Thế trận Thế trận mà Quân đoàn 4 và các Quân đoàn 1, 2, 8, và Đoàn 282 đang đứng ở vào thời điểm những ngày giữa tháng 4 năm 1975 là một thế trận được tích tụ của 4.000 năm dồn lại, tạo thành đỉnh cao của một thế trận hôm nay. Trong cuộc kháng chiến 30 năm (1945 - 1975), dưới sự lãnh đạo kiên cường đầy bản lĩnh, mưu trí và sáng tạo của Đảng và Bác Hồ, quân và dân ta đã hai lần tạo ra một thế trận có ý nghĩa bước ngoặt. Bằng cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là trận tiêu diệt lớn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" dẫn tới Hiệp địch Giơ-ne-vơ, nửa nước được giải phóng, tạo một hậu phương lớn - nhân tố thường xuyên hậu thuẫn cho tiền tuyến miền Nam tiếp tục cuộc trường chinh lần thứ hai - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuộc đồng khởi năm 1960, cuộc tiến công nổi dậy Xuân 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, cùng một lúc trên ba hướng bắc Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Và sau cùng là một "Điện Biên Phủ trên không" - một sự kiện giọt nước làm tràn cốc nước diễn ra liên tục 12 ngày đêm trên bầu trời Thủ đô Hà Nội và một số nơi khác đã dẫn tới Hiệp định Paris, tạo ra một thế trận mà chính tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, tay sai của đế quốc Mỹ đã thừa nhận có nhiều khoản trong Hiệp định này bất lợi cho chúng. Mở đầu nhiệm vụ tạo đỉnh cao thế trận vào giữa tháng 4 năm 1975 là chiến dịch Tây Nguyên với trận thắng "điểm huyệt" Buôn Ma Thuột gây phản ứng dây chuyền làm rối loạn, đảo lộn thế bố trí chiến lược của địch, tạo thời cơ nhảy vọt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Sau chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, trên cơ sở theo sát sự phát triển của tình hình, sự phân tích chính xác của các dữ kiện, ngày 18-8-1975, Bộ Chính trị khẳng định cuộc tiến công chiến lược đã diễn ra ngay trong năm 1975, mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên và quyết định hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975 (từ kế hoạch hai năm rút xuống một năm). Thấy trước sự thất bại không thể tránh khỏi của địch ở Huế - Đà Nẵng, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị nhận định: Thời cơ chiến lược lớn đã đến. cần phải tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay để thực hiện quyết tâm hoàn thành giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa. Ngày 31 tháng 3, từ nhận định thời cơ chiến lược đã chín muồi, Bộ Chính trị ấn định thời điểm cuối cùng giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất là trong tháng 4 không thể chậm. Đi theo các tư tưởng chỉ đạo kể trên là kế hoạch chiến lược do Quân uỷ Trung ương soạn thảo đã được Bộ Chính trị thông qua để chỉ đạo các chiến trường thực hiện. Tháng 3 năm 1975 có thể nói là một tháng kỳ diệu trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Một tháng có những bước tiến thần tốc, với bốn cuộc họp của Bộ Chính trị (1) và Quân uỷ Trung ương, sự chỉ đạo thực tiễn của Đảng phát triển lên một đỉnh cao mới, đó chính là nguyên nhân tạo ra đỉnh của một thế trận hôm nay. Bấy giờ là hạ tuần tháng 4 năm 1975, mùa mưa đang tới gần, cái mùa mà địch rất mong đến nhanh. Còn ta thì có đủ điều kiện, cả thế và lực để tới đích cuối cùng vẫn trong tiết trời mùa khô. Tất cả lực lượng nằm trong đội hình chiến dịch tiến công mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã có mặt ở năm hướng chính: đông, đông-nam, bắc, tây-bắc và tây nam, chỉ cách Sài Gòn trên dưới 40 - 50 ki-lô-mét. Nếu Mậu Thân 1968, cũng từ năm hướng tiến vào Sài Gòn với năm mục tiêu tương tự trong nội đô cần phải tiến công tiêu diệt, hỗ trợ lực lượng nội đô nổi dậy trong thế trận cài răng lược ta địch xen kẽ nhau, thì giờ đây, phía trước là mục tiêu tiến công, còn phía sau là một vùng giải phóng sạch bóng quân thù nối thông ra tận. Thủ đô Hà Nội. Từ hậu phương miền Bắc, ta có thêm một con đường xuyên Việt đã được định hình từ lâu mang cái tên quen thuộc trong tâm tưởng mọi người: quốc lộ 1A Hà Nội - Huế - Sài gòn. Nhưng giờ đây con đường thênh thang đó chưa thông trọn vẹn, mới qua Xuân Lộc, tới Dầu Dây, nhờ đó mà khối lượng chi viện từ hậu phương vào được tăng nhanh (2) đáp ứng yêu cầu của trận quyết chiến lịch sử. Hậu cần B2 trong những ngày cuối cùng đã huy động 4.000 xe ô tô vận tải các loại, 656 thuyền máy, ca nô, 1.736 xe đạp thồ thành lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị (tổng số 10.000 giường) để phục vụ chiến đấu. Từ cuối tháng 12 năm 1974 đến trung tuần tháng 4 năm 1975, do ý thức được trách nhiệm của khối chủ lực Miền, cùng với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương, Quân đoàn 4 liên tục xốc tới chấp nhận hy sinh, mất mát đóng góp xứng đáng của mình vào các trận tiến công tiêu diệt sinh lực, tạo thế, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn, kéo dài từ toàn bộ tỉnh Phước Long, Bình Long qua bắc Tây ninh, Dầu Tiếng, Chơn Thành; từ Mỏ Vẹt đến La Ngà, Xuân Lộc qua Hoài Đức, Tánh Linh, từ quốc lộ 1 đến nam lộ 2, Bà Rịa hình thành bàn đạp bao vây Sàì Gòn từ nhiều hướng; đông, đông-nam, bắc, tây-bắc v.v. xứng đáng vị trí Đông Nam Bộ là chiến trường chủ yếu, trực tiếp đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch là Sài Gòn. Từ mảnh đất còn khét mùi thuốc súng, những nấm mộ của cán bộ, chiến sĩ ngã xuống sau trận chiến đấu chưa kịp mọc cỏ, Quân đoàn 4 tiến hành chuẩn bị chiến đấu - là khu vực thị xã Xuân Lộc. Ngày 21 tháng 4 thị xã này được giải phóng, cũng là ngày Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 họp bàn nhiệm vụ tiếp theo. Có nghĩa là chúng tôi không có một phút được xả hơi, vì ngay khi Quân đoàn đang tiến hành đợt tiến công cuối cùng vào thị xã Xuân Lộc, thì đã được Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ mới. Trước hết Quân đoàn di chuyển sở chỉ huy từ bắc sông La Ngà chuyển xuống tây-bắc Long Thành, để tiện việc trinh sát thực địa, tổ chức điều hành toàn bộ lực lượng đặc công của mình xuống cùng với đặc công Miền ém giữ các cầu phục vụ nhiệm vụ mà Quân đoàn được giao là cắt đứt đường 15 tiến vào Sài Gòn theo hai trục đường: xa lộ Biên Hoà (3) - Sài Gòn và Cát Lái - Nhà Bè. Thời gian thật gấp! Nhưng đối với Quân đoàn 4 thời gian càng gấp rút hơn. Ngày 21 tháng 4 giải phóng Xuân Lộc, ngày 24 tháng 4 bắt đầu vào trận. Chỉ có sáu ngày chuẩn bị với bao công việc phải làm, không cho phép chậm, vì từ đây cuộc chiến đấu hiệp đồng trên quy mô lớn, một khâu nào đó không khớp là ảnh hưởng chung đến toàn cục. Quân đoàn đang bắt tay vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thì đêm 21 tháng 4, Bộ chỉ huy chiến dịch điện cho Quân đoàn 4 không thực hiện phương án cũ, chuyển sang hướng đánh chiếm Trảng Bom, Biên Hoà, tiến vào Sài Gòn theo trục đường 1. Hướng đường 15 và xa lộ Biên Hoà - Sài Gòn giao cho Quân đoàn 2. Cũng là vào Sài Gòn nhưng theo hướng khác, thế là phấn khởi rồi! Nhưng công việc chuẩn bị thì coi như trở về điểm xuất phát ban đầu. Nỗi lo không phải riêng một ai, tất cả các đồng chí thành viên trong Bộ tư lệnh. Không ai thắc mắc vì sao lại thay đổi nhiệm vụ mà lo các công việc phải chuẩn bị gần như đi từ A đến Z! Bộ tư lệnh và Đảng uỷ Quân đoàn phải qua một đêm trắng bàn bạc, trao đổi để kịp sáng 22 tháng 4 ra sở chỉ huy tiền phương của Bộ chl huy chiến dịch tại Giá Rai báo cáo tình hình và thông qua quyết tâm chiến đấu với trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó tõng tham mưu trường kiêm Phó tư lệnh chiến dịch và là chỉ huy trưởng mặt trận phía đông, gồm có Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2. Bỉết anh Tấn đã vào đây, thực tế đang điều hành nhiệm vụ chiến đấu trên mặt trận phía đông qua các bức điện do anh ký tên. Nhưng tôi vẫn háo hức muốn đến thật nhanh để gặp anh. Xe vừa chuyển bánh, tôi nhắc đồng chí lái xe: - Tăng tốc! Để kịp giờ làm việc. Sau tiếng rú ga, chiếc xe U-oát vọt tiến lấy đà rồi lướt nhanh đều đều trên con đường mà quang cảnh giống như vùng trung du quen thuộc Phú Thọ, Hà Bắc. Khác chăng đây là vùng mới ra khỏi chiến tranh, chỉ bắt gặp cảnh đồn bót địch đổ nát, làng mạc, đồng ruộng bỏ hoang, cỏ mọc lút đầu; dân cư từ các khu đồn, ấp chiến lược lũ lượt kéo nhau trở về quê cũ. Anh Tấn đây rồi! Tôi reo thầm như vậy khi nhìn thấy anh đang đi đi lại lại trong căn lán dã chiến. Hai chúng tôi ôm nhau, tần ngần ngắm nhìn nhau với bao kỷ niệm xưa cũ lại hiện về như một cuốn phim lướt qua trước mặt. Khi còn là trung đoàn trưởng trung đoàn Sơn La, là tư lệnh Khu 10, đại đoàn trường Đại đoàn 312, anh luôn luôn tạo thuận lợi cho cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Và giờ đây anh cũng vậy, anh vẫn dành thời gian thể hiện đầy đủ trọng trách của một trong những người giữ vai trò chủ chốt trong việc dự thảo kế hoạch chiến lược phục vụ hội nghị Bộ Chính trị họp tháng 10 và tháng 12 năm 1974 thảo luận, ra nghị quyết về kế hoạch hai năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hiểu rõ ý đồ của các bước đi, hiểu nghệ thuật chỉ đạo chiến lược và các chiến dịch kế tiếp nhau (chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng) và bây giờ là chiến dịch Hồ Chí Minh, nên trong khi thông qua quyết tâm của Quân đoàn, anh kết hợp trao đổi để cấp dưới hiểu thêm những vấn đề cần thiết trước khi bắt tay vào thực hiện. Anh nói: - Chiến dịch Hồ Chí Minh ta đánh địch có phòng ngự, nhưng trong thế chúng đang tan vỡ về chiến lược. Ta đột phá tuyến phòng ngự từ xa, kết hợp vu hồi, hình thành bao vây, trọng điểm ìà thủ đô nguỵ quyền, rồi kết hợp đột phá tiêu diệt quân địch phòng ngự với thọc sâu, lấy thọc sâu là chính, đánh chiếm những mục tiêu then chốt để dứt điểm toàn bộ. Điều anh nói thêm, làm rõ tư tưởng chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch này đã giúp chúng tôi đỡ rối trong việc xây dựng kế hoạch chiến đấu cụ thể, biết tập trung vào các nội dung trọng tâm, khắc phục được thời gian hạn hẹp, bảo đảm được yêu cầu chung. Sau khi anh phê chuẩn quyết tâm chiến đấu của Quân đoàn, tôi chỉ có một đề nghị: vì đội hình chiến đấu của chúng tôi còn cách vùng ven từ 15 - 20 ki-lô-mét trong khi địch tập trung quân đông, phải qua nhiều địa hình phức tạp, xin cấp trên cho nổ súng trước ngày 27 tháng 4, có như thế mới cùng một lúc thực hiện đồng loạt đánh vào nội đô đúng ngày N của chiến dịch. Anh Tấn nói: - Quân đoàn 2 cũng có chung điều kiện như vậy. Tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Hoàng Cầm, nhưng còn phải xin ý kiến cấp trên. Tám giờ sau khi trở lại Quân đoàn, đang căng thẳng cùng với các anh trong Bộ tư lệnh triển khai chuẩn bị công việc chiến đấu thì anh Tấn điện xuống báo tin Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh chấp thuận cho cánh quân phía đông nổ súng trước ngày N-1 (tức ngày 26 tháng 4). Đọc xong điện của anh, tôi nhẹ nhõm thở phào, cất được một mối lo, đầu óc bớt căng. Chiều 23 tháng 4, Bộ tư lệnh và Đảng uỷ Quân đoàn họp bàn kế hoạch triểIì khai cụ thể. Chúng tôi dành nhiều thời gian trao đổi để thấy hết những khồ khăn, bàn biện pháp chủ động khắc phục. Đúng là trên hướng tiến công của Quân đoàn, tuy địch không có chính diện rộng nhưng có chiều sâu gần 60 ki-lô-mét theo trục đường 1 với nhiều cụm phòng ngự dày đặc; nhất là sau khi quân khu 1, quân khu 2 thất thủ, trong bọn tướng cầm đầu quân đội nguỵ xuất hiện hai khuynh hướng: nhiều tên cho tình hình xấu đi nhanh chóng, cộng sản đang uy hiếp mạnh Sài Gòn, vì vậy cần tập trung lực lượng co cụm lại quanh ven đô để giữ Sài Gòn. Nhưng Thiệu và một số tên tướng khác (trong đó có Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân đoàn 3) thì phản đối co cụm. Số này cho rằng có thể giữ vững vùng còn lại, cần tiến hành phòng thủ từ xa, tập trung lực lượng phản kích lấy lại một số nơi để mở rộng thế đứng phòng thủ. Trước hết địch dồn sức mạnh cho Xuân Lộc, địch co về giữ khu vực Trảng Bom - Hố Nai, Biên Hoà - Long Bình, Long Thành - Nước Trong và các cầu trên sông Đồng Nai với lực lượng hơn hai sư đoàn, trong đó, một phần hai là lực lượng dự bị. Không có cách nào khác, muốn tới mục tiêu cuối cùng, mọi cuộc chiến đấu phải diễn ra trên trục đường 1. Không tiêu diệt được địch, không đập vỡ các cụm, các tuyến phòng ngự của địch, không thể tiến vào nội đô. Sau khi trao đổi cặn kẽ các vấn đề chủ yếu, một lần nữa quán triệt chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch và những ý kiến hướng dẫn của anh Lê Trọng Tấn, chiều ngày 23-4-1975, Bộ tư lệnh và Đảng uỷ Quân đoàn họp, hạ quyết tâm lần cuối: tập trung ưu thế binh lực, hoả lực phát huy sức mạnh đột kích của cơ giới và xe tăng, nhanh chóng đập vỡ và chọc thủng tuyến phòng thủ Biên Hoà, đánh chiếm hai cầu trên sông Đồng Nai, mở cửa đột kích vào Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu quy định trong nội thành. Trước mắt tiêu diệt lực lượng còn lại của sư đoàn 18 và trung đoàn 5 thiết giáp nguỵ, đánh chiếm yếu khu Trảng Bom, không cho địch co cụm về Biên Hoà, mở đường cho đội hình lớn của quân đoàn thọc sâu vào Sài Gòn. Về sử dụng lực lượng, Quân đoàn quyết định: Sư đoàn 341 đánh chiếm Trảng Bom, mở đường số 1, sau đó chiếm sở chỉ huy sư đoàn 3 không quân và sân bay Biên Hoà. Sư đoàn 6 được tăng cường Trung đoàn 209 (sư đoàn 7) đánh chiếm căn cứ trung đoàn 3 nguỵ và tiểu khu Biên Hoà. Hai Sư đoàn 341 và Sư đoàn 6 sẽ mở cửa lớn cho quân đoàn tiến vào Sài Gòn. Sư đoàn 7 là binh đoàn thọc sâu, hành quân bằng cơ giới thọc thẳng vào Sài Gòn, đánh chiếm các mục tiêu thuộc địa bàn quận 1. Nhưng đánh như thế nào? Đây cũng là vấn đề được nêu ra trao đổi. Căn cứ vào thời gian, vào đặc điểm địa hình và vào hình thái bố trí của địch (4) không thể tiến công theo đội hình nhiều thê đội thay phiên nhau làm nhiệm vụ trước mắt, tiếp sau, mà phải tiến hành đồng thời, xen kẽ hỗ trợ nhau, bảo đảm phối hợp chung giữa các hướng chiến dịch. 17 giờ ngày 26-4-1975, Quân đoàn lệnh cho Sư đoàn 341 nổ súng tiến công khu Trảng Bom; đồng thời theo kế hoạch chung, ở đông-nam Trảng Bom, tiểu đoàn công binh trực thuộc quân đoàn triển khai mở đường quân sự làm gấp (gần như song song với đường 1 và đường xe hoả) xuống tới bắc Hố Nai. Phối hợp với Sư đoàn 341 ở hướng chính diện Trảng Bom, Quân đoàn lệnh cho Sư đoàn 6 theo đường quân sự vừa mở, bất ngờ đánh vào tuyến phòng ngự then chốt Hố Nai do lữ đoàn 258 thuỷ quân lục chiến và lữ đoàn 3 thiết giáp phòng giữ, chặn viện từ Biên Hoà ra Trảng Bom; đồng thời chặn đường rút của sư đoàn 18 từ Trảng Bom về, hỗ trợ Sư đoàn 341 hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy trên hướng chính diện, trong khi Sư đoàn 341 đang tiến công Trảng Bom - một chốt rất trọng yếu của tuyến phòng ngự tiền duyên, thì Sư đoàn 6 được một tiểu đoàn xe tăng dẫn đầu hai tiểu đoàn cao xạ hỗ trợ trên không tiến theo phía nam (đường quân sự làm gấp mới mở) đánh vào mục tiêu ở phía sau, mang cả yêu cầu vu hồi, chia cắt phía sau Trảng Bom. Quân đoàn hồi hộp theo dõi sau khi phát lệnh đến quá trình Sư đoàn 6 bước vào chiến đấu! Vì đây là cách đánh gần như chưa gặp bao giờ? Cuộc chiến đấu ở yếu khu Trảng Bom diễn ra gay go ác liệt ngay từ phút đầu ta nổ súng. Tại đây địch lập nhiều tuyến chống xe tăng, nhiều ổ hoả lực với mìn chống tăng rải ra một đoạn dài trên mặt đường và hai bên đường. Hai mươi sáu khẩu pháo 105 và 155 ly bố trí thành nhiều trận địa rải rác gần đó để yểm trợ, gây sát thương ta trên dọc đường từ vị trí tập kết tiến vào vị trí tiến công. Ngoài ra địch còn tăng thêm một tiểu đoàn xe tăng được điều tới để tăng đầu tăng bịt các chỗ bị đột phá. Xe tăng ta chọi với xe tăng địch, giằng co suốt đêm 26 rạng ngày 27 tháng 4. Nhận định khi bị ta đánh mạnh, địch sẽ rút chạy về phía sau, Quân đoàn lệnh cho sư đoàn phải đồng thời có lực lượng đánh chiếm Suối Đìa, lập trận địa chốt chặn để diệt tàn quân địch từ Trảng Bom rút về. Sư đoàn 341 đã linh hoạt xử trí, kết hợp giữa dùng xe tăng dẫn đầu bộ binh với đánh bộc phá mở cửa (có quả bộc phá dùng tới lượng nổ 5 ki-lô-gam) đánh vào mục tiêu then chốt - sở chỉ huy yếu khu và sở chỉ huy tiểu đoàn bảo an 368. Đến 8 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4 ta hoàn toàn giải phóng Trảng Bom, tiêu diệt và làm tan rã 2.000 quân địch, đánh hỏng và phá huỷ 100 xe tăng, thiết giáp và xe vận tải quân sự, làm chủ đoạn đường 1 dài 14 ki-lô-mét từ ngã ba sông Thao đến tây Trảng Bom. Cùng lúc, Sư đoàn 6 đã tới mục tiêu quy định, nhanh chóng đập tan khu vực phòng thủ suối Ông Hoàng, diệt và làm tan rã trung đoàn 5 thiết giáp địch ở ngã ba Yên Thế, phát triển về phía nam. Nhận được tin vui này, chúng tôi phấn khởi và yên tâm với cách đánh phía trước, phía sau xảy ra đồng thời, đan xen, tạo được hình thái thế trận tiến công có lợi. Khi Sư đoàn 341 giải phóng Trảng Bom, thì Sư đoàn 6 đang phát triển về hướng Hố Nai. Như vậy là ngày đầu tiến công (27 tháng 4) Sư đoàn 341 và Sư đoàn 6 đã hoàn thành đánh chiếm Trảng Bom - Suối Đìa - Long Lạc. Nhưng chưa vượt được Hố Nai đánh vào Biên Hoà. Khi tiến công Hố Nai ta đã có lực lượng hai sư đoàn, vì trước đó Sư đoàn 6 đã vòng qua tuyến phòng ngự của địch đánh vào phía sau, kịp thời hợp lực với Sư đoàn 341 sau khi giải phóng Trảng Bom, thành đội hình phát triển về phía Hố Nai - Biên Hoà. Chúng tôi bồn chồn, lo lắng! Đúng là không cái lo lắng nào trước đó như cái lo lắng lần này. Vì đây là trận đánh lịch sử cuối cùng. Nếu các hướng chiến dịch đã vào đến mục tiêu cuối cùng trong nội đô, hoàn thành giải phóng Sài Gòn mà Quân đoàn 4 vẫn còn loay hoay ở vòng ngoài là không hoàn thành trách nhiệm lịch sử ở vào giờ phút thiêng liêng nhất này? Đã sang ngày 28 tháng 4, như Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo, hầu hết các hướng phát triển thuận lợi, các binh đoàn chủ lực đã tới trước cửa ngõ Sài Gòn, Còn ở hướng đông, Quân đoàn 4 chúng tôi vẫn gặp phải khó khăn trong nhiệm vụ phát triển về hướng Biên Hoà, vì địch lập tại đây một tuyến phòng thủ và cũng tại đây "lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Đông Dương, địch cấu trúc các tuyến hào chống tăng (5) để chặn đối phương. Ngoài hầm hào, rào kẽm gai bãi mìn chống bộ binh ở các căn cứ, đồn bót sẵn có từ trước, địch đã thiết kế những trận địa mới, đào hào, rải mìn chống tăng, đưa các xe tăng M.41, M.48 nằm sâu dưới các ụ đất, các hầm hào có bao cát bao quanh, chĩa nòng pháo về các con đường tiến của xe tăng ta. Ngoài ra địch còn biến các dãy phố, nhà dân, công sở, nhà thờ, trường học, bệnh viện thành trận địa. Chúng chất lên đó những bao cát thành lô cốt, hoả điểm, thành những ổ đề kháng lợi hại. Chúng đặt súng M.72 hoả tiễn chống tăng, súng máy 12,7 ly, ĐKZ 57 trên những tháp chuông, cửa sổ nhà tầng, sẵn sàng nhả đạn, chặn đường tiến của ta. Lực lượng địch ở đây còn khá đông; lữ đoàn 258 thuỷ quân lục chiến giữ trục đường Hố Nai - Biên Hoà; số đơn vị còn lại của sư đoàn 18 giữ khu vực Hố Nai - Long Bình; chiến đoàn 318 bảo an giữ khu vực ngã ba HQ Nai - Tam Hiệp. Chúng dựa vào hệ thống trận địa phòng thủ có sẵn để chống ta; chúng trà trộn với dân, lẫn lộn trong dân, dùng dân làm lá chắn, đẩy dân chống lại bộ đội. Cuộc chiến của các đơn vị tiến công đã phức tạp càng trở nên phức tạp, việc phân biệt địch và dân trong lúc chiến sự diễn ra ác liệt thật khó! Cuộc chiến đấu trong thế giằng co ác liệt, mãi chiều 28 tháng 4 Sư đoàn 341 mới vào đến bắc Hố Nai Một (địa đầu của tuyến phòng thủ then chốt Hố Nai). Nhiều trận đánh diễn ra ngay trong trung tâm thị trấn. Ta vừa đánh vừa tìm cách tách địch ra khỏi dân, tách dân ra khỏi địch để đánh chiếm từng mục tiêu, tạo bàn đạp đánh rộng ra. Trong khi phía trước Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 đang bước vào giai đoạn chiến đấu, vấp phải sự chống trả rất mạnh của lực lượng địch phòng thủ thì Quân đoàn lệnh cho Sư đoàn 7 tiến hành thọc sâu theo đường quân sự làm gấp tiến về phía Suối Đìa. Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn đi cùng với Phó tư lệnh Bùi Cát Vũ trực tiếp chỉ huy đội hình thọc sâu. Sáng 29 tháng 4, ở sở chỉ huy cơ bản chúng tôi bắt được mẩu đối thoại giữa phụ tá Tổng Tham mưu trưởng(6) với Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh quân đoàn 3 nguỵ dưới đây qua đài kỹ thuật. - Xin trung tướng cho biết tình hình. - Nguy ngập lắm! Việt cộng dùng xe tăng đánh chiếm Trảng Bom, Long Thành, pháo kích Long Bình. Đường 15 bị cắt rồi. Vũng Tàu có lẽ cũng rơi vào tay cộng quân, vì hiện mất liên lạc Quân đoàn 3 ở Biên Hoà bị bao vây ba mặt. Tôi định di chuyển sở chỉ huy quân đoàn về căn cứ thiết giáp Gò Vấp. Thế là rõ, nửa tháng trước đây, Toàn là một trong số ít ỏi các viên tướng chống lại chủ trương co cụm, tin vào kế hoạch phòng thủ từ xa có khả năng thắng đối phương vì trong tay Toàn còn có ba sư đoàn "tinh nhuệ" và nhiều lữ đoàn phối hợp, thì giờ đây lại xuống giọng rất nhanh, đưa ra một cầu cứu mà trước đó y chống lại. Và không chờ hồi âm của cấp trên. Ngay hôm đó Toàn và sở chỉ huy của y đã lui về căn cứ thiết giáp Gò Vấp gần sân bay Tân Sơn Nhất để thực hiện ý đồ từ sân bay này đào tẩu, bỏ mặc quân sĩ dưới quyền sau khi gọi điện ra lệnh cho Lê Minh Đảo tư lệnh sư đoàn 18 phải bằng mọi giá thực hiện kế hoạch "trì hoãn chiến". Từ thực tế bi hài kịch này, tôi quyết định thông tin kịp thời xuống động viên các đơn vị nhân thời cơ này tiến nhanh vào Biên Hoà, trù trừ là ân hận suốt đời nếu vào Sài Gòn chậm. Thấy thời cơ quyết định đã tới, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận, thì Quân đoàn 4 vẫn đang vật lộn với địch mở đường vào Biên Hoà. Quân đoàn vừa động viên vừa ra lệnh bổ sung, các đơn vị đều chuyển động với khí thế mới, thi đua nước rút với một mong ước chung về đích đúng thời gian. Ngày 29 tháng 4, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 tiếp tục đột phá trận địa địch theo trục đường từ Hố Nai đi Biên Hoà. Ngay khi trời vừa sáng, Sư đoàn 341 tiến công luôn với năm xe tăng dẫn đầu đập tan nhiều ổ đề kháng của địch. Mười giờ, đội hình sư đoàn tiến đến ngã ba Hố Nai đi Biên Hoà, phải dừng lại vì gặp bốn tuyến hào (7) phía trước, xe tăng không qua được. Sư đoàn 6 tiến công căn cứ thiết giáp của sư đoàn 18 ở Yên Thế, đến 17 giờ làm chủ căn cứ, địch bỏ chạy, sư đoàn tiếp tục phát triển vào Hố Nai, bị địch chặn lại. Sư đoàn 7 mãi 23 giờ ngày 29 tháng 4 mới đến cách Hố Nai 1.500 mét, phải dừng lại triển khai chiến đấu, diệt một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến, một bộ phận trung đoàn 52 (sư đoàn 18) và 22 xe tăng địch. Lúc này tuyến phòng thủ Hố Nai đã bị Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 đập tan, nhưng vẫn còn tàn quân địch lẩn trốn, trà trộn vào dân, chia thành từng tốp nhỏ chống lại theo kiểu đánh "du kích". Chúng dùng tiểu liên M.16, súng M.79, M.72 từ trên các nhà cao tầng, các gác chuông nhà thờ bắn lén vào đội hình hành quân, làm cháy một số xe, pháo, buộc Sư đoàn 7 phải xuống xe tổ chức chiến đấu, ảnh hưởng đến tốc độ hành quân. Khi được tin sở chỉ huy nhẹ của quân đoàn 3 chuyển về Gò Vấp tối 29 tháng 4, qua đài kỹ thuật Lê Minh Đảo cầu cứu Bộ Tổng Tham mưu nguỵ rút quân sang bờ tây sông Đồng Nai, trong khi các lực lượng ta vẫn còn bị địch chặn ở ngã ba Hố Nai đi Biên Hoà, Phó tư lệnh Quân đoàn Bùi Cát Vũ ở sở chỉ huy tiền phương lệnh cho pháo bắn chặn hai bên đầu cầu, không cho địch phá cầu. Đó là một xử trí rất kịp thời. Sau khi Bộ tư lệnh Quân đoàn thống nhất quyết tâm bằng bất cứ giá nào phải đánh chiếm cho được Biên Hoà trước 0 giờ ngày 30 tháng 4, tôi lệnh cho các đơn vị: - Sư đoàn 6 bỏ các vị trí, các căn cứ còn lại ở Hố Nai, tiến theo bên trái đường số 1, đánh chiếm sở chỉ huy quân đoàn 3 và cầu Ghềnh, thọc sang bờ tây sông đánh chiếm đầu cầu, giữ bàn đạp. - Sư đoàn 341 vòng qua phía bắc, đánh chiếm sân bay Biên Hoà. - Sư đoàn 7 đột phá từ Hố Nai, đập vỡ lá chắn địch ở ngã ba Tam Hiệp, cố gắng đưa đội hình sang tây sông Đồng Nai trong đêm. Súng nổ dữ dội suốt đêm từ phía Biên Hoà dội về sở chỉ huy quân đoàn và ở đó ánh hoả châu hắt lên một quầng sáng. Đúng là trận chiến đấu căng thẳng để đưa đội hình qua sông. Khu vực xảy ra trận đánh ác liệt ở ngã ba Tam Hiệp. Ở đây cũng là một trận địa chống tăng, với tuyến hào chống tăng vắt qua đường, bao lấy căn cứ. Lúc ấy đã là 2 giờ sáng 30 tháng 4. Trời sáng mà không thanh toán được cái "lá chắn" này thì làm sao vào được Sài Gòn sớm. Ý thức rõ được vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ thọc sâu, Sư đoàn 7 đã giải quyết xong căn cứ này khi trời sáng. Ngày tổng công kích đã đến! Đằng đông hắt lên một màu hồng quen thuộc, màn sương mỏng trong các cánh rừng cao su tan dần, cảnh vật thật đẹp! Tôi làm việc ngay với đồng chí trưởng phòng tác chiến, nghe báo cáo về các diễn biến từ Bộ chỉ huy chiến dịch báo xuống, các đơn vị điện về. Trên tất cả các hướng, quân ta đã vượt qua những điểm phòng thủ cuối cùng của địch. Khi nghe binh đoàn thọc sâu Quân đoàn 2 đã tiến đến cầu xa lộ, thì trong tôi cái vui cái lo cứ đan xen. Vui thì rõ, chỉ còn vài giờ nữa Sài Gòn sạch bóng thù, "hòn ngọc Viễn Đông" từ nay vĩnh viễn thuộc về ta. Nhưng lo thì nhiều hơn, cứ bám chặt trong tôi. Vì các đơn vị đã hoàn thành đánh chiếm các mục tiêu thuộc khu vực Biên Hoà. Nhưng địch ở đây - căn cứ Biên Hoà - khu vực phòng thủ mạnh nhất của địch trước cửa ngõ Sài Gòn vẫn tiếp tục chống trả, kể cả những tên đang lẩn lút. Các đơn vị Quân đoàn chưa vượt sang tây sông Đồng Nai. Bốn giờ sáng, phân đội đi đầu của Sư đoàn 7 tiến đến cầu sắt xe lửa Biên Hoà nhưng tăng không qua được vì cầu này yếu, trọng tải chỉ đảm bảo xe 12 tấn. Cầu Mới bị địch phá. Chuông điện thoại réo liện tục. Trên gọi xuống thông báo diễn biến chung và đòi báo cáo tình hình tiến công của hướng đông. Dưới gọi lên báo cáo, xin chỉ thị xử trí! Thần kinh căng như sợi dây đàn, chứa biết bao dữ kiện cần phải nhớ, phân tích và xử lý! Sau khi điện xin ý kiến và được Bộ chỉ huy chiến dịch chấp thuận về trường hợp Sư đoàn 7 không theo kế hoạch cũ, tôi ra lệnh, lúc ấy là 6 giờ 30 sáng ngày 30-4-1975: - Sư đoàn 6 tiếp tục truy quét tàn quân địch, diệt các mục tiêu còn lại, làm nhiệm vụ quân quản khu vực thị xã Biên Hoà. - Sư đoàn 341 nhanh chóng vượt qua cầu đường sắt bằng xe tải đánh chiếm các mục tiêu đã phân công ở quận Gò Vấp, quận 3, quận 10. - Sư đoàn 7 xốc lại đội hình, nhanh chóng quay ra đường xa lộ tiến vào mục tiêu quận 1 như đã được giao. 8 giờ ngày 30 tháng 4 đội hình thọc sâu bắt đầu thực hiện nhiệm vụ. Đến đầu thị xã Biên Hoà rẽ phải ra xa lộ tiến vào Sài Gòn. Lữ đoàn 52 (Quân khu 5) đi sau đội hình Sư đoàn 7 theo xa lộ vào Sài Gòn đánh chiếm quận 10. Sư đoàn7 vừa ra đến đầu xa lộ thì cũng vừa lúc đội hình thọc sâu Quân đoàn 2 đã qua trước đây ít phút. Như vậy trên hướng đông đội hình thọc sâu có Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) và Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2). Đi đầu đội hình Sư đoàn 7 là đại đội 7 anh hùng do chính trị viên Hoàng Cao Đại chỉ huy, có xe tăng, trương cờ cách mạng tiến về phía trước, phải gạt hai chiếc xe tăng M.41 bị ta bắn cháy sang lề đường để tiến lên. Một cán bộ vừa được giải thoát khỏi nhà tù Tam Hiệp hồi sớm ngồi trên chiếc xe tăng đi đầu, chỉ đường cho bộ đội theo đường Hồng Thập Tự quẹo qua đại lộ Thống Nhất là tới dinh "Độc lập" - Lúc đó là 12 giờ 30 phút (một giờ trước đó Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn 66 thuộc Quân đoàn 2 đã tiến vào dinh "Độc lập" buộc Dương Văn Minh và toàn bộ nội các nguỵ quyền Sài Gòn đầu hàng và cắm cờ Quyết thắng lên toà nhà chính. Tư lệnh Sư đoàn 7 Nam Phong vào sau đoàn xe tăng của đại đội 7, gặp anh Hoàng Đan, phó tư lệnh Quân đoàn 2 ở Dinh "Độc lập". Cả hai đều tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ cho đến giờ chót, khi Đờ Cát và toàn bộ bộ tham mưu của Đờ Cát bị bắt. Cán bộ Sư đoàn 9, Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 nắm tay nhau đầy xúc động ngay tại dinh "Độc lập" sào huyệt cuối cùng của địch trong niềm vui đại thắng. Tôi và sở chỉ huy cơ bản Quân đoàn từ bắc Trảng Bom cũng di chuyển xuôi về Sài Gòn sau Sư đoàn 7. Vậy mà phải 13 giờ 30 phút cùng ngày tôi và các đồng chí trong Bộ tư lệnh mới tới được điểm hẹn lịch sử. Vì dọc đường không phải dừng lại chiến đấu mà là trước sự đón tiếp, cổ vũ đầy nhiệt tình của đồng bào. Đoàn xe không thể tiến nhanh được, buộc phải giảm tốc độ như người đi bộ. Đồng bào vây xung quanh, tiếng hoan hô vang dậy. Chúng tôi bị nhân dân và cả binh sĩ địch đầu hàng vây chặt không biết mấy chục lần, nhất định không cho đi. Họ muốn nhìn mặt, đòi bắt tay, đòi nói chuyện, bắt nhận quà, ăn cơm. Kỳ lạ thật! Vẫn đang trong thời điểm tiến quân vào tung thâm, tiếp tục tiến công tiêu diệt các ổ đề kháng, tàn quân ngoan cố đang rình rập bắn lén mà lại bắt gặp cảnh này, cảnh như ca khúc khải hoàn đoàn quân thắng trận trở về được tình cảm đằm thắm hậu phương sười ấm! Khi tôi tới dinh "Độc lập" thì đã gặp Võ Văn Dần tư lệnh Sư doàn 9 có mặt tại đây. Nắm tay tôi tư lệnh Dần rạng rỡ niềm vui và cả xúc động: - Chúc sức khỏe Tư lệnh quân đoàn! - Mình vẫn khỏe! - Tôi đáp và hỏi tiếp - Dần vào đây lúc nào? - Báo cáo Tư lệnh, lúc 10 giờ 30 phút, hoàn thành đánh chiếm biệt khu thủ đô và cũng là lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng là tôi cho một tổ xe tăng dẫn đầu bộ binh hội chiến tại dinh "Độc lập" và xin được trở về đội hình Quân đoàn đúng lúc xe tăng Quân đoàn 2 tiến vào dinh "Độc lập". - Một chiến thắng thật đẹp và một ý thức tổ chức rất đáng được biểu dương! Chỉ nói được có thế, nhưng trong tôi chứa bao kỷ niệm muốn nói. Vì tôi và Sư đoàn 9 gắn bó từ đầu, đã qua tất cả các trận chiến đấu ở miền Đông, đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Sau khi chiến thắng Dầu Tiếng tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 9 được lệnh tách khỏi đội hình quân đoàn, chuyển về Đoàn 232 chiến đấu ở phía tây-nam Sài Gòn. Lúc đó cả tôi và anh em Sư đoàn 9 như có cái gì sững lại. Tình cảm tôi không muốn Sư đoàn 9 vắng mặt ở chiến trường Đông Nam Bộ và anh em Sư đoàn 9 cũng thấy phải xa Quân đoàn vào thời điểm này cũng không thật thoải mái. Nhưng biết làm thế nào, đó là nhiệm vụ, yêu cầu, đó là mệnh lệnh của cấp trên. Niềm tự hào của tôi về Sư đoàn 9 lại được bồi đắp và nhân lên. Tách khỏi đội hình Quân đoàn, nhưng sư đoàn 9 vẫn giữ được vai trò nòng cốt của mình trong đội hình chiến đấu mới. Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm một trong năm mục tiêu trọng điểm trong nội đô. Để đi được tới đích cuối cùng, Sư đoàn 9 đã vượt qua không ít khó khăn, đưa đội hình binh chủng hợp thành vượt sông Vàm Cỏ, qua bao nhiêu bưng sình (8). Còn bao điều muốn nói, hao chuyện muốn trao đổi, tâm sự, nhưng lúc này còn nhiều việc phải làm, cần làm, cũng nghiêm túc và khẩn trương trong điều kiện chiến tranh đã đi qua mà vẫn gian khổ, nguy hiểm, nếu không chắc bản lĩnh, có thể bị đạn "bọc đường" tiến công. Hai chúng tôi chia tay nhau trong lưu luyến mặc dầu thời gian tới, đều có điều kiện thường xuyên gặp nhau. Lúc này tôi mới có phút xả hơi, được nhìn quang cảnh một cái "dinh", một địa danh quen thuộc với tất cả cán bộ, chiến sĩ có mặt trên chiến trường, nhất là chiến trường Đông Nam Bộ - vì trước đó lúc 10 giờ ngày 30 tháng 4 nó vẫn là sào huyệt cuối cùng của quân thù. Điều dễ thấy căn dinh mang dáng dấp một đồn binh, một trại lính. Có tới ba hàng rào và công sự ngăn cách với bên ngoài; trong vườn dinh vẫn còn lều lán của binh sĩ địch canh phòng, xe bọc thép và súng phòng không chĩa ra tứ phía. Được biết Dương Văn Minh và nội các của ông ta từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng, nhưng vẫn lấm lét sợ hãi không dám ngỏ lời. Tôi chủ động nói với họ: - Các ông có thể báo người nhà đem cơm tới, từ sáng đến giờ, đói chịu sao được. Họ lễ phép cuối đầu, hai tay chắp cám ơn, đưa mắt nhìn trộm tôi. Tất cả đều cung kính, thưa bẩm vì thấy tôi tóc ngả hoa râm họ cho là tướng chỉ huy (khi gặp bất cứ chiến sĩ nào của ta họ đều hỏi như thế). Đêm ấy tôi cùng cán bộ, chiến sĩ nằm ngoài hiên căn dinh, trên nền gạch lát hoa thật mát. Lo toan chiến tranh đã qua đi, thành phố về khuya yên tĩnh, không gian thoáng mát. Vậy mà cứ thao thức hoài mặc dầu những ngày dài vừa qua kể từ chiến dịch Đường 14 - Phước Long, chẳng đêm nào tôi được ngủ trọn vẹn. Gần đây, kể từ 26-4-1975 đều đói ngủ, mà vẫn cứ chong mắt với những suy nghĩ miên man. Nằm tại dinh "Độc lập" thật rồi mà cứ thấy ngỡ ngàng như mơ. Khi được tin chiến dịch mang tên Bác, cái vui mừng, cái xúc động rộ lên, tiếp sức mạnh để đi vào nhiệm vụ rồi tan nhanh vào trong công việc. Từ cảng Nhà Rồng Bác ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở về, thành phố đã bị quân xâm lược trở lại chiếm đóng lần thứ hai, cái không khí "Không có gì quý hơn độc lập tự do" mà thành phố được hưởng chẳng là bao. "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà", tâm huyết Bác dành phần nửa cho miền Nam. "Nam Bộ là lãnh thổ của Việt Nam, là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi" (9). Hai lần từ miền Nam ra tôi đều được gặp Bác, được Bác hỏi nhiều chuyện. Bác dặn dò các công việc khi trở lại miền Nam, thì tôi cứ tiếc Bác đã đi xa! Tiếc là "Miền Nam mong Bác nỗi mong Cha", mà Bác không về được. Với tất cả tình cảm đó mà Bộ Chính trị quyết định chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh. Và khi tên chiến dịch Hồ Chí Minh được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là đối với quân dân miền Nam, quân dân B2 thì sức mạnh được nhân lên, góp phần tạo đà cho chiến dịch mang tên Bác đi tới đích! Bác đã không còn nữa nhưng Bác vẫn là Tổng chỉ huy của chiến dịch toàn thắng này, qua các tư tưởng quân sự của Người để lại, đã thâm nhập trở thành tâm đắc, thành tiềm thức của lớp thế hệ tham gia sau tháng Tám năm 1945, có mặt trong thập kỷ sáu mươi, bảy mươi thực hiện. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, chưa có cuộc hội quân nào vĩ đại như lần này. Một đội quân trên 200.000 người cùng hơn 1.000 pháo, cối, các cỡ, 500 xe tăng và thiết giáp, tiến về Sài Gòn trên một thế trận đã được chuẩn bị công phu, tạo điều kiện cho việc thực hiện hai phương thức tác chiến kết hợp tiến công bằng các binh doàn chủ lực cơ động với hoạt động chiến tranh nhân dân địa phương rộng khắp. Ta không chỉ huy động lực lượng áp đảo địch mà còn chiếm ưu thế; hình thành thế bao vây chia cắt địch, cài răng lược cả bên trong và bên ngoài; không cho địch ở vòng ngoài co cụm để cùng lực lượng bên trong cố thủ, phối hợp trong ngoài cùng đánh bằng tiến công và nổi dậy, làm cho địch không thể ngăn chặn và làm chậm tốc độ các mũi đột kích của bộ đội chủ lực tiến vào mục tiêu cuối cùng của chiến dịch. Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã giải phóng Sài Gòn trong nguyên vẹn, không có "tắm máu", "trả thù", "khổ sai", "tẩy não" như kẻ địch lớn tiếng xuyên tạc những ngày tàn trước đó. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là kết quả đỉnh cao của một thế trận, được Đảng ta chuẩn bị công phu, kéo dài suốt ba thập kỷ; được quân và dân ta tổ chức thực hiện một cách thông minh, dũng cảm và đầy sáng tạo. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại, như một cột mốc đánh dấu đất nước từ đây chuyển sang kỷ nguyên mới. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc chương cuối của tập sử thi giữ nước của nhân dân Việt Nam, đánh bại ba đội quân xâm lược nhà nghề phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành sứ mạng giành lại độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc sau nhiều năm bị ngoại bang chia cắt và thống trị. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là thắng lợi vĩ đại nhất trong lịch sử 4.000 năm dựng nước va giữ nước của dân tộc Việt Nam, mang tầm vóc thời đại, được xem như là một trong những sự kiện nổi bật trong nửa cuối thế kỷ XX. Chúng ta chiến đấu và chiến thắng trước hết là do sự thôi thúc của sự nghiệp chính nghĩa theo tiếng gọi "Không có gì quý hơn độc lập tự do" của vị Cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó chính là nguồn gốc tạo nên mọi thắng lợi. Nhưng sức mạnh chính nghĩa không tự nó trở thành hiện thực, mà còn phụ thuộc vào đường lối chính trị, đường lối và nghệ thuật quân sự dúng đắn, sáng tạo vào việc hạ quyết tâm chiến lược chính xác. Trong cuộc đụng đầu lịch sử này, từ tầm nhìn dân tộc kết hợp với tầm nhìn thời đại, từ tư duy cách mạng kết hợp với tư duy khoa học, Đảng ta đã hạ quyết tâm tiến công quân Mỹ ngay từ khi chúng mới đặt chân lên mảnh đất miền Nam Việt Nam, một mảnh đất mà tiềm lực mọi mặt còn thua xa tiềm lực một bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tiến công! Một quyết tâm chiến lược chính xác trên đây tuyệt đối không phải duy ý chí, mà là một định hướng của biện pháp cách mạng, mang nội dung chỉ đạo thực tiễn phong phú, bởi "dám đánh Mỹ sẽ tìm ra cách thắng Mỹ". Quân Mỹ nhảy vào xâm lược miền Nam nước ta có số lượng đông (10), hoả lực mạnh, phương tiện cơ động cao, thành thục trong tác nghiệp tham mưu tác chiến hiệp đồng binh chủng; chịu rút kinh nghiệm sau mỗi thất bại và có đủ điều kiện khắc phục khi thấy có thiếu sót sai lầm. Đó là mặt mạnh, khác xa quân đội xâm lược Pháp hồi kháng chiến chín năm, mà ta không thể chủ quan, xem thường khi điều hành chỉ đạo chiến lược chiến dịch, chỉ huy chiến đấu. Tuy cung cách, thủ đoạn tiến hành xâm lược có khác nhau nhưng cả Mỹ lẫn Pháp đều theo đuổi cuộc chiến phi nghĩa, buộc chúng phải tạo ra ưu thế quân sự áp đảo ban đầu để ồ ạt mở các cuộc hành quân xâm lược theo phương châm đánh mạnh, thắng nhanh; buộc chúng phải rải quân, đóng đồn bót, xây dựng căn cứ quân sự, hệ thống chi khu, yếu khu, các vành đai trắng, hệ thống các khu dinh điền, ấp chiến lược, thực hiện chiến lược phòng thủ diện địa, chiếm đất giành dân v.v. Vì vậy tìm cách đánh Mỹ phải từ cách đánh Pháp, vì cả hai cùng có chung một thủ đoạn tiến hành xâm lược, tuy hình thức và thủ đoạn tiến hành có khác nhau. Trong suốt chặng đường đánh Mỹ ở Đông Nam Bộ, qua các chiến dịch: Bình Giã, Phước Long, Đồng Xoài (lần thứ nhất), Bầu Bàng, Dầu Tiếng đến các chiến dịch Nguyễn Huệ, đường Bảy Ngang - Rạch Bắp, Đường 14 - Phước Long và ngay cả trận Xuân Lộc trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta đều áp dụng các hình thức chiến thuật cơ bản như: đánh điểm diệt viện (hoặc vây điểm diệt viện), tập kích, phục kích, vận động phục kích đánh giao thông v.v. (chỉ khác ở cách vận dụng) mang lại hiệu quả, làm phá sản nhiều chiến lược chiến tranh, nhiều cuộc phản công chiến lược "tìm diệt", đánh bại hoàn toàn chiến lược phòng ngự diện địa của Mỹ với các thủ đoạn chiến thuật cực kỳ tàn bạo và nham hiểm dựa trên cơ sở trang bị hiện đại như "thiết xa vận", "trực thăng vận" v.v. Tiến công! Đó là tư tưởng chỉ đạo chiến lược xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng trong nghệ thuật chiến dịch, chỉ huy chiến đấu chúng ta đã thực hiện cả cách đánh phòng ngự, vì đó là hai cách đánh địch cơ bản, hỗ trợ cho nhau, đáp ứng các yêu cầu cụ thể của chỉ đạo chiến lược. Cách đánh phòng ngự ở chiến trường Đông Nam Bộ không ngừng phát triển, nó gần với tiến công mang một cái tên mới - chốt chặn kết hợp với vận động tiến công tỏ ra có hiệu quả, làm thất bại âm mưu địch trong những thời điểm quan trọng do chỉ đạo chiến lược yêu cầu như đã kể trên cùng bạn đọc. Đông Nam Bộ - mảnh đất gian lao mà anh dũng đã góp phần xứng đáng vào việc hoàn thiện đường lối quân sự và nghệ thuật quân sự mang đậm nét độc đáo Việt Nam. Đông Nam Bộ đã đùm bọc, ưu ái tạo thời cơ cho tôi được tham gia chiến đấu và trưởng thành. Trong Chặng đường mười nghìn ngày, có ba nghìn sáu trăm năm mươi ngày sống và chiến đấu ở Đông Nam Bộ đã để lại trong tôi tình cảm nhớ mãi, biết ơn. Nơi ấy chính là quê hương thứ hai của tôi. Khi suy nghĩ kể lại những trang cuối cùng của Chặng đường mười nghìn ngày này, bỗng tôi bồi hồi nhớ Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Ninh Mít, Đông Khê, Nghĩa Lộ, Bản Hoa, Nà Sản, Điện Biên Phủ, Phước Long, Đồng Xoài, Bù Đăng, Bầu Bàng - Dầu Tiếng, Nhà Đỏ - Bông Trang, Cần Đâm, Cần Lê, An Lộc, Tàu Ô Xuân Lộc. Nhớ các anh chị Lê Thám, Văn Xì, Nguyễn Phúc, Vũ Văn Lịch, Khuất Duy Kính, Hoàng Mười, Tạ Đình Hiển, Thăng Bình, Chu Phương Đới, Trần Quân lập, Trần Cừ, Trần Can, Văn Phác, Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Nguyễn Bàng, Sáu Khâm, Nguyễn Thế Bôn, Lê Xuân Lựu, Năm Phòng, Ba Hồng, Ba Vũ, Hoàng Thế Thiện, Lê Văn Tưởng, Chín Mây, Lê Nam Phong, Út Liêm, Ba Đình (Su), Sáu Thượng, Năm Sài Gòn, Ba Cúc, Tư Thanh, Ba Trân, Năm Đàn, Sáu Tăng, Sáu Hưng, Trần Kính, Tư Nguyện, Sáu Phát, Hai Phong, Bảy kính, Bảy Tuyết, Hai Tuyến, Út Minh, Ba Ngoan, Đoàn Đức Thái, Sáu Chèo, Hai Lẹ, Kim Dung.; nhớ các chiến sĩ Nguyễn Văn Minh cắm cờ "Quyết chiến quyết thắng" lên nóc hầm tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ, chiến sĩ Nguyễn Văn Hoan cắm cờ "Quyết chiến quyết thắng" lên nóc nhà tỉnh trường Phước Long. Bởi những địa danh ấy, những đồng chí, đồng đội ấy đã gắn bó máu thịt trong những ngày gian khổ ác liệt và cũng đầy hứng khởi hào hùng; đã sười ấm tình cảm tôi, nâng bước tôi đi để cùng các anh các chị hoàn thành nhiệm vụ, góp phần mình vào sự chuyển động của lịch sứ dân tộc trong sự nghiệp giữ nước vĩ đại, để có được ngày tươi sáng hôm nay. Chú thích: (1) Tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị bốn lần họp bàn, thảo luận, ra các quyết định về chủ trương, chỉ đạo tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam. - Cuộc họp ngày 11-3-1975. - Cuộc họp ngày 18-3 1975. - Cuộc họp ngày 25-3-1975. - Cuộc họp ngày 31-3-1975. (2) Phục vụ cho trận đánh cuối cùng, hậu phương miền Bắc đã huy động 17.674 ô tô các loại, 32 tàu biển, 130 toa xe lửa và hàng trăm lần chiếc máy bay vận tải đưa người và vũ khí vào Nam Bộ: 115.000 quân, 90.000 tấn hàng (có 37.000 tấn vũ khĩ, 90.000 tấn xăng dầu). Riêng 11 ngày chuẩn bị nước rút (từ 15 đến 26 tháng 4) đã chuyển 24.000 tấn vũ khí 25.000 tấn lương thực, thực phẩm, 1.000 tấn thuốc, 1.000 tấn xăng dầu. Hậu cần B2 trong những ngày cuối cùng đã huy động 4.000 xe ô tô vận tải các loại, 656 thuyền máy, ca nô, 1.736 xe đạp thồ, thành lập 15 bệnh viện dã chiến, 1 7 đội điều trị (tổng số 10.000 giường) để phục vụ chiến đấu. (3) Xa lộ Biên Hoà do Mỹ mở vào các năm 1955- 1959, phí tổn lên tới 300 triệu đô la Mỹ. Đường mở vì mục đích quân sự, mặt đường rộng láng nhựa nhăn, nền đường rắn, kiêm cả đường băng cho một số máy bay hạ cánh, cất cánh. (4) Khu vực phòng ngự chính của địch: - Dọc theo quốc lộ số 1 từ Bầu Cá - Trảng Bom đến Long Lạc Hố Nai do lực lượng còn lại của sư đoàn 18, trung đoàn 5 và một bộ phận lữ đoàn 3 thiết giáp phởng ngự. - Đông nam Biên Hoà do một bộ phận lữ đoàn 468 thuỷ quân lục chiến, trường thiết giáp và lực lượng bảo an Long Thành đảm nhiệm. Khu Long Bình, tiểu khu Biên Hoà, căn cứ sư đoàn 3 không quân Biên Hoà do lữ đoàn 3 thuỷ quân lục chiến, lữ đoàn dù 2 vả bảo an, lực lượng bảo vệ các hậu cứ, khu kho Long Bình đảm nhận. (5) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 287. (6) Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng làm nhiệm vụ Tổng Tham mưu trưởng quân đội nguỵ Sài Gòn lúc này là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, cơ sở của ban Binh vận Trung ương Cục đưa vào hoạt động theo sự chỉ đạo của ta từ ngày 28-4-1975. (7) Sau đó mới biết, đây là trận địa chống tăng thuộc loại rắn chắc của địch. Ngoài bốn tuyến hào chống tăng, ở đây còn có 60 tăng từ các nơi dồn về để chặn bộ binh và xe tăng ta, bảo vệ Biên Hoà. Bọn địch ở đây không nhận được lệnh của cấp trên trưa 29 tháng 4 rút về bờ tây sông Đồng Nai để phòng thủ Thủ Đức. (8) Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. (9) Tuyên bố của Chủ tich Hồ Chí Minh với báo chí ngày 12-7-1946, tại Paris. (10) Quân Mỹ xâm lược miền Nam lúc cao nhất là 543.500 quân với chin sư đoàn tinh nhuệ: sư đoàn bộ binh số 1 Anh cả đỏ, sư đoàn bộ binh số 4, sư đoàn bộ binh số 9, sư đoàn bộ binh số 25 "tia chớp nhiệt đới", sư đoàn A-mê-ri-cơn mang tên "Lực lượng xung kích", sư đoàn lính thuỷ đánh bộ số 1, sư đoàn lính thuỷ đánh bộ số 3, sư đoàn nhảy dù 101, sư đoàn "kỵ binh bay" số 1 được trang bị 465 máy bay lên thẳng làm phương tiện chuyển quân và lữ đoàn thiết giáp số 11HẾT Hoàng Cầm