Trong những năm đầu ở chùa, chúng tôi lúc nào cũng chỉ có vừa đủ tiền để trả cho các thứ. Tiền nhà là một trăm bảy mươi hai đồng một tháng. Và các chi phí khác -điện thọai, điện, gas- tổng cộng chi phí đến $500 hay $600 đô một tháng. Dĩ nhiên, tất cả đều từ tiền cúng dường của Phật tử. Mỗi lần đến viếng chùa, các Phật tử sẽ bỏ một hay hai đồng vào thùng phước xương. Khi chúng tôi đến nhà để tụng kinh, họ thường cúng dường một số tiền nhỏ, có thể là mười hay mười lăm đô. Mỗi tháng chúng tôi được khỏang $600 hay $700 đô. Không biết sao, bao giờ chúng tôi cũng dư chút ít. Chỉ chút ít. Chúng tôi bắt đầu thu nhận những người muốn làm thành viên chính thức của chùa. Chúng tôi lập ra ba loại thành viên -suốt đời, hàng năm và sinh viên– rồi in ra các thẻ hội viên. Tờ tin ngắn của tôi tiếp tục lôi cuốn thêm nhiều thành viên, nhờ thế chùa phát triển dần dần. Chúng tôi đã có thể hoàn thành những công việc trùng tu lớn cho chùa chỉ trong một vài năm. Mỗi tuần ba buổi tối, tôi hướng dẫn lớp tu thiền. Chiều chủ nhật dành cho các nghi lễ tụng kinh. Chúng tôi in một quyển sách nhỏ với các bài kinh tụng tiếng Pali, gọi là Vandana, để Phật tử có thể đọc theo trong các buổi lễ. Vào những ngày lễ Phật giáo, chúng tôi sẽ có những nghi lễ long trọng, theo truyền thống Sinhala. Đến ngày lễ Vesak, chúng tôi tổ chức lễ Phật Đản, Phật thành đạo và Phật Nhập diệt. Mỗi sự kiện rơi vào ngày rằm trong tháng Ấn Độ của Visakh, khoảng tháng tư hay tháng năm. Để chuẩn bị cho lễ Vesak, người ta dọn dẹp, và trang hoàng Chùa, làm lồng đèn bằng những cọng tre và giấy mỏng, và nấu rất nhiều thức ăn - thường là món chay. Đến ngày lễ, các Phật tử đều mặc màu trắng, đến chùa ở suốt ngày, gặp gỡ, chuyện trò, ăn uống và lắng nghe quý sư tụng kinh. Đó thật là một ngày lễ hội Phật giáo nhộn nhịp nhất trong năm. Kathina, một nghi lễ quen thuộc khác, đánh dấu sự chấm dứt của 'mùa an cư' truyền thống. Trong ba tháng (từ giữa tháng Bảy đến giữa tháng Mười), quý sư ở trong chùa, không đi ra ngoài. Truyền thống này được bắt đầu từ thời Phật còn tại thế, khi ngài và các đệ tử thực hành ba tháng an cư 'mùa mưa' trong năm, suốt thời gian đó tăng đoàn không đi ra ngoài, mà ở một chỗ cho đến hết mùa mưa. Hiện nay, lễ Kathina được tổ chức vào tháng mười. Trong thời gian đó cư sĩ thường dâng cúng y áo mới và các thứ vật dụng cần thiết cho tăng sĩ. Những chồng quà tặng trong chánh điện gồm có bàn chải đánh răng, thuốc súc miệng, thuốc cạo râu, xà bông và giấy vệ sinh. Nhưng món quà quý nhất trong tất cả, là y Kathina. Một mảnh vải vàng may bằng tay được xếp rất khéo, bọc trong bao plastic, rồi được dâng cúng một cách tượng trưng cho cả tăng đoàn. Các sư sẽ quyết định ai là người đặc biệt được nhận món quà ấy. Đôi khi đó là vị sư nhiều tuổi nhất, hay người y áo bị sờn rách nhiều nhất. Hay một vị sư đến từ một địa phương hẻo lánh nơi có thể không có các cư sĩ cúng dường y áo. Suốt trong những năm đầu ở chùa Washington, tôi phải hội nhập vào đời sống ở Mỹ, và nước Mỹ cũng hội nhập theo tôi. Tôi khá nhỏ người, chỉ cao khoảng một thước rưỡi, quấn y, đầu cạo nhẵn. Vào những năm sáu mươi, hình ảnh đó thật quá sức tưởng tượng đối với người dân Mỹ. Nhiều lần, khi tôi hỏi nhà vệ sinh công cộng, người ta chỉ vào phòng dành cho phụ nữ. Một ngày kia trên đường đi chợ về, tay tôi ôm đầy giỏ bị, và tôi đi ngang qua một người đàn ông đang rửa xe trong sân nhà. Con chó nhà ông chạy theo tôi sửa. Anh ta la chó: “Đừng có làm phiền bà ấy!” Ngay cả người gặp tôi hàng ngày cũng lầm tưởng tôi là phụ nữ. Trong suốt hai mươi năm tôi sống ở Washington, mỗi ngày người phát thư vui tính bao giờ cũng chào tôi: “Đây là thư của bà, thưa bà”. Vào một buổi chiều tháng hai, năm 1969, một người đàn ông nhấn chuông chùa và lễ phép xin được sử dụng thư viện của chúng tôi. Tôi rất vui vì có người thích tìm hiểu về Phật giáo, vì thế, dĩ nhiên là tôi đồng ý. Sau đó, người nầy đến gần như mỗi ngày, bồng một em bé và mang theo một cái nôi nhỏ. Khi con ngủ, ông ngồi đọc sách về Phật giáo. Ông gần như không trao đổi gì với tôi, nên tôi cũng không phiền đến ông. Vào tháng 5, khi chúng tôi tổ chức lễ Vesak, người đàn ông nhập vào với một nhóm nhỏ các cư sĩ áo trắng và ở lại chùa suốt ngày hôm đó tu bát quan trai và tọa thiền. Michael Roehm, một trong những thành viên người Mỹ ở chùa, thấy ông. “Tiến sĩ Rodier làm gì ở đây vậy?” anh ta hỏi tôi. "Ai là tiến sĩ Rodier?” tôi hỏi. Michael bảo với tôi là người đàn ông đó tên là David Rodier, và ông là giáo sư triết ở đại học American, chỉ cách chùa vài dặm. Ngày hôm sau tôi nôn nóng chờ tiến sĩ Rodier đến thư viện vào buổi chiều như thường lệ. Khi ông đến, tôi tiến lại gần ông. “Thưa, ông có phải là giáo sư ở đại học American?” tôi hỏi. Ông gật đầu, mỉm cười. Tôi thưa với ông rằng tôi rất muốn được tiếp tục việc học của mình. Tôi kể với ông về những trường tôi đã học ở Ceylon và Ấn Độ, cố gắng chắp vá việc học của mình. Tôi cũng kể với ông về việc tôi đã đậu kỳ thi ngọai khóa của Cambridge, nhưng không vào được đại học ở Malaysia. Ông Rodier khuyên tôi bảo đại học Cambridge gửi điểm thi của tôi đến trường đại học American. Rodier cũng đề nghị tôi dự thính lớp của ông để có thể thực tập tiếng Anh. Hàng tháng trời, mỗi ngày tiến sĩ Rodier đều đến chùa chở tôi đến trường đại học, để tôi có thể dự thính lớp triết học của ông. Được đi học trở lại, thật là một cảm giác tuyệt vời! Khoảng thời gian đó, tôi bắt đầu cảm thấy đau lại ở thận trái. Dần dần tôi phải đi bác sĩ, và được chuyển qua bác sĩ nội tiết. Vị này giống như vị bác sĩ ở Malaysia, cũng bảo tôi bị sỏi thận nhưng lần này phải giải phẫu. May mắn thay, đại đức Piyananda và tôi đều được bảo hiểm qua chương trình bảo hiểm tập thể ở tòa đại sứ Ceylon. Tôi nằm trong bệnh viện mười ngày. Bảo hiểm trả 80 phần trăm viện phí và Michael Roehm, với tâm rộng lượng, đã trả phần còn lại cho tôi. Năm 1971, ở tuổi bốn mươi ba, tôi được nhận vào trường đại học American làm sinh viên năm thứ nhất. Michael Roehm trả học phí cho tôi, lại còn cúng dường tiền cho tôi mua sách vở. Bên cạnh đó, tôi cũng dành dụm được chút ít từ số tiền ăn một trăm đồng hàng tháng mà chính phủ Ceylon cung cấp để trang trải cho chi phí học tập. Vì các Phật sự ở chùa, mỗi khóa học, tôi chỉ có thời gian học hai lớp. Những năm sau đó, tôi vừa quản lý chùa, vừa là sinh viên đại học, và cũng đến các đại học khác để thuyết giảng về Phật giáo. Tôi đi khắp nơi, từ Miami đến Saint John, Newfoundland. Một số nơi biết tôi qua trường đại học American; các nơi khác thì qua mẫu quảng cáo nhỏ của chúng tôi đăng trên tờ Washington Post, về các hoạt động của chùa, cũng như các lớp giáo lý. Năm 1972 tôi bắt đầu hướng dẫn một lớp thiền ở đại học American. Hơn hai mươi sinh viên ghi danh học. Vị tuyên úy ở trường đại học dành cho chúng tôi một phòng rộng trong nhà nguyện. Chúng tôi trang bị phòng với những chiếc tọa cụ êm ái. Khoảng một tuần sau khi lớp học khai giảng, một ngày kia tôi đến lớp sớm hơn thường lệ, thì thấy ai đó đã dùng dao rạch nát các tọa cụ. Bông gạo trắng trong tọa cụ vung vẩy khắp trên sàn nhà như là tuyết. Tôi thật thất vọng! Vị tuyên úy sắm lại cho chúng tôi những tọa cụ khác, nhưng chúng tôi đã nhận ra một thông điệp qua hành động trên: có ai đó muốn phản đối việc chúng tôi làm. Cũng khoảng thời gian đó, chùa cần một số giấy văn phòng có in tên chùa. Tôi đến một nhà in, đưa cho họ coi mẫu huy hiệu chùa của chúng tôi để đặt hàng. Tuần sau, khi tôi đến nhận hàng, một người khác đang làm việc trong phòng in -là chủ tiệm in. “Đi ngay!” ông ta hét lên, ngay khi tôi vừa nói tên chùa. “Tôi không nhận bất cứ đơn hàng nào có chữ Buddhist (Phật giáo) trong đó." Đó là một số kinh nghiệm đầu tiên của tôi về vấn đề phân biệt tôn giáo, theo kiểu Mỹ. Trước đó, tôi đã có một cái nhìn rất sách vở về Hiệp chủng quốc như là một mảnh đất tự do được thành lập nên bởi những người yêu nước can đảm, muốn đem lại tự do cho tất cả mọi người. Tôi đã được đọc về George Washington và Abraham Lincoln. Tôi biết rằng lịch sử Mỹ là lịch sử của cuộc chiến đấu cho sự bình đẳng. Tôi đã nghĩ rằng là ở đây, bất cứ ai cũng được tự do để tin theo bất cứ tôn giáo nào mà họ chọn lựa. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Năm 1973 đại học American cử tôi làm vị tuyên úy Phật giáo tại trường, một chức vị mới được tạo ra vì tôi. Trường đã có các vị tuyên úy thuộc các tôn giáo khác, nhưng chưa bao giờ có tuyên úy Phật giáo. Đúng ra, tôi nghĩ đó là trường đại học đầu tiên ở Mỹ đã chỉ định một vị tuyên úy Phật giáo. Tin đó được đăng trên tờ báo trường. Lập tức có người viết thơ đến viện trưởng trường, đòi phải được giải thích tại sao ông lại chọn một kẻ 'ngoại đạo' làm tuyên úy. Có khoảng thời gian đôi ba năm, cứ mỗi tháng một lần tôi đều đến một nơi trong vùng ngoại ô của Nữu Ước, gọi là Trung tâm Hướng dẫn Truyền giáo. Họ mời tôi đến để thuyết giảng về Phật giáo. Tôi thường đi cùng với Richard Stoneham, một thành viên của chùa, sống ở Nữu Ước. Mỗi khi thuyết giảng ở đó, tôi cẩn thận không so sánh Phật với bất cứ một vị lãnh đạo tâm linh của tôn giáo nào. Tôi muốn tỏ sự tôn trọng đối với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, một ngày kia sau buổi giảng của tôi, khi một phụ nữ trẻ phát biểu: "Thật tuyệt vời! Trước đây tôi không biết tí gì về Đức Phật." Một vị mục sư lớn tuổi trong hàng thính giả lên tiếng. "Tuy nhiên, Chúa Jesus vẫn cao siêu hơn Đức Phật," ông nói một cách chắc nịch. "Trên phương diện nào?" Richard hỏi. Vị mục sư đứng lên. "Tôi đã sống ở Thái Lan tám năm," ông tuyên bố. "Tôi đã nhìn thấy Đức Phật này chỉ ngồi xếp chân trong các căn phòng được trang hoàng đẹp đẽ, không làm gì hết. Tôi đã thấy những người đàn ông mặc áo vàng đi xin ăn ngoài đường. Họ không làm gì cho thế giới cả. Chúa Jesus đã hy sinh cả đời cho nhân loại." Richard và vị mục sư bị cuốn vào một cuộc tranh cãi qua lại. Tôi chỉ im lặng. Cuối cùng, người phụ nữ trẻ bắt đầu khóc. Cô nói: "Chúng ta mời vị tăng sĩ này đi từ Washington đến đây để giảng cho chúng ta biết về Phật giáo, về tôn giáo mà ông tin tưởng. Đây có phải là cách chúng ta tiếp khách không?" Khi bài giảng buổi chiều kết thúc, vị giám đốc trung tâm đến hỏi tôi có điều gì xảy ra chăng. Tôi bảo không có gì, mọi việc đều tốt đẹp. Rồi tôi hướng về phía vị mục sư lớn tuổi, nói thẳng với ông. "Thưa ông, ông đã bảo rằng Đức Phật chỉ ngồi trong các phòng trang hoàng đẹp đẽ mà không làm gì cả. Những gì ông được thấy là các hình tượng của Đức Phật, không phải là vị Phật bằng xương thịt. Đức Phật xưa kia rất năng động. Ngài đã hy sinh ngai vàng, vương quốc, tài sản, và cả gia đình -chỉ để sống một cuộc đời đơn giản. Ngay cả sau khi đã đạt được giác ngộ, ngài chỉ ngủ hai tiếng mỗi ngày. Ngài bận rộn thuyết pháp cứu độ chúng sinh. Vì chúng sinh Ngài đã làm việc hai mươi hai tiếng mỗi ngày, trong bốn mươi lăm năm, cho đến khi ngài tịch diệt. Còn những người mặc áo vàng đi khất thực mà ông thấy là các tu sĩ đã nguyện sống đời đơn giản, theo như Đức Phật. Họ không phải là người xin ăn như ông nghĩ; họ được người khác kính trọng vì cuộc sống tâm linh mà họ đã chọn lựa. Các cư sĩ cúng dường họ thực phẩm, y áo, nơi ở và thuốc men. Đáp lại, các vị tu sĩ này ban cho họ những thức ăn tinh thần. Các vị tu sĩ này chỉ nhận một ít thực phẩm từ mỗi nhà. Như thế, họ không là gánh nặng cho ai." Có lẽ tôi không thể thuyết phục được ông, nhưng có thể tôi đã giải được một số hiểu lầm của ông. Vào những năm đầu của thập niên 70 là thời kỳ của chiến tranh Việt Nam, thời của 'những đứa con của hoa' (flower children), và những người phản chiến. Nhiều lần khi tôi đến giảng tại các trường cộng đồng và trường đại học, sinh viên sẽ hỏi tôi, Phật giáo quan niệm về vấn đề tự tử như thế nào, vì họ đã nghe tin tức về các nhà sư Việt Nam tự thiêu để chống chiến tranh. Tôi luôn trả lời rằng tự tử không được chấp nhận trong giáo lý của Đức Phật. Đúng ra Đức Phật hoàn toàn chống việc này. Giới luật thứ ba của Patimokkha, các giới luật dành cho người tu, dạy rằng bất cứ vị tu sĩ nào phạm tội hay tham gia vào việc mưu sát, đều lập tức bị loại trừ ra khỏi tăng đoàn. Tự tử cũng giống như giết hại bất cứ chúng sinh nào khác, cũng được coi là một trong những trọng tội. Nhưng khi người ta ở trong những hoàn cảnh bị đàn áp tôn giáo hay áp bức trong xã hội, họ phải bỏ qua những giới luật tôn giáo. Những người đang cầm quyền Việt Nam lúc bấy giờ đã lạm dụng quyền hạn của họ một cách quá đáng. Phần lớn Phật tử bị chính quyền theo Thiên Chúa giáo của ông Ngô Đình Diệm đối xử tàn tệ. Người Phật tử không được quyền tổ chức những buổi nói chuyện công cộng hay những nghi lễ tôn giáo, và bị gán là Cộng sản, để chính phủ Mỹ chống lại họ. Căn bản là ông Diệm đã lợi dụng sự sốt sắng chống Cộng của chính quyền Mỹ để đàn áp Phật giáo ở Việt Nam. Đó là một chiến thuật tinh vi nhưng khá độc ác. Vì quá tuyệt vọng, các nhà sư Việt Nam đã phải tự thiêu để nói cho thế giới biết những gì đang xảy ra trên quê hương họ. Hành động của họ không liên quan gì đến Phật giáo, mà chỉ là những hành động yêu nước. Để làm rõ, tôi cố gắng giúp các sinh viên hiểu ý nghĩa thục sự của Phật giáo. Phật giáo, tôi bảo với họ, là một tôn giáo hòa bình.