ếu như lính Mỹ có thể thưởng thức các chương trình của USO1 trong suốt cuộc chiến thì binh lính Việt Nam cũng thường được xem đội ngũ văn công lưu động biểu diễn. Thông điệp mà các đoàn văn công Việt Nam truyền tải tới khán giả thường rất khác so với thông điệp mà USO truyền tải tới lính Mỹ, nhưng đối với tất cả các binh sĩ tham gia cuộc chiến thì nghệ sĩ của cả hai phía đều đã mang đến một sự thư giãn tạm thời nhưng quý giá, giúp họ giải tỏa bớt căng thẳng của cuộc chiến kinh khiếp. Câu chuyện sau đây được đúc kết từ các cuộc phỏng vấn với nhiều nghệ sĩ Việt Nam, những người đã hiến dâng khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời để biểu diễn dọc Đường mòn Hồ Chí Minh và trên chiến trường miền Nam. TIẾP TỤC BIỂU DIỄN Ngay từ đầu đời, Lê Thu Lượng đã nhận ra thực tế khắc nghiệt đối với những con người sinh trưởng trong một đất nước chiến tranh liên miên. Là đứa con duy nhất trong gia đình, cô không bao giờ biết mặt cha mẹ. Cô sinh tháng 12 năm 1947, vào buổi đầu cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp của Việt Nam, và mới hai tuổi thì đã thành mồ côi. Cha cô, một người lính Việt Minh, đã thoát khỏi sự giam cầm của người Pháp để rồi lại chết trong rừng sâu. Trong điều kiện không có thuốc men, ông bị sốt rét đánh gục. Chưa đầy một năm sau, mẹ của Lượng cũng qua đời – bà là nạn nhân trong một cuộc ném bom của quân Pháp. Cái chết của cha mẹ chưa phải là bị kịch chiến tranh cuối cùng mà Lượng phải hứng chịu. Nếu có một định hướng trong nỗi đau thì có lẽ cái chết của cha mẹ khi Lượng đang ở tuổi ấu thơ đã tạo ra một lối đi cho cuộc đời cô. Được bà ngoại nuôi nấng và lớn lên trong tiếng ru của bà, cô bé đã sớm có niềm đam mê những giai điệu dân ca. Ở tuổi mười hai, cô bé nghèo trong một làng nhỏ thuộc khu vực Vĩnh Linh đã sớm phát lộ những phẩm chất của một nghệ sĩ dân ca. Tài năng của cô được chính quyền biết đến. Lượng sớm được tuyển vào đội văn công để phục vụ hoạt động phát thanh và tuyên truyền. Giọng ca huyền diệu cùng với ánh mắt thiên thần của cô đã trở thành một thứ vũ khí đặc biệt – cô biểu diễn cho khán giả những bài ca về niềm say mê, truyền cảm hứng cho họ về chiến thắng cuối cùng, về sự thống nhất của Tổ quốc. Ban đầu Lượng biểu diễn ở các thôn xóm, sau đó cô tham gia một đoàn văn công 45 người tới Hà Nội biểu diễn cho bộ đội. Rồi cô xung phong gia nhập đoàn văn công quân đội và vào Nam công tác từ tháng 3 năm 1967. Rời Hà Nội cùng với một đoàn văn công gồm các tài năng thuộc nhiều thể loại, từ ca sĩ tới nghệ sĩ múa, từ diễn viên chính kịch tới diễn viên hài, Lượng sớm nhận ra sự khắc nghiệt của chiến tranh khi cô phải đi bộ dọc Đường mòn Hồ Chí Minh. Sự kiện đoàn văn công rời Hà Nội đánh dấu giai đoạn tám năm công tác với trách nhiệm nặng nề - cuộc sống của Lượng cùng các nghệ sĩ đồng đội luôn đầy thử thách về thể chất và tinh thần. Đoàn đi dọc Đường mòn vào Nam, tới mỗi binh trạm đều nghỉ lại. Là nghệ sĩ, không giống như lính thông thường, họ thường ở lại nhiều ngày tại mỗi binh trạm để biểu diễn. Đối với những người lính không có gì ngoài sự khắc nghiệt của chiến tranh, sự xuất hiện của các đoàn văn công là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao. Thông thường, các buổi diễn được tổ chức ngoài trời. Lính tráng ngồi xung quanh một sân khấu dã chiến, có người trèo lên cây cối xung quanh để xem. Sân khấu thường được dựng dưới tán cây rừng để giúp nghệ sĩ biểu diễn cũng như bộ đội ngồi xem khỏi bị máy bay địch phát hiện. Không ai có thể hình dung về những tổn thất nếu máy bay phát hiện ra. Một đám đông bị máy bay tấn công giữa ban ngày chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc. Đôi lúc các buổi văn nghệ diễn ra dưới hầm để phục vụ những thương bệnh binh không thể lên mặt đất được. Dù ở đâu thì các buổi biểu diễn cũng luôn được chào đón nồng nhiệt. Đối với các nam quân nhân chưa từng gặp phụ nữ trong nhiều năm, sự xuất hiện của đoàn văn công là một dịp tuyệt vời. Sự chào đón của lính tráng xuất phát từ lòng yêu thích nghệ thuật hay từ sự ngưỡng mộ sắc đẹp của Lượng và các nữ văn công khác có lẽ là một trong những bí ẩn của Đường mòn. Hành trình Nam tiến của đoàn kết thúc trên đoạn Đường mòn giữa Quảng Trị và Thừa Thiên, nơi đã trở thành căn cứ hoạt động của họ. Được biết đến với tên gọi đoàn văn công “Trị-Thiên”, Lượng và các nghệ sĩ đồng đội thường xuyên đi khắp vùng, xuôi ngược theo Đường mòn để biểu diễn cho các đơn vị bộ đội. Năng khiếu chính của Lượng là hát, nhưng cô cũng chứng tỏ tài năng trong nhiều thể loại khác. “Tôi hát mọi thể loại, ngoài ra còn biểu diễn hài kịch và chính kịch”, cô nói. Dù hình thức như thế nào thì các buổi biểu diễn thường có một chủ đề chung – đó là sự hy sinh cá nhân vì sự nghiệp chung. Chỉ có hy sinh bản thân mới mong đạt được mục tiêu thống nhất đất nước. “Có một vở hài kịch mà tôi thường đóng kể chuyện một phụ nữ lớn tuổi bắt tù binh”, Lượng kể. “Câu chuyện nhấn mạnh rằng cuộc chiến tranh này là cuộc chiến toàn dân. Bối cảnh của vở kịch là một ngôi làng nhỏ. Rất nhiều lính địch tấn công vào làng, bắt gà và dê của bà cụ kia. Bà cụ đã bắt được nhiều lính địch trước khi họ bị quân giải phóng đánh đuổi”. Lượng cũng tham gia chính kịch. Một vở kịch có nhan đề “Lá cờ”, theo cô là rất xúc động. Trong vở kịch, một bà cụ mù lòa, dù làng đã bị quân địch chiếm đóng nhưng vẫn tiếp tục cất giữ một lá cờ cộng sản trong nhà. Lòng trung thành với miền Bắc lấn át nỗi sợ hãi rằng quân địch có thể phát hiện ra lá cờ cũng như sự ủng hộ của bà dành cho chính quyền Hà Nội. Trong phân cảnh cuối cùng, khi chiến tranh kết thúc, bà cụ đem lá cờ ra khỏi nơi cất giấu và tự hào cắm lên mái nhà. Để hiểu được vị trí trang trọng của nghệ thuật, cần phải nhìn nhận một thực tế rằng. Trong chiến tranh, đối với Hà Nội, các nghệ sĩ biểu diễn có vai trò quan trọng không kém những người lính chiến đấu ngoài mặt trận. “Đối với người chiến sĩ trên mặt trận thông tin, lời bài hát hay chủ đề một vở kịch chính là vũ khí chiến đấu”, ông Nguyễn Thế Linh, người chỉ huy một đoàn văn công biểu diễn dọc Đường mòn giai đoạn 1964-1975, nhấn mạnh. “Không trực tiếp chiến đấu nhưng chúng tôi chăm sóc tinh thần cho chiến sĩ. Đơn vị của chúng tôi tuy nhỏ nhưng hoạt động hiệu quả và có đóng góp rất quan trọng. Tất cả những bài hát, bài thơ, vở kịch đều hướng tới khích lệ tinh thần chiến sĩ. Mỗi một tiết mục đều nhằm mục đích giải thích rõ tại sao chúng tôi lại chiến đấu – và quan trọng hơn, tại sao chúng tôi phải chiến thắng”. Khó mà hiểu một cách cặn kẽ về nỗ lực đưa nghệ thuật tham gia vào các nỗ lực chiến đấu bên phía Bắc Việt. Trong khi người lính Mỹ nghe các ca khúc về quê nhà, người thân mà họ để lại sau lưng, cũng như bi kịch của chiến cuộc (chẳng hạn bài “Đâu rồi những bông hoa?” 1, người lính Bắc Việt lại nghe những bài ca ái quốc, những khúc hát giành chiến thắng cho Tổ quốc, niềm vinh quang được cầm súng và được chết cho đất nước. Các bài hát mà người lính Bắc Việt được nghe hiếm khi nói về nỗi đau hoặc mất mát của cá nhân – vì điều đó chỉ khiến người lính bị phân tâm trong sứ mệnh giành chiến thắng. Thông điệp gửi cho người lính ngoài chiến trường hay gia đình họ ở quê hương đều có chung nội dung. Nó giải thích cho người lính “lý do tồn tại” – rằng anh ta có mặt ở đây để hy sinh cho Tổ quốc. Và dù cho có chung cội nguồn, nhưng những bài ca của miền Nam rất khác so với miền Bắc. Trong khi binh lính Sài Gòn luôn nghĩ về tình cảm lãng mạn, lính Bắc Việt chỉ tập trung vào chiến trường. Nghệ thuật khích lệ động cơ chính trị của lính miền Bắc, đồng thời cũng là một hình thức giải trí. “Nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa”, ông Linh giải thích. “Quân đội nhân dân của chúng tôi luôn tập trung cao độ cho nhiệm vụ chiến đấu nên rất cần nghệ thuật để thư giãn. Chúng tôi không thể thờ ơ với món ăn tinh thần này. Trong chiến tranh, vũ khí và khí tài hiện đại là rất quan trọng – nhưng yếu tố con người lại càng quan trọng hơn”. Ông Linh nói rằng nước Mỹ thất bại trong cuộc chiến vì đã không hiểu con người và lãnh đạo Việt Nam. “Người Mỹ đã không hiểu được yếu tố con người trước khi tham chiến”, ông chia sẻ. “Họ không hiểu nghệ thuật của chúng tôi. Nghệ thuật khích lệ tinh thần bộ đội và truyền cho họ nguồn động lực để vượt qua khó khăn gian khổ. Thời khắc khó khăn nhất của cuộc chiến là những lúc thiếu thực phẩm. Chúng tôi có thể sống nhiều ngày với chỉ một nhúm thức ăn. Tình hình tồi tệ đến mức chúng tôi đã tính đến phương án cho phụ nữ trở ra Bắc, nhưng âm nhạc đã khích lệ họ ở lại. Đó là lý do tại sao chúng tôi có thể chiến đấu suốt mười một năm. Thời đó thật gian khó. Nhưng chúng tôi vẫn vượt qua bao khó khăn, trong đó có phần nhờ vào nguồn cảm hứng từ âm nhạc, từ những bài hát, bài thơ. Lời ca là một đội quân vô hình nhưng rất hùng mạnh. Vai trò của văn nghệ quan trọng tới mức nhiều người lính chiến, trong giai đoạn khan hiếm thực phẩm, vẫn sẵn sàng nhường phần ăn cho nghệ sĩ để đảm bảo họ đủ sức khỏe biểu diễn”. Vị Tư lệnh trưởng lực lượng Đường mòn Hồ Chí Minh, Tướng Đồng Sĩ Nguyên, thừa nhận tầm quan trọng của nghệ thuật như là một công cụ truyền động lực. Sau một trận đánh đẫm máu trong trung đoàn dưới quyền chỉ huy của ông gần như tổn thất hoàn toàn, ông đã triệu tập nhà thơ Phạm Tiến Duật, người đang làm việc ở sở chỉ huy. Đã gần nửa đêm khi thi sĩ gặp vị tư lệnh. Sau khi thông báo cho ông Duật về tổn thất vừa qua, Tướng Nguyên chỉ đạo nhà thơ viết một bài về sự hy sinh của trung đoàn. Ông Duật hiểu rõ mục đích của việc làm ấy – thông qua hình thức nêu gương hy sinh của các chiến sĩ trung đoàn, vị tư lệnh muốn thổi lên tinh thần chiến đấu cho những người lính sống sót qua trận đánh cũng như cho chính bản thân ông. “Tướng Đồng Sĩ Nguyên hiểu rất rõ tác dụng quan trọng của văn chương”, ông Duật nhận xét. Là một nghệ sĩ biểu diễn, Lượng rất hiểu tầm quan trọng của việc thích ứng với hoàn cảnh. Thời gian biểu luôn phải linh động bởi một khi có thông báo máy bay sắp ném bom thì buổi diễn phải tạm ngưng. “Rất nhiều lần các vụ ném bom đã làm gián đoạn buổi diễn”, cô cho biết. “Nhưng một khi bom ngưng, chúng tôi lại tiếp tục”. Ban đầu Lượng rất sợ bom nhưng cô nhanh chóng học cách thích nghi. “Trong trận ném bom đầu tiên, tôi cực kỳ hoảng sợ. Sau một thời gian, tôi nhận ra rằng nếu có chuyện gì xảy ra với bản thân thì những anh chàng trẻ tuổi tốt bụng kia sẽ chăm sóc cho tôi – vì thế tôi bắt đầu phấn đấu để biểu diễn thật tốt và coi chuyện bom đạn là bình thường”. Lượng kể rằng một chàng trai đã có cảm tình với cô và cô cũng có cảm tình với anh. Tên anh là Trương Chí Thành – Chính ủy Trung đoàn 6. Anh đã xem một số buổi diễn của cô. Họ gặp nhau vào tháng 10 năm 1967 sau khi Thành chủ động bắt chuyện. Tuổi Thành hơn gấp đôi tuổi cô nhưng Lượng vẫn yêu mãnh liệt. “Anh ấy cao và rắn rỏi”, cô nhớ lại. “Anh cao hơn những người trung bình và rất đẹp trai với mái tóc húi cua. Đơn vị của anh được tặng thưởng huân chương cao quý vì có thành tích chiến đấu tốt”. Chuyện yêu đương trong rừng rậm giữa muôn ngàn quân không hề đơn giản. Và tình hình càng trở nên khó khăn hơn khi đơn vị của Thành chuyển đến đóng quân ở một địa điểm cách xa hàng chục cây số. Khoảng cách xa đến nỗi phải mất một ngày một đêm thì Thành mới đến được binh trạm của Lượng. Tuy nhiên, khoảng cách không hề ngăn cản tình yêu – nó đơn thuần chỉ là một khó khăn mà họ phải vượt qua. “Chúng tôi rất yêu nhau”, Lượng giải thích. “Anh ấy thường viết thư tình cho tôi. Đêm nào cũng có giao liên mang thư tới cho tôi”. Nhưng rồi định mệnh đen tối lại tìm đến với Lượng lần nữa. Tháng 12 năm 1967, cô và Thành ôm nhau lần cuối. “Tôi đang bị sốt rét; sốt rất nặng. Anh đến thăm, mang theo ít đường và đồ ăn. Chúng tôi nói với nhau về những ước mơ. Anh bảo rằng đến lúc hết chiến tranh sẽ sắm một chiếc xe để có thể chở tôi đi biểu diễn khắp đất nước. Chúng tôi bịn rịn chia tay”. Những lá thư tình tiếp tục được giao liên mang tới, cho đến ngày đơn vị Thành rời khu vực. Lá thư cuối cùng Thành gửi kèm theo một gói quà. Gói quà gồm một hũ dưa muối – do lính tráng tự làm, một chiếc khăn tay và một đôi bít tất. Lượng cho biết có một lá thư xin lỗi. Thư viết: “Trong thời kỳ chiến tranh khắc nghiệt này, anh không có gì khác để tặng em ngoài những món quà nhỏ này. Anh gửi tới cô văn công của anh một chút quà cho ngày Tết”. Đơn vị Thành rời đi, sau đó cùng với các đơn vị khác thực hiện cuộc tấn công Tết Mậu Thân vào ngày 31 tháng 1 năm 1968. Ngày hôm đó, hàng loạt cuộc tấn công đã được phát động nhằm vào quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn và các khu vực lân cận. Khi lực lượng của Thành đang rút lui thì thảm họa giáng xuống. Anh và đồng đội di chuyển dọc bờ sông mà không biết rằng họ đã bị lộ. Chỉ sau vài phút, một đơn vị pháo của kẻ thù đóng cách đấy vài cây số nhận được tin báo. Khi Thành nghe tiếng pháo xé gió thì đã quá muộn. Anh và nhiều đồng đội bị trọng thương. Mười ngày sau khi Lượng nhận được lá thư cuối cùng của Thành, anh qua đời. Các thành viên trong đội văn công biết tin Thành chết ngay sau đó nhưng họ tìm cách giấu Lượng. Khi cô liên tục hỏi tin tức về Thành, người ở sở chỉ huy nói rằng đơn vị của anh đã tiến sâu vào Nam. Nhiều tháng trôi qua, đến một ngày nọ, trong một lần nói chuyện với bạn cùng diễn, sự thật đã lộ diện. Lượng choáng váng. Trong sự khắc nghiệt của số phận, cuộc chiến đã mang tình yêu lớn lao nhất đến cho Lượng rồi cũng tước đi của cô mối tình ấy. Một câu chuyện tình thật đẹp đã kết thúc trong bi kịch. Tám năm sau, khi cuộc chiến đã kết thúc, Lượng cưới người giao liên thường mang thư của Thành tới cho cô. °°° Cuộc sống trong rừng rất khó khăn với phụ nữ. “Với đàn ông cuộc sống vốn đã khó khăn, với phụ nữ thì càng khó khăn gấp bội”, Lượng tâm sự. “Chúng tôi phải giải quyết các khó khăn của phụ nữ mà không có bất kỳ tiện nghi cơ bản nào… Đối với phụ nữ thì cuộc sống khó khăn gấp năm lần đàn ông”. Môi trường chinh chiến trong rừng đã gây ra tổn hại nặng nề cho phụ nữ cả về thể xác lần tinh thần. Đối với những người quen với cuộc sống đô thị, tác động càng lớn hơn. Không còn được hưởng những tiện nghi thành thị, da họ trở nên chai sạn đi do phải lao động nặng nhọc cộng với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Đối với nhiều người, thời kỳ cơ cực kéo dài tới chín năm. Nhiều người vào rừng khi còn nhỏ tuổi, đến lúc kết thúc chiến tranh, chợt nhận ra rằng cơ thể của họ đã bị rút cạn sức thanh xuân. Hầu hết phụ nữ phục vụ trên Đường mòn giữ nguyên tắc đạo đức rất nghiêm ngặt. Quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều tuyệt đối cấm kỵ. Nhiều phụ nữ tuân thủ nghiêm ngặt đạo lý này đã phải sống đơn chiếc suốt cuộc đời sau khi trở về từ chiến trường. Cuộc sống khắc nghiệt trong rừng đã bào mòn cơ thể họ, khiến họ không còn hấp dẫn được cánh đàn ông xuất ngũ vốn có xu hướng tìm kiếm những phụ nữ trẻ hơn và mảnh mai hơn. Có một chuyện kể về 40 phụ nữ trên Đường mòn luôn cố gắng giữ gìn sự trong trắng và hai mươi năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, họ vẫn còn độc thân, không được các nam đồng đội ngày ấy có tình cảm yêu đương. Tuy nhiên, nữ văn công lại khác. Do nhiệm vụ thường xuyên tiếp xúc với binh sĩ nam nên rất nhiều nữ nghệ sĩ đã lấy chồng khi đang công tác trên Đường mòn. Chị Phạm Thị Thu Hồng kể về một cuộc gặp gỡ dẫn đến hôn nhân như thế. Là một ca sĩ, ở tuối hai mươi hai, năm 1963 chị được điều vào Nam biểu diễn cho bộ đội trên tuyến đường mòn cách không xa thành phố Huế. Hồng công tác ở đây cho đến khi những cơn sốt rét rừng đẩy chị ra Hà Nội vào năm 1972. “Tôi gặp người chồng tương lai trên chiến trường miền Nam năm 1963. Tôi là ca sĩ còn anh là nhà quay phim đang làm phim tài liệu. Anh tên là Nguyễn Hồng Sáu. Dù đã xem nhiều buổi diễn của tôi nhưng anh Sáu không bao giờ bắt chuyện. Thế rồi vào một buổi chiều khoảng hai năm sau lần đầu tiên gặp nhau, anh vào rừng kiếm rau. Anh chỉ mang theo lưỡi lê và trong lúc mải mê kiếm rau thì bị rắn độc mổ vào cổ. Anh chạy tới trại chúng tôi. Tôi và một diễn viên khác cùng nhau trị thương. Chúng tôi cho anh uống thuốc để ức chế chất độc. Còn một viên chúng tôi bẻ làm đôi rồi tán bột, sau đó xoa vào vết cắn để ngăn chất độc lan ra. Trong lúc chữa bệnh, tôi mới biết rằng hai chúng tôi ở cùng làng. Khi chữa xong, anh hỏi liệu tôi có thể ghé đến trại của anh vào tối hôm đó hay không”. Chị Hồng đã tới thăm người bệnh bất đắc dĩ của mình vào tối hôm ấy. Sau đó thì anh thừa nhận là đã thương thầm nhớ trộm chị trong một thời gian dài. Anh không biết làm cách nào để ngỏ lời cho đến khi tai nạn rắn cắn xảy ra anh mới có cơ hội bày tỏ. Tuy nhiên, về phía Hồng thì tình yêu không đến nhanh chóng. Dù trở thành bạn thân, mãi ba năm sau Hồng mới xiêu lòng trước bệnh nhân cũ. Họ cưới nhau sau khi chị được điều về Hà Nội vào năm 1972 vì lý do sức khỏe. Nữ văn công ở trong trại riêng, tách biệt với nam đồng đội. Đôi lúc vì lý do an ninh hoặc đơn giản là để giúp đỡ phụ nữ vượt qua khó khăn của cuộc sống lán trại, một ít thành viên nam được điều sang ở chung. Dù vậy cũng không bao giờ có vấn đề gì xảy ra liên quan tới giới tính. Nam giới tôn trọng sự riêng tư của phụ nữ và ngược lại. Đôi khi phụ nữ mời đàn ông tới lán mình cùng ăn cơm. Cô Lượng kể về một sự cố xảy ra liên quan tới một trong những lần mời như thế. Sau khi giặt đồ lót và đem phơi, các nữ văn công nấu chè – một món tráng miệng chế biến từ đậu. Buổi tối hôm đó, các vị khách nam tới. Họ ngồi quanh bếp lửa, chè trong chảo lớn đã sôi và bắt đầu được múc ra các bát nhỏ. Khi múc đến những bát cuối cùng, cái vá chạm phải một vật gì lổn nhổn dưới đáy nồi. Nhìn kỹ, các đầu bếp phát hiện ra đó là một món đồ lót phụ nữ. Rõ ràng là khi không ai để ý thì có một món đồ lót đã tuột khỏi dây phơi gần bếp và rơi tõm vào nồi! Phát hiện ra nguyên liệu đặc biệt của nồi chè, cánh đàn ông vẫn cứ ăn ngon lành. Bất cứ ai từng xuôi ngược Đường mòn đều có một câu chuyện kể về tình trạng thiếu lương thực. Dù văn công thường xuyên ở binh trạm, nơi lương thực khá phong phú, thì đôi lúc vẫn thiếu ăn như thường. Cô Lượng kể: “Có lần thiếu lương thực, chúng tôi phải vào rừng kiếm cái gì đó để ăn. Tìm được một ít nấm, chúng tôi liền nấu ăn mà không hề biết rằng đó là nấm độc. Cả nhóm đã bị ngộ độc và phải nhập viện… Sau Tết Mậu Thân 1968, lương thực càng khan hiếm. Chúng tôi đói liên miên. Không có muối, thuốc men, không có thức ăn. Mọi người phải thường xuyên vào rừng kiếm ăn. Chúng tôi săn thú rừng, có khi giết cả voi. Vơi cho nhiều thịt nhưng thịt dở tệ”. Chị Phạm Thị Thu Hồng kể về một tình huống trớ trêu mà chị và đồng đội phải đối mặt giữa lúc đang đói quặn ruột vì không được cấp đủ lương thực: “Mỗi người chúng tôi được mang theo một khẩu phần ăn khẩn cấp trong ba lô. Khẩu phần này gồm một chiếc bánh quy cứng mà phải có lệnh của thủ trưởng mới được ăn. Để biết chắc rằng không ai vi phạm quy định, người chỉ huy thường kiểm tra ba lô của mọi người. Lần đó chúng tôi đi dọc Đường mòn xuôi vào Nam. Trong nhiều ngày qua, ai nấy đều được ăn rất ít nên đói cồn cào. Thế là nhóm chúng tôi bàn cách lén lôi bánh ra ăn. Khi cả đoàn nghỉ chân, tôi quyết định bốn chúng tôi sẽ cùng ăn chung một chiếc bánh của một người và nếu bị phát hiện thì tôi sẽ đứng ra nhận trách nhiệm. Thế là chúng tôi lấy một chiếc bánh ra. Mọi người nói chuyện ồn ào trong khi bẻ bánh làm bốn để người chỉ huy khỏi phát hiện. Sau đó mọi người ăn vội vã rồi độn lá khô vào bao bánh để người chỉ huy tưởng rằng bánh vẫn còn”. Sự việc không bị phát hiện trong nhiều ngày. Nhưng rồi một hôm người chỉ huy kiểm tra. Bốn đồng phạm nhìn nhau lo lắng khi chiếc ba lô thứ nhất được mở ra. Đến lúc người chỉ huy kiểm tra ba lô thứ hai, bốn cô gái đã tìm cách tráo cái ba lô thứ nhất. Không ngờ người chỉ huy phát hiện ra sự đánh tráo. Khi được hỏi ai đã ăn mất khẩu phần khẩn cấp, chị Hồng đứng ra nhận trách nhiệm. Giữa lúc chị đang cố gắng phân bua về cơn đói của mọi người thì người chỉ huy liên tục khiển trách. Thông thường Hồng không phải là người hay cãi lệnh cấp trên nhưng trong trường hợp này chị đã có phản ứng khác thường. Chị quyết định đi một nước cờ mạo hiểm; chị yêu cầu người chỉ huy cũng mở ba lô ra cho mọi người kiểm tra trước khi tiếp tục quở trách. Cô nàng chỉ huy im lặng; chị Hồng bèn tiến đến và mở ba lô cô này ra. Cái mẹo mực của Hồng đã thu được kết quả - túi xách người chỉ huy cũng không còn bánh. Thấy rằng Hồng cùng những người khác chỉ mới ăn chung một chiếc bánh còn riêng mình thì ăn nguyên một chiếc, cô nàng chỉ huy mới bỏ qua vụ việc. Cuộc sống của văn công trên Đường mòn không đơn thuần là diễn xong rồi ngồi đợi đến buổi diễn kế tiếp. Thông thường họ phải làm nhiều việc mỗi ngày. Đôi khi họ phải tải hàng quân nhu từ nơi này đến nơi kia. Có một hôm, cô Lượng tham gia tải vũ khí từ một căn cứ trên núi về binh trạm. Khi đang cõng hàng xuống núi, nhóm của cô gặp một nhóm khác đi ngược lên. Nhóm này có một vài tù binh Mỹ đang được chuyển ra Hà Nội. Lượng và các đồng đội bèn dừng chân biểu diễn cho những người kia xem, trong đó có cả tù binh Mỹ. Đây là lần đầu tiên chạm mặt người Mỹ. Cô nhớ lại rằng hồi đó gặp họ cô hầu như chẳng có cảm xúc gì – không thù oán cũng chẳng thương cảm. Hầu hết các lần Lượng tham gia tải hàng quân nhu dọc Đường mòn đều không gặp sự cố lớn nhưng một vài thành viên khác lại không có may mắn ấy. Trong khi đang tham gia tải lương thực, hai nghệ sĩ đã thiệt mạng trong một đợt ném bom. Đối với hàng triệu người lính xuôi ngược dọc Đường mòn Hồ Chí Minh, họ biết rằng ở một nơi nào đó giữa chốn gian khổ và hiểm nguy này, có những niềm cảm hứng – trong hình hài của các nghệ sĩ biểu diễn – đang chờ đợi họ. Họ biết những nghệ sĩ như Lê Thu Lượng, Phạm Thị Thu Hồng hay Nguyễn Thế Linh vẫn tiếp tục đi lại dọc Đường mòn, chờ đợi để biểu diễn văn nghệ nhằm truyền cảm hứng cho họ tiến tới ngày thắng lợi. Những người sống sót không bao giờ lãng quên vai trò quan trọng của văn công trong toàn cuộc kháng chiến. _____________________________ 1. USO (United Service Organizations Inc. – Tổ chức Dịch vụ Liên Bang) là một tổ chức tư nhân chuyên cung cấp các dịch vụ giải trí và cổ động cho quân đội Mỹ. 1. “Where Have All The Flowers Gone?” là một bài hát rất thịnh hành vào thập niên 1960, do Pete Seeger và Joe Hickerson viết lời, theo giai điệu một bài dân ca Mỹ.