CHƯƠNG 26

     hi Robin đến văn phòng sáng hôm sau, cánh cửa gương vẫn còn khóa. Đây là lần thứ hai Robin gặp tình huống này. Cô dùng chìa khóa dự phòng (Strike đã để cô giữ luôn chìa khóa) mở cửa bước vào. Cô tiến lại gần cánh cửa phòng bên trong, đứng im nghe ngóng. Sau vài giây, cô nghe rõ tiếng ngáy ngủ, dù nghèn nghẹn nhưng không lẫn vào đâu được.
Tình huống trước mắt thật khó xử. Một mặt, giữa Robin và Strike dường như đã có một thỏa thuận ngầm rằng không ai nhắc đến chiếc giường xếp hay bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Strike ăn ở luôn trong văn phòng. Mặt khác, Robin đang có chuyện rất gấp, cần phải nói ngay với ông sếp tạm. Cô ngập ngừng, suy tính tới lui. Dễ nhất là cứ đá thúng đụng nia ở phòng ngoài để gián tiếp đánh thức Strike. Như vậy hắn sẽ có thời gian mặc áo quần và dọn dẹp phòng trong. Nhưng làm vậy sẽ mất một lúc khá lâu, việc mà cô sắp báo không chờ được. Vậy là cô hít một hơi thật sâu và gõ rầm rầm vào cánh cửa.
Strike mở mắt ngay lập tức. Trong giây lát còn mơ màng hắn ê chề nhận ra ánh sáng ban ngày đang chiếu vào từ cửa sổ. Rồi hắn nhớ đã đặt điện thoại xuống sàn nhà sau khi đọc tin nhắn của Charlotte và sau đó quên không đặt giờ báo thức.
“Đừng vào!” Hắn rống lên.
“Anh uống trà không?” Robin gọi qua cánh cửa.
“Ừ, à… cảm ơn. Tôi sẽ ra ngay,” Strike nói to, thầm ước giá như cánh cửa phòng trong có khóa. Cái chân giả vẫn đang dựa vào tường còn trên người hắn chỉ độc mỗi cái quần đùi.
Robin vội vàng chạy ra ngoài văn phòng đổ nước vào ấm đun trong khi Strike loay hoay chui ra khỏi túi ngủ. Hắn nhanh chóng mặc áo quần, luống cuống đeo chân giả, xếp giường vào trong góc và đẩy bàn làm việc về chỗ cũ. Mười phút sau khi Robin gõ cửa, hắn bước ra phòng ngoài, người ngợm sực nức thuốc khử trùng. Robin đang ngồi đó, mặt mày hớn hở.
“Trà của anh nè,” cô nói, chỉ tay về phía tách trà bốc khói.
“Tuyệt vời, cảm ơn cô. Đợi tôi một lát,” Hắn đáp, ra hành lang đến phòng vệ sinh đi tè. Lúc kéo khóa quần lên, hắn nhìn thấy mặt mình trong gương, đầu bù tóc rối, lại còn chưa cạo râu. Như thường lệ, hắn tự an ủi rằng tóc tai hắn có chải hay không thì cũng vậy.
“Có tin mới,” Robin lên tiếng, khi hắn vừa mở cánh cửa gương vào lại văn phòng, cảm ơn cô lần nữa và cầm tách trà lên.
“Gì kia?”
“Tôi tìm ra Rochelle Onifade rồi.”
Hắn hạ cái tách xuống.
“Cô đùa. Làm sao mà…”
“Tôi thấy anh có ghi lại trong hồ sơ là cô ta có đi điều trị ngoại trú ở bệnh viện St Thomas,” Robin hào hứng kể, mặt đỏ bừng nói gấp gáp, “vậy là tối hôm qua tôi gọi cho bệnh viện, giả vờ là cô ta, rồi nói là tôi quên mất giờ hẹn. Họ nói mười giờ rưỡi sáng thứ Năm. Như vậy anh có khoảng,” cô nhìn vào màn hình máy tính, “năm mươi lăm phút để đến đó.”
Tại sao hắn không nghĩ ra chuyện nhờ Robin làm việc này?
“Cô đúng là thiên tài, thiên tài thiệt mà…”
Hắn loay hoay đánh đổ trà nóng ra bàn tay, rồi sốt ruột bỏ luôn cái tách xuống bàn Robin.
“Cô có biết chính xác…?”
“Khoa tâm thần, ngay phía sau tòa nhà chính,” Robin vui vẻ trả lời, “Anh thấy không, anh đi thẳng vào từ phố Grantley, qua bãi đậu xe thứ hai…”
Cô quay màn hình máy tính lại để hắn xem bản đồ của bệnh viện St Thomas. Strike nhìn xuống cổ tay, sực nhớ ra là đồng hồ vẫn còn ở trong phòng.
“Nếu anh đi ngay bây giờ thì vẫn kịp.” Robin giục hắn.
“Được rồi… để tôi lấy mấy thứ.”
Strikie nhanh chóng lấy đồng hồ, ví tiền, bao thuốc lá và điện thoại. Hắn vừa ra đến cửa gương, luống cuống nhét ví vào túi quần sau thì Robin lên tiếng:
“Ừm… anh Cormoran…”
Robin chưa bao giờ gọi tên hắn thân mật như vậy. Chắc vì thế mà nghe giọng cô rất rụt rè. Nhưng hắn ngay lập tức nhận ra Robin đang chỉ tay vào bụng hắn, đầy ý nhị. Strike cúi xuống, thấy nút áo cài xộc xệch. Một khoanh bụng lông lá chường ra, trông như thảm xơ dừa đen.
“À… ra vậy… cảm ơn cô…”
Robin lịch sự quay mặt vào màn hình máy tính khi hắn mở nút áo ra cài lại.
“Tạm biệt cô.”
“Chào anh,” Robin đáp, mỉm cười khi hắn chạy ào ra ngoài, nhưng chỉ vài giây sau hắn quay trở lại, thở hổn hển.
“Tôi cần cô xem thêm giùm một chuyện.”
Robin đã cầm sẵn cây viết trong tay.
“Hội thảo Luật ngày bảy tháng Giêng ở Oxford. Ông Tony Landry, cậu của Lula có tham dự. Nội dung về luật gia đình quốc tế. Tìm hết mọi thứ có thể, đặc biệt là những gì liên quan tới ông này ở đó.”
“Rõ rồi.” Robin vừa nói vừa viết.
“Cảm ơn, cô đúng là thiên tài.”
Strike quay trở ra, đi cà nhắc xuống cầu thang.
Robin ngồi xuống bàn làm việc, ngâm nga một mình. Nhưng chút hào hứng vừa nãy nhanh chóng trôi xuống theo ngụm trà. Vậy mà Robin cứ nghĩ là Strike sẽ rủ cô đi cùng đến gặp Rochelle Onifade sau hai tuần cô bỏ công tìm kiếm.
Sau giờ cao điểm, tàu điện ngầm vãn khách hẳn. Strike tìm ngay được chỗ ngồi, thấy nhẹ cả người. Mỏm chân hắn vẫn còn buốt. Hắn đã kịp mua một gói kẹo the bạc hà cực mạnh trước khi lên tàu. Hắn ngậm bốn viên cùng một lúc, cố lấp liếm vụ chưa kịp đánh răng. Hắn vẫn cất bàn chải và kem đánh răng trong túi thể thao, mặc dù sẽ tiện hơn nhiều nếu cứ để luôn trên chậu rửa mặt trong phòng vệ sinh. Strike thấy bóng mình trên cửa sổ tàu tối đen, tóc tai bù xù, trông lôi thôi lếch thếch. Mà tại sao cứ phải giả vờ có nhà riêng trong khi Robin thừa biết chuyện hắn ngủ luôn trong văn phòng chứ.
Với trí nhớ và khả năng đọc bản đồ khá tốt, Strike dễ dàng tìm thấy lối vào khoa tâm thần ở bệnh viện St Thomas. Hắn đến nơi lúc mười giờ hơn, không hề bị lạc. Hắn bỏ ra năm phút, đi loanh quanh xem ngoài hai cánh cửa tự động còn có lối vào nào khác từ phố Grantley không. Rồi hắn đứng dựa vào bức tường đá ở bãi đậu xe cách đó khoảng chừng mười tám mét. Đứng đó hắn có thể thấy rõ người ra kẻ vào.
Cô gái mà hắn đang tìm kiếm có lẽ là người vô gia cư, chắc chắn là dân da đen. Lúc ở trên tàu hắn suy nghĩ xem làm sao để nhận ra cô ta và thấy chỉ có một cách duy nhất. Khoảng mười giờ hai mươi, một cô gái da đen, cao, gầy, vội vã bước vào. Hắn gọi to (mặc dù cô này trông có vẻ chải chuốt, ăn mặc rất gọn gàng):
“Rochelle!”
Cô ta ngẩng lên xem ai vừa gọi, nhưng vẫn tiếp tục đi, như thể cái tên đó không có liên quan gì tới mình rồi biến mất sau cánh cửa. Sau đó là một cặp, cả hai đều da trắng, rồi một nhóm người đủ độ tuổi và chủng tộc mà Strike đoán là nhân viên bệnh viện. Nhưng để cho chắc ăn hắn lại gọi tiếp:
“Rochelle!”
Vài người trong số đó liếc nhìn hắn, nhưng ngay lập tức quay lại câu chuyện đang nói dở. Strike tự an ủi rằng chắc họ đã quá quen với những hành vi có phần lập dị của những người hay lui tới đây. Hắn đốt thuốc, tiếp tục chờ đợi.
Mười giờ rưỡi, vẫn không có thêm cô gái da đen nào đi vào. Hoặc là cô ta bỏ lỡ cuộc hẹn, hoặc đã vào bằng cửa khác. Một cơn gió nhẹ thổi qua gáy Strike khi hắn ngồi đó, hút thuốc, theo dõi và chờ đợi. Tòa nhà bệnh viện to sừng sững, trông như hộp bê tông khổng lồ với những ô cửa sổ hình chữ nhật, hẳn có nhiều lối vào ở mỗi  mặt tiền.
Strike duỗi thẳng chân phải vẫn còn đau đớn và nghĩ tới việc đi khám bệnh trở lại. Nội chuyện đứng gần bệnh viện lúc này cũng làm hắn thấy rầu rĩ. Bụng hắn sôi rột roạt. Trên đường đến đây có một hàng McDonald. Nếu đến giữa trưa mà vẫn chưa tìm ra cô ta, hắn sẽ đi đến đó làm một bữa.
Hắn gọi “Rochelle!” thêm hai lần nữa khi thấy phụ nữ da đen ra vào tòa nhà. Cả hai cô đều quay lại nhưng chỉ xem ai vừa gọi, một người còn liếc hắn khinh khỉnh.
Mười một giờ hơn, một cô gái da đen thấp, đậm người đi ra khỏi bệnh viện. Cô này đi chân chữ bát, trông vụng về, lấc cấc. Hắn biết chắc là cô ta đã không đi vào từ cửa này, không phải chỉ vì dáng đi dễ nhận ra mà còn vì cô ta mặc một chiếc áo lông giả màu hồng đỏ rất nổi nhưng không ăn nhập gì với chiều cao và cân nặng cả.
“Rochelle!”
Cô gái dừng lại, quay đầu nhìn chung quanh, vẻ cau có, không biết ai vừa gọi mình. Strike đi cà nhắc tới trước cô gái. Cô ta nhìn hắn trừng trừng, nghi ngại.
“Rochelle? Rochelle Onifade? Chào cô. Tôi tên là Cormoran Strike. Tôi nói chuyện với cô một lúc có được không?”
“Tui luôn đi vô từ đường Redbourne,” cô ta nói năm phút sau đó, sau khi Strike giả vờ kể lể rối rắm vụ hắn tìm cô ta như thế nào. “Tui đi ra hướng này, định chút nữa ăn McDonald.”
Vậy là cả hai đến tiệm hamburger. Strike mua hai cốc cà phê và hai cái cookie cỡ lớn rồi mang về phía bàn cạnh cửa sổ, nơi Rochelle đang ngồi đợi. Vẻ mặt cô ta vừa tò mò vừa nghi ngờ.
Rochelle trông rất thô kệch. Da mặt nhờ nhờn màu đất nung đầy mụn mủ và sẹo rỗ. Đôi mắt nhỏ sâu hoắm. Hàm răng mọc chen chúc, vàng khè. Mái tóc duỗi lộ ra mười phân tóc màu đen ở gốc, tiếp theo là khoảng mười lăm phân màu đồng đỏ chói gắt. Cô ta mặc quần jean bó chặt ngắn quá cỡ, mang túi xách tay màu xám bóng và giày thể thao trắng toát, trông rất rẻ tiền. Tuy nhiên, Strike nhận thấy chiếc áo lông giả mềm mại, mặc dù cực kỳ chói mắt và không hề hợp với Rochelle, lại dường như thuộc một đẳng cấp khác. Bên trong áo có một lớp lót bằng lụa in hoa văn (Strike thấy khi cô ta cởi áo khoác ra). Chiếc áo đính một nhãn hiệu của Ý mà Strike nghe đến bao giờ, không phải là hàng Guy Somé như hắn đoán từ email của Lula Landry.
“Anh không phải nhà báo thiệt hở?” Cô ta hỏi, giọng trầm, khàn khàn. Lúc còn ở bên ngoài bệnh viện Strike đã phải giải thích khá lâu là hắn không dính gì đến báo chí cả.
“Tôi không phải là nhà báo. Như tôi đã nói, tôi quen anh trai của Lula.”
“Anh là bạn của ổng hở?”
“Ừ. Cũng không hẳn là bạn. Ông ấy thuê tôi. Tôi là thám tử tư.”
Ngay lập tức cô ta tỏ ra sợ hãi.
“Anh muốn gì?”
“Không có gì phải lo lắng cả…”
“Sao muốn gặp tui?”
“Không có gì rắc rối hết. John chỉ không chắc là Lula tự tử thật, chỉ có vậy thôi.”
Lúc này Strike chắc chắn rằng cô ta còn ngồi lại chỉ vì sợ nếu bỏ đi giữa chừng hắn sẽ ra tay giữ cô lại. Cô ta sợ rúm ró cả người, mặc dù cử chỉ và lời nói của Strike không hề tỏ ra đe dọa.
“Cô không phải lo lắng gì cả,” hắn động viên Rochelle. “John chỉ muốn tôi xem lại sự việc, tức là…”
“Ý ổng là tui có dính gì tới chuyện cổ chết hở?”
“Không, tất nhiên là không rồi. Tôi chỉ mong là cô có thể kể tôi nghe tâm trạng Lula ra sao trước khi cô ấy chết, hôm đó cô ấy làm gì. Cô hay gặp Lula mà, đúng không? Tôi nghĩ chắc cô biết nhiều về Lula.”
Rochelle vừa chớm định nói gì đó, rồi đổi ý và cầm cốc cà phê nóng hổi lên, nhấp thử.
“Vậy ra ông anh cổ muốn chứng tỏ cổ không tự tử? Giống như có đứa nào đẩy xuống?”
“Ông ấy nghĩ có khả năng là như vậy.”
Rochelle ngẩn mặt ra, như đang suy nghĩ gì đó.
“Mà mắc gì tui phải nói với anh. Anh đâu phải là cảnh sát thiệt.”
“Đúng rồi. Nhưng chắc hẳn cô cũng muốn tìm ra…”
“Cổ nhảy lầu,” Rochelle Onifade đanh giọng.
“Tại sao cô chắc chắn vậy?”Strike hỏi.
“Tui chỉ biết vậy thôi.”
“Vậy mà ai biết Lula cũng rất bất ngờ.”
“Cổ bị chầm cảm. Cổ uống thuốc chữa bịnh đó. Giống tui vậy. Nhiều khi bịnh làm mình vậy. Bịnh mờ.” Rochelle đáp, hai chữ cuối nghe như “mịt mờ.”
Mịt mờ, Strike thoáng nghĩ. Mấy hôm nay hắn rất khó ngủ. Mịt mờ, nơi chốn cuối cùng của Lula Landry, cũng là nơi tất cả, kể cả hắn lẫn Rochelle đều đang đi đến. Có người đang chầm chậm đi đến đó, như mẹ của Bristow… Cũng có khi cõi mịt mờ mở ra bất ngờ, chẳng hạn như khi người ta rơi xuống mặt đường bê tông, vỡ sọ tại chỗ.
Strike chắc rằng nếu hắn lấy cuốn sổ ra lúc này thì cô ta sẽ ngậm chặt miệng lại hay đứng dậy bỏ về ngay lập tức. Vậy là hắn tiếp tục hỏi han, cố tỏ ra tự nhiên. Hắn hỏi cô ta vì sao đến khoa này, rồi gặp Lula lần đầu tiên ra sao.
Rochelle vẫn hết sức nghi ngại, ban đầu cô ta trả lời nhát gừng, nhưng dần dần cô ta nói nhiều hơn. Chuyện đời Rochelle thật đáng thương. Bị lạm dụng từ nhỏ, được nhà nước nhận bảo trợ, rồi phát bệnh tâm thần nặng, qua nhiều gia đình nhận nuôi tạm bợ, gây gổ đánh nhau và cuối cùng trở thành vô gia cư năm mười sáu tuổi. Rochelle chỉ được điều trị bệnh tâm thần hẳn hoi sau khi bị tai nạn xe hơi. Cô ta được đưa vào bệnh viện sau tai nạn nhưng không làm chủ được hành vi, khiến việc chữa trị vô cùng khó khăn. Cuối cùng người ta đành phải mời bác sĩ chuyên khoa tâm thần đến. Bây giờ Rochelle đang dùng thuốc, nếu uống đều thì triệu chứng cải thiện đáng kể. Strike thấy mủi lòng: với Rochelle, lớp trị liệu ở bệnh viện St Thomas, nơi cô ta từng gặp Lula, lại là một sự kiện quan trọng mỗi tuần. Cách cô ta nói về anh bác sĩ tâm thần trẻ tuổi phụ trách nhóm bệnh nhân của khu ngoại trú khá trìu mến.
“Vậy là cô gặp Lula ở đó?”
“Ông anh cổ không kể chiện đó hở?”
“Ông ấy không nhớ chi tiết.”
“Ờ, Lula vô nhóm tui. Cổ được giới thiệu tới.”
“Rồi hai người nói chuyện với nhau.”
“Ờ.”
“Rồi thành bạn bè?”
“Ờ.”
“Cô có hay ghé nhà Lula chơi không? Tắm hồ bơi?”
“Bộ tui tới đó không được hở?”
“Không phải. Tôi chỉ hỏi vậy thôi.”
Cô ta hơi dịu xuống.
“Tui không thích bơi lắm. Vui gì chuyện nhúng ngập mặt dưới nước. Tui đi tắm bồn mát-xa. Rồi tụi tui đi mua sắm này nọ.”
“Lula có hay nói chuyện với cô về mấy người hàng xóm không, mấy người ở cùng tòa nhà đó?”
“Mấy người Bestigui đó hả? Cũng có. Cổ không ưa gì họ. Con mẹ đó là đồ chó cái.” Rochelle nói, tự dưng đổi giọng giang hồ.
“Tại sao cô nói vậy?”
“Anh gặp bả chưa? Bả nhìn tui bộ như con này là rác rưởi.”
“Lula thấy bà ta ra sao?”
“Cổ cũng không ưa gì bả hay lão chồng. Cha đó tởm lắm.”
“Tởm sao?”
“Tởm là tởm thôi chớ sao,” Rochelle đáp, có phần mất kiên nhẫn, nhưng rồi thấy Strike im lặng, cô ta nói tiếp. “Chả cứ kè kè đi theo mời cổ xuống nhà dưới chơi mỗi khi bà vợ đi khỏi.”
“Lula có xuống không?”
“Không đời nào,” Rochelle đáp.
“Chắc cô hay nói chuyện với Lula lắm?”
“Ừ, nói hoài, mà ban… Ừ, vậy đó.”
Cô ta nhìn ra cửa sổ. Trời chợt đổ mưa, người đi đường luống cuống. Những giọt mưa trong suốt rắc lấm tấm lên tấm kính cửa cạnh chỗ họ ngồi.
“Ban đầu?” Strike hỏi. “Sau đó thì không nói chuyện nhiều nữa hả?”
“Tui sắp phải đi đây.” Rochelle trịnh trọng thông báo. “Tui có công chuyện.”
“Những người như Lula,” Strike nói, dò dẫm, “hay chướng. Có nhiều lúc không được tử tế. Vì họ muốn cái gì là được…”
“Tui không phải là người hầu,” Rochelle giận dữ nói.
“Có lẽ vì vậy mà Lula thích cô? Vì Lula thấy cô cư xử ngang hàng, chứ không như mấy người bám đuôi…”
“Đúng rồi, y vậy đó.” Rochelle đáp, có vẻ xuôi xuôi. “Tui thấy cổ cũng chẳng ghê gớm gì.”
“Cô cũng thấy tại sao Lula muốn kết bạn với cô đó, tại cô thẳng thắn…”
“Đúng rồi.”
“Rồi hai người có điểm chung là cùng có bệnh, đúng không? Vậy nên cô hiểu Lula hơn mấy người khác.”
“Tui da đen nữa,” Rochelle nói, “cổ muốn thấy như người da đen thiệt sự.”
“Lula có nói gì với cô về chuyện đó không?”
“Có chứ.” Rochelle đáp. “Cổ muốn biết cổ ở đâu ra, thuộc về chỗ nào.”
“Cô ấy có nói chuyện đi tìm gia đình ruột thịt không?”
“Ờ, có chứ. Rồi cổ… ừm…”
Rochelle đột ngột dừng lại.
“Cô ấy có tìm ra ai không? Người cha chẳng hạn?”
“Không. Không tìm ra. Kiểu gì mà tìm được.”
“Vậy sao?”
“Ờ, vậy đó.”
Cô ta bắt đầu ăn rất nhanh. Strike sợ là ăn xong cô ta sẽ đứng dậy bỏ đi mất.
“Hôm cô gặp Lula ở Vashti, Lula có buồn phiền gì không?”
“Có, cổ buồn lắm.”
“Có nói cho cô biết tại sao không?”
“Chả cần lý do gì hết. Bịnh mờ.”
“Nhưng cổ có nói là đang buồn, đúng không?”
“Ờ,” Rochelle trả lời, sau một thoáng ngập ngừng.
“Hai người hôm đó hẹn đi ăn trưa đúng không?” Strike hỏi tiếp. “Kieran kể với tôi là có lái xe chở Lula tới gặp cô. Cô biết Kieran chứ? Kieran Kolovas-Jones?”
Gương mặt Rochelle dịu lại, khóe miệng hơi nhếch lên.
“Ờ, tui có biết tay đó. Ờ, cổ tới Vashti gặp tui.”
“Nhưng không ở lại ăn trưa?”
“Không. Cổ mắc đi đâu đó.” Rochelle đáp.
Cô ta cúi đầu uống cà phê, cốc giấy che ngang mặt.
“Vậy tại sao Lula không gọi điện trước cho cô? Cô có điện thoại mà, đúng không?”
“Ờ, tui có điện thoại.” Cô ta gằn giọng giận dữ, rút trong túi áo khoác ra một con Nokia đời đầu, đính đầy hạt cườm hồng màu mè.
“Vậy tại sao Lula lại không gọi điện báo, để cô khỏi phải đi tới Vashti cho mất công?”
Rochelle gầm gừ.
“Vì cổ không muốn dùng điện thoại, sợ mấy người đó nghe trộm.”
“Nhà báo à?”
“Ờ”
Cô ta đã ăn gần hết bánh.
“Nhưng nhà báo chắc không quan tâm lắm tới chuyện hôm đó Lula không tới Vashti được, nhỉ?”
“Ai mà biết.”
“Lúc đó cô không thấy có gì kỳ lạ hả, Lula đi một đoạn dài như vậy chỉ để tới nói rằng cô ấy không ở lại ăn trưa được?”
“Ờ.” Rochelle đáp. Rồi cô ta tuôn nguyên một tràng:
“Nếu có tài xế riêng thì mắc mớ gì? Thích đi đâu thì kêu họ chở đi, khỏi tốn thêm tiền, chớ gì? Cổ đi ngang qua, sẵn chạy vô nói với tui là không ở lại được vì mắc về nhà gặp con khốn Ciara Porter.”
Rochelle có vẻ ân hận vì lỡ dùng từ “con khốn”. Cô ta mím môi lại, như thể ngăn không cho mình nói thêm những thứ như vậy nữa.
“Vậy hôm đó Lula chỉ làm có chừng đó thôi? Cô ấy đi vào trong cửa hàng, nói với cô là ‘Tôi không ở lại được. Tôi phải về nhà để gặp Ciara’ rồi đi về?”
“Ờ, đại loại,” Rochelle đáp.
“Kieran nói hay chở cô về tận nhà mỗi khi cô đi chơi chung với Lula.”
“Ờ,” cô ta đáp. “Nhưng hôm đó cổ bận, được chưa?”
Rochelle rõ là không biết cách che giấu vẻ ấm ức ganh tị.
“Kể lúc trong cửa hàng đi. Hôm đó hai người có thử áo quần gì không?”
“Có” Rochelle đáp, sau khi im lặng một lúc. “Cổ có thử đồ.” Lại ngập ngừng. “Áo đầm dài hiệu Alexander McQueen. Ông đó cũng tự tử heng.” Cô ta nói thêm, vẻ xa xăm.
“Cô có đi vào phòng thử đồ với Lula không?”
“Có.”
“Lúc trong phòng thử đồ thì sao?” Strike hỏi dò.
Cặp mắt của Rochelle làm Strike nhớ đến cặp mắt một con bò đực hắn từng phải đối mặt lúc còn nhỏ xíu: sâu hoắm, nhìn thoáng qua thấy lạnh lùng, khó hiểu.
“Cổ mặc cái đầm vô.” Rochelle trả lời.
“Cô ấy không làm gì khác hả? Không gọi cho ai hả?”
“Không. À mà có. Hình như có gọi.”
“Cô có biết cổ gọi cho ai không?”
“Tui không nhớ.”
Cô ta lại uống cà phê, nâng chiếc cốc giấy lên che hết mặt.
“Phải gọi cho Evan Duffield không?”
“Cũng có thể.”
“Cô cố nhớ xem Lula nói gì?”
“Không nhớ.”
“Một nhân viên cửa hàng có nghe thấy Lula có nói chuyện điện thoại. Hình như Lula hẹn gặp ai tại nhà tối khuya hôm đó. Cô nhân viên nghe là hình như hẹn lúc một hai giờ sáng.”
“Vậy hả?”
“Như vậy thì chắc không phải là Duffield rồi, vì Lula đã hẹn gặp anh ta trước đó ở Uzi mà?”
“Anh biết nhiều quá hả?” Rochelle mỉa.
“Ai cũng biết hôm đó hai người gặp nhau ở Uzi,” Strike đáp. “Báo đăng vậy mà.”
Rất khó nhận ra đồng tử Rochelle giản nở ra sao, vì hai mống mắt cũng có màu đen thẫm.
“Ờ ha.” Rochelle đấu dịu.
“Có phải Lula gọi cho Deeby Macc không?”
“Không có!” Cô ta ré lên, bật cười. “Cổ không có số của ông đó.”
“Mấy người nổi tiếng chắc dễ xin số lẫn nhau.” Strike đáp.
Vẻ mặt Rochelle đanh lại. Cô ta nhìn xuống màn hình trống trơn trên chiếc điện thoại hồng lòe loẹt.
“Tui nghĩ cổ không có,” cô ta nói.
“Nhưng cô có nghe thấy Lula hẹn gặp ai tối khuya hôm đó không?”
“Không,” Rochelle đáp, không nhìn vào mắt Strike, lắc cặn cà phê quanh cốc. “Tui không nhớ gì như vậy hết.”
“Cô có biết việc này quan trọng ra sao không?” Strike nói, cố không làm Rochelle sợ. “Nếu Lula quả thật có hẹn gặp ai vào đêm cô ấy chết? Cảnh sát không hề biết chuyện này, đúng không? Cô vẫn chưa nói gì với cảnh sát hết?”
“Tui phải đi,” cô ta nói, nuốt trọn miếng bánh cookie cuối cùng, nắm lấy dây đeo túi xách và trừng mắt nhìn Strike.
Strike cố gạn:
“Gần tới trưa rồi. Để tôi mời cô thêm món gì nhé?”
“Không cần.”
Nhưng cô ta vẫn đứng yên tại chỗ. Strike tự hỏi không biết Rochelle túng thiếu ra sao, có được ăn uống thường xuyên không. Ở Rochelle có một điều gì đó làm cho người ta cảm động, trái với vẻ cáu kỉnh bề ngoài: vừa kiêu hãnh dữ dội vừa dễ tổn thương.
“Thôi được rồi,” cô ta đáp, thả túi xách ra rồi ngồi phịch trở lại xuống ghế cứng. “Cho tui một cái Big Mac.”
Strike sợ rằng cô ta sẽ bỏ đi khi hắn đến quầy mua bánh, nhưng khi hắn mang hai khay thức ăn quay lại, Rochelle vẫn ngồi đó. Cô ta còn miễn cưỡng nói cảm ơn.
Strike thử cách khác.
“Cô thân với Kieran lắm hả?” hắn hỏi, lần theo chút tươi tỉnh trên gương mặt cô ta khi nhắc đến tên anh chàng lái xe.
“Ờ,” cô ta đáp, hơi lung túng. “Tui gặp ảnh hoài. Ảnh hay lái xe cho Lula.”
“Anh ta nói là Lula có viết gì đó khi ngồi sau xe trên đường tới Vashti. Cô ấy có đưa cho cô xem không?”
“Không,” cô ta trả lời, ăn ngấu nghiến khoai tây chiên, rồi lại nói tiếp. “Tui không thấy cái gì như vậy hết. Mà sao anh hỏi, cổ viết gì vậy?”
“Tôi không biết.”
“Chắc là viết ra mấy món cần mua hở?”
“Cảnh sát cũng nghĩ vậy. Cô có chắc là hôm đó cô không thấy Lula mang theo một mẫu giấy, giấy viết thư chẳng hạn, hay một phong bì gì đó?”
“Ờ. Tui chắc mà. Kieran có biết chuyện anh đi gặp tui không?” Rochelle thắc mắc.
“Có, tôi có nói là sẽ đi gặp cô. Anh ta nói hồi trước cô ở St Elmo.”
Rochelle trông có vẻ hài lòng.
“Giờ cô ở đâu vậy?”
“Mắc gì tới anh?” cô ta đốp chát, giận dữ xù lông trở lại.
“Không mắc gì tới tôi hết. Tôi chỉ hỏi thăm vậy thôi.”
Rochelle hừ mũi một tiếng.
“Giờ tui có chỗ riêng ở Hammersmith rồi.”
Cô ta nhai nhóp nhép một lúc, rồi tự dưng nói thêm mà không đợi Strike hỏi gì cả.
“Tụi tui hay nghe nhạc Deeby Macc trong xe. Tui, Kieran với Lula.”
Rồi cô ta bắt đầu đọc rap:
Khỏi cần hydroquinone, đen từ trong ra ngoài
Dám coi thường Deeby, thì lo đi mua quan tài
Tao cứ lái Ferrari – kệ mẹ Johari – tao không có điên à
Có tiền là có tất
Mít-tờ Jake, biết không, biết không hả.
Gương mặt Rochelle đầy hãnh diện, như thể cô ta vừa làm cho Strike cứng họng, hết đường hỏi tiếp.
“Bài Hydroquinone,” cô ta nói tiếp. “Trong album Jake on My Jack.”
“Hydroquinone là gì vậy?” Strike hỏi.
“Kem trắng da. Hồi đó tụi tui hay bật cửa sổ xe xuống rồi cùng rap.” Rochelle nói. Nụ cười ấm áp khi nhớ lại chuyện cũ khiến gương mặt thô kệch của Rochelle sáng hẳn lên.
“Hẳn là Lula rất háo hức muốn gặp Deeby Macc?”
“Ờ, cổ rất háo hức,” Rochelle trả lời. “Cổ biết ổng thích cổ, cổ vui lắm. Kieran cũng rất nóng ruột, cứ nhờ Lula giới thiệu hoài. Ảnh cũng muốn gặp Deeby.”
Nụ cười của Rochelle tan dần, cô ta rầu rĩ vọc cái hamburger, rồi nói:
“Anh hỏi đủ chưa? Tôi phải đi giờ.”
Cô ta bắt đầu ăn vội chỗ còn lại, nhồm nhoàm.
“Lula có hay dẫn cô đi chỗ này chỗ kia không?”
“Có,” Rochelle vừa nhai vừa nói.
“Cô có hay đi Uzi với Lula không?”
“Có đi. Một lần.”
Cô ta nuốt thức ăn rồi bắt đầu kể những nơi cô ta từng đến khi mới kết bạn với Lula. Mặc cho Rochelle cố tỏ ra là không hề bị choáng ngợp trước lối sống của cô bạn người mẫu triệu phú, câu chuyện cô ta kể nghe lãng mạn như cổ tích. Cứ như thể Lula kéo Rochelle ra khỏi thế giới ảm đạm của nhà trọ St Elmo và những buổi trị liệu, mỗi tuần một lần lại đưa cô ta đến những nơi vui vẻ xa xỉ. Strike để ý thấy Rochelle hầu như không đề cập đến cá tính của Lula, mà chủ yếu kể về cô như là chủ nhân tấm thẻ nhựa thần kỳ, có thể mua được mọi loại túi xách, áo khoác, đồ trang sức, và cả anh chàng Kieran thường xuyên xuất hiện như ông thần đèn, sẳn sàng đem Rochelle đi khỏi St Elmo. Cô ta mô tả kỹ càng, rất tha thiết những món quà Lula đã mua tặng, các cửa hàng hai người thường đến, nhà hàng rồi quầy bar, những nơi toàn người nổi tiếng. Vậy mà dường như không có điều gì gây ấn tượng với Rochelle cả, vì mỗi khi thốt ra một cái tên cô ta lại kèm theo một câu chê bai.
“Thằng đó đểu.” “Con đó giả tạo thấy ớn.” “Mấy người đó chẳng có gì ghê gớm.”
“Cô có gặp Evan Duffield không?” Strike hỏi.
“Nó?” Giọng nhát gừng của Rochelle đầy khinh bỉ. “Nó là thằng khốn nạn.”
“Vậy sao?”
“Ờ, vậy đó. Hỏi Kieran thì biết.”
Dường như Rochelle và Kieran đứng về một phía, hai người duy nhất tỉnh táo nhận ra đám bạn bè khốn nạn dở hơi của Lula.
“Khốn nạn ra sao?”
“Đối xử với Lula chẳng ra quái gì.”
“Như thế nào kia?”
“Bán chuyện của cổ cho báo,” Rochelle nói, với tay bốc chỗ khoai tây chiên còn lại. “Có lần cổ thử hết mọi người. Kể mỗi người nghe một chuyện, để xem chuyện nào bị lộ ra báo. Tui là người duy nhất ngậm miệng lại, còn ai cũng bán cổ hết.”
“Cô ấy thử những ai?”
“Ciara Porter. Thằng Duffield. Rồi cái ông Guy Summy nữa.” Rochelle phát âm chữ “Guy” giống như Strike từng nhầm. “Nhưng rồi cổ nghĩ không phải ổng. Nói là ổng bị gài sao đó. Nhưng mà ổng lợi dụng cổ cũng thua gì ai.”
“Lợi dụng ra sao?”
“Ổng không muốn cổ làm cho ai khác. Muốn cổ chỉ làm cho công ty ổng, để mình ổng nổi tiếng.”
“Vậy là sau khi Lula biết cô ấy có thể tin cô…”
“Ờ, cổ mua điện thoại cho tui.”
Rochelle sựng lại một giây, rồi nói tiếp.
“Để mà khi nào muốn là nói chuyện được liền.”
Cô ta với tay chụp cái Nokia màu hồng, kéo nó một đường trên bàn rồi nhét sâu vào túi áo khoác.
“Vậy thì giờ cô phải tự trả tiền điện thoại nhỉ?” Strike hỏi.
Hắn cứ nghĩ kiểu gì cô ta cũng sẽ đốp chát, chửi hắn nhiều chuyện, nhưng không. Rochelle đáp:
“Nhà cổ không biết họ vẫn đang trả tiền.”
Dường như chuyện này khiến cô ta khá đắc chí, theo kiểu hơi gian manh.
“Áo khoác cũng của Lula tặng à?” Strike hỏi.
“Không,” cô ta gằn giọng, tức tối tự ái. “Tui tự mua. Tui đang đi làm.”
“Vậy hả? Cô làm ở đâu vậy?”
“Mắc gì tới anh?” Cô ta hỏi lại.
“Tôi chỉ hỏi lịch sự vậy thôi.”
Khuôn miệng rộng của Rochelle thoáng nở một nụ cười mong manh, ngắn ngủi. Cô ta dịu lại.
“Tui làm ca chiều trong tiệm gần nhà.”
“Cô đang ở nhà trọ mới hả?”
“Không,” cô ta nói. Strike cảm thấy khó mà dò thêm được. Hắn đổi hướng.
“Chắc cô sốc lắm lúc nghe tin Lula chết?”
“Ờ, sốc,” cô ta nói, dường như không suy nghĩ, rồi sau đó mới nhận ra mình vừa nói gì, vội vã thêm vào. “Tui biết cổ bị chầm cảm, nhưng mà không nghĩ cổ làm vậy.”
“Vậy cô thấy hôm đó Lula không có vẻ gì là sắp tự tử cả?”
“Đâu biết. Tui gặp cổ có chút xíu mà.”
“Lúc cô nghe tin Lula chết, cô đang ở đâu vậy?”
“Trong nhà trọ. Nhiều người biết tôi quen với Lula, Janine đánh thức tui dậy để báo tin.”
“Và ngay lập tức cô nghĩ là Lula tự tử?”
“Ờ. Tui phải đi giờ. Tui đi đây.”
Rochelle dứt dạt, trước khi Strike kịp nghĩ ra thêm cớ để níu cô ta lại. Cô ta loay hoay mặc chiếc áo lông kệch cỡm rồi khoác túi xách qua vai.
“Cho tui gởi lời thăm Kieran.”
“Được rồi. Tôi sẽ nhắn.”
“Bái bai.”
Rochelle lạch bạch đi ra khỏi tiệm ăn, không hề ngoáy nhìn lại.
Strike nhìn theo Rochelle đi ngoài cửa sổ, đầu cô ta cúi xuống, hàng chân mày nhíu lại. Hắn cứ nhìn vậy cho tới khi Rochelle đi khỏi tầm mắt. Trời đã tạnh mưa. Vẻ lơ đãng, hắn kéo khay thức ăn của Rochelle về phía mình và ăn hết mấy miếng khoai tây chiên còn sót lại.
Rồi hắn đứng bật dậy, nhanh đến nỗi cô nhân viên đội mũ lưỡi trai vừa tiến đến dọn bàn giật bắn cả người, nhảy lui lại một bước và khẽ kêu lên. Strike vội vã ra khỏi McDonald, ngược lên phố Grantley.
Rochelle đứng ở góc đường, nổi bật với chiếc áo lông màu hồng đỏ trong đám người đi bộ đang chờ đèn tín hiệu đổi màu. Cô ta nói liên tục vào chiếc điện thoại màu hồng. Strike đuổi kịp Rochelle, hòa vào đám người đằng sau cô ta. Khi Strike khệnh khạng chen vào, người ta liền xích ra để tránh hắn.
“…muốn biết hôm đó cổ hẹn gặp ai… à, với lại…”
Rochelle quay đầu lại nhìn xe cộ và nhận ra Strike đang ở ngay sau lưng. Cô ta thôi áp điện thoại vào tai, bấm nút tắt cuộc gọi ngay lập tức.
“Gì nữa?” Cô ta hỏi, giọng hung hăng.
“Cô gọi ai vậy?”
“Anh lo thân anh đi!” Cô ta giận dữ nói. Những người đang đứng đợi cũng ngoái lại nhìn. “Anh theo dõi tôi hả?”
“Ờ.” Strike đáp. “Nghe này.”
Đèn tín hiệu đổi màu, chỉ có mỗi Strike và Rochelle là không bắt đầu bước đi. Đám người chung quanh chen lên, hối hả sang đường.
“Cho tôi xin số điện thoại của cô được không?”
Đôi mắt bò tót trừng trừng nhìn Strike, vẫn vô hồn, lạnh nhạt và bí hiểm.
“Để làm gì?”
“Kieran nhờ tôi xin số cô.” Hắn nói dối. “Lúc nãy tôi quên mất. Anh ta nói là hình như cô để quên kính râm trong xe.”
Strike không nghĩ là Rochelle tin lời hắn hoàn toàn, nhưng một lúc sau cô cũng đọc số điện thoại, hắn viết lại vào mặt sau tấm danh thiếp.
“Có vậy thôi hả?” Cô ta lại hung hăng. Cô ta đi băng băng đến giữa đường, nơi có chỗ đứng chờ sang đường cho người đi bộ. Đèn tín hiệu lại đổi màu. Strike đi cà nhắc theo sau Rochelle. Cô ta tỏ vẻ giận dữ và bực mình vì hắn cứ bám theo.
“Gì?”
“Tôi nghĩ là cô biết điều gì đó mà không nói với tôi, Rochelle à.”
Cô ta trừng mắt nhìn hắn.
“Cầm lấy cái này,” Strike nói, rút ra thêm một tấm danh thiếp từ túi áo khoác. “Nếu cô muốn kể thêm cho tôi gì nữa thì cứ gọi, được không? Gọi vào số di động đó.”
Cô ta không trả lời.
“Nếu Lula bị giết thật,” Strike lên tiếng, một chiếc xe vừa chạy ngang qua, nước mưa lấp lánh trong rãnh thoát ngay dưới chân hai người, “mà cô biết điều gì đó, cô cũng có thể bị nguy hiểm, thủ phạm có thể quay sang hại cô.”
Câu nói của Strike làm Rochelle thoáng nhếch mép cười, có vẻ tự đắc và coi thường. Rõ là Rochelle không nghĩ cô ta đang gặp nguy hiểm. Cô ta nghĩ mình an toàn tuyệt đối.
Hai người đi bộ khi đèn tín hiệu chuyển màu xanh. Rochelle hất mái tóc khô cứng, gấp gáp qua đường. Cô ta đi đứng lạch bạch, thô kệch, điện thoại nắm bằng một tay còn tay kia giữ chặt tờ danh thiếp. Strike đứng một mình giữa đường, nhìn theo Rochelle, cảm thấy vừa bất lực vừa bất an. Có thể cô ta chưa bao giờ bán câu chuyện của Lula cho báo chí. Nhưng Strike không tin là cô ta mua nổi chiếc áo khoác hàng hiệu trông có vẻ đắt đỏ (mặc dù hắn thấy vô cùng xấu xí) chỉ bằng tiền lương phụ việc bán hàng.