Đột nhiên, ở ngã tư Trasmuro, theo tiếng nước kiệu độc hành lóc cóc, tăng thêm phần dơ bẩn vì một ngọn gió lớn làm xoáy bụi, con lừa hiện ra. Sau đó không mấy chốc, đến phiên đám trẻ, thở hụt hơi, còn quần áo rách nát thì được xắn lên để hở cả bụng đen, chúng ném đá, tung những cành cây nhỏ vào con lừa. Con lừa này đen đúa, to lớn, lụ khụ, xương xẩu thế kia – ông cố đạo mới đổi tới đấy - đến nỗi lớp da lác của nó, e phải nứt nẻ khắp cùng mất. Nó dừng lại, nhe hàm răng vàng như những hạt đậu to tướng, hí lên hung dữ, bằng một sức mạnh không tương xứng bao nhiêu với tuổi tác khệnh khạng của nó…. Lừa vô chủ chăng? Ngươi không quen nó hả, La Rô? Nó muốn gì mình chứ? Nó bước hậm hực, rời rạc thế kia, là chạy trốn ai mới được chứ? Thấy nó, La Rô dựng sửng tai, như chiếc sừng, kế đó, một tai vẫn ngỏng, còn tai kia sụp xuống. La Rô mò tới gần tôi, và tìm cách núp trong hố, cũng vừa là trốn tránh nữa. Con lừa đen đi qua sát bên La Rô, cắn giật yên, ngửi ngửi, hí lên sau bức tường của tu viện, rồi trở lại ngã tư, mà bước xuống từng bước một…. Dưới ánh nắng, thật là giây phút hãi hùng - đối với tôi, với La Rô? – trong giây lát đó, mọi sự tuồng như đảo lộn, tưởng chừng cái bóng sa xuống, của một tấm màn đen căng lấp lánh sáng, đã bất thần che đậy cái không khí vắng vẻ chói chang ở ngã tư, với không khí ngột ngạt, bây giờ dễ thở hơn rồi… Dần dần, sinh hoạt ở đằng xa đưa chúng tôi trở về với thực tế. Ta nghe ra, ở trên kia, tiếng huyên náo chuyển động của chợ cá, với bọn bạn hàng bán cá biển, từ Ribera tới, rao bán cá bơn, cá hồng, cá đối, cá măng, cua. Rồi tiếng chuông reo vui, báo hiệu giờ giảng đạo ban mai. Sau rốt, là tiếng tu huýt của anh thợ mài dao…. La Rô chốc chốc vẫn còn run sợ, nhìn ngó tôi, trong sự yên lặng dìm lắng cả hai chúng tôi, sợ sệt tự nhiên thế thôi… - La Rô…Giả thử, lừa kia chẳng phải là lừa thì sao?…