PHỤ LỤC I
TÌNH HÌNH ISRAEL Ả RẬP TỪ 1968 ĐẾN THÁNG 8-1973

TÌNH HÌNH VẪN CĂNG THẲNG

(Lần tái bản 1974)

    
ăm 1968, ở cuối chương 9, tôi đã viết: Có thể nói rằng vấn đề Ả Rập - Israel cứ lằng nhằng như vậy trong ít lâu, rồi có lúc sẽ bùng trở lại”.
Từ đó tới nay đã năm năm, tình hình vẫn lằng nhằng thật, nhưng nguy cơ bùng trở lại thì lúc này giảm đi.
Từ sau thế chiến thứ nhì, mọi xung đột trên thế giới đều có bàn tay của Mỹ, Nga, Trung Cộng nhúng vào; xung đột nào cũng là xung đột giữa hai phe tư bản và cộng sản. Bảy tám năm nay Mỹ, Nga muốn sống chung hòa bình với nhau, chia lại ảnh hưởng trên thế giới, nhưng họ mặc cả với nhau chưa xong, nên còn dùng bọn đàn em làm những là bải để tháu cáy. Ở Tây Á cũng như ở Đông Dương họ thoả thuận nhằm với nhau không để cho gây ra thế chiến, nhưng không bên nào chịu thua bên nào: hễ Mỹ viện trợ cho đàn em mạnh lên có cơ thắng được đàn em của Nga, thì Nga cũng gia tăng ngay viện trợ cho đàn em của mình để lập lại sự thăng bằng; ngược lại cũng vậy.
Cho nên ta thấy sau vụ căng thẳng giữa Israel và Ai Cập tháng 9-1971, Ai Cập xin viện trợ Nga, Nga giúp được một ít khí giới, thì Israel cũng vội vàng qua Mỹ xin viện trợ phi cơ Phantom và Mỹ cũng giúp.
Rồi tới năm sau, Ai Cập xin Nga viện trợ thêm nữa, Nga từ chối (hoặc vì đã thoả thuận ngầm với Mỹ không giúp Ai Cập quá một mức nào đó; hoặc vì biết rằng nếu giúp thêm Ai Cập thì Mỹ cũng sẽ giúp thêm cho Israel). Ai Cập giận dữ, tháng 7-1972 đuổi một lúc 15.000 cố vấn quân sự Nga về nước. Nga thản nhiên.
Chúng ta không sao đoán được những mưu mô quỉ quyệt của bọn thực dân, rất có thể họ dùng lá bài ở Tây Âu để đổi một lá bài ở Đông Dương hay ngược lại. Và khi nào thấy có lợi cho họ thì họ bỏ rơi ngay đàn em một cách trắng trợn, vô liêm sỉ.
Từ đầu năm ngoái, Mỹ đã tiến thêm một bước dài trên con đường sống chung hoà bình. Tháng 2-1972, Nixon qua Hoa Lục bắt tay Mao Trạch Đông, rồi tháng 5-1972 lại qua Nga mật đàm với Brezhnev ở Moscow; hậu quả là Đài Loan chơi vơi ở giữa biển, các hải cảng Bắc Việt bị phong toả, và mưa bom trút xuống Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định v v, mà Nga và Trung Cộng cứ làm thinh ngó. Tháng sáu năm nay (1973) Brezhnev qua Washington đáp lễ Nixon; như vậy là họ đã đồng lòng tạm giải quyết mọi xung đột bây giờ đường lối ngoại giao, tránh chiến tranh vì chiến tranh nguyên tử sẽ làm cho họ chết hết hoặc ngắc ngoài hết, còn chiến tranh cổ điển như ngày nay thì thử sức nhau trên hai chục năm nay cũng đủ rồi, chẳng đi tới đâu cả.
 
Nội bộ Ả Rập
Hội nghị các quốc gia Ả Rập ở Khartoum, thủ đô Soudan, tháng 8 năm 1967, thất bại: họ chia rẽ, không tìm được một giải pháp chung; họ không dám chủ chiến vì không đủ lực lượng, mà cũng không dám chủ hoà vì sợ mất mặt. Tháng 11-1967, Hội đông Bảo an Liên hiệp quốc đưa ra quyết nghị:
- Do Thái phải trả lại tất cả các đất chiếm được của Ả Rập;
- Ả Rập phải nhìn nhận Do Thái.
Ả Rập bằng lòng nhưng Do Thái không chịu.
Từ đó tới giữa năm 1968, tình trạng không thay đổi; Israel vẫn chiếm đóng đất Ả Rập và bắt đầu tổ chức hành chính, khai thác đất đai.
Đầu tháng 7 năm 1968, không khí mới hơi dịu (Ai Cập nhận Israel là một thực thể, không nói đến việc tiêu diệt Do Thái nữa) thì xảy ra một cuộc đảo chánh ở Iraq, nội các mới do Hasan Badr lãnh đạo tuyên bố sẽ đấu tranh tới cùng để đè bẹp Do Thái. Do đó, từ tháng 9-1968, không khí lại căng thẳng: mấy lần giao tranh nho nhỏ giữa Jordanie, Ai Cập và Do Thái, và lần nào Do Thái cũng phản công dữ dội, nhất là lần họ đột kích chớp nhoáng sân bay Beyrout, phân huỷ 13 phi cơ Ả Rập rồi yên ổn rút lui (tháng 12-1968)
Năm 1969, phe Ả Rập có hai cuộc cách mạng:
Tháng 5-1969, cách mạng ở Soudan thành công, thành lập một chính phủ Cộng hoà tả khuynh; rồi tháng 9-1969, cách mạng ở Lybie, nhóm quân nhân lên cầm quyền, theo đường lối dân chủ xã hội, họ giúp được nhiều tiền cho việc chống Do Thái vì Lybie có nhiều dầu lửa.
Như vậy phe thân Nga được tăng cường, Biệt kích quân Ai Cập và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) hoạt động hăng hơn: Ai Cập oanh tạc các cơ sở quân sự Do Thái ở bờ kênh Suez, Do Thái trả đũa, và ngày 19-9-1969 có một trận không chiến lớn nhất từ tháng 6-1967. Nhưng lần này cũng như các lần trước, hễ Ai Cập tấn công một thì Do Thái trả đũa hai và Ả Rập bị thiệt hại nhiều hơn. Golda Meir bảo Ả Rập vẫn chưa học được bài học tháng 6-1967. Thực ra chính vì họ đã học được bài học ấy nên không dùng chiến tranh đại quy mô nữa mà dùng chiến tranh tiêu hao: họ nghĩ rằng dân số của họ gấp ba chục lần Do Thái, vậy Do Thái chết một mà họ có chết mười chăng nữa, họ vẫn còn “thắng lợi”.
Sau vụ không chiến lớn nhất kể trên, một hội nghị hai mươi lăm nước Hồi giáo họp ở Le Caire để:
- Lên án một người Úc đốt một thánh đường Hồi giáo ở Jérusalem, trong khu vực Do Thái chiếm đóng (mặc dầu Israel đã long trọng tuyên bố sẽ trừng trị kẻ tự ý bạo động điên khùng ấy);
- Đòi Jérusalem phải trở về quy chế cũ;
- Đòi Do Thái rút khỏi các vùng đất chiếm đóng;
- Ủng hộ Tổ chức giải phóng Palestine.
Nhưng chỉ ba tháng sau (12-1969) một hội nghị thượng đỉnh họp ở Rabat (Maroc) thì phía Ả Rập lại chia rẽ nhau, không đưa ra một quyết định nào cả.
Giữa năm 1970, tình hình dịu hơn. Ngoại trưởng Mỹ đưa ra một đề nghị ngưng chiến, được Nga tán thành. Tháng tám, Do Thái và Ả Rập bằng lòng ngưng chiến ba tháng để tìm giải pháp hoà bình.
Do Thái đưa đề nghị:
- Trả sa mạc Sinai;
- Trả 70% đất đã chiếm ở phía tây sông Jourdain, nhưng phải thành lập một vùng phi quân sự;
- Vẫn giữ đồi Golan ở Syrie và Jérusalem;
Bù lại, Ả Rập phải:
- Thừa nhận quốc gia Israel;
- Ai Cập phải để cho Do Thái dùng kênh Suez với nhường vài địa điểm trên kênh cho Do Thái.
Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) một mực chống lại đề nghị ấy, âm mưu ám sát Hussein, quốc vương Jordanie, người chủ hoà, và Hussein đem quân đàn áp dữ dội Tổ chức giải phóng Palestine. Vụ này Palestine gọi là vụ Tháng chín đen.
Nasser đứng ra hoà giải, vừa xong thì thình lình chết vì bệnh đau tim ngày 28-10-1970, mới 52 tuổi.
Ông giữ chức Tổng thống được 16 năm (từ 1954) trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử Ai Cập và lịch sử bán đảo Ả Rập: Giành lại độc lập trong tay Anh, Pháp, kiến thiết quốc gia rồi chịu thêm cái nạn Israel mà nguyên nhân là sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga, Mỹ. Một số chính khách Âu Mỹ trách ông độc tài, ông lại mang cái hận để bán đảo Sinai lọt vào tay Israel, nhưng ai cũng phải nhận ông chân chính ái quốc, có lý tưởng, có tài lãnh đạo và trong lịch sử Hồi giáo từ đầu thế kỷ tới nay, ông đứng ngang hàng với Mustapha Kémal.
Chủ tịch Quốc hội Anwar Sadat lên thay ông (Mahmoud Fawzi làm thủ tướng). Uy tín của Sadat kém xa Nasser, mà Sadat cũng không có chí lớn, không muốn làm lãnh tụ khối Ả Rập, có khuynh hướng ôn hòa. Kế đó, Tổng thống Atassi của Syrie tuy nhiệt tâm chống Tày phương nhưng kém tài, bị tướng Assad lật đổ. Assad lên thay cũng chủ trương hoà giải nữa.
Cuộc đình chiến 90 ngày bắt đầu từ 5-8-1970, tới tháng 11-1970 hết hạn, được gia hạn thêm 90 ngày đến tháng 2-1971, sau cùng được thêm hạn lần thứ nhì thêm một tháng nữa.
Sadat rất muốn ký hoà ước chính thức với Israel, nghĩa là chịu thừa nhận Israel để Israel trả lại một phần bán đảo Sinai; và mở kênh Suez để thu được tiền, mà cũng để được thêm an ninh (vì hễ tàu mọi nước qua kênh thì Israel không dám gây hấn ở khu đó).
Nhưng khi Ai Cập tỏ ra ôn hoà thì Do Thái lại cứng rắn trở lại, Golda Meir bác bỏ đề nghị của Sadat, gây ác cảm với Mỹ và Liên hiệp quốc.
Sự bác bỏ đó làm cho Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) và cả dân chúng Ai Cập nữa, nổi lên công kích Sadat dữ dội, muốn lật đổ ông. Sadat thẳng tay đàn áp phe khuynh tả thân Nga, trong đó có Phó tổng thống Sabry.
Vậy qua 1971, tình hình Ả Rập - Israel lại căng thẳng như trước. Sau khi cuộc đình chiến chấm dứt vào tháng ba. Ai Cập và Israel lại oanh tạc lẫn nhau trên khu vực kênh Suez (tháng chín); Ai Cập xin Nga viện trợ thêm khí giới thì Israel cũng xin Mỹ viện trợ thêm phi cơ F-4 Phantom.
Năm 1972, có ba việc đáng ghi:
- Hussein, quốc vương Jordanie, muốn bắt tay với Do Thái, đưa ra một đề nghị hoà bình: thành lập một vương quốc liên hiệp Ả Rập - Do Thái ở phía tây sông Jourdain. Đề nghị này bị Tổ chức giải phóng Palestine và các quốc gia Ả Rập khác phản đối.
- Tháng 7-1972, Sadat xin Nga viện trợ thêm khí giới mà không được, nổi giận trục xuất 15.000 cố vấn quân sự Nga, quay sang nhờ cậy Mỹ, Nga thản nhiên mà Mỹ làm lơ, rốt cuộc bốn tháng sau ông ta lại phải trở lại thân Nga (Người ta ngờ rằng đây là mưu mô của Ai Cập và Nga để Mỹ và Israel không ngờ được họ đương chuẩn bị chiến tranh 1973).
- Tháng 9-1972, Do Thái tấn công Syrie và Liban (coi ở sau).
Từ đầu năm 1973 tới nay, chỉ có mỗi vụ cảm tử quân Do Thái đột kích Beyrouth, thủ đô Liban (tháng 4-1973) để trả đũa Tổ chức giải phóng Palestine đã thảm sát hai nhà ngoại giao Mỹ ở Khartoum.
Vụ đó cảm tử quân Do Thái thành công mỹ mãn, và ngày 15-5 Do Thái đã long trọng ăn mừng ngày Quốc gia họ được 25 tuổi.
Tóm lại, từ 1967 đến nay, phía Ả Rập còn chia rẽ hơn trước:
- Hussein rất muốn chủ hoà, nhưng luôn luôn bị đả kích, và phải khôn khéo, can đảm lắm mới giữ được tính mạng, vì ba phần tư dân Jordanie là người lưu vong Palestine, chỉ muốn hạ ông để có một chính quyền chống Do Thái mạnh hơn.
- Liban chịu ảnh hưởng của phương Tây (Pháp) từ thời Trung cổ, nên tuy ghét Israel mà vẫn muốn thân Tây phương;
- Ả Rập thuộc dòng Ả Rập Saudi vì quyền lợi dầu lửa, tuy đứng về phe chống Israel, nhưng thường chỉ ủng hộ miệng.
- Ai Cập vẫn cầm đầu phe chống Israel, được Iraq, Algérie, Syrie (thời Atassi), Soudan, Lybie ủng hộ; nhưng từ khi Nasser mất, Ai Cập không còn uy tín lớn nữa, không làm được gì cả, chỉ đột kích Do Thái lẻ tẻ và cũng hô hào suông nữa.
Mấy lần rồi, nhà cầm quyền Ai Cập, Jordanie, muốn tỏ ra ôn hoà thì dân lưu vong Palestine chống đối, phá hoại kế hoạch hoà bình, mà chính dân chúng trong nước họ cũng phẫn nộ. Thêm một khó khăn nữa là Israel không thực tâm muốn hoà bình. Họ biết Ả Rập không làm gì được họ, mà càng chiếm đất đai Ả Rập được lâu thì càng có lợi cho họ khi điều đình thực sự.
Do đó, tình hình cứ căng rồi dãn, dãn rồi căng; lâu lâu để lấy lòng dân chúng, các nhà cầm quyền Ả Rập lại dọa không bán dầu lửa cho nước nào ủng hộ Do Thái; hoặc tuyên bố sẽ “hợp thượng đỉnh để sử dụng tiềm năng của khối Ả Rập trong cuộc tranh chấp với Do Thái”. Nhưng hội nghị mới bế mạc thì họ đã chia rẽ nhau rồi. Do Thái cứ làm thinh chế tạo khí giới, huấn luyện quân đội. Nga cũng làm thinh, còn ngoại trưởng Mỹ Rogers thì vừa rồi tuyên bố chiến tranh ở Tây Á không ích lợi gì cho Ả Rập hết.
Rốt cuộc chỉ còn Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) do Yasir Arafat lãnh đạo, là hăng hơn cả, trước sau vẫn quyết tâm sống mái với Do Thái. Nhưng họ chỉ là một bọn lưu vong, không thành một quốc gia, phải ăn nhờ ở đậu các nước khác: đa số ở Jordanie, còn thì rải rác ở Syrie, Liban, A: Cập, Iraq… không rõ Liên hiệp quốc còn chu cấp cho họ không.
Họ vào khoảng non ba triệu người, tình cảnh không đến nỗi điêu đứng, tủi nhục như Do Thái thời trước, nhưng cũng là những con thú không có hang (Byron), lớp lưu vong đầu tiên, hai mươi lăm năm nay ngày nào cũng ngong ngóng được về tổ quốc như Do Thái đã ngong ngóng về Sion. Nếu tình trạng này kéo dài thì họ sẽ thành một thứ tân Do Thái. Vì hiện nay đã có những quốc gia Ả Rập không ưa họ, như Jordanie, Liban.
Người ta trách họ ở đâu cũng lộng hành, cuồng tín, xúi dân nổi loạn, như ở Jordanie năm 1970-1971, ở Liban năm 1973. Điều đó đúng: họ luôn luôn tìm cách lật đổ các chính phủ muốn thoả hiệp với Do Thái.
Họ không có chính quyền, chỉ có một Mặt trận gồm nhiều cảm tử quân, dùng chính sách khủng bố các nông trại Do Thái, phá hoại các phi cơ dân sự Do Thái, bắt cóc các nhân vật Do Thái để buộc Do Thái phải thả những tù binh Palestine; họ phá các toà đại sứ Do Thái ở Bruxelles, Bon, La Haye, uy hiếp một phi hành đoàn Mỹ để phản đối Mỹ bán phi cơ cho Do Thái, cướp phi cơ Đức vì Đức viện trợ Do Thái, vân vân…
Không ai có thể trách họ được: các đoàn Stern và Irgoun của Do Thái trước kia cũng chuyên ám sát các chính khách Anh và du kích quân Anh (coi đầu). Đó là cách chiến đấu của người yếu.
Một vụ điển hình làm sôi nổi thế giới là vụ bắt cóc lực sĩ Do Thái trong thế vận hội Munich 1972. Sáng ngày 5-9-1972, một toán tám tên khủng bố Palestine trong tổ chức “Tháng chín đen” leo tường vô được nơi phái đoàn Do Thái cư ngụ, bắt được chín lực sĩ Do Thái làm con tin, và đòi Do Thái phải thả hai trăm tù binh Palestine, nếu không thì các con tin bị hạ sát hết.
Thủ tướng Tây Đức gắng thương thuyết với họ. Dụ dỗ gì cũng vô ích. Do Thái lại không chịu nhượng bộ. Rốt cuộc Tây Đức tính cách gạt họ, dùng trực thăng chở quân khủng bố và con tin tới phi trường Frastenfeldbruck, rồi dùng những tay thiện xạ phục kích hạ sát được năm tên khủng bố, bắt được ba tên kia, nhưng tất cả chín con tin Do Thái đều bị quân khủng bố giết hết.
Do Thái trả đũa lại, tấn công các căn cứ Palestine ở Syrie, Liban.
Đầu năm 1974, tổ chức “Tháng chín đen” hạ sát hai nhà ngoại giao Mỹ ở Khartoum, và Do Thái khủng bố lại cũng xuất quỉ nhập thần không kém Palestine. Giữa đêm (đầu tháng tư), một đoàn 60 cảm tử quân Do Thái được tầu thuỷ đưa đến đổ bộ lên Beyrouth, thủ đô Liban, nơi có đại bản doanh Tổ chức giải phóng Palestine. Suốt hai giờ rưỡi họ đi lùng khắp Beyrouth như chỗ không người, giết được viên trùm gián điệp Palestine, viên phó tư lệnh tổ chức Al-Fatah, phá được trụ sở Tổ chức giải phóng Palestine, rồi ung dung rút lui, chỉ bị 2 người chết, 2 người bị thương. (phía Ả Rập 14 chết, bị thương nhiều hơn nữa).
Thật là mất mặt thủ tướng Liban, ông ta phải từ chức. Mặc dầu vậy, quân kháng chiến Palestine vẫn chưa nguôi, chê Liban bất lực và xung đột với quân đội Liban.
Trong sáu năm nay, chiến tranh Israel - Ả Rập đã dần dần biến thành những cuộc bắt cóc và đột kích “ngoạn mục” hơn trên màn ảnh. Người Do Thái biết tìm về tổ quốc thì người Palestine lẽ nào lại không? Liên hiệp quốc đã nghĩ tới giải pháp thành lập- đúng hơn là trả lại - một quê hương cho non ba triệu người lưu vong đó cũng như Liên hiệp quốc hồi xưa tặng một “quê hương” cho người Do Thái. Chỉ như vậy mới có hy vọng êm được.
Tương lai Israel
Cuối năm 1969, Thủ tướng Levi Eskhol thình lình chết, bà Golda Meir lên thay.
Trong cuốn này đã hai lần nhắc tới bà: một lần ở chương 7, bà đi thuyết phục Abdallah để xin Transjordanie trung lập năm 1948, nhưng thất bại; một lần ở chương Kết, bà đi làm sứ thần Do Thái đầu tiên ở Nga mà không may thêm một chiếc áo mới nào.

Bà Golda Meir sinh năm 1898 ở Kiev (thuộc Nga), nhũ danh là Golda Mabovitch (cha bà Moshé Mabovitch - làm thợ). Bà lấy ông Morris Meyerson ở Mỹ, lấy tên chồng, thành Golda Meyerson. Khi về Palestine, đổi tên Meyerson thành Meir, cho có vẻ Do Thái.
Gia đình Mabovitch nghèo tới nỗi có tám người con thì năm người con trai đều chết vì đói rét, chỉ còn ba người con gái: Shana, Golda và Zipporah.
Vì là Do Thái nên họ bị người Nga ức hiếp, mà mỗi khi có một pogrom, chị em bà trông thấy khinh kị binh Nga (Cosaque) kéo tới là chết khiếp. Năm 1906, cả gia đình di cư sang Mỹ, lập nghiệp ở Milwaukee (tiểu bang Wisconsin).
Golda học giỏi, 14 tuổi lại ở nhờ nhà cô chị Shana đã lập gia đình, ngày đi học, tối làm thợ ủi quần áo để đỡ gánh nặng cho chị.
Năm 1915, 17 tuổi, cô gặp David Ben-Gurion, gia nhập ngay tổ chức “Trở về Palestine” của Gurion. Sau có kết hôn với Morris Meyerson, cũng từ Nga tới. Tính tình hai vợ chồng trái ngược hẳn nhau: chồng vào hạng trí thức, có tâm hồn thi sĩ, mơ mộng; vợ có óc thực tế, tinh thần chiến đấu. Morris chỉ thích ở Milwaukee, nhưng cũng chiều lòng vợ năm 1925, cùng với vợ qua Palestine, làm việc trong một Kibboutz ở Merhavia. Từ đây, bà Golda tận lực hoạt động cho “Tổ quốc Do Thái”, nhưng vẫn không quên bổn phận làm vợ, làm mẹ, gia đình vẫn êm ấm mặc dầu cả chồng lẫn con (một trai, một gái) thiếu hẳn tinh thần cách mạng. Sau hai mươi bốn năm chiến đấu, bà đạt được mục đích và ngày 14-5-1948, bà được cái vui ký tên trên bản tuyên ngôn độc lập, bên cạnh tên Ben-Gurion rồi được cử làm đại sứ ở Moscow. Toà đại sứ của bả có lẽ không tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại: nó là một Kibboutz vì mọi nhân viên kể từ bà trở xuống đều phải thay phiên nhau rửa chén, lau nhà.
Ít năm sau, bà được triệu về làm Bộ trưởng Bộ Lao Động, rồi Bộ trưởng Ngoại giao, sau cùng làm Thủ tướng. Ở địa vị tối cao này và mặc dầu đã ngoài bảy chục tuổi, bả vẫn sống giản dị, giặt ủi lấy quần áo, đẩy xe cho các cháu nội đi chơi. Đôi khi bà bắt Hội đồng nội các họp ngay trong bếp để bà có thể vừa thảo luận vừa tự tay pha cà phê hay pha trà đãi các bộ trưởng.
Bà và Moshé Dayal - độc long tướng quân, Bộ trưởng quốc phòng, cầm đầu phe diều hâu. Nhiều lần các cường quốc Mỹ, Anh, Nga, Pháp tìm cách hoá giải hai bên và Ả Rập cũng đã có lần nhượng bộ cho Do Thái dùng kinh Suez, chịu thừa nhận lãnh thổ Do Thái, miễn là Do Thái trả lại các đất đai mới chiếm sau “chiến tranh sáu ngày”; nhưng phe của bà không chịu, vì biên giới mới ngắn hơn biên giới cũ, dễ bảo vệ hơn, gần các nhược điểm của Ả Rập mà xa kinh đô Israel hơn. Nhất là thánh địa Jérusalem thì họ cương quyết giữ làm của họ.
Cuối năm 1969, bà tuyên bố: “Người ngoại quốc chưa bao giờ định biên giới cho chúng tôi cả, và trong tương lai chúng tôi cũng miễn cho họ việc ấy. Hiện nay chúng tôi đóng ở đâu, thì đó là biên giới của chúng tôi!”.
Còn Moshé Dayan thì nói: “Muốn có một biên giới an toàn cho Israel thì phải lập một đường phòng vệ ở hai chục cây số vào sâu nội địa Jordanie bên kia bờ phía đông sông Jourdain”.
Nhớ lại năm 1967, Do Thái chỉ tiến tới bờ phía Tây sông Jourdain ta mới thấy lời đó ngang tàng ra sao: Chẳng những ông ta không chịu trả đất mà còn muốn chiếm thêm nữa. Lời đó ông ta tuyên bố đầu năm 1970, ngày đấy tầm bắn xa của đại bác, hoá tiễn đã tăng, chắc ông ta còn muốn tiến sâu thêm vô cả trăm cây số nữa.
Vì chủ trương như vậy, nên một mặt Do Thái khai thác những miền đã chiếm, tổ chức các cuộc bầu cử, Hội đồng thị xã, bắt Ả Rập phải đi bầu, phải ứng cử, lập thêm mười hai điểm thực dân (Kibboutz, Mocha-ovedim): 10 ở Golan, 5 ở thung lũng Jourdan, 2 ở Sinai… một mặt họ tăng thời hạn quân dịch lên ba năm (năm 1967 là hai năm rưỡi), tăng tuổi động viên từ 49 lên 55; một mặt nữa ráng chế lấy vũ khí: súng tiểu liên Uzi của họ tối tân hơn súng M-16 của Mỹ và súng AK-47 Kalashnikov của Nga; phản lực cơ Super Mirage của họ tốt hơn phản lực cơ Phantom của Mỹ. Đáng ngại hơn nữa là hỏa tiễn của họ có thể mang đầu đạn nguyên tử và hoạt động trong một tầm xa 500 cây số; và người ta ngờ rằng họ sắp có bom nguyên tử.
Bà Golda Meir tóm tắt được chính sách diều hâu đó: “Tôi không muốn một dân tộc Do Thái hiền lành, không thực dân và phản chiến. Như vậy là một dân tộc chết!”. Nhưng ngay trong nội các, cũng có một người đứng về phe bồ câu, ông Abba Eban. Ông chủ trương nên trả hết đất đã chiếm để sống chung hoà bình với Ả Rập. Đề cử ông Abba Eban làm ngoại trưởng, không biết chính phủ Do Thái có muốn vừa cương vừa nhu không, hay muốn thêm một lá bài để đưa ra khi ngọn gió đổi chiều. Phe đó cho rằng cứ chủ trương chính sách thực dân và hiếu chiến thì sẽ phải chịu số mạng của Napoléon và Hitler, nhất là thời đại này thế giới không để cho một dân tộc nào dùng chính sách ấy đâu. Mà tiền bạc đổ vào quân đội, khí giới lên tới 75% lợi tức quốc gia, dân chúng cơ cực, chịu đựng được bao lâu nữa? Quân du kích Ả Rập quấy phá hoài và từ khi ngưng chiến, số Do Thái chết vì bị du kích cao hơn số chết trong chiến tranh 1967.
Sau cùng một nhóm người nữa, không đông; chủ trương dung hoà: trả dần dần các đất đã chiếm ở phía tây sông Jousdain, rồi sau sẽ trả các miền khác.
Hiện nay hai phe sau vẫn phải nhường bước cho phe diều hâu. Nhưng tình trạng không hoà không chiến càng kéo dài thì càng bất lợi cho phe diều hâu.
Quốc gia Israel mới được hai mươi lăm tuổi, trong hai mươi lăm năm ấy họ phải hy sinh trong ba cuộc chiến tranh, không lúc nào được sự an lạc, vậy mà họ cũng đã tiến bộ vượt bực trong việc kiến thiết.
Trong các Kibboutz, họ đã dùng siêu âm để làm đặc nước trái cây, tắm bò bằng vòi hoa sen để bò sản xuất thêm nhiều sữa, trải dầu hắc xuống lòng đất để giữ độ ẩm.
So với số dân thì số báo của họ chiếm kỷ lục thế giới, ba triệu dân mà 23 nhật báo, viết bằng 10 thứ tiếng, phát hành 600.000 số một ngày, mỗi số từ 8 đến 20 trang. (Tờ báo lớn nhất phát hành từ 100.000 đến 200.000 số), và 404 tờ định kỳ. Ngoài ra họ còn 2 đài phát thanh và một đài truyền hình.
Dân chúng thì đã có mức sống cao như Pháp hay Đức, nhà có phỏng máy lạnh, cứ 10 người thì có một chiếc xe hơi. Họ đã phải hy sinh nhiều quá bây giờ mong được hưởng thụ. Họ có óc hưởng thụ thì tất nhiên là mất tinh thần cách mạng.
Người Do Thái trong non hai ngàn năm đoàn kết với nhau không phải vì có chung một giòng máu vì họ lai nhiều quá rồi; mà vì có chung một thân phận, thân phận bị hiếp đáp, bị khinh rẻ, bị ngược đãi, tàn sát, không ở đâu được yên. Vì bị chung thân phận tủi nhục đó nên họ cố bảo tồn tôn giáo truyền thống của họ. Do Thái giáo chỉ là thứ keo đoàn kết họ với nhau chứ không phải nguyên nhân của sự đoàn kết. Họ “chiến đấu như sư tử”, chống cả Ả Rập lẫn thực dân Anh, hi sinh gì cũng không quản, chính là để cởi bỏ thân phận đó đi. Nay họ đã có một quốc gia được cả thế giới nhìn nhận, không ai có thể đuổi họ đi hoặc diệt họ được, thì sự chiến đấn, hi sinh hoá ra vô ích. Chỉ những người già, đã biết cảnh rùng rợn trong các ghetto, các lò thiêu, đã chiến đấu trong ba chiến tranh với Ả Rập là còn có “tinh thần Do Thái”, chịu sống khắc khồ; còn bọn thanh niên hiện nay trên dưới hai mươi tuổi, sanh sau khi Quốc gia thành lập, mười người chắc có tới bảy, tám người cho chính sách của Golđa Meir, Moshé Dayan là quá khích, và chỉ ước ao, được sống trong một xã hội tiêu thụ như đồng bào của họ ở New York.
Trong bài “Quốc gia Do Thái” 25 tuổi (Bách khoa giai phẩm ngày 15-06-1973) ông Từ Minh viết:
“Trong những năm vừa qua, xã hội Do Thái đã hết vẻ lành mạnh cổ truyền. Người ta thấy nhiều vụ ăn cướp đã xảy ra. Trong năm 1972, người ta tính có tới 10.000 vụ bị bắt vì cướp của, giết người, hiếp dâm” ( Chúng ta nên nhớ dân số Do Thái hiện nay khoảng ba triệu, chỉ hơn dân số Saigon một chút)
Nạn buôn phấn bán son tràn lan trong xã hội Do Thái đến tận cửa Thánh địa Jérusalem. Những khách “sộp” của các chị em ta thường là người Ả Rập vì những người này muốn “trả thù người Do Thái” (trả thù dân tộc!).
Nạn hút bạch phiến cũng lan tràn trong dân chúng, nhất là trong giới trẻ. Trên 5% học sinh Trung học nghiền bạch phiến hay hút sì ke.
Tháng 12-1972, người ta còn thấy bốn người Do Thái bị giải toà vì tội làm gián điệp cho cho Ả Rập. Người Do Thái càng ngày càng muốn hưởng nhàn, chỉ ưa làm những công việc nhẹ nhàng ở văn phòng. Còn các việc nặng nhọc họ dành cho thiểu số Ả Rập bị thống trị trong nước. Chính bà Golda Meir đã nhiều lần kêu gọi chúng ta hãy chịu khó bẩn tay một chút, chứ đừng đẩy cho ngườỉ khác”.
Ủa sao mà bà ta mâu thuẫn vậy! Bà đã báo muốn cho dân tộc Do Thái thành thực dân kia mà? Bây giờ đây họ mới bắt đầu sống theo thực dân thì bà lại cảnh cáo?
Có luật thiên nhiên nay mà theo tôi, đúng ít nhất là 70%. Hễ bị đặt vào tử lộ thì người ta tìm được sinh lộ; ngược lại quá ham sinh lộ thì người ta sẽ tiến dần đến tử lộ.
Trong cuốn này, chúng ta đã thấy nửa phần trên luật ấy đúng với dân tộc Do Thái; và cứ theo tài liệu ông Từ Minh tôi mới trích dẫn thì phần dưới luật ấy cũng bắt đầu đúng với họ nữa. Nhờ bị đặt vào tử lộ mà họ đã thắng được Ả Rập; bây giờ đây đương bước vào sinh lộ, họ sẽ vì cái bả văn minh tiêu thụ mà mất “tinh thần Do Thái”, mất cả Do Thái giáo, chưa biết chừng những Kibboutz của họ cũng sẽ mất luôn nữa. Điều đó dẫu có mười Golda Meir, mười Moshé Dayan cũng không cản nổi.
Do Thái mà được an lạc hưởng thụ, thì chỉ cuối thế kỷ này thôi, họ sẽ thành một mini Mỹ.
Mới 27 năm nay Mỹ đã suy ra sao, người ta đã coi thường Mỹ ra sao, thì 27 năm nữa, thứ mini Mỹ là Israel còn có đáng kể gì! Hiện nay họ đã mất nhiều cảm tình của thế giới rồi.
Chú thích:
  1. Chúng ta nên nhớ dân số Do Thái hiện nay khoảng ba triệu, chỉ hơn dân số Saigon một chút.