Dịch giả: PHẠM TÚ CHÂU,THÀNH TRINH BẢO, NGUYỄN THỊ BĂNG THANH
CHƯƠNG XXIII
HOAN NGHÊNH BẠN LÀM CÔ DÂU TRUNG QUỐC

Học kỳ thứ hai năm lớp Mười, giờ học nói tiếng Anh do người nước ngoài lên lớp. Học kỳ này người được mời là cô Elizabeth, người nước ngoài. Cô Elizabeth rất chan hòa với học sinh, ai cũng thích cô. Cô trẻ đẹp, hoạt bát, hóm hỉnh, nhiều bạn gái trong lớp đều ngầm bắt chước cử chỉ của cô. Cô còn biết nói mấy câu tiếng địa phương của Bắc Kinh, còn tiếng phổ thông của cô đúng tiêu chuẩn hơn cả khối người Quảng Đông. Cô uốn nắn được cả tiếng phổ thông cho học sinh Quảng Đông:
_ Hình dung về người dùng “béo”, hình dung về động vật mới dùng “mỡ”. Người Quảng Đông gọi người béo là “mỡ”, nghiêm khắc mà nói là dùng từ không xác đáng!
Cô nói mới đắc ý làm sao! Cô còn bảo cô thích tiểu thuyết của Lỗ Tấn, còn tạp văn của Lỗ Tấn thì cô lại không thấy hay.
Cách dạy của cô khác hẳn nhiều thầy cô khác. Giờ học của cô rất nhẹ nhàng, rất sôi động song đến lúc kiểm tra thì rất nhiều bạn lại không đủ điểm trung bình, nguyên nhân là vì “cô giáo người nước ngoài” không lĩnh hội được kỹ đại cương giảng dạy của Trung Quốc. Nghe nói giáo viên các nước Âu Mỹ có quyền quyết định dùng tài liệu giảng dạy nào và phương thức dạy học như thế nào. Cô Elizabeth cho rằng mấu chốt là cố gắng cho học sinh học được nhiều.
Một lần giờ học là đối thoại. Các bạn hỏi cô một lô câu hỏi:
_ Tại sao cô học đại học Trung văn?
_ Học sinh trung học các nước phương Tây sống như thế nào?
_ Cơm Tây ngon hay cơm Trung Quốc ngon ạ?
Cô Elizabeth nghiêm túc trả lời từng câu hỏi một, không hàm hồ chút nào, hơn nữa thường là một loạt câu trả lời rất hay.
Dư Phát hỏi cô Elizabeth:
_ Cô đúng ra là người nước nào?
Dư Phát hỏi như thế vì có bạn bảo cô là người Anh, có bạn lại bảo cô là người Mỹ. Sau đó thì chẳng ai biết cô rốt cuộc là người nước nào.
_ Mẹ cô là người Đức, đồng thời bà lại mang huyết thống Do Thái. Cha cô là người Airolen. Cô học ở Mỹ, sau khi tốt nghiệp đại học, cô sang Đài Loan học Trung Văn rồi lại học trường đại học Bắc Kinh.
_ Thảo nào, tiếng Trung của cô mới chuẩn đến thế.
_ Đâu có, nói không được chuẩn lắm đâu! “Nam xoang Bắc điệu” ấy mà!
_ A, cô biết dùng cả “Nam xoang Bắc điệu” cơ đấy! - Liễu Thanh nói.
_ Cô còn biết “tán gẫu” nữa kia! – Elizabeth tỏ ra “kiêu ngạo”.
Dư Phát vẫn hỏi đến cùng:
_ Thế vậy cô là người nước nào?
Elizabeth cố làm ra vẻ trầm tư, nhíu mày, lát sau mới cười:
_ Cô là người thế giới!
_ Người thế giới?
_ Cô mang huyết thống của nhiều dân tộc đến thế, nếu cô lại lấy người Trung Quốc thì chẳng phải cô là người thế giới là gì?
Người thế giới là câu nói phổ biến đời nay. Cô Elizabeth giỏi thật! Người thế giới giỏi thật!
Hân Nhiên rất khâm phục sự từng trải của Elizabeth. Cô còn rất trẻ mà hầu như đi khắp thế giới.
_ Trong con mắt cô, trái đất nhỏ thật, còn với chúng em thì nó lại quá lớn!
_ Thế cho nên bây giờ mới có nhiều lưu học sinh Trung Quốc sang học ở các nước phát triển, thành tài rồi thì trở về tổ quốc để đền đáp. Sau này sẽ tới ngày Trung Quốc phát triển, lúc đó người nước ngoài có lẽ sẽ đều tới Trung Quốc du học như người Trung Quốc du học ở nước ngoài hiện nay. Tới lúc đó, nhờ các em quan tâm chiếu cố đấy nhé! – Cô Elizabeth cúi gập người xuống như kiểu người Nhật Bản. Cô tốt thật!
Cô Elizabeth là người theo đạo Cơ Đốc. Như tất cả tín đồ khác, cô rất thành kính, rất cởi mở. Điều đó gợi trí tò mò của nhiều bạn.
Đối với Dư Phát, đó là một câu đố: “Con người do vượn biến thành, đó là điều thường thức, ai cũng biết. Làm sao con người lại có thể do Chúa trời sinh ra được?”
_ Em do vượn biến ra phải không nào? – Elizabeth mỉm cười hỏi.
Cả lớp cười vỡ ra, Dư Phát đỏ mặt lên:
_ Em…, đương nhiên em không phải do vượn biến thành!
_ Thế gà và trứng, cái nào có trước? – Cô Elizabeth hỏi.
_ Không biết ạ! – Các bạn đã từng tranh cãi rất lâu về vấn đề này song không đi tới đâu. Hoặc có thể nói, càng tranh cãi đáp án càng xa lắc.
_ Đối với chúng tôi, vấn đề này rất đơn giản: do thần sáng tạo ra cả.
Đúng là mỗi người có nhân sinh quan riêng. Cô giáo cười, các bạn cũng cười!
Không có chuyện gì mà cô Elizabeth không nói cho học trò biết. Cô kể cô có “mối tình búp bê” Puppy Love. Hồi đó cô lên năm, cô chơi rất thân với một bạn trai hàng xóm lên bảy. Sau nhà hàng xóm phải chuyển đi nơi khác. Mẹ cô giúp cô ngay tối hôm ấy làm một cái bánh ga tô hình trái tim đưa sang tặng cậu bạn hàng xóm. Cậu bạn cũng tặng cô một bó hoa. Sáng hôm sau họ chuyển đi, cô khóc rất thương tâm. Cha mẹ bèn cho cô lên xe, đi mấy giờ mới tới sân bay để đôi “người yêu tí hon” gặp mặt nhau lần cuối. Bây giờ nhớ lại, cô vẫn còn cảm động, không chỉ cảm động với Puppy Love hồi ấy mà còn cảm động vì tình cảm cha mẹ đối với cô.
Các bạn bàn tán ầm lên:
_ Các bậc cha mẹ Trung Quốc không bao giờ chịu làm như thế!
Tiêu Dao cười nói:
_ Sự khác biệt giữa văn hóa Đông Tây dám chắc biểu hiện ở điểm ấy đấy!
Vương Tiếu Thiên tuy hơi ngượng nhưng hỏi rất to:
_ Miss Elizabeth, Do you have a boyfriend?
Lập tức, cả lớp lại cười vỡ ra, cười đến nỗi Tiếu Thiên cũng đỏ mặt.
Miss Elizabeth mỉm cười thừa nhận. Các bạn lại tò mò hỏi:
_ Người bạn trai ấy là ai ạ?
Cô Elizabeth không giận mà còn kể chuyện về người ấy: Bạn trai của cô là người Trung Quốc, hai người quen nhau hồi học ở Đại học Bắc Kinh rồi từ quen nhau mà yêu nhau. Họ đang chuẩn bị làm lễ cưới.
Câu chuyện yêu đương giữa đôi tình nhân khác quốc tịch này nghe ra rất bình thường song các bạn đều biết thực ra những cuộc hôn nhân với người nước ngoài này rất khác thường.
_ Sau khi kết hôn, cô và thầy đều về Đức cả sao?
_ Không, chúng tôi ở lại Trung Quốc.
_ Hoan nghênh cô là nàng dâu Trung Quốc ạ!
Ngày nay khi Trung Quốc đang bùng nổ hôn nhân với người nước ngoài và cơn sốt đi nước ngoài, một cô gái châu Âu lại tình nguyện kết duyên với một chàng trai Trung Quốc và ở lại trên đất Trung Quốc, điều đó khiến các bạn rất cảm động. Đặc biệt là Liễu Thanh, bạn đang nghĩ đến Liễu Mi và anh chàng râu quai nón, nghĩ đến lớp người xin vào diện được ra nước ngoài…
_ Chẳng cần lớn tiếng khen ngợi việc ra nước ngoài, lấy người nước ngoài mà cũng chẳng cần vì việc đó mà lo lắng! - Liễu Thanh nghĩ.
Trong phòng ngữ âm, cô Elizabeth không như các thầy cô giáo khác bắt học sinh nghe đi nghe lại đến phát ớn một đoạn băng luyện tai nghe mà cô cho nghe một đoạn băng âm nhạc.
_ Các em nghe thật chăm chú vào rồi cho biết cảm tưởng của các em.
Cô Elizabeth thường xuyên gọi học sinh liên tục phát biểu để khắc phục những trở ngại về giao tiếp do ngượng ngùng, e lệ. Cô luôn động viên học trò biểu đạt bằng lời vì theo cô biểu đạt được bằng lời là công phu cơ bản mà cũng là một môn nghệ thuật.
Đấy là phương pháp giảng dạy độc đáo của cô giáo dạy ngoại ngữ là người nước ngoài. Xem ra rất nhẹ nhàng song vô hình trung cô đang bồi dưỡng năng lực về nhiều mặt như thưởng thức, trí nhớ, dùng từ, đặt câu, diễn giảng… Lưu học sinh Trung Quốc quen với lối “Follow me, again” của các thầy, thường có lúc rất khó thích ứng với phương thức giảng dạy này của các nước phương Tây. Nhưng điệu nhạc du dương, uyển chuyển, mượt mà dễ nghe ấy đã rất nhanh chóng thu hút những học sinh trung học.
_ Có hiểu không?
_ Hiểu được ạ.
_ Vậy tiếp sau đây tôi mời các em lên nói trên bục giảng, nói những gì các em vừa nghe cùng những cảm thụ của các em. Cần phát âm chuẩn xác chứ không cần nói nhanh. Ai là người đầu tiên đây?
Các bạn nam kêu ầm lên:
_ Lady first, Lady first!
Các nữ sinh nhạo lại:
_ Đúng là những Gentlemen của Trung Quốc!
Các bạn nam bị nói khích, hăng lên. Tiêu Dao nổ phát đầu tiên:
_ Em nghe trong bài hát có tiếng vỗ tay, tiếng vỗ tay như sấm. Hồi học tiểu học, em lên sân khấu biểu diễn song ca. Em không hiểu tại sao mình lại được chọn. Khi tập, em hát rất hăng, rất say sưa. Thầy giáo dạy nhạc của em ngồi dưới sân khấu, vỗ tay rất to: “Bạn ấy hát có hay không?”. Các bạn của em đáp: “Hay ạ!”. “Có muốn hát lại không?”. “Có ạ!”. Thế là em hát thêm lần nữa, hát hăng hơn, say sưa hơn. Hát xong, thầy giáo lại vỗ tay: “Bạn ấy hát có hay không?”. “Hay ạ!”. “Có muốn hát thêm lần nữa không?”. “Có ạ!”. Cứ như thế, em hát đến sáu lần. Hát xong lần thứ sáu, em mệt đứt hơi. Thầy giáo lại vỗ tay: “Bạn hát có hay không?”. Em vội vàng đáp: “Không hay!”. Thầy giáo lại hỏi: “Hát thêm lần nữa nhé!”. Em đáp thật to: “Không ạ!”. Thầy giáo bèn nói: “Thế là em hiểu ra rồi!”. Lúc ấy em rất ngượng, thì ra thầy giáo bắt em hát thật chuẩn rồi mới cho em nghỉ. Chuyện đến đây vẫn chưa hết. Hôm biểu diễn chính thức, em hát mãi hát mãi, bỗng nổ ra một tràng vỗ tay nhiệt liệt. Em nghĩ hẳn không phải họ vỗ tay vì có dụng ý khác như thầy giáo dạy nhạc của em, vả chăng em hát cũng khá đấy chứ? Để cảm tạ thính giả em hát thật hăng say, còn cô bạn hát song ca với em thì không hát nữa, cứ nhìn em chằm chằm, dường như cô bối rối lắm. Tiếng vỗ tay vẫn cứ ran lên, bấy giờ thầy giáo mới tới bảo: “Tiêu Dao, đừng hát nữa, micro của em mất tiếng rồi!”. Bây giờ em mới hiểu ra. Không biết micro hỏng từ lúc nào. Cho nên em muốn nói, có lúc vỗ tay cũng không phải điều hay!
Các bạn nghe kể vui hẳn lên, cô giáo người nước ngoài cười rũ ra, vừa cười vừa kêu lên:
_ Ôi cậu bé đáng yêu, cậu bé đáng yêu quá!
Dư Phát vừa bước lên bục giảng đã gãi gáy:
_ Em nghe tiếng lá reo trong gió, nhà em ở bên bờ biển… nói thế nào nhỉ?
Em không biết diễn tả bằng tiếng Anh.
_ Try your best – Cô giáo động viên.
_ OK. Thôn em có một bãi… vải là gì nhỉ? … Có một vườn trồng vải. Hồi nhỏ chúng em thường hái trộm vải. Một lần, người canh vườn bắt được, ông không đánh chúng em mà phạt mỗi đứa chúng em phải ăn hết mười cân vải. Lúc đầu em mừng rơn, nhưng sau đó thì chịu. Mười cân, quá nhiều! Ăn đến phát sợ khủng khiếp. Ăn đến quả cuối cùng thì em chỉ chực nôn. Từ đó về sau, không khi nào em muốn ăn vải nữa. Ăn vải là chuyện ghê sợ đối với em.
Dư Phát vừa nói xong, các bạn đến từ nội địa hầu như đồng thanh lên tiếng:
_ Dư Phát, để chúng mình giúp đỡ cậu nhé!
Dư Phát ngẩn người không hiểu.
_ Bọn mình thích ăn vải lắm.
_ Cậu không ăn thì lần sau cứ đem đến nhà tớ, càng nhiều càng tốt.
Đến lượt các bạn gái lên nói, Lưu Hạ kể một “love story”. Không biết vì phải chọn từ hay là không tiện nói ra mà mắt cứ ngước lên trần.
_ Theo tôi, Lưu Hạ mà làm bộ trưởng bộ y tế thì thích hợp nhất. Ngay lúc này đây mà mắt bạn ấy vẫn ngước lên trần kiểm tra xem trên đó có mạng nhện hay không đấy!
Cô Elizabeth nói thế khiến cả lớp cười ha hả. Lưu Hạ vội vàng điều chỉnh ánh mắt, nhìn xuống mọi người, song cả lớp vẫn cười, cười rất thoải mái. Cô giáo ra dấu tay bảo ngừng, bấy giờ mọi người mới chịu thôi.
Lưu Hạ liền kể với bộ điệu sinh động “câu chuyện tình lãng mạn quanh co”. Có bạn cười “hắc hắc” hỏi:
_ Nhân vật nam là ai đấy?
_ Lại còn phải hỏi à? - Một bạn khác chọc.
Thế là lại được một mẻ cười vỡ lớp. Sau khi các bạn kể xong, thì đợi cô giáo cho điểm. Cô Elizabeth nói:
_ Trong tất cả các môn nghệ thuật, âm nhạc đối xử với người trung hậu nhất. Bất kể màu da gì, bất kể trình độ văn hóa đến đâu, bất kể tuổi tác bao nhiêu, đều có thể nói mình đã nghe hiểu. Chỉ cần lắng tai nghe, để tâm cảm nhận là nghe hiểu thôi mà!
Nhật ký của Hiểu Húc
Ngày… tháng…
Mấy hôm nay, mọi người toàn nói đến chuyện chia Văn và Vật lý ra thành hai lớp. Dường như ai học giỏi thì thi vào khoa Lý. Ai kém thông minh, chỉ giỏi học thuộc lòng thì thi vào khoa Văn. Tiêu Dao, Trần Minh đều vào khoa Lý, còn loại người như mình thì thi vào khoa Văn.
Mình thi vào khoa Văn là lẽ đương nhiên, cho nên không lúng túng như các bạn khác. Thoát được môn Lý, Hóa đáng ghét, thấy nhẹ hẳn trong lòng. Mình sợ học lắm rồi. Dù mình không muốn thừa nhận nhưng lại không thể không thừa nhận: mình có vấn đề về mặt sức lý giải môn Lý, còn ghi nhớ và học thuộc lòng thì được. Mình là đứa quen học gạo, học lấy được. Nửa học kỳ sau sẽ học Văn, chuyên tâm học Văn thì mình có thể tin tưởng vào việc thi đại học.
Liễu Thanh sắp thôi học rồi. Mẹ bạn ấy muốn con nghỉ học để ở nhà chuyên học Anh văn, chuẩn bị ra nước ngoài. Liễu Thanh sắp thôi học thật sao?
Hân Nhiên có lẽ phải trở về Thượng Hải. Bạn không có hộ khẩu ở Thâm Quyến, nếu bạn có hộ khẩu ở đây thì hay quá, bạn hẳn sung sướng lắm. Bạn có nhập được hộ khẩu không?
Lại còn Lưu Hạ nữa, nghe nói bạn cũng gặp phiền phức về việc chọn thi Văn hay thi Lý. Ai mà biết được?
Tiêu Dao và Trần Minh đang ganh đua nhau để được chọn là học sinh ưu tú đặc biệt. Không biết ai sẽ được chọn đây?
Ôi, ai cũng có con đường của người ấy. Nghĩ đến lớp mình sắp phải phân tán, mình rất buồn. Mình rất yêu lớp mình, lớp có biết bao bạn học, có thầy giáo rất tốt.
Bối Bối kéo đàn đã tiến bộ hơn chút ít rồi. Mẹ em hôm nay hớn hở đưa em đến ăn ở cửa hàng Mắc Đônan. Nhìn Bối Bối mới vui làm sao!
TƯƠNG LAI CỦA MÌNH KHÔNG PHẢI GIẤC MƠ
Qủa thật Hân Nhiên sắp phải về Thượng Hải rồi. Mấy hôm nay gia đình bạn đều chỉ bàn về chuyện ấy, cha mẹ bạn đều muốn bạn thi đại học. Chuyện của Đường Diễm Diễm là một đòn giáng mạnh vào Hân Nhiên song không làm bạn thay đổi ý định ban đầu, chẳng khác nào một người mải miết tiến tới mục tiêu, tuy gặp con sông chắn ngang đường, bạn có thể nảy ý nghĩ phải dừng lại nhưng không hề nghĩ tới quay về.
Hân Nhiên khát khao được trở thành sinh viên đại học, ngay từ nhỏ đã muốn như vậy. Bạn khao khát một ngày kia mình được đeo huy hiệu của một trường đại học nổi tiếng để cha mẹ được thơm lây và cũng để thỏa mãn ý nguyện của mình. Mặc dù nữ sinh đại học gặp rất nhiều khó khăn về việc phân phối công tác sau khi tốt nghiệp, mặc dù hiện thực ở Trung Quốc là lao động chân tay được coi trọng hơn lao động trí óc, mặc dù Hân Nhiên biết trở về Thượng Hải học đại học thì không thể chuyển hộ khẩu tới Thâm Quyến, bạn vẫn cứ thi đại học; dù người ta có nhìn nhận sinh viên đại học như thế nào, Hân Nhiên vẫn khát khao được vào đại học. Bốn năm học đại học sẽ làm đầy đặn toàn diện một con người. Hân Nhiên khao khát sự đầy đặn đó, bạn phải vào được đại học.
_ Hân Nhiên, con đã quyết định thì phải kiên quyết mới được, không nên như Đường Diễm Diễm, giữa đường mà còn do dự. Nếu con đi học mà lại có tâm trạng như thế thì chắc chắn là không chuyên tâm được. Chỉ một ý nghĩ “mình nhất định phải học đại học” thì mới dốc sức hết mình được – Ba Hân Nhiên nói.
_ Ba mẹ chuẩn bị cho con một sợi dây, một cây dùi, khi về Thượng Hải, con treo tóc lên xà nhà, đâm dùi vào đùi để học khỏi buồn ngủ nhé!
_ Xem kìa, có bao giờ nghiêm chỉnh đâu! - Mẹ Hân Nhiên mắng yêu - Nghỉ hè thì về Thượng Hải, như thế có đủ thời gian cho con kịp thích ứng và cũng để chọn một trường tốt. Đừng như một số học sinh đến năm học lớp Mười hai mới vội vã trở về nội địa, ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và tình cảm. Về Thượng Hải học cũng tốt. Ở Thượng Hải, trình độ giảng dạy cao mà thầy cũng rất nghiêm.
_ Hân Nhiên, con còn nhớ tiếng Thượng Hải không? Trở về đừng để người ta cho con là người nơi khác đấy nhé!
Ở nhà, Hân Nhiên rất ít khi nói chuyện với cha mẹ bằng tiếng Thượng Hải. Bạn bèn nói mấy câu Thượng Hải chính cống khiến cha mẹ đều bật cười.
_ Về Thượng Hải thì con ở đâu? – Hân Nhiên nghĩ đến một vấn đề rất quan trọng.
_ Ở nhà cậu Hai. Mẹ đã nói với cậu mợ rồi, cậu mợ cũng đồng ý. Chị họ của con học đại học ở luôn trong trường. Hai bác một phòng, con và thằng em họ một phòng…
_ Mẹ ơi, mẹ định cho con ở chung với con trai à? – Hân Nhiên xịu mặt – Không được, con không chịu đâu.
_ Nó mới mười hai tuổi, ngố lắm, chẳng hiểu biết gì đâu.
_ Cũng không được. Em trai của Lâm Hiểu Húc cũng mới mười hai tuổi, song hai chị em mỗi người một phòng.
_ Xem chừng con ở lại Thâm Quyến ba năm thoải mái quen rồi. Cũng chỉ Thâm Quyến nhà ở mới rộng rãi. Con về nội địa mà xem, khối người tam đại chung phòng đấy. Con cũng chẳng phải chưa ở Thượng Hải bao giờ, nhà ở của Thượng Hải căng thẳng lắm. Cậu Hai nhận cho con ở, cho con một cái giường đã là tốt lắm rồi.
_ Dù sao con cũng không ở chung với thằng em họ, trông kỳ lắm!
_ Ở Thâm Quyến con chẳng học được cái gì hay, chỉ thấy cái dở là nhiều. Đấy là biện pháp khi không có biện pháp nào hơn. Cũng chỉ cậu Hai có nhà, các cậu các dì khác càng khó khăn hơn về nhà ở. Con đừng oán trách nữa, về Thượng Hải đừng có mà để lộ cái mặt ấy nhé, mợ Hai trông thấy hẳn không vui đâu. Chị họ con trước kia đều ở chung phòng với thằng em đấy.
_ Mẹ, tính của mợ Hai có phải mẹ không biết đâu. Con ở nhà mợ một vài ngày còn được, chứ ở lâu hẳn mợ ấy sẽ chảy dài mặt ra, con không thể sống chiều theo vẻ mặt của mợ ấy được.
_ Có cách nào hơn đâu. Con ngủ ngoài đường thế nào được? Nhiều nhất thì ba mẹ năng gửi tiền về cho con mà thôi.
Hân Nhiên sầm mặt xuống, không nói gì. Bạn gọi điện thoại cho Đường Diễm Diễm. Lâu rồi Hân Nhiên không gặp Diễm Diễm, không hiểu tình hình gần đây của bạn ấy ra sao. Đường dây điện thoại được nối song tiếc là Diễm Diễm không có nhà. Bà ngoại Diễm Diễm nói:
_ Diễm Diễm đi làm rồi. Đợi nó về, bà bảo nó gọi cho cháu.
Khi Đường Diễm Diễm xuất hiện trước mặt Hân Nhiên, mắt bạn sáng hẳn lên, tí nữa thì không nhận ra. Cả người Diễm Diễm ăn vận theo lối người đi làm, chín chắn hơn nhiều và cũng xinh đẹp hẳn ra.
_ Ôi, xinh quá! – Hân Nhiên nói.
_ Thế ra trước đây mình xấu lắm à? - Diễm Diễm cười, hỏi.
_ Xinh hơn thôi. Bây giờ bạn làm ở đâu?
_ Ở nhà hàng Nam Hải.
_ Làm ở miệng rắng à? Có dễ chịu không?
_ Tàm tạm. Bất chợt nghĩ đến chỉ còn hai tháng nữa là thi đại học, ruột cứ rối lên. Không biết ván bạc này sẽ đi tới đâu - Diễm Diễm nói.
Cuộc đời học sinh phổ thông trung học nhằm mục đích là thi đại học đã kết thúc, có đi học cũng chẳng ra sao, bèn đi làm, nhưng đi làm rồi thì Diễm Diễm lại cảm thấy trống vắng.
_ À đúng rồi, nói cho cậu biết nhé. Mình mua được hộ khẩu Quảng Đông rồi,mất bảy ngàn, hộ khẩu ở Đông Hoàn. Có hộ khẩu Quảng Đông là dễ được nhận vào làm việc. Không có thẻ xanh ở Thâm Quyến thì đừng hòng tìm được việc làm. Lần nào mình đi tìm việc cũng vấp, đều bị người ta xoay xở một hồi, hầu như tất cả những nơi tìm người làm đều một giuộc cả.
Hân Nhiên im lặng một lát rồi nghiêm trang nói:
_ Diễm Diễm, hôm nay mình muốn báo cho bạn một việc: mình phải về Thượng Hải học.
_ Quyết định rồi à?
_ Quyết định rồi.
Diễm Diễm gật gù như có gì đó phải suy nghĩ.
_ Theo mình, huy hiệu trường đại học có sức hấp dẫn hơn thẻ xanh ở Thâm Quyến đấy.
_ Chúc cậu thi đỗ đại học - Diễm Diễm nói.
Hân Nhiên cười:
_ Thế còn bạn? Sau này…
_ Đi bước nào biết bước ấy đã.
_ Thế còn các bạn khác?
_ Đều đang xoay quanh cái gậy chỉ huy là thi đại học.
Lúc này Đường Diễm Diễm chợt nhìn đồng hồ:
_ Gay rồi, mình phải đi làm đây!
Trước khi ra cửa, Diễm Diễm giơ tay xoa đầu Hân Nhiên, môi mím mím, ra vẻ người lớn:
_ Cố lên nhé!
_ Cố cái gì?
_ Cố lên trong cuộc sống ấy. Mình tin bạn sống xuất sắc hơn mình.
Câu nói ấy làm Hân Nhiên cảm động song cũng có chút thê lương khiến bạn thấy mủi lòng. Hân Nhiên cố ý hát với vẻ thoải mái:
_ Tương lai của mình không phải giấc mơ!
Diễm Diễm cũng hát:
_ Tương lai của mình không phải giấc mơ!
THỰC LÒNG KHÔNG NỠ THÔI HỌC
Lại đến thứ bảy. Ngày thứ sáu, các bạn ở kí túc xá đã thu dọn sẵn đồ đạc để đến chiều thứ bảy là túi to túi nhỏ về nhà.
Liễu Thanh xách một chiếc túi lớn đi về nhà, trong túi đều là quần áo bẩn với mấy đôi tất hôi. Liễu Thanh không giặt quần áo ở trường vì vòi nước máy trong nhà ở ít mà người lại đông, xếp hàng thì không xếp được, mà cũng chẳng có ai xếp chỗ hộ cho. Thế là Liễu Thanh xách luôn về nhà để giặt, thứ hai lại xách về trường.
Khó khăn lắm mới chen lên được xe chạy đường số Mười. Đây là tuyến xe đầu tiên ở Thâm Quyến không cần người bán vé. Không có người bán vé trên xe buýt là học hỏi từ Hồng Kông. Liễu Thanh lên xe, bỏ tiền vào thùng đựng tiền. Xe chật chội, Liễu Thanh phải ôm chặt lấy cái túi to như ôm một túi tiền lớn.
Trên xe không ít người đang nói chuyện về cổ phiếu. Một tuần nay giá cổ phiếu hạ từng ngày một, người mua vào với giá cao cuống cả lên như kiến bò chảo nóng. Dư Phát cũng là một trong số đó. Khi cổ phiếu tăng vọt, ai cũng nghĩ tới quy luật “vật cực tất phản” (tới cùng cực ắt sẽ quay ngược) dự đoán cổ phiếu rồi sẽ hạ, song vẫn le lói tia hy vọng là cổ phiếu hãy còn cao, có lẽ sẽ kiếm được món bẫm. Kết quả là xôi hỏng bỏng không. Tham lam không chán là tính chung của mọi người, Dư Phát cũng không thoát khỏi.
Cổ phiếu đột ngột sụt giá mạnh khiến Dư Phát chẳng còn lòng dạ nào đi học. Ngày xưa Quan Công thân tại nước Tào lòng gửi đất Hán, còn Dư Phát thân trong lớp học hồn ngoài thị trường cổ phiếu, trong lớp thỉnh thoảng lại nhìn máy BP. Thầy Giang biết chuyện liền gọi Dư Phát lên, phê bình cho một trận rồi trò chuyện rất lâu, khiến Dư Phát cũng bình tĩnh trở lại, đầu óc thoáng đãng hơn. Thôi thì cũng đành, bây giờ chẳng phải đúng như một câu nói rất hợp thời là “Chơi cho tim nhảy” hay sao?
Dư Phát còn đỡ hơn mẹ Liễu Thanh vì bạn ấy còn có thầy Giang gợi mở, còn mẹ Liễu Thanh, chẳng những không có ai san sẻ mà ba Liễu Thanh còn ra sức trách móc là tham lam. Một tờ lãi năm tệ mà còn không chịu tung ra bán. Thực ra lúc ấy không tung ra, một phần trách nhiệm không nhỏ là do ba, ba cứ bảo cổ phiếu mua cao bán hạ, đang lúc lên nhanh thế này, hãy đợi xem sao.
Liễu Thanh xuống xe, xách cái túi to tướng, lệch cả vai mới xách được tới nhà. Trời bắt đầu tối, thỉnh thoảng có máy bay bay qua, Liễu Thanh ngơ ngẩn nhìn lên trời. Chán thật, về nhà cũng chán, lại phải nghe những câu mắng chửi tàn tệ của mẹ và nhìn bộ mặt dài thượt ra của ba. Huống hồ mấy ngày nay cổ phiếu đang sụt giá, thị trường đang ở mức độ trì trệ. Thái độ của mẹ đối với bạn nhất định cũng theo đó mà xấu đi. Người ta bảo cổ phiếu là phong vũ biểu của kinh tế chính trị, Liễu Thanh thì bảo cổ phiếu là phong vũ biểu đo thái độ của mẹ đối với bạn. Hiện giờ cổ phiếu đang sụt, sắc mặt của mẹ hẳn khó coi đấy.
Hồi Liễu Mi à Râu Quai Nón lấy nhau, Râu Quai Nón đưa năm ngàn tờ cổ phiếu “Phát triển” cho ba mẹ coi như sính lễ. Sau đó “Phát triển” tăng tới 40, mẹ tung ra bán, được lời hai mươi vạn. Ít lâu sau “Phát triển” tăng tới 80, mẹ tiếc rẻ là đã bán ra quá sớm, nếu không được tới bốn mươi vạn thì cuộc đời này chẳng còn phải lo gì nữa.
Mẹ quyết tâm vớt vát lại số tiền đã mất, dùng hai mươi vạn kia buôn cổ phiếu, thế là thành tay buôn cổ phiếu chuyên nghiệp. Bây giờ các bà nội trợ trở thành quân chủ lực của Sở giao dịch cổ phiếu. Sở chứng khoán là nơi hàng ngày mẹ phải có mặt để thu thập tin tình báo về cổ phiếu, “dựng kho”, “xuất kho” trở thành bài học hàng ngày của bà. Công việc này có lời, có lỗ. Khi nào vận đỏ, chỉ sau giấc ngủ đã có hàng ngàn hàng vạn, mẹ vui vẻ, tươi roi rói; khi lỗ vốn, mẹ nhìn cái gì cũng thấy gai mắt, gặp ai là mắng chửi người ấy.
Quả nhiên, Liễu Thanh vừa bước vào cửa là mẹ đã giội một câu:
_ Chết ở đâu mới mò về thế?
Liễu Thanh mím môi, không nói gì. Cổ phiếu “Bảo an”, nhà mua vào 25 tệ, bây giờ giá chỉ còn 15 tệ. Ngày nào mẹ cũng như người nuốt thuốc súng nên rất sẵn lửa. Liễu Thanh vào toa lét lâu một chút là bị mắng; ba húp canh hơi to tiếng một tí cũng bị mẹ la.
Liễu Thanh đang xem phim hài Giàu sang lại ập đến của Hồng Kông do Phì Phì đóng vai chính, mẹ bỗng kêu thất thanh:
_ Điều khiển đâu, điều khiển đâu!
Mẹ chộp lấy điều khiển chuyển kênh sang đài Thâm Quyến.
“Dự báo thời tiết” đã báo xong, lẽ ra đến “tình hình cổ phiếu”, nhưng mãi đến khi “Báo giá ngoại hối” xong vẫn không có “Tình hình cổ phiếu”. Chương trình tiếp theo lại là phim nhiều tập Khát vọng.
_ Dớ dẩn! - Mẹ tức điên lên với ti vi.
Sao hôm nay lại không có mục “Tình hình cổ phiếu” nhỉ? Ô, Liễu Thanh nhớ ra rồi. Hôm nay là thứ Bảy, thị trường cổ phiếu nghỉ kinh doanh, bạn liền nhắc:
_ Hôm nay là thứ Bảy ạ!
_ Ừ, phải rồi! - Mẹ cũng chợt nhớ ra – Tao bảo nhé, chỉ vì mày mà tao đâm lú lẫn!
Liễu Thanh thầm nghĩ: “Lại tại mình rồi!”
Ti vi đang chiếu lại phim Khát vọng. Người Quảng Đông nghe không hiểu tiếng Bắc Kinh cứ uốn cong lưỡi ở âm cuối cùng song lại rất thích theo dõi câu chuyện cảm động này.
Ba cứ một mực trách mẹ:
_ Bà cũng tham lắm kia! Mấy hôm trước lên đến 30 mà bà còn không chịu tung ra. Bây giờ thì hay rồi, còn có 15, trong chốc lát lỗ đứt hai vạn.
Mẹ ngồi thừ người trên xô pha, không còn hơi sức đâu cãi nhau với ba nữa:
_ Tôi cứ nghĩ sẽ tăng lên đến 40 kia. Lần sau, lên đến 30 là tôi nhất định tung ra ngay.
_ Bà thì lòng tham không đáy!
_ Thế tôi kiếm nhiều tiền để làm gì hả? Chẳng phải vì cái nhà này sao? Vì ông, vì Liễu Thanh sao?
Thường là thế, ba mẹ nói nhau một hồi là thế nào cũng chuyển đầu đề sang Liễu Thanh. Mặc dù bạn một tuần mới về nhà một lần, song vẫn không cách gì thoát khỏi cái “nạn” này. Cả nhà chỉ mình Liễu Thanh phải tiêu tiền, chỉ Liễu Thanh là ngồi không ăn bám. Hễ tức giận điều gì là ba mẹ đều trút cho Liễu Thanh, dường như đó là nghĩa vụ của bạn.
_ Liễu Thanh này, hãy nhìn mày đi! Chỉ biết tiêu tiền thôi. Nếu Liễu Diệp, Liễu Mi ở nhà thì đã chẳng như vậy.
Suốt ngày mẹ nói đi nói lại “học không giỏi không hề gì, riêng tiếng Anh phải học giỏi, nhà chồng phải là nhà có tiền, có thế lực”. Người trong nhà đều cho Liễu Thanh là loại tốn cơm gạo, đều bảo Liễu Thanh học trung học phổ thông là thừa, học trường trung cấp chuyên nghiệp sau này chức cao lại giàu thực tế. Bị cha mẹ mắng, không bao giờ Liễu Thanh cãi lại. Nếu cãi lại thì bị chửi mắng nhiều hơn nữa. Liễu Thanh cũng có cái “mộc” để chống đỡ những “mũi giáo” điếc tai, đó là nghĩ phắt sang việc khác, nghĩ tới những chuyện vui hoặc mơ mộng về những điều đẹp đẽ. Liễu Thanh có thể nghĩ ra vô vàn chuyện thú vị để quên hết hiện thực đi và để hoàn toàn buông mình vào trong giấc mộng đó.
_ Thế nào, mày đã quyết định được chưa?
_ Con, con không muốn ra nước ngoài sớm thế đâu, càng không muốn thôi học đâu. Ở tuổi con mà không đi học thì người ta sẽ cảm thấy có gì đó không ổn.
_ Tao có bảo mày ở nhà làm cô tiểu thư đâu mà là để học Anh văn. Bây giờ nhiều môn học quá lắm, nào là địa lý, lịch sử, vô ích hết. Mày ở nhà chuyên chú học Anh văn cho tao.
_ Bây giờ có thầy dạy còn học chẳng ra gì, một mình con… Thôi, có nói mẹ cũng chẳng hiểu, mẹ đã học đại học bao giờ đâu!
_ Chỉ nói bậy! Nếu không có “đại cách mạng văn hóa” thì tao cũng vào Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa chứ kém gì!
Mẹ bắt Liễu Thanh phải nghỉ học, ở nhà học Anh văn, một vài năm sau ra nước ngoài. Liễu Thanh do dự. Thực tình Liễu Thanh không nỡ như thế này mà phải giã từ thời phổ thông trung học.
_ Còn không mau mà đi học tiếng Anh à? - Mẹ tách một cái tắt ti vi. Mẹ không xem, cũng không muốn cho người khác xem. Thật đúng là! Phim Khát vọng đang chiếu tới chỗ Lưu Tuệ Phương vất vả khổ sở để nuôi Tiểu Phương. “Không phải con đẻ mà yêu quý đến thế, còn mình thì sao?”. Liễu Thanh nảy ý nghi ngờ mình không phải là con đẻ của mẹ!