A. Tóm tắt Hồi 19 - Ngày mồng 8 tháng chạp năm nay là ngày hội yến Lạp Bát trên Hiệp Khách đảo. Theo truyền thống của Phật giáo Trung Quốc, đó là ngày kỷ niệm Phật thành đạo. Trên bờ biển, bịn rịn từ giã những người thân tình nhất, Thạch Phá Thiên ( Cẩu Tạp Chủng ) lên thuyền con ra đảo. Một đảo vắng giữa biển lớn, phong cảnh đẹp, nơi đến là một vùng hang động thiên nhiên rộng lớn, đẹp đẽ có bàn tay con người tu sửa. - Quần hùng của hơn 30 năm qua, trừ một số chết vì hết tuổi thọ, và quần hùng năm nay, tất cả đều có mặt ở phòng nghinh tân. Long, Mộc nhị vị đảo chúa cùng với hơn 50 chúng đệ tử áo vàng, áo xanh ( Trương Tam ở hàng 12 của áo vàng, Lý Tứ ở hàng 14 áo xanh ) ra mắt quan khách rất trang trọng. Long đảo chúa là vị phương phi đầy tiên phong đạo cốt mở lời chào đón và mời tất cả nhắp rượu và dùng cháo (cháo nấu bằng loại rau cỏ rất quý hiếm ) - Các thắc mắc, nghi ngờ của quần hào về Hiệp Khách đảo lần lượt được Long đảo chúa rất ôn tồn giải toả: Tất cả được mời xem các sổ sách ghi chép công phu về các việc làm thưởng thiện, phạt ác phân minh trên chốn giang hồ 40 năm qua. Các bang phái và các cá nhân bị hai sứ giả tiêu diệt đều là các bang phái, cá nhân thuộc ma đạo, tạo ra quá nhiều tội ác không thể dung tha: sổ sách ghi rõ các lý do trừng phạt: Bấy giờ quần hào mới bớt nỗi lo. B. Ý Kiến 1. Giáp mặt sự thật - Các dư luận về hai sứ giả " Thưởng thiện, Phạt ác ", và về các việc làm, chủ trương của Hiệp Khách đảo đều là " hý luận "," huyền đàm ", " suy nghĩ một chiều " thiếu căn cứ. Tất cả chỉ là tin đồn làm rối tung toàn cõi giang hồ. Sự thật trên đảo cho thấy hoàn toàn khác. Đây là ảnh tượng của diệu nghĩa Kim Cang Bát Nhã: ở ngoài vòng ngôn ngữ, huyền đàm, ở ngoài các ngã tưởng. Một lời dạy của đức Phật cho các người Kàlamà rất phổ biến trong giới Phật tử Á Đông là: Đừng vội tin những gì thuộc tin đồn! Đừng vội tin những gì thuộc huyền đàm! Đừng vội tin những gì từ cửa miệng nhà truyền giáo... Nhưng hãy tin những gì tự mình thấy là thiện, lành cho mình và người trong hiện tại và tương lai, hãy xem đó là sự thật mà sống!... cũng cùng một gợi ý rằng hãy tự mình sống, thể nghiệm rồi sẽ tin là thật. 2. Các điều kiện tâm lý có thể khám phá sự thật: - Các đạo sĩ, như Ngu Trà đạo trưởng, Thiên Hư đạo trưởng là các bậc thanh tu nên hi vọng có điều kiện để tiếp cận chân lý. - Diệu Đế Thiền sư của Thiếu Lâm tự chuyên hành Giới, Định, Tuệ của Phật giáo, rất có hi vọng để giác ngộ chân lý. - Mai Nữ hiệp có tâm sáng tạo, hi vọng có thể bắt gặp vài ánh sáng chân lýù. - Các nhà bác học: hi vọng có điều kiện để mở tung bí pháp. - Các bang chủ hầu hết đều có định lực cao, và kinh nghiệm khổ đau trần thế nhiều, hi vọng có bừng dậy sự giác tỉnh về sự thật. - Tâm lý thuần thiện, và thông tuệ như Thạch Phá Thiên hi vọng có nhiều nhân duyên tương ưng với chân lý. 3. Lý do qua 40 năm mà bí kíp vẫn còn khép kín - Các cao nhân đều bị kẹt vào phân tích luận giải, trong khi chân lý thì ở ngoài thế giới ý nghĩa của các ngã niệm, ngã tưởng. - Các cao nhân đều đắm trước, dính mắc vào các cảm thọ khinh an, hỷ, lạc nên còn bị trói buộc bởi Thọ uẩn ( của Ngũ uẩn ) như Tôn Hành Giả bị kẹt ở Ngũ Hành sơn: Thọ uẩn là pháp bị làm ra gọi là hữu vi, trong khi sự thật thì không bị làm ra, gọi là vô vi. - Các cao nhân đều bị dính mắc vào cái thấy biết của mình nên không thể đi xa vào sự phát huy trí tuệ. Còn bị dính mắc là còn hữu hạn, trong khi trí tuệ giải thoát và giải thoát thì vô hạn. Điểm dính mắc của các đạo nhân, kiếm khách trên đảo được Kim Dung giới thiệu tương tự sự dính mắc của 62 học thuyết phi Phật giáo ở xứ Ấn trước khi Đức Phật giác ngộ dưới cội bồ đề, đã được trình bày ở Kinh Phạm Võng, Trường Bộ I, Nikàya; và Kinh Phạm Động, Trường A hàm I, tạng A-Hàm. Theo kinh Phật, kẹt vào ba điểm nêu trên thì hành giả không thể vào đại định của Diệt thọ tưởng định ( định đã dập tắt các cảm thọ và các ngã tưởng ) để tỏa sáng trí tuệ thể nhập chân lý.