Lê Minh HàBão được báo trước. Tối tối tivi thông báo từng bước đi của nó. Hướng bão. Sức gió. Bão lần này sẽ đổ vào vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những vùng chịu ảnh hưởng của bão. Người lớn nhà nghèo dặn con xem lại can dầu và lau ống thông phong. Người lớn nhà giàu loay hoay nạp điện cho mấy cái đèn neon nhỏ. Mấy bà chép miệng rồi gạo lại lên đùng đùng. 'Rau nữa. Dập nát hết. Mấy con mẹ bán rau thế nào cũng thẽ thọt bác đi cả chợ xem có kiếm được mớ rau nào ngon hơn rau em không?' Và tất cả cười ù, háo hức chờ 'Một mình chống lại maphia.' Diễn viên dũng cảm y như thật. Cơn bão mạnh không ngờ. Dù Hà Nội chỉ là vùng chịu ảnh hưởng. Gió lồng lộn. Gió khan. Cả khu tập thể chẳng nhà nào còn cửa kính từ hơn hai mươi năm trước, khi Mỹ đánh phá khu vực Vĩnh Tuy và làng Thanh Nhàn bên đê. Thư đã cẩn thận cặp chặt một tấm nilon vào hai cánh cửa chớp, lại còn chặn thêm cả cái thớt gỗ nghiến nặng chịch mẹ thỉnh từ quê ra. Vậy mà gió hất tung, hắt nước như tát vào phòng. Cả nhà loay hoay trong diện tích hẹp còn khô ráo sát cửa ra vào. Không ai ngủ nổi. Rồi cuối cùng Thư phải bò lên gác xép vốn là giang sơn của bố mẹ, nơi không có cửa sổ và có thể nằm đưa cánh tay lên là chạm trần. Bão tan lúc gần sáng. Thư dậy sớm, uể oải dọn dẹp nhà cửa. Chủ nhật, Thư có tại nhà một lớp học thêm thi đại học. Nhưng trời đất thế này chắc chẳng có đứa học trò nào. Vậy mà chúng vẫn bò tới. Một cô bé nhà ở tít Nghĩa Đô sụt sịt cười: 'Em mất dép cô ạ. Chỗ hồ Thiền Quang nước ngập ngang thắt lưng em. Trôi tuột hết. Bao nhiêu người hôi cá. Xe máy thành xe lội nước. Người giàu cũng khóc'. Bọn trẻ lục tục theo nhau vào chào râm ran trong khi bố mẹ Thư tươi tỉnh theo nhau ra khỏi cửa sang nhà hàng xóm ngồi nhờ để con gái có chỗ lên lớp. Lòng Thư bồn chồn: 'Chúng nó thiết tha với việc học hay thiết tha với gì?' Bữa cơm trưa mỗi mình mẹ nói. Toàn thông tin bà lượm lặt được từ sáng tới giờ. Một tay giáo viên trường Dược bên dốc Thọ Lão đưa em vợ ra ga đúng lúc bão to trở về thì bị một cành cây rơi trúng đầu. 'Chết. Chết ngay chứ còn gì nữa.' Trên Thi Sách có một cặp vợ chồng đi làm ca đêm về vấp phải dây điện đứt. 'Để lại hai đứa trẻ. Khổ.' Bố hững hờ khêu một ngọn rau xào: 'Thôi mẹ nó ăn đi cho con còn dọn.' Thư nhìn mâm. Mưa bão mà mẹ vẫn lo được mâm cơm chu đáo cho ngày chủ nhật. Rau muống xào tỏi vắt chanh, thêm chút mắm tôm xanh ngắt. Đĩa thịt quay. Đĩa kiệu chua. ớt thái từng lát mỏng nổi lập lờ giữa bát nước chấm trong một màu nâu quý. 'Thiếu kinh giới.' - Mẹ phàn nàn - 'Mưa bão thế này... Nhà nào trồng rau thơm thì chỉ có nước khóc.' Buổi chiều Thư dắt xe ra khỏi nhà. Đi lăng quăng. Đường phố ngổn ngang cây đổ. Hồ Gươm. Cây cối ven hồ bị vặt trụi hết lá. Mặt hồ trống trải soi rõ từng tảng mây trắng nhờ nặng nước đang lừ đừ trôi ngang. Thư ngó về phía Nhà Thờ. Ngày trước Thư hay lên phố ấy. Ngày trước nhà Trung ở phố ấy. Cả nhà Thư tiếc Trung. Trung khi đó hai hai tuổi. Vừa xong đại học quân sự, được phân công về một chỗ rất thơm. Nhà Trung gia giáo. Trung lại không phải là con cả. Đằng sau cũng chỉ còn một cô em sắp ra trường. Trung mê Thư và bố mẹ Trung xoắn xuýt kết Thư làm con dâu. Thư hay lên nhà Trung từ trước đó. Theo bà chị có gần bảy năm phổ thông cùng Trung. Nhà mái ngói, không có trần chống nóng. Nhưng rộng. Giữ được nguyên cả số nhà sau khi tiếp quản Thủ đô như thế không phải dễ. Ông bà nội Trung ở nhà ngoài. Ông cụ gần tám mươi, còn nguyên phong thái của một công chức thời cũ. Mùa đông áo khoác dạ và mũ phớt. Mùa hè quần áo đũi màu sáng. Batoong và tẩu. Tươi cười nhưng không niềm nở. Bà cụ là đời vợ thứ hai của ông lão, không biết xuất thân thế nào nhưng bao giờ cũng dịu dàng: 'Thưa cậu, dạ thưa cậu, tôi đã... dạ chưa...' Không hiểu sao cái phong cách sống bặt thiệp lỗi thời đó của hai ông bà già lại quyến rũ Thư. Nhưng lối sống của nhà Trung thì xô bồ. Trừ đoạn thưa gửi. Bố mẹ Trung đều là dân Bách khoa khóa một, ra trường xung phong về Hòn Gai. 'Xung phong trước khi bị phân công về đúng chỗ ấy, sau còn dễ cựa.' Mẹ Trung có lần cười cười giảng giải. Thư không biết bản tính năng nổ dễ dàng thích nghi với đời sống của bà hay mười mấy năm vùng mỏ đã đưa lại cho bà cách sống xởi lởi, ăn to nói lớn, rất dễ chan hòa cùng hàng phố. Cái để người ta có thể đoán ra gốc gác của bà có lẽ chỉ là cách ăn mặc. Bao giờ cũng giản dị, mà thực ra rất cầu kì. Trung có lần đã tự hào: 'Ông bà ngoại anh ngày xưa có tới một nửa phố như phố này để cho thuê.' Thư biết chính mẹ Trung mới là người chèo lái gia đình chứ không phải ông bố đạo mạo chuyên môn thuần túy và suốt đời cả nể. Nói chuyện với bà thật dễ chịu. Không phải rụt rè khép nép mỗi lần theo Trung ra phố. Thư đã tưởng mười mươi mình về làm dâu phố ấy. Còn phải làm gì nữa nhỉ để cho một đám cưới diễn ra? Chạm ngõ. Ăn hỏi. Chia trầu cau chè hạt sen thành từng gói nhỏ dán giấy bóng đỏ để đưa cùng thiếp mời. Nhà thân thêm cặp bánh cốm. Và may áo cưới, đặt hoa. Không dơn trắng kèm một dải hồng bạch dài thật dài kết cùng với thật nhiều lá măng. Sẽ chỉ một vài bông cúc nhỏ... Nhưng đám cưới ấy không bao giờ có. Không ai biết vì sao. Bố mẹ hai đứa không biết. Trung không biết. Đến Thư cũng không biết, dù sau này, đã nhận mình lỡ một thì con gái rồi, Thư vẫn cật vấn mình trong những đêm khó ngủ. Có phải mọi sự bắt đầu từ mấy cái chậu nhôm méo hứng nước giột mẹ Trung đặt rải trong phòng chưa kịp đổ đi sau một đêm mưa mùa hạ? Có phải là vì Trung đã không vào phòng trong mặc quần áo dài lúc Thư tới mà lại tươi cười đâm bổ ra đỡ lấy cái ghi đông xe đạp của Thư và cô bạn đi cùng. Trung trưa đó đánh độc một cái quần đùi, vai ngực nhễ nhại mồ hôi. Thư nhớ là lúc đó không hiểu sao Thư ngần ngại không muốn nhìn Trung và chỉ muốn ngồi lại phòng ngoài nói chuyện với ông cụ bà cụ. Hay điều đó bắt đầu từ mâm cơm em gái Trung bùng xụng bùng xịu dọn ra cho Trung và Thư một buổi xế chiều nào? Mùa xuân. Mưa phùn.Trời nồm. Không khí nặng trịch hơi nước. Quần áo cả nhà Trung phơi trong phòng không biết mấy ngày vẫn chưa khô quyện với mùi bếp dầu vừa tắt làm Thư khó thở. Chỗ nào cũng ướt rườn rượt. Nền nhà. Ghế ngồi. Chiếu rải trên giường. Cái bát cầm trên tay cũng có cảm giác dinh dính nhơm nhớp. Và Thư đã nhắm mắt đưa miếng giò thủ Trung vừa gắp cho vào miệng, nuốt. Thứ giò mậu dịch thái dối gói dối bán đầy vỉa hè sau tết. Thư không dám nhìn. Những sợi lông lợn tua tủa. Miếng giò sắp nhão. Dường như đã hơi có mùi. Hay là Thư cảm thấy thế. Cái mâm nhôm xam xám, đĩa giò, bát nước chấm còn vương một mảnh lá rau, chiếc bát Thư cầm trên tay có một đường rạn đã thâm lại... Một mâm cơm bình thường trong hoàn cảnh một nhà bình thường. Nhưng chính vào lúc đó Thư đột nhiên hiểu rằng mình không thể, không thể ngày ngày ngồi bên một mâm cơm như thế, cầm một cái bát như thế, cầm đũa nhấc cả tảng rau luộc từ rổ đặt vào đĩa như thế. Mẹ vẫn bảo Thư khảnh ăn và kỹ tính như một bà già phố cổ. Phần cơm cho Thư, mẹ với chị phải thận trọng rót nước mắm mới, thận trọng khơi từng ngọn rau ra đĩa, có miếng cháy cũng phải gạt đàng hoàng sang thành nồi. 'Nhưng mẹ ơi, đấy là tại mẹ. Tại sao mẹ lại nuôi con như thế? Tại sao mẹ không dạy con biết xô bồ?' Cũng lạ lùng. Ông bà ngoại người nhà quê, ông chỉ là giáo làng, thế mà ra Hà Nội làm dâu mẹ lại dễ dàng tiếp thu trọn vẹn nếp sống Hà Nội cũ. Thư không dám cắt nghĩa cho mẹ hiểu vì sao đột nhiên Thư lảng Trung. Nhà Thư nghèo hơn nhà Trung. Từ đời cụ đời kỵ đã nghèo hơn. Thư chỉ biết về một cuộc sống khá hơn qua lối sống của ông bà Trung, qua đĩa thịt đầy hơn, đĩa rau vơi hơn nhoáng mỡ hơn, mùi gạo thơm hơn trong nồi cơm của các nhà khác. Nhưng không hiểu sao Thư thiết tha đặc biệt với lối sống của những gia đình như gia đình ông bà nội Trung. Dường như nó đã mất hẳn sau mấy chục năm vất vả. Mất ngay ở chính nơi nó ra đời. Nhà Trung nay không còn ở phố cũ. Thời mở cửa, nhà mặt phố, lại ở trung tâm. Núi vàng. Hai ông bà cụ đã nằm xuống cả rồi. Việc chia chác con cháu thu xếp nhẹ nhõm. Ông bác Trung một đời thắt ca vát đi phiên dịch ở Tây tháng trước chồng đủ số tiền các em trai gái dâu rể định giá, tháng sau thuê thợ đập nhà cũ xây khách sạn mini. Cái phố nhỏ đùng đùng đổi lốt. Những nhà hai tầng ba tầng mọc trồi lên bên trên những nhà một tầng mái ngói trông giống những chiếc răng vàng của mấy ông thoát ly mấy bà buôn chuyến không hề bị sâu răng một thời. Nhà Trung nhận phần tiền được chia mua đất xây nhà mạn Hồ Tây. 'Bọn em mới xin ra ăn riêng. Ông bà nội chia cho tầng ba. Khi nào mời chị lên chơi với bố mẹ em. Nhà dễ tìm lắm. Ông bà nội cháu vẫn nhắc chị.' Cô vợ rất trẻ của Trung, núng nính hơi sớm với tuổi, ngồi trên xe máy sau lưng Trung, một chân đặt hờ trên vỉa hè, hai tay ôm eo chồng đầy ý thức sở hữu mời vồn vã, mắt lạnh teo. Trung, béo ra, nhìn Thư trìu mến, dò hỏi. Trung đã chuyển ngành, giờ quay ra hùn vốn mở công ty trách nhiệm hữu hạn. 'May mà Trung không có dáng hỉ hả.' Câu đó Thư không nói khi kể cho mẹ với chị nghe cuộc gặp gỡ tình cờ. Bây giờ với Thư sao lắm cuộc gặp gỡ không tình cờ. Đi dạy về, có tháng tối nào Thư cũng thấy anh kỹ sư mới về phòng của bố đến thỉnh ý ông cụ. Rồi bạn của anh rể Thư. Đến rồi đi. Người 'chì' nhất cũng lai vãng được tới cả năm. Và anh hàng xóm Trung biết từ bé bố mẹ vào Sài Gòn chạy trốn bệnh thấp khớp để lại cho căn phòng, mùa hè cởi trần cuốn một chiếc phula quanh bụng vì đau dạ dày giờ không thấy cởi trần hôm nào đi về Thư cũng gặp khi dắt xe ngang cửa. Mẹ dạo này hay than thở chị Thư lấy chồng cách nhà cả một đầu thành phố nhiều khi mẹ muốn nhờ việc gì cũng không được và nhắc tới anh. Như ngày xưa hay nhắc Trung. Ngày xưa, buổi tối, Trung hay đến đón Thư đi. Lang thang. Mùa đông. Mùa hạ. Vị bánh trôi Tầu một đêm mưa phùn. Tiếng gió chuyển huyền bí trên vòm sấu chứa đầy bóng tối. Góc đường hai đứa ngồi nhâm nhi cốc nước mía lạnh buốt. Những vòng bánh xe quay trong gió lạnh bời bời. Nhịp đời chậm rãi, cam chịu, dường như thanh thản ấy không bao giờ có nữa. Cũng không bao giờ có lại nữa cái nhịp đời Thư thấy ở nhà ông bà Trung và mong được sống qua. Bây giờ xe máy lao ầm ầm. Người ta không thể nhận ra cái yên tĩnh kì lạ của một trưa hè đột nhiên ve bặt tiếng, hay tiếng gió mùa xao xác bay trên mặt phố tinh tươm màu nắng hanh vàng. Cũng chẳng thể vừa nhấn ga vừa ngước mắt tìm trong đêm một vì sao dường như biết nói... Nhưng mùa vẫn không khác. Tại sao mùa vẫn không khác? Và mình nữa, tại sao không biết khác ngày xưa? Thư cúi mặt, dừng chân, nhấc xe lên vỉa hè, nghe loáng thoáng bà hàng quà rong nói với bà đồng nát về một mùa bão sớm. 1998