Nghĩa là:Chơn dương đủ, quần âm lui tán,Ác dẫy đầy, cả nhà bị trầm luân.Có bài kệ rằng: Dưới gò núi hắc mã quan dinh,Cỏ rậm rừng mê quái điểu minh,Lụy chỗ tuyền đài người chẳng tỉnh,Đào tàn Lý rụi hoa thanh linh.Lại nói Khưu-Trường-Xuân ngồi trong miễu Bàn-Khê công phu, đương lúc tịnh xảy thấy 2 đồng tử dẫn bạch-hạc đứng trước mặt nói rằng: - Vâng lời Ngọc-Đế sắc lịnh, thỉnh Chơn-Nhơn cỡi hạc phi thăng. Trường-Xuân liền nhớ lời Tam-Quan Đại-Đế nói 7 năm thành chơn, có lẽ nào bữa nay đặng thành! Hay là âm ma trong mình nó hiện ra mấy thứ huyễn cảnh mà phá công-phu của ta? Ông tỉnh ngộ đặng rồi, 2 người đồng-tử cùng bạch-hạc cũng đâu mất, một mình ngồi trên bồ-đoàn, muôn việc đều không. Ông nghĩ tại mình ỷ giỏi, muốn đi thử Ma-Y, nên sanh việc âm ma nhiều thứ quái lạ mà khảo mình. Phải mình không tỉnh chắc nó đoạt cái linh tánh. Nghĩ rồi ông liền tự hối rằng: - Nếu như chẳng luyện dứt cái âm-khí sao đặng thuần dương? Vậy phải dùng một phép mà trừ cho đặng ma-chướng tiêu sạch, mới là phép chơn tịnh.Rồi đó ông bỏ chỗ Bàn-Khê đi kiếm đặng cái núi đất, thấy dưới núi có cục đá tròn, nặng hơn trăm cân, cũng là chỗ thanh tịnh vắng vẻ. Ông cất cái am tranh mà ở tu luyện, hễ chừng có âm-ma phát ra, ông đi ôm cục đá lên nửa núi lăn xuống, rồi ngồi tịnh. Như có sanh nữa thì ông đi ôm đá lăn nữa, làm như vậy 3 năm âm-ma mới trừ sạch, mới đặng thuần dương, mấy thứ huyễn cảnh đều dứt, linh hiển đặng thông thiên-cơ liền ứng, thấy rõ biết chỗ Vương-Đại-Môn có việc mà thiên-cơ chẳng dám tiết lậu. Ông định đi lại đó khuyến hóa đôi lần, bằng đặng tỉnh ngộ khá khỏi chỗ trầm luân tai ách, chẳng mất lòng Thượng-Đế hóa sanh chi đức, đặng mở chỗ cứu đời. Tưởng rồi, ông liền bỏ núi đất đi qua xứ đó. Xứ đó có một người họ Vương, tên Vân, nhà giàu lớn, người người đều gọi là Vương-Đại-Môn.Chỗ ấy trên núi dưới nước, sơn-thủy rất tốt. Vương-Vân tuy giàu sang mà lòng khắc bạc, hay dùng giạ già cân non, ra ít thâu nhiều, thường hay khi nghèo hiếp yếu, chiếm đoạt ruộng đất của người, trong nhà tôi tớ đều mượn oai hổ, húng hiếp xóm giềng, gian-dâm phụ nữ, không chút lòng nhơn, ỷ theo chủ mà nương cậy, gây tội ác vô cùng. Trước nhà có cục đá dài hơn một trượng mấy thước, đầu lớn đuôi nhỏ giống như con sư-tử. Nên ai cũng kêu là “Thạch sư-tử”.Trong nhà người làm công nhiều lắm, hễ đến bữa cơm, người coi cửa nhảy lên lưng sư-tử lấy đá đánh một tiếng, bốn phía đều nghe liền về ăn cơm, ngày ngày như vậy. Cách nhà chẳng bao xa có cái núi thấp, trên núi có một cái miễu bà Quan-Âm. Khi trước ông nội của Vương-Vân tạo làm có cúng ruộng đất, có người chủ trì. Qua đến Vương-Vân làm chủ đuổi người đó đi, ruộng đất lấy lại, miễu chưa hư, thần tượng còn mà không ai phụng sự, duy còn cái miễu hoang. Khưu-Trường-Xuân vào ở trong miễu, mỗi ngày nghe cục đá kêu thì biết tới bữa ăn, đến xin mười mấy bữa không ai thèm hỏi tới ông, huống hồ chén cơm bát nước tài nào mà xin đặng! Trong nhà có một đứa tớ gái tên Xuân-Huê, thấy ông đến xin mấy lần không ai cho, trong lòng bất nhẫn, lén lấy bánh giấu đem cho ông, rồi biểu thầy phải đi cho mau, chỗ nầy chẳng phải chỗ lành. Qua bữa sau ông đến xin gặp Vương-Vân đứng trước cửa. Ông Khưu muốn độ Vương-Vân, biết người nhà giàu là do kiếp trước có tu, mà nay lòng hay khắc bạc không biết tự hối. Nên thấy Vương-Vân đứng đó, ông liền đọc bốn câu kệ đặng cảm động lòng Vương-Vân.Kệ rằng: Vì lợi tham danh chẳng trở đầu,Có bữa vô-thường việc chẳng lâu,Ruộng đất bạc tiền đem chẳng đặng,Không dè kiếp đến phải lo sầu!Khưu-Trường-Xuân đọc rồi, Vương-Vân nổi giận mắng rằng: - Mấy thằng giả đạo, đừng ở đây nói bậy, bình sinh tao không tin phép Phật, mầy phải đi mau mới khỏi chịu nhục. Ông Khưu rằng: - Bần-Đạo đến quí phủ xin bữa cơm, cầu ông cho ít nhiều. Vương-Vân thấy ngoài cửa có cái thùng hốt cứt ngựa, sẵn có cái vá một bên, vói tay lấy xúc một vá cứt đem lại nói rằng: - Mầy cầu tao thí giúp, nay tao cho mầy cái nầy lấy không? Trường-Xuân đương muốn khuyên Vương-Vân, tưởng là y nói chơi nên lấy bầu đưa ra, Vương-Vân đổ cứt vô trong bầu! Trường-Xuân nói: - Cứt ngựa nầy ông cho tôi có chỗ chi dùng chăng? Vương-Vân nói: - Cứt đó tao cũng mướn người đi hốt, nay đem cho mầy cũng là thi ân. Ông Khưu nghe nói than rằng: -- Thiện-tai! Thiện-tai!Vương-Vân và nội nhà tôi tớ đều cười lớn, duy có con Xuân Huê trong lòng bất nhẫn. Bữa sau Xuân-Huê thấy mấy người ăn rồi đi làm hết, lén lấy bánh bỏ trong túi, ra coi có ông lại xin hay không. May gặp Trường-Xuân đứng trước cửa liền đưa bánh cho ông. Ông nói: - Ta chẳng phải tới xin bánh, vì có một việc kín muốn nói cho cháu hay: phải thường nhớ trong lòng, chừng nào mắt con sư-tử đỏ, cháu phải mau lên trên miễu Quan-Âm đặng lánh nạn! Trốn qua một giờ ba khắc thì khỏi chết. Nói rồi liền đi mất.Xuân-Huê thường nhớ trong lòng, mỗi ngày coi chừng thạch sư-tử mấy lần, thường bữa như vậy. Có thằng nhỏ giữ trâu thấy Xuân-Huê làm như vậy hỏi rằng: - Chị làm gì mỗi ngày ra coi con sư-tử chi vậy? Xuân-Huê rằng: - Hôm trước ông thầy xin ăn nói với tôi biểu coi chừng con mắt thạch sư-tử đỏ, thì mau chạy lên trên miễu Quan-Âm trốn một giờ thì khỏi nạn lớn. Thằng coi trâu nghe nói việc lạ muốn phá chơi, lén lấy cục đá đỏ, chiều cột trâu sớm, chạy lên thạch sư-tử lấy miếng đá vẽ trong con mắt sư-tử rồi núp phía sau coi Xuân-Huê làm sao? Gần tối thấy Xuân-Huê trong nhà ngồi đứng không yên, thầm tưởng trong lòng: - Hay là sư-tử mắt đỏ rồi chăng? Lật đật chạy coi, chẳng sợ chủ nhà nghi. Xảy thấy hai con mắt của sư-tử đỏ hết, lấy làm sợ hải liền chạy lên miễu Quan-Âm. Thằng coi trâu thấy vậy cũng chạy theo tới miễu, liền nghe nổ “ Rầm..!” một tiếng vang trời động đất, bốn phía nổi mây đen tối mịt, gió thổi ầm ầm đến nữa đêm mới dứt. Xuân-Huê với thằng nhỏ trốn dưới bàn Quan-Âm nghe tiếng nói ào ào như ngàn người đánh trống. Đến sáng mới dám ra coi ai nấy kinh hồn khiếp vía đều nói: - Biết Vương-Vân là người khắc bạc, ỷ chúng hiếp cô, khi dể ông bà cha mẹ, lấn lướt xóm giềng, miệng độc như rắn, chúng bạn đều ghê, tôi tớ có lỡ thì miệng chửi tay đánh, guốc roi liền bữa, chẳng có lòng thương, như vậy cũng đành. Có kẻ nói: - Chết một con sâu độc các giống xuân hòa; nhổ một gai hùm khỏi ăn thâm luồn cẳng. Người khác nói: Hễ khắc bạc người tức là làm hại mình, dung người thương người tức là dung, thương mình đó! Nên có câu: “ Trời Đất không tư, lành thì đặng phước, dữ thì mắc họa, không sai.”Lại thấy con sư-tử chẳng trôi, ngã nằm tại giữa sông. Xuân-Huê thấy nội nhà chủ bị trôi hết khóc lên một hồi kinh động trong xóm. Người người chạy ra coi đều nói: - Trời có mắt báo ứng không sai. Rồi hỏi Xuân-Huê sao mà nội nhà chủ nó chết chìm hết nó trốn đâu mà khỏi. Nó bèn đem việc ông đạo-trưởng đi xin thuật mọi việc cho mấy người nghe, ai nấy đều nói: - Vương-Vân hung ác, số định đến rồi nên Trời giáng thủy tai thâu kẻ bạo tàn, còn ông đạo đó chắc là Thần Tiên đến khuyến hóa cho y mà y đã chẳng chịu hồi tâm lại thêm khi dể kẻ nghèo, lấy cứt ngựa cho người ta ăn, thật là tán-tận lương tâm nên phải bị tai kiếp. Còn Xuân-Huê tuy là tôi tớ mà có thiện căn nên được cứu khỏi nạn. Thằng coi trâu cũng nhờ theo Xuân-Huê mà khỏi chết. Ấy vậy người ở đời phải làm việc lành thể lòng Trời Đất, thương người thương vật phải tin nhơn quả, phải sợ nhà tối có Thánh Thần soi xét nên chẳng dám làm điều quấy, đến chừng gặp đại nạn mới có Thần Thánh cứu hộ chẳng sai. Rồi hỏi Xuân-Huê bao giờ cháu tính làm sao? Xuân-Huê đáp rằng: - Cái miễu nầy nguyên ông nội của chủ tôi lập ra, chung quanh ruộng đất có để cúng trong miễu, thôi tôi tính ở tại miễu nầy tu hành, cũng không ham việc trần chi nữa. Tôi nghĩ của tiền như bọt nước, đời người như giấc chiêm bao. Như chủ tôi mới thấy buổi chiều, sáng ra biệt xác. Hỡi ơi! Dường ấy còn lo làm chi! Kiếm một bữa vui qua một bữa, tầm đường ngay mà thoát lưới trần. Vậy cháu xin cô bác thương, dầu có nắng mưa, cúi nhờ ơn cô bác, thế nào cháu cũng nguyện tu thân.Mấy người nghe nói mừng lắm, tiếp rằng: - Để bà con ta giúp đỡ tiền ăn cho qua ngày. Nói rồi Xuân-Huê kiếm một bà già ở với nó làm bạn, nhứt tâm khổ chí tu hành. Đặng mấy năm sau Khưu chơn-nhơn ở tại Long-Môn động tịnh dưỡng biết Xuân-Huê có lòng chơn-tu, ông đi đến độ Xuân-Huê, sau nó cũng đặng thành chánh quả. Việc nầy là việc sau.Đây nhắc lại khi ông Trường-Xuân bảo Xuân-Huê đi tỵ nạn rồi ông liền đến chỗ Long-Châu tại vách đá, trên vách có cái động, là khi đời nhà Tần mạt Hớn hưng có ông Lâu-Cảnh tiên-sanh ở đó mà định nhựt nguyệt, dưới có con sông, vách đá dựa khe nước, nước thường chảy vòng theo vách, đứng xa ngó lại thấy như ở giữa khe nước. Cái động ấy có cửa, nên người ở xứ đó lâu năm thấy động hình như vậy nên đặt tên Long-Môn, lấy tích Lý-Ngư khiêu Long-môn (Lý-Ngư khiêu long-môn tục kêu là võ-môn tam-cấp. Con cá nào nhảy khỏi thì thành rồng, không khỏi thì té chết, nên lấy xương kêu là long cốt).Khưu-Trường-Xuân tới đó nhớ câu “Môn-thượng long-phi” chắc ứng tại đây. Rồi ở tại động tu chơn dưỡng tánh 2 năm. Khi đó chỗ Long-Châu trời hạn, quan Thái-Thú biểu dân trong ấp cầu đảo mà không mưa, lúa cây đều khô hết, muôn dân thọ khổ. Khưu-Trường-Xuân liền đến quận nói để định ngày cầu đảo ba ngày có mưa, phổ cứu nhơn dân. Quan quận nghe nói mừng tiếp rồi sắm lễ vật bái thỉnh cầu đăng đàn.Khưu-Trường-Xuân sửa soạn áo mão, phủ-phục đốt hương lên đàn. Một lòng thành kính niệm cảm Thượng-Đế, quả thiệt mưa lớn 3 ngày 3 đêm, ruộng rẫy đặng mùa, muôn dân an-ổn. Qua năm sau, mấy tỉnh ở Bắc-Kinh cũng bị trời hạn, không mưa, trên vua khẩn đảo cùng bá quan cầu mưa không đặng. Ngươn-Thuận-Đế truyền chỉ treo bảng cầu mưa, thỉnh mấy vị tu hành có đạo, ai cầu đặng mưa gia quan trọng thưởng. Khi đó bảng vua treo rồi, các tỉnh đều nghe, có quan Thái-Thú ở Long-Châu bảo cử một người cầu mưa.Ngày xưa bị đói khát,Mà nay động Đế-Vương.