Dịch giả: Đặng Phi Bằng
- 22 -
SỰ THU HÚT CỦA NHÂN VẬT XUẤT CHÚNG

SỰ THẮNG LỢI

 
Ông đã tính toán rất nhiều lần. Lời giải đáp lần nào cũng giống nhau: Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) sẽ thắng cử vào tháng 7 năm 1998. Thế nhưng, bên dưới cái vẻ tỏ ra đầy thuyết phục của bài toán ấy, Hun Sen đã bị vây quanh bởi nỗi lo ngại là đảng của ông có thể bị thất bại.
Những mối bận tâm này rất thực tế. Cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy Đảng Funcipec và CPP đang cạnh tranh nhau ngang ngửa ngay sát gần đích đến hết sức quyết liệt.
Hun Sen đã dùng đủ mọi cách để hiện đại hóa đảng đã lỗi thời của ông. Vào cuối năm 1997, nhân vật xuất chúng này đã vào không gian ảo, khi ấy đảng của ông đã đưa một trang chủ lên Internet để tạo hình ảnh hấp dẫn và phổ biến thông điệp hiệu triệu của họ. Địa chỉ website này được Ủy ban Trung ương Đảng CPP đề nghị sau một cuộc giao chiến quyết liệt ở Phnom Penh vào đầu năm đó đã dẫn tới sự kiện lật đổ Ranariddh khỏi cương vị Thủ tướng thứ nhất. Không mấy người ở Campuchia thấy được website này vì tình trạng khan hiếm máy tính, nhưng Đảng của ông cho rằng mục đích của họ nhằm chinh phục bạn bè trong số những người lướt Internet ở khắp thế giới.
Những người chỉ trích Hun Sen cho rằng Đảng CPP đang dọa dẫm cử tri và tấn công phe đối lập, và phe đối lập đã bị ngăn không cho truy cập trang web ấy bằng phương tiện thông tin do nhà nước quản lý. Khi cuộc vận động tranh cử bị khập khiễng vào những ngày cuối cùng của nó, Đảng CPP đã bất ngờ bị hốt hoảng khi Hun Sen đột ngột được đưa vào bệnh viện ở Phnom Penh để cắt bỏ ruột thừa khẩn cấp. Cuộc phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa của ông đã được các bác sĩ Campuchia thực hiện.
Cuộc phẫu thuật cấp cứu đã đưa ông ra khỏi hoạt động trong giai đoạn quyết định của cuộc vận động tranh cử. Nhưng ông đã bật dậy đi bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử. Kỳ thủ ấy đã biết các tính chất phức tạp của ván cờ tại tiệm hớt tóc trong một con hẻm ở thành phố, ông đã quyết tâm kiên nhẫn đeo đuổi ván cờ ấy. Ông xem cuộc bầu cử như một ván cờ với bốn hiệp đấu đã được sắp đặt: số phiếu đăng ký, số cử tri thực sự đi bỏ phiếu, việc kiểm đếm phiếu và thành lập chính phủ.
Đó là một sự thắng lợi vừa đắng cay pha lẫn với ngọt ngào. Đảng của ông đã bị thất bại trên ngay hai thành trì của ông, ở tỉnh Kompong Cham, nơi ông sinh ra và cũng là nơi anh của ông, Hun Neng làm thủ lĩnh, và ở tỉnh Kandal, nơi ông đã sinh sống. Đấy là một nỗi thất vọng cho chính Hun Sen, ông đã không giành được sự ủng hộ của những người dân ở trên chính các tỉnh quê hương của ông, thậm chí cả sau khi ông đã bơm vào các nguồn ngân quỹ phát triển.
Tình trạng Đảng CPP bị bẽ mặt ở kompong Cham và Kandal đã tạo thêm cho cuộc bầu cử sự tín nhiệm, điều đó cho thấy sự thật là cuộc bầu cử đã không bị gian lận. Tình trạng êm xuôi của tiến trình bầu cử đã xua tan đi những luận điệu đồn thổi cho là có sự hăm dọa. Cộng đồng châu Âu, Nhật Bản, Úc và Mỹ đã xác nhận quá trình tiến hành bầu cử nhìn chung là tự do và công bằng.
Đảng CPP đã giành được số phiếu bầu ấn tượng 41,4%, Đảng Funcipec thu được 31,7% và Đảng của Sam Rainsy giành được số phiếu đáng kể 14,3%. Kết quả ấy đã gây ngạc nhiên vì sự tiên đoán ban đầu cho đó là một cuộc chạy đua tay ba ngang tài, ngang sức. Nhưng các cử tri đã cho thấy sự mến mộ của họ đối với Hun Sen  nhiều hơn, và niềm tin của họ vào Ranariddh và Rainsy đang xuống dốc. Điều này không mấy khó hiểu. Từ cuộc bầu cử năm 1993, Hun Sen đã trở thành hình ảnh của Robin Hood, như một vị hoàng tử của nhân dân, ông đã chi hàng triệu riel từ ngân quỹ của đảng ông để xây dựng trường học, bệnh viện và các kênh mương tưới tiêu khắp đất nước. Phong cách của ông giản dị, điều đó còn làm cho người dân dễ gần gũi và coi ông như người thân của họ. Ông ngồi với họ ngay tại đồng ruộng, hút một hoặc hai điều thuốc với họ, và bàn luận về các vấn đề của họ. Trái lại, hình ảnh của Ranariddh lại bị làm tổn thương bởi việc ông cố nhập khẩu vũ khí, và sự liên minh dễ gây tranh cãi với Khơme Đỏ, còn giọng điệu tiêu cực quá đáng của Rainsy đã gây chói tai nhiều người, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Khơme đã phải thất vọng vì những lời cảnh báo thường xuyên của ông với các nhà đầu tư nước ngoài là nên tránh hoạt động kinh doanh ở Campuchia.
Đất nước này đã bị đau khổ quá lâu bởi những niềm hy vọng giả tạo và sự phát triển bị kìm hãm. Một triều đại hòa bình mới bao giờ cũng ở gần ngay trong tầm tay. Một kỷ nguyên mới của sự sung túc lúc nào cũng sắp hé mở. Nhưng rồi, điều gì đó hết sức tệ hại lại luôn xảy ra đưa đất nước lún sâu trở lại xuống vực thẳm tuyệt vọng.
Sau cuộc bầu cử tháng 7, xem ra đất nước đã có được thời cơ hứa hẹn để tạo ra một sự khỏi đầu mới dưới một nhà lãnh đạo có uy thế lớn. Nhưng còn nhiều đầu óc thoái hóa. Ranariddh và Rainsy thất bại trong cuộc bầu cử, đã không tin toàn bộ tiến trình bầu cử đã được các nhóm quan sát viên quốc tế chấp nhận.
Đảng CPP của Hun Sen đã thực hiện được tốt hơn cả mong đợi, nhưng họ không có đủ hai phần ba đa số phiếu cần thiết để thành lập chính phủ để có thể tiếp tục duy trì kết quả của cuộc bỏ phiếu vì sự tin tưởng. Tình trạng thiếu đa số phiếu đã buộc Hun Sen phải đi đến một chính phủ liên hiệp. Ông đã đề nghị thành lập chính phủ với Ranariddh, nhưng vị hoàng tử này đã từ chối lời đề nghị của ông bằng tuyên bố rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận. Các đơn khiếu nại của phe đối lập đã được các giới chức bầu cử điều tra và thấy chúng thiếu các căn cứ đáng tin cậy.
Cuối cùng, những lời phản kháng của Ranariddh và Rainsy đã không còn được hầu hết các nhà ngoại giao đếm xỉa đến nữa. 800 quan sát viên quốc tế và 2 vạn viên chức bầu cử địa phương cho rằng dù cơ cấu hành chính hiện nay có thiên vị Đảng CPP, nhưng họ không thể tìm thấy bằng chứng nào có sự gian lận nghiêm trọng. Họ nói là đã không thể phát hiện ra sự gian trá đáng kể. Ngay cả các quan chức Mỹ còn gọi cuộc bầu cử là “thực hiện thành công bằng chính sự quyết tâm của một dân tộc”. Trong số 5,4 triệu cử tri đã đăng ký, thì 90% số cử tri đã thực sự đi bầu và đa số cho thấy sự ngưỡng mộ Hun Sen hơn. Các nhà ngoại giao cho rằng kết quả là một cú gây số cho Ranariddh và Rainsy, những người không chịu chấp nhận kết quả trừ khi chính họ chiến thắng.
Đối với Hun Sen, sự thắng lợi bầy cử còn để cao một thắng lợi thậm chí còn lớn lao hơn: ông đã có tính hợp pháp dưới con mắt của chính người dân của ông. Và việc trở thành tư cách thành viên của ASEAN chỉ còn trong tầm tay. Những mong đợi đang dâng cao trong Đảng CPP là không bao lâu chính phủ sẽ có thể giành lại được chiếc ghế của họ tại Liên Hiệp Quốc, một chỗ còn để trống từ tháng 7 năm 1997, khi quân đội lật đổ Ranariddh.
Kỳ thủ say mê ấy đã trở thành cao thủ từ các ván cờ ngay bên lề đường cho tới các chiến lược cao tay đã tạo ra những nước cờ để cho ông và đảng của ông thành công. Ông đã thí một quân cờ quan trọng trong cuộc bầu cử năm 1993, khi ông đồng ý thành lập chính phủ mà ông là một đối tác kèo dưới trong nhiệm kỳ Thủ tướng của Ranariddh. Từ đó trở đi, ông đã đưa ra một loạt các nước cờ nhanh chóng để củng cố cho chính mình dù đang phải nhân nhượng với các đối thủ của mình. Trước hết, Sam Rainsy, một người chỉ trích chính phủ đã bị bãi miễn vào năm 1994, rồi đến Sirivudh, Tổng bí thư đảng Funcipec đã bị buộc tội âm mưu giết Hun Sen và vào năm sau bị trục xuất khỏi đất nước. Trong suốt năm 1997, Hun Sen ly gián Khơme Đỏ hiệu quả bằng một liên minh có lợi với một trong những người lãnh đạo hàng đầu của họ, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Khơme Đỏ, Ieng Sary, và sau đó ông đã gây rạn nứt phe bảo hoàng bằng cách tiếp quản quân đội vào tháng 7. Khoảng một tháng sau, Pol Pot bị chính các cán bộ của ông ta đưa ra xét xử ở trong cánh rừng Anlong Veng đầy nghi kỵ và phụ bạc, một sự kiện đã làm tán loạn hàng ngũ kẻ thù của ông.
Nước cờ cuối cùng? Hun Sen đã phải nắm chắc rằng cuộc bầu cử được tự do và công bằng càng nhiều càng tốt. Ông cần cho thế giới biết là ông còn được dân chúng ngưỡng mộ hơn những người bảo hoàng.
Mối đe dọa tiềm tàng duy nhất còn lại là Sihanouk. Nhưng nguy cơ này nhanh chóng bị vô hiệu hóa. Quốc vương đau ốm liên miên ấy đã công khai thừa nhận tư cách của Hun Sen là một nhân vật xuất chúng, và đối xử với ông bằng sự ngưỡng mộ như những nhân vật xuất chúng từng có được. Sau khi con trai ông, Ranariddh bị lật đổ, Sihanouk không còn hậu thuẫn cho Ranariddh nữa, nhưng đã ủng hộ quyền đòi hỏi của Hun Sen về chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, khi Ranariddh đã từ chối thành lập chính phủ liên hiệp sau khi các kết quả cuộc bầu cử tháng 7 được công bố, Hun Sen đã giành được sự ủng hộ của Sihanouk. Nhà vua đã cố thuyết phục con trai ông và Rainsy thành lập chính phủ liên hiệp với Hun Sen vì quyền lợi quốc gia lớn hơn.
Khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, Hun Sen đã vui mừng không sao tả hết. Thậm chí giá trị của đồng riel đã tăng lên sau thắng lợi của ông, và các doanh nhân đã tiên đoán là một kỷ nguyên hưng thịnh cuối cùng đã đến. Đồng tiền này đã trở nên mạnh hơn, trước bầu cử gần 4.200 riel mới đổi được 1 đô la Mỹ, nay chỉ còn 3.000 riel, phần lớn nhờ vào những hy vọng về sự ổn định được hồi phục.
Khi sự đồng thanh phản kháng của Ranariddh, Rainsy và những người ủng hộ họ kêu gào cuồng loạn, và khi các yêu sách của họ đòi đếm lại phiếu, thậm chí bầu cử lại được họ gào thét trên các đại lộ yên tĩnh của thủ đô, thì nhân vật xuất chúng đang nổi lên ấy đã thu hút được sự cổ vũ và tin tưởng từ phía những người ủng hộ mà cộng đồng quốc tế đã dành cho ông. Sức ép dồn lên ông qua việc các đảng đối lập rời bỏ nhiệm sở đã gặp phải sự phản kháng bằng áp lực của cộng đồng quốc tế thúc ép họ phải chấp nhận kết quả bầu cử và thành lập chính phủ liên hiệp do Hun Sen đứng đầu. Ngoại trưởng Phillipines, Domingo Siazon đã thúc giục Hun Sen và Ranariddh thành lập chính phủ liên hiệp như là bước đầu tiên hướng đến việc được chấp nhận là một thành viên của ASEAN.
Siazpn nói “Các nhà lãnh đạo chính trị của Campuchia không thành lập chính phủ chỉ vì những tham vọng cá nhân của họ sẽ rất trái đạo lý, có nghĩa là vô trách nhiệm”.
Tổng thống Pháp, Jacques Chirac nói thêm “các nhà quan sát quốc tế đã đánh giá cuộc bầu cử là tự do và công bằng. Cuộc bầu cử này trước hết là sự thành công cho Campuchia, và cho nhân dân Campuchia. Yếu tố cần thiết ngày nay chủ yếu là để các lực lượng chính trị chính của đất nước hành động vì nguyện vọng đã được nhân dân Campuchia bày tỏ”.
Hun Sen chợt nhận ra ngay là sự trở ngại chính trị ấy chỉ có thể được tháo gỡ bằng sự can thiệp của Sihanouk. Vào đầu tháng 8, sau khi vẫn còn những bóng tối ảm đạm trong hàng tuần, Sihanouk đã cố gắng khai thống bầu không khí tranh giành ồn ào bằng việc đề nghị tổ chức cuộc thảo luận giữa ba đảng phái chính và Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) đã tổ chức cuộc bầu cử ấy. Điều đó không mấy có tác dụng với những đầu óc nóng nảy.
Khi ấy Hun Sen thấy trên đường phố ở thủ đô tràn ngập hàng ngàn những kẻ phản đối đòi ông từ chức, ông không còn có thể để yên được vấn đề đó nữa. Ông cho biết sẽ sửa đổi Hiến pháp, nếu cần, để cho phép ông điều hành đất nước. Các đảng viên của ông đã thu thập đầy đủ chữ ký của các nghị sĩ Quốc hội mới đắc cử để bảo đảm là nguyên tắc hai phần ba đa số phiếu có thể được hủy bỏ.
NEC chính thức tuyên bố Đảng CPP là đảng thắng cử vào ngày 1 tháng 9, đang đặt ra sự thử thách cuối cùng cho phe đối lập. Cơ quan phúc thẩm tối cao là hội đồng lập hiến đã từ chối các khiếu nại về tình trạng gian lận và thực hiện trái nguyên tắc. Các kết quả đã cho thấy Đảng CPP giành được hươn 2 triệu phiếu, chiếm hơn 41% trong tổng số 4,9 triệu phiếu bầu đã đem lại cho đảng này 64 ghế trong Quốc hội. Đảng Funcipec về thứ hai với 1,5 triệu phiếu, khoảng 32% tổng số phiếu, giành được 43 ghế trong Quốc hội. Đảng của Sam Rainsy đứng thứ ba với gần 700.000 phiếu, chiếm khoảng 14% tổng số phiếu hoặc 15 ghế trong Quốc hội.
Riêng Rainsy đã không chịu chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử. Ông đã đi qua giới hạn cho phép bằng việc thúc giục binh lính Campuchia quay súng chống lại Hun Sen, và đề nghị Mỹ tấn công bằng tên lửa và bom thông minh vào cơ quan đầu não của Hun Sen. Tòa đại sứ Mỹ ưor Phnom Penh đã phản bác lại những lời bình luận của ông ta mà nhiều nhà ngoại giao đã xem đó như là một thủ đoạn nhằm khiêu khích Hun Sen phải dùng đến bạo lực để toàn bộ cuộc bầu cử sẽ không còn được tin tưởng nữa.
Đối với Hun Sen, ông có thể đoán trước được sự thắng lợi sẽ có hiệu lực. Ông bắt đầu suy nghĩ và vạch ra kế hoạch giống như một Thủ tướng thậm chí ngay cả trước khi ông được chính thức nhậm chức. Ông đã cam kết tạo ra một “chính phủ kinh tế” để ổn định tiền tệ, kiểm soát lạm phát và giảm thâm hụt ngân sách. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Asian wall street Journal, ông đưa ra một sự thú nhận gây ngạc nhiên: ông chấp nhận sự chỉ trích việc khai thác rừng bừa bãi tràn lan đã tàn phá đất nước, và hứa không còn dựa vào nguồn thu nhập từ việc hạ đốn cây nữa. Ông đã đề cập đến việc giảm một nửa qui mô lực lượng vũ trang hiện nay khi Khơme Đỏ không còn là mối đe dọa nữa. Ông nói, quốc gia của ông không còn có thể gánh vác nổi việc trả lương cho hơn 20 vạn nhân viên an ninh và khả năng tối đa có thể chi phí cho lực lượng vũ trang là 7 vạn người.
Người cựu du kích ấy cuối cùng đã được hợp pháp hóa sau khi thắng cử, và nay ông nhìn tương lai bằng màu hồng tươi đẹp hơn. Ông tin tằng Campuchia sẽ trở thành một thành viên của ASEAN vào tháng 12 năm 1998.
Ông nói “Tôi sẽ đi Hà Nội với hai sự chọn lựa: khả năng thứ nhất là sau khi được chính thức kết nạp, chúng tôi sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách thành viên. Khả năng thứ hai là chúng tôi sẽ đến đó để được chính thức kết nạp”.
Nhận ra được sự đột phá đã nằm trong tầm tay, vào ngày 31 tháng 8 Hun Sen đã viết thư cho Thủ tướng Thái Lan, Chuan Leekpai, để yêu cầu về tư cách thành viên của ASEAN. Trong thư, Hun Sen nói “Campuchia lúc nào cũng nhận được lời cam kết rõ ràng cho tư cách thành viên ASEAN để có được cái nhìn tốt đẹp của tất cả các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á trong một gia đình ASEAN”.
Ông nói, ASEAN gồm 9 nước, và khi mà Campuchia trở thành thành viên thứ mười, thì tầm nhìn sắc bén của mười nước ASEAN sẽ được hiểu rõ. Trong tinh thần đó, ông yêu cầu Thủ tướng Chuan nhấn mạnh đến trường hợp của đất nước ông tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao của ASEAN ở New York vào cuối tháng 8.
Nhưng một lần nữa, nhà chính trị dày dạn này lại bị thất vọng. Cuộc họp của các nước trong khối ASEAN vào cuối tháng 8 đã từ chối Campuchia. Các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cho biết rằng họ đã trì hoãn việc kết nạp Campuchia vì nước này chưa thành lập được chính phủ hợp pháp.
Khi hội đồng lập hiến, cơ quan phúc thẩm tối cao với nhiều người có cảm tình với chính đảng của Hun Sen, đã bác bỏ các yêu cầu của phe đối lập đòi đếm lại phiếu bầu vào ngày 1 tháng 9, khoảng 15.000 người ủng hộ Ranariddh và Rainsy đã xuống đường. Bị kích động bởi những lời nói khoa trương có tính sô vanh chống Việt Nam, một nhóm những người phản đối đã phóng hỏa đài kỷ niệm đánh dấu cuộc giải phóng của Việt Nam vào năm 1979. Chính phủ đã không can thiệp để giải tán cuộc biểu tình ngồi một chỗ của quần chúng tại Phnom Penh, vì e ngại họ sẽ bị buộc tội phá hỏng tiến trình dân chủ. Nhưng chính phủ đã buộc phải ra tay khi vào ngày 7 tháng 9, một kẻ tấn công giấu mặt đã ném lựu đạn vào tư dinh của Hun Sen. Cha ông ở tại nhà, nhưng không ai bị thương và chỉ bị thiệt hại nhỏ. Hun Sen đã trở nên lo lắng hơn về sự an toàn của gia đình ông.
Các cuộc xung đột nổ ra khi cảnh sát đến giải tán những người phản đối đang dựng trại tại các nơi công cộng. Một số người phản đối đã bị thương và một nhà sư được cho là đã bị giết. Hun Sen vẫn bình tĩnh đối diện với những người phản đối này, ông biết đó chỉ là thái độ nhắm vào việc củng cố lập trường đòi thương lượng của phe đối lập tại cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp mới. Thậm chí khi những cuộc phản đối đang tiếp diễn, ít nhất bốn đảng viên Funcipec đã đang để mắt nhắm đến chức Bộ trưởng Bộ Du lịch.
Sự dự đoán về tình hình này của Hun Sen là chính xác. Không còn nghi ngờ gì nữa, vào giữa tháng 9, Ranariddh và Rainsy đã bỏ tất cả các yêu sách liên quan đến cuộc bầu cử, ngoài hai đòi hỏi – ghi chép lại tất cả những lá phiếu đã dùng, chưa dùng và còn dự trữ, và sử dụng một công thức khác để xác định việc phân chia các ghế tại Quốc hội. Họ viện cớ rằng sự phân chia số ghế trong Quốc hội đã bị thay đổi trái pháp luật trước cuộc bầu cử để tạo thuận lợi cho đảng cầm quyền.
Để nhắc nhở phe đối lập nhớ rằng ông là người thắng cử, Hun Sen đã báo trước là Đảng CPP có ba sự chọn lựa – thành lập chính phủ liên hiệp với Đảng Funcipec của Ranariddh; sửa đổi Hiến pháp và xóa bỏ nguyên tắc hai phần ba đa số phiếu và đơn phương thành lập chính phủ; hoặc đơn giản hơn là kéo dài thời gian cầm quyền của chính phủ hiện hành.
Hun Sen đã trải qua một cuộc sống dường như có phép mầu phù hộ. Ông đã bình an vô sự thoát khỏi sự mưu sát vào ngày 24 tháng 9, khi ông đang đi xe đến dinh Sihanouk ở Sieam Reap. Một quả B-40 đã bắn vào xe của ông, nhưng nó đã trượt khỏi đoàn xe hộ tống và trúng vào một căn nhà chỉ cách xe của Hun Sen 10 mét, giết chết một bé trai 12 tuổi và làm cho 3 người khác bị thương. Sau đó Hun Sen đi theo đoàn nghị sĩ Quốc hội đến khu phế tích để làm lễ tuyên thệ tại đền Angkor Wat.
Ông nói “Đây rõ ràng là một âm mưu cố tình giết tôi”. Ông muốn ám chỉ tới phe đối lập đứng đằng sau vụ tấn công này và bác bỏ rằng chuyện đó có dính líu tới tàn quân du kích Khơme Đỏ.
Hun Sen nói “Chuyện giết Hun Sen sẽ không kết thúc được vấn đề. Điều đó sẽ còn khiến cho vấn đề càng tệ hại hơn. Tôi cảm thấy rằng nếu Hun Sen chết, thì những cái chết của những người lãnh đạo phe đối lập sẽ không xa sau đó. Nếu lãnh đạo các phe đối lập cố vấn cho những người của họ tiến hành các động thái này, tôi nghĩ tương lai của họ sẽ không tốt đẹp.
Trưởng công an Hok Lundy đã buộc tội phe đối lập về vụ tấn công này.
Ông Hok nói “Những nhà lãnh đạo Đảng Funcipec và Đảng của Sam Rainsy luôn nói rằng quân đội và công an sẽ giết Hun Sen, và sau đó họ đã ném hai quả lựu đạn vào nhà của Hun Sen. Họ dùng các phương tiện khác nhau để giết Hun Sen và chúng tôi tin rằng Sam Rainsy là người đứng đầu. Đúng, chúng tôi dám chắc 100% là các đảng đối lập đứng đằng sau sự việc này và họ đã hợp tác với nhau để giết ông ta”.
Cả Rainsy và Ranariddh đều nói họ không hay biết gì về vụ tấn công ấy. Sau đó, ba quả rốc két được phát hiện ở gần hiện trường vụ nổ. Cảnh sát cho biết các quả rốc két điều khiển bằng tay đã được gắn bộ điều khiển từ xa, và chỉ duy nhất một ngòi kích nổ được do trời mưa to ngày hôm trước. Một tờ giấy có ghi nội dung khó hiểu được tìm thấy trong một hộp pin “Ong Chúa sẽ loại dần tất cả các kẻ độc tài của dân tộc. Hôm nay, kẻ độc tài quan trọng nhất của dân tộc phải bị kết liễu”.
Hun Sen liên hệ vụ tấn công này với một vụ đã xảy ra một tháng trước đó, và ông đã treo thưởng 200.000 đô la cho những kẻ tấn công nếu họ chỉ tên kẻ đầu sỏ của họ.
Hun Sen nói “Nếu những nhà lãnh đạo phe đối lập không chỉ thị cho các lực lượng của họ ngưng tiến hành các hoạt động đe dọa sinh mạng của tôi, họ sẽ chết sau khi đã phải chịu đau đớn thảm khốc nhất. Đối với một con rắng, nếu chúng tôi không đánh vào đầu nó, nó vẫn có thể cựa quậy và cắn lại. Vì vậy, chúng tôi phải đánh vào đầu nó, chứ không phải vào đuôi”.
Ông đã hủy bỏ tham dự một buổi chiêu đãi trọng thể sau lễ tuyên thệ của các tân nghị sĩ Quốc hội, và rời khỏi bằng máy bay trực thăng. Ngày hôm sau cả Ranariddh và Rainsy đều vội vã lên đường sang Bangkok, bỏ mặc các đảng viên của họ sợ hãi kêu lên chính phủ có thể sẽ trừng phạt họ bằng hành động khốc liệt. Cảnh sát cho biết họ đang theo dõi hai kẻ tình nghi, một kẻ là cựu binh Khơme Đỏ có liên hệ với đảng của Sam Rainsy.
Trước đó, một cố gắng ám sát Hun Sen đã được tiến hành vào năm 1996. Hai kẻ bắn tỉa đã bắn vào xe của ông khi đi ngang qua một nhà máy sản xuất quần áo ở thành phố Kandal. Một viên đạn đã bắn trúng mũ sắt của người đi mô tô hộ tống, khiến người này bị tử thương. Hun Sen bình yên vô sự và tiếp tục từ tư dinh của ông ở Takhmau tới Điện Chamcarmon ở Phnom Penh.
Ngay trước đi Thái Lan, Ranariddh đã nói rằng Đảng Bảo hoàng của ông sẽ dứt khoát là một thành phần của chính phủ mới. Việc lo ngại về sự nổi loạn bên trong đảng của ông buộc ông chấp nhận đề nghị thành lập chính phủ liên hiệp với Hun Sen. Ranariddh thấy đảng của mình chia rẽ thành nhiều phe phái, và giọng điệu “lên lớp” của ông đã bị nhiều đảng viên có thế lực không ưa, một số họ đã tổ chức các cuộc thảo luận bí mật với Đảng CPP để thăm dò xem họ có thể giữ vai trò gì trong chính phủ tương lai.
Sihanouk cũng đã khiển trách Ranariddh nặng nề. Quốc vương thấy rõ là nếu người con trai của ông không thành lập chính phủ liên hiệp, ông ta sẽ làm tan vỡ thêm Đảng Bảo hoàng. Dưới sự thúc giục của Sihanouk, cuôi cùng về nguyên tắc, Ranariddh đã đồng ý.
Prak Sokhon, một cố vấn của Hun Sen, đã nhận định “Hôm nay, Ranariddh nói ông ta sẽ gia nhập chính phủ liên hiệp, rồi hôm sau ông ta lại nói sẽ không tham gia nữa”.
Tương lai của chính phủ đang lâm nguy, vì những người bảo hoàng sẽ từ chối đàm phán cho tới khi các yêu sách của họ được đáp ứng. Vào ngày 7 tháng 10, Hun Sen cho biết chính phủ của ông sẽ tiếp tục điều hành chính phu cho tới khi có thể đi đến sự thỏa hiệp với Ranariddh. Ông chỉ thị cho các Bộ trưởng của ông và công chức phải tiếp tục làm việc cho tới khi chọn được những người thay thế. Nhưng đảng của Sam Rainsy khiếu nại là nhiều Bộ trưởng đã không giành lại được các ghế ở Quốc hội của họ thì không có quyền tiếp tục tham gia chính phủ.
Sự can thiệp của Sihanouk đã thành công. Đảng CPP và Funcipec đã khai thông được tình trạng bế tắc, và đã tìm ra một sự thỏa hiệp phức tạp vào ngày 14 tháng 11 để thành lập chính phủ. Rainsy bị loại ra ngoài sự dàn xếp ấy. Hun Sen sẽ trở thành Thủ tướng, và Ranariddh là Chủ tịch Quốc hội. Để sắp xếp thích hợp cho lãnh tụ tối cao của Đảng CPP, Chea Sim, một thượng viện mới được thành lập để cho ông đứng đầu.
Theo sự thỏa hiệp, Đảng CPP được chọn các Bộ nhạy cảm nhất, gồm Bộ Ngoại giao, Tài chính, Thương mại, Nông nghiệp và Viễn thông, đồng thời đảm trách các công việc quốc tế và kinh tế. Đảng Funcipec nắm giữ các Bộ gồm Tư pháp, Thông tin, Hàng không dân sự và hai chức Bộ trưởng không mấy quan trọng.
Các thực tại chính trị tiếp tục ám ảnh đất nước. Rõ ràng là Hun Sen đã tìm cách đạt được sự thỏa hiệp với Ranariddh bằng cách đem đến cho các đảng viên của ông ta các chức vụ béo bở trong chính phủ. Do đó, Đảng Funcipec không còn là một đảng đối lập lớn tiếng phản đối nữa, không ít thì nhiều đã hợp tác với Hun Sen. Nhưng để giữ cho các đối tác liên hiệp của ông vui vẻ, Hun Sen đã phải tiếp tục hành động một cách thận trọng dè dặt.
Chính phủ mới còn cồng kềnh đã tạo gánh nặng cho kho bạc nhà nước. Để đạt được sự thỏa hiệp, Đảng CPP đã tăng gấp đôi số Bộ trưởng và thứ trưởng được kết nạp và để thỏa mãn nhiều người, Chính phủ buộc phải tìm cách mới để cắt giảm chi phí và tăng thêm thu nhập. Công chức không còn có thể nhập khẩu xe hơi miễn phí. Lương và điện thoại di động của họ mua về phải chịu thuế. Hun Sen đã đi đầu để làm gương: ông giảm bớt số các cố vấn tùy tùng từ hơn 100 người xuống chỉ còn 10 người.
Quốc gia đã phải trả giá để đạt được sự ổn định chính trị. Nhưng điều đó là các kết quả hữu ích? Vì lần đầu tiên trong 30 năm, đất nước này ở trong tình trạng hòa bình. Điều đó chắc chắn đáng giá?
Đúng như mong đợi, Thủ tướng Hun Sen và chính phủ liên hiệp mới còn cồng kềnh của ông đã giành được số phiếu tín nhiệm trong Quốc hội vào ngày 30 tháng 11. Trong vòng vài ngày, Liên Hiệp Quốc đã quyết định trao cho Campuchia chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc dành cho những người đại diện của Hun Sen.
Nhưng vào đầu tháng 12, hy vọng được gia nhập vào ASEAN của Campuchia nhanh chóng bị thất vọng khi các nhà lãnh đạo của Singapore, Thái Lan và Phillippines cản trở việc họ gia nhập. Trước hết, ba nước này muốn hiểu rõ việc tạo ra một thượng viện mới như thế nào. Mặt khác, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Myanmar hậu thuẫn mạnh mẽ việc kết nạp ngay Campuchia, đưa ra một cách giải quyết cho tình hình còn có thể bị nguy cơ theo hướng nhất trí chung có lợi cho ASEAN
Nhưng ASEAN đã bỏ ngỏ cửa cho Hun Sen. Ông đã được mời tham dự hội nghị cấp cao ASEAN ở Hà Nội vào tháng 12 năm 1998 như một vị khách mời, và ông đã khai thác cơ hội ấy triệt để nhất. Bằng một bài diễn văn thật tinh tế, Hun Sen đã cao giọng kêu gọi cho đất nước ông được gia nhập vào nhóm các nước trong khu vực, bằng cách phác họa lên một bức tranh đầy hứa hẹn tốt đẹp về quốc gia ông, với nhiều thính giả nghe còn hoài nghi. Ông nói, cuộc tổng tuyển cử của Campuchia đã được tổ chức đúng thời gian với sự tham gia của 39 chính đảng, và số cử tri đi bầu hơn 90%. Ông đã công bố thật mạnh mẽ sự kiện là cuộc bầu cử đã được hơn 700 quan sát viên quốc tế hoan nghênh là tự do và công bằng, được một số người nước ngoài mô tả là “Phép mầu trên dòng sông Mê kông”. Ông đã tạo được động lực thúc đẩy Đảng Funcipec và CPP đi đến thành lập một chính phủ liên hiệp, và hiệp ước giữa hai đảng trong việc thiết lập một diễn đàn chính trị chung để củng cố sự ổn định chính trị.
Quay sang tình trạng của quốc gia, ông nói là nền kinh tế đã tăng trưởng khoảng 2% vào năm 1997 theo xu hướng khu vực và toàn cầu. Trong cùng năm đó, nền kinh tế của Thái Lan đã giảm khoảng 1,7% sau khi bị vấp phải cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á. Ông nói, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và trong nước ở Campuchia đã đạt tới 800 triệu đô la trong 9 tháng đầu năm 1998, vẫn giữ ở mức ngang bằng với năm trước và nhấn mạnh đến một điểm quan trọng là sau sự tiếp quản đẫm máu năm 1997, sự tin tưởng vào đất nước ông đã tăng dần.
Sau đó, ông đã viện dẫn cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á liên tiếp để đưa ra lập luận là ASEAN cần củng cố sự đoàn kết chặt chẽ nhằm đối đầu với những thách thức đã làm bần cùng hóa các nước Đông Nam Á. Ông cam kết Campuchia sẽ đẩy mạnh tiến trình cải tổ thị trường  và tạo ra hệ thống pháp lý tự do và minh bạch, vì việc gia nhập ASEAN là một ưu tiên. Những người đứng đầu chính phủ của các nước trong khối ASEAN đang lắng nghe chăm chú có vẻ như đã được truyền cho cảm nghĩ tích cực bởi sự chân thành đơn sơ của Hun Sen.
Bốn tháng sau đó, giấc mơ lớn nhất của Hun Sen đã trở thành hiện thực đúng như ông mong muốn. Cuối cùng, Campuchia đã gia nhập ASEAN vào ngày 30 tháng 4 năm 1999 ở Hà Nội, trung tâm chính trị của liên minh vững chắc nhất của ông mà nhờ đó ông đã thăng tiến trên con đường sự nghiệp chính trị của mình. Sau hai năm tranh đấu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia, Hor Nam Hong và 9 Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN khác đã ký một bản tuyên bố chính thức kết nạp Campuchia. Đối với Hun Sen, đó là một thắng lợi cơ bản sau một cuộc tìm kiếm tư cách chính trị hợp pháp kéo dài mà lắm lúc đã phải cảm thấy thất vọng. Những kẻ thù trước đây của ông trong ASEAN bây giờ đã ôm chặt lấy ông và ông cũng đã thể hiện sự thân thiện với họ.
Bóng đen đã làm hoen ố sự nghiệp của Hun Sen là chuyện phỏng đoán về những năm ông còn là một chỉ huy Khơme Đỏ, cho là ông đã thực hiện các chỉ thị của cấp trên giết những người Campuchia vô tội. Trong thời gian cai trị từ năm 1975 đến 1979, Khơme Đỏ đã bỏ cho chết đói, tra tấn và giết khoảng 1,7 triệu người dân vô tội ở thành phố và các vùng nông thôn. Những nạn nhân vô tội của nạn diệt chủng là các nhà sư Campuchia và các dân tộc thiểu số, chẳng hạn như người Việt Nam, người Hoa, Thái và người Chăm theo Hồi giáo.
Phản ứng lại với thắc mắc là liệu bàn tay của ông có vấy máu người vô tội hay không, ông nói “(Đối với những người nêu ra câu hỏi như thế) Tốt hơn không nên hỏi tôi, nhưng hãy hỏi những người sống trong các vùng đó (nơi đã xảy ra các vụ giết chóc). Tôi không muốn trả lời các luận điệu này, nhưng dân chúng biết sự thật. Dân chúng ở các khu vực đó chỉ trích Sihanouk, nhưng không chỉ trích Hun Sen. Họ ủng hộ Hun Sen. Có lẽ nào người dân yêu thương kẻ đã tiến hành các vụ thảm sát? Dân chúng vẫn còn nhớ thời gian tôi ở các vùng đó. Xin hãy đến các khu vực đó để chính quý vị điều tra”.
Một cuộc điều tra độc lập về tội diệt chủng được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ và tiến hành bởi các nhà nghiên cứu của đại học Yale đã không tìm ra được bằng chứng cho thấy Hun Sen có dính líu đến các vụ thảm sát. Sự thật là sự ảnh hưởng của Hun Sen trong hàng ngũ Khơme Đỏ đã bị giới hạn chỉ về mặt quân sự. Là một cán bộ chỉ huy trong quân đội, ông không cần phải phát triển các mối liên lạc với các cán bộ chính trị cầm quyền. Ông chưa bao giờ gặp Pol Pot, Nuon Chea (người đã phục vụ dưới trào Pol Pot là phó bí thư Đảng cộng sản Campuchia ) hoặc Khieu Samphan (người đứng đàu Đoàn Chủ tịch nước của Campuchia Dân chủ dưới thời Pol Pot). Nhưng ông đã gặp Ieng Sary một lần vào cuối năm 1972, lúc ấy Sary đến vùng giải phóng. Vào thời điểm đó, Sary làm việc cho Sihanouk, là phái viên đặc biệt ở hải ngoại.
Suốt giữa thập niên 1990, Hun Sen đã triển khai một chiến lược mới, lúc ấy gây ra nhiều bàn cãi để ly gián Khơme Đỏ bằng cách khuyến khích những nhà lãnh đạo hàng đầu của họ rới bỏ hàng ngũ chạy sang phía chính phủ. Từ số quân hiện có là 50.000 lính chiến đấu vào lúc cao điểm, quân số Khơme Đỏ giảm dần xuống còn 4.000 tay súng vào năm 1993, và chỉ còn khoảng 1.000 quân vào năm 1997. Hun Sen đã khuấy động tình trạng tan rã của họ bằng cách đồng ý ân xá cho Sary, do đó đã chia rẽ họ thành các phe phái nhỏ hơn mà họ đã tìm kiếm sự thương lượng cũng chỉ để thoát khỏi sự trừng phạt. Sự ân xá được đưa ra cho Sary không phải chắc chắn như được ghi tạc vào đá. Khi nhân dân Campuchia kêu gào đòi đưa những người cầm đầu Khơme Đỏ ra xét xử, thì sự ân xá ấy dường như chỉ là một sự giảm tội tạm thời, một kiểu nghi binh của Hun Sen để ly gián phe du kích.
Khi Khieu Samphan và Nuon Chea chịu quy hàng chính phủ Campuchia vào tháng 12 năm 1998, vấn đề đưa ra tòa xét xử có khả năng gây ra bất đồng tiếp diễn sôi sục. Bộ đôi này đã làm tăng thêm sự xúc phạm khi họ nói “Xin lỗi” về các tội ác chống lại nhân loại, và sau đó nhanh chóng rút vào nơi tiện nghi mát mẻ, ở các phòng nghỉ một đêm tốn hết 105 đô la tại khách sạn hạng sang Le Royale ở Phnom Penh, lúc ấy lẽ ra họ đã phải bị nhốt vào trại giam T-3 của thành phố. Rõ ràng, đúng là họ đang cố gắng thoát khỏi sự trừng phạt về tội thảm sát hàng loạt.
Hun Sen vẫn giữ vững lập trường của mình bằng cách nhất định đòi họ sẽ phải đối mặt với một phiên tòa xét xử. Thậm chí người chỉ trích chính phủ gay gắt nhất, Sam Rainsy, cũng đưa ra lời ủng hộ đề nghị của Hun Sen. Thế nhưng còn một tướng Khơme Đỏ, Ta Mok, cũng được gọi là “tay đồ tể” vẫn còn thong dong và trở thành mối băn khoăn lo ngại nếu ông ta được để cho tung hoành ở trong rừng, thì ông ta sẽ có thể củng cố lại lực lượng đã bị thất trận, và một lần nữa trở lại kiểm soát một vùng đất của Campuchia. Đáng ngại hơn, các nhóm người Khơme Đỏ có thể tập hợp chung quanh ông ta và biến thành những tên cướp đi khủng bố dân chúng.
Một số người Campuchia không trung thực nói rằng bới móc vấn đề đó là vô nghĩa, và họ cho rằng cách tốt nhất để hòa giải dân tộc là xóa bỏ ý định tổ chức phiên tòa xét xử. Nhưng điều này sẽ đặt ra một tiền lệ vô đạo lý đối với tội ác táng tận lương tâm và đưa đất nước đi vào con đường hiểm nghèo. Nếu có thể nói được như thế, thì cách để chữa lành vết thương ấy, buộc nhân dân phải đưa quá khứ đã bị chôn vùi ra vạch trần công khai, dám đương đầu với nó và trừng trị tội lỗi đó để làm gương. Không có sự xét xử nào, mọi tên cướp sẽ thầm hiểu là chúng có thể dùng súng mà không sợ pháp luật, và sẽ báo  hiệu cho tàn quân Khơme Đỏ là chúng có thể tập hợp lại và giữ mãi sự mơ tưởng của chúng.
Hơn nữa, việc xét xử được tổ chức ở tòa án Campuchia còn có tầm quan trọng quyết định. Ở phạm vi rộng, thảm kịch Campuchia là kết quả từ sự phá hoại của Mỹ trong thời chế độ trung lập của Hoàng thân Sihanouk. Hành động ném bom bí mật Campuchia của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã kích động lòng căm giận của người Khơme và tạo ra những con người cuồng tín, chẳng hạn như Pol Pot, và làm nảy sinh phe Khơme Đỏ. Pol Pot đã khinh miệt phương Tây về chuyện tàn phá đất nước của ông ta, và bằng sự cuồng nhiệt muốn tiêu diệt tất cả các dấu vết của phương Tây từ cộng đồng Khơme, ông ta đã giết chính người dân của mình. Là một kẻ thủ đoạn chủ động và ủng hộ phe phái trong đời sống chính trị Campuchia, sự bắn phá không thương xót của Mỹ xuống một đất nước nghèo nàn và vai trò mập mờ không kiên định của Sihanouk, họ đã loan tin rộng rãi là Washington có quyền theo đạo lý để tự cho mình có quyền xét xử về những cố gắng khó nhọc của Campuchia ngày any.
Một phiên tòa xét xử những nhà lãnh đạo Khơme Đỏ đang lâm vào nguy cơ bị một vài nước đóng vai trò bí mật hậu thuẫn Pol Pot để cho chìm xuống. Những nước hậu thuẫn ông ta trước đây đã được biết rõ. Bằng sự nỗ lực của họ lật đổ chính phủ Hun Sen vào những năm 1980, Trung Quốc, phương Tây và ASEAN đã hậu thuẫn Khơme Đỏ. Cụ thể là Trung Quốc đã công khai phản đối việc tổ chức phiên tòa xét xử vì vai trò đáng ngờ của họ sẽ trở nên rõ ràng. Điều đó còn là một sư bưng bít công lý rõ rệt, nếu tính tư lợi hẹp hòi của một vài quốc gia đã khiến cho họ phải ngăn cản phiên tòa xét xử nhằm che giấu sự ủng hộ Khơme Đỏ đang bị chỉ trích của họ.
Có nhiều người vẫn nói tới nói lui về sự kiện Hun Sen cũng phải bị đưa ra phiên tòa xét xử, vì ông là thành phần của Khơme Đỏ cho tới khi ông rời bỏ hàng ngũ trốn sang Việt Nam vào năm 1977. Sự thật là ông không phải là người có quyền đưa ra các quyết định ở phe Khơme Đỏ  Ông là một người chỉ huy về quân sự, đã chạy trốn khi được yêu cầu tấn công người vô tội. Nếu Hun Sen bị đưa ra xét xử thì Nhà vua Sihanouk cũng phải bị xét xử, vì ông đã là người đứng đầu nhà nước trong một thời gian khi Pol Pot cai trị. Nhưng những người điều tra đã không phát hiện thấy có sự dính líu đến hai người này.