au khi Marie chết, Pillat không còn lui tới các sứ quán để lo về vấn đề di cư nữa, cũng không lui tới các cơ quan từ thiện; chàng không còn dự định gì cho tương lai nữa cả. Suốt ngày ngồi trong phòng khách sạn Dupont, cửa luôn luôn đóng kín. Thỉnh thoảng, xuống phố mua bánh, nhưng không cần nhìn ai và nói chuyện với ai cả. Một hôm Aurel Popesco đến khách sạn, trên xe Cadillac đen lộng lẫy bước xuống, Popesco đã được ông Dupont kính cẩn tiếp đón, Popesco hỏi ông ta về Pillat, Dupont trả lời: - Ông đến đúng lúc lắm. Sau biến cố đó, Pillat chỉ nghĩ đến nỗi tuyệt vọng của mình, ông đến đây là phải lắm. Cả ngày ông ta chỉ ở trong phòng một mình, không nói với ai, không ăn uống gì cả, ông muốn lên gặp ông ấy không? Aurel Popesco biết rõ chuyện tự tử của Marie. Ông ta bảo: - Tôi sẽ đem ông Pillat theo tôi. Pillat đã được mời vào một chức vụ cao bên cạnh bộ chỉ huy lực lượng Đại Tây Dương. Ông ta là người tài giỏi. Tôi được phái đến đây để tìm ông ấy đây. Aurel Popesco trả tiền phòng cho Pillat, xong bước lên lầu. Các cô gái con ông Dupont nhìn chiếc Cadillac đen có vẻ thèm thuồng. Aurel Popesco vào phòng la lớn: - Dậy đi anh. Tôi đem tin mừng đến cho anh đây. Anh sắp trở thành một nhân vật tên tuổi rồi đây, tin do bộ chỉ huy lực lượng Đại Tây Dương cho biết đó. And đi với tôi. Chúng ta phải đến Đức đêm nay. Anh có biết anh sẽ là người quan trọng như thế nào không? - Nói với tôi điều gì cũng được nhưng anh đừng nói tôi là nhân vật quan trọng. Tôi biết giá trị của tôi. Từ ngày bị lưu đày, thiên hạ đánh giá tôi bằng phân mét và kí lô, bằng sức mạnh của bắp thịt, bằng dấu tay... Aurel Popesco bảo: - Nhưng bây giờ tình thế đã thay đổi rồi. Đời có lúc nầy lúc nọ chứ. Nào dậy đi, và sửa soạn lên đường. Popesco giải thích cho Pillat rằng các quốc gia Tây phương đã chuẩn bị một cuộc chiến với Sô Viết: «Người ta đã gọi tất cả những người tài ba ở bên nầy bức màn sắt cộng tác trong công việc đó. Anh là một trong những người đó. Anh vừa được nhận làm cố vấn cho bộ chỉ huy các lực lượng Đại Tây Dương. Người ta sắp trông cậy vào anh một công tác đầu tiên hết sức quan trọng. Anh có lương rất hậu. Anh không cần phải di cư đi đâu hết, bây giờ anh đã là nhân vật quan trọng rồi!» Aurel Popesco bắt Pillat ngồi dậy, sửa soạn hành lý để ra đi. Ông Dupont đưa họ đến tận xe, bắt tay vồn vã và chào từ biệt rất là nhã nhặn. Lúc xe rồ máy, Popesco hỏi: - Anh có vẻ không hài lòng? Đây là một biến cố phi thường chứ? Pillat nhìn xuống đường. Chàng không nghĩ gì hết, chàng để Popesco đưa đi đâu thì đi, chàng không hành động gì nữa và hoàn toàn thụ động với tất cả những gì xảy ra cho chàng, thụ động như một tên tù nhân. Popesco lại giải thích: - Đêm nay, chúng ta sẽ gặp các vị chỉ huy. Ba ông tướng đang chờ anh ở Heidelberg, anh biết không? Anh phải giải quyết một vấn đề hệ trọng. Anh có một bạn đồng học tên Boris Bodnariuk, bây giờ gặp hắn, anh có nhận ra không? Pillat gật đầu, Popesco nói tiếp: - Boris là nhân vật quan trọng nhất của Lỗ ma ni. Hắn ta đang cùng tên thống chế những người Slaves miền Nam tổ chức Liên minh các quốc gia quanh sông Danube và đang là bộ trưởng Bộ chiến tranh. Gần đây, người ta không biết gì về hắn nữa. Bỗng cách đây vài hôm, người Mỹ bắt được ở Đức một người giống như Boris. Nhận diện thật đúng rồi nhưng người Mỹ muốn có chứng cớ chắc chắn rằng đó là Boris. Nếu đúng hắn là Boris, thì thật có một tầm quan trọng về chính trị kinh khủng. Nhưng giả thuyết quá đáng có thể dùng. Hoặc là Boris bị bắt buộc trốn đi vì đã có sự bất động quan điểm trong các quốc gia Sô Viết. Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ có thể lợi dụng sự bất động chính kiến đó. Hay là Boris đi công tác. Nếu thế thì công tác cực kỳ quan trọng, vì một bộ trưởng Bộ chiến tranh lại được đưa qua Tây Phương như là một nhân viên tầm thường. Người Hoa Kỳ đang xôn xao về vụ nầy. Nếu đúng là Boris, thì cục diện chính trị thế giới sẽ thay đổi. Anh là người có thể biết chắc người bị tình nghi là Boris hay không. Tất cả phụ thuộc vào anh. Anh chỉ cần nhìn kỹ hắn, nói chuyện với hắn và nói rằng: «đúng hắn» hay «không phải hắn», và thái độ của Hoa Kỳ đối với Sô Viết tùy vào sự nhận diện đó, sự nhận diện mà không có anh sẽ không ai làm được. Vì thế mà tại sao tôi phải đi kiếm anh ở Ba Lê. Anh sẽ ở lại Đức Quốc. Anh sẽ làm Cố vấn vĩnh viễn về các vấn đề chính trị bên cạnh bộ chỉ huy. Đó là một nhiệm sở phi thường, giống như của tôi đó. Lần chót anh trông thấy Boris hồi nào? - Vài ngày trước khi tôi rời khỏi Lỗ ma ni. Popesco cầm lấy vai chàng bảo: - Anh là người cần cho chúng tôi, người của thời cuộc. Popesco nói huyên thuyên. Pillat thỉnh thoảng mới nghe vài câu, nhưng chàng không hề chú ý. - Nếu người Mỹ có dấu tay Boris, họ sẽ nhận ra ngay lập tức, nhưng nghiệt là họ không có và người bị bắt lại không chịu khai. Nếu chúng ta nhận diện được, hắn sẽ được đem về Hoa Kỳ và ở đó sẽ phải khai. Bởi có loại Sérum bắt con người phải nói thật. Anh tưởng tượng xem những điều kinh khủng mà Boris sẽ khai như thế nào? Sự hiện diện của hắn ở vùng đất Đồng minh là một điều hết sức quan trọng mà bây giờ người ta hy vọng hết cả vào anh. Chỉ có anh mới có thể nói chắc rằng đúng nó hay không. Đền Đức, Pillat nghĩ đến Marie. Đức quốc là quốc gia mà hai vợ chồng chàng đã lê chân cùng khấp, xách trên vai, đói khát, tuyệt vọng. Thành phố, làng mạc bị phá hủy. Pillat nhìn phong cảnh như trong giấc mơ. Khi chàng trông thấy lại sông Neckar và cây cầu Heidelberg, Pillat bảo Popesco: - Dừng lại một chút đi. - Anh sao vậy, mệt hả? Họ dừng xe trên cầu, đứng xem. Pillat bước xuống xe, đến gần bao lơn cầu, nhìn xuống dòng nước, nhìn con đường dọc theo sông Neckar và chiếc ghế ngồi ở cuối đường. Chàng bảo: - Chính ở đây trước kia tôi đến xin việc làm. Bây giờ cầu xong rồi. Nếu hồi đó, họ cho tôi làm việc thì bây giờ mọi sự có lẽ đã đổi khác. Doina, con gái tôi, có lẽ đã không chết. Có lẽ mọi sự sẽ đổi khác nếu họ để tôi làm việc trong công trường nầy, nhưng tôi không được phép cư ngụ và họ không muốn nhận tôi làm việc. Pillat nhìn chiếc ghế chàng đã để vợ ngồi chờ và cảnh sát đã đến bắt nàng đi. Chàng thầm nghĩ chính ở đây lần đầu tiên Marie bị nhục nhã. Popesco dục: - Ba ông tướng đang đợi chúng ta. Anh nhanh lên chứ. Pillat leo lên xe còn nhắc lại: - Hồi mới đến Đức, tôi đã xin làm việc ở cây cầu nầy. - Cầu vừa mới làm xong đấy, đẹp chứ! Popesco nhìn đồng hồ: «Chúng mình phải nhanh lên mới được». Pillat buồn bã: Cầu đẹp, thật đẹp. Cả hai đến một biệt thự mới tinh, căn cứ của bộ tư lệnh Lực Lượng Đại Tây Dương phân bộ tình báo. Các sĩ quan Hoa Kỳ đang chờ họ. Pillat là người họ đang cần và được triệu đến từ cách xa hàng ngàn cây số. Họ nhìn Pillat với vẻ khâm phục.
II
Aurel Popesco hãnh diện nói: - Đây là biệt thự của riêng tôi. Vì tầm quan trọng của nhiệm sở tôi, văn phòng tôi phải đặt ngay trong nhà, như thế kín hơn. Vài sĩ quan đang đợi trong phòng khách, họ mời Pillat uống whisky. Ghế bàn đều sang trọng, đắt giá. Mọi người chăm chú nhìn Pillat. Người ta đã truyền lệnh đem Boris đến và đang ngồi chờ. Popesco đã thay áo khác và đến ngồi cạnh Pillat, nói: - Anh rồi cũng có một lối sống như tôi, một cố vấn chính trị bên cạnh bộ tư lệnh Hoa Kỳ đáng được có chỗ ở xứng đáng nghĩa là một biệt thự sang trọng với tất cả các tiện nghi của nó: xe hơi, lương trả bằng dollars mà không phải đóng thuế đoan. Vì là một nhiệm sở hết sức quan trọng. Tôi rất hài lòng thấy anh được cử giữ chức vụ đó. Nếu anh muốn, có thể sang ở bên Hoa Kỳ bất kỳ lúc nào. Không có trở ngại gì khi một viên chức bộ tư lệnh sang bên đó cả. Anh sẽ trở thành công dân Hoa Kỳ ngày nào mà anh muốn. Aurel Popesco được gọi sang phòng bên cạnh. Và ông ta trở lui có vẻ sợ hãi, nói vài câu với các sĩ quan đang chờ. Tất cả có vẻ thất vọng, cầm mũ ra đi để Pillat ở lại một mình. Popesco cho chàng biết: - Boris vừa mới trốn thoát cách đây nửa giờ. Popesco run lẩy bẩy nét mặt thay đổi, hắn như một kẻ nào xa lạ không phải là Popesco ngày thường. - Nhưng dù sao anh cứ ở lại nhà tôi. Trong lúc chờ đợi họ cấp nhà cửa, anh là thượng khách của tôi. Tôi không tin là tên đó lại có thể tẩu thoát. Không có tù binh nào thoát khỏi tay người Mỹ, thế mà tên này làm được như vậy, chứng tỏ chính hẳn là Boris, chỉ có Boris mới có khả năng làm điều táo bạo đó mà thôi. Chắc chắn là hắn đang âm mưu gì đây, nhưng không chóng thi chầy hắn sẽ bị bắt lại. Trong mới nửa giờ, hắn chưa thể đi xa đâu được, người Mỹ có thể bắt hắn lại, và mang lại đây cho anh nhận diện. Aurel Popesco mặc chiếc áo choàng màu xám xong, bảo Pillat: - Anh nằm nghỉ đi. Tôi phải đến Trung ương. Nếu chúng tôi bắt lại hắn được, chúng tôi sẽ phiền anh sau! Cần phải nhận diện hắn ngay tức khắc. Đêm đó, Pillat không hề bị làm phiền, vì người Mỹ không bắt lại Boris được nữa. Mấy ngày sau, Pillat vẫn ở trong biệt thự Popesco và chờ. Boris đã trốn hẳn. Suốt một tuần, Aurel Popesco it khi về nhà. Gặp lại Pillat, ông ta chán nản: - Boris thế là trốn hẳn rồi. Từ ngày Boris trốn đi, Popesco ngủ một đêm có vài giờ: - Người ta báo cáo là hắn vừa vượt sang vùng Sô Viết ở Đức. Chúng ta không còn hy vọng gì bắt lại hắn được nữa, bây giờ chúng ta chỉ còn nhận diện hắn bằng các bức ảnh thôi. Người Mỹ muốn là anh viết một bản tường trình đầy đủ chi tiết với các dấu hiệu đặc biệt về Boris. Pillat viết bản tường trình về bề ngoài cũng như tính tình của người bạn học cũ. Popesco hỏi thêm: - Anh không biết Boris nặng bao nhiêu ký sao? Người Mỹ cần điều nầy lắm vì họ cho rằng không thể nhận diện được nếu không có trọng lượng người đó, dù chỉ là đại khái. - Nhưng tôi không bao giờ hỏi người quen là họ nặng bao nhiêu ký cả? - Tôi thì trái lại, từ ngày làm việc với người Mỹ, hễ cứ gặp ai là tôi ước lượng sức nặng của họ ngay. Quan trọng lắm, hơn cả màu mắt nữa. Anh có biết Boris cao bao nhiêu không? Anh ráng nhớ lại xem từ lúc còn đi học hắn nặng và cao bao nhiêu? Ta có thể suy ra chiều cao và sức nặng bây giờ của hắn. Ví dụ như theo ảnh của hắn, chúng ta có thể biết độ nhọn của cổ áo và cổ giầy của hắn ra sao, điều này rất quan trọng lúc nhận diện một người nào. Sự mô tả của Pillat về Boris làm cho người Mỹ thất vọng vì thiếu các sự kiện cụ thể, những thiếu sót không thể chấp nhận được trong sự nhận xét của một người đã từng quen biết Boris. Pillat không cung cấp điều gì xác thực về Boris cả, kể cả sức nặng, chiều cao, vòng đầu, vòng cổ, gót giày, vòng thân. Sự mô tả có vẻ văn chương suông, không khoa học tí nào cả. Người Mỹ bắt đầu nghi ngờ rằng Pillat chẳng hề biết Boris, và trách Aurel Popesco điều đó. Thái độ Aurel Popesco đối với Boris thay đổi hẳn, ông ta trở nên lạnh nhạt với Pillat. Một ngày kia, lúc Pillat từ ngôi mộ Doina Australie ở Heidelberg trở về, chàng vẫn thường đến đó mang theo hoa cắm lên mộ đứa con gái mỗi ngày. Aurel Popesco bảo chàng: - Tôi phải đi ngay. Bộ chỉ huy bắt tôi đi săn tin ở Israel, tôi phải gặp những người Do thái Lỗ ma ni, rất có thể tôi sẽ thành lập ở đó một trung tâm chống Sô Viết. Hơn nữa tôi phải viết một biên bản đầy đủ chi tiết về tân quốc gia đó. Người Mỹ chọn tôi làm việc đó vì họ muốn có một biên bản khách quan. Tôi không thân người Do Thái, cho nên tôi quan sát và tường trình mọi việc theo sự thật của nó, và người Mỹ chỉ muốn có thế. Họ đã tốn bao nhiêu tiền của cho công cuộc tạo dựng quốc gia Do Thái, thì họ có quyền biết những gì đang xảy ra ở đó chứ. Cho nên đây là công tác hết sức quan trọng. Tôi sẽ gặp bà Salomon và trung úy Varlaam. Cả hai người muốn rời Palestine, vì ở đó họ không thích. Nếu có thể, tôi sẽ giúp đỡ họ, nhất là Varlaam. Lúc tôi đi vắng, anh cứ ở đây, tôi đã lo giấy tờ cho anh, người ta sẽ bổ nhiệm anh, giấy tờ đang ở Hoa Thịnh Đốn. Zaig Burian sẽ thế tôi ở đây. Pillat biết rõ Zaig Burian, hắn là một đại thuong gia ở Lỗ trốn sang Đức. Popesco giải thích thêm: - Burian sẽ làm trung gian giữa anh và Bộ chỉ huy, anh cần liên lạc với ông ta nếu anh cần gì. Khi nào lệnh bổ nhiệm của anh đến đây, ông ấy sẽ thông báo cho anh biết. Trong lúc chờ đợi, anh cứ làm việc với ông ta. Tôi đi chừng hai hay ba tháng, sẽ viết thư cho anh. Anh cứ tĩnh dưỡng và vui vẻ lên. Anh cần giải trí nữa, sau bao nhiêu đau khổ, anh cần được nghỉ dưỡng sức thật sự, tôi hy vọng là anh sẽ bình phục.III
Sau khi Popesco đi rồi, Pillat lại trở về tình trạng khủng hoảng tinh thần như hồi còn ở Paris, chỉ khác một điều là bây giờ chàng ở yên trong biệt thự sang trọng trên bờ sông Neckar thay vì ở trong căn phòng khách sạn chật hẹp của ông Dupont. Người duy nhất chàng gặp mỗi ngày là Zaig Burian, hắn ta mang báo chí Lỗ ma ni yêu cầu chàng dịch các tin quan trọng cho hắn. Một vài lần khác, hắn hỏi chàng lai lịch một vài chính khách mà người Mỹ lưu ý đến. Burian là một ông già dễ mến và lịch sự. Mỗi lần đến thăm, ông ta đều gọi điện thoại trước báo tin cho Pillat. Nên hôm nay nghe tiếng điện thoại, chàng biết ngay là Burian gọi: - Chúng tôi vừa bắt được một người hết sức nguy hiểm, gốc Lỗ ma ni. Hắn ta có một quá trình rất đáng ngại. Tôi sẽ dẫn đến cho anh xem để anh nói chuyện với hắn thử xem, rồi cho chúng tôi biết cảm tưởng, nửa giờ nữa tôi sẽ đến nhà anh. Pillat ngồi chờ ở phòng khách sang trọng nơi mà trước đây chàng đã từng gặp các tướng lãnh Hoa Kỳ. Nửa giờ sau, Burian đến bảo chàng: - Người Nga gởi vào phần đất bên kia Đại Tây Dương đủ loại gián điệp. Gần đây họ dùng cả thợ thuyền và nông dân giả ngơ giả điếc làm như là không hiểu được gì, không biết nói một thứ tiếng nào, nghĩa là giả như những kẻ đần độn. Nhưng thật ra đó là những thành phần nguy hiểm. Người Mỹ lưu ý chúng ta và chúng ta phải kiểm soát mỗi cá nhân thuộc vào hạng gián điệp nầy. Người mà tôi sắp đem đến đây cho anh đúng là thuộc hạng nầy, hắn bảo là chỉ biết có tiếng Lỗ và không hề biết việc chính trị vì hắn chỉ là một nông dân tầm thường. Toàn là mánh lới cổ điển, anh sẽ thấy cho mà xem. Burian mở cửa mời tù nhân vào, lính gác ở ngoài cửa. Tù nhân là một kẻ ăn mặc theo kiểu Gia Nã Đại, nhưng áo quần rách rưới, giày theo lối Đức, áo của Mỹ, một chiếc khăn vắt ngang vai, hình dáng nhỏ thó, ốm yếu và già nua. Đúng là một người đang hồi sa sút, chỉ cặp mắt là còn mang vẻ tinh anh. Đó là ông Ion Kostaky, nên khi ông ta đang còn sợ sệt bước vào phòng, Pillat đã nhảy xổ đến định ôm ông, vừa la lên: - Cha! Chàng muốn nói thêm ít câu nữa nhưng chàng không biết nói gì ngoài tiếng gọi: «Cha! Cha!». Pillat muốn xiết chặc Kostaky trong tay vì nỗi vui mừng lớn lao nầy, muốn kể cho người bố vợ nghe ngay tức khắc cuộc trốn khỏi làng Piatra, đám cháy ngôi nhà của họ, việc đuổi bắt nông dân do Severin cầm đầu, tất cả nỗi nhục nhã của họ. Chàng muốn kể những lần viễn du ở phương Tây. Nhưng đôi mắt của Kostaky không cho phép chàng lại gần, đôi mắt đó nóng bỏng, tinh anh, nhưng không mời mọc chàng đến gần, đôi mắt đó giữ lấy một khoảng cách, như hai dấu hiệu báo động, giống như đôi mắt của loài chim rừng, của loài nai tơ nhìn mình để sẵn sàng trốn chạy, đôi mắt đó giống như đôi mắt của một con chó đã bị đánh đập lâu ngày nên thấy người là sẵn sàng đào tẩu. Cho nên Pillat chỉ nắm lấy tay Kostaky mà không ôm lấy ông ta được... Kostaky vẫn đứng sững gần cửa, ông ta nhìn Pillat như trong một giấc mơ mờ ảo. Nhưng quanh ông đúng là bàn ghế, thảm trải nhà. Ông ta gọi nhỏ: - Pierre. - Cha. Hai bàn tay họ trao cho nhau, Kostaky hỏi thêm: - Marie? Marie đâu rồi? Đôi mắt đó nhìn quanh có vẻ tìm kiếm nhưng không dấu nỗi vẻ sợ sệt của một con thú bị săn đuổi. Rồi bàn tay ông ta rời khỏi bàn tay Pillat, đôi mắt không còn tìm kiếm Marie nữa. Ông ta đã hiểu, chỉ còn có Pillat thôi. Và mắt họ tuyệt vọng nhìn nhau. Bàn tay đầy cả chai sạn lại nắm chặt bàn tay Pillat. Có một cái gì tuyệt vọng não nề trong lúc gần nhau mà họ không thể thấy lại Marie. Và càng biết là tìm kiếm Marie vô ích, Kostaky càng tiến lại gần Pillat. Burian rút lui: «Thôi tôi đi đây. Mừng cho cuộc gặp gỡ của hai người. Tôi để cho hai người được tự do, tôi sẽ gọi điện thoại sau». Burian bỏ đi, để lại sau lưng một khoảng trống. Kostaky hỏi: - Chuyện xảy ra đã lâu chưa? Ông ta chậm rãi đưa tay lên dụi mắt. Nước mắt đã khô cằn lâu rồi chỉ còn có một nỗi niềm đau khổ còn bao la hơn cả những giòng nước mắt. Ông ta hỏi Pillat mà hầu như không cần câu trả lời. Ông ta nói thêm: - Có lẽ Iléana còn sống. Ít nhất bà ta... Rồi ông ta làm dấu thánh giá và nói tiếp: Chúa đã muốn thế, đó là ý muốn của Chúa biết làm sao được. Kostaky không nhắc đến Marie, dù Marie đang hiện diện trong tâm tư của cả hai người nhưng ai cũng chỉ giữ yên lặng. Kostaky kể chuyện của mình trước: - Cha từ Gia Nã Đại sang đây. Cha làm việc ở đó gần hai năm. Nét mặt Kostaky đã trở nên lạnh lùng. Đôi giày đã rách nát, đôi giày mà ông ta có từ lúc ở Đức, mang nó sang tận Gia Nã Đại rồi mang trở về lại đây. Chiếc quần vải kaki cũng đã rách tươm. Trông ông ta thật thiểu não, quần lính theo kiểu Anh, áo ngoài theo kiểu Gia Nã Đại và sơ mi theo lối Mỹ – Chỉ còn đôi mắt vẫn như cũ, đượm chút hãi hùng và lo âu. - Không thể nào ở lại Gia Nã Đại. Nên cha đã trở về đây. Không phải vì cha sợ phải chết ở đó, chết trong tuyết hay trong bãi sa mạc xa lạ đó, thật ra không có một nguyên nhân nào cả, nhưng cha phải trở về. - Cha ngồi xuống đây đã. Kostaky ngồi xuống ghế. Đúng là một người đàn ông hết thời mà người ta đã tước mất sự sống như chanh đã vắt hết nước. Chỉ còn lại một nấm xương, xanh xao, với triệu chứng lao phổi hay đau dạ dày. Mấy cái răng phía trước rụng hết. Pillat rót rượu mời, nhưng Kostaky từ chối: - Cho cha một ly nước lạnh thì hơn. Sau đó, cả hai yên lặng nhìn nhau rồi yên lặng nhìn qua cửa sổ. Phía trước là cây cầu trên sông Neckar và chiếc ghế dài mà có lúc Marie đã ngồi trên đó. Pillat cắn răng để khỏi phải kể những gì đã xảy ra cho hai người. Chàng không muốn cho Kostaky biết những khổ sở mà chàng và Marie đã chịu đựng bao năm. Kostaky bảo: - Thôi để khi khác hãy nói chuyện; nên nói chuyện vào lúc khác hơn là bây giờ.