Dịch giả:: Lê Hồng Sâm
Chương 23

    
ờ sáng ngày 17 tháng Hai, bọn canh ngục đến tìm André. Khi rời xà lim, anh nhún vai và khẽ liếc nhìn chúng tôi. Cánh cửa đóng lại, anh đi giữa hai tên cai ngục về phía tòa án binh đặc biệt xét xử ngay bên trong thành lũy nhà tù. Sẽ không có tranh luận, không có luật sư.
Trong vòng một phút anh bị kết án tử hình. Tiểu đội hành hình đã chờ anh sẵn trong sân.
Những tên hiến binh đặc cử đến từ Grenade-sur-Garonne, từ chính nơi André đang thực hiện nhiệm vụ thì bị chúng bắt. Phải làm cho xong công việc.
André muốn nói lời từ biệt, nhưng điều này trái với quy định. Trước khi chết, André viết một bức thư ngắn cho mẹ, anh trao thư cho tên giám thị trưởng Theil hôm đó thay Touchin.
Giờ đây chúng trói André vào cột, anh yêu cầu hoãn vài giây, vừa đủ để tháo chiếc nhẫn anh đeo trên tay. Tên giám thị trưởng Theil càu nhàu đôi chút nhưng cũng nhận chiếc nhẫn mà André giao phó và anh cầu xin y hoàn lại cho mẹ anh. "Đó là nhẫn cưới của bà", anh giải thích, bà đã tặng anh vào ngày anh ra đi để gia nhập đội. Theil hứa, và lần này, chúng trói hai cổ tay anh.
Níu lấy hàng chấn song nhà ngục, chúng tôi tưởng tượng cảnh mười hai kẻ mang mũ cứng xếp thành tiểu đội. André đứng thẳng người. Các khẩu súng giương lên, chúng tôi siết chặt nắm tay và mười hai viên đạn xé tan thân hình gầy guộc của bạn chúng tôi, anh gập đôi người lại và ở đó, thoi thóp thở, bên cây cột, đầu ngả sang bên, mặt rỉ máu.
Việc hành hình kết thúc, bọn hiến binh ra đi. Tên giám thị trưởng Theil xé bức thư của André và cất chiếc nhẫn vào túi. Ngày mai, y sẽ đảm trách một chiến hữu khác của chúng tôi.
Sabatier, sa lưới ở Montauban, bị bắn tại cùng cây cột ấy. Sau lưng, máu của André chỉ mới hơi khô.
Ban đêm, thỉnh thoảng tôi còn thấy những mảnh giấy bị xé nhỏ bay lên trong sân nhà tù Saint-Michel. Trong cơn ác mộng của tôi, chúng lượn đến tận bức tường đằng sau cây cột của những người bị xử bắn và dán lại với nhau để tái tạo những từ ngữ mà André đã viết ngay trước khi chết. Khi đó anh vừa mười tám tuổi.
Khi chiến tranh kết thúc, tên chánh quản ngục Theil được cử làm tổng giám thị tại nhà tù Lens.

*

Vài ngày nữa sẽ đến vụ xét xử Boris và chúng tôi lo sợ điều xấu nhất. Nhưng ở Lyon, chúng tôi có những người anh em.
Nhóm của họ mang tên Carmagnole 1 - Tự do. Hôm qua họ đã thanh toán một viên phó chưởng lý, giống như Lespinasse, y đã làm được cho một người kháng chiến bị xử chém. Chiến hữu Simon Frid chết, nhưng viên biện lý Fauré-Pingelli đã bỏ mạng. Sau miếng đòn ấy, không một quan tòa nào còn dám đòi mạng sống của một người trong chúng tôi nữa. Boris, lĩnh hai mươi năm tù giam, coi khinh hình phạt, cuộc chiến đấu của anh vẫn tiếp tục ở bên ngoài. Chứng cớ là các bạn Tây Ban Nha cho chúng tôi biết ngôi nhà của một tên dân binh nổ tung tối qua. Tôi đã chuyển được cho Boris một mẩu thư để anh biết tin này.
Boris không biết rằng ngày đầu tiên của mùa xuân 1945, anh sẽ chết ở Gusen, trong một trại tập trung.

*

- Đừng có làm cái bộ mặt như thế, Jeannot!
Tiếng nói của Jacques đưa tôi ra khỏi trạng thái đờ đẫn. Tôi ngẩng đầu dậy, cầm điếu thuốc anh đưa và ra hiệu cho Claude để nó lại gần tôi rít vài hơi. Nhưng thằng em tôi, kiệt sức, ưng nằm dài sát tường xà lim hon. Điều làm Claude kiệt sức không phải là sự thiếu ăn, không phải là cái khát, không phải là những con bọ chét đêm đêm cắn xé chúng tôi, cũng không phải sự ngược đãi của bọn cai ngục; không, điều khiến thằng em tôi bần thần cau có đến thế, là cứ ở đó, xa sự hoạt động, và tôi hiểu nó vì tôi cũng cảm thấy cùng nỗi buồn ấy.
- Chúng ta sẽ không bỏ cuộc, Jacques nói tiếp. Ở bên ngoài, các anh em tiếp tục đấu tranh và Đồng minh cuối cùng sẽ đổ bộ, rồi cậu sẽ thấy.
Ngay khi Jacques nói với tôi những lời ấy để động viên an ủi tôi, anh không ngờ rằng các chiến hữu đang chuẩn bị một hành động chống lại rạp chiếu bóng Variétés: ở đấy chỉ chiếu những bộ phim tuyên truyền cho quốc xã.
Rosine, Marius và Enzo tham gia hành động, nhưng lần này không phải Charles chuẩn bị trái bom. Vụ nổ phải xảy ra trong buổi chiếu khi đã kết thúc, rạp không còn ai, để tránh bất kỳ nạn nhân nào là dan thường. Khối thuốc mà Rosine sẽ phải đặt dưới một ghế ngồi ở tầng trệt được trang bị một bộ phận hãm giờ, và anh bạn làm vườn ở Loubers của chúng tôi không có vật liệu cần thiết để chế tác nó. Hành động phải diễn ra tối qua; vào chương trình phim: Gã Do Thái Süss. Nhưng, cảnh sát ở khắp nơi, các lối vào bị khám xét kỹ, túi xách và cặp bị lục lọi, thế thì các chiến hữu không thể mang hàng của mình vào.
Jan quyết định hoãn công việc đến hôm sau. Lần này, cửa soát vé không bị chặn, Rosine vào phòng và ngồi xuống cạnh Marius, cậu tuồn chiếc túi xách đựng bom xuống dưới ghế của cô. Enzo đến ngồi đằng sau họ, để trông nom giữ gìn cho họ không bị phát hiện. Nếu tôi mà biết chuyện, tôi sẽ ghen tỵ với cậu ấy, Marius, vì cậu được cả buổi tối trong rạp chiếu bóng bên cạnh Rosine. Cô thật xinh đẹp, với âm sắc hơi véo von và giọng nói khiến người ta rùng mình không kiểm soát nổi.
Đèn tắt và tin tức thời sự nối tiếp trên màn ảnh rạp chiếu bóng Variétés. Rosine ngồi lún sâu trong ghế bành, mái tóc dài màu nâu xõa nhẹ xuống vai. Enzo không bỏ sót tí gì cử động dịu dàng và yểu điệu của chiếc gáy. Khó lòng tập trung vào bộ phim đang bắt đầu, khi ta có hai ki lô thuốc nổ trước chân mình. Marius hoài công tự thuyết phục mình điều ngược lại, song cậu vẫn hơi căng thẳng. Cậu không ưa làm việc với khí cụ mà cậu chẳng thạo. Khi Charles chuẩn bị các khối thuốc, cậu tin tưởng; chưa bao giờ công trình của bạn cậu sai trật; nhưng ở đây, cơ chế khác biệt, theo sở thích của cậu thì quả bom quá cầu kỳ tinh vi.
Cuối buổi chiếu, cậu sẽ phải luồn tay vào túi xách của Rosine và làm vỡ một ống thủy tinh chứa axit sunfuric. Trong ba mươi phút, axit sẽ ăn mòn thành của một hộp sắt nhỏ nhồi đầy clorat bồ tạt. Hòa trộn vào nhau, hai chất này sẽ làm bật tung kíp nổ được cài trong khối thuốc. Nhưng tất cả những trò hóa học ấy quá phức tạp trong mắt Marius. Cậu thì cậu ưa những cơ cấu đơn giản, những cơ cấu do Charles chế tác với thuốc nổ và một cái ngòi. Khi ngòi lách tách, chỉ cần đếm các giây; trong trường hợp có vấn đề, thì với một chút can đảm và lanh lẹn ta vẫn có thể gỡ bỏ dây bùi nhùi. Hơn nữa, người chế tạo còn thêm một hệ thống khác dưới bụng quả bom; bốn chiếc pin nhỏ và một viên thủy ngân được nối liền với nhau để gây nổ tức khắc nếu một gã canh gác tìm thấy nó và định nhấc nó lên, một khi thiết bị đã được đặt trong trạng thái hoạt động.
Thế là Marius toát mồ hôi và cố gắng chú ý đến bộ phim song vô hiệu. Thay vào đó, cậu liếc những ánh mắt kín đáo nhìn Rosine, cô làm như không thấy gì hết; cho đến lúc cô phát một cái vào chân cậu để nhắc nhở cậu rằng chuyện phim đang diễn ra ở phía trước chứ không phải ở cổ của cô.
Ngay cả bên cạnh Rosine, những giây phút đang trôi đi dườngất dài trong rạp chiếu bóng Variétés. Tất nhiên, Rosine, Enzo và Marius có thể khởi động thiết bị vào lúc nghỉ giải lao và cuốn gói tắp lự. Thế là xong và họ đã về nhà, thay vì khổ sở và toát mồ hôi như họ hiện giờ. Nhưng tôi đã bảo em rồi, chúng tôi chưa bao giờ giết một người vô tội, một kẻ ngu ngốc cũng không. Thế là họ chờ buổi chiếu phim kết thúc, và khi khán phòng hết người, họ sẽ khởi động thiết bị có hãm giờ, và chỉ lúc ấy mà thôi.
Cuối cùng đèn bật sáng lại. Khán giả đứng lên và tiến về phía cửa ra. Ngồi giữa hàng ghế, Marius và Rosine vẫn ở yên chỗ, đợi mọi người đi khỏi. Đằng sau họ, Enzo cũng không động đậy gì hơn. Ở đầu lối đi, một bà già dềnh dàng thư thả mặc lại áo khoác. Người bên cạnh bà không đợi được nữa. Nổi khùng, ông ta xoay người lại và tiến về phía hành lang đối diện.
- Nào, dịch ra chứ, hết phim rồi! ông ta cự.
- Vợ chưa cưới của tôi hơi mệt, Marius trả lời, chúng tôi đang đợi cô ấy lấy lại sức để đứng dậy.
Rosine nạt thầm và ngầm nghĩ rằng Marius thật táo tợn, rồi cô sẽ nói cho cậu biết điều ấy ngay lúc họ ra đến ngoài! Trong khi chờ đợi, cô những muốn trước hết cái gã này hãy quay về chỗ hắn từ đó đến.
Người đàn ông đưa mắt nhìn hàng ghế, bà già đã ra rồi, nhưng lại phải đi qua lần nữa suốt lối đi. Thây kệ, ông ta ép sát mình vào lưng ghế, cố chen qua trước mặt gã con trai ngu ngốc cứ ngồi yên trong khi phần giới thiệu những người tham gia phim đã xong hết, ông bước qua cô gái ngồi cạnh anh chàng, hơi xô đẩy cô một chút, thấy cô còn quá trẻ để mà mệt mỏi, rồi bước ra xa mà chẳng xin lỗi.
Marius từ từ quay đầu sang Rosine, nụ cười của cô kỳ lạ, có điều gì đó không ổn, cậu biết như thế, cậu cảm thấy như thế. Mặt Rosine thất sắc.
- Thằng ngu ấy đã dẫm bẹp túi xách của mình!
Đó là những tiếng cuối cùng Marius còn nghe thấy trong đời; thiết bị đã được khởi động; trong lúc xô đẩy, trái bom lật ngược, viên thủy ngân tiếp xúc với những cục pin và lập tức phát hỏa. Marius, đứt đôi người, chết ngay tức khắc. Enzo, bị hất ra phía sau, nhìn thấy trong lúc ngã thân hình Rosine từ từ cất lên rồi rơi xuống trước đó ba hàng ghế. Cậu định đến cứu cô, nhưng đổ vật xuống ngay, bắp chân rách toác, gần như đứt lìa.
Nằm sóng soài trên đất, màng nhĩ như toác ra, cậu không còn nghe tiếng bọn cảnh sát đang xô đến. Trong phòng, mười dãy ghế tan tác.
Họ nhấc cậu lên và khiêng cậu đi, cậu mất máu, tri giác mù mờ. Đằng trước cậu, dưới đất, Rosine đằm mình trong một vũng nước màu đỏ không ngừng lan rộng, gương mặt sững lại.
Chuyện xảy ra hôm qua, tại rạp chiếu bóng Variétés, vào cuối buổi chiều, Enzo nhớ lại, sắc đẹp của những mùa xuân. Họ được chuyển đến Bệnh viện chính của thành phố.
Mờ sáng, Rosine qua đời mà không hề tỉnh lại lần nào.
Họ đã khâu lại chân cho Enzo, các bác sĩ phẫu thuật làm những gì họ có thể.
Trước cửa phòng bệnh của cậu, ba dân binh canh gác.
Xác Marius bị ném xuống một lỗ huyệt ở nghĩa địa Toulouse. Nhiều lần, ban đêm trong xà lim nhà tù Saint-Michel, tôi nghĩ đến họ. Để gương mặt họ không bao giờ mờ phai, và cũng để không bao giờ quên lòng dũng cảm của họ.

*

Ngày hôm sau, Stefan đi làm nhiệm vụ ở Agen trở về, gặp Marianne; cô chờ anh nơi tàu hỏa đỗ, mặt thất sắc. Stefan quàng tay ngang người cô và kéo cô ra bên ngoài ga.
- Cậu biết chuyện không? cô hỏi, họng nghẹn thắt.
Nhìn diện mạo Stefan, cô hiểu là anh chẳng biết gì hết về tấn bi kịch diễn ra hôm qua tại kh rạp chiếu bóng Variétés. Trên lề đường nơi họ bước đi, cô báo cho anh về cái chết của Rosine Marius. Stefan hỏi:
- Enzo đang ở đâu?
- Ở Bệnh viện chính thành phố, Marianne đáp.
- Mình quen một bác sĩ làm việc ở khoa ngoại. Ông có tư tưởng khá tự do, mình sẽ xem mình có thể làm được gì.
Marianne đi cùng Stefan đến tận bệnh viện. Suốt dọc đường họ không nói với nhau một lời, mỗi người đều nghĩ đến Rosine và Marius. Đến trước mặt tiền Bệnh viện chính thành phố, Stefan phá vỡ sự thinh lặng.
- Còn Rosine, bạn ấy ở đâu?
- Ở nhà xác. Sáng nay, Jan đã đến thăm cha bạn ấy.
- Mình hiểu. Cậu biết đấy, cái chết của bạn bè chúng ta sẽ chẳng được việc gì nếu chúng ta không đi tới tận cùng.
- Stefan, mình chẳng biết liệu chỗ "tận cùng" mà cậu nói có thực sự tồn tại hay không, liệu một ngày nào đó chúng ta có tỉnh khỏi cơn ác mộng mà chúng ta sống đã nhiều tháng trời hay không. Nhưng nếu cậu muốn biết liệu mình có sợ hay không từ khi Rosine và Marius chết, thì có đấy, Stefan ạ, mình sợ; buổi sáng thức dậy, mình sợ; cả ngày, khi sải bước trên các đường phố để lượm lặt tin tức hay theo dõi một tên dịch, mình sợ; ở mỗi ngã ba, mình sợ họ theo mình, sợ họ bắn mình, sợ họ bắt giữ mình, sợ có những Marius và Rosine khác không trở về sau khi hành động, sợ Jeannot, Jacques và Claude bị xử bắn, sợ có điều gì xảy ra với Damira, với Osna, với Jan, với tất cả các cậu, những người là gia đình của mình. Lúc nào cũng sợ, Stefan ạ, ngay cả khi đang ngủ. Nhưng không nhiều hơn hôm qua hay hôm kia, không nhiều hơn kể từ ngày đầu tiên mình gia nhập đội, không nhiều hơn kể từ ngày họ tước đoạt của chúng ta quyền được tự do. Thế thì ừ, Stefan ạ, mình sẽ tiếp tục sống với nỗi sợ ấy, cho đến chỗ "tận cùng" mà cậu nói với mình, dù mình chẳng biết nó ở nơi nào.
Stefan lại gần Marianne và những cánh tay vụng về của anh ôm lấy cô. Cũng dè dặt e lệ y như thế, cô ngả đầu vào vai anh; và thây kệ nếu Jan thấy sự tự tiện này là nguy hiểm. Ở giữa lòng nỗi cô đơn là tình trạng thường ngày của họ, nếu Stefan muốn, cô sẽ để mặc anh, cô sẽ để mình được yêu, dù chỉ một khoảnh khắc, miễn đó là tình thương mến. Sống một giây lát được an ủi, cảm nhận nơi mình sự hiện diện của một người đàn ông sẽ nói với mình, qua sự dịu dàng của cử chỉ, rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn, rằng mình tồn tại, đơn giản thế thôi.
Môi Marianne lướt gần môi Stefan và họ hôn nhau, ở đó, trước các bậc thềm của Bệnh viện chính, nơi Rosine đang yên nghỉ trong một tầng hầm tối tăm.
Trên hè phố, khách qua đường chậm bước, thích thú nhìn đôi trai gái đang ôm nhau mà nụ hôn dường như không bao giờ muốn chấm dứt. Giữa cuộc chiến tranh gớm guốc này, một số người còn tìm ra sức mạnh để yêu nhau. Mùa xuân sẽ trở lại, một hôm Jacques đã nói thế, và nụ hôn thầm vụng trên sân trước của một bệnh viện u ám khiến người ta t có lẽ anh đúng.
- Mình phải đến đó, Stefan khẽ nói.
Marianne nới vòng tay và nhìn bạn trèo lên các bậc. Khi anh tới thềm cửa, cô giơ tay ra hiệu với anh. Một cách để nói với anh "hẹn tối nay", có lẽ.

*

Giáo sư Rieuneau hành nghề ngoại khoa ở Bệnh viện chính. Ông từng là một trong các thầy dạy Stefan và Boris, khi các anh còn có quyền theo học khoa y. Rieuneau không ưa những đạo luật hèn hạ vô liêm sỉ của Vichy; vốn yêu mến tự do, lòng ông thiên về ủng hộ lực lượng Kháng chiến. Ông đón cậu học trò cũ với niềm nhân ái và kéo cậu ra chỗ khuất. Giáo sư hỏi:
- Thầy giúp gì được anh?
- Em có một người bạn, Stefan ngần ngừ đáp, một người bạn rất thân hiện đang ở đâu đó trong này.
- Tại khoa nào?
- Nơi người ta chữa trị những người bị đứt lìa chân vì một trái b
- Thế thì, thầy cho là ở khoa ngoại, giáo sư đáp. Cậu ấy đã được phẫu thuật chưa?
- Em cho là tối qua ạ.
- Cậu ấy không ở bộ phận của thầy, nếu có, thì khi đi khám bệnh sáng nay thầy đã thấy. Để thầy đi hỏi tin tức.
- Thưa giáo sư, phải tìm cách để...
- Thầy đã hiểu rõ rồi, Stefan, giáo sư ngắt lời cậu, thầy sẽ xem có thể làm được gì. Hãy đợi thầy ở sảnh, thầy đi hỏi về tình trạng sức khỏe của cậu ta.
Stefan nghe lời và đi xuống cầu thang. Đến tầng trệt, anh nhận ra cánh cửa có những tấm ván tróc sơn; ở phía sau, những bậc thang khác dẫn xuống các tầng hầm. Stefan do dự, nếu mọi người bắt gặp anh, họ sẽ chẳng khỏi đặt cho anh những câu hỏi mà anh rất khó trả lời. Nhưng bổn phận cấp bách hơn là mối nguy hiểm có thể gặp, và không đợi thêm nữa, anh đẩy cánh cửa.
Cuối cầu thang, hành lang tựa như một đường hầm dài thâm nhập đáy lòng bệnh viện. Trên trần, những dây dợ nhằng nhịt chạy quanh hệ thống đường ống ri rỉ nước. Cứ cách mười mét, một ngọn đèn vách lại tỏa quầng sáng nhợt nhạt; có những chỗ bóng đèn bị vỡ và hành lang chìm trong cảnh tranh tối trnah sáng.
Stefan coi khinh bóng tối, anh biết đường. Trước kia, những lần anh đã phải đến đây. Gian phòng anh tìm ở bên phải, anh đi vào.
Rosine nằm trên một chiếc bàn, một mình trong phòng. Stefan lại gần tấm ván phủ, nhuốm màu đen. Mái đầu hơi nghiêng để lộ chỗ gãy bên dưới gáy. Có phải vết thương này đã giết chết cô hay vô số vết thương khác mà anh đang nhìn thấy? Anh đứng tĩnh tâm trước thi hài.
Anh đến thay mặt các chiến hữu để nói với cô lời tạm biệt, nói với cô rằng gương mặt cô sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức chúng tôi và không bao giờ chúng tôi bỏ cuộc.
"Nếu tại nơi bạn ở, bạn gặp André, hãy chào bạn ấy giúp mình."
Stefan hôn lên trái Rosine và rời nhà xác, lòng nặng trĩu.
Khi anh trở lại gian sảnh, giáo sư Rieuneau đang chờ anh.
- Thầy tìm anh, chà, anh ở đâu thế? Bạn anh thoát rồi, các bác sĩ phẫu thuật đã khâu lại chân cho cậu ấy. Hãy hiểu cho rõ rằng thầy không bảo cậu ấy sẽ lại đi được, nhưng cậu ấy sẽ sống sót sau những vết thương.
Và thấy Stefan, lặng lẽ, không rời mắt khỏi mình, vị giáo sư già kết luận:
- Thầy không thể lạm được cho cậu tThường xuyên có ba dân binh canh gác cậu ta, những tên man rợ ấy thậm chí không để thầy vào gian phòng cậu ta nằm. Hãy bảo bạn bè anh đừng mưu toan làm gì ở đây, như vậy quá nguy hiểm đấy.
Sefan cảm ơn ông thầy và ra đi tức khắc. Tối nay, anh sẽ gặp lại Marianne và sẽ thông báo tin tức cho cô.
Chúng chỉ để Enzo được nghỉ ngơi vài ngày trứoc khi đưa cậu ra khỏi giường bệnh để chuyển đến bệnh xá nhà tù. Bọn dân bình mang cậu đi không chút gương nhẹ và trên đường di chuyển Enzo ba lần bất tỉnh.
Số phận cậu đã được định đoạt trước khi cả khi cậu bị tống giam. Hễ cậu hồi phục, là chúng sẽ bắn chết cậu trong sân; vì cậu phải bước đi được đến cây cột hành hình, nên chúng tôi sẽ ra sức làm cho cậu không sớm dứng lên được. Lúc này là đầu tháng Ba năm 1944, những tin đồn về một cuộc đổ bộ sắp tới của đồng minh ngày càng nhiều hơn. Ở đây không ai nghi ngờ rằng đến ngày ấy, những cuộc hành trình sẽ chấm dứt và chúng tôi sẽ được thả. Để cứu anh bạn Enzo, phải đối phó với thời gian.

*

Từ hôm qua, Charles giận điên lên. Jan đã đến thăm anh tại nhà ga nhỏ bỏ không Loubers. Quả thật là cuộc viếng thăm kỳ cục, Jan đến từ biệt anh. Một đội ngũ mới những người kháng chiến Pháp vừa thành lập ở nội địa, họ cần những người có kinh nghiệm, Jan phải đến với họ. Không phải anh quyết định như thế, đó là mệnh lệnh, thế thôi. Anh chỉ phục tùng.
- Nhưng ai ra những lệnh ấy? Charles hỏi, anh chưa hết giận dữ.
Những người kháng chiến ở Pháp, ở Toulouse, bên ngoài đội, chuyện ấy tháng trước còn chưa tồn tại! Thế là một mạng lưới mới đang được tổ chức và người ta lấy đi người trong nhóm của anh! Những người như Jan, đâu có đủ, rất nhiều chiến hữu đã ngã xúông hoặc bị bắt, vậy phải để anh ra đi như thế, Charles thấy chuyện này bất công. Jan nói:
- Mình biết, nhưng chỉ thị là từ bên trên xuống.
Charles bảo rằng anh cũng chẳng biết "bên trên". Đằng đẵng bao tháng nay, cuộc chiến đấu được thực hiện ở bên dưới này. Cuộc chiến tranh đường phố, chính họ sáng tạo ra nó. Bắt chước công việc họ làm là chuyện dễ với những người khác.
Charles không thực sự nghĩ những gì anh nói, chỉ có điều từ biệt chiến hữu Jan, điều ấy gần như làm anh đau hơn cả cái ngày mà anh bảo một phụ nữ rằng cô trở về bên chồng cô thì tốt hơn.
Dĩ nhiên, Jan kém xinh đẹp hơn cô ấy nhiều và Charles sẽ chẳng bao giờ nằm chung giường với Jan cho dù Jan có ốm yếu đến chết. Nhưng trước khi là chỉ huy của Charles, thoạt nhiên Jan là bạn của anh, vậy thì nhìn Jan ra đi như thế...
- Cậu có thời gian ăn một đĩa trứng tráng không? Mình có trứng đấy, Charles lầm bầm.
- Hãy giữ lại cho những người khác, quả thật mình phải đi đây, Jan đáp.
- Người khác nào chứ? Cứ cái đà này, thì rồi tớ sẽ chỉ còn mỗi một mình trong đội!
- Những người khác sẽ đến, Charles ạ, đừng lo. Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu, lực lượng Kháng chiến đang tổ chức và giúp đỡ một tay ở nơi mà mình có thể hữu ích là chuyện bình thường. Nào, tạm biệt mình đi và đừng có làm bộ mặt như thế nữa.
Charles tiễn Jan ra con đường nhỏ.
Họ ôm hôn nhau, thề một ngày kia sẽ gặp lại nhau, khi đất nước được giải phóng. Jan lên xe đạp và Charles gọi anh lần cuối.
- Catherine đi với cậu chứ?
- Phải, Jan đ
- Thế thì, hôn cô ấy giúp mình.
- Jan gật đầu hứa và mặt Charles rạng lên trong khi anh hỏi Jan một câu cuối cùng.
- Vậy về phương diện chuyên môn, từ lúc chúng mình nói lời tạm biệt, cậu không còn là chỉ huy của mình nữa?
- Về phương diện chuyên môn, không! Jan đáp.
- Thế thì, đồ ngốc ạ, nếu ta thắng trong cuộc chiến này, các cậu hãy cố mà sống hạnh phúc, Catherine và cậu ấy. Và chính tớ, người chế tạo thiết bị ở Loubers, sẽ ra lệnh này cho cậu!
Jan chào Charles như ta chào một người lính mà ta kính trọng, rồi anh ra đi trên chiếc xe đạp.
Charles đáp lại cái chào của Jan và anh ở lại đấy, cuối con đường của nhà ga cũ bỏ không, cho đến khi chiếc xe của Jan khuất dạng phía chân trời.

*

Trong k chết vì đói ở xà lim, trong khi Enzo quằn quại vì đau đớn ở bệnh xá nhà tù Saint-Michel, thì cuộc chiến vẫn tiếp tục trên đường phố. Và không một ngày nào trôi qua mà kẻ địch không thấy những đoàn tàu của chúng bị phá hoại, những trụ điện bị đánh bật, những cần trục gục xuống dòng kênh, những xe tải Đức đột nhiên có vài quả lựu đạn rơi vào.
Nhưng, tại Limoges, một kẻ cáo giác đã báo cho chính quyền rằng có những thanh niên, chắc chắn là người Do Thái, thường hội họp lén lút ở một căn hộ trong tòa nhà y ở. Cảnh sát lập tức tiến hành bắt bớ. Chính phủ Vichy bèn quyết định cử đến tại chỗ một trong những tên chó săn giỏi nhất của nó.
Viên cẩm Gillard, phụ trách việc đàn áp chống khủng bố, được cử đi cùng nhóm cộng sự dưới quyền y để điều tra về những gì cuối cùng có thể giúp chúng lần lên tận mạng lưới Kháng chiến miền Tây Nam mà chúng cần tiêu diệt bằng mọi giá.
Ở Lyon, Gillard đã chứng tỏ khả năng của mình, y quen thẩm vấn, y sẽ chẳng chịu tho ở Limoges. Y quay lại sở cảnh sát để đích thân đảm trách câu hỏi cần đặt ra. Hết ngược đãi đến hành hạ, cuối cùng y biết được rằng có những "kiện hàng" được gửi theo phương thức hòm thư lưu đến Toulouse. Lần này, y biết buông lưỡi câu ở chỗ nào, sau đó chỉ cần canh chừng con cá sẽ đến cắn câu.
Đã đến lúc rũ một lần cho sạch hết những tên kiều dân làm rối loạn trật tự công cộng và đặt vấn đề nghi ngờ uy quyền của Nhà nước
Trời vừa sáng, Gillard bỏ các nạn nhân của y lại cho sở cảnh sát Limoges và lên tàu đi Toulouse cùng nhóm cộng sự dưới quyền y.
Chú thích:
 La Carmagnole, bài ca và điệu vũ của quần chúng trong thời kỳ Cách mạng Pháp, được sáng tác năm 1792, khuyết danh tác giả, đến năm 1799 bị Bonaparte cấm.