Sau bữa cơm trưa, Tiểu My theo Vân Lâu về nhà chàng. Vừa bước chân vào gian nhà nhỏ, Tiểu My thấy hồi hộp lạ thường. Những bức họa có cùng một khuôn mặt, cùng một ánh mắt, cùng một nụ cười như đang theo dõi từng hành động của nàng. Tiểu My rùng mình. Những bức họa thật đẹp, thật có hồn. Nàng bước tới ngắm từng bức một, Vân Lâu mang đến cho nàng một ly nước. - Giống không? Tiểu My lơ đãng: - Giống gì? - Giống em! Tiểu My ấp úng: - à... Ơ... giống thật, nhất là bức tranh vẽ bằng phấn tiên. - Bức đó anh mới vẽ đấy. Hôm qua đưa em về xong, anh không làm sao ngủ được nên ngồi vẽ suốt đêm đó! Tiểu My quay nhìn bức tranh mới vẽ xong rồi đưa mắt so sánh với những bức khác trong phòng. Nàng cảm thấy khó chịu vì bất cứ một xó xỉnh nào cũng ngập đầy hình bóng Hàn Ni. - Nhìn thế này, em cứ ngỡ anh chỉ vẽ một người duy nhất thôi. Bước tới cuối phòng, bỗng nàng thấy dưới khung kính là một bức tranh với mấy câu thơ: ”Khóc không thành tiếng nghĩ đến tình buồn Nhớ em từ đấy, mắt lệ rưng rưng, họa cũng không thành Nửa khuya thức giấc, chỉ có cú kêu nhớ người muốn khóc.” Đọc xong, Tiểu My nhìn kỹ chân dung người con gái, càng nhìn Tiểu My càng thấy giống mình và càng thấy khó chịu. - Tiểu My, em sao thế? - Em hơi chóng mặt, anh cho em biết rõ về Hàn Ni đi. - Có thật em muốn nghe không? - Thật. - Thế thì anh xin kể. Vân Lâu kéo ghế ngồi xuống cạnh Tiểu My. Mặt nhìn mặt, tay trong tay, Vân Lâu bắt đầu kể. Câu chuyện như một khúc phim được chàng quay lại từ ngày mới dọn đến nhà ông Dương. Rồi nửa đêm nghe tiếng đàn vọng lên chàng ngồi nghe say sưa như thế nào, cho đến lúc bị mẹ cha buộc phải trở về Hương Cảng chàng phải đi vì không thể chần chừ được nữa. Và Hàn Ni hay tin, bị xúc động chịu không nổi đã tắt thở ngay dưới chân chàng mà chàng không hay. Theo lời kể của chàng, nàng như nhìn thấy người thiếu nữ có một quãng đời đáng thương kia hiện ra trước mặt. Nàng bắt đầu xúc động và không thấy ganh tị nữa, mắt nàng bắt đầu ướt: - Anh Lâu, tội nàng thật, em nghe mà muốn khóc. Vân Lâu tiếp tục kể: - Câu chuyện đến đây chưa phải là hết, Hàn Ni chết đi, kể từ đó đột nhiên anh thấy không vẽ được nữa, ngay cả chân dung của Hàn Ni anh cũng vẽ không xuất thần như trước. Em nhìn hình thì thấy chứ? Tiểu My đưa mắt nhìn tấm hình đặt dưới khung kính. Hèn gì chẳng là họa không thành sao được. - Nhưng... sao em thấy bức tranh này, giống em ghê đi! - Thế à! Vân Lâu chồm tới ngắm nghía, quả giống thật. Hai người yên lặng nhìn nhau. Phải chăng giữa thế giới loài người còn có một thế giới vô hình khác chi phối cả cuộc đời sống con người. Một lúc, Tiểu My giục: - Kể tiếp đi anh! - Ừ, Hàn Ni chết được một năm, một hôm anh định ghé ông bà Dương thì anh gặp em. Em còn nhớ cái ngày hôm ấy chứ? - Vâng, chuyện cứ như nằm mơ, em cứ tưởng anh giả điên giả khùng để trêu em. Nhưng sau đấy không hiểu sao em lại mời anh đến phòng trà Thanh Vân. - Đúng rồi, chuyện như nằm mơ không bằng. Anh tưởng em là Hàn Ni, anh mừng phát điên lên được, anh chạy đến nhà ông bà Dương la hét um xùm, mãi đến lúc ông ấy thề bán sống bán chết anh mới yên. Tối hôm ấy ngủ lại nhà ông Dương, anh mơ một giấc mơ lạ lùng, trong đó Hàn Ni đã hát “Sợ anh buồn, sợ anh cô đơn nên em sẽ trở lại... ”. Tiểu My chau mày: - Anh còn nhớ âm điệu bản nhạc thế nào không? - Để anh thử nhớ xem. Vân Lâu nhại giọng một hai câu, Tiểu My gật đầu: - Thôi em hiểu rồi, bản nhạc này xưa lắm rồi, nó có tên là “Đừng Xa Nhau” nhưng tại sao lại đổi lời? - Em cũng biết bản này nữa sao? - Vâng, bản này với bản “Không Bao Giờ Xa Nhau” đều là những bản nhạc xưa cả. - Đó em thấy không, em với Hàn Ni đều biết hát cùng một bản như vậy làm sao anh không bị lầm được. - Nhưng nhiều người cũng biết hát những bản đó vậy, đâu phải chỉ có một mình em. Anh kể tiếp đi. - Lúc tỉnh dậy, đầu óc anh cứ lảng vảng mãi mấy câu đó. Anh như người mất thăng bằng, cách đây mấy hôm, khi gặp em ở nhà hàng Trung Ương, anh đã hứa với lòng là từ rầy không đến tìm em nữa, nhưng rồi lại chiêm bao lúc thấy em lúc lại thấy Hàn Ni, thế là anh không chịu được, đành phải đi tìm em. Tiểu My bị ám ảnh bởi câu chuyện kể: - Em sợ em không đẹp như nàng! Vân Lâu nâng những ngón tay nhỏ của Tiểu My đặt lên môi mình: - Tiểu My, tính tình em và nàng khác hẳn nhau. Em can đảm, cứng rắn, em như cuộn lửa đỏ, còn Hàn Ni chỉ là những sợi khói mong manh thôi. Em hiểu ý anh không? Tiểu My nhẹ gật đầu. - Còn một điều nữa. Tối qua về nhà, đột nhiên anh thấy thích vẽ vô cùng, và anh đã vẽ chân dung em, có thể nói đó là bức thành công nhất của anh trong năm nay. Nụ cười nở trên môi Tiểu My. Vân Lâu nhìn nàng và đột nhiên chàng nắm tay người yêu đặt lên môi mình, cánh tay còn lại vòng qua người xiết chặt: - Tiểu My, em làm anh cảm thấy phấn khởi. Tiểu My vùng vẫy: - Anh Lâu, buông em ra, anh không sợ Hàn Ni nhìn chúng ta à? - Không sao đâu, nhìn thấy chắc nàng sẽ sung sướng hơn, yên tâm hơn vì anh đã hết phiền muộn. Khoảng bốn giờ sau, Vân Lâu và Tiểu My tới trước cổng nhà ông Dương. Đưa tay lên bấm chuông, Vân Lâu quay lại nói: - Để em xem, thấy em chắc chắn họ la hoảng lên cho coi! Tiểu My cười không đáp. Nàng phập phồng không hiểu chuyện mình đế đây thế này có nên hay chăng? Người trong nhà sẽ nghĩ sao về nàng? Hôm nay nàng không trang điểm nhiều, chỉ thoa một tí son nhạt trên môi, tóc xõa dài trên vai, chiếc áo màu vàng nhạt, tình cờ nàng ăn mặc tương tự như cách ăn mặc của Hàn Ni. Cửa vừa mở, khuôn mặt cô tớ Tú Lan thò ra ngoài, thấy Vân Lâu cô ra mừng rỡ: - Cậu Lâu, ông chủ đến sở chưa về, cậu... Vừa nói xong tiếng cậu, quay sang nhìn Tiểu My, cô ta há hốc miệng, không thốt ra được lời nào nữa. Vân Lâu thấy vậy, vội đính chính: - Tú Lan, đây là cô My, chị thấy có giống Hàn Ni không? - Cô My à? Không... không... Cô Tú Lan hấp tấp bỏ chạy ngay vào nhà, Vân Lâu nói ngay với Tiểu My: - Đấy thấy không Tiểu My. Cô ấy bỏ sợ bỏ chạy vào nhà rồi đấy. Bây giờ chúng ta vào nhà nhé? Tiểu My ngại ngùng: - Có thật em giống Hàn Ni lắm không? - Anh đã bảo là giống như hai giọt nước mắt. Bước vào phòng khách, gian phòng màu xanh mát dịu, không một bóng người. Vân Lâu nhìn quanh, không có gì thay đổi, phải chăng những ngày tháng cũ đang trở lại. - Phòng bài trí đẹp quá! - Bác Dương gái bày biện hết đấy. Vân Lâu chỉ chiếc đàn dương cầm – Hàn Ni thường ngồi đây đàn bản Một Tưởng Khúc cho anh nghe. Tiểu My suy nghĩ: - Một Tưởng Khúc à? Em cũng biết đàn bản ấy. Vân Lâu bước tới mở nắp đàn lên: - Em thử xem, cây đàn lâu lắm không có ai mò tới. Tiểu My bước tới do dự: - Có tiện không? - Sao lại không, Tiểu My, đàn đi, anh đang muốn nghe đây. Nơi cửa có tiếng động, tiếng chó kêu, Vân Lâu quay đầu lại, con chó Khiết đang vẫy đuôi chạy đến. - Khiết! Khiết! Chó Khiết chồm lên người Vân Lâu, Tiểu My buột miệng: - Con chó đẹp quá, dễ thương quá! Hình như tất cả đàn bà, trời sinh ra đều yêu thương thú vật. Tiểu My cúi xuống, vuốt ve đôi tai mềm của con chó. Con vật cũng có vẻ mến nàng, nó thè lưỡi ra liếm tay nàng. - Nó ngoan quá hở anh? Vân Lâu nhìn Tiểu My và con vật, chàng vỗ nhẹ lên đàn: - Em không đàn à? Tiểu My ngồi xuống bắt đầu đàn, những âm thanh quen thuộc lại vang lên. Nhưng tiếng đàn rời rạc chứ không điêu luyện như tiếng đàn của Hàn Ni. Gian phòng chìm đắm trong cõi mộng. Chú chó Khiết bước tới phủ phục dưới chân Tiểu My như đã ở dưới chân Hàn Ni ngày nào. Có tiếng động ở cầu thang, Vân Lâu nhìn lên, bà Dương đang vội vã bước xuống. - Hàn Ni! Tiểu My ngưng tiếng đàn quay lại, Bà Dương đã bước xuống chân cầu thang, bà loạng choạng như sắp ngã. - Anh Lâu! Coi chừng bà ấy té bây giờ! Vân Lâu hối hả bước tới dìu bà Dương ngồi xuống ghế. Bà Dương yếu ớt nói: - Làm ơn cho tôi ly nước nhanh lên. Bà Dương vừa uống xong là chàng nói: - Cháu thành thật xin lỗi bác, cháu quên giới thiệu trước cho bác biết là đây Tiểu My chứ chẳng phải là Hàn Ni. Tiểu My mà cháu đã nói với bác là cháu gặp ngoài phố đấy! - Không, không... không phải đâu! Bà Dương là một người đàn bà cứng cỏi, thế mà bà vẫn không dám chấp nhận chuyện trước mặt là sự thật. Đang ngủ, đột nhiên nghe có tiếng đàn vọng lại, bà vội bước xuống lầu. Cảnh tượng trước mặt chẳng khác ngày xưa. Hàn Ni vẫn xõa tóc bên đàn, con chó Khiết phủ phục dưới chân... - Không... Không, tôi đang nằm mơ đây phải không? Vân Lâu cố gắng giải thích: - Không phải đâu bác, bác không nằm mơ. Đây là người con gái giống Hàn Ni như khuôn đúc, cháu đưa nàng đến để gặp bác. Nàng họ Đường tên Tiểu My, nếu bác nhìn kỹ sẽ thấy không phải là Hàn Ni. Bà Dương có vẻ tỉnh táo đôi chút, bà chậm rãi bỏ đôi tay đang úp trên mặt xuống. Tiểu My đang đứng trước mặt bà ngượng ngập: - Thưa bác. Tiểu My lên tiếng, bà Dương đã nghe rõ. Thưa bác, chứ không phải là thưa mẹ! Đúng là ta đã lầm. Bà yên lặng ngắm nghía người con gái. Cũng một đôi mắt, cái miệng nhỏ và sống mũi thẳng, nhưng Hàn Ni ốm hơn, xanh hơn, yếu đuối hơn người con gái trước mặt nhiều. Không ngờ trên đời lại có sự trùng hợp lạ thường như vậy. - Cậu Lâu cậu tìm gặp cô này ở đâu? - Dạ con gặp trên phố, con có nói cho hai bác nghe hôm nọ, nhưng hai bác cứ bảo là con bị hoa mắt nhìn lầm, bác quên rồi sao? - À phải rồi! Bà Nghĩ, nếu Hàn Ni cũng khỏe mạnh như con bé thế nay, thì... bà lắc đầu, thở dài rồi đưa tay ngoắc Tiểu My lại gần: - Lại đây cháu, lại bác bảo. Tiểu My bỡ ngỡ bước tới, ngồi lên chiếc ghế thấp, đối diện với bà Dương. Mất mẹ từ thửa nhỏ, Tiểu My là đứa bé khao khát tình mẫu tử, nàng đưa tay cho bà Dương nắm lấy. - Cháu họ gì? - Dạ họ Đường ạ! - Họ Đường à? Bà Dương giật mình - Thế cha cháu tên gì? - Đường Văn Khiêm! - Đường Văn Khiêm? Ký ức trở về làm bà ngồi thẳng lưng lại - Trời... thì ra... thì ra cháu là... Tiểu My ngạc nhiên: - Cháu là sao thưa bác. Bà Dương nhìn thẳng vào mắt Tiểu My: - Bây giờ cháu cho bác biết một điều nữa nhé. Cháu sinh ngày nào? - Mười bảy tháng tư âm lịch. - Mười bảy tháng tư à? Vân Lâu hốt hoảng lên tiếng - Hàn Ni cũng sinh ngày đó! Bà Dương cúi xuống: - Đúng rồi. Ngày mười bảy tháng tư âm lịch năm Dân quốc thứ ba mươi bốn tại Trùng Khánh tỉnh Tứ Xuyên phải không? Mẹ cháu thì... chết vì sanh khó phải không. - Ủa? Tiểu My tròn xoe mắt - Tại sao bác biết? Vân Lâu cũng ngạc nhiên không kém: - Bác Dương, có chuyện gì lạ vậy? Tại sao Hàn Ni với Tiểu My lại sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng nơi thế? Bà Dương thở dài: - Không phải chỉ cùng ngày cùng tháng thôi mà còn là cùng giờ nữa, cùng cả người mẹ sinh ra nữa. Họ là hai chị em sinh đôi đấy. Vân Lâu kêu lên: - Sao lạ vậy? Không lẽ... không lẽ Tiểu My cũng là con của bác à? Bá Dương lắc đầu: - Không phải thế. Đời này có nhiều chuyện xảy ra mà ta không ngờ được. Hình như trời đất đã sắp đặt trước để mươi năm sau mới cho vén màn bí mật. - Vậy thì bác nói đi. Vân Lâu giục - Tiểu My với Hàn Ni là hai chị em sinh đôi, thế là thế nào? Bà Dương bình thản nhìn Tiểu My: - Được rồi, để tôi nói. Dù sao Hàn Ni cũng đã chết rồi, chuyện cũng không cần phải dấu diếm làm gì. Nhưng trước khi tôi kể cho hai người nghe, cháu Tiểu My, cháu cho bác hỏi thăm ba cháu lúc này có khoẻ không? Tiểu My e dè đáp: - Dạ khỏe. - Cô ở với ông ấy à? - Vâng. Bà Dương lục lọi trong ký ức: - Ông ấy... còn uống rượu không? Tiểu My ngạc nhiên: - Làm sao bác biết cha cháu uống rượu? ông ấy say sưa suốt ngày có lúc nào tỉnh đâu. - Thế à? Bà Dương đưa mắt thương hại nhìn Tiểu My – Như thế làm sao ông ấy kiếm tiền nuôi lớn cháu chứ? - Dạ lúc đến Đài Loan, cha cháu còn đi làm được, cha cháu dạy âm nhạc cho một trường trung học. Để dành được số tiền nhỏ, cha cháu mới mua nhà cửa. Nhưng sau đấy vì rượu, nhà cũng phải bán đi, để mướn căn nhà hiện nay ở đường Quảng Châu. Việc dạy học bất thành, nhưng nhờ tiền bán nhà nên hai cha con cũng sống lây lất qua ngày, mãi đến lúc cháu đậu xong trung học... Và kể từ đó, cháu bắt buộc phải đi làm. - Cháu làm ở đâu? - Dạ... dạ... Tiểu My có vẻ e thẹn, Vân Lâu đỡ lời: - Tiểu My hát cho một phòng trà. - À! Bà Dương thở dài - Tội nghiệp không! Vân Lâu hối thúc: - Thưa bác, bác chưa nói rõ câu chuyện mà! - Vâng, tôi nói đây. Bà Dương mơ màng nghĩ lại câu chuyện hai mươi năm về trườc. Cậu Lâu, cậu còn nhớ là thưở xưa tôi đã bị bà nội cậu nguyền rủa không? Vân Lâu gật đầu, bà Dương tiếp: - Lời nguyền đó không ngờ lại linh nghiệm thật. Hai vợ chồng tôi mong mỏi được một đứa con, nhưng hai lần có thai là hai lần bị hư, rốt cuộc chúng tôi không có đứa nào cả, trong khi đó thì cậu ra đời. Đến năm Dân Quốc thứ ba mươi bốn, tôi lại thụ thai lần thứ ba. Không cần phải nói cậu cũng biết chúng tôi chăm sóc cái thai đó, đến thế nào. Và đến ngày mười bảy tháng tư năm sau, tôi đã lâm bồn tại một bảo sinh viện ở Trùng Khánh, Tứ xuyên. Vân Lâu nôn nóng: - Và bác đã sinh ra Tiểu My với Hàn Ni! Bà Dương lắc đầu: - Không, sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ đau bụng, tôi đã sinh được một đứa con gái kháu khỉnh. Nhưng có lẽ vì lời nguyền rủa của bà cậu, tôi không bao giờ có được diễm phúc làm mẹ. Vì vậy đứa bé vừa chào đời là lại bỏ tôi đi ngaỵ Bác sĩ cũng bảo rằng tôi không có con được nữa. Bà Dương ngưng lại thở - Tôi đau khổ đến muốn tự tử. Bác trai cháu lúc nào cũng ngồi cạnh canh chừng sợ tôi quẩn trí làm bậy. Nhưng một phép lạ đã cứu tôi. Bà Dương đưa mắt nhìn Tiểu My với nụ cười trên môi. Vân Lâu hối thúc: - Phép lạ đó thế nào? - Thì cũng ngày đó có một sản phụ cũng đến bệnh viện đó sinh. Chồng của bà ấy là một sinh viên trường quốc gia âm nhạc, nghèo không một xu dính túi. Khi sản phụ được đưa đến bệnh viện thì đã mê man. Bác sĩ bảo chỉ còn có cách giải phẫu để cứu đứa con. Kết quả là hai đứa bé gái ra đời, đó là Tiểu My và Hàn Ni. - À. Bây giờ Tiểu My mới hiểu, bà Dương tiếp: - Người đàn bà khốn khổ kia, sau khi được giãi phẫu chỉ sống thêm được hai tiếng đồng hồ. Hai đứa bé sinh ra rất yếu đuối, một đứa nặng chưa tới hai ký, nhỏ như một con chuột, bác sĩ bảo nó khó có thể sống được, còn đứa kia thì tương đối khỏe mạnh hơn, hai đứa giống nhau như hai giọt nước. Người cha trẻ tuổi kia sau khi vợ mất như một kẻ cuồng trí, tối ngày la hét uống rượu say sưa, bỏ mặc hai đứa bé không người chăm sóc. Đó là những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Nhật, giá sữa lên thật cao. Những đứa bé không mẹ bắt buộc phải dùng sữa hộp. Người cha làm gì có tiền để muạ Thế là một hôm, cô y tá bế một đứa bé, đứa nhỏ nhất trong hai đứa, đến tìm tôi. Lúc đó ngực tôi căng đầy sữa, tôi bằng lòng cho nó bú nhờ. Gian phòng yên lặng, bác Dương tiếp: - Khi đứa bé nằm yên trong lòng tôi đưa đôi mắt đen nháy nhìn tôi thì tình mẫu tử tự nhiên khiến tôi thấy yêu thích cô bé vô cùng và chúng tôi đi tìm nhà nhạc sĩ nài nỉ ông ta cho đứa con gái yếu đuối kia cho chúng tôi. - À! Tôi hiểu rồi. Vân Lâu kêu lên, bà Dương nhìn Tiểu My tiếp: - Lúc đó cha cô đang là người bất đắc chí, học hành dở dang, thất nghiệp, vợ lại mới chết phải nuôi cả hai đứa con còn đỏ hỏn, ông ấy bối rối vô cùng. Vả lại bác sĩ cũng bảo là con bé yếu đuối e sống không lâu, dù có tốn bao nhiêu thuốc thang nó cũng vẫn yểu tướng như thường. Lúc nghe chúng tôi xin con, ông đã giận dữ, nhưng sau đó, sau khi suy nghĩ chín chắn, thấy gia đình chúng tôi cũng khá giả, nên lại bằng lòng chọ Thế là con bé kia trở thành con chúng tôi, đó là Hàn Ni. Tiểu My bàng hoàng: - Thế tại sao tôi không hề nghe cha tôi nói gì đến chuyện tôi có đứa em sinh đôi cả thế? - Ngay chính Hàn Ni chúng tôi vẫn dấu, dù tôi vẫn liên lạc với cha cô. Chúng tôi tìm đủ mọi cách để giúp đỡ cha cô từ tiền bạc đến tinh thần. Mong ông ấy sẽ lấy lại được can đảm sống, nhưng không đi đến đâu cả, cha cô cứ mãi say sưa. Sau cuộc kháng chiến, thì đất nước cũng không yên vì sự dấy loạn của cộng quân. Chúng tôi đành rời Tứ Xuyên. Trước khi đi tôi có gửi lại cho cha cô một số tiền lớn rồi mới đến Đài Loan. Sự liên lạc từ đó bị cắt đứt và tôi vẫn tưởng cha cô và cô còn ở lại Hoa Lục, không ngờ... Vân Lâu nãy giờ yên lặng, mới lên tiếng: - Thưa bác, cháu không ngờ có chuyện như vậy. Cháu chỉ thấy lạ là tại sao Hàn Ni lại giống Tiểu My như đúc. Nay rõ ra là tại vì cùng cha, cùng mẹ, nên cùng yêu âm nhạc, cùng biết hát, hèn gì! Tiểu My rối rắm theo câu chuyện, nàng không biết mình nghĩ gì. Không ngờ ta lại có một người em song sinh. Phải chi Hàn Ni còn sống thì hay biết mấy. - Đó chính là thiên mệnh! Vân Lâu nói, bà Dương nhìn chàng, bà hiểu chàng định nói gì. Thiên mệnh là một lý do kỳ diệu. Có nhiều sự sắp xếp lạ lùng mà ta không ngờ tới. Đột nhiên bà đứng dậy nói: - Hai người ở lại đây dùng cơm nhé. Quay sang nhìn Vân Lâu, bà Dương xúc động: - Cậu Lâu, tôi cảm thấy như thời gian trôi qua bây giờ đang trở lại. Vân Lâu yên lặng, vì mắt chàng đang dừng trên người Tiểu My.