bộ phim quay về cảnh hỏa hoạn chăng? Bộ phim quay rất giỏi, giống hệt như thật. Đây là bộ phim Mỹ, người Mỹ thường thích những cảnh giật gân. Trên màn hình, tiếng người phát thanh viên sang sảng, Triệu Ngư nghe rất rõ: Tòa tháp đôi bị... Triệu Ngư giật mình đánh thót: Nước Mỹ bị tấn công? Lâm Hạnh Hoa nhìn lên màn hình. Họ buông nhau ra. Trên màn hình hiện rõ chiếc máy bay chở khách lao thẳng vào tòa tháp đôi những mảnh vụn bắn ra tung tóe. Tòa tháp đôi nghiêng ngả, dân chúng sợ hãi, chạy loạn xạ. Triệu Ngư thở dài: Tòa tháp đôi New York cao trên bốn trăm mét, nay đã sụp đổ tan tành. Anh nghĩ: Người Mỹ bị tấn công nói lên điều gì? Không cần phải nói ra, mọi người cũng đã rõ. Liệu có khả năng chuyển hướng giá trị không? Triệu Ngư lắc đầu. Trực giác mách bảo anh rằng sự việc sẽ trở nên phức tạp hơn, sức mạnh của người Mỹ sẽ còn bị thử thách. Triệu Ngư ngồi ở thành giường. - Thật là khủng khiếp quá... - Lâm Hạnh Hoa nói. - Những sự kiện khủng khiếp hơn vẫn còn ở phía sau. - Người Mỹ sẽ trả thù. - Trả thù sẽ lại dẫn đến trả thù. - Thật chẳng ra làm sao cả. - Lâm Hạnh Hoa thở dài. Triệu Ngư muốn hút thuốc. Họ dắt nhau xuống nhà, đền Vạn Niên tĩnh mịch dưới ánh trăng. Triệu Ngư đến bên quầy mua thuốc, Lâm Hạnh Hoa đứng bên cạnh anh. Thương Nữ từ Thành Đô gọi điện đến, nói chuyện đến mấy phút về tin tức vừa rồi trên ti vi. Thương Nữ rất xúc động. Triệu Ngư cũng xúc động, song xúc động trong bình tĩnh. Lâm Hạnh Hoa đã nghe rõ tiếng Thương Nữ. Họ trở về phòng, hai người ngồi lại ở phòng Triệu Ngư đến tận đêm khuya, họ lại ôm nhau hôn thắm thiết. Sau đó Lâm Hạnh Hoa trở về phòng mình, khóa cửa lại. Triệu Ngư vừa đặt mình lên giường đã ngủ ngay. Ngày hôm sau Triệu Ngư dậy rất sớm, vừa mở mắt ra đã thấy hai con sóc nhảy nhót trên cành cây kêu chít chít. Rửa mặt xong, anh bước ra ngoài, ánh nắng ban mai vừa xuất hiện, những người già đang tập thái cực quyền. Anh chạy thong thả trên con đường trải đá, chân dẫm lên lá khô kêu sột soạt. Không khí trong rừng thật dễ chịu. Qua khỏi cổng chùa, ngước mắt nhìn lên, bầu trời một màu xanh lam, núi rừng điểm màu hoa đỏ, các hòa thượng đóng lên những tiếng chuông đầu tiên trong ngày. Triệu Ngư đến bên cây quế. Đêm qua... anh nghĩ. Thực ra anh không cần phải nghĩ. Hai chuyện va chạm khác nhau trong đêm qua, đợi sau này sẽ giải quyết. Lâm Hạnh Hoa đã dậy, cô đứng ở hành lang nhìn Triệu Ngư. Triệu Ngư chạy lại chỗ cô. - Ồ - anh cười. - Xin chào buổi sáng. Lâm Hạnh Hoa lại rơm rớm nước mắt. Triệu Ngư ôm chầm lấy Lâm Hạnh Hoa, vỗ vào vai cô. - Ta đi ăn sáng thôi, - cô nói. - Xuống nhà ăn hay gọi người phục vụ đem lên hả anh? - Thế nào cũng được. - Triệu Ngư nói. Người phục vụ đưa món ăn sáng lên gồm có mì, trứng gà, sữa đậu nành. Lâm Hạnh Hoa bóc trứng bỏ vào bát mì của Triệu Ngư. Triệu Ngư gắp rau, nhũ đậu vào bát của Lâm Hạnh Hoa. Họ vừa ăn vừa nghe thời sự buổi sáng, xem xong những hình ảnh tòa tháp đôi ở New York bị tấn công, Lâm Hạnh Hoa liền tắt máy. Cô hỏi Triệu Ngư: - Mì có ngon không? - Cũng tạm được. Chất lượng kém hơn tôi tự làm, không thơm bằng. - Em biết anh thích ăn ớt, lần trước ở Nhân Thọ... - Tôi vẫn chưa thấm vào đâu, bạn tôi ở Mi Sơn tên là Hỷ Nhi mới nổi tiếng là người ăn nhiều ớt. - Anh có hay về Mi Sơn không? - Lâm Hạnh Hoa nói. - Có. - Triệu Ngư gật đầu. - Nghe nói ở Mi Sơn có một số cảnh đẹp nhưng chưa được đi - Lâm Hạnh Hoa nói. - Cô vẫn chưa đi thăm đền Tam Tô à? Sau này, tôi sẽ đưa cô đi - Triệu Ngư cười bảo. - Nói lời phải giữ lời đấy nhé! - Lâm Hạnh Hoa bảo. - Chắc chắn là như vậy rồi. - Em không ăn nổi nữa rồi. - Lâm Hạnh Hoa nhìn vào bát mì của mình bảo. - Bỏ đi thì phí quá, để tôi ăn nốt cho. - Triệu Ngư nói. Triệu Ngư bưng bát mì ăn, Lâm Hạnh Hoa nhìn anh, mắt lại rớm lệ. Cô đưa khăn giấy cho Triệu Ngư, anh cầm lấy lau nước mắt cho cô, anh cười bảo: - Đúng là Lâm Y Đầu... Hai người quấn quýt bên nhau, thoáng một cái đã mười một giờ trưa. Hoàng Duy gọi điện về bảo rằng phó giám đốc quyết định ăn cơm trưa ở đền Báo Quốc, sau đó lên đường trở về Thành Đô. Triệu Ngư tắt máy. Lâm Hạnh Hoa hỏi: Các anh không ăn cơm chiều à? Cô cứ nghĩ còn mấy tiếng đồng hồ nữa mới chia tay, ai ngờ phút chia tay đã cận kề. Cô đứng ngẩn người hồi lâu. Một lúc sau Hoàng Duy lại gọi điện về nói rằng mười phút nửa xe về đến bãi đỗ ở đền Vạn Niên, họ không lên phòng khách nữa, đề nghị Triệu Ngư và Lâm Hạnh Hoa xuống chờ họ ở bãi đỗ xe. Lâm Hạnh Hoa không nói gì, kéo tay Triệu Ngư đi. Triệu Ngư cũng không hỏi cô là đi đâu. Xuống đến tầng dưới, hai người đi sóng đôi nhau, chân Lâm Hạnh Hoa đã khỏi hẳn. Khi đi qua bồn hoa cúc, cô ngắt hai bông, một đưa cho Triệu Ngư, một giữ lại cho mình. Triệu Ngư cài bông hoa vào túi ngực, anh muốn ngực mình sẽ ấm áp hơn. Lâm Hạnh Hoa muốn vào điện thờ. Họ quỳ trước tượng Phật tổ Như Lai. Lâm Hạnh Hoa ngước nhìn tượng Phật, nước mắt lại tuôn trào. Triệu Ngư chắp hai tay, trong lòng trào lên nỗi đau xót ngọt ngào. Phải chăng Lâm Hạnh Hoa cầu khẩn Phật tổ phù hộ hoặc chứng kiến cho mình? Trong khi đó, Triệu Ngư lại thản nhiên ra khỏi Phật đường, quay lại nhìn tượng tổ không mảy may xúc động. Hai người dắt tay nhau ra khỏi cổng chùa, trời quang, mây tạnh. Hai giờ chiều, họ chia tay nhau, Triệu Ngư lên xe đưa khách về Thành Đô. Lâm Hạnh Hoa vẫy chào tạm biệt. Cô nhớ lại hình ảnh năm tháng trước, khi cô bước lên xe đường trường trở về cơ quan, Triệu Ngư cũng đứng bên đường vẫy tay tạm biệt cô.