Khi Alan Greenspan, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang đưa ra đánh giá nổi tiếng vào đầu năm 1997, cảnh tỉnh những nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trước "sự phấn khích vô lý," trong cung cách họ kích giá của các cổ phiếu lên vượt quá các tính toán giá và lãi, tôi đã viết một cột báo, trong hình thức một bức thư gửi ông Greenspan, coi ông ta là một bác sĩ tư vấn cho tờ báo. Cột báo của tôi bắt đầu như sau: "Thưa bác sĩ Greenspan, tôi có một chứng bệnh tồi tệ. Tôi cảm thấy hớn hở một cách vô lý về thị trường chứng khoán Hoa Kỳ mà không cách gì kìm lại được. Tôi biết ông đã nói "phấn khích một cách vô lý" thì sẽ không tốt cho sức khỏe, và tôi đã thử chữa bằng rất nhiều phương pháp: Thôi miên, thuốc an thần, bán đổ bán tháo. Thậm chí đã đọc lại bài phát biểu của ông hồi năm 1987. Nhưng vẫn không qua khỏi chứng bệnh đó. Mỗi lần tôi sang châu Âu hay Nhật Bản, thì khi quay về tôi lại muốn đầu tư thêm nhiều vào thị trường Hoa Kỳ. Làm ơn hãy giúp tôi. Trân trọng. Ký tên Người đầu tư qua hệ thống điện tử." Sau đó tôi nói tiếp rằng tôi không biết về cái mức độ hoạt động đúng đắn mà thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ phải tuân thủ, và tin rằng nếu Hoa Kỳ không tiếp tục thực hiện những biện pháp căn bản như tăng năng suất và giữ lãi suất cùng lạm phát ở mức thấp, thì giá cả trên thị trường chứng khoán sẽ đi xuống. Nhưng điều tôi muốn nói là nếu có những sự nhiệt tình thái quá thể hiện ở các thị trường của Hoa Kỳ, thì đó là vì không những ở đó có nhiều những "sự phấn khích vô lý", mà còn có cả những phấn khích có lý về nước Mỹ. Do thường ra nước ngoài nhiều và ít khi ở gần phố Wall, tôi thường nhìn nước Mỹ từ bên ngoài - và tôi thường chứng kiến những thái độ niềm nở có lý mà thế giới dành cho nước Mỹ. Sự niềm nở đó được xây dựng trên logíc sau đây: Nếu coi toàn cầu hóa là một hệ thống quốc tế chủ đạo ngày nay, và nhìn vào những đóng góp từ các công ty và nhà nước cho hệ thống đó, thì bạn có thể kết luận rằng Hoa Kỳ có nhiều tài sản nhất và ít nợ nần nhất trong hệ thống, hơn bất cứ nước lớn nào khác. Đó là điều tôi gọi là sự phấn khích có lý. Cảm giác chung trong giới đầu tư toàn cầu cho thấy trong khi nhiều nơi ở châu Âu và châu Á vẫn đang phải cố gắng điều chỉnh xã hội của họ để thích nghi với toàn cầu hóa, trong đó có những nơi chỉ mới bắt đầu, thì Chú Sam đã chạy được một quãng dài và đang tiếp tục tiến rất nhanh. Một cách dễ hiểu để phân tích sự phấn khởi có lý nói trên là hãy đặt vấn đề sau đây: Nếu cách đây một trăm năm, đến gặp một nhà địa lý kiêm kiến trúc sư, bạn nói với ông ta rằng vào năm 2000 sẽ có một hệ thống thế giới gọi là "toàn cầu hóa," thì ông ta sẽ thiết kế một đất nước như thế nào để có thể cạnh tranh và thắng được trong thế giới đó? Câu trả lời sẽ là đất nước đó sẽ rất giống nước Mỹ ngày nay. Nghĩa là: Trước hết, ông ta sẽ thiết kế một đất nước có vị trí địa lý có sức cạnh tranh lý tưởng. Ông sẽ thiết kế một cường quốc của cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, thoải mái trông ra cả hai hướng, ở trên bộ thì nối với Canada và Mỹ La tinh, khiến cho nó có thể tương tác được với ba thị trường chủ chốt của thế giới - Á, Âu và Mỹ. Thật tiện lợi. Ông ta sẽ thiết kế một đất nước có dân cư đa dạng, đa văn hóa, đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, những người có quan hệ tự nhiên với tất cả các lục địa trên trái đất, nhưng đồng thời được gắn bó bởi chỉ một ngôn ngữ - tiếng Anh - một thứ tiếng chủ chốt dùng trên Internet. Ông ta sẽ đặt vào đất nước này ít nhất là năm nền kinh tế địa phương nhưng chỉ một đồng tiền chung, đồng đô-la, cũng là đồng ngoại tệ mạnh, làm dự trữ ngoại tệ cho tất cả các nước trên thế giới. Một đồng tiền chung cùng với năm nền kinh tế địa phương là thứ tài sản quý báu, vì khi một vùng kinh tế gặp khó khăn thì lại có một vùng kinh tế khác ăn ra làm nên để bù đắp, lấp đi những khoản thiếu hụt trong chu kỳ thương mại. Đó là một điều tiện lợi. Ông ta sẽ thiết kế một đất nước có những thị trường tư bản hữu hiệu, đa dạng và đầy sáng tạo, nơi gọi vốn mạo hiểm được coi là một nghệ thuật đáng trân trọng, khiến cho bất cứ ai có sáng kiến (dù có vẻ hợp lý hay vô lý) trong nhà bếp hay ngoài gara cũng có thể tìm được người tài trợ cấp vốn. Thật là hay. Vì khi nói đến tốc độ, thì không đâu nhanh bằng các thị trường vốn của Hoa Kỳ trong việc ném tiền đầu tư cho những sáng kiến mới. Nếu bạn so sánh danh sách của 25 công ty lớn nhất châu Âu cách đây 25 năm với danh sách 25 công ty lớn nhất châu Âu ngày nay - thì thấy tên các công ty trong hai danh sách đó gần như không đổi. Nhưng nếu là như vậy đối với trường hợp Hoa Kỳ, thì thấy phần lớn trong danh sách ngày nay là các công ty mới mẻ, khác xưa. Tất nhiên các thị trường tài chính của Mỹ, với việc thường xuyên đòi hỏi thu lợi nhuận ngắn hạn và thu nhập theo quý, thường không muốn các tổng công ty "tốn tiền" vào những hoạt động dài hạn. Điều đó đúng. Nhưng cũng chính những thị trường đó có thể trong vòng một đêm ném tiền cho một cá nhân, tài trợ cho một người có chút ít ý tưởng chưa chín muồi, để sau đó người này cho ra đời một mẫu máy vi tính đời mới. Massachusetts có khu vực cấp vốn cho sáng tạo quy mô bằng cả châu Âu cộng lại. Các nhà tư bản tài trợ cho sáng tạo là những nhân vật quan trọng nhất thời nay; không chỉ vì họ là những nguồn tiền bạc. Những người giỏi nhất trong số họ có thể cung cấp các kỹ năng để lập công ty. Họ có rất nhiều kinh nghiệm và thấu hiểu những giai đoạn mà các công ty trải qua để phát triển, và họ sẽ hỗ trợ trong nhưng khâu đó - những điều quý báu không kém gì tiền bạc. Kiến trúc sư của chúng ta chắc chắn sẽ thiết kế một đất nước có môi trường pháp lý và luật lệ trung thực nhất thế giới. Ở đất nước này các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu được hoạt động trên một sân chơi công bằng, với tương đối hiếm các hiện tượng tham nhũng, với rất nhiều luật lệ bảo vệ cho bất cứ người nước ngoài nào vào đầu tư, kiếm lời và chuyển tiền ra ngoài bất cứ lúc nào. Đất nước sẽ có nền pháp chế giúp cho thị trường và các hợp đồng được thực hiện và đảm bảo việc bảo vệ tác quyền cho các sáng chế. Các thị trường vốn của Hoa Kỳ ngày nay không những hữu hiệu hơn so với thị trường ở các nước khác, mà còn được coi là minh bạch nhất. Các thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ không chấp nhận chuyện giữ bí mật, những công ty được niêm yết sẽ phải thường xuyên báo cáo về thu chi, kiểm toán, lỗ lãi để có thể dễ dàng phát hiện và trừng phạt về những sai lầm trong quản lý và sử dụng tài lực. Ông ta sẽ thiết kế một đất nước có hệ thống luật và tòa án để xử phá sản, khuyến khích những ai làm ăn thất bát có thể tuyên bố phá sản và rồi lại bắt đầu từ đầu, làm đi làm lại, để rồi có ngày sẽ thành công, như Amazon.com chẳng hạn - họ sẽ không phải đeo đẳng tiếng xấu trong cuộc đời của họ. Trong Thung lũng Silicon, John Doerr, một nhà tư bản tài trợ cho sáng tạo, cho biết, "thất bại cũng không sao, và trong thực tế, điều quan trọng là bạn hãy ngã khi đang dùng tiền của người khác." Trong Thung lũng Silicon, phá sản được coi là điều cần thiết và là một phần của chi phí cho sáng tạo, đó là thái độ khiến cho người ta chấp nhận mạo hiểm. Nếu không biết ngã thì sẽ không đứng vững được. Harry Sall, người sáng lập một trong những hệ thống sữa chữa phần mềm thành công nhất trong khu này, sau nhiều lần công ty của ông chết đi sống lại, đã nói với tôi trong một lần cùng uống cà phê ở Palo Alto: "Quan điểm ở đây cho rằng cứ mỗi lần ngã là một lần nên khôn. Chính vì thế những người ở đây khi thử nghiệm một điều gì đó mà thất bại, thì lần sau, khi họ đứng dậy thì họ dễ dàng tìm thấy tài trợ hơn lần trước. Người ta sẽ nói, "anh ta lần trước đã bị phá sản? Tôi cuộc rằng anh ta đã học được điều gì từ đó, và thế là tôi lại bỏ tiền đầu tư vào cho anh ta". Ở châu Âu phá sản sẽ là tiếng xấu gắn cho bạn suốt đời. Làm gì thì làm, đừng có tuyên bố phá sản khi ở nước Đức: vì bạn, con cái của bạn, rồi cháu chắt của bạn sẽ phải mang tiếng trong xã hội người Đức. Nếu phải tuyên bố phá sản ở Đức thì tốt nhất là rời bỏ nước này mà đi. (Và bạn sẽ được chào đón ở Palo Alto.) Nhân chủ đề đó, nhà thiết kế của chúng ta chắc chắn sẽ thiết kế một đất nước sẵn sàng chào đón dân nhập cư mới, về nguyên tắc sẽ cho phép bất cứ ai lên được bờ biển nước Mỹ, thì theo hiến pháp, sẽ được đối xử như dân chúng trong nước. Điều đó khiến đất nước này có thể tận dụng được những bộ óc giỏi nhất thế giới, tập trung chúng vào những công ty, trung tâm y tế và các trường đại học. Khoảng một phần ba các kỹ sư và nhà khoa học ở Thung lũng Silicon là những di dân, sinh ra ở nước khác, những người đã đến đó, nghiên cứu rồi lại chuyển giao sản phẩm và giá trị khoa học ra thế giới. AnnaLee Saxenian, chuyên gia về đô thị của Đại học California ở Berkeley cho biết nghiên cứu của Viện Chính sách California năm 1996 tìm ra rằng: Di dân Trung Quốc và Ấn Độ trực tiếp điều hành 1.786 công ty kỹ thuật cao của Silicon, doanh thu tổng cộng 12,6 tỷ đô-la và 46.000 nhân viên. Donald Rice, cựu lãnh đạo công ty Teledyne, đã thành lập một hãng công nghệ sinh học, hãng UroGenesys vào năm 1997 để nghiên cứu các phương pháp chữa các bệnh tuyến tiền liệt. Ông ta đặt công ty mới của mình ở Santa Monika, California. Một hôm ông miêu tả cho tôi về đội ngũ nhân viên của ông: "Chúng tôi có 19 nhân viên. Ba trong số đó sinh ra ở Việt Nam, hai nhà khoa học và một nhân viên hành chính; hai người sinh ở Canada, cả hai là nhà khoa học; một người sinh ra ở Nhật, nghiên cứu; một khoa học gia sinh ở Peru; một khoa học gia sinh ở Malaysia; một khoa học gia sinh ở Trung Quốc; một khoa học gia sinh ở Iran; một sinh ở Ấn Độ. CÒn lại là người sinh ở Mỹ. Tôi không thể tìm một đất nước nào khác trên thế giới mà có thể có một đội ngũ như vậy." Đúng thế. Có ai đó đã cố gắng để vào quốc tịch Nhật Bản bao giờ chưa? Hay là quốc tịch Thụy Sĩ? Để trở thành người Nhật bạn hầu như phải là người sinh ra ở Nhật. Để trở thành người Thụy Sĩ bạn hầu như phải là người sinh ra ở Thụy Sĩ. Để trở thành người Mỹ bạn chỉ cần muốn thành người Mỹ. Nhưng khi quốc tịch chỉ là vấn đề pháp luật, không liên quan gì đến sắc tộc, chủng tộc hay quốc gia, thì sẽ dễ dàng hơn cho một đất nước thu phục tài năng. Một người bạn tôi trong Thung lũng Silicon hay nói: "Tôi không sợ người Nhật hay người châu Á nào khác. Người gốc Á của chúng tôi lúc nào cũng sẽ thành công hơn người Á ở châu Á." Càng thu hút nhiều công nhân lành nghề sang nước bạn thì đất nước càng có cơ thành công. Nói về nước Mỹ, tôi mong muốn không chỉ thu hút những người giàu có và có trí tuệ. Tôi sẽ không bao giờ từ chối một thuyền nhân Haiti. Những người thông minh đến mức có thể dùng các thùng sữa để làm thành chiếc bè và vượt biển sang đến bờ của nước Mỹ sẽ đều là những người tôi muốn tiếp nhận. T.J. Rodgers, Tổng giám đốc điều hành công ty Cypress Semiconductor, khi phàn nàn về những hạn chế do Quốc hội Mỹ áp đặt đối với chế độ visa cho các kỹ sư nước ngoài vào làm việc, đã nhận xét: "Người thắng và kẻ thua trong thời đại thông tin chỉ khác nhau về đầu óc. Nhưng có những vị thượng nghị sĩ của chúng ta không nhìn ra điều đó, họ muốn đẩy những tri thức của thế giới ra xa để rồi chính những trí thức đó, từ đất nước của họ, sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh với chúng ta. Bốn trong số 10 chủ tịch của hãng chúng tôi vối là di dân. Khoảng 35 phần trăm các kỹ sư của tôi là người di dân. Phó chủ tịch của tôi phụ trách nghiên cứu - người đã thiết kế chíp vi tính tiên tiến nhất của hãng - là người đến từ Cuba." Liệu bạn có muốn công việc trong đất nước của bạn chỉ do các chuyên viên nội địa đảm trách, hay bạn muốn vươn tới số 10 phần trăm các chuyên viên giỏi nhất thế giới? Hoa Kỳ ngày nay là đất nước duy nhất làm được điều đó. Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức - họ không có truyền thống di dân thực sự, và đó là điểm yếu của họ. Nhà kiến trúc sư của chúng ta sẽ thiết kế một đất nước với hệ thống chính trị dân chủ và liên bang, đặc điểm uyển chuyển, cho phép tản quyền chính trị và do đó khuyến khích các vùng và địa phương điều chỉnh chính sách của họ với các khuynh hướng trên thế giới, mà không phải đợi sự phê duyệt của chính quyền liên bang. Một hệ thống liên bang - với 50 bang có khả năng cạnh tranh và thử nghiệm để tìm giải pháp cho các vấn đề giáo dục, an sinh xã hội và y tế - là một thế mạnh trong toàn cầu hóa. Nó được dùng để thử nghiệm, tìm tòi nhằm ứng phó với tính phức tạp của các vấn đề nói trên. Nhà kiến trúc đó chắc chắn sẽ tạo ra một đất nước có thị trường lao động linh hoạt nhất thế giới - thị trường cho phép nhân công di chuyển từ vùng kinh tế này sang vùng khác, cho phép các công ty tương đối dễ dàng tuyển dụng hay sa thải nhân công. Trong một thời kỳ phát triển nhanh chóng thì khả năng di chuyển dễ dàng thật là quan trọng. Ở Hoa Kỳ, hôm nay bạn mất việc ở Maine thì ngày mai bạn có thể tìm được việc mới ở San Diego, nếu bạn sẵn sàng đi lại. Nếu ở Tokyo mà bạn mất việc hôm nay thì theo tôi bạn không nên tìm việc mới ở Seoul ngày hôm sau. Nếu ngày hôm nay bạn bị mất việc ở Munich, ngay cả khi châu Âu đã trở thành một liện hiệp với đồng tiền và thị trường chung, thì bạn vẫn rất khó tìm việc ở Minlan vào ngày hôm sau. Đó là những khó khăn nhãn tiền đối với thế giới ngoài nước Mỹ. Hơn nữa, càng dễ dàng sa thải công nhân thì các hãng xưởng càng dễ dàng tìm người mới. Điều đó có vẻ nghịch lý lại được dùng để giải thích cho những tiến bộ - trong những năm 90, Hoa Kỳ nhờ có chính sách nhân lực uyển chuyển đã vượt châu Âu và Nhật Bản rất nhanh chóng trong việc hấp thụ cách mạng thông tin vào nền kinh tế. Hãy tự hỏi một câu đơn giản: Vì sao trong khi công nghệ, với Internet và máy tính cá nhân sẵn có cho mọi quốc gia phát triển, vậy mà có quốc gia tận dụng chúng nhanh nhẹn vào thương mại, trong khi có những quốc gia khác không làm được điều đó? Câu trả lời ngắn gọn là phần lớn các công nghệ mới đó đã làm tăng năng suất của một nhà máy, và mức sống trong một xã hội, bởi vì chúng giúp loại bỏ bớt nhân lực. Các robot làm việc hiệu quả hơn so với công nhân làm bằng tay trong dây chuyền sản xuất. Thiết bị trả lời tự động trong điện thoại của bạn làm việc hiệu quả hơn nhân viên trực tổng đài. Nói cách khác, chìa khóa để vào cách mạng thông tin không phải là do nó làm tăng chi phí cho đầu ra, mà là nó làm giảm chi phí nhân công cho đầu vào - tiết kiệm và tăng hiệu quả sản xuất. Công việc làm bằng tay giảm đi. Có nghĩa là nếu có một thứ môi trường văn hóa và xã hội cho phép bạn giảm bớt nhân lực bằng cách áp dụng công nghệ mới thì bạn sẽ kiếm lời do tăng năng suất, tăng lợi nhuận, tăng tài sản và sau cùng sẽ tăng công ăn việc làm. Tất cả các yếu tố đó tập hợp trở thành một đất nước có khả năng cạnh tranh. Hoa Kỳ ngày nay đã có được một nền văn hóa và xã hội trong đó cho phép phá cũ, sáng tạo và xây mới. Alan Greenspan một lần đã chỉ ra rằng vào giữa năm 1999, mỗi tuần có khoảng 300.000 việc làm ở Mỹ bị công nghệ mới xóa sổ. Nhưng chính công nghệ mới đã tạo ra 300.001 việc làm mới trong một tuần sau đó, cũng ở Mỹ. Chính vì thế nạn thất nghiệp ở Mỹ vẫn được giữ ở mức thấp. Các công ty Mỹ dễ dàng sa thải nhân viên, dùng máy móc thay thế họ, không ngần ngại mua kỹ thuật mới. Nhưng khi làm điều đó, họ có thêm khả năng dễ dàng tuyển dụng nhân viên mới. Ngược lại, ở châu Âu và Nhật Bản, rất khó có thể sa thải công nhân. Hãy tưởng tượng khi linh kiện tự động trả lời điện thoại được sử dụng giúp bạn có thể dẹp đi 10 nhân viên tổng đài. Nhưng một công ty ở Tây Âu sẽ mua linh kiện đó nhưng vẫn giữ 10 nhân viên tổng đài đó lại, hoặc trả rất nhiều tiền đền bù cho họ thôi việc. Kết quả sẽ là hoặc công ty đó rất ngần ngại trong việc tuyển người mới, hoặc ngần ngại trong việc mua và áp dụng kỹ thuật mới vì nó sẽ không đủ tiền để mua kỹ thuật đồng thời trả lương cho những nhân viên mà kỹ thuật đó thay thế nhưng vẫn nằm lại công ty, hoặc có thể họ ra đi nhưng phải được đền bù nhiều. Như vậy đầu tư mới sẽ không mang lại lợi nhuận đáng kể. Nhân nói về đều này ta có thể nhân xét rằng bước ngoặt trong lịch sử Hoa Kỳ trước khi bước sang thiên niên kỷ mới là khi Ronald Reagan quyết định sa thải toàn bộ số nhân viên hoa tiêu hàng không đã đình công vào năm 1981. Không một sự kiện nào lớn hơn thế trong việc đánh dấu sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa chủ và nhân viên, mở đường cho các công ty Mỹ mặc sức sa thải nhân viên, áp dụng kỹ thuật, rồi lại mặc sức tuyển lao động mới. Chẳng có thế mà sau đó, hàng triệu việc làm ở Mỹ đã bị xóa sổ đồng thời hàng triệu việc làm mới được hình thành cũng ở Mỹ trong những năm 90. Trong khi đó các thị trường nhân lực ở châu Âu tiếp tục trì trệ, và mức thất nghiệp đứng ở 12 phần trăm. Kiến trúc sư của chúng ta sẽ thiết kế một đất nước trong đó ngườ ta căm ghét những tập đoàn được chính phủ bảo hộ, buộc mỗi công ty và mỗi ngân hàng phải vật lộn để tự tìm chỗ đứng, nhưng sự độc quyền thì sẽ không được dung tha. Đó là điều quan trọng, bởi vì khi một công ty Mỹ, như Microsoft chẳng hạn, trở thành đầu tàu được ngưỡng mộ trên thế giới, thì nó vẫn phải ra trước cơ quan chống độc quyền của Bộ Tư Pháp Mỹ để chịu chất vấn. Đó là một trong những thế mạnh tiềm ẩn lớn nhất của Mỹ. Những người cho rằng để bảo tồn sức mạnh, nước Mỹ sẽ phải dung túng những công ty như Microsoft chẳng hạn - cho nó làm gì tùy ý - đã hoàn toàn sai lầm. Thực tế cho thấy một nhóm người trong Bộ Tư Pháp, lương 75.000 đô-la Mỹ mỗi năm, có thể đứng ra thách thức Micosoft, một công ty lớn nhất nước Mỹ, và thắng cuộc - đó chính là nguồn sức mạnh của Mỹ. Bao giờ cũng có thể có một công ty khác xuất hiện, cạnh tranh với Microsoft, một khi cơ quan chống độc quyền của Bộ Tư Pháp vẫn còn đó và có khả năng dẹp bỏ các tập đoàn độc quyền, và một khi vẫn có những chánh án như Thomas Penfield Jackson, dũng cảm phân xử và kết án các tập đoàn độc quyền. Điều trớ trêu là tháng 11 năm 1999, khi Jack phán quyết rằng Microsoft có hành vi độc quyền và gây hại đối với người tiêu dùng ở Mỹ, trùng vào tuần lễ kỷ niệm 10 năm Bức tường Berlin sụp đổ. Những người đạp đổ bức tường đó đã nóng lòng mong đợi những gì bên kia bức tường? Chắc chắn là họ mong những thứ mà Bill Gates bán - Windows, Disney World, McDonald's và một cuộc sống tốt đẹp. Nếu có một điều những xã hội hậu công sản nhận ra trong vòng 10 năm qua, thì đó chính là việc pháp chế đóng vai trò nền móng của sự thịnh vượng của nước Mỹ. Như nước Nga đã nhanh chóng nhận thấy nếu không có nhà nước pháp quyền thì sẽ không có thịnh vượng. Chính hệ thống quản lý bằng luật pháp của Hoa Kỳ, trong đó không một cá nhân hay công ty nào đứng trên luật pháp, là cốt lõi của phong cách Mỹ. Cũng như những người khác, tôi rất buồn khi nghe tin có người Trung Quốc bị tố cáo đã đánh cắp các bí mật hạt nhân của Mỹ hồi năm 1999. Không thể dung tha được điều đó. Nhưng tôi cũng cảm thấy nếu quả thực họ đã làm điều đó thì cũng vô ích. Vì bí mật lớn nhất của chúng tôi - nguồn sức mạnh của người Mỹ - là điều mà không ai có thể đánh cắp. Đó là lối sống Mỹ. Nhưng nếu họ bắt đầu bắt chước lối sống đó, thì tôi sẽ bắt đầu lo lắng. Nếu họ chỉ đánh cắp các bí mật quân sự thì họ phải hiểu rằng, ngay sau khi bị mất cắp, thì hệ thống của chúng ta sẽ cho ra đời một phát kiến tốt hơn. Kiến trúc sư của chúng ta sẽ thiết kế một đất nước có lòng bao dung với những người có lối sống khác thường, ví dụ những anh chàng để tóc kiểu đuôi ngựa, hay những cô nàng gắn vòng lên cánh mũi, chính họ cũng có thể là những người giỏi toán và giỏi thiết kế phần mềm vi tính. Hoa Kỳ là đất nước mà phút trước có người đứng lên bỏ cuộc: "Điều đó không thể làm được, "thì sẽ có ngay một người khác bước vào tuyên bố: "Tôi vừa thực hiện thành công điều đó." Avram Miller, Phó chủ tịch của hãng Intel, nói: "Người Nhật không hiểu được điều đó, vì họ chú trọng sự đồng bộ. Nếu phải sản xuất hàng tỷ mặt hàng giống hệt nhau, thì người Nhật là chuyên gia hàng đầu trên thế giới, và chúng tôi vì thế cứ nghĩ họ là thần đồng. Nhưng ngày nay, thế giới không muốn có nhiều mặt hàng giống hệt nhau, đồng bộ. Và trong thế giới ngày nay, nơi có người này thích thứ này, người kia thèm thứ khác - và công nghệ cho phép có thể sửa đổi điều chỉnh [cho thị hiếu riêng của từng khách hàng] - thì Hoa Kỳ quả là có lợi thế." Kiến trúc sư của chúng ta sẽ thiết kế một đất nước trong đó các tập đoàn công ty, không như loại ở châu Âu và Nhật Bản giữa những năm 90, sẵn sàng giảm biên chế, rút gọn sản xuất, tư hữu hóa, mở rộng quan hệ đối tác, thay đổi cấu trúc quản lý... để tận dụng các trào lưu dân chủ tài chính, thông tin và công nghệ, và tránh được chứng suy giảm hệ miễn nhiễm đối với microchip. Nước Mỹ xưa kia đã thắng trong cuộc chạy đua trong không gian, ngày nay nước Mỹ đang thắng thế trong cuộc cạnh tranh điện toán. Tính bình quân đầu ngườ, các công ty Hoa Kỳ tiêu tiền vào công nghệ thông tin cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Kiến trúc sư của chúng ta cũng sẽ thiết kế một đất nước làm ăn hăng say và một hệ thống thuế cho phép các nhà đầu tư và nhà cải tiến thành công có thể giữ lại những phần doanh thu của họ do được hưởng ưu đãi thuế, và như thế khuyến khích người ta ngày càng làm giàu thêm. Trong một đất nước lý tưởng, Horatio Alger sẽ không phải là một nhân vật tưởng tượng, mà có thể là người hàng xóm của chúng ta - một người bình thường, kỹ sư của Intel hay America Online khi mới khởi nghiệp, và được trả quyền tùy chọn cổ phiếu nay có giá trị khoảng 10 triệu đô-la. Kiến trúc sư của chúng ta cũng sẽ thiết kế một đất nước vẫn bảo tồn được những khu vực môi trường hấp dẫn, mở rộng, những thị trấn nhỏ và xinh để hấp dẫn các nhân lực tri thức. Vì ngày nay, nhờ có Internet, máy fax và dịch vụ chuyển phát nhanh, các hãng công nghệ cao và nhân lực trí thức của họ có thể chạy trốn khỏi những trung tâm thành phố đến đó ở bất cứ nơi nào họ muốn. Có được những thung lũng xanh tươi, gần biển và gần núi là điều lý tưởng. Chính vì thế những bang Idaho, Washington, Oregon, Minnesota và Bắc Carolina đang trở thành các trung tâm công nghệ cao ngày nay. Kiến trúc sư của chúng ta cũng sẽ thiết kế một đất nước coi trọng sự lưu thông thông tin đến mức nó bảo vệ quyền của cả những người hoạt động trong ngành tranh ảnh khiêu dâm và những kẻ phân biệt chủng tộc tồi tệ nhất. Đó cũng là một lợi thế. Vì trong một thế giới mà thông tin, tri thức, hàng hóa và dịch vụ trôi nổi qua lại nhanh chóng, kể cả trên mạng điện toán, những đất nước duy trì được sự cởi mở, ứng phó được với những hỗn loạn thỉnh thoảng vẫn xảy ra, những đất nước cạnh tranh trên cơ sở tri thức, không lẩn tránh - sẽ có lợi thế. Hoa Kỳ, với Bộ luật Tự do Thông tin, không cho phép chính phủ giữ bí mật được lâu, đã xây dựng được một nền móng văn hóa của sự cởi mở và minh bạch. Và, quan trọng nhất, kiến trúc sư của chúng ta sẽ thiết kế một đất nước có những công ty đa quốc gia cùng những doanh nghiệp nhỏ tiếp tục nhìn xa trông rộng, nhìn toàn cầu và phát triển trong một môi trường tốc độ nhanh, nhẹ, kết nối, và giàu tri thức. Hoa Kỳ hiện đạt được mức hoàn hảo trong các ngành thiết kế phần mềm, vi tính, thiết kế, tiếp thị qua Internet, ngân hàng thương mại, email, bảo hiểm, cải biến gene, tri thức nhân tạo, ngân hàng đầu tư, y tế, đại học, chuyển phát nhanh, thức anh nhanh, quảng cáo, công nghệ sinh học, truyền thông, giải trí, khách sạn, xử lý rác, dịch vụ tài chính, viễn thông và công nghệ cho môi trường. Đó là thế giới hậu công nghệ, và Hoa Kỳ ngày nay đang đi đầu trong tất cả các ngành hậu công nghiệp. Trong một thế giới được-thì-ăn-cả, Hoa Kỳ giờ đây đã hình thành ít nhất là một hệ thống được-thì-ăn-nhiều. Điều đó khiến Hoa Kỳ trở thành một siêu cường độc đáo. Sức mạnh của nó đã vượt khỏi mức thông thường. Nó có một đội quân thường trực lớn mạnh, có hàng không mẫu hạm, phản lực, máy bay vận tải vả vũ khí hạt nhân nhiều hơn trước, vì thế, hơn những nước khác, nó có thể chuyển quân đi xa và đi sâu vào thế giới. Việc Hoa Kỳ có máy bay ném bom tàng hình tầm xa B-2 và đang phát triển máy bay tầm gần F-22 có nghĩa là Hoa Kỳ có thể bay vào không phận của bất cứ quốc gia nào mà vẫn không bị phát hiện. Đồng thời, như nói chi tiết ở trên, Hoa Kỳ đã đi đầu trong tất cả những lĩnh vực thuộc thời toàn cầu hóa. Nhưng xin nhớ cho: Mới một thập kỷ trước, người Á và người Âu dường như chiếm thượng phong, lúc đó ai ai cũng tin rằng Hoa Kỳ đang vào thời suy vong. Giờ đây, như John Neuffer, một nhà phân tích người Mỹ ở Viện nghiên cứu Tokyo nói với báo The New York Times, mọi sự đã xoay chiều: "Nhật Bản chưa thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm, và Hoa Kỳ chưa thấy được bờ vực để rơi." Điều đó không có nghĩa là sẽ không có cái bờ vực đó. Bao giờ cũng sẽ có loại bờ vực đó. Với bất cứ lợi thế mà Hoa Kỳ tự có, nước này vẫn phải tự sắp xếp những điều kiện và khả năng đúng đắn để có thể cạnh tranh. Hoa Kỳ vẫn phải đảm bảo rằng năng suất - khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ với giá thấp và chi phí thấp, để tiền lương có thể tăng nhưng lạm phát vẫn bị kiểm soát - tiếp tục tăng. Mức tăng năng suất nhanh chóng ở Mỷ trong những năm 90 là một hiện tượng do tiến bọ kỹ thuật tác động, nhưng giờ đây chưa ai có thể đoán được mức tăng trưởng của Hoa Kỳ sẽ nhanh hay chậm trong thời gian tới. Nhật Bản, hiện nay vẫn còng nhiều thế yếu, nhưng họ vẫn là chủ của nhiều ngành sản xuất rất hiệu quả, với mức tích lũy cao và một đội ngũ nhân lực rất cần mẫn. Nhật Bản vẫn là đầu tàu sáng tạo trong những lĩnh vực như sản xuất dùng kỹ thuật cao, quản lý sản xuất và hàng điện tử. Có rất nhiều thương gia giỏi người Nhật đang bị cơ chế của Nhật khiến cho khó phát huy tài năng. Những sự bấp bênh trong kinh tế vĩ mô của người Nhật trong những năm 90 đã không kích thích tăng trưởng ở nước này - ngược lại chúng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh. Khi mà người Nhật và Tây Âu vẫn bám giữ những cơ chế cứng nhắc và bao cấp của họ - khiến cho tư bản không năng động, sáng kiến bị thui chột, thì họ chưa thể là đối thủ của người Mỹ. Nhưng trong toàn cầu hóa, khi nước Mỹ càng tiến xa hơn, thì tôi dự kiến, những nước đó sẽ bắt chước. Những sự điều chỉnh không tránh được này có thể gây đau thương, nhưng là điều bắt buộc đối với họ, nếu họ muốn duy trì mức sống như ngày nay. Không phải vì trong những xã hội đó không có những bộ óc doanh nghiệp phù hợp với thời đại. Óc của Pháp cũng giống óc của Mỹ. Câu hỏi duy nhất là: bối cảnh kinh tế và xã hội ra sao để phát huy tài năng từ những bộ óc đó? Lý do vì sao nhiều kỹ sư phần mềm người Pháp theo nhau sang Thung Lũng Silicon là vì họ cảm thấy không thể làm ăn được trong hệ thống của nước Pháp ngày nay. Ngày 21/3/1998, tờ Washington Post đăng bài về nạn chảy máu chất xám từ Pháp snag Thung lũng Silicon, chỉ ra nguyên nhân nằm ở chỗ khả năng linh hoạt của hệ thống Hoa Kỳ: Reza Malekzadeh, một sinh viên 24 tuổi, tốt nghiệp từ một trong những đại học về thương mại tốt nhất của Pháp đã chuyển sang Hoa Kỳ, đổi việc làm ba lần trong ba năm và đã trở thành giám đốc điều hành cho hãng Softway International, Inc., tại San Francisco. "Ở Pháp tôi không thể làm được những điều như tôi đang làm ở đây," anh này nói. ""Ở Pháp, đến lúc bạn 50 tuổi mà người ta vẫn nói về bạn như là một [sản phẩm] của cái trường mà bạn đi học. Ở đây người ta chỉ quan tâm tới những gì bạn làm được, không quan tâm đến bạn bao nhiêu tuổi hay đi học trường nào 15 năm trước đây." Anh ta nay là một trong số 40.000 công dân Pháp đang sống ở vùng Bắc California. Nếu hoàn cảnh ở Pháp thay đổi thì chắc chắn những người Pháp đó sẽ lại theo nhau hồi hương, và những người Pháp khác sẽ ít sang Thung lũng Silicon hơn. Đó là lợi thế mà Hoa Kỳ lúc này cần tận dụng, để đối phó với những khó khăn thực sự: nạn tội phạm trong các thành phố, sự thiếu thốn luật pháp trong việc kiểm soát vũ khí, hố ngăn cách giàu nghèo, trường công lập thiếu vốn, nền văn hóa thích khiếu kiện khiến nản lòng những doanh nghiệp lớn nhỏ, một hệ thống an sinh xã hội không đủ tài chính, một hệ thống thẻ tín dụng khiến cho dân chúng chi nhiều hơn thu rồi lâm vào nợ nần, và cả một hệ thống chính trị ngày càng bị tham nhũng và gây hại khiến các luật lệ về thương mại không còn chặt chẽ. Giải quyết những khó khăn đó sẽ làm cho việc hội nhập toàn cầu hóa sẽ thuận tiện hơn. Tôi rất hy vọng là Hoa Kỳ sẽ tận dụng một cách thông minh những nguồn tài sản của mình, và tôi không nghĩ chỉ có mình tôi là người có tư tưởng lạc quan đến thế. Nhưng nếu Hoa Kỳ chủ quan thì phát triển sẽ trở thành trì trệ - mặt trời lên thì sẽ có lúc mặt trời lặn. Chính vì thế bao giờ tôi cũng tin vào câu nói của Bộ trưởng Tài chính Larry Summers, nói về Hoa Kỳ trong những năm 90: "Điều duy nhất khiến chúng ta lo sợ chính là khi nghĩ rằng chúng ta không sợ một điều gì cả."