Nhiều việc tôi làm ở Chùa -cắt cỏ, nấu ăn, sửa ống nước, đóng đinh –là những việc mà quý thầy theo truyền thống thường không làm. Cuộc sống của chúng tôi phải là một cuộc sống yên tĩnh, giản đơn. Nhưng Mỹ là một thế giới mới, và tôi bắt buộc phải đảm nhận một vai trò mới. Dần dần, tôi còn phải học lái xe! Một ngày kia, một phụ nữ Mỹ trẻ và bạn trai của cô đến Chùa. Họ là những vị khách thường xuyên viếng Chùa. Tôi nhờ họ chở giùm đến một tiệm bán đồ gia dụng. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhờ họ như thế. Bất cứ khi nào có ai đến Chùa, tôi thường xin quá giang đến tiệm thực phẩm, tiệm điện, nơi giặt đồ -bất cứ nơi nào tôi cần đến. Điều đó cũng làm tôi khó chịu, vì các tu sĩ lý đáng ra không được vì lợi ích riêng của mình mà nhờ các cư sĩ làm bất cứ chuyện gì. Điều đó được xem như là quá tham, quá bám víu.“Bhante,” người phụ nữ trẻ nói, “vậy là không công bằng. Chúng tôi đến Chùa để thư giãn, đọc sách và hành thiền. Nhưng vừa bước chân vào, sư đã nhờ chúng tôi chở sư đi khắp nơi.” Tôi đỏ mặt vì giận. “À, vậy tôi phải làm việc như nô lệ để cô có thể đến đây thư giãn, tọa thiền thoải mái sao? Tôi chỉ nhờ cô giúp đỡ. Bằng không, tôi không thể làm những việc lặt vặt này.” Cô ta nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói. “Nếu chúng tôi dạy sư lái xe thì sao? Như thế thì sư có thể đi bất cứ nơi nào mà sư cần đi, bất cứ lúc nào.” Tôi cảm thấy thật tuyệt vọng.“ Làm sao tôi làm được chuyện đó? Tôi không có xe. Và hơn thế nữa, là tu sĩ, tôi không thể nhờ người khác dạy lái xe.”“Sư đâu có nhờ,” cô phân trần. “Tôi tự nguyện mà.” Thế là ngày hôm sau đó, người bạn trai của cô lái một chiếc Dodge to vào chùa. Chiếc xe Dodge đó là của cô gái, nhưng cô đã nhờ bạn trai tập cho tôi lái. Tôi chưa bao giờ ngồi sau tay lái, nên rất phấn khởi nhập cuộc. Sau vài hướng dẫn của anh, tôi bắt đầu lái xe ra đường, và tập cũng khá tốt. Rồi chúng tôi đi vào đường số 16, một con đường khá nhộn nhịp. Người dạy lái xe định đưa tôi qua một con đường nhỏ hơn dọc theo công viên Rod Creek, nơi tôi có thể thực tập mà không phải lo lưu lượng xe nhiều. Chúng tôi đến ngã tư của đường số 16 và đại lộ Colorado, cắt chéo qua đường số 16. Ông thầy bảo tôi rẽ trái, nhưng tôi đang quá chú tâm vào việc lái xe nên cứ lao tới. “Chậm lại!” ông thầy la lên. “Chậm lại!” Nhưng đã quá trễ. Tôi tông vào một chiếc Saab xanh đang dừng giữa ngã tư. Tôi nhảy ra khỏi xe và chạy lại bên chiếc Saab. Thật hú hồn, người lái xe, một phụ nữ trẻ, hình như không hề hấn gì. Tuy nhiên, xe của cô thì bị hư hỏng nặng. Cú tông vào phía trước xe khiến đèn, bửng xe, mọi thứ đều hư hại. Và dưới cái mui xe nhăn nhúm, bình nước xe đang xịt nước ra. Tôi rối rít xin lỗi cô gái, rằng tôi chỉ là người đang học lái xe. Cô ta mỉm cười. “Xin ông đừng lo,” cô nói. “Chuyện này có thể xảy ra cho bất cứ ai.” Tuy nhiên khi cảnh sát đến, tôi bị phạt 25 đô. Tôi nghĩ là tôi đã thoát nạn một cách dễ dàng, vì kể ra tôi không có đến một giấy phép học lái xe. Trở về chùa, tôi gọi người phụ nữ, chủ của chiếc Dodge. Tôi rất áy náy về chiếc xe của cô. “Xin sư đừng lo lắng,” cô trấn an tôi. “Tôi có bảo hiểm, và cha mẹ tôi sẽ lo chuyện đó. Không có gì quan trọng đâu.” May mắn thay, ông thầy dạy lái xe không nản chí vì tôi. Những tuần lễ sau đó, anh ta đến chùa bất kỳ khi nào có thời gian, và tôi tập lái bằng xe của anh. Anh rất kiên nhẫn với tôi. Sau một buổi học thêm chính thức ở trường lái xe, tôi sẵn sàng để xin giấy phép lái xe. Lần đầu tiên, tôi rớt bài thi lái xe. Tôi đã vượt qua một chiếc xe tải đang ngừng ở một ngọn đèn xanh. Người coi thi cho rằng đèn thực ra đã chuyển sang đỏ, nhưng tôi không thể thấy vì tôi quá thấp và chiếc xe tải đã cản tầm nhìn của tôi. Lần thi thứ hai, tôi cẩn thận hơn, và đã vượt được kỳ thi. Tôi thật hãnh diện được có bằng lái xe ở Mỹ! Nhưng dĩ nhiên là chúng tôi không đủ tiền mua xe cho chùa, vì thế tôi vẫn còn phải luôn nhờ vả người khác. Trong những trường hợp khẩn cấp, tôi mượn xe của tòa đại sứ Ceylon. Cho đến ngày nay, tôi rất ít lái xe, mặc dầu tôi biết lái –ít nhất là tôi nghĩ tôi biết! Một ngày vào tháng 5 năm 1975, vị trưởng ban truyền giáo ở đại học American báo rằng có người của State Department (cơ quan hành chính tiểu bang) đã gọi tìm tôi. Khi tôi gọi đáp lại, người ở đó hỏi tôi có muốn giúp một số người Việt Nam di tản vừa đến Mỹ. Cơ quan này cần một nhà truyền giáo Phật giáo để trông coi một trong những trại tị nạn đã được thiết lập tại tiểu bang Florida. Tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm làm việc với người di tản, mà cũng không nói được tiếng Việt hay tiếng Pháp, nhưng tôi đã đồng ý. Sau đó tôi gọi cho một người bạn của tôi, John Garges, một trong những thành viên người Mỹ của chùa. John đã có kinh nghiệm làm việc với người di tản và anh nói được một ít tiếng Pháp. Vì thế anh tình nguyện đi theo tôi làm thông dịch, khi cần. Hôm sau chúng tôi đến căn cứ không quân Andrews theo lời dặn. Chúng tôi phải điền một số giấy tờ, rồi một số viên chức phỏng vấn chúng tôi. Sau đó họ bảo chúng tôi đi chích ngừa, rồi hôm sau quay trở lại. Chúng tôi vẫn chưa biết là nhiệm vụ này sẽ kéo dài bao lâu, ở nơi chốn nào. Tôi không biết gì để hỏi những điều như thế. Hôm sau đó, một chiếc phản lực trong căn cứ chuyển chúng tôi đến căn cứ không quân Eglin gần Pensacola, Florida. Chúng tôi là hai hành khách duy nhất. Người ta dành cho chúng tôi một căn phòng tiện nghi để ở, rồi giải thích rõ nhiệm vụ của tôi ở đây. Căn bản, là tôi ở đó để an ủi mười ngàn người Việt Nam di tản vừa bắt đầu đến. Người ta bảo tôi phải thăm viếng họ mỗi ngày, thực hiện các nghi lễ tôn giáo, và hỗ trợ họ với bất cứ những sự an ủi tâm linh nào mà họ cần đến. Cũng có các tu sĩ Ky-tô giáo và Tin lành ở trại để giúp những người tị nạn vừa chuyển theo các đạo này. Buổi trưa đầu tiên, khoảng hai giờ sau khi chúng tôi đến trại, một chiếc phi cơ chở đầy người tị nạn đã đến. John và tôi ra đón họ. Già trẻ, nam nữ, đủ cả. Đa số bước ra khỏi máy bay trong những bộ quần áo cũ rách, mang theo ít hành lý hoặc là không có gì cả. Họ có vẻ bị sốc, nhiều người đã khóc, nhất là trẻ em. Một số rõ ràng là bị bệnh hay bị thương; số khác có vẻ bị khủng hoảng tinh thần. Nhiều người đã phải xa lìa người thân -cha mẹ, anh em, vợ chồng. Có người bám chặt vào tay của những người hoàn toàn xa lạ. Khi nhìn thấy tôi trong bộ y vàng, nhiều người mỉm cười. Có người bật khóc và vái chào tôi không nghỉ. Mỗi ngày chúng tôi đều thấy hàng đoàn máy bay chở đầy người tị nạn, và mỗi ngày những hình ảnh đó lại tái diễn. Hình ảnh thân quen của một nhà sư Phật giáo dường như là cái phao của sự sống đối với nhiều người tị nạn đã quá đau thương vì chiến tranh, giờ lại đặt chân đến một xứ sở hoàn toàn xa lạ. Sau hai tuần, John phải trở về với công việc của anh ở Washington, và một lần nữa, tôi lại đơn độc và không có xe. Vì thế tôi hỏi người chịu trách nhiệm ở Văn phòng Tiểu Bang xem có ai có thể chở tôi mỗi ngày từ chỗ trú ngụ đến trại tị nạn. Sáng hôm sau một chiếc taxi của không lực đến đậu trước cửa phòng, và người lái xe bước ra, đầy vẻ bối rối. “Tôi đến để rước viên chức Bhante G.,” anh ta nói, trố mắt nhìn chiếc y vàng của tôi. “Chính tôi,” tôi trả lời. “Như thế thì tôi không thể đưa ông đi được,” anh ta nói. “Dân sự không thể ngồi trong xe này. Nó chỉ dành cho các viên chức.” Tuy nhiên, dần dần người trong trại cũng bắt đầu nhận ra tôi và chiếc y của tôi. Công việc giúp người tị nạn của tôi rầt có kết quả. Tôi cảm thấy mình đã mang đến cho họ những sự an ủi mà họ cần ở một thời điểm rất khó khăn trong cuộc đời họ. Đó là phần dễ dàng của công việc. Phần khó khăn là hòa hợp với một số các vị truyền giáo khác ở trại. Một số coi đây là một cơ hội lý tưởng để kêu gọi người khác vào đạo của mình: Ở đây có hàng ngàn linh hồn cần được cứu rỗi. Các buổi lễ theo nghi thức tôn giáo được diễn ra trong một căn lều rộng, và các tôn giáo thay phiên nhau hành lễ ở đó. Khi hành lễ, tôi đặt tượng Đức Phật trên bàn thờ. Khi người Ky-tô giáo hay Tin lành hành lễ, thì họ sẽ đặt thánh giá trên bàn thờ. Căn lều để hành lễ ở cạnh bên một căn lều nhỏ hơn, là văn phòng làm việc của tôi. Một ngày kia, trong lúc đang làm việc, tôi thấy khoảng ba mươi trẻ em bị lùa vào trong cái lều rộng đó. Đa số các em dưới mười tuổi. Một trong những vị mục sư Tin lành, một người rất ganh tị, đi với chúng. Tôi nghe ông bắt đầu lên giọng đọc kinh rửa tội. Tôi vội vã qua đó, ngăn cản buổi lễ. “Joseph, ông làm vậy là không đúng,” tôi nói. “Tôi đã thấy ông đi khắp cả trại, thuyết phục cha mẹ chúng cho chúng vào đạo.” Cả ông ấy và tôi đều biết rằng phần lớn các em này rồi cũng theo đạo Ky-tô giáo thôi. Tất cả mọi tổ chức tôn giáo bảo trợ người tỵ nạn đều là Ky-tô giáo. Cuối cùng khi chúng rời trại đi định cư, chúng bắt buộc phải đi nhà thờ Ky-tô giáo thôi. Nhưng ít nhất, điều đó cũng xảy ra sau này. Tôi nghĩ rằng việc bắt họ vào đạo ngay cả trước khi họ rời trại là không đúng. “Những người tỵ nạn này giống như người đang chết đuối,” tôi bảo với ông ta. “Họ sẽ chấp nhận bất cứ điều gì ông bảo họ, vì họ chỉ muốn ra khỏi trại tỵ nạn thôi. Ông có thấy tôi cố gắng thuyết phục người tỵ nạn Ky-tô giáo nào cải đạo sang Phật giáo không?” Tôi rất bực mình. Tôi đi ngay đến văn phòng của State Department ở trong trại, và báo cáo lại sự việc. Tôi bảo với vị sĩ quan rằng những việc dụ dỗ cải đạo như thế, chỉ làm mang tiếng cho tất cả mọi hoạt động giúp đỡ người tỵ nạn. Ngày hôm sau, trong tờ tin của trại tỵ nạn, có một bài báo đưa ra những luật lệ nghiêm cấm không ai được kêu gọi người tỵ nạn cải đạo của họ. Cũng may là phần lớn các nhà truyền đạo khác rất tôn trọng nhau. Một ngày kia, tôi trao đổi với hai thầy tu Ky-tô giáo, một người Việt Nam và một là Mỹ. Thầy tu người Mỹ đeo hai xâu chuỗi trên cổ, một với thánh giá và một với tượng Phật nhỏ. Ông nói rằng sáng đó hai xâu chuỗi dính vào nhau, ông khó lòng gỡ chúng ra. “Như vậy là không nên để thánh giá và tượng Phật gần nhau,” thầy tu người Việt Nam nói. “Không, không phải vậy,” tôi nói. “Đó là chúa Jesus và Đức Phật rất thương yêu nhau đến nỗi ta không thể tách biệt họ”. Khi mới đến trại, tôi dự định dùng những quyển kinh tụng bằng tiếng Pali trong các nghi lễ Phật giáo. Tôi nghĩ rằng phần đông Phật tử Việt Nam rất quen thuộc với tiếng Pali. Rất tiếc, không phải thế. Một ngày kia khi tôi đi vòng quanh trại, một cậu bé chào tôi bằng những lời: “Namo ayidafat.” (ND: Nam Mô A Di Đà Phật) “Con nói gì,” tôi hỏi cậu bé. Cậu ta lập lại: “Namo ayidafat.” Tôi hỏi cậu câu đó nghĩa là gì. “Con không biết,” cậu bé trả lời. “Chỉ biết là khi gặp quý thầy, chúng con đều chào thế.” Khi cậu bé cho biết cha mẹ cậu có quyển sách với những lời như thế viết trong đó, tôi yêu cầu cậu dẫn tôi đến gặp họ. Khi tôi đến lều của họ, họ mời tôi ngồi. Tôi hỏi nếu tôi có thể mượn quyển sách kinh bằng tiếng Việt của họ? Họ rất hoan hỷ cho tôi mượn. Tôi mang quyển sách đến phòng in trong trại và nhờ làm hai ngàn bản copy. Trong vòng một đôi ngày, tôi đã có được những quyển sách nhỏ, và các nghi lễ của chúng tôi bắt đầu được thực hiện bằng tiếng Việt Nam thay vì tiếng Pali. Tôi yêu cầu một cư sĩ Việt Nam cao tuổi hướng dẫn xướng tụng và tôi lần theo với tất cả sự cố gắng của mình, vì tôi không hề biết ngôn ngữ đó. Rồi tôi giảng Pháp bằng tiếng Anh, và vị cư sĩ đó dịch sang tiếng Việt. Tôi có thể thấy trên gương mặt rạng rỡ của những người tỵ nạn là họ rất cảm kích việc làm này của chúng tôi. Tôi cũng dạy các lớp tiếng Anh và đều rất vui cả cho tôi cũng như cho các em học sinh. Lớp của tôi dường như lúc nào cũng đông đúc. Một phần khác trong công việc của tôi là giúp tìm những người bảo trợ -các gia đình hay cá nhân bằng lòng nhận một vài người tỵ nạn đến cộng đồng của họ, và giúp người tỵ nạn tìm nhà ở và công việc làm. Tôi được ban quản lý trại giao cho một điện thoại mà tôi có thể gọi những người có khả năng bảo trợ bất cứ ở nơi nào trên đất Mỹ. Chúng tôi phải xác minh lý lịch của những người bảo trợ, nhưng đôi khi cũng có người với ý đồ xấu lọt qua được. Một ngày kia, có ba người đàn ông đến trại và chọn ba cô gái khoảng tuổi mười bốn đến mười tám. Những người này nói rằng họ muốn bảo trợ các cô gái. Họ đã ký những giấy tờ cần thiết và dợm bước ra khỏi trại cùng với các cô gái. Ngay khi vừa thấy như thế, tôi liền chặn họ lại. Những cô gái này không thể rời trại mà không có cha mẹ họ đi cùng, tôi nói. Nếu họ không có cha mẹ ở đây, thì họ phải được bảo trợ cùng với những người Việt Nam lớn tuổi khác để chịu trách nhiệm cho họ. Dĩ nhiên là tôi không thể chắc chắn, nhưng tôi nghĩ là có thể tôi đã cứu những cô gái này khỏi cuộc đời của những cô gái bán thân hay tệ hơn thế nữa. Một lần khác, có một phụ nữ sống gần trại, đã đồng ý bảo trợ một thanh niên Việt Nam, nhưng bà đã đem anh ta trả lại trại, nói rằng bà không muốn giữ anh lại. Bà chỉ mới bảo trợ anh được một tháng. “Tôi tưởng anh ta là một con chiên ngoan,” bà ta nói, miệng trề xuống. “Anh ta không phải là một người Ky-tô giáo sao?” tôi hỏi. “Không, không phải như thế tí nào,” bà ta trả lời. Rõ ràng là rất thất vọng. “Vậy anh ta theo đạo gì?” “Anh ta theo đạo Phật,” bà sẵng giọng. “Tôi mới vừa khám phá ra”. “À, vậy thì điều gì đã làm cho bà nghĩ anh ta là một con chiên của Chúa?”, tôi hỏi. “Vì anh ta có vẻ tử tế và lễ phép. Anh ta rất kiên nhẫn và luôn đối xử với tôi một cách kính trọng.” Tôi cũng thường gặp những sự đối xử phân biệt như thế. Thí dụ, không lâu sau khi tôi đến trại, một bài biên tập với những lời lẽ thô bạo xuất hiện trên một tờ báo địa phương. Sao chính phủ Mỹ có thể dùng tiền thuế của dân để đem một kẻ ngoại đạo đến đây hòng giúp đỡ người tỵ nạn Việt Nam ở trại? Nếu những kẻ tỵ nạn khốn khổ đó không trở thành con chiên của Chúa, người viết tuyên bố, vậy thì hãy để họ xuống địa ngục. Đừng dùng tiền đóng thuế của chúng tôi để dạy cho họ một tôn giáo của satan (ma quỷ). Phản ứng của tôi đối với những sự phân biệt đối xử này thường rất đơn giản: đáp lại bằng tâm từ, hay metta. Đó là một trong bốn ba la mật hay những tình cảm tối thượng đã được Đức Phật mô tả. Đó là một ước muốn trong sạch, không vụ lợi, vì lợi ích cho người, một tình thương không bám víu hay mong đợi đáp trả, được thực hành một cách vô điều kiện. Đó là một nguyên tắc căn bản tuyệt đối hỗ trợ cho tất cả mọi ý nghĩ, lời nói và hành động thiện. Lòng từ bi phá vỡ mọi ngăn cách về tôn giáo, văn hóa, địa lý, ngôn ngữ, và quốc tịch. Nó là một định luật vũ trụ, truyền thống, đã nối kết tất cả chúng ta lại với nhau. Chúng ta cần có tâm từ để sống và làm việc với nhau một cách hòa hợp. Nhất là vì những sự khác biệt của chúng ta, chúng ta còn cần tâm từ nhiều hơn nữa. Và khi chúng ta trải rộng tình cảm này đến người khác, tự nhiên nó cũng khiến cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc và an tịnh hơn. Trong trại tỵ nạn đó, mỗi ngày tôi đều sử dụng năng lực của tâm từ. Người tỵ nạn cần nó để hàn gắn vết thương tâm lý, tình cảm của họ. Tôi cũng cần đến nó, để có thể giữ vũng tinh thần làm việc với họ trong những hoàn cảnh khó khăn này. Và những người chống đối công việc tôi đang làm –đúng ra, họ cũng cần đến nó nữa. Một ngày kia có một đám cưới theo đạo Ky-tô giáo ở trại tỵ nạn, do hai vị tu sĩ Ky-tô giáo Việt Nam cử hành. Chẳng lâu sau đó, một đôi bạn trẻ khác đã tìm đến tôi và yêu cầu tôi thực hiện đám cưới theo nghi lễ Phật giáo cho họ. Tôi bảo với họ rằng người tu sĩ Phật giáo không được phép làm lễ cho đám cưới, nhưng nếu họ có thể tìm một vị cao niên để thực hiện các nghi thức thì tôi sẽ làm lễ chúc phúc, cầu an cho họ. Thực ra, chúc phúc, cầu an cho đám cưới thì cũng giống như cho những dịp khác –cũng là những lời mà vị tu sĩ sẽ tụng ở lễ tân gia, lễ mừng có em bé, sinh nhật hay bất cứ trường hợp đáng nhớ nào. Lễ cầu an bao gồm Kinh Hạnh Phúc (Mangala Sutta) (“Kinh Phước Báu –Blessing Sutta”, liệt kê ba mươi tám loại phước báu); Kinh Ratana (“Kinh Tam Bảo,” liệt kê những đặc tính đáng ngưỡng mộ của Tam Bảo); Kinh Karaniyametta (“Kinh Từ Bi,” đề cao những đức tính của tâm từ bi); và Jayamangala Atthagatha (“Bát Đại Thi về sự Chiến thắng vinh quanh,” phác họa lại những giai đoạn trong cuộc đời Đức Phật khi Ngài chiến thắng kẻ thù bẳng những đức tính như độ lượng, trí tuệ, kiên nhẫn, chân thật, vân vân). Sau khi đọc xong các kinh này ở lễ cưới, vị tu sĩ sẽ vẩy nước lên đôi vợ chồng, và cột một sợi dây vàng ‘chúc phúc’ quanh cổ tay của họ. Vì thế, khi các đôi vợ chồng người tỵ nạn nhờ tôi thực hiện các nghi lễ đám cưới cho họ, tôi biết là tôi có thể đảm nhận phần chúc phúc. Những thứ rắc rối khác, tôi để cho bà Longacre, một phụ nữ tình nguyện thường đến làm việc trong trại. Bà vui vẻ lo áo cưới cho cô dâu, bộ veston cho chú rể, nhẫn, bánh và nước ngọt cho một buỗi lễ nhỏ. Đôi vợ chồng tưởng chỉ được có một buỗi lễ theo kiểu Mỹ, đã rất vui mừng vì việc này. Sau đó, dường như có cơn sốt đám cưới tràn khắp trại, và tôi là vị tu sĩ Phật giáo duy nhất ở đó. Nên có ngày tôi phải làm lễ cho đến ba đám cưới! Gần như mỗi ngày, tôi đều gọi điện cho Washington để chắc chắn rằng mọi việc đều suôn sẻ ở chùa. Đại đức Piyananda nói chuyện với tôi, nhưng một cách miễn cưỡng. Ông trả lời ngắn ngủi và cộc lốc. Tôi đoán là ông giận vì tôi đã đi Florida và để ông ở lại lo tất cả công việc trong chùa. Nhưng ông chẳng bao giờ nói thẳng điều đó ra, ông chỉ nung nấu sự phiền hà trong im lặng. Một lần khi tôi gọi, cháu của tôi, Upali, trả lời điện thoại. “Sư Piyanada thế nào?” tôi hỏi cháu. “Sư đang chuẩn bị trở về Ceylon,” cháu trả lời. “Cái gì? Cho Sư nói chuyện với ông ấy.” Đại đức Piyananda bắt điện thoại. “Thưa Sư, có đúng thế không? Sư sắp trở lại Ceylon?” “Đúng vậy,” ông trả lời. “Khi nào Sư đi?” “Ngày mai.” Tôi không thể tin được. “Sư là vị tu sĩ duy nhất ở chùa,” tôi nói. “Sư không thể đi. Sư có thể đợi đến khi tôi trở về không?” “Không,” ông gằn giọng trả lời. “Tôi phải đi ngay bây giờ.” “Sao sư làm vậy?” tôi van nài. “Tại sao sư để chùa không có người tu nào?” Ông không nói gì. Tôi cầm điện thoại, chờ đợi, nhưng chỉ có sự im lặng. Cuối cùng tôi gác máy. Sau đó tôi được biết rằng có một vị sư người Sinhala, Đại đức Piyadassi, đang viếng thăm chùa ở Washington. Tôi gọi Michael Roehm và nhờ anh gia hạn lời mời để vị sư đó có thể ở lại lâu hơn là dự định, cho đến khi tôi trở lại. Tôi cũng gọi đến các trại tỵ nạn khác, và hỏi xem nếu có vị tu sĩ Phật giáo nào trong những người tỵ nạn. Ở trại Chaffee, tiểu bang Arkansas, có một vị tu sĩ người Việt Nam, đã gia nhập tăng đoàn khi lớn tuổi, sau khi đã có gia đình và con cái. Thật may, vị này nói tiếng Anh khá giỏi. Vì thế tôi hỏi nếu ông muốn đến Washington, sống ở chùa. Ông ta bằng lòng. Sự dàn xếp chắp vá đó cũng tạm ổn cho đến ngày tôi trở lại chùa. Vào tháng tám, Văn Phòng Tiểu Bang yêu cầu chúng tôi khẩn trương tìm người bảo trợ cho những người tỵ nạn còn lại. Họ muốn giải thể trại ở Eglin trước khi mùa mưa bão bắt đầu. Vì thế cuối tháng tám, phần lớn mười ngàn người tỵ nạn đã được chuyển đi, hoặc đến nhà người bảo trợ, hay đến các trại tỵ nạn khác không nằm trong tâm bão. Tôi đã xa chùa hơn bốn tháng. Và khi trở lại, bao rắc rối đang chờ tôi ở đó.