Những năm tháng xa quê cha đất tổ, đôi lần sực nhớ tới hương tết quê nhà, tôi đã cất công đi tìm vị thứ bánh chưng để dành bằng cách thả bánh xuống giếng khơi mùa đông mà không kiếm được. Thuở chiến tranh thì nay đây mai đó; mặt khác, cũng chẳng còn lòng dạ nào mà đi tìm thú riêng. Đến khi hòa bình, do cuộc sống ngày càng khá giả, lại vốn sẵn lòng tự tôn dân tộc, tôi không mấy khi màng tới cái sang nơi chai rượu ngoại hay những thứ bánh trái đóng gói, nhập khẩu từ một phương trời xa lạ nào đó... Chị họ tôi - một Việt kiều - mỗi lần về thăm quê vào dịp tết, trước khi trở lại Pháp, đều nằng nặc đòi tôi mua giúp bằng được vài cặp bánh chưng quê. Để thỏa mãn được yêu cầu khó tính của chị, không ít lần tôi đã phải gọi điện khẩn nhờ bạn bè ngoài Hà Nội gửi gấp bánh chưng vào Nam. Cho đến năm Ất Hợi (1995), trong một lần vô tình đến chơi nhà anh chị Hạnh Văn, tôi đã gặp may... Anh Hạnh dạy học cùng trường với tôi. Quê anh ở chân núi Nghĩa Cương, ngọn núi cao nhất trong chín mươi chín ngọn núi vùng Phong Châu người xưa chọn làm nơi lập đền thờ các vua Hùng. Đối với anh chị, tích bánh chưng bánh giày không chỉ được ghi vào tim vào óc, mà còn phát lộ ra ở cả những bàn tay quen gói bánh tỏ lòng thành trước tiền nhân. Lần ấy, nhìn anh chị và các cháu quây quần bên nong gạo nếp, nhìn những đệp lá dong xanh, lòng tôi như ấm lại. Rồi khi nghe anh vừa làm vừa kể, tôi nhận ra anh là người sống nặng về nội tâm, kĩ tính và chu đáo qúa! Kĩ từ việc chọn gạo nếp cái rặt vụ mùa từ đất đồng chiêm Hải Hậu vào Thành phố theo đường ô tô nam bắc. Lại nữa, đậu xanh Hải Dương lòng vàng, lạt dang rừng Phú Thọ cũng được anh nhờ bạn bè lựa giúp rồi nhờ tàu hoả xuyên Việt mà gửi vào Nam góp hương trong cái bánh nhớ quê. Riêng thịt lợn Long An, hồ tiêu Phú Quốc, lá dong rừng Cát Tiên, anh Hạnh tự đi Chợ Lớn mua lấy. Hình như, trong khi chọn lựa vật liệu, anh Hạnh đã tỏ rõ ý muốn gói cả cái rét ngọt của gió bấc sông Hồng cùng cái nắng nóng của vùng núi Tây Nguyên và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long chung trong một cái bánh chưng đơn sơ chăng? Tôi đã không lầm khi anh chị xúc động bảo tôi suy luận đúng và hiểu thấu được lòng người...Tết đến, anh Hạnh gói rất nhiều bánh chưng. Anh bảo vào cái thời kinh tế bây giờ, ngày tết hầu như không mấy ai còn bận tâm vì cái ăn, mà chỉ chú ý đến cách ăn và ý nghĩa của nó. Anh đã tìm ra cách trở về nguồn cho riêng mình bằng những chiếc bánh chưng quê giản dị, dân dã, gói trọn vẹn nghĩa tình của người con xa xứ với quê huơng. Trong số bánh chưng do anh chị Hạnh Văn gói, đã có rất nhiều cái làm ấm lòng những người con xa Tổ quốc như anh chị họ và các cháu tôi chẳng hạn...Mỗi lần cầm cái bánh chưng anh Hạnh gói trên tay, tôi thường rưng rưng nhớ về một thời xưa cũ đã qua. Nhiều chuyện đã bị thời gian phủ lên một lớp bụi mờ; không nhắc lại, ghi lại, e sau này không còn dịp nữa. Âấy là những chuyện thuở tôi còn nhỏ, diễn ra đúng vào mùa chim ngói bay về. Dịp này bố tôi thường cho tôi theo ra đồng để người truyền lại kinh nghiệm bẫy chim và dạy con cách chọn khoảnh lúa nếp nào ưng ý nhất dùng vào việc gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên ba ngày tết...Hồi ấy, nghe người chỉ dẫn, tôi biết trên cánh đồng làng người ta cấy đủ mọi giống lúa tẻ như canh nông, hin, dự gié, dự râu, tám xoan. Riêng lúa nếp, tùy theo từng nhà, người cần nhiều ngọc thực thì cấy lúa nếp thầu dầu, nếp diềng, người chuộng hương hoa thì khăng khăng chỉ cấy nếp bắc hoa vàng, còn gọi là nếp cái. Khác với nếp thầu dầu chỉ hợp với việc nấu cháo, nếp diềng được ưa dùng khi đem ủ men nấu rượu, nếp bắc hoa vàng thơm dẻo được chọn để đồ xôi, gói bánh chưng dâng cúng. Hạt gạo nếp cái càng tròn càng quý. Qúy vì hạt gạo tròn thì hương thơm, vị đậm. "Còn quý ở chỗ", bố tôi bảo tôi thế, " hạt tròn là hạt nắng, hạt mưa từ trời tròn gửi xuống cho người". Bố tôi còn nói đến âm dương gì gì nữa nhưng lúc ấy tôi chưa hiểu, đại khái chỉ nhớ rằng trong hạt luá nếp tròn có cả đất và trời, nắng hanh và gió rét... Lúa nếp dùng cho việc dâng cúng được chọn gặt vào một ngày lẻ nào đó khi lúa vừa chín đỏ, thân lúa còn đủ sức đứng thẳng, lá luá dù đã ngả vàng sậm nhưng chưa nỏ khô thành rờm lúa rũ xuống. Theo lời bố, tôi lờ mờ hiểu rằng khoảng thời gian này lúa cho gạo trắng và trong, phần phôi đục mơiă chỉ nhú ở một góc nhỏ. Vả lại, lúa cũng như người, ấy là lúc nó sung mãn đến tận cùng, bông lúa tuy đã cong nhưng dáng luá vẫn thẳng băng, khí khái. Lúa như người thành kính, khoe dáng người lòng ngay dạ thẳng khi cuí mình trình diện trước tiền nhân. Bố tôi hay dặn u tôi phơi lúa trong những chiếc nong đan bằng tre hoặc nứa. Nắng đầu đông và gió bấc đủ hong cho hạt khô nhưng không tới mức giòn tan. Lúa khô, chỉ được đựng trong bồ, mở miệng cho thoáng; tuyệt đối không dồn vào bao tải vì gạo sẽ mất mùi thơm. Từ đấy, những ngày hoe nắng, nhớ đừng quên đem lúa ra phơi, ủ thêm ánh dương cho gạo.U tôi thường xay lúa sau rằm tháng Chạp. Gạo nếp được giã bằng cối đá sau khi đã tháo phần sắt bịt ở đầu mỏ cối. Bố tôi nhắc, khi dún cần, phải cố mà giữ sao cho nhịp chày đều đặn, khoan thai để gạo không bị nát.Rồi năm nào cũng vậy, vào phiên chợ Chùa 27 tháng Chạp, thế nào bố u tôi cũng đi chợ sắm tết với một gánh gạo nếp kĩu kịt trên vai. Lúc về, cũng một gánh. Nhưng toàn là cà chua đỏ, hành tía, bí đao xanh đậm, rau cải, rau cần, hành ngò xanh mát...Nhiều nhất vẫn là đồ để gói bánh chưng. Mấy ống dang xanh xếp ngang trên những đệp lá dong cũng một màu xanh... Đối với tôi, chẳng có sung sướng nào bằng được bố sai đem lá dong ra sông rửa. Đếm từng chiếc lá, tôi nhẩm tính tết này bố sẽ gói bao nhiêu cái bánh. Rồi thầm bấm đốt ngón tay xem nhà có đủ thóc xay tới vụ chiêm năm tới không. Nhiều lần tôi đoán đúng. Năm nào bố gói ít bánh, y như năm ấy nhà bị đói, tháng ba đã phải bữa cơm bữa cháo qua ngày...Bố ngồi ở ngoài chái nhà chẻ lạt. Người vừa rung đùi vừa chuốt từng sợi dang, mắt nheo nheo nhìn ra cánh đồng vừa cấy, miệng thỉnh thoảng lại nói: " Lúa chiêm năm nay ấm chân sớm!".Sáng ba mươi tết thật náo nhiệt. Lúc ngoài ngõ người ta í ới rủ nhau đi mổ lợn đụng, bố bảo u bày cái nong tre ra giữa nhà. Gạo nếp trắng ngần ngâm từ đêm trước đã để ráo hết nước được đổ thành đống giữa nong. Riêng thịt lợn ướp muối, tiêu trộn lẫn với hành củ thái thành lát mỏng, u thường để trong cái thau nhôm đã cũ. Còn đậu xanh đã đãi hết vỏ, đồ chín thì u đổ vào một cái rá tre. Tất cả được xếp xung quanh bố tôi, tiện cho người với tay tới đâu là có thứ cần thiết ngay. U tôi ngồi cắt lá, xếp thành hai loại. Lá lành bên ngoài cho đẹp bánh, lá bé hoặc lá rách bố chồng lên nhau, đặt ở trong cùng. Từng đệp bánh đều chằn chặn, vuông vức hiện dần dưới đôi bàn tay khéo léo của bố. Thường thì sau khi mè nheo và được bố gói trước cho một cái bánh chưng con con, tôi hớn hở ra mặt, răm rắp làm theo lời bố, chạy thẳng tới chỗ đụng lợn. Và lúc tôi trở về nhà, hai tay khệ nệ bưng rổ thịt lợn, cũng là lúc bố đang gói chiếc bánh cuối cùng. Người dừng tay, bảo u thu dọn mọi thứ rồi mới đứng dậy, ra phản ngồi hút một điếu thuốc lào, khoan khoái nhả khói lên trần nhà... Buổi chiều, người sai tôi xếp ba chồng gạch vuông làm bếp. Chất bánh vào chiếc nồi mười xong, người đong đủ nước, ấy vung gỗ đậy lên và nhờ tôi nhóm lửa. Dĩ nhiên tôi phải nhớ lấy lửa từ chiếc đèn dầu trên bàn thờ tổ mà ngọn lửa đã được bố vặn nhỏ như một hạt đỗ. Lửa như mắt người dõi người. Lửa cháy bập bùng trong bếp, tỏa hơi ấm nồng nàn của tro than và cả của mùi bánh đang chín dần. Đêm trừ tịch chậm rãi trôi qua trong tiếng nước sôi lục bục vọng ra từ nồi bánh lẫn trong những câu chuyện về việc làm ăn và sự thành đạt của mỗi người trong nhà. Cho đến lúc bánh được vớt ra, xếp thành chồng trên một cái cánh cửa, bố tôi gỡ thêm một cánh cửa khác ngoài bậu cửa, chất cối đá lên trên cho đủ sức nặng để ép bánh. Lạ lùng thay, lúc bố xong việc cũng là lúc chuông đồng hồ điểm báo phút giao thừa tới... Sáng mồng một, tôi thức giấc đã thấy hai chồng bánh chưng được xếp ngay ngắn trên bàn thờ. Song đếm đi đếm lại, tôi vẫn thấy thiếu mất chín cái; hỏi, bố chỉ cười, không nói. Tôi chỉ thực sự biết được điều bí mật vào cuối tháng ba, lúc những ngày hội xuân đã vãn, bố cười cười, nửa đùa nửa thật bảo tôi lội xuống ao mà vớt những chiếc bánh người kín đáo dâng thần nước sau lúc giao thừa. Để cầu cho vụ chiêm mưa thuận gió hoà. Để xin của cải vào nhà nhiều như nước...Người còn bảo, bánh chưng lúc còn tỏa hơi nóng, đem ném xuống ao mùa đông, gặp nước lạnh đột ngột, lớp hồ gạo nếp bên ngoài mặt bánh đông kín lại, khiến nước ao không sao thấm vào bên trong được. Bây giờ vớt lên, chỉ cần gọt lớp hồ đi, đem rán giòn, bày ra đĩa, bánh vẫn còn thơm nức mùi lá dong. Ăn một miếng khi đói, nhớ một đời chưa quên!Có lẽ vì không quên được mùi lúa nếp, lá dong kia mà chị họ tôi và nhiều người xa xứ khác hay cảm thấy bồn chồn khi mùa xuân tới? Biết vậy, nhưng Tết Kỉ Mão này, do qúa bận việc, chị họ tôi vẫn không sao thu xếp được thời gian để về Việt Nam ăn tết với gia đình tôi. Tôi đã kể chuyện này với anh Hạnh. Mặc dầu thế, anh vẫn bảo: "Vậy thì chú nên gửi sớm biếu anh chị và các cháu vài cặp bánh chưng theo đường hàng không cũng được. Vì ai đã được thưởng thức bánh chưng, tức là đã hưởng đủ vị tết quê nhà rồi". Tôi tin rằng lời khuyên của anh là chân tình. Và, cho đến bây giờ, tôi mới hiểu rõ hơn vì sao vào ngày 27 tết hàng năm, anh Hạnh thường chở chị Văn ra sân bay, nhờ một người bạn thân mang giúp năm cặp bánh chưng gói nắng phương Nam về đất Bắc. Một cặp làm qùa cho bạn. Hai cặp thắp nhang trước bài vị ông tổ họ. Còn hai cặp kia, mang lên núi Nghĩa, dâng trước bàn thờ các vua Hùng...