CUỘC PHỎNG VẤN SOUETRE NĂM 1999

“Người ta không thể nói rằng Mertz là một anh hùng

thời chiến, ông ta thực sự chỉ là một kẻ sát nhân”
- JEAN RENE SOUETRE
Chúng ta có nhiều chi tiết liên hoàn để suy diễn trong chương này: nhiều nhận xét kỳ lạ dựa trên những sự kiện rất thuyết phục có trước, “một điều bất hảo” trong lẫn lộn nhiều thứ, và trên hết là một cơ hội để nghe chính Jean Souetre phát biểu về vấn đề này.
Thật kỳ lạ khi ta nhìn kỹ hơn vào tập thể người Pháp cứ xuất hiện ở đây, ban đầu là trong cái chết của Diệm, rồi đến cái chết của Kennedy. Về vụ sát hại thứ nhất, chúng ta phải nhớ rằng Diệm, Nhu và bà Nhu là người Việt về mặt chủng tộc, nhưng về văn hóa họ là người Pháp. Họ lớn lên trong nền văn hoá Pháp, được giáo dục tại Pháp, và sử dụng tiếng Pháp lưu loát. Chuyện cũng tương tự như vậy với các tướng lĩnh đảo chính đã lật đổ và giết chết Diệm khi Mỹ bật đèn xanh cho họ. Và lý do chính yếu khiến chính những tướng lĩnh ấy tin cậy nhân viên CIA Lucien Conein là bởi vì ông này có gốc Pháp và đã hoà nhập vào ngôn ngữ và phong tục (và điều này giải thích tuyên bố của Conein rằng ông ta thấy rất quen thuộc không những với các tướng lĩnh nổi loạn mà với cả phần lớn những tay anh chị gốc đảo Corse sống tại Sài Gòn. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ McNamara, trong cuộn băng ghi âm được công bố gần đây, đã gọi Conein là “một người Pháp không ổn định”). Về vụ ám sát Kennedy, chúng ta lại có thêm hai người Pháp nữa được nhắc tới trong hồ sơ 632-796 (Mertz và Souetre), Tổng thống Pháp Charles DeGaulle (người đã đích thân gắn huy chương cho Mertz sau Thế chiến 2 và sinh mạng của ông được cứu vãn phần lớn nhờ việc Mertz xâm nhập vào trại giam các thành viên OAS), nhiều nhân viên SDECE Pháp đã bảo vệ Mertz, trong nhiều năm, khỏi các án tù vì buôn bán bạch phiến, và ngay cả trùm Mafia Mỹ Carlos Marcello cũng ra đời ở Tunisia (một xứ bảo hộ của Pháp) và lớn lên trong khu Pháp kiều ở New Orleans. Giữa tất cả những điều đó, chúng ta có tập đoàn bạch phiến quốc tế, đặt tổng hành dinh ở Marseille, Pháp, và do anh em Guerini người Pháp điều hành. Nguồn cung phần lớn nguyên liệu thuốc phiện cho họ là thông qua Nhu và kẻ trung gian là Rock Francisci, cũng là một người Pháp.
Bây giờ ta hãy gặp một người Pháp nữa, giống Rock Francisci, đã sống gần như suốt đời ở Đông Nam Á. Người này là Matthew Franchini. Bề ngoài ông ta được mô tả như một thương gia trọng nguyên tắc và là một chủ khách sạn đáng kính (ông ta sở hữu khách sạn Continental nổi tiếng ở Sài Gòn). Tuy nhiên sự thực thì Franchini là bộ não đàng sau các chuyến hàng thuốc phiện của Rock Francisci từ Sài Gòn sang các lò bạch phiến Marseille(303) [(McCoy)]. Tại sao điều này quan trọng thế? Vì Franchini là một khâu vô giá trong đường dây chỉ huy của thế giới ngầm Marseille, nếu không muốn nói là đường dây chỉ huy tập đoàn bạch phiến toàn cầu. Franchini cung cấp cho Marseille sản phẩm morphine vốn được Rock Franchini chở thoải mái về Sài Gòn (những chuyến bay do Nhu bảo kê). Lúc đó chính Franchini là người thu xếp để chuyển hàng an toàn tới Marseille, dĩ nhiên là cũng được bảo kê bởi những nhân viên SDECE vốn đã bảo kê cho Mertz. Một nhân vật đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của nguồn cung cấp này đã đích thân tới Sài Gòn để gặp gỡ các trùm bạch phiến từ các nơi trên thế giới, và người đó chẳng là ai khác hơn Santos Trafficante(304) [(McCoy)].
Nhưng hầu hết những nguồn tài liệu về Matthew Franchini là những nguồn “vô danh” của toà đại sứ Mỹ và những nguồn tương tự. Còn có ai khác có thể nói với chúng ta về Franchini, một ai đó sẵn sàng để người khác nhận diện?
Có đấy. Jean Souetre.
Mùa xuân 1999, đồng tác giả O’Leary của sách này hợp đồng với nhà nghiên cứu Pháp Monique Lajournade, người có thể xác định Souetre vẫn còn làm việc trong vai trò giám đốc quan hệ đại chúng của sòng bạc Divonne, tại Divonne les Bains, nước Pháp. Ngày 9.6.1999, Souetre rất hoan hỉ đồng ý cho phỏng vấn, và sau đây là những gì hắn nói về Matthew Franchini:
“Ông ấy là dân đảo Corse. Tôi biết rằng họ đã dính vào việc buôn bán bạch phiến, và chính milieu {băng đảng} của dân Corse chuyên làm vụ này. Mertz đã có quan hệ với họ từ lâu, vàhoàn toàn có thể họ là nhà cung cấp {bạch phiến} cho ông ta”.
Sau cùng, một người trong “nghề” xác nhận cho điều mà chúng ta đã tuyên bố từ lâu. Bây giờ chúng ta hãy xem Jean Souetre nói gì về con người mà chúng ta tin là một trong những tay bắn tỉa tại Quảng trường Dealey trong ngày 22.11.1963 đó: Michael Victor Mertz.
Nhưng trước hết hãy gạt bỏ mọi nghi ngờ cho rằng Mertz và Souetre là một người. Sau cùng, hai người này có những đặc điểm tương tự. Về điều này, Souetre nói: “Phải, thật kỳ lạ, bởi vì chúng tôi đều là đại uý dù. Chúng tôi có cùng kiểu hành xử về thể chất, bởi vì có cùng quá trình huấn luyện. Người ta thường có những thái độ tương tự nhau. Nhưng cũng có vấn đề tuổi tác, và Mertz hẳn là lớn hơn tôi mười tuổi, và ông ta đã ở trong lực lượng kháng chiến trong Thế chiến 2. Nhưng sự thực, nếu bạn biết ông ấy, bạn sẽ thấy là không thể tin được”.
Chúng tôi không nghi ngờ điều đó. Thực vậy, Mertz lớn hơn Souetre mười tuổi (ông ta sinh năm 1920, Souetre sinh năm 1930). Khi Mertz đang chỉ huy các chiến sĩ du kích chống Đức, Souetre mới 13 tuổi.
Bây giờ hãy xem Souetre còn nói gì khác.
Hỏi: Ông gặp Mertz khi nào?
Đáp: “Trong thời kỳ OAS; ông ta là một trong những barbouze đã xâm nhập OAS, đóng vai một người ủng hộ tích cực. Công việc của ông ta là xâm nhập tổ chức của chúng tôi và phơi bày, tố giác các mạng lưới. Nên tôi có cơ hội gặp ông ta. Lúc đó là cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, trước khi tôi bị bắt. Và có lẽ tôi còn gặp ông ta sau đó, tôi không nhớ nổi.
“Vì Mertz, nhiều thành viên OAS đã bị bắt. Không phải ai cũng biết ông ta. Ông ta thường tự giới thiệu là đại uý dù để làm quen với các thành viên trong tổ chức và trở nên gần gũi hơn. Vào lúc đó chúng tôi không có thời gian để điều tra gốc tích và các hoạt động trước đó của các thành viên mới. Ông ta thực sự đã gây thiệt hại cho tổ chức.
“Sau này, một khi đã biết về ông ta, tôi nghĩ ông ta đã được chuyển đi nơi nào khác. Thường thì người ta không giữ một mật viên khi hắn ta bắt đầu trở nên không đáng tin cậy nữa. Các tổ chức mật vụ Pháp quan tâm đến ông ta vì hai lẽ: thứ nhất để bảo vệ DeGaulle, người đi công du rất nhiều và định sang thăm Mexico và Nam Mỹ. Như trong mọi tổ chức mật vụ khác, người ta cố gắng xác định những người có thể gây nguy hiểm. Tôi nghĩ ban đầu Mertz cũng được sử dụng như thế. Nhưng chắc chắn ông ta không được phép tiếp xúc với những người đang chuẩn bị ám sát Kennedy. Có thể Mertz đã được sử dụng để thông tin cho mật vụ Pháp về vụ này, và để tố giác láo OAS”.
Hỏi: Ông nghĩ sao về chuyện Mertz có thể sử dụng tên của ông?
Đáp: “Tôi nghĩ rất có thể Mertz đã ở Mỹ, vào thời điểm Kennedy bị ám sát, và sử dụng tên của tôi”.
Hỏi: Năm 1984, trong một phỏng vấn ngắn với Jacques Chambaz cho tờ Quotidien de Paris, ông có đề cập rằng Mertz là một trong những kẻ thù của ông. Có phải ông đã xem Mertz là một kẻ thù không?
Đáp: “Mertz đã thâm nhập OAS với mục đích duy nhất là phá hoại. Ông ta là một mật viên của một tổ chức chống lại chúng tôi; nên ông ta là kẻ thù của chúng tôi”
Hỏi: Ông có nghĩ ông ta có góp phần trong việc ám sát Kennedy?
Đáp: “Điều tôi thấy rất lạ là ông ta đã có mặt ở đó, tại Dallas trong ngày xảy ra tội ác với tên của tôi. Ông ta làm gì ở đó vào ngày ấy? Rõ ràng ông ta biết rằng sắp có chuyện xảy ra, và biết rằng đội tên đại uý Souetre ông ta có thể đổ tội cho CNR”
Hỏi: CNR là gì?
Đáp: “Đó là tên gọi sau này của OAS. Vào lúc đó, CNR đang xây dựng những quan hệ tích cực với một số thành viên của Lầu Năm Góc, như những thành viên cánh hữu có tư tưởng chống cộng mạnh mẽ và tìm được những ý tưởng chung trong những quan hệ với CNR. Vì có khả năng nhận được giúp đỡ từ phía người Mỹ, một số người Mỹ nào đó, nên hiển nhiên mật vụ Pháp {SDECE} làm việc cho DeGaulle phải ngăn chận những quan hệ đó bằng mọi cách và một người trong bọn họ phải làm cho chúng tôi trông có vẻ như những con người điên loạn, dị thường. Mật vụ Pháp sẽ làm bất cứ gì để ngăn chặn những quan hệ giữa chúng tôi với người dân Mỹ”.
Hỏi: Ông biết gì về Mertz và hoạt động của ông ta trong Thế chiến 2, và về ý nghĩ cho rằng ông ta là anh hùng thời chiến?
Đáp: “Một anh hùng thời chiến à? Mertz đã bị bắt vào lính Đức, đó là những dân vùng Alsace – Lorraine bị Quốc xã động viên; ở đó hẳn Mertz chẳng làm gì nhiều, có lẽ ông ta đã đào ngũ để gia nhập lực lượng Pháp kháng chiến, nhưng đó là lực lượng kháng chiến do Gandoin lãnh đạo, một nhánh kháng chiến thân cộng ở khu vực Tulle thuộc Creuse. Đó là về cuối cuộc chiến, trong một giai đoạn khi phe cộng sản mạnh trở lại. Họ giết tất cả những người cánh hữu có thể trở thành thù nghịch với cộng sản trong tương lai. Theo thông tin chúng tôi có được về Mertz, chúng tôi biết rằng ông ta cũng có mặt trong vụ này, rằng ông ta đã tham gia vào những vụ sát nhân vỡ lòng đó. Người ta không thể nói rằng Mertz là một anh hùng thời chiến, ông ta thực sự chỉ là một kẻ sát nhân, và được sử dụng như một kẻ sát nhân mà thôi”.
Hỏi: Việc ông ta thâm nhập OAS không giúp ông ta ngăn chặn được một âm mưu ám sát DeGaulle của OAS sao?
Đáp: “Tôi không biết. Điều đó rất có thể”.
Hỏi: Khi làm việc cho tập đoàn bạch phiến Marseille, ông ta cũng là tay chân của SDECE?
Đáp: “Ông ta luôn thuộc về một tổ chức. Ông ta nằm trong một tổ chức mật ít được biết tới của giới barbouze dưới quyền chỉ huy của M. Sanguinetti, một kẻ chống OAS và sử dụng những người như Mertz để xâm nhập OAS… Bọn barbouze luôn sẵn sàng cho mọi chuyện và được sử dụng theo kiểu đó bởi Sanguinetti, kẻ luôn ủng hộ Mertz và giúp hắn thoát ra khi gặp tình thế khó khăn”.
Hỏi: Ông có biết gì về mối nghi ngờ rằng Mertz, vì nằm trong giới barbouze, nên đã được phép tiếp tục vận chuyển bạch phiến mà không sợ bị bắt giữ?
Đáp: “Khi Mertz bị bắt, ông ta không ở tù lâu, vì Sanguinetti lại kéo ông ta ra, nên ông ta có thể tiếp tục những việc làm xấu xa của mình”.
Hỏi: Hồ sơ 632-796 của CIA nói rằng một trong ba người này (ông, Mertz hoặc Roux) đã có mặt ở Dallas vào ngày Kennedy bị giết. Ông có biết ai tên là Roux không?
Đáp: “Tôi không nhớ ra ai mang tên đó. Tôi tin rằng người có mặt tại Dallas hôm đó là Mertz đội tên tôi vì những lý do tôi đã nêu trên”.
Hỏi: Ông có thể nói gì về đầu mối bạch phiến của Mertz và họ có thể có liên hệ với Đông Nam Á như thế nào?
Đáp: “Bạn biết đó, họ là một băng đảng mật và không có dấu vết rõ ràng, hỗn hợp một chút ma tuý, chút mafia, tổ chức bán dâm – cái này xen với cái kia. Ơû đây bạn cũng thấy chút cái này hay cái nọ. Mafia duy trì hoạt động buôn bán ma tuý, và đám barbouze mà Mertz có liên hệ chắc chắn có liên lạc với những người ở Việt Nam. Nguồn cung cấp thuốc phiện trong giai đoạn chủ yếu là từ Đông Nam Á”.
Hỏi: Hồ sơ 632-796 của CIA ghi rằng trong vai trò một thành viên OAS ông đã tiếp xúc với CIA ở Lisbon và nhờ họ hậu thuẫn cho các hoạt động chống DeGaulle. Điều đó đúng không?
Đáp: “Không, họ không ủng hộ những hoạt động chống DeGaulle. Quả thực là tôi đã có tiếp xúc với CIA ở Lisbon, gặp nhân viên CIA phụ trách Tây Aâu. Chúng tôi, CNR, đã có liên lạc với nhân viên ấy, nhưng với mục đích là lập một chương trình phát thanh thuộc loại chủ yếu là chống cộng Chúng tôi tìm người giúp đỡ, tìm hỗ trợ tài chính từ phía Mỹ để lập một đài phát thanh như thế. Nhưng kế hoạch không hề thành công vì cái chết của Kennedy. Sau đó Mỹ cũng cắt giảm ngân sách cho những kế hoạch như vậy”.
Hỏi: Ông nghĩ gì về tất cả những chuyện đang xảy ra quanh vụ JFK hiện nay?
Đáp: “Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là chuyện Mertz chưa từng bị thẩm vấn. Thứ nhất là ông ta có mặt ở nơi xảy ra biến cố, rồi ông ta bị FBI trục xuất, chuyển qua Canada. Người ta không tống khứ một kẻ tình nghi vội vã như thế. Người ta cố gắng khai thác thông tin từ ông ta. Ông ta đang làm gì ở đó? Rõ ràng là đã không có một cuộc điều tra nghiêm túc. Kết quả là, Mertz có thể tiếp tục những hoạt động phi pháp của mình. Tôi thấy thật kỳ lạ là giới thẩm quyền Mỹ – những người có thể dễ dàng tìm ra tôi – lại không hề truy tìm Mertz để thẩm vấn nghiêm túc. Khi họ tìm đến tôi, tôi đã chứng minh được rằng tôi không phải kẻ có mặt ở Dallas, rằng tôi chưa từng tới nước Mỹ. Thế thì có thể là ai khác nữa? Tôi tin rằng Mertz đã ở đó vào ngày đó. Tại sao họ không tin? Từ đó, vì thông tin này dẫn tới thông tin khác, họ lẽ ra phải thẩm vấn Mertz, ông ta là kẻ nhận lệnh từ Sanguinetti, chuyển các thông tin đi. Ông ta lẽ ra phải bị thẩm vấn và khai ra những gì ông ta biết, ít nhất là về những quan hệ với mafia, qua những đường dây của ông ta, những gì ông ta đã làm trong việc buôn bán ma tuý và những điều đại loại như thế. Ông ta chẳng bao giờ bị thẩm vấn hoặc chú ý. Thay vì thế, ông ta đã chết trong một lâu đài sang trọng tại Pháp, để lại cả đống tiền bạc. Tôi có thể nói thật với bà rằng một sĩ quan quân đội Pháp kiếm chẳng được bao nhiêu tiền đâu.
“Tôi tự hỏi tại sao. Tại sao Mertz được mật vụ Pháp bảo vệ trước người Mỹ? Có thể rằng mật vụ Pháp sợ Mỹ sẽ khám phá ra sự thật chăng?
“Tôi hoảng thật sự khi nghe nói rằng người Mỹ muốn phỏng vấn tôi. Họ tiếp cận tôi theo một kiểu rất lạ, họ bảo: “Chúng tôi đang chuẩn bị một cuốn sách”, họ nói, “một cuốn sách về OAS. Tôi bảo họ: “Nghe đây, tôi có thể kể cho các ông nghe những gì đã xảy ra, những gì tôi biết về OAS”. Nên người Mỹ đến đây và tôi chờ đợi họ bởi vì tôi có thể mường tượng ra cảnh tôi bị mang qua Mỹ để thẩm vấn về OAS. Thực vậy. Bạn biết trong những kênh tiếp xúc đó người ta có phương tiện để làm ai đó bốc hơi. Nên tôi đã có những đề phòng…
“Thế là những người Mỹ tới, tự giới thiệu và nói với tôi họ đang chuẩn bị một cuốn sách về OAS và câu hỏi thứ nhất của họ là “Ông đang làm gì ở Dallas vào ngày Kennedy bị ám sát?” “Tại sao các ông tới đây?”. Tôi hỏi: “Tôi không có mặt ở đó và chẳng có gì để nói”.
“Họ bỏ đi theo kiểu ta thường nói, một tay trước mặt, một tay sau lưng. Sau này tôi khám phá ra họ là dân CIA.
“Tại sao lại là tôi, chứ không phải Mertz? Tôi thấy thật là là ông ta chưa từng bị thẩm vấn.
“Dù gì đi nữa, Mật vụ Pháp hẳn cũng đã biết về việc chuẩn bị vụ ám sát nhưng đã không đưa thông tin này cho giới chức Mỹ. Hoặc có thể thông tin đã được chuyển đi và nó đã bị ém nhẹm”
Rồi Souetre nói thêm về khả năng Mertz đội tên Souetre: “Điều đó sẽ dễ dàng cho Mertz, nhờ sự hỗ trợ của Sanguinetti. Trước hết, để có được giấy tờ bạn phải có người làm, và chỉ có Vụ thông tin là làm được chuyện đó. Và để có thể luồn lách theo kiểu ông ta đã làm và nhất là với hồ sơ của ông ta mà cảnh sát nắm được, ông ta hẳn phải có sự giúp đỡ rất lớn từ cấp cao.
“Tất cả những sự kiện đều cho ta thấy rằng mật vụ Pháp, các tổ chức song hành, barbouze và các thứ như thế, đều có dính líu trong lĩnh vực này, điều đó chứng minh sự hiện diện của Mertz tại Dallas vào ngày xảy ra tội ác ấy.
“Nhưng tôi thấy thật kỳ lạ là người Mỹ chẳng bao giờ cố đào bới sâu hơn. Bây giờ thì Mertz đã chết được năm năm rồi. Họ có rất nhiều thời gian để đi gặp cảnh sát Pháp với một uỷ ban nghiên cứu. Một uỷ ban như thế đã tới tra tấn tôi. Họ có thể làm tương tự với Mertz. Tôi đã nói với họ những gì tôi đang nói với bà đây”.
Hỏi: Ông tin rằng Mertz được các giới chức cao hơn bảo vệ?
Đáp: “Ông ta được bảo vệ rất kỹ, ông ta luôn được cứu ra khỏi các tình huống khó khăn bởi các ông chủ của mình. Tôi chẳng thể cho bà một manh mối gì về họ. Tôi chỉ có thể gửi cho bà bản sao hồ sơ cảnh sát về ông ta. Thật lạ khi thấy rằng sau khi ông ta đã làm mọi chuyện như thế…”
Hỏi: Làm sao ông có được những hồ sơ đó?
Đáp: “Tôi có thể nói với bà rằng tôi lập tức quan tâm tới Mertz khi nhận ra chiều hướng của các diễn biến. Tôi tự nhủ mình phải tìm ra càng nhiều chuyện về nhân vật này càng tốt. Một kẻ giống như ông ta có dáng dấp hoàn hảo của một tên gangster. Và điều đó có lý. Ông ta cưới bà đó, Martel, kẻ nằm trong một băng đảng còn dính líu nhiều hơn. Nếu bạn có được một hệ thống nhà thổ ở Canada bạn phải có sự bảo kê nào đó, ít nhất là bảo kê riêng chống lại các kẻ thù. Tôi tin rằng Martel có liên quan tới mafia. Bọn mafia thậm chí có thể đã cộng tác trong các hoạt động của ông ta. Vợ của Mertz sẽ không hé môi…Bà ta không cần tiền vì đã đủ giàu. Người ta không thể hỏi mua hồ sơ về chồng bà ta. Những người như vậy thường không để lại bất kỳ hồ sơ nào. Nhất là khi Mertz đã được huấn luyện trong nghề barbouze, ở đó người ta được dạy cách không để lại cái gì cả, không bao giờ để lại các ghi chép, không bao giờ giữ bất kỳ ghi chép gì. Chỉ có khi nào bạn muốn đe doạ tiết lộ ông chủ của mình; nhưng trong trường hợp này ông chủ lại quá mạnh: đe doạ tiết lộ với Sanguinetti có lẽ quá khó. Và dĩ nhiên Sanguinetti sẽ chẳng bao giờ nói gì cả.
Hỏi: Về chuyện Mertz buôn bán ma túy, ông có nghĩ tôi sẽ tìm được điều gì đó trên báo chí không?
Đáp: “Từ thời kỳ đó thì có thể, nhưng tôi không chắc chắn đó là lúc nào. Tôi chẳng có bằng chứng nào về chuyện đó vì tất cả chỉ là lời đồn lan truyền trong giới tụi tôi, nhưng chắc chắn là có những đường dây giữa các cơ quan công quyền Pháp từ DGSE để kiếm tiền tài trợ cho các chiến dịch của họ bằng cách sử dụng trò buôn bán ma tuý tại Mỹ. Và Mertz đặc biệt có thể sử dụng các cơ quan lính Mỹ được giải ngũ về Mỹ để vận chuyển trong hành lý của họ những lượng ma tuý đáng kể.
“Tôi nghĩ rằng vào thời đó, chuyện này đã bị Cục ma tuý Mỹ khám phá và hẳn đã có ít nhiều tiếng vang trên báo chí. Nhưng đây chẳng phải điều có thể khai thác được. Bây giờ cũng vậy, làm rùm beng chuyện này lên cũng chẳng có lợi gì cho Pháp. Người Mỹ hiện nay và nhất là Cục ma tuý phải có thông tin về chuyện này trong tàn thư của họ”.
Hỏi: Và đây là lúc Mertz bị bắt?
Đáp: “Ông ta bị bắt rồi mau chóng được thả ra nhờ sự can thiệp của Sanguinetti. Nếu người Mỹ yêu cầu cảnh sát Pháp bắt Mertz, ta hoàn toàn có thể tin rằng Sanguinetti sẽ có khả năng giúp ông ta được phóng thích mau chóng. Điều đó bà có thể tìm thấy trên báo chí thời đó”.
Đến đây là kết thúc cuộc phỏng vấn, và ta có thể thấy rằng Souetre rất sẵn sàng cung cấp thông tin. (Sanguinetti – tên riêng là Alexandre – là cánh tay phải của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Roger Frey, người mà bạn đọc đã gặp trong chương 11 và 14. Frey là người chữa cháy cho DeGaulle, và Sanguinetti là kẻ được giao nhiệm vụ tiến hành chữa cháy. Hắn ta là sĩ quan liên lạc giữa SDECE và chính phủ, tương tự như một cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ). Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu rằng Souetre phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói: xem lại những cuộc phiêu lưu trong quá khứ của hắn thì ai mà lại không cẩn thận lời nói? Thí dụ, hắn không bao giờ nói với chúng ta rằng hắn tin Mertz là một trong những kẻ ám sát Kennedy; thay vì thế, hắn nói rằng hắn tin Mertz – một kẻ sát nhân – đã ở Dallas trong khi xảy ra vụ sát nhân lớn nhất trong lịch sử Mỹ, và Souetre cũng nói rằng Mertz dễ dàng biết trước những chuẩn bị cho vụ ám sát JFK thông qua những đầu mối trong thế giới ngầm. Souetre cũng rõ ràng rất thận trọng về những nguồn tin của mình, như ta thường thấy ở một con người có kinh nghiệm về hoạt động bí mật như hắn ta. Tương tự, chúng ta chỉ có thể hy vọng hắn ta bảo vệ được chính mình xét qua việc tên tuổi của hắn nằm trong hồ sơ 632-796 cạnh tên Mertz. Đó là lý do tại sao Souetre, thông qua những đường dây riêng của mình, đã thu được hồ sơ bắt giữ Mertz (xem phụ lục P) và lý lịch ông này. Hồ sơ bắt giữ chứng tỏ Mertz đã có hơn 30 năm vi phạm pháp luật, và hồ sơ này ghi chi tiết những chuỗi vi phạm dài: tấn công và đe dọa, trộm cắp, tàng trữ vũ khí trái phép, giết người, bỏ trốn để tránh bị truy tố, tham gia bạo loạn, làm giả giấy tờ, đe doạ sát hại cảnh sát, cùng rất nhiều án phạt tiền và phạt tù, chưa kể tới bản án năm năm về tội buôn bán bạch phiến sang Mỹ và Canada.
Sau cùng, điều hay nhất kế đó chúng ta tìm ra là một bức ảnh của chính Mertz. Mertz chết năm 1955, nên không thể có một bức ảnh ông ta – một anh hùng thời chiến – trong bất kỳ mục cáo phó nào sao? Còn những ảnh chụp trước khi ông ta chết thì sao? Hầu hết những anh hùng thời chiến đều được chụp hình vô số lần, nhưng…
Việc tìm kiếm rộng rãi nhiều văn khố Pháp cũng không tìm ra một ảnh chụp nào của nhân vật này.
Có thể là “những quyền lực cấp cao” đã thủ tiêu những ảnh chụp nhân vật này trong một nỗ lực che giấu sự thật. Làm việc cho tập đoàn bạch phiến quốc tế đầy thế lực của Antoine Guerini (với nguồn cung thuốc phiện đều đặn từ Ngô Đình Nhu) Mertz có động cơ và phương tiện, và có thể dễ dàng sử dụng những đầu mối quen biết trong Mật vụ Pháp để cải trang thành chiến sĩ OAS Jean Rene Souetre. Không hợp lý sao khi những quan chức Pháp nào đó, biết sự thực về Mertz, nên đã thủ tiêu mọi ảnh chụp ông ta?
Được rồi, không ảnh chụp, nhưng còn hồ sơ xử án ở Pháp thì sao? Chính ở đây Souetre đã chỉ cho Monique Lajournade đi đúng hướng để tìm thêm thông tin về Mertz.
Trong khi tìm những bài báo đầu thập niên 1970 có đề cập tới lần bắt giữ Mertz, Lajournade đã truy ra một số tên họ của những người trong ngành tư pháp Pháp, những người có thể giúp bà tìm hồ sơ tội phạm nào đó của Mertz. Như Souetre đã ám chỉ trong cuộc phỏng vấn, hầu như không có thông tin nào loại đó còn tiếp cận được tại các văn khố Pháp. Tuy nhiên, với nhiều công sức điều tra và một chút may mắn, bà đã tìm ra đúng cái thứ mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm: hồ sơ ghi chép về các hoạt động tội phạm của Mertz và nhất là việc buôn lậu bạch phiến của ông ta, tất cả trong dạng các hồ sơ toà án chuẩn bị cho vụ xử Mertz tại Paris (xem Phụ lục O-1 và O-2).
Lần thẩm vấn trước toà này, diễn ra ngày 5.7.1971, đã chính thức kết án Mertz (cùng với các trùm bạch phiến khác trong đó có Achille Cecchini) là vi phạm Luật quốc gia về tội phạm liên quan đến ma tuý. Những cáo trạng và ý định truy tố này được đưa ra bởi Toà đại hình quận 16 (tương đương với một toà liên bang của Mỹ). Hồ sơ chính thức này chứng tỏ rõ ràng rằng những tác giả trước đây chỉ có thể kết tội theo những điều được nghe nói: rằng Michel (Michael) Victor Mertz là một tội phạm chuyên nghiệp từng buôn bán khối lượng lớn bạch phiến vào đất Mỹ và nhận thù lao từ những tay điều hành giới giang hồ Marseille. Cuối cùng, sau hơn một thập niên thu lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán bạch phiến, Mertz đã bị bắt, qui án và kết tội. Hồ sơ toà án Pháp này chứng tỏ điều đó.
Lajournade đã tìm được thông tin quý giá trong chuyến điều tra tại Pháp. Trong khi đó, hai nhà nghiên cứu khác của đồng tác giả O’Leary là Tim McGinnis và Brett Ruhkamp, có lẽ đã làm được khám phá kỳ lạ nhất. Sau hơn một tháng hỏi thăm tài liệu ở Văn khố Quốc gia, và hầu như không gặp chút may mắn với DEA và các hồ sơ cũ của Cục Ma tuý Mỹ, cuối cùng, vào tháng 6.2000, họ được cấp phép để nghiên cứu một thùng hồ sơ. Một trong những hồ sơ đó là một báo cáo chi tiết của Bộ Tư pháp Mỹ gửi cho Sở Ma tuý Mỹ, và chủ đề của báo cáo là về những hoạt động bạch phiến của Pháp đầu thập niên 1960, một thời điểm khi sự dính líu của Mertz đang ở quy mô lớn nhất (xem Phụ lục Q để thấy tờ bìa báo cáo này). Bản báo cáo nêu chi tiết nguồn cung cấp thuốc phiện Lào từ Nam Việt Nam cho các lò bạch phiến Marseille, và nó đề cập rõ ràng đến tất cả đồng sự thế lực của Mertz (Francisci, Simonpieri, Venturi, Cecchini, anh em Guerini, v.v…)
Vậy mà tên của Mertz không hề được nhắc tới.
Hãy nhớ, báo cáo này được viết ra trong thời điểm khi các cơ quan bảo vệ pháp luật của Pháp và Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống ma tuý. Hơn nữa, sự thông đồng của Mertz với tất cả những kẽ được đề cập trong báo cáo đã được xác minh bằng nhiều hồ sơ về phía Pháp.
Phải chăng có phần tử nào đó trong cơ quan công quyền Mỹ đã tẩy xoá mọi đề cập đến Mertz, có lẽ cũng chính là phần tử đã lo cho ông ta thoát khỏi Dallas, Texas, hai ngày sau khi JFK bị ám sát?